Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy
QUYỂN 2. CON QUÁI VẬT BẮT ĐẦU TẤN CÔNG. CÁC TRANG BLOG CÓ Ý ĐỊNH LÀM GÌ? – Chương 13. IRIN CARMON, CHƯƠNG TRÌNH THE DAILY SHOW VÀ TÔ
ĐỘ ĐỘC HẠI CỦA BLOG – CƠN BÃO HOÀN HẢO
“Quan trọng là cho dù cỗ máy đó có gây ảnh hưởng đến diện mạo của ngành truyền thông xã hội và truyền hình hay không thì nó vẫn không đạt được quyền lực hay thỏa thuận nào cả; nó chỉ có được những lời tuyên bố mà người ta thường đăng lại hoặc những đoạn phát biểu đã chuẩn bị từ trước và càng lăng mạ người khác nặng nề càng tốt.”
– Irin Carmon, JEZEBEL
Trong nửa đầu của cuốn sách, bạn đã thấy rõ cách thức thao túng các trang blog. Có một khe hở chí tử trong hình thức đưa tin bằng blog, điều này mở ra cơ hội để gây ảnh hưởng lên cả ngành truyền thông và quan trọng nhất là chính nền văn hóa của nó. Nếu tôi viết cuốn sách này cách đây 2-3 năm thì có lẽ nó đã kết thúc ở đây rồi.
Tôi đã không hiểu về những hiểm họa của thế giới ấy một cách đầy đủ. Cái giá của thứ quyền lực rẻ mạt của tôi bị giấu đi nhưng một khi đã bị tiết lộ thì tôi không thể giũ sạch chúng được. Tôi đã sử dụng những chiến thuật của mình để bán áo thun và sách nhưng tôi nhận thấy rằng có nhiều người lại sử dụng thành thạo hơn tôi và đó là cái chết được báo trước. Họ bán mọi thứ, từ các ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào chức Tổng thống cho đến những trò giải trí mà họ hy vọng có thể xoa dịu dư luận và tạo ra (hoặc hủy diệt) hàng triệu đô- la.
Nhận ra tất cả mọi chuyện đã giúp tôi thay đổi rất nhiều. Tôi không thể tiếp tục đi con đường mình đang đi nữa rồi. Phần sau của cuốn sách sẽ giải thích nguyên nhân tại sao. Đó là một cuộc điều tra không chỉ về cách mà thứ nghệ thuật đen tối thao túng truyền thông diễn ra như thế nào mà còn cả những hệ quả của chúng.
CÁCH NHỮNG TRANG BLOG TẠO RA NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH VỚI MỤC ĐÍCH GIẢI TRÍ VÀ KIẾM LỢI NHUẬN
Vào năm 2010, tôi chịu trách nhiệm giám sát buổi ra mắt dòng sản phẩm nước sơn móng tay mới có đặc tính thân thiện với môi trường cho American Apparel. Dù đặc trưng của American Apparel là tự mình sản xuất ra tất cả các sản phẩm tại nhà máy theo mô hình liên kết dọc ở Los Angeles, nhưng với dòng sản phẩm này, chúng tôi đã cộng tác với một nhà máy theo hình thức sở hữu gia đình cũ ở Long Island, nơi người bà nội đã 90 tuổi của họ vẫn còn làm việc bên trong nhà máy. Không bao lâu sau khi ra mắt công chúng để thu thập ý kiến đánh giá sản phẩm này, chúng tôi nhận ra có vài lọ đã bị nứt hoặc vỡ dưới ánh đèn halogen chiếu sáng trong cửa hàng.
Chuyện này không gây ảnh hưởng đến khách hàng, nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng tôi đã thông báo ngay với nhà máy rằng chúng tôi sẽ không bán dòng sản phẩm này ở cửa hàng nữa và hy vọng sẽ có sản phẩm thay thế ngay lập tức. Chúng tôi thảo luận kỹ kế hoạch trong một cuộc họp từ xa được tổ chức hằng tuần với những nhân viên có liên quan. Một bức email kín đã được gửi đến những người quản lý cửa hàng để thông báo cho họ về sự thay đổi và yêu cầu họ đặt những lọ nước sơn ở chỗ khô ráo và mát trong cửa hàng cho đến khi có chỉ dẫn hủy bỏ được đưa ra. Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn, dù đó là nước sơn móng tay thân thiện với môi trường, là ném đi 50 nghìn lọ vào trong thùng rác ở 20 quốc gia.
Irin Carmon, nữ blogger của trang Jezebel, bằng cách nào đấy nhận được thông báo nội bộ này và gửi email cho tôi lúc 6 giờ 25 phút sáng theo giờ địa phương ở Bờ Tây (tòa soạn trang Gawker ở Manhattan) để hỏi về chuyện đó. Vâng, cô ta giả vờ hỏi tôi về chuyện đó vì cô ta đã ký tên ở email có nội dung sau:
Bài đăng của chúng tôi về thông tin ban đầu của vụ việc sẽ được đưa lên sớm thôi nhưng tôi vẫn vui lòng cập nhật hoặc đăng những diễn biến tiếp theo. Cám ơn rất nhiều, Irin.
Ngay lúc tôi dụi mắt để khỏi buồn ngủ, cô ta đã đăng bài. Khi nhìn thấy nó, tất cả những gì tôi cảm nhận được lúc đó là sự lo lắng – và thành thật mà nói – thì nó làm tôi hơi bất ngờ. Tôi đã biết các trang blog hoạt động rất vô đạo đức nhưng dù biết là vậy thì tôi vẫn cảm thấy chuyện này rất khủng khiếp.
Tiêu đề bài viết của trang Jezebel là: “Liệu dòng nước sơn móng tay mới ra mắt của American Apparel có chứa chất độc hại không?”
Đối với suy đoán táo bạo chắc như đinh đóng cột của Jezebel: Câu trả lời là không, không hề. Rõ ràng là không. Đối với những tay mơ, những email bị lộ chỉ nói rõ về chất liệu thủy tinh và không đề cập gì đến nước sơn hết cả. Nhưng Carmon lại không thích thú với chuyện đó lắm và cô ta rõ ràng cũng không hứng thú viết một bài nói đến vấn đề này một cách công bằng. Tại sao cô ta lại muốn có câu trả lời thật sự đối với câu hỏi gian xảo không thể tin được của cô ta? Bài báo đã được viết ra rồi. Chết tiệt, nó cũng đã được công bố.
Cũng vì tôi chưa có ý định thảo luận công khai về những chai nước sơn móng tay này nên tôi phải bỏ ra một giờ để các luật sư của công ty chấp thuận tuyên bố của tôi. Suốt thời gian đó, có hàng chục trang blog khác cũng nhái theo kết luận của cô ta. Phần lớn các trang blog, có nhiều trang đã từng đăng những đánh giá tích cực về dòng nước sơn này trên trang của họ thì bây giờ họ cũng đi theo sự dẫn dắt của cô ta. Câu chuyện quá hấp dẫn (American Apparel! Nước sơn độc hại! Làm nổ thủy tinh!) đến độ họ phải vội vã đuổi theo, dù chưa biết chuyện đó có đúng hay không.
Trong vòng một giờ, với suy nghĩ rằng mình sẽ kết thân với Carmon để đề nghị cô ta giúp đỡ trong bản tin kế tiếp, tôi đã gửi email thông báo cho cô ta với nội dung sau đây:
Sau khi nhận được vài báo cáo về việc mấy lọ nước sơn bị vỡ, nội bộ chúng tôi đã quyết định tự nguyện thu hồi chúng tại các hệ thống bán lẻ và công cộng.
Chúng tôi đã chọn nhà máy nhỏ này ở Mỹ để sản xuất nước sơn móng tay vì chúng tôi ủng hộ mô hình kinh doanh của họ và có cảm tình đối với (cả) gia đình điều hành nhà máy này. Tuy nhiên, một trong những sự thật của mọi quy trình sản xuất là có một vài trục trặc ngay trong lần đầu. Chúng tôi đã làm việc với nhà sản xuất suốt cả tuần rồi để cải thiện những điểm cần thiết trong lần sản xuất kế tiếp. Một lý do khác nữa là việc chúng tôi đã bán một công ty ở Mỹ để minh chứng cho nỗ lực thay đổi của mình và giờ chúng tôi có thể tìm ra nguyên nhân của vấn đề này. Chúng tôi vẫn tin vào nhà máy mà chúng tôi đang hợp tác và dòng sản phẩm mới sẽ lên kệ trong hai tuần sắp tới.
