Trò Chuyện Triết Học

Hệ thống: coi chừng đứt tay!



SGTT.VN – Không ai có thể sống bên ngoài những hệ thống. Chúng dày đặc, bao phủ và chi phối cuộc sống của ta, từ hệ thống sinh học, hệ thống tự nhiên đến hệ thống xã hội… Tư duy hệ thống giúp ta biết tuân thủ những quy tắc hệ thống, cải thiện những hệ thống sẵn có, phát triển các hệ thống mới và phòng tránh những lỗi hệ thống tiêu biểu. Ta dễ mắc lỗi hệ thống, vì bản thân hệ thống là một con dao hai lưỡi.

Minh hoạ: Hoàng Tường

Củ khoai thay thế rừng thông

Từ vô vàn những hệ thống, người ta thường phân thành ba loại: hệ thống tĩnh, hệ thống động và mạng lưới.

Hệ thống tĩnh được nhìn như cái gì dàn trải trong không gian với nguyên tắc tổ chức riêng biệt. Nơi sản phẩm nhân tạo (ví dụ: một xí nghiệp), nguyên tắc tổ chức nằm bên ngoài: nhà doanh nghiệp hoạch định và thành lập nó. Nhưng khi đã được thành lập, nó lại giống một sản phẩm hữu cơ, có nguyên tắc tổ chức bên trong để tự vận hành.

Một nguyên tắc phân loại khác là phương pháp sắp xếp các bộ phận của hệ thống. Trước hết là nguyên tắc thống nhất như trong nhiều hệ thống quen thuộc. Đó là trật tự thứ bậc, có hình chóp nhiều tầng như một cây thông. Dựa theo đó, ta phân biệt giữa loài, giống, nhánh, phân nhánh… nhằm sắp xếp thế giới tự nhiên. Phương pháp thống nhất ấy cũng có thể mang tính biện chứng: không để cho hai yếu tố đối lập triệt tiêu nhau, cần có một yếu tố thứ ba giữ vai trò trung gian, tổng hợp, nhưng đều nhằm mục đích bảo tồn và nâng cao tính thống nhất ấy lên.

Khác với nguyên tắc tổ chức thống nhất theo thứ bậc nói trên, tư duy “hậu – hiện đại” nghĩ đến những nguyên tắc tổ chức tương tác, chấp nhận sự có mặt của nhiều nguyên tắc, xem trọng những hình thức tổ chức mang nhiều tính dân chủ hơn. Khi Gilles Deleuze và Guattari – hai triết gia Pháp đương đại – cố ý đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng của mình là Mille Plateaux (Nghìn cao nguyên), hai ông không còn muốn nói đến “một cao nguyên” hay một “đỉnh cao” duy nhất nữa mà đến hàng nghìn cao nguyên… cao bằng nhau. Hình chóp nhiều tầng của cây thông được thay thế bằng hình ảnh… củ khoai đâm rễ ra mọi phía! Nó chống lại trật tự thứ bậc, không chấp nhận một trung tâm duy nhất, trái lại chủ trương đa trung tâm, hay đúng hơn, phi trung tâm để thực sự mang tính chất của mạng lưới kết nối ngày càng lan toả. Tư duy nối mạng dần thay thế tư duy hệ thống hay cả hai bổ sung cho nhau như thế nào là câu chuyện đang nóng bỏng tính thời sự và câu trả lời sẽ đến từ thực tế cuộc sống.

Những hệ thống tĩnh nói trên sẽ trở thành những hệ thống động khi ta xét thêm yếu tố thời gian. Bấy giờ chúng trở thành những hệ thống liên tục hoặc bất liên tục. Có hệ thống liên tục vô hạn về lượng như những dãy số; có hệ thống liên tục vô hạn về chất như các tiến trình ngày càng phức tạp (ví dụ: các nền văn minh) hoặc ngày càng đơn giản (ví dụ: đơn giản hoá thủ tục hành chính, dù trong thực tế bao giờ kết quả cũng ngược lại!) Trong khi đó, những hệ thống liên tục hữu hạn là những hệ thống hướng đích và những hệ thống tuần hoàn. Điểm chung của hệ thống hướng đích và hệ thống tuần hoàn là khép kín, hữu hạn. Trong hệ thống trước, cái khởi đầu đã bao hàm cái kết thúc, và cái kết thúc vẫn còn chịu tác động của cái khởi đầu. Trong hệ thống sau, cái kết thúc lại là cái khởi đầu mới, như con rắn cắn đuôi. Trong khi đó, những hệ thống bất liên tục là những hệ thống tiến hoá, mang tính đột biến, có định hướng (tiến bộ) hoặc không có định hướng (không có sự tiến bộ, chỉ có sự thay đổi). Biết hệ thống nào thuộc về loại hình và nguyên tắc tổ chức nào và chúng kết hợp với nhau ra sao là điều khó khăn, phức tạp hơn thoạt nhìn!

