Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 21. GÓC KHUẤT CỦA SỰ CHÂM BIẾM – KHI TRÒ ĐÙA TRÊN MẠNG CÓ TÍNH GÂY HẤN



“Chúng ta thường chán nản mọi thứ trừ việc giễu cợt và vui mừng trước sai lầm của người khác.”

– William Hazlitt, trong The Pleasure of Hating (tạm dịch: Niềm vui của sự ghét bỏ) (1826)

Một lần nọ, khi tiếp xúc với một khách hàng đang lao đao vì một vụ kiện còn trong vòng nghi vấn (một vụ tống tiền trên truyền thông), tôi đã đề nghị nên phản ứng lại bằng cách chấp nhận sự vô lý hơn là chiến đấu chống lại nó. Điều đầu tiên chúng tôi làm là nộp bản cáo trạng bao gồm tất cả các thể loại chi tiết hoàn toàn bình thường nhưng vui nhộn về các nguyên đơn cùng với một số tin đồn hấp dẫn khác. Sau đó, tôi đã gửi cả hai vụ kiện của chúng tôi và bản gốc cho các blogger – và thay vì tố cáo hoặc từ chối bất cứ điều gì thì tôi lại thực hiện một số câu chuyện cười trong bức thư điện tử của mình. Đó là tất cả gợi ý: Hãy vui vẻ chấp nhận các vụ kiện thay vì nghiêm trọng hóa vấn đề.

Hài hước là một phương tiện cực kỳ hiệu quả để tăng lượt xem trang và lan truyền rộng rãi các bài tường thuật. Vì vậy, tôi đã gửi những câu chuyện đơn giản nhất cho các trang blog để họ viết vài thứ và biến toàn bộ mớ bòng bong kia thành câu chuyện châm biếm vui vẻ. Đối với tôi, điều này lại tốt hơn so với việc tổ chức một cuộc thảo luận nghiêm túc về những cáo trạng không đúng sự thật đối với khách hàng của tôi. Thêm vào đó, sau khi trang blog đầu tiên thành công trong việc gây khó khăn cho nguyên đơn (thay vì bị cáo, khách hàng của tôi), tất cả các trang blog khác tiếp tục tham gia và khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Họ đã làm cho nguyên đơn trở thành những tên ngốc nghếch thay cho chúng tôi và lơ là mọi cáo buộc tiêu cực tiềm ẩn trong vụ kiện.

Tôi nhận thấy trường hợp này chính là một kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” vì vụ kiện ban đầu không hề rõ ràng. Cách làm này đã cứu khách hàng thoát khỏi những chỉ trích không công bằng. Tuy nhiên, nó cũng khiến tôi bất ngờ nhận thấy thật dễ dàng như thế nào để sử dụng những bình luận giả tạo để đánh lạc hướng các phương tiện truyền thông và thay đổi bản chất của câu chuyện. Việc khuyến khích châm biếm sẽ rất hiệu quả, kể cả những sự việc không có thật cũng như có thật đã xảy ra. Và chúng ta thật sự không thể kiểm soát được điều gì.

Mặc dù nó đã tạo ra lợi thế cho chúng tôi trong lần này nhưng tôi đã nhìn thấy sự thôi thúc chế nhạo và châm biếm đáng kinh ngạc ấy cũng gây ra những mất mát không nhỏ cho khách hàng. Tôi chắc chắn rằng điều này nghe có vẻ lạ lùng vì những điều hài hước có vẻ như không có lỗi. Nó chỉ có vẻ như vậy cho đến khi bạn nghe một khách hàng nói rằng một blogger đã hiểu sai vấn đề khi đùa giỡn như vậy. Hoặc bạn sẽ khoa tay múa chân trên một số trang tin mạng về một lời buộc tội chống lại một ai đó nói rằng, một chính trị gia có một cuộc tình và sau đó các trang blog, các độc giả và nghệ sĩ hài sử dụng những chất liệu này để tạo ra các câu chuyện hài hước giả tạo. Cách họ nhìn nó, việc chứng minh cáo trạng đó có thật hay không không phải việc của họ. Họ là những nghệ sĩ giải trí. Toàn bộ nguồn gốc sự việc được hiểu biết sơ sài hoặc không chính xác sẽ dễ làm lạc hướng một khi những câu chuyện đùa cợt được tạo ra. Tất cả những vấn đề xảy ra là mọi người lại đang nói về nó. Và một khi các trang blog làm được điều này, họ sẽ không dừng lại. Không hề cho đến khi vấn đề trở thành chuyện tầm phào.
NHẬN RA SỰ CHÂM BIẾM