Chúng tôi sẽ đổi hai lọ mới hoặc gửi kèm phiếu quà tặng trị giá 10 đô-la cho bất kỳ ai đem trả sản phẩm bị lỗi tại nơi các bạn đã mua hoặc mang đến biên lai.
Bên cạnh đó, một điều mà chúng tôi đã cân nhắc nghiêm túc là quá trình thu hồi các lọ nước sơn này ở tất cả các cửa hàng. Cho dù dầu sơn của chúng tôi là chất DBP, Toluene và không có formaldehyde gốc tự do thì chúng tôi cũng không muốn các cửa hàng của mình hủy bỏ chúng bằng cách ném thẳng vào thùng rác. Chúng tôi đang sử dụng hệ thống vận chuyển nội bộ và đường dây phân phối để thu gom và đảm bảo việc này sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa.
Tôi cảm thấy đây là một lời phản hồi tuyệt vời và hợp với luân thường đạo lý. Nhưng đã quá muộn rồi. Carmon chỉ sao chép và dán lời tuyên bố của tôi vào phần dưới cùng của bài viết rồi giữ nguyên tiêu đề cùng ba chữ kèm thêm “Đã cập nhật” ở cuối dòng. Dù thông báo đã chứng minh giả thuyết trong bài viết của cô ta sai thì hàm ý của Carmon lại cho thấy cô ta đã đúng và chỉ thêm vào vài chi tiết mới. Cô ta đã hoàn toàn sai, nhưng điều đó không quan trọng vì cơ hội thay đổi suy nghĩ của độc giả đã qua mất rồi. Thực tế đã bị thay đổi.
Để khiến tình hình tồi tệ thêm, Carmon trả lời email cuối cùng của tôi cùng với câu hỏi về một câu chuyện bị đổi hướng khác mà cô ta định sẽ viết về công ty. Một lần nữa, cô ta kết thúc bằng:
Nhân tiện, về tin của anh, tôi rất muốn nhận thêm lời phản hồi của anh vào bài viết đầu tiên của mình nhưng không may là tôi lại không chờ đợi được. Do đó, nếu đây là phản ứng nhất thời của anh thì cũng không sao cả.
Thực sự thì vấn đề gây tranh cãi nằm ở việc tiêu hủy sản phẩm nước sơn móng tay của công ty tôi không được ủng hộ. Nếu các trang blog vẫn chưa ồ ạt đăng chuyện không có thật kia thì công ty có thể giải quyết vấn đề một cách kín đáo. Nhưng vì nghe theo bài viết của Carmon, những kẻ to mồm la hét và yêu cầu phải có một lời phản hồi rộng rãi ngay lập tức, rằng công ty mỹ phẩm ấy không giải quyết được vấn đề. Rõ ràng là họ đã phạm sai lầm nhưng lại không có cách nào để thay đổi những điều đã được đưa tin. Ngập tràn trong các cuộc tranh cãi và áp lực từ cơn phẫn nộ đặt nhầm chỗ của đám blogger, nhà sản xuất nhỏ bé không thể bắt kịp được với quy trình. Quá trình vận hành của họ rơi vào chỗ lộn xộn và công ty về sau đã bị American Apparel kiện đòi bồi thường số tiền thiệt hại là 5 triệu đô -la để phục hồi lại mọi tổn thất. Như một luật sư đã nói: “Trong khi công ty sản xuất nước sơn móng tay phải chịu trách nhiệm cho lỗi sản xuất của họ, nếu không vì lời công kích không đáng có và đòi phán xét của cô ta – nguyên nhân trực tiếp – thì cả công ty có thể đã phát triển.”
Carmon là một bậc thầy truyền thông, chỉ có điều là cô ta không biết điều đó thôi. Cô ta nghĩ mình là tác giả nhưng những thứ trong công việc hằng ngày đã biến cô ta thành một kẻ thao túng truyền thông. Cô ta và tôi cùng dùng một mánh khóe. Từ việc xuyên tạc sự thật cho đến những tác phẩm của một câu chuyện không có thật, rồi đến mục đích tàn nhẫn gây chú ý để có được lợi nhuận – cô ta làm những điều như tôi đã làm. Cái hệ thống mà tôi lợi dụng giờ lại đang lợi dụng tôi và những người mà tôi quan tâm. Và không ai biết được điều đó cả.
MỘT VÍ DỤ VỀ SỰ THAO TÚNG
Bạn có biết chương trình The Daily Show with Jon Stewart rất ghét phụ nữ không? Và họ có cả một quá trình dài phân biệt đối xử và sa thải phụ nữ? Chắc rồi, một trong những người cùng tạo nên chương trình này là phụ nữ, một trong những phóng viên nổi tiếng và gắn bó lâu nhất với nó cũng là phụ nữ; dù thực sự không có bất kỳ ví dụ nào có thể chứng minh cho điều tôi vừa kết luận, nhưng tôi cam đoan với các bạn, tôi không bao giờ nói dối cả.
Điều này chính là vụ lùm xùm mà trang Jezebel dựng lên để chỉ trích nặng nề chương trình The Daily Show vào tháng Sáu năm 2010. Bài báo của Irin Carmon đã ném đá chương trình này giống như cách cô ta đã làm với câu chuyện về sản phẩm nước sơn móng tay của chúng tôi trên trang Jezebel vậy. Chuyện bắt đầu khi Carmon đăng một bài viết với tiêu đề: “Vấn đề nữ giới trong chương trình The Daily Show”[1]. Dựa vào một vài câu nói rôm rả từ những người đã từng làm việc với The Daily Show, Carmon đã buộc tội chương trình này không có thiện chí trong việc tìm kiếm và phát triển những phụ nữ có tài năng về hài kịch. Cô ta cũng kiên quyết tìm một cái tên cho mình. Như bây giờ bạn đang nghĩ, bài báo là một chủ đề nhạy cảm. Để hoàn thành điều này, cô ta thậm chí còn không nói chuyện với bất kỳ ai làm việc cho chương trình này. Việc này giúp cô ta càng dễ dàng dùng những nguồn tin vô danh và không chính thức – giống như một nhân viên cũ đã không còn làm ở đó tám năm rồi chẳng hạn.
Rồi cả đống chuyện ăn theo cũng kiếm được 500 nghìn lượt đọc. ABC News, trang The Huffington Post, trang Wall Street Journal, E!, Salon và nhiều trang nữa đều đăng tải lại nội dung này. Trong một bức thư gửi cho nhân viên của mình, Nick Denton, sếp của Carmon và cũng là chủ tòa soạn của Gawker, đã ca ngợi câu chuyện đó vì nó đã công khai kiểu tin tức không thể bị mua chuộc. Denton viết rằng: “Toàn ngành truyền thông đều biết đến nó, đẻ ra thêm vài cuộc thảo luận và khẳng định địa vị của chúng ta như thể chúng ta vừa là một kẻ có quyền lực, vừa là một kẻ chuyên đào bới các vụ bê bối[2]. Thậm chí, Jon Stewart còn bị ép buộc phải phản hồi về sự việc trên truyền hình. Tờ New York Times đã trao tặng cho Carmon và trang web này một danh hiệu rất sáng chói: “Một trang web không ngại tranh đấu với bất kỳ điều gì”[3].
Đối với một cây bút như Carmon, khi số tiền công được tính dựa trên số lượt xem từ những bài đăng của cô ta, thì đây là một cú home run[4]. Còn đối với một chủ tòa soạn như Denton, tin đồn của câu chuyện đã giúp công ty của hắn trở nên hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo và góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của hắn.
Câu chuyện của cô ta có dối trá hay không. Nó có phải là một ví dụ về sự thao túng hay không.
Điều đó không quan trọng.
Những người phụ nữ của chương trình The Daily Show đã công bố một bức thư trên trang web của chương trình vài ngày sau khi sự việc diễn ra[5]. Nội dung bức thư cho rằng tỷ lệ phụ nữ chiếm 40% đội ngũ của chương trình, từ tác giả, nhà sản xuất cho tới người dẫn chương trình, các thực tập sinh và tất cả họ đã có tổng cộng hơn 100 năm kinh nghiệm làm chương trình này. Bức thư nhanh chóng gây được chú ý vì nó thể hiện sự rõ ràng và am hiểu về điều mà các blogger đang làm. Trong thư, họ đề cập: “Kính thưa những người không làm việc tại đây” và gọi bài viết của Carmon là “bài viết không được nghiên cứu kỹ lưỡng” cứ bám lấy “một bài tường thuật đã được định trước về sự phân biệt giới tính tại chương trình The Daily Show”.
Nếu tôi tự mình trải qua chính tình huống này, thì bức thư đó có lẽ đã làm tôi thấy hy vọng rằng sự thật sẽ chiến thắng. Nhưng đó lại không phải là cách mà báo mạng hoạt động. Ngày tiếp theo, tờ New York Times đã đăng một bài viết về bức thư phản hồi của họ. Tiêu đề của nó nghe rất ầm ĩ: “Những người phụ nữ làm cho chương trình The Daily Show nói rằng đội ngũ chương trình không phân biệt giới tính”[6].
Bạn hãy nghĩ xem chuyện đó vớ vẩn như thế nào: Vì Jezebel cho đăng bài báo trước nên bức thư từ những chị em của chương trình The Daily Show chỉ đơn thuần là một lời phản hồi thay vì một lời phản bác thực sự. Cho dù có thuyết phục bằng cách nào đi chăng nữa thì nó chỉ có vai trò xác nhận cho lời khẳng định sai lầm của Carmon về tình trạng phân biệt giới tính của chương trình này trên tờ báo lớn nhất của nước Mỹ mà thôi. Họ không bao giờ rút lại lời buộc tội của mình – dù đó là một lời vu khống – họ chỉ có thể phủ nhận nó mà thôi. Và sự phủ nhận chẳng có nghĩa lý gì với thế giới mạng cả.
Cô Kahane Cooperman, nhà sản xuất điều hành của chương trình này đã bảo với tờ New York Time rằng: “Không có ai gọi cho chúng tôi cũng như không có ai nói chuyện với chúng tôi về vấn đề này cả. Chúng tôi cảm thấy rằng vì chúng tôi làm việc ở đây nên chúng tôi phải kiểm soát được câu chuyện.” Cô ta không biết chuyện gì đang thực sự diễn ra. Trang Jezebel kiểm soát được câu chuyện. Carmon dựng chuyện và không ai khác có quyền được làm điều đó nữa cả.
Vài ngày sau khi đăng tải câu chuyện nhưng trước khi các chị em của chương trình The Daily Show phản hồi thì Carmon đã đăng một bài viết khác với tiêu đề: “Năm lời bào chữa thiếu thuyết phục về sự phân biệt giới tính của chương trình The Daily Show”. Cô ta đặt tiêu đề như thế để dễ bề bác bỏ sự chỉ trích gia tăng của những người tham gia bình luận đang rất quan tâm và hoài nghi. Đó là một nước cờ cao tay để Carmon bật lại bất kỳ ai nghi ngờ lời buộc tội thiếu chắc chắn của cô ta và để củng cố câu chuyện phiên bản “câu view” của mình[7].
Bạn có thể nhìn thấy được điều cô ta đang làm qua những dòng tiêu đề của bài viết thứ nhất và thứ hai của cô ta. Từ “Vấn đề phụ nữ” của chương trình The Daily Show trong bài viết thứ nhất sang bài viết thứ hai lại trở thành “Sự phân biệt giới tính”. Một dòng tiêu đề có thể khơi mào ra những chuyện tiếp theo; giả thiết của bài thứ nhất trở thành cơ sở lập luận cho bài thứ hai. Câu chuyện của cô ta đã tự chứng minh điều này.
