Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy
PHỤ LỤC B
Ngoài phần đọc thêm được đính kèm trong phiên bản bìa cứng cuốn Tin tôi đi, tôi đang nói dối đấy!, tôi muốn cập nhật cho cuốn sách bìa mềm thêm một số bài báo nổi tiếng mà tôi đăng trực tuyến trước và sau khi xuất bản về những sự kiện của thế giới thực được phân tích qua lăng kính của sự thao túng truyền thông. (Thật mỉa mai, những bài báo này đều được đăng trên một số trang blog mà tôi chỉ trích – vì bài viết của tôi thu hút nhiều lượt truy cập). Là một nhà bình luận, phê bình truyền thông và một biên tập viên đa năng của tờ The New York Observer, giờ đây tôi đã định hướng được nơi sẽ tiếp tục công trình nghiên cứu về truyền thông và những người quản lý truyền thông. Một số tác phẩm nổi trội của tôi đã được xuất bản tại đây và tôi hy vọng chuyên mục sẽ bổ sung cho bạn những hiểu biết về các vấn đề lần đầu được khớp nối trong cuốn sách này.
TỔ CHỨC HÒA BÌNH XANH ĐÃ THAO TÚNG TRUYỀN THÔNG MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP RA SAO – PHÂN TÍCH TRÒ CHƠI KHĂM CỦA CÔNG TY SHELL OIL
Forbes.com
Ngày 15 tháng Sáu năm 2012
Bạn biết đấy, thao túng truyền thông là trò phổ biến, ngay cả tổ chức Hòa bình Xanh cũng tham gia[1]. Không còn cách nào khác để miêu tả trò chơi khăm “Arctic Fail” mà tổ chức này đã thực hiện vào đầu tuần này. Đó là sự thao túng truyền thông theo đúng nghĩa. Có thể nó được làm vì những lý do cao cả nhưng cũng không thể thay đổi được sự thật đáng chú ý là họ đang thao túng các phương tiện truyền thông bằng cách tạo ra một vụ tai tiếng giả mạo và nói dối về nó để được đưa tin nhiều hơn.
Với những ai đã từng xem đoạn băng Arctic Fail tràn lan trên mạng nhưng chưa nghe về nó thì sẽ cho rằng clip đó được dàn dựng[2]. Trong đoạn băng có một máng rượu trong bữa tiệc có hình thù giống thiết bị dẫn dầu, làm hỏng và biến phong cách trang trí xinh xắn kiểu Alaska thành cơn ác mộng của nhiều khán giả. Nhưng do sự lan truyền của các bản tin trên truyền thông, nó được tin là thật và toàn bộ cộng đồng ảo đều vui mừng cười nhạo cách chi tiêu của Shell.
Từ đó, tôi suy ra kết luận như sau:
Yes Men, một nhóm các nhà hoạt động tinh nghịch mà tổ chức Hòa bình Xanh trả tiền để làm ra đoạn băng trên. Trong đoạn băng đó, nhân vật chính là một thành viên nổi trội của phong trào Occupy Seattle (tạm dịch: Chiếm đóng Seattle). Sau đó, Occupy Seattle tải đoạn băng mà họ biết là giả này lên trang mạng của họ và tuyên bố rằng nó là thật. Sau đó, đoạn băng trên nhanh chóng được các báo khai thác và đưa tin, từ TreeHugger tới Gizmodo và tờ báo địa phương của Seattle. Nó đạt gần 500 nghìn trong số 700 nghìn lượt xem vào ngày đầu tiên. Để làm nó trông giống như thật hơn, những người tham gia còn thay mặt công ty Shell đưa ra những thông báo mang tính pháp lý giả để đe dọa các blogger đã đăng bài về câu chuyện[3].
Bản thân tôi đã từng quản lý vài người tinh nghịch đó. Tôi thừa nhận với bạn rằng, thỉnh thoảng các nhà báo thật khó khăn khi phải đề phòng những người thiếu trung thực hoặc những thủ đoạn tinh vi của họ. Nhưng tôi cũng có thể nói với bạn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi rằng, chẳng có ai thực sự cố gắng cả. Tại sao vậy? “Hớt váng” và đăng lại tin tức là sở trường của giới blogger. Chi phí thấp, nhanh chóng và không bao giờ có mặt tiêu cực từ việc phá hủy một câu chuyện suy đoán. Điều quan trọng là nó thu hút được nhiều lượt xem cho các trang blog (điều này dẫn đến việc tăng doanh thu quảng cáo). Như trang Seattle Post-Intelligencer viết trong lần đăng thứ hai của họ về câu chuyện này: “Chắc chắn rằng đoạn băng trên là một trò đánh lừa tinh vi – quá tinh vi. Và, quả là, chúng ta thật ngốc. Thật đáng hổ thẹn, hổ thẹn với chính bản thân mình[4].”
Thật ư? Nó tinh vi thật sao? Bởi vì với tôi, điều đó tương đối hiển nhiên và có vẻ như các nhà báo nên bớt cả tin hơn. Điều quan trọng hơn là, tôi không thấy sự hổ thẹn ở đây, không một lời xin lỗi chân thành, không một bình luận mới hướng tới những chuẩn mực khắt khe và không một sự phê phán thực thụ. Thay vì xấu hổ và bị bẽ mặt bởi một sai lầm do cẩu thả, giới truyền thông liên quan tới vụ này lại viện tới sai lầm truyền thống: Giờ đây câu chuyện xoay quanh việc trò chơi khăm đó đã diễn ra như thế nào.
Hãy lấy Gawker làm ví dụ. Một trong những trang blog của nó là Gizmodo bị dính vào trò chơi khăm này và kiếm được 30 nghìn lượt xem trang cho câu chuyện được tìm kiếm một cách đơn giản của nó[5]. Sau đó, Gawker tiếp tục sau khi trò tinh nghịch này bị phát giác cùng tiêu đề bài báo “Đoạn băng tràn lan về thảm họa bữa tiệc của Shell Oil là giả, thật không may” và kiếm được 90 nghìn lượt xem trang nhờ đó[6].
Từ quan điểm của họ, thật khó mà biết điều không may mắn trong chuyện này là gì. Nó đã kiếm được số lượt xem trang cao gấp ba lần dù là giả, không phải là thật. Đó là bí mật bẩn thỉu của loại hình báo chí lặp lại, hời hợt, xuất bản trước – kiểm tra sau. Các trang blog ngốc nghếch chả có gì để mất bởi họ có rất ít sự tín nhiệm để mà sợ mất. Trên thực tế, theo như mô hình thu nhập của họ, đó là một thành công có lợi vì họ làm được hai tin từ một sự kiện mà thực ra chả tin nào đáng giá (đầu tiên, họ đưa tin giả như là tin thật, sau đó lại cố gắng lấp liếm sai lầm bằng một câu chuyện về việc trò chơi khăm đó phát triển như thế nào).
Tại sao nó không ổn?
Tôi tưởng tượng ra rằng, phản ứng của phần lớn mọi người là: “Ai thèm quan tâm chứ?” Ở chừng mực nào đó, tôi đồng ý. Trong trường hợp này, khó mà thông cảm được với Shell. Xét cho cùng thì họ là một công ty dầu lửa xấu xa. Nhưng là một người sống ở New Orleans, tôi có thể cam đoan với bạn rằng, các công ty dầu lửa xấu xa đều biết đôi điều về việc thao túng truyền thông.
Sau cùng, tốt hơn cả là bạn phải cố gắng hết mức để buộc họ phải ngay thẳng và chân thật hơn là tham gia một cuộc chạy đua vũ trang mà bạn không thể nào thắng cuộc.
Ngay cả khi điều này là vì những mục đích tốt đẹp thì cũng sẽ dấy lên không ít nghi ngờ. Một nhà báo tự do viết tin giật gân cho Salon.com đã thực sự tham gia vào đó. Thường thì những trang mạng có danh tiếng và cẩn trọng như Boing Boing đều bị dính vào tin giật gân không chỉ một lần, mà là hai! (Cả hai lần đều gồm một video đầu tiên, sau đó đến những bức thư giả mạo hợp pháp). Rất nhiều trang blog kiểu này lưu ý trong những bài báo của họ rằng câu chuyện trên “có vẻ quá hay để là thật” và sự phi lý này thật dễ chịu. Nhưng thay vì khám phá ra bản chất sự việc vì lợi ích của độc giả, họ lại bưng bít nó và kết quả là tiếp tục lừa dối độc giả. Ý tưởng cho rằng điều gì đó phải “quá hoàn hảo” là không tồn tại trên mạng trực tuyến bởi có quá nhiều lượt xem nên nó không dễ bị bỏ qua.
Tổ chức Hòa bình Xanh và Yes Men biết tất cả những điều này và đã nhập cuộc. Họ nghĩ rằng, để được đưa tin, họ phải hạ mình để nói dối và cuối cùng điều này sẽ biện minh được mọi điều. Tôi không trách họ vì đã nghĩ như vậy. Tôi cũng đã từng chơi trò đó với khách hàng của mình. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với những gì đạt được.
Bằng cách nhấn mạnh sự yếu kém, phụ thuộc và cả tin của truyền thông trong tin giật gân này, tổ chức Hòa bình Xanh đã làm rõ rằng, trò chơi mà Shell thực hiện là để duy trì vị thế của mình. Tổ chức này còn khoe khoang khoác lác với trang Salon.com rằng tin giật gân này trị giá “hàng chục nghìn đô-la”[7]. Nếu có một thứ mà các công ty dầu lửa có thể dễ dàng vung ra, đó chính là tiền. Và họ thường tiêu tiền triệu và tiền tỷ. Từng là người tham gia khá tích cực vào việc hối lộ gián tiếp cho các blogger nên hãy tin tôi khi tôi nói rằng, tiền của họ có thể mua được rất nhiều bài đăng trên các trang blog.
Và giờ chúng ta bị mắc kẹt với tin giật gân này cùng với việc gia tăng khoảng 700 nghìn lượt xem đoạn băng, hàng triệu ấn tượng truyền thông và một cảm giác hài hước mơ hồ. Liệu đó có phải sự lựa chọn đúng đắn? Liệu mọi việc đã kết thúc? Thậm chí nếu bạn nghĩ rằng Shell là một doanh nghiệp xấu xa, sẵn sàng nói dối để đạt mục đích thì giờ đây bạn đã biết rằng Hòa bình Xanh cũng cùng một giuộc. Sau khi adrenaline dành cho trò chơi khăm này giảm đi và tiếng cười lắng xuống, liệu chúng ta có thể nói rằng mọi việc đã thực sự kết thúc? Tôi không thể nói gì nhiều, và trên thực tế, nó có thể thực sự làm tổn thương.
Shell có thể gây ấn tượng xấu và cả những người có liên quan cũng vậy. Tôi không chắc đó được tính là một thắng lợi.
GIÁN ĐOẠN CÓ CHỦ ĐÍCH: TIẾP CẬN CÁI SAI PHẢI TRẢ GIÁ NHIỀU HƠN TIẾP CẬN ĐIỀU ĐÚNG ĐẮN
Báo The New York Observer
Ngày 11 Chín năm 2012
Nhiều người trong số chúng ta quản lý trang Facebook dành cho người hâm mộ đều nhận thấy điều lạ lùng trong năm qua: Phạm vi ảnh hưởng của chúng ta ngày càng kém hiệu quả. Những thông điệp mà chúng ta đăng tải ngày càng ít được kích chuột, mỗi bài đăng chỉ được một phần nhỏ trong số tổng lượng người hâm mộ của chúng ta xem qua.
Đó không phải là một âm mưu gì cả. Facebook vừa thừa nhận điều này tuần trước: Trung bình, mỗi bài đăng chỉ được khoảng 15% lượng người hâm mộ vào xem. Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời, Facebook đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này: Trả tiền để họ truy cập nhiều hơn.
Ông Gokul Rajaram, trưởng bộ phận quảng cáo của trang này, giải thích: Nếu bạn muốn 80%-85% số người đăng ký nghe bạn nói, thì “việc bảo trợ các bài đăng là rất quan trọng”[8].
Nói cách khác, thông qua “những câu chuyện được bảo trợ”, các chi nhánh, đại lý và các nghệ sĩ giờ đây có trách nhiệm tiếp cận người hâm mộ của mình – đó là toàn bộ lý do để có một trang như vậy – bởi vì những trang này đột ngột ngừng hoạt động.
Đây là một sự xung đột lợi ích rất rõ ràng. Diễn đàn hoạt động càng tệ thì càng nhiều nhà quảng cáo cần dùng những câu chuyện được tài trợ. Nói cách khác, điều đó nghĩa là Facebook gián đoạn, một cách cố ý, để bòn tiền người sử dụng. Với trường hợp những câu chuyện được tài trợ, nó có nghĩa là thu được gần một triệu đô – la mỗi ngày[9].
Nó không kết thúc với Facebook. Được trả tiền để gián đoạn nên các trang mạng xã hội thường xuyên gián đoạn. Trên thực tế, gần như mỗi trang mạng xã hội lớn, trang web hoặc ứng dụng đều theo đuổi logic này một cách tham lam.
Vậy tại sao có rất nhiều tài khoản Twitter giả, được mua với giá chưa đầy 20 đô-la cho cả nghìn tài khoản? Bởi vì trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của mình, các trang mạng xã hội phải liên tiếp tăng lượng người sử dụng. Họ phải chỉ ra có bao nhiêu tài khoản đã được lập. Và với hàng tỉ đô -la tiền vốn, họ thực sự không có động cơ để loại trừ những tài khoản giả mạo.
Tại sao bạn không thể xem qua danh sách Craigslist trên Google Maps? Quả là, vì một vài lý do, cá nhân Craigslist có vẻ rất miễn cưỡng đổi mới. Điều này cũng chả sao, ngoại trừ anh ta không cho phép bất cứ ai khác đổi mới bởi vì nó đe dọa phương thức sinh lợi của công ty anh ta thông qua một mạng lưới danh sách lười biếng nhưng có ảnh hưởng lớn. Đầu năm nay, anh ta đã đi quá xa khi khởi kiện dịch vụ được yêu thích Padmapper vì đã đưa ra điểm đặc trưng mà Craigslist lẽ ra đã có từ nhiều năm trước, do đó giúp việc tìm nhà bị gián đoạn và khiến tất cả chúng ta phụ thuộc vào Craigslist[10].
Tại sao các trang blog lại đăng tải những trò chơi khăm và thực hiện nó khá thường xuyên? Vì họ có thể đăng “đính chính” sau khi kiếm lợi từ lượng lớn truy cập cho bản đăng nhạy cảm đầu tiên. Phần trên là lượng truy cập, phần dưới là… lượng truy cập lớn hơn. Hãy xem xét trò chơi khăm của Shell Oil mới đây, được dàn dựng bởi tổ chức Hòa bình Xanh và Gawker dính vào. Gizmodo, trang chị em của Gawker, đăng một tin giả mạo: “Sự cố chiếc bánh phá hỏng bữa tiệc và phun rượu vào những ông trùm dầu lửa” và lập tức đạt 30 nghìn lượt xem trang[11]. Cuối ngày hôm đó, trang Gawker dạo một vòng quanh mạng và lật tẩy câu chuyện mà trang “chị em” của nó đã đăng tải bằng một bài viết có tiêu đề: “Đoạn băng tràn lan trên mạng về thảm họa tại bữa tiệc của Shell Oil là giả, thật không may” và kiếm được lượng độc giả cao gấp ba lần[12].
Điều này gợi cho tôi nhớ tới một tập của bộ phim sitcom The Sarah Silverman Program, trong đó nhân vật Sarah Silverman phát hiện ra rằng các sản phẩm như khoai tây chiên, giấy vệ sinh và thuốc trị tiêu chảy được sản xuất ở cùng một nhà máy. Âm mưu của cô ấy mang tính bản năng nhiều hơn, nhưng nó cũng tương tự như trò lừa bịp mà mạng xã hội đã phát minh ra: gây ra vấn đề, sau đó bán giải pháp cho vấn đề đó.
Khi người sử dụng không trả phí cho những dịch vụ đó, trang mạng sẽ thu “phí” ở nơi nào đó. Trực tuyến, cái giá của nó chính là sự chú ý của chúng ta, thời gian của chúng ta. Chúng ta trả cho mạng xã hội từng mẩu cuộc đời mình – dù là vì một trang blog nào đó cám dỗ ta đọc gì đó hoặc một trò chơi lừa gạt chúng ta dán mắt vào đó trong khi lẽ ra chúng ta thoát ra từ trước đó rất lâu. Và những mảnh cuộc đời của chúng ta được bán cho các nhà quảng cáo, theo đúng nghĩa, để lấy từng cắc bạc.
Hiện nay, các nhà cung cấp thủ thuật này đã đạt đến tầm cao. Ví dụ như Facebook thừa nhận rằng đó là một trò chơi và tuyên bố: Hãy trả tiền cho chúng tôi hoặc nói lời tạm biệt với nó.
Đầu năm nay, Jeff Bercovici, một cây viết của Forbes, tỏ ra nản lòng với ứng dụng trò chơi nổi tiếng “Words with Friends” (Đố chữ với bạn bè) và một sự thay đổi cho phép người dùng dễ dàng giở trò gian lận (đoán chữ rất nhiều lần cho đến khi ứng dụng thông báo họ đã đoán đúng)[13]. Vì không có hình phạt nào cho những hành vi sai trái nên người chơi có thể “thắng” mà không thực sự biết một từ nào, còn những người chơi khác thì không hề biết rằng đối thủ của mình có giở trò gian lận hay không. Ông Bercovici đã liên hệ với Zynga, người sáng lập trò chơi này, để cùng tìm ra biện pháp giải quyết hiện tượng này.
Phản hồi của họ mang tính tiêu biểu, chứng tỏ rằng các trang mạng thẳng thắng và thản nhiên thừa nhận việc họ làm gián đoạn mọi thứ một cách có chủ ý.
“Tôi không nghĩ đó là một vấn đề cần sửa chữa. Chúng tôi luôn sắp xếp theo cách đó”, người sáng lập trò chơi nói như vậy và bỏ qua những lời phàn nàn. Mặc dù họ biết cách loại bỏ sự cố, nhưng có một sự thật ngăn cản họ làm điều đó: nó có thể “thay đổi chút ít về mặt đến kết cấu, làm ảnh hưởng đến thành công của ứng dụng”.
May mắn là, chúng ta biết rằng nơi nào có thể gặp phải kiểu tư duy ngắn hạn này. Hẳn bạn còn nhớ trang Myspace? Bạn còn nhớ trang đó bất tiện đến thế nào, bạn phải tải biết bao nhiêu trang chỉ để đăng nhập. Myspace chính là trang tiên phong của mô hình “gián đoạn có mục đích”. Khi nó trở nên phổ biến hơn, người sử dụng phản đối và đòi cải tiến – sự cải tiến mà các kỹ sư của công ty phát minh ra đang bị ngăn chặn bởi Rupert Murdoch và New Corp. Ông Murdoch ấp ủ mục tiêu lợi nhuận của trang mạng này là một tỷ đô– la, vì vậy việc giảm lượng trang phải tải, thậm chí chỉ giảm lượng không đáng kể, cũng làm giảm danh sách quảng cáo và khiến công ty này xa đích đến hơn.
Các trang mạng theo bước MySpace có thể nhanh chóng sánh bước cùng nó tiến vào thùng rác của lịch sử.
NHỮNG KẺ THAO TÚNG TRUYỀN THÔNG CÁCH TÂN SỬ DỤNG WEB ĐỂ TĂNG DOANH SỐ RA SAO
Trang DIYThemes.com
Ngày 19 tháng Bảy năm 2012
Tên tôi là Ryan Holiday và tôi là một bậc thẩy truyền thông. Hoặc, ít ra tôi đã từng…
Giờ đây tôi đã có phương pháp khác.
Cách đây vài năm, nếu bạn hỏi tôi làm thế nào để xây dựng một thương hiệu từ con số không, làm sao để được lên báo, để bán sách hoặc chuyển đổi sản phẩm, tôi hẳn đã nói bạn phải làm ba điều sau:
1. Nói dối
2. Lừa gạt
3. Ăn trộm Nói dối
Tôi hẳn sẽ nói với bạn rằng, hãy nói với các phóng viên và các blogger bất cứ thứ gì họ cần phải nghe để viết về bạn. Tôi sẽ yêu cầu bạn làm những điều giống như tôi đã làm với trang HelpAReporterOut.com, khi tôi giả mạo là một chuyên gia của 25 tòa báo trong chưa đầy bốn tháng, trong đó có cả New York Times.
Tôi hẳn yêu cầu bạn nói dối Wikipedia và chỉnh sửa lại trang của bạn và những trang bạn tin tưởng. Tôi sẽ bảo bạn rằng việc gửi những bức thư giả mạo cho các bloggers để giả vờ là một người hâm mộ tán dương những gì họ viết (vấn đề mà tôi đang xúc tiến) là một trò chơi công bằng.
Lừa gạt
Tôi vẫn thường tin rằng, nguyên tắc là chỉ để dành cho những kẻ non nớt. Vì vậy, tôi phá bỏ những luật bất thành văn. Tôi mua quảng cáo trên các trang blog mà tôi muốn để phát triển những mối quan hệ. Tôi làm điều đó khá dễ dàng bằng cách vung tiền ra, bất kể có đúng hay không.
Tôi mua người hâm mộ trên Facebook cho khách hàng của mình (2 nghìn người hâm mộ với giá 80 đô-la cho một POP – giao thức Post Office Protocol) để khiến họ có vẻ có tiếng tăm hơn và hấp dẫn hơn. Sau đó, khi ai đó viết về một trong những khách hàng của mình, tôi sẽ đưa ra vài lời bình giả mạo bên dưới để khiến bài báo trông có vẻ được nhiều người ưa chuộng. Hoặc là tôi mua lượng truy cập (khoảng dưới 1 xu cho một lần kích chuột) và gửi nó tới trang này cho tới khi bài báo có số lượng người xem đông nhất trong ngày.
Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để đạt mục đích.
Ăn trộm
Sự chú ý là điều tôi luôn theo đuổi, nên tôi sẽ trộm lấy nó.
Tôi biết rằng một khi bạn đã đạt được một cú kích chuột, người dùng không thể nào rút lại, vì vậy tôi sẽ có nó bằng bất cứ cách nào. Thời gian và sự chú ý là những nguồn tài nguyên giá trị và tôi sẽ lấy nó từ mọi người khi họ trông đợi những tin xác thực.
Tôi đã nhiều lần nghĩ ra những thủ đoạn tinh vi, hoàn toàn là giả mạo và đã tạo được hàng triệu ấn tượng. Tôi kết hợp với các blogger để thu hút sự chú ý nhờ những vụ bê bối, những cuộc tranh cãi và những “tin tức” mà cuối cùng hóa ra là đã bị thổi phồng hoặc bóp méo. Nhưng khi mọi chuyện vỡ lở thì đã quá muộn, tôi đã có cái tôi muốn.
Làm thế nào bạn có thể…?
Tôi hẳn sẽ bảo bạn làm những điều này vì chúng đã rất hiệu quả. Trong phần lớn các trường hợp, họ chỉ có một sự lựa chọn. Nhưng hãy lưu ý là tôi nói “đã hiệu quả”. Thì quá khứ đấy nhé. Giờ thì chúng không còn hiệu quả nữa đâu.
Điều quan trọng hơn là tôi đã thấy những hậu quả. Việc “nuôi quái vật” – con quái vật đó chính là truyền thông trực tuyến – chỉ hiệu quả khi con quái vật đó cắn bất cứ ai khác ngoài bạn. Rất nhiều khách hàng của tôi đã bị tấn công bởi những blogger táo tợn và tham lam mà trước đây tôi từng giao du bằng sự dối trá, lừa lọc và ăn cắp.
Vậy… từ đây ta sẽ tới đâu?
Những hành vi thao túng truyền thông như vậy xảy ra hằng ngày và giờ đây tôi có thể vạch trần chúng. Tôi có vài lời khuyên tốt hơn dành cho mọi người. Tôi có thể nói cho bạn cách thức tốt hơn, nhanh hơn và có đạo đức hơn để xây dựng một thương hiệu. Tuy nhiên, nó sẽ chẳng dễ dàng gì. (Nhưng đó lại là điều tốt bởi nếu dễ dàng thì mọi người đều làm được).
Hãy khiến sản phẩm của bạn lan tỏa
Ở Amazon, để được phép phát triển một sản phẩm mới, trước tiên người lao động phải đề xuất với người quản lý của mình để mở cuộc họp báo. Ý tưởng là nếu bạn không thể nhìn ra cách thức bán nó cho giới truyền thông và công luận thì hãy quên chuyện sản xuất nó đi.
Khi Zappos sản xuất ra 58 nghìn băng hình về những đôi giày của mình được trình diễn bởi chính những nhân viên của họ, doanh số của mặt hàng này lập tức tăng thêm 10%. Tại sao? Vì giờ đây có điều gì đó gắn kết bạn với trang đó, cung cấp cho người dùng điều gì đó để chia sẻ, nhìn ngắm và bàn tán về nó.
Như Henry Jenkins tại MIT nói về truyền thông trực tuyến: “Nếu không lan tỏa, nó sẽ chết”. Thật dễ dàng để tiếp thị sản phẩm của bạn nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ về những điều sẽ làm mọi người muốn chia sẻ và lan tỏa nó hơn là cố gắng làm điều đó sau khi sản phẩm đã ra mắt.
Thiết lập những tài sản hợp pháp
Hãy xếp chúng theo thứ tự sau: Danh sách email. Các thuê bao định dạng tập tin RSS. Người hâm mộ Facebook. Người theo dõi Twitter (tùy thuộc vào công việc của bạn, có thể thêm LinkedIn vào đây). Lượng người theo dõi tài khoản của bạn ít hay nhiều không quan trọng, một tài sản hợp pháp là cách tốt nhất để tiếp cận họ.
Ví dụ, tôi đã lập ra một danh sách nhỏ gồm những người thích đọc lời giới thiệu của tôi. Gần 350 nghìn thuê bao đã mua sách của tôi, với tổng số tiền là hơn 50 nghìn đô-la nhờ bức thư thông tin nhỏ này.
Đó là sức mạnh của sự cho phép. Hãy đầu tư vào việc xây dựng những danh sách như thế này – cùng với sự quảng cáo, động viên, thời gian và cống hiến – bởi vì chúng sẽ đem đến khoản lợi tức lớn.
Tạo kết nối
Bạn bỏ ra bao nhiêu thời gian để quen biết các phóng viên, blogger và những người có ảnh hưởng? Nếu câu trả lời không phải là “rất nhiều” thì làm sao bạn có thể trông chờ họ hỗ trợ công việc của bạn?
Kết nối với phóng viên bằng cách cung cấp cho họ ý tưởng câu chuyện mà hiện không trực tiếp mang lại lợi ích cho bạn, để trong tương lai họ sẽ nghe ý kiến phản biện của bạn về chính bạn.
Chi phí di chuyển đến một cuộc họp báo, nơi bạn có thể gặp gỡ nhiều blogger hoặc nhà báo có ảnh hưởng có thể mất tới 500 đô-la. Nhưng việc được đưa tin có thể sinh lợi cho công việc bạn tới 5 nghìn đô -la – tỷ lệ đo lường lợi tức đầu tư là 10:1!
Đừng kết bạn qua mạng. Hãy phát triển những mối quan hệ bạn bè dài lâu.
Sẽ còn cả chặng đường dài.
Kết luận
Đó là tương lai mà tôi đã nhìn thấy. Thậm chí bạn có thể nói rằng tôi đã cải cách. Tôi không nói rằng những gì tôi đang ủng hộ là dễ thực hiện hơn. Không hề. Những chiến thuật cũ của tôi là một quả ngon trong tầm với và tôi vui lòng hái lấy. Nhưng thường thì quả ngon đó nằm ở bên trên một quả mìn. Tôi đang nói với bạn rằng nó không đáng.
Hãy xây dựng thương hiệu của bạn theo cách đúng đắn. Hãy xây dựng những sản phẩm tốt, có khả năng lan tỏa và thêm chúng vào những từ truyền miệng. Hãy thiết lập những tài sản hợp pháp để bạn có thể sử dụng chúng lâu dài nhằm tiếp cận mọi người. Hãy tạo những sự kết nối và nền tảng bạn bè, người ủng hộ để bạn có thể dựa vào họ mà quảng bá. Điều này khó hơn nhưng rất đáng giá. Tin tôi đi, tôi không nói dối đâu!
LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢNG BÁ TRUYỀN THÔNG MIỄN PHÍ NHƯNG CHUYÊN NGHIỆP Trang web FourHourWorkWeek.com (blog của Tim Ferriss) Ngày 18 tháng Bảy năm 2012
Internet đang nói dối bạn. Nó nói với bạn rằng làm ra một sản phẩm tốt, viết một cuốn sách tuyệt vời, hoặc bắt đầu một công ty hay ho là đủ. Người ta cũng nói rằng nếu bạn xây dựng nó, mọi người sẽ đến.
Tôi ở đây để nói với bạn rằng điều này không đúng sự thật. Tôi đã làm việc với quá nhiều nghệ sĩ, doanh nhân, tác giả – mà về phương diện khác, nhận thức thô sơ của họ đã thể hiện một cách đầy nhục nhã trong ngày ra mắt của họ – đủ để nói khác đi. Những cuốn sách tuyệt vời không vô tình bán được 1 triệu bản, khởi nghiệp sẽ không tình cờ gặp dạng tăng trưởng đột biến hình gậy khúc khôn cầu, ý tưởng lớn hiếm khi đến một cách ngẫu nhiên.
Làm “những điều tốt” là không đủ trong một nền kinh tế gây chú ý. Làm cho mọi người quan tâm đến những gì bạn đã thực hiện là một cuộc chiến mệt mỏi và cay đắng để giành được nguồn tài nguyên quý giá nhất của thế giới: Đó là thời gian của mọi người. Để nắm bắt được nó, bạn phải là một nhà tiếp thị có tay nghề và linh hoạt, có thể tạo ra hoặc phát hiện các cơ hội để tận dụng. Nếu là một trong số việc đó, bạn phải tạo ra các cuộc đối thoại mà bạn muốn mọi người phải đề cập đến thương hiệu của bạn. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng mình có mặt trong các tin tức, bạn phải tạo ra những tin tức đó.
Tôi gọi mình là “bậc thầy truyền thông” và có những lý do chính đáng để nói như vậy. “Nhưng điều đó nghe có vẻ tệ…”
Tôi sử dụng thuật ngữ thao túng như một liệu pháp xoa bóp tay nghề cao có thể “xoa dịu” mô mềm. Tôi không có ý tổn thương, cướp bóc, hay trộm cắp.
Trong việc giúp đỡ những tác giả có sách bán chạy nhất và những thương hiệu tỷ đô-la, công việc của tôi là làm cho mọi người chú ý nhiều nhất có thể, càng xảo quyệt càng tốt. Trong năm năm vừa qua, tôi đã đắm mình trong lịch sử của phương tiện truyền thông, học mô hình của nó, căng thẳng thử nghiệm quy luật của nó và tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ của công nghệ mới. Những gì tôi phát hiện ra hy vọng sẽ giúp bạn thành công giống như tôi.
Bạn phải chơi các trò chơi tương tự như các phương tiện truyền thông nhà nghề chơi hằng ngày. Nói cách khác, bạn phải đánh bại những tay nhà nghề trong chính trò chơi của họ. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào?
“Chúng tôi chơi theo luật chơi của họ đủ lâu rồi và nó đã trở thành trò chơi của chúng tôi.”
– Orson Scott Card, ENDER’S GAME Tin tức đã thay đổi như thế nào?
Tin tức hiện nay đã có những thay đổi cơ bản. Hãy suy nghĩ về tờ New York Times. Khi họ quyết định đăng một bài viết về bạn, họ đang dành cho bạn một đặc ân lớn. Sau tất cả, có rất nhiều người khác mà họ có thể viết về. Có một số hạn chế về các điểm trong bài báo. Các trang blog thì khác nhau, vì chúng có thể xuất bản hàng loạt bài báo và mỗi bài báo họ xuất bản là một cơ hội nhằm có thêm nhiều lượng truy cập (có nghĩa là sẽ nhiều tiền rót vào túi của họ hơn). Nói cách khác, khi Business Insider viết về bạn, bạn đang ban ơn cho họ.
Và hiện giờ bạn đang đọc gì? Đúng vậy, một trang blog. Các trang blog dẫn dắt chu kỳ phương tiện truyền thông của chúng ta. Trước đây, phóng viên truyền hình và phát thanh thường lấy các tiêu đề bài báo làm chương trình phát sóng của họ. Ngày nay, họ lặp lại những gì họ đọc trên các trang blog – chắc chắn từ các blog sẽ nhiều hơn những nguồn khác. Tôi đang nói về các trang web như: Gawker, Business Insider, Politico, BuzzFeed, The Huffington Post và Drudge Report. Bạn không thể đọc tất cả các trang web này, nhưng các phương tiện truyền thông ưu tú đã làm điều đó và chịu ảnh hưởng của họ.
Việc xuất hiện trên những trang này không còn là thị trường của người mua nữa. Bây giờ nó là một thị trường của người bán. Và có rất nhiều blog sẵn sàng mua câu chuyện của bạn. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của bạn, cuốn sách của bạn, hoặc kế hoạch khởi nghiệp của bạn đã có hơn một cơ hội cạnh tranh từ báo chí. Nếu bạn sử dụng đúng ba chiến thuật để tạo ra sự chú ý, bạn có thể tạo ra một chiến dịch báo chí triệu đô-la… mà bạn sẽ không mất đồng chi phí nào.
Sau đây là cách làm…
BA CHIẾN THUẬT QUẢNG BÁ MIỄN PHÍ
Chiến thuật # 1: Bắt đầu từ cái nhỏ
Bạn muốn lên báo vào ngày mai? Hãy đăng ký HelpAReporterOut.com (một dịch vụ phù hợp cho các phóng viên “nghiên cứu” những câu chuyện từ các nguồn) và bạn sẽ có nó. Bạn sẽ không phải là chủ đề duy nhất của một câu chuyện, nhưng bạn sẽ có mặt trong một câu chuyện và đó là một sự khởi đầu. Chỉ để cho vui, tôi đã nhờ một trợ lý thiết lập một tài khoản cho tôi vào đầu năm nay và cho phép anh ta trả lời mọi câu hỏi có thể, như tôi, nói bất cứ điều gì anh ta muốn. Càng nhiều sự phi lý càng tốt, tôi nói với anh ta. Chỉ trong vài ngày, tôi đã được đề cao trong Reuters, ABC News, chương trình Today Show và cuối cùng là trên tờ New York Times. Nếu tôi có thể thành công vang dội nhờ một trò đùa, bạn có thể nhận được điều gì nếu cuộc sống hay công việc của bạn phụ thuộc vào nó?
Việc đưa tin hợp pháp cũng có thể được bảo đảm bằng cách đi từ những cái nhỏ hơn. Những trang blog và trang web nhỏ bao quát vùng lân cận nơi bạn sống hoặc một cảnh đặc biệt là một số trang dễ dàng giành được sự chú ý. Bắt đầu hợp tác nhé? Viết một bài trên tờ báo ở nơi bạn học đại học. Hay viết một cuốn sách? Tiếp cận trang blog bao quát vùng lân cận nơi bạn sống để đăng một bài về bạn. Vì họ thường viết về những vấn đề địa phương, những vấn đề cá nhân liên quan đến một tập thể độc giả nên độ đáng tin cậy của tin tức là rất cao. Đồng thời, họ hay kẹt tiền và thèm khát số lượng người truy cập, luôn luôn ở trong tình trạng tìm kiếm để có được một “câu chuyện lớn” có thể mang lại một cú hích về số lượng độc giả mới.
Bắt đầu từ những cái nho nhỏ là vị trí đầu tiên khi tiếp cận chu kỳ tin tức. Các trang blog có sức ảnh hưởng to lớn đối với các trang blog khác – làm cho nó có thể biến một bài đăng trên một trang web nhỏ thành bài viết trên các trang web lớn có nhiều lượt truy cập hơn khi những trang lớn hơn thường “trinh sát” các trang web nhỏ hơn. Các trang blog cạnh tranh để có được những câu chuyện đầu tiên, báo chí cạnh tranh để “phổ biến” nó và sau đó tất cả mọi người cạnh tranh để nói về nó.
Đây không phải là đầu cơ. Đó là thực tế. Trong một nghiên cứu giám sát phương tiện truyền thông được thực hiện bởi Cision và Đại học George Washington, 89% phóng viên đã báo cáo lại là họ đang sử dụng blog cho việc tìm kiếm đề tài. Gần một nửa trong số họ báo cáo rằng họ đã sử dụng Twitter để tìm và xem xét những câu chuyện và hơn hai phần ba sử dụng các mạng xã hội khác như Facebook hoặc LinkedIn trong cùng một cách như trên. Bắt đầu từ đó, hãy hợp pháp hóa việc đưa tin về doanh nghiệp của bạn và sau đó bạn sẽ có cơ hội để tiếp cận với một số lượng đối tượng khán giả lớn hơn. Tôi gọi đây là “tạo hiệu ứng dây chuyền”. Hãy biến nó thành lợi thế của bạn.
Làm thế nào để bạn tìm thấy các trang blog này? Bạn vẫn đang đọc chúng! (Tức là, nếu bạn đang làm công việc của bạn và biết những người có ảnh hưởng lớn trong khu vực của bạn). Nếu bạn không biết, đây là đường tắt để làm: Kiểm tra Reddit, Gawker, TechCrunch, Huffpoand và những “ông lớn” khác để xem những tên nào hiển thị thường xuyên, những gì các trang web nhỏ hơn liên kết tới. Đây là những người mớm mồi tin tức mà bạn cần để bắt đầu.)
Chiến thuật # 2: Bộc lộ khả năng tự mời gọi
Các blogger có những mục tiêu về lượt truy cập, và họ thường có hạn ngạch đăng bài (đôi khi là rất nhiều như hàng chục tin một ngày) . Họ luôn bị quá căng thẳng và bận rộn. Bàn giao cho một blogger một câu chuyện thú vị dẫn về doanh nghiệp của bạn cũng giống như đưa cho một người đàn ông khát nước trên sa mạc một ly nước vậy. Chắc chắn, ông ta được đắm chìm trong nước – giống như một blogger đắm chìm trong câu chuyện tư liệu to lớn vô tận – nhưng ông ta chỉ có thể uống một ly.
Hãy suy nghĩ về nó từ quan điểm của họ. Để yêu cầu họ “đưa tin về công ty của bạn” tức là yêu cầu họ làm một khối lượng kha khá công việc. Họ sẽ phải nghiên cứu bạn, tập trung đẩy mạnh một khía cạnh nào đó, sử dụng mánh khóe trong một tiêu đề, làm hình ảnh đồ họa hoặc hình ảnh thật và sau đó hy vọng câu chuyện sẽ hiệu quả.
Khả năng tự hấp dẫn sẽ giúp bạn đi được xa hơn, nhanh hơn. Hãy làm một lời chào mời cụ thể và thú vị như: “Bạn có muốn những câu chuyện độc quyền về cách công ty của tôi đã đi từ con số không đến một triệu đô-la doanh thu mà không tốn một xu cho quảng cáo?” hoặc “Làm thế nào chúng ta có 30 nghìn thành viên trong ba ngày?” Công ty của bạn có những khía cạnh như vậy, nhưng đừng để một blogger khui ra chúng. Thay vào đó: Hãy sử dụng mánh khóe trong bài tường thuật của bạn, thu thập chứng cứ, diễn dạt nó ra một cách đầy thỏa mãn với tất cả khả năng khoa trương phóng đại đỉnh cao. Nếu bạn làm việc đó cho chúng, có nhiều khả năng chúng sẽ trở thành loại câu chuyện đăng lên là khuếch đại khắp nơi.
Sau đây là một ví dụ:
Năm ngoái, tôi đã chán ngấy với máy bắn tốc độ gần nhà tôi và quyết định làm gì đó. Bây giờ, tôi có thể đã đi đến một buổi điều trần công cộng, lên tiếng phản đối về những chiếc máy bắn tốc độ này, và hy vọng rằng ai đó từ các phương tiện truyền thông có thể báo cáo về nó. Nhưng việc này có thể đã để lại quá nhiều cơ hội. Thay vào đó, tôi gửi email tới một phóng viên của tờ Times -Picayune – một tờ nhật báo có tính tranh đấu nhưng có ảnh hưởng lớn tại New Orleans – người mà tôi biết hay đăng tin kiểu này trước đây. Tôi giải thích với ông rằng tôi là một cư dân mới đến thành phố này mà lại nhận được hàng chục cái biên lai bất công như thế (khoảng ba cái một ngày). Tôi nhấn mạnh rằng không đáng có một gánh nặng tài chính như những tờ biên lai đó ảnh hưởng đến bạn gái của tôi khi cô ấy nhận được chúng và cô ấy đã bật khóc trước một nhân viên thành phố thô lỗ với cô khi cô phản đối lại. Tôi đã gửi ảnh chụp về một dấu hiệu bị phá hoại gần chỗ gắn máy bắn tốc độ. Tôi đóng vai trò là một nạn nhân và nói rằng tôi cảm thấy bị chấn động trầm trọng, như thể bị một kẻ bắt nạt lấy mất tiền ăn trưa của tôi.
Bây giờ, những điều này là sự thật, nhưng tôi vẫn cố tình đóng khung chúng theo cách đồng cảm nhất. Kết quả: Một tuần sau đó, một câu chuyện ngay trang bìa tờ Times -Picayune, đăng tải hình ảnh tôi đã chụp và một dòng ghi chú về việc bắt nạt tôi bằng những từ ngữ đao to búa lớn, nhờ đó, hàng trăm bình luận và hàng tấn lượt đưa tin khác về vụ việc xuất hiện. Một tháng sau đó, thành phố công bố sẽ có những thay đổi về quy định trong chính sách và các cơ quan lập pháp nhà nước hiện đang tranh luận về một dự luật cấm các máy ảnh.
Đây là cách dễ dàng là để được đưa tin. Bạn cứ xem xét, tìm mục tiêu của bạn và cung cấp cho họ những gì họ cần. Tôi cung cấp nguyên liệu thô cho các câu chuyện và đưa cho các biên tập những gì anh ta cần để làm việc của mình. Tôi tạo ra những câu chuyện mà đến bây giờ họ vẫn tiếp tục đưa tin. Họ đang làm những gì tôi muốn, bởi vì đó là mối quan tâm của họ.
Hãy suy nghĩ về điều này khi bạn tìm ra phạm vi đưa tin: Loại phản ứng gì sẽ gợi ra sự suy luận từ độc giả và phóng viên?
Góc độ của bạn là gì? Điều này có tạo ra những lượt thích trên Facebook và những lượt chia sẻ trên Twitter? Bạn có muốn chia sẻ nó với bạn bè bận rộn nhất của bạn không? Nếu không thì bạn sẽ không có một câu chuyện hay.
Bạn đang lãng phí thời gian của mình và đang yêu cầu cho một sự ban ơn… và blogger không ban ân huệ cho ai.
Chiến thuật # 3: Cho quái vật ăn
Tôi thường sử dụng phép ẩn dụ một con quái vật khi nói về thế giới blog. Nó là một con thú đói, và để giữ cho nó đứng về phía bạn, bạn phải ăn nó liên tục. Và bạn phải biết những gì nó thích ăn.