David Denby, nhà phê bình của The New Yorker, đã tiến gần nhất đến việc xác định đúng sự châm biếm trong cuốn sách của ông với tựa đề Snark: It’s Mean, It’s Personal, and It’s Ruining Our Conversation (tạm dịch: Sự châm biếm thật tầm thường, thật cá nhân và nó đang hủy hoại cuộc sống của chúng ta). Tuy ông đã không hoàn toàn thành công, nhưng ý kiến “sự châm biếm đã cố gắng cướp đi khoái cảm, xóa đi hào hứng khiến người ta trở nên vô cảm (với) những lời sỉ nhục dơ bẩn, quỷ quyệt, ấu trĩ và phiền hà – sau đó trở thành cơ sở cho những thành kiến của đám đông” đã được đón nhận.

Định nghĩa của tôi có chút đơn giản hơn: Bạn biết bạn đang đối phó với sự châm biếm khi cố gắng trả lời một bình luận và nhận ra rằng bạn chẳng có gì để nói. Lời nhận xét không có ý gì cả mặc dù nó vẫn gây đau đớn, còn người nói thì không đủ quan tâm đến những gì họ đã nói ra hay bất cứ điều gì khác cho phép bạn phê bình lại họ. Nếu tôi gọi bạn là một đứa đê tiện ngu ngốc, bạn sẽ làm thế nào để bảo vệ mình mà không làm cho chuyện này tồi tệ hơn? Bạn không thể làm gì đâu.

Tuy nhiên, bản năng đầu tiên của nạn nhân bị châm biếm là biện minh với đám đông: “Này, điều đó không đúng sự thật đâu! Họ đang bịa chuyện đó!” Hoặc đánh vào lòng nhân đạo của người viết bằng cách liên hệ với tư cách cá nhân để hỏi: “Tại sao lại làm thế với tôi?” Tôi luôn cố gắng để động viên các khách hàng này. Tôi nói với họ, tôi biết điều này gây tổn thương nhưng bạn không thể làm gì được lúc này. Nó giống như môn võ Judo của Nhật Bản: Năng lượng bạn tạo ra để bảo vệ bản thân sẽ chống lại bạn và làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thành công. Một lần, khi ở giữa một số cuộc tranh luận vô lý, Dov tuyên bố rằng bất cứ ai thật sự tin vào một sự châm biếm nào đó có thể gọi vào số điện thoại di động của anh ta để trao đổi trực tiếp. Tất cả các trang blog đã làm vài trò vui khác biệt khi đăng tải số điện thoại di động của vị giám đốc điều hành này lên mạng và tạo ra khoảng một nghìn cuộc gọi để trêu chọc.

Việc châm biếm có thể sinh lợi và tạo sự dễ dàng cho các trang blog. Đó là thiết bị hoàn hảo cho những người không có gì để nói, nhưng buộc phải trò chuyện để kiếm sống. Sự châm biếm là dầu nhờn bôi trơn các bánh xe của trang mạng. Việc thảo luận các vấn đề sẽ mất khá nhiều thời gian và nhận thức mà các trang blog không có. Đó là phong cách họ lựa chọn vì nó là cú nhấp chuột thân thiện, rẻ tiền và nhanh chóng.

Các blogger thích che giấu sự châm biếm trong các tính từ và kéo toàn bộ cuộc đời một người xuống chỉ bằng vài từ ngữ. Bạn sẽ tìm thấy nó trong những kiểu so sánh vô nghĩa, như Obama là “người thỏa hiệp tối cao”. Jennifer Lopez là Hennifa Yopez. Dov Charney là gã hư hỏng và sống trong sự “thủ dâm”. Jennifer Love Hewitt tăng được một vài cân và trở thành Jennifer Love Chewitt. Tucker Max thích cưỡng dâm. Những từ ngữ này có ý nghĩa gì? Tại sao các blogger sử dụng chúng? Những cách thức này trông có vẻ như không hề tiềm ẩn ý định gây tổn thương quá nhiều bằng việc công kích trực tiếp. Không làm nhục người khác nhưng lại dễ gây nhầm lẫn. Không làm cho mọi người cười vui mà làm cho họ cười khẩy hoặc cười khoái trá. Để tiêu diệt người khác mà không cần nỗ lực.
CHÂM BIẾM TRONG HÀNH ĐỘNG: VŨ KHÍ HIỆU QUẢ NHẤT

Bạn có thể thấy sự châm biếm (và các vấn đề của nó) được thể hiện rất rõ ở Nikki Finke, một blogger khét tiếng của Hollywood và chương trình trao thưởng “Châm biếm trực tiếp” hằng năm của Hollywood, đồng thời được đăng tải trên trang DeadlineHollywood. Có một năm nọ, chương trình trao thưởng “Châm biếm trực tiếp” đã liên tục nhận đầy những lời chỉ trích rằng chương trình là “đồng tính” vì nó có quá nhiều các tiết mục ca hát và nhảy múa. Buồn cười mà, phải không? Chắc chắn đây là đỉnh cao của bộ môn hài kịch sắc sảo. Sau nhiều lần nhắc lại đây là “chương trình trao giải thưởng điện ảnh đồng tính nhất chưa từng có”, Finke quay lại và chửi bới sự lựa chọn của học viện khi trao tặng diễn viên hài Jerry Lewis giải thưởng nhân đạo vì những chuyện hài “nói xấu những người chống lại đồng tính” mà anh ta nói trong chương trình từ thiện của mình và quyên góp được hơn 60 triệu đô-la cho bệnh nhân bị teo cơ. Cô ta viết: “Nhân đạo cái khỉ khô!” Tốt lắm, Finke.

Đây là sự châm biếm ở dạng nguyên thủy nhất của nó: mạnh mẽ, tập hợp đầy đủ tính công bằng của những thứ nhận xét vô nghĩa. Finke đã tự đùa cợt về người đồng giới trong những câu chuyện hài của mình vài phút trước, nhưng cô ấy không phải là một kẻ đạo đức giả, cô ấy vượt trội hơn Lewis, mặc dù anh ta thật sự không làm biếng và biết giúp người. Theo cách đó, việc châm biếm như một phép màu. Bạn có thể thấy lý do tại sao các blogger thích sử dụng nó.

Denby nói rằng sự châm biếm là một nỗ lực để “phá hoại thành quả của một ai đó”. Vâng, đó chính xác là những gì đã xảy ra với Scott Adams, tác giả lừng danh của bộ truyện tranh biếm họa Dilbert. Ngoài đông đảo khán giả mà ông đã có thông qua bộ truyện tranh của mình, Adams đã trở thành một blogger trực tuyến danh tiếng vì những ý kiến đầy tranh cãi. Bằng tất cả thành tựu có được, ông ấy tận dụng uy thế này như để cố tình khuấy động mọi người lên qua các bài viết không chính xác về mặt chính trị. Ông yêu thích sự chú ý và lượt xem mà các trang blog đem lại cho ông.

Sau đó, vào năm 2011, Adams xuất bản một loạt các bài viết trên trang blog của mình về những giới hạn xã hội được cho là không công bằng, áp đặt liên quan đến tình dục và giới tính. Mặc cho ông đã suy nghĩ một cách cẩn thận đến tội nghiệp thì bài viết của ông cũng không phải là một chủ đề mới. Nhiều người – từ các nhà cải cách sinh học vì nữ quyền cho đến các nghệ sĩ hài – đã quy cho các vấn đề xã hội là sự phản bội và bạo lực dẫn đến những cảm xúc dồn nén ở phái nam và di truyền những điều này qua nhiều thế hệ. Nhưng các trang blog háu tin vẫn đang trực chờ ở đó và khiến cho Adams phạm phải sai lầm khi đụng chạm vào đề tài này. Ông đã tự đặt mình vào đối tượng bị châm biếm.

Bởi vậy, ý tôi là ông ấy đã trở thành một nạn nhân của sự tàn nhẫn, của những cuộc tấn công cay độc. Theo Jezebel, bài viết của Adams tốt nhất nên được diễn giải như sau: “Bây giờ tôi sẽ bộc lộ niềm tin sâu sắc đầy xấu xa đang tồn tại trong tôi.” (Tạp chí Bitch đã cắt giảm một cách giả tạo như sau: “Scott Adams, kẻ gieo rắc xấu xa”). Hoặc như một trang khác bắt đầu, “Chúng ta hãy kiểm tra với ông bạn già của chúng ta, Scott Adams – tác giả của truyện tranh Dilbert, cư dân cũ của thành phố Seattle và là kẻ điên khùng mê sảng đã dành cả ngày làm người bạn tốt nhất của chính mình. Vậy bây giờ cái kẻ gàn dở điên khùng này đang nói về chuyện gì? Hiếp dâm? Chia sẻ về dương vật à? Điều này nên được làm rõ.”
Adams đã nói vài điều ngớ ngẩn nhưng ông không hề nói bất cứ điều gì có thể gọi là xấu xa. Ông bị cáo buộc là ủng hộ hành vi hiếp dâm. Ông bị người ta trích dẫn sai và bị làm giả ngay lần đầu tiên một cách hài hước và sau đó trong một vụ việc xúc phạm nghiêm trọng. Một kiến nghị mang tên “Hãy nói với Scott Adams rằng cưỡng hiếp một người phụ nữ không phải là bản năng tự nhiên” đã được bắt đầu và nhận được hơn 2 nghìn chữ ký trên mạng.

Các phản ứng hoàn toàn mất kiểm soát và áp đảo Adams. Đầu tiên, ông đã cố gắng để xóa bài viết của mình nhưng điều đó chỉ gây sự chú ý nhiều hơn. Sau đó, ông liên tục cố gắng để bảo vệ bản thân và làm rõ những gì ông muốn biểu đạt. Như tôi đã nói với khách hàng của tôi, hành động này tương đương với một tiếng khóc the thé trên sân chơi, kiểu như: “Tại sao mọi người lấy tôi ra làm trò đùa?” Cho dù nó xảy ra ngay trước mặt các trang chuyên châm biếm hoặc một gã côn đồ chuyên bắt nạt ngoài đời, kết quả đều như nhau, tức là: Mọi người ngày càng thích thú lấy bạn ra làm trò đùa.

Vì vậy, nó đã khiến Scott Adams không còn nổi tiếng như một nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa định hướng các thế hệ mà trở thành một anh hề và một kẻ ủng hộ việc hiếp dâm phụ nữ. Tất cả mọi thứ ông ấy làm trong hiện tại trở thành cơ hội thuận lợi cho các trang liên kết các độc giả để mang lại sự vui nhộn của họ, để nhắc lại những câu nói đùa tương tự và để lặp lại những cáo buộc giống như vậy. Đó là cái hố mà Adams không thể tự mình thoát ra.

Nếu tôi được tư vấn cho Adams, tôi sẽ nói với ông ấy rằng sự nổi tiếng trên mạng chính là con dao hai lưỡi. Nói cách khác, tôi sẽ khuyên ông ấy cúi xuống và im lặng trước mọi sự châm biếm. Và sau đó tôi sẽ xin lỗi. Tôi sẽ nói với ông ấy rằng toàn bộ hệ thống này đang bị mục ruỗng, trở nên độc ác và tôi cảm thấy rất tiếc khi ông ấy trở thành nạn nhân của nó. Nhưng không gì có thể ngăn cản nó được đâu.

SỰ CHÂM BIẾM LÀ GIẢ DỐI VÀ TRỐNG RỖNG

Không ngạc nhiên khi nhiều blogger bảo vệ sự châm biếm. Theo Adam Sternberg của tạp chí New York, những lời chỉ trích chuẩn mực về sự châm biếm hoàn toàn sai vì sự châm biếm thực sự là một điều tốt. Ông ấy viết rằng: “Khi không có ai – từ chính trị gia đến chuyên gia – nhận xét về những gì ông ấy thật sự đề cập thì sự mỉa mai trở thành sự tự ghép hợp lý. Tương tự như vậy, sự châm biếm, mỉa mai của người ích kỷ trở nên phổ biến trong thời đại của cách nói bóng gió và ngu ngốc thay vì ít được nói ra ở những nơi khác. Sự châm biếm không phải là một tiếng còi nhàm chán mà nó là cuộc gọi oang oang của sự phẫn nộ thất vọng.”

Để khái niệm “sự châm biếm thật sự tốt” được giải thích rộng rãi, sẽ có một cách hiểu. Tất nhiên sự châm biếm sẽ gây mất lòng và thất vọng, đúng không? Giả sử, sai lầm này là do các trang đang kêu gọi sự thay đổi hoặc đề xuất một giải pháp. Không có “tiếng gọi của sự phẫn nộ thất vọng” đáng ngưỡng mộ nào cả; nó chỉ là sự la hét cho lợi ích của việc nhận số lượng nhấp chuột và nâng cao hình ảnh cá nhân họ mà thôi. Đó là một cách viết rẻ tiền không cần suy nghĩ trong khi nghe có vẻ thông minh. Có một luận điểm thật vô lý cho rằng, lý do thực sự để các blogger biến mọi thứ thành trò vui vì họ hy vọng điều đó sẽ thay đổi mọi thứ.

Sự châm biếm thực chất mang tính phá hoại. Nó phá vỡ mọi thứ chứ không mang tính xây dựng. Không có chính trị gia nào lại đi trả lời một câu nói đùa về chính sách mâu thuẫn với vị trí của mình hoặc chính sách mị dân và chắc chắn không phải về cân nặng hay kiểu đầu đinh của họ bằng cách nói: “Bạn biết sao không? Họ nói đúng! Tôi sẽ thay đổi ngay bây giờ!”

Nếu việc châm biếm đã thật sự thay đổi, sau đó các blogger sẽ cần phải thật sự tin vào những gì họ đang nói ẩn dưới sự hài hước. Nó sẽ không thay đổi từ ngày này sang ngày khác, chúng tôi mong đợi tìm thấy sự nhất quán trong lời chỉ trích của họ, giống như điều chúng tôi đã làm với người châm biếm xuất sắc như Jon Stewart. Nhưng chúng tôi chẳng nhận thấy gì cả.

Một ví dụ từ kinh nghiệm cá nhân của tôi: Sau nhiều năm nói đùa rằng Dov Charney là một kẻ hiếp dâm, một doanh nhân thất bại, một thằng ngốc, một con quái vật, một kẻ thao túng cổ phiếu và một triệu thứ khác, trang Gawker lại mời ông ấy và American Apparel tham dự Giải thưởng Fleshbot thường niên mùa đầu tiên để nhận phần thưởng Nhà quảng cáo hấp dẫn nhất. Tucker Max, người mà Gawker đã buộc tội phỉ báng tương tự, cũng được mời. Tại sao họ lại mời và thưởng cho những người mà họ thường xuyên chế giễu nhiều như vậy? Tôi nghĩ một phần của việc này là vì Gawker tin rằng tất cả chúng ta đều nghiện việc cho con quái vật ăn và nó khiến chúng ta sẽ phải chịu sỉ nhục chỉ để có được nhiều sự chú ý hơn một chút. Tucker bảo họ cút xéo ngay, điều khiến tôi thấy rất tự hào.

Tôi đến tham dự để nhận giải thay cho Dov (hoàn toàn cho mục đích thăm dò) . Tôi đã bị sốc khi khám phá ra các blogger – những người đã nói những điều tồi tệ lại trở nên thân thiện và thông minh như thế nào. Sau đó, sự việc này thức tỉnh tôi: Họ không giống như bất cứ điều gì họ viết. Tất cả chỉ là một trò chơi. Nếu Dov không phải là một mục tiêu lý tưởng, họ sẽ nói những điều rắc rối tương tự về một người nào khác. Sau đó, trang Gawker thậm chí viết thư điện tử cho tôi để hỏi xem liệu chúng tôi có tài trợ cho chương trình năm tới hay không. Lời lẽ của họ như muốn nhắn nhủ với tôi rằng: “Chúng tôi vui mừng chọn con mồi khác nếu anh là bạn của chúng tôi.”

VẤN ĐỀ Ở ĐÂY LÀ GÌ?

Dù thế nào đi nữa, việc tranh luận này đã chấm dứt, ngay cả khi đó không phải là đạo đức giả. Các phản ứng thích hợp cho sự giả tạo không phải chỉ là để ném đá vào cửa sổ cung điện một cách vô ích mà là nói rõ vấn đề một cách mạch lạc và liên tục với các tổ chức chi phối. Để ủng hộ chứ không đơn giản là chống lại. Nhưng các blogger của thế hệ này, thế hệ chúng tôi, không phải là những người như vậy. Họ không phải là nhà lãnh đạo. Họ thiếu sức mạnh và năng lượng để làm bất cứ điều gì về “thời kỳ nói bóng gió và ngu ngốc”. Tất cả những gì còn lại chỉ là sự chế nhạo.

Sự châm biếm cung cấp một lối thoát cho sự thất vọng của họ. Thay vì phân chia năng lượng của họ cho các phương tiện sản xuất, sự châm biếm sẽ xua tan nó bằng cách ném mình ra chống lại bất cứ điều gì mạnh mẽ hay thành công. Nếu bạn đủ lớn để tiếp nhận những cú đánh, họ nghĩ rằng, bạn xứng đáng với họ.

Đối với những người bên ngoài không được tiếp cận với điều này, việc châm biếm là nơi nương náu duy nhất của họ. Và các blogger sẽ được lựa chọn làm trạm kiểm soát. (Một phần dư thừa của câu chủ đề là có thật: “Tin tức Thể thao mà không cần truy cập…”) Họ chỉ có thể giả tạo, khinh miệt, nói dối và phá vỡ mọi thứ.
Họ không thể phục vụ độc giả của họ, vạch trần tham nhũng, hoặc hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân. Các blogger đang bất mãn, giận dữ và phương tiện truyền thông của họ cho phép họ bộc lộ sự giận dữ đó.

Một nhà báo sắc sảo tại Đại học Columbia, người đã thấy qua bản lĩnh giả tạo của các trang blog, sự bạo dạn giả định và giá trị xã hội trong việc đâm chọc từ phía đường biên, đã nhận xét như sau:
Châm biếm không phải là phản ứng của “quần chúng” đối với những lời nói bóng gió ngớ ngẩn của các chính trị gia. Đó là một cơ chế bảo vệ cho các tác giả khi không có gì để nói. Họ vô cùng kinh hãi vì bị chỉ trích hay chế nhạo. Cách viết châm biếm phản ánh một sự sợ hãi cơ bản, đó là sợ bị cười nhạo. Người viết châm biếm không muốn bị nhạo báng, do đó, họ tấn công trước bằng cách chế giễu bất cứ ai trong tầm ngắm[1].

Có một lý do mà người yếu thế bị đem ra châm biếm trong khi người mạnh lại dễ dàng nói những gì họ muốn nói. Việc châm biếm làm cho người nói cảm thấy một nguồn sức mạnh mà tự bản thân họ biết mình không thể có được. Nó tạo vùng an toàn cho họ và khiến các tác giả cảm thấy như mình đang kiểm soát vấn đề. Sự châm biếm là khu vực lý tưởng đầy trí tuệ. Nó có thể chỉ trích, nhưng không thể bị chỉ trích.

Hãy xem xét trường hợp Nikki Finke một lần nữa. Mọi người nhận xét cô ta là người rỗng tuếch và cực kỳ nhạy cảm. Cô ta yêu cầu người đứng đầu phòng thu trả cho cô ta sự tôn trọng xứng đáng (ẩn dưới là sự đe dọa ngụ ý sẽ đăng tin xấu) và cô ta đã tập hợp rất nhiều vụ kiện dân sự từ những việc tầm thường nhất (E*TRADE đã trả 7,5 triệu đô-la cho việc ghi âm cuộc gọi điện thoại mà không có cảnh báo “cuộc gọi này có thể được ghi lại”; một đại lý xe hơi với các điều khoản bảo hành mở rộng của Finke; trang Hollywood Reporter bị cho là ăn cắp ý tưởng câu chuyện của cô ta; và theo đối thủ và đồng nghiệp của cô ta, Sharon Waxman, cho biết một khách sạn đã làm cho cô ta bị ngộ độc thực phẩm). Cô ta hiếm khi rời khỏi nhà của mình và tự kiềm chế tất cả các lần xuất hiện công khai. Cô ta cố tình thực hiện để chắc chắn rằng chỉ có một bức ảnh của cô ta trên mạng và nó đã rất cũ. Rõ ràng Finke là người cực kỳ bất an và đau khổ.

Khi để cô ta đứng trên bục nhận giải, chúng tôi sẽ có gánh nặng tư tưởng xuất hiện kèm theo. Và điều này sẽ hạ bệ một ai hoặc một nhóm không ngờ vực bằng tất cả sức mạnh từ sự ghê tởm và ghen ghét có sức đè bẹp khủng khiếp. Có thể một trong những nhà sản xuất của “giải Oscars dành cho người đồng tính chưa từng có” sẽ phản ứng bằng cách nói rằng chẳng lẽ cuộc tấn công của Finke rõ ràng đến từ một nơi như vậy sao? Không, bởi vì sau đó họ sẽ “cáu kỉnh”, “không biết hài hước” hay “già cỗi”. Chúa Trời cấm họ phạm một lỗi trong phần trả lời – vì khi đó nó sẽ lan ra khắp nơi.

Theo kinh nghiệm của tôi, mọi việc chưa kết thúc với Nikki Finke. Các blogger thể thao rõ ràng ghen tị với khả năng thể thao và sự nổi tiếng của các chuyên gia mà họ đăng tin; các đánh giá album của trang Pitchfork là những nỗ lực buồn chán khi các tác giả phô ra bao nhiêu từ ngữ to tát mà họ biết; những cây viết của trang Gawker cay đắng than thở rằng một số người trở thành ngôi sao hay có vai vế trong xã hội một cách dễ dàng trong khi họ phải làm việc kiếm sống. Tất nhiên, những người như tôi không bao giờ dùng những câu từ kiểu này để trả lời – “Này! Gã đó cũng là người thôi. Gã ta hay làm rối tung mọi chuyện và là một kẻ đạo đức giả!” Cái câu “họ chỉ ghen tức” là quá nhàm chán để dùng như một lời giải thích (ngay cả khi đó là sự thật) và do đó, sự châm biếm có chỗ đứng. Để phản ứng lại trong trường hợp này, chỉ cần đơn thuần là làm lộ nhược điểm một lần nữa để chứng minh rằng bạn là người dễ bị tổn thương và dễ làm mọi chuyện trở nên om sòm.

Đây là lý do tại sao các trang blog thích gọi mọi người là những kẻ xấu xa[2]:

Kẻ xấu xa hằng ngày của bạn: Phiên bản John Mayer (PerezHilton.com)

Trong khi đó. . . McCain giấu kỹ nhân khẩu học xấu xa nổi tiếng của mình (The Huffington Post)

MGMT là một ban nhạc xấu xa? Mà có vấn đề gì không? (The Huffington Post)

Bud Selig trông thật tệ hại trong giới bóng chày, một kẻ xấu xa (SB Nation)

Allthis, “kẻ xấu xa” trên mạng, đáp trả lại những tranh cãi (VentureBeat)

Andrew Breitbart: Cái chết của một kẻ xấu xa (blog Rolling Stone)

Để được gọi là kẻ xấu xa thì cần có những tính cách mà cả xã hội quan tâm và ghen ghét nhưng không thể xác định chúng là gì. Đó là một cách để loại bỏ hoàn toàn ai đó mà không cần biết bằng cách nào hoặc vì lý do gì. Chỉ cần trang blog nào đó nói bạn là một kẻ ngốc, tất cả mọi người sẽ nghĩ như vậy. Đó là sự sỉ nhục cao nhất, bởi nó tước mất của người nhận sự ủy nhiệm được thực hiện nghiêm túc.

Roger Ebert gọi việc châm biếm là “hành vi phá hoại văn hóa”. Ông ấy đã đúng. Sự châm biếm làm cho văn hóa trở nên bất khả thi, hay đúng hơn, nó tạo ra những điều kiện khiến văn hóa từ có thể thành không thể. Nghiêm túc, trung thực, dễ bị tổn thương là những mục tiêu của sự châm biếm. Ebert viết rằng: “Chức năng của việc châm biếm như một thiết bị trừng phạt sự tự nhiên, lập dị, không phù hợp và mắc lỗi đơn giản của con người. Mỗi người đều đang được châm biếm theo hàng.” Tuy nhiên, thậm chí Ebert cũng không thể cưỡng lại sự cám dỗ để châm biếm về cái chết bi thảm của ngôi sao Jackass là Ryan Dunn[3]. Trên Twitter, với hành động giả bộ gào thét làm bước đệm, Ebert đã viết: “Bạn bè không để bị lừa uống rồi lái xe.” Sau đó, ông đã xin lỗi về những lời lẽ của mình nhưng tôi nghi ngờ rằng điều này sẽ không hề làm cho gia đình hoặc bạn bè của Dunn cảm thấy tốt hơn tí nào.

Nhận xét của ông ấy thể hiện theo đúng tiến trình một cách tuyệt vời. Đối với trò đùa châm biếm của mình, Ebert đã hân hoan chịu trừng phạt bởi đám đông giận dữ trên mạng – những người đã quay ngược trở lại làm tổn thương cảm xúc của ông. (Họ bỏ lơ việc Ebert đang quay trở lại làm tên bợm nhậu và có thể cũng sẽ ra đi) . Tin tặc đã tạm thời xóa bỏ trang Facebook dành cho người hâm mộ của ông ấy và các bình luận thứ hai tính từ lời xin lỗi nằm ở trên cùng mà ông ấy đang bị tống tiền ghi là: “Vui mừng vì trang Facebook của bạn đã biến mất!… giống như sự nghiệp của bạn vậy.” Vậy là người đi châm biếm lại bị châm biếm trở lại.

Như Scott Adams nói sau đó trong một cuộc phỏng vấn: “Ý tưởng là nhiên liệu của xã hội. Tôi khoan nhiều giếng; hầu hết trong số chúng là khô cạn. Thỉnh thoảng chúng có nước. Thỉnh thoảng giếng còn thét ra lửa.” Những gì Jezebel đã làm với cơn giận dữ và châm biếm của họ đã tiêu diệt sự tự do của quá trình đó. Họ không chỉ đơn giản là tấn công Adams bằng việc yêu cầu các báo ngừng xuất bản truyện tranh của ông ấy mà cú bóp cò nghiệt ngã cuối cùng đối với ông ấy chính là: Họ biến ông thành trò cười.

Nếu ý tưởng gây tranh cãi là nạn nhân của việc châm biếm, vậy ai sẽ là người được lợi từ nó? Ai là người không bận tâm về nó? Ai là người yêu thích nó? Câu trả lời rất rõ ràng: Đó là những người không có gì để mất. Những người cần được nói đến ở đây cũng giống như những ngôi sao truyền hình thực tế thèm khát sự chú ý. Những điều bạn nói không làm tổn thương dàn diễn viên của Jersey Shore. Họ cần bạn nói về họ, sỉ nhục họ và biến việc họ làm thành trò vui. Họ không có uy tín để làm hỏng nó mà chỉ muốn có thêm tai tiếng để đạt được nó thôi.

Vì vậy, những người phát triển mạnh dưới cái bóng của sự châm biếm chính xác là những người mà chúng ta muốn họ biến mất và những người chúng tôi coi trọng nhất, những người cống hiến một cách có văn hóa lại ẩn nấp ở phía sau căn phòng và hy vọng không bị chú ý hay tổn thương. Những thành phần trung gian có lẽ không có cũng không sao. Sự châm biếm cổ vũ cho sự giả dối và ngu ngốc mà đáng lẽ, đó phải là những thứ bị châm biếm.

Một lần tôi đã nhìn nhận châm biếm như một cơ hội để biến những câu chuyện đó thành bài tường thuật trên truyền thông một cách rẻ tiền. Nhưng tôi đã bị nó đả kích và nhìn thấy đủ vẻ bề ngoài của những nạn nhân với khuôn mặt choáng váng, đồng thời biết điều này chẳng đáng một chút nào cả.

[1]. Philip Petrov, “Tại sao các sinh viên đại học – và Bwog – lại thông minh đến vậy?”, chỉnh sửa lần cuối ngày 8 tháng Ba năm 2009. http://www.columbiaspectator.com/2009/03/08/why-are-college-students-and-bwog-so-clever – TG.

[2]. Gawker đã tổ chức một cuộc bầu chọn cho người dùng (xem: sự kiện dàn dựng) để vinh danh Kẻ xấu xa của thập kỷ vào năm 2010. Hóa ra tôi đã từng làm việc hoặc tư vấn cho 3/10 người vào vòng chung kết. Rõ ràng tôi đã cho những kẻ xấu xa đó một thứ mà tôi thậm chí còn không biết – TG.

[3]. Ryan Dunn là một diễn viên đóng thế cho các nghệ sĩ. Ông và một người bạn đã chết trong một vụ tai nạn ô tô. Sau đó, cảnh sát đã phát hiện có hơi men trong người ông lúc xảy ra tai nạn– BT.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.