Khi tờ New York Times yêu cầu Carmon trả lời về tuyên bố từ những phụ nữ của chương trình The Daily Show rằng họ chưa từng được phỏng vấn hay liên lạc để nói về câu chuyện (để trình bày lại lý lẽ) thì cô ta “từ chối không bình luận gì thêm”. Thế nhưng khi chương trình The Daily Show yêu cầu không đối thoại với Carmon thì điều đó chứng minh họ đang che giấu điều gì đó.
Một đặc ân? Tôi thì không trông mong có điều gì khác biệt sẽ xảy ra.
Carmon có cập nhật bài báo để trả lời hàng chục bình luận từ những người phụ nữ của chương trình The Daily Show không? Hay ít nhất là cho họ một lời giải thích thỏa đáng? Không, dĩ nhiên là không. Trong một bài viết 40 từ (chỉ 40 từ thôi!), cô ta đã chia sẻ kèm lời tuyên bố của họ rồi đánh dấu “thư ngỏ” và rên rỉ rằng cô ta ước gì họ lên tiếng khi cô ta đang viết bài. Cô ta không nhận ra lời tuyên bố trong bức thư đã nói rằng họ thực sự đã cố nói chuyện với cô ta và bị phó mặc với lời giải thích công việc của cô ta là tìm ra những khía cạnh khác của câu chuyện trước khi công bố chúng dù có khó khăn hay tốn thì giờ đi chăng nữa.
Bạn nghĩ có bao nhiêu độc giả của Jezebel sẽ quên đi ấn tượng ban đầu đó để đọc bài mới? Hay thậm chí là xem tin cập nhật? Bài viết với lời buộc tội ấy nhận được 333 nghìn lượt xem. Còn bài viết về lời phản hồi của những phụ nữ trong chương trình Daily Show chỉ có 10 nghìn lượt xem – bằng 3% so với bài thứ nhất.
Carmon có thực sự gửi những yêu cầu bình luận liên tục cho chương trình The Daily Show không? Một chương trình truyền hình lớn như thế sẽ có hàng trăm lời yêu cầu mỗi tuần. Cô ta đã liên lạc với ai? Cô ta có cho họ thời gian để phản hồi không? Hay đúng hơn là cô ta chỉ cho chương trình một vài phút ngắn ngủi trước khi công bố tin tức? Theo kinh nghiệm của tôi thì câu trả lời đối với những câu hỏi này rất kinh khủng. Không ngạc nhiên khi cô ta không giải thích phương pháp của mình cho tờ Times. Điều khiến tôi tiếp tục là tôi biết những việc làm trong quá khứ của Carmon và nó bảo tôi rằng mỗi việc cô ta làm dù là chuyện gì đi nữa thì cô ta cũng là người hưởng lợi nhiều nhất. Tôi đã thấy được tác dụng từ thứ chân lý của cô ta, đặc biệt là khi cô ta áp dụng nó vào một câu chuyện động trời.
Luôn có điều gì đó bị xuyên tạc nghiêm trọng về việc sắp xếp những chuyện như thế này. Lời buộc tội của Carmon có lượt xem nhiều gấp năm lần so với bài viết phản hồi từ những phụ nữ của chương trình The Daily Show dù cho bài báo sau có rất nhiều điều phản bác lại bài trước đó. Có điều gì đó không ổn trong cách thức mà tác giả cân bằng cả hai bài viết – cũng như với bài thứ ba, thứ tư hay thứ năm, cô ta đều tìm cách vắt cạn chủ đề (tôi xin nhắc lại là có cả thảy 500 nghìn lượt xem). Cuối cùng, có điều gì đó không ổn trong chuyện các trang của Denton chỉ đơn thuần được lợi bằng cách đối đầu với một biểu tượng văn hóa, như Jon Stewart, cho dù những bản tin của họ sau này đã mất uy tín. Họ biết điều này và đó là lý do họ làm chuyện đó.
Đây là cách mà những câu chuyện như thế diễn ra trên mạng. Một tác giả tìm được một câu chuyện rồi đem đăng để hưởng lợi từ đó, hoặc có động cơ cá nhân hay ý thức hệ để đăng và có khả năng biến nó thành một vấn đề tầm cỡ quốc gia trước khi ai đó kiểm tra xem liệu nó có đúng hay không.