Những mô hình điều khiển

Ta dễ mắc lỗi hệ thống, vì bản thân hệ thống là một con dao hai lưỡi.

Bên cạnh sự phân loại khá trừu tượng ấy, ta cũng có thể nhận diện các hệ thống thông qua các mô hình điều khiển học: mô hình vòng hồi tiếp (ví dụ: cái tủ lạnh; cơ chế tự điều chỉnh thân nhiệt; tăng hay giảm sản xuất và lao động tuỳ thuộc đầu ra của sản phẩm…); mô hình chương trình hoá (ví dụ: cái máy giặt; quá trình trưởng thành của sinh vật…); mô hình biết học hỏi cái mới thông qua phương pháp thử và sai hay phương pháp phản xạ có điều kiện. Và sau cùng, là mô hình tự tổ chức, có năng lực tự bảo tồn, tái sinh sản và tiến hoá.

Lỗi hệ thống: chủ nhân hoá nạn nhân

Như đã nói, lỗi hệ thống bắt đầu từ chỗ ta không xác định được hoặc xác định không chính xác loại hình, nguyên tắc tổ chức và mô hình điều khiển của hệ thống mà ta muốn tìm hiểu hay xây dựng. Nhìn chung, người ta thường kể ra các lỗi hệ thống chủ yếu sau đây:

Đi một chân : thiết kế hệ thống theo kiểu “độc canh”, không dự liệu khả năng thay thế, chẳng khác gì một chiếc xe không có bánh “xơ cua”. Toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ khi gặp khủng hoảng.

Độc bộ võ lâm : từ “đi một chân” đến chỗ độc tôn, độc quyền chỉ là một bước nhỏ: mất mối quan hệ liên thông với những hệ thống khác và làm ách tắc toàn bộ đại hệ thống.

Nếu tôi không cần, thì chắc mọi người khác cũng không cần !: đánh giá thấp các giá trị, vì chỉ biết vận dụng những thước đo hay những tiêu chuẩn chủ quan của riêng mình. Một sai lầm tiêu biểu của óc duy ý chí.

Sẽ có ai đó dọn dẹp đống rác!: một hệ thống khi vận hành tất yếu sẽ tạo ra “chất thải”. Có những “chất thải tự nhiên” (ví dụ: các phế phẩm trong quá trình sản xuất, những thí sinh thi hỏng…), nhưng cũng có những “chất thải phản tự nhiên” (ví dụ: sản phẩm giả mạo, bằng giả, bằng thật học giả…) Chúng gây những tác hại ghê gớm cho hệ thống, một khi không dự phòng và đảm bảo được công đoạn “thu gom” và tái – xử lý chúng.

Không lưu ý phản hồi : những tiến trình phản hồi diễn ra liên tục và ngày càng gia tăng cường độ sẽ phá huỷ hệ thống và các bộ phận được phản hồi nếu chúng không được lưu ý và xử lý kịp thời, bởi mọi bộ phận đều có sức chịu đựng nhất định, sẽ đạt “công suất” tối đa một lúc nào đó.

Không lưu ý đến những “trị số tới hạn” : cái gì cũng có ranh giới. Không lưu ý sẽ dẫn đến tổn thất, thậm chí đổ vỡ do “tức nước vỡ bờ”.

Ta còn khối!: chủ quan trong việc tự đánh giá về tiềm lực, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực luôn có hạn.

Hành động dựa trên những dữ kiện sai lầm : sử dụng nguồn thông tin không đáng tin cậy và thiếu cơ sở khoa học, do bản thân bộ máy và phương pháp thu thập thông tin không phù hợp hoặc thiếu hiệu quả.

Không đủ nhạy cảm và viễn kiến : để áp dụng tư duy nối mạng và các tư duy tiên tiến khác, bên cạnh tư duy hệ thống cổ điển.

Tóm lại, có những hệ thống tự nhiên mà con người chỉ có thể tìm cách thích nghi, đồng thời cũng có vô số hệ thống mà con người là chủ nhân và… sẽ là nạn nhân của chúng, nếu không kