Trò Chuyện Triết Học
Khai minh và trưởng thành
SGTT.VN – “Thế hệ cha tôi, nếu còn sống thì ông đã 110 tuổi, chưa thể hiểu khái niệm tự do như chúng ta ngày nay. Như nhiều nhà nho khác, cụ hiểu tự do theo hàm ý xấu: tự do là tự tung, tự tác, vô pháp, vô thiên! Điều này không lạ, vì khi khái niệm “freedom” của phương Tây được các học giả Nhật Bản dịch là “tự do”, các nhà nho Nhật Bản cũng phản đối quyết liệt. Cần hơn nửa thế kỷ, khái niệm này mới được các nước Đông Á chấp nhận và hiểu theo đúng nghĩa của nó”.
Mở đầu buổi trò chuyện về “Khai minh và trưởng thành” ở diễn đàn Talk & Think ngày 14.7 do PACE tổ chức, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn bắt đầu từ ví dụ ấy để muốn nói rằng mỗi khái niệm đều có lịch sử của nó và, hơn thế, nó góp phần làm nên lịch sử. Vì thế, từ “khai minh” và “trưởng thành” cũng đã ra đời trong bối cảnh lịch sử nhất định và đã làm nên lịch sử.
Trưởng thành phải bắt đầu bằng sự phản tỉnh
Triết gia lẫy lừng của phương Tây là Immanuel Kant, trong luận văn nổi tiếng: “Trả lời câu hỏi: Khai minh là gì?” (1784) đã định nghĩa ngắn gọn và sâu sắc: “khai minh là việc con người đi ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự mình chuốc lấy”. Ảnh: internet
Nhìn lại tiến trình trưởng thành của mình, nổi tiếng ở phương Đông là sự “phân đoạn” đời người của Khổng Tử: 15 tuổi tập trung vào việc học, 30 tuổi xác lập được sự nghiệp, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi không còn cố chấp, và 70 tuổi mới có thể làm theo ý thích nhưng không sai với đạo lý.
Ở phương Tây, có cả một lý thuyết về sự trưởng thành như là một lý tưởng giáo dục. Bên cạnh sự trưởng thành về sinh lý và năng lực pháp lý, nó còn gồm bốn yếu tố: 1. con người tự do và tự trị; 2. có năng lực tham gia đời sống chính trị, xã hội; 3. có năng lực phản tư về chính mình và thế giới chung quanh; 4. từ cơ sở đó, tự thiết kế nên cuộc đời của mình một cách tích cực.
Triết gia lẫy lừng của phương Tây là Immanuel Kant, trong luận văn nổi tiếng: “Trả lời câu hỏi: Khai minh là gì?” (1784) đã định nghĩa ngắn gọn và sâu sắc: “khai minh là việc con người đi ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự mình chuốc lấy”. Chính “do tự mình chuốc lấy” này mà con người không dễ dàng… trưởng thành. Theo Kant, lý do không phải thiếu đầu óc mà chính là do lười biếng và không đủ dũng cảm để sử dụng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn, sắp đặt của người khác. Không có gì an nhàn và thoải mái hơn là cứ ở yên trong những xiềng xích tinh thần mà chính mình không tự giác tháo cởi!
Triết gia Adorno, người sáng lập nên trường phái Frankfurt nổi tiếng của phong trào cánh tả Tây Âu thập niên 60-70 thế kỷ trước, tiếp tục phát triển quan niệm của Kant trên cơ sở kết hợp với phân tâm học của S. Freud. Con người luôn muốn trưởng thành, nhưng con người lớn lên luôn mang theo mình hình bóng “người cha” tinh thần. Tuy nhiên, trong đau đớn và bi kịch, sự trưởng thành thường đòi hỏi hành động “giết cha”! Để trưởng thành, con người phải biết nhận diện, đối thoại, rồi có khi phải đi đến chỗ tranh cãi và cuối cùng là vượt thoát khỏi cái bóng của “người cha tinh thần”. Sự trưởng thành là được học để không cần đến một người thầy nào nữa.
Khai minh: lịch sử của một tiến trình
“Khai minh” là mang lại ánh sáng từ đêm tối. Cùng thời với Dante, nhà thơ
Ý Francesco Petrarca (1304-1374) xem mười thế kỷ trước đó thời kỳ đen tối, lạc hậu. Nhận định “chống lại người cha” này của Petrarca đã mở đường cho thời kỳ Phục Hưng vào thế kỷ 15, 16 ở châu Âu. Theo ông, nguồn ánh sáng để ra khỏi “đêm dài Trung cổ” là trở lại với những giá trị cao đẹp của nền văn minh Hy-La.
Đến thế kỷ 17 mới thực sự có một cuộc “đại tỉnh thức” khi phương Tây tự hỏi tại sao phải quay trở lại nền văn minh cổ xưa mà không tự đứng bằng đôi chân của chính mình; tại sao không xây dựng một nền văn minh với những giá trị hoàn toàn mới mẻ? Chính niềm tự tin ghê gớm này đã khai sinh ra phong trào khai minh với tên gọi: Thế kỷ Ánh sáng.
Trải rộng trên mọi lĩnh vực từ tôn giáo, pháp luật, khoa học tự nhiên, khoa học lịch sử, văn học nghệ thuật, kinh tế, xã hội…, phong trào khai minh đã đưa phương Tây đi vào một thời kỳ phát triển nhảy vọt chưa từng có. Dựa vào lý trí con người chứ không dựa vào quyền uy truyền thống, người ta đề xướng tinh thần khoan dung tôn giáo và dung hợp nhiều nguồn tư tưởng. Không chỉ khám phá chính mình, con người còn xem thiên nhiên cũng là một “văn bản” cần được giải mã, mở đường cho sự lớn mạnh của các ngành khoa học tự nhiên. Trong quan hệ giữa người với người là sự khai phóng để những cá thể có quyền tự do hành động. Một nền giáo dục mới đã ra đời: giáo dục giải phóng tư tưởng. Trong quan hệ giữa con người và xã hội là sự cải cách triệt để về chính trị và pháp luật: nhà nước hiện đại đến từ ý chí của nhân dân và phục vụ người công dân, thể hiện qua hai cuộc đại cách mạng ở Pháp và Mỹ.
Sức sống đặc biệt của phong trào khai minh còn là ở năng lực tự phê phán của nó. Con người hiện đại vừa thụ hưởng những thành quả, vừa nhận thức rõ những hạn chế do sự lạc quan phiến diện của nó gây ra. Khai minh không chỉ là một sự kiện lịch sử mà luôn là một tiến trình. Tinh thần khai phóng của nó luôn trường tồn và thiết thực. Nói như nữ triết gia Hannah Arendt: “Khai minh vẫn tiếp diễn và suy cho cùng chính là chuẩn bị tốt nhất cho những cử tri biết sử dụng lá phiếu của mình một cách trưởng thành cho tương lai của chính mình và của nhân loại”.
Buổi nói chuyện tiếp tục xoay quanh những ưu tư của đông đảo cử tọa về nhu cầu và tinh thần khai minh trong điều kiện hiện nay của đất nước.
Ngân Hà (ghi)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.