Sau đó, Emily Gould, cựu biên tập viên của trang Gawker đã gửi một mẫu tin đến trang Slate.com với tiêu đề là: “Phương thức những trang blog theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền như Jezebel câu view bằng cách lợi dụng những vấn đề tồi tệ nhất của nữ giới”. Trong đó, cô ta đã giải thích động cơ đằng sau câu chuyện ấy:
Đó là một ví dụ điển hình về một số trang web có xu hướng bênh vực phụ nữ nhằm khai thác ảnh hưởng thị trường của cái mà tôi đã phải coi đó như là một “thế giới đầy thù hận” – những hành vi đáp trả xảy ra thường xuyên đã gây xáo trộn các trang blog chính thống muốn kiếm lợi nhuận, nhắm vào phụ nữ như Jezebel và cũng tương tự đối với những trang nhỏ hơn, như trang XX Factor của Slate và Broadsheet của Salon. Chúng bị kích động bởi những cây bút đẩy người đọc đến chỗ cảm thấy những điều họ tuyên bố đều là sự căm phẫn chính đáng nhưng thực sự đó lại chỉ là lòng đố kỵ nhỏ nhen được quảng cáo một cách tài tình khiến mọi người đều nghĩ đó là phong trào đòi bình quyền cho nữ giới[8].
Cho phép tôi nói rõ hơn để giúp các bạn hiểu rõ ý này. Đó là việc các tác giả như Irin Carmon bị quyền lợi cá nhân và sự phó mặc hậu quả chi phối nhiều hơn là lòng đố kỵ. Như chúng ta đã thấy, Carmon là một ví dụ. Đằng nào thì cô ta cũng sẽ không dừng tay lại đâu.
Chỉ vài tháng sau, vì muốn lặp lại thành công trước đó của mình, cô ta đã xem xét cơ hội đối với một câu chuyện tương tự của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Judd Apatow. Sau khi nhìn thấy Apatow ở một bữa tiệc, cô ta đã cố gắng khơi lại những hành vi sai trái của ông ấy – tương tự như cách cô ta đã làm khi công bố bài viết về Daily Show: tìm mọi cách buộc tội một nhân vật được công chúng yêu thích về vấn đề nào đó mà nhân vật ấy không thể phủ nhận được và tung hô tất cả cho độc giả biết.
Những chuyện thực sự diễn ra vào đêm đó là: Đạo diễn Judd Apatow có mặt tại một buổi tiệc do một người bạn của ông ấy tổ chức. Carmon cố gắng gây cản trở và dồn ông ta vào câu chuyện mà cô ta đang muốn viết nhưng đã không thực hiện được. Tuy nhiên, trong thế giới blog thì chuyện này lại được đặt tiêu đề là: “Judd Apatow bảo vệ thanh danh của mình đối với các nhân vật nữ”. Bài viết đem về khoảng 35 nghìn lượt xem và cả nghìn lượt bình luận.
Carmon cố gắng “bắt được” ông ta và cô ta đã thành công. Tôi đoán là mình phải ghi điểm cho cô ta vì lần này cô ta đã thực sự nói chuyện với đối tượng mà cô ta hy vọng sẽ biến họ thành nạn nhân. Nhưng khoan đã, cuối cùng thì bạn cũng có thể tình cờ thấy được cách cô ta cố gắng bẫy Apatow cũng giống như những lời ám chỉ và những vấn đề gây tranh cãi mà cô ta đã làm với Stewart. Trong buổi phỏng vấn, Carmon đã liên tục đưa ra những chỉ trích cá nhân về bộ phim của Apatow khi thừa nhận một cách chung chung rằng cô ta chỉ đơn thuần là một trong “những nhà phê bình” của ông dù đó không phải là ý kiến của cô ta.
Sau đây là một đoạn trong cuộc phỏng vấn:
Hỏi: Ông có nghĩ rằng mình bị chỉ trích như thế là không công bằng không?
Đáp: Ồ! Rõ ràng thì tôi thấy không công bằng… Nhưng không sao hết.