Một nghiên cứu gần đây thực hiện trên hơn 7 nghìn bài báo trong danh sách “Phổ biến nhất” trên tờ New York Times phát hiện ra rằng, bí quyết để nổi tiếng là bằng cách nào có thể tạo ra bài báo để lại nhiều cảm xúc trong lòng bạn đọc. Trong thực tế, dự báo số một về tính lan truyền cho bài viết là làm thế nào để người xem tức giận nhiều nhất. Thật ra, có rất nhiều dạng cảm xúc lan truyền: hài hước, giận dữ, sợ hãi, vui vẻ, tôn sùng, tính hấp dẫn cơ bản… Tất cả chúng đều có một điểm chung: niềm đam mê/sự cực đoan. Chúng được gọi là “khả năng kích thích” cảm xúc.
Tôi nghĩ về điều này khi tôi thiết kế quảng cáo cho American Apparel. Ví dụ, tôi đã tham gia vào các quảng cáo khỏa thân tai tiếng của Sasha Grey (Nsfw)[14]. Cô ta thậm chí không mặc bất kì thứ trang phục nào (à, ngoại trừ những đôi tất)! Nhưng họ kích thích sự chia sẻ và cuối cùng chúng ta đã nhìn thấy nhiều, rất nhiều người so với một quảng cáo nhạt nhẽo sẽ có được. Internet là một con quái vật đang đói cần thức ăn: Facebook và Twitter không thể tự nuôi sống bản thân chúng. Được trang bị với các dữ liệu cho thấy một mối tương quan trực tiếp giữa việc tán gẫu về sản phẩm và cú hích bán hàng, tôi đã sử dụng quảng cáo kích thích cảm xúc để gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến của American Apparel từ 40 triệu đô-la đến hơn 60 triệu đô- la mỗi năm.
Tôi đã làm điều tương tự cho các khách hàng như Tucker Max (và đã có rất nhiều niềm vui trong hành trình đó), diễn vài pha nguy hiểm như trả tiền cho người nổi tiếng để đăng những điều gây khó chịu và cố gắng đặt tên anh ta cạnh phòng khám Planned Parenthood. Nói cách khác, đây là những gì Tim đã làm khi một chương trong cuốn sách cuối cùng của ông viết về sự cực khoái – vâng, nó thú vị và hữu ích cho độc giả, nhưng nó cũng là một góc hoang đường khiến cho tất cả mọi người trên Internet phẫn nộ.
Uber là một ví dụ tuyệt vời khi đang đi lên với những pha nguy hiểm ít thái quá hơn nhưng lại có khả năng mê hoặc với những blog công nghệ đói tin (xem: Những bông hồng miễn phí trong ngày lễ Tình nhân và Edward Norton đi lướt sóng)[15], [16].
Hãy làm những điều thú vị và điên rồ. Đó là những gì chu kỳ tin tức cực kỳ mong muốn. Mọi người cần điều gì để nói về và… bạn có thể trở thành điều đó! Tất nhiên, tất cả chúng ta có những mức độ khác nhau về sự khoan dung trong việc tranh luận, nhưng nếu bạn biết vùng thoải mái của bạn thì không có nghĩa là bạn nên thử nghiệm chạm tới các ranh giới ấy. Tôi làm việc này trong suốt thời gian qua.
Điều đó nói rằng, bạn đang chấp nhận rủi ro bằng cách cho quái vật ăn và đôi khi nó (cuối cùng, luôn luôn thế) sẽ cắn tay người nuôi nó.
Nếu con quái vật cắn bạn hoặc nếu những lời nhận xét xấu tấn công độc giả trang của bạn, hãy nhớ:
Hãy quên đi việc chiến thắng một trận đấu ngu ngốc như vậy. (Bạn hãy nhớ câu này: “Khi bạn chiến đấu với một con lợn, cả hai bên đều bị vấy bẩn – nhưng loài lợn thích như vậy.”)
Đừng thêm dầu vào lửa. Đôi khi tốt nhất là làm ngơ. Chu kỳ tin tức di chuyển rất nhanh chóng và tất cả mọi người sẽ quên ngay thôi.
Chiến đấu với một câu chuyện tiêu cực bằng cách phát hành một câu chuyện tích cực thú vị hơn (ai đó viết một điều gì đó tuyệt vời về bạn hoặc xuất bản một bài đăng hay ho trên blog về cái gì khác sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn).
Hãy là một trong những người viết nên lịch sử: Kiểm soát ngôn ngữ trên Wikipedia sau khi tranh luận lắng xuống, biết kết quả Top 10 Google của bạn và sử dụng SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) thông minh (tham khảo các dịch vụ như Reputation.com hoặc Metal Rabbit) …
GHI CHÚ QUAN TRỌNG: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ CHÚ Ý TRONG MỘT NỀN KINH TẾ ĐẦY RẪY CHÚ Ý
Chiến thuật # 1: Bắt đầu từ những cái nhỏ nhặt (Chọn mục tiêu của bạn)
Hãy tìm một trang web nhỏ nhưng phải có sức ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là phương tiện truyền thông mục tiêu của bạn.
Xác định những câu chuyện trong quá khứ họ đã viết về “tin đăng đầu tiên” (khu vực đối tượng hoặc một ngành) của bạn.
Thiết lập sự tín nhiệm của bạn qua HARO và phương tiện truyền thông khác.
Sau đó…
Chiến thuật # 2: Luôn bộc lộ sự hấp dẫn (tiếp cận mục tiêu của bạn)
Chọn một khía cạnh phù hợp cho mục tiêu.
Gửi cho các nhà báo một thư điện tử nói rõ tất cả công việc cần làm.
Làm rõ ràng rằng sẽ có lưu lượng truy cập nhất định về trang của họ. Nếu bạn giúp dẫn dắt nó, hãy chỉ ra cách thức làm như thế nào.
Email ví dụ:
Tới: [email protected]
Chủ đề: Câu hỏi nhanh
Xin chào [Tên],
Tôi muốn gửi ngay cho bạn một lưu ý bởi vì tôi thích bài viết của bạn về [chủ đề tương tự mà đã gây được rất nhiều lưu lượng truy cập]. Tôi sẽ cung cấp nội dung sau cho các nhà báo, nhưng tôi nghĩ rằng tôi nên cung cấp cho bạn tin độc quyền này bởi vì tôi đã đọc và thực sự thích văn phong của bạn. (Ví dụ: “Công ty đã xây dựng một cơ sở người dùng với khoảng 25 nghìn khách hàng thanh toán trong hai tháng mà không có quảng cáo” hoặc “Nhãn hiệu thời trang có chiến dịch mới với những người mẫu khỏa thân xinh đẹp” hoặc “Cuốn sách đỉnh cao về một XYZ scandal khổng lồ”) của tôi và [chỉ ra làm thế nào trong 10 từ hoặc ít hơn]. Và tôi đã làm nó hoàn toàn biến mất khỏi mọi hệ thống dò tìm. Điều này có nghĩa là bạn sẽ là người đầu tiên có nó. Tôi có thể viết lên bất kỳ thông tin chi tiết bạn cần để làm cho nó thêm tuyệt vời. Bạn có nghĩ rằng điều này có thể là một thứ gì đó phù hợp?
Nếu vậy, tôi nên thảo ra một cái gì đó trong số từ khoảng [trung bình của họ] và gửi nó cho bạn, hay bạn muốn cách khác? Nếu không, tôi hoàn toàn hiểu và cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc qua.
Gửi đến bạn những điều tốt nhất,
[Tên bạn]
Sau đó…
Chiến thuật # 3: Cho quái vật ăn (tạo hiệu ứng dây chuyền)
Bây giờ bạn có một câu chuyện. Thổi bùng nó lên. Hãy nhớ nó đang nằm trong vùng phủ sóng của tất cả mọi người.
Hãy gửi đến các trang mạng xã hội, trình bày nó như là một mẹo để các trang tin tức khác đưa hàng tấn lưu lượng truy cập về trang của họ.
Hãy gửi email đến các trang blog khác và đưa ra lời mời để thực hiện một cuộc phỏng vấn và nhận những lượt theo dõi câu chuyện của bạn.
Một khi đã bắt đầu, bạn không thể dừng lại. Ngày mai, hãy tạo ra một câu chuyện mới và bắt đầu lại.
Để kết thúc, hãy để tôi nhắc lại: Nếu bạn chỉ muốn xây dựng nó, họ sẽ không tự tìm tới bạn.
NHƯNG, bạn muốn tìm đến các phương tiện truyền thông với một nội dụng tốt và tạo ra sự thích thú đối với các nhu cầu của con quái vật, rồi cho nó ăn phải không? Vâng, vậy thì sau đó bạn sẽ có một thứ gì đó bùng nổ trong lòng bàn tay mình – bạn có thể gặt hái những phần thưởng khi hàng triệu cặp mắt nhìn thẳng vào sản phẩm – thứ mà bạn đã làm việc rất chăm chỉ để phát triển. Bạn xứng đáng được hưởng điều đó.
Những chia sẻ hấp dẫn, những thông điệp lan rộng về sản phẩm của bạn là sự phát triển cuối cùng bạn gặp. Như Henry Jenkins của MIT đã nhận định: Trên web, “nếu nó không lan truyền, tức là nó đã chết.” Các cơ chế để truyền bá, phổ biến nội dung trên Internet là thế. Các nhà sản xuất nội dung sẽ đưa tin về một ai đó.
Vì vậy, hãy chắc chắn rằng ai đó chính là bạn.
Chúc bạn may mắn!
[1]. Brooke Jarvis, “Đằng sau trò chơi khăm”, cập nhật lần cuối ngày 8 tháng Sáu năm 2012. http://www.salon.com/2012/06/08/behind_the_shell_hoax/ – TG.
[2]. Logan Price, “Sai lầm của Shell: Bữa tiệc ra mắt chi nhánh Bắc cực gặp sự cố”, xuất bản ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://www.youtube.com/watch?v=NMUFci_V4mU – TG.”
[3]. Cory Doctorow, “Những kẻ chơi khăm trong vụ của công ty Shell gửi lời đe dọa chơi xỏ hợp pháp. Tôi đã mắc bẫy”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://boingboing.net/2012/06/07/shell-sends-legal-intimidation.html – TG.
[4]. Amy Rolph, “Sự cố PR giả của Shell tại Space Needle”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://blog.seattlepi.com/thebigblog/2012/06/07/shells-fake-pr-malfunction-at-the-space-needle/ – TG.
[5]. Sam Biddle, “Sự cố chiếc bánh phá hỏng bữa tiệc và phun rượu vào những ông trùm dầu lửa – Cập nhật: giả”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://gizmodo.com/5916538/malfunctioning-cake-ruins-party-and-spews-liquor-all-over-rich-people – TG.
[6]. Adrian Chen, “Đoạn băng tràn lan về thảm họa tại bữa tiệc của Công ty dầu lửa Shell là giả, thật không may”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://Gawker.com/5916661/hilarious-video-of-shell-oil-party-disaster-is-fake-unfortunately#13590606485532&{“type”:“iframeU pdated”,“height”:292} – TG.
[7]. Brooke Jarvis, “Đằng sau trò chơi khăm của công ty Shell”, cập nhật lần cuối ngày 8 tháng Sáu năm 2012. http://www.salon.com/2012/06/08/behind_the_shell_hoax/ – TG.
[8]. Zach Rodgers, “Bên trong thế giới của Gokul Rajaram, kiến trúc sư quảng cáo của Facebook”, cập nhật lần cuối ngày 5 tháng Chín năm 2012. http://www.adexchanger.com/social-media/inside -the-world-of-gokul-rajaram-facebooks-ad-architect/ – TG.
[9]. Lauren Indvik, “Facebook: Những câu chuyện tài trợ kiếm được một triệu đô-la mỗi ngày”, cập nhật lần cuối ngày 26 tháng Bảy năm 2012. http://mashable.com/2012/07/26/facebook-q2-2012-earnings-call/ – TG.
[10]. Cyrus Farivar, “Trang Craigslist làm cho danh sách các căn hộ của nó dễ tìm thấy hơn – cập nhật», cập nhật lần cuối ngày 24 tháng Bảy năm 2012. http://arstechnica.com/tech-policy/2012/07/craigslist-sues-padmapper-for-copyright-infringement/ – TG.
[11]. Sam Biddle, “Sự cố chiếc bánh phá hỏng bữa tiệc và phun rượu vào những ông trùm dầu lửa – Cập nhật: giả”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://gizmodo.com/5916538/malfunctioning-cake-ruins-party-and-spews-liquor-all-over-rich-people – TG.
[12]. Adrian Chen, “Đoạn băng tràn lan về thảm họa tại bữa tiệc của công ty dầu lửa Shell là giả, thật không may”, cập nhật lần cuối ngày 7 tháng Sáu năm 2012. http://Gawker.com/5916661/hilarious-video-of-shell-oil-party-disaster-is-fake-unfortunately#13590606485532&{“type”:”iframeU pdated”,”height”:292} – TG.
[13]. Jeff Bercovici, “Người sáng tạo ra ứng dụng ‘Đố chữ với bạn bè’ nói rằng những thiếu sót gây bực bội cho người chơi là một đặc điểm, không phải lỗi kỹ thuật”, cập nhật lần cuối ngày 5 tháng Ba năm 2012. http://www.forbes.com/sites/jeffbercovici/2012/03/15/words-with-friends-creators-say-infuriating-flaw-is-a-feature-not-a-bug/ – TG.
[14]. Susannah Breslin, “Xem lại quảng cáo về Sasha Grey trên American Apparel”, cập nhật lần cuối ngày 11 tháng Tám năm 2010. http://susannahbreslin.blogspot.com/2010/08/my-sasha-grey-american-apparel-ads.html – TG.
[15]. Ken Yeung, “Uber SF hỏi xem hôm nay bạn có tham gia Lễ tình nhân với họ không (kèm hoa hồng miễn phí)”, cập nhật lần cuối ngày 14 tháng Hai năm 2012. http://bub.blicio.us/uber-sf-asks-if-today-youll-be-their-valentines-with-free-rose/ – TG.
[16]. Austin Geidt, “Câu lạc bộ thi đấu Uber: Ed Norton bị thua trong cuộc đua giành ngôi vị LA Rider Zero”, cập nhật lần cuối ngày 12 tháng Hai năm 2012. http://blog.uber.com/2012/02/12/uber-fight-club-ed-norton-gets-beat-in-race-for-la-rider-zero/ – TG.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.