Hỏi: Tôi tự hỏi là liệu ông có thể nói thêm một ít chi tiết để thanh minh không.
Đáp: Tôi không có gì phải thanh minh về chuyện đó cả.
Hỏi: Có phải những cuộc thảo luận và những lời chỉ trích đó đã thay đổi cách ông làm việc hay không?
Đáp: Tôi không nghe thấy bất kỳ lời chỉ trích nào trong buổi chiếu thử bộ phim và nói chuyện với hàng nghìn người. Tôi nghĩ rằng những người nói về những điều này trên mạng đang tìm cách xới tung mọi thứ lên nhằm có bài báo thú vị nào đó để đọc. Nhưng khi cô làm một bộ phim thì có hàng nghìn người điền vào những lá phiếu để nói lên cảm nhận cá nhân của mình về nó và những lời chỉ trích kiểu đó không bao giờ xuất hiện trong bất kỳ bộ phim nào cả.
Nói cách khác, những kết luận của cô ta là vô nghĩa. Nhưng dù sao thì bài viết vẫn được đăng tải và cô ta cũng được trả tiền. Tai tiếng từ những sự kiện trong năm 2010 và 2011 có tác động rất tốt đối với Carmon – giúp cô ta có mặt trong đội ngũ nhân viên của trang Salon.com và có vị trí trong danh sách “30 Under 30[9]” của tạp chí Forbes.
Thành thật mà nói thì các chiến thuật của cô ta chỉ gây ấn tượng cho tôi ở lần đầu tiên. Tôi không thấy có vấn đề gì khi mọi người kiếm được lợi nhuận từ những bài báo của họ, đặc biệt là thời điểm mà mọi thứ bắt đầu trở thành một trò hề. Vấn đề là khi nào thì họ trở nên quá tham lam và thời điểm nào thì họ cần ngưng giả vờ rằng có thể thấy được mọi thứ ngoại trừ nhu cầu lợi ích cho chính bản thân mình.
Bây giờ thì tôi không còn thấy ấn tượng gì nữa cả. Tôi thấy chán vì hệ thống thối nát mà tôi ra tay gây dựng giờ không còn ai kiểm soát được nữa. Tôi không thể phân biệt được ai là kẻ thao túng và ai là chủ các tòa soạn hay các blogger – những kẻ mà chúng ta cho rằng họ đang bị thao túng. Bây giờ thì ai cũng là nạn nhân, trong đó có cả tôi và những công ty mà tôi làm việc cho họ. Cái giá của nó quá đắt.
[1]. Irin Carmon, “Vấn đề liên quan đến phụ nữ trong The Daily Show”, chỉnh sửa lần cuối vào ngày 23 tháng Sáu năm 2010. http://Jezebel.com/5570545 – TG.
[2]. Nguyên văn: muckraker, nghĩa là những kẻ chuyên đi đào bới bê bối của những người nổi tiếng – DG.
[3]. Jennifer Mascia, “Trang web sẵn sàng châm ngòi bất kỳ cuộc tranh cãi nào”, New York Times, ngày 11 tháng Bảy năm 2010. http://www.nytimes.com/2010/07/12/business/media/12Jezebel.html – TG.
[4]. Trong bóng chày, đây là cú đánh chạy quanh ghi điểm mà không phải dừng lại – DG.
[5]. “Những người phụ nữ của chương trình The Daily Show lên tiếng”. http://www.thedailyshow.com/message – TG.
[6]. Dave Itzkoff, “Những người phụ nữ của chương trình The Daily Show nói rằng các thành viên không hề phân biệt giới tính”. New York Times, ngày 6 tháng Bảy năm 2010. http://www.nytimes.com/2010/07/07/arts/television/07daily.html – TG.
[7]. Irin Carmon, “Năm lý do thiếu thuyết phục đối với sự phân biệt giới tính của The Daily Show”, chỉnh sửa lần cuối ngày 24 tháng Sáu năm 2010. http://Jezebel.com/5571826/5-unconvincing-excuses-for-daily-show-sexism.
[8]. Emily Gould, “Thế giới ác độc”, chỉnh sửa lần cuối vào ngày 6 tháng Bảy năm 2010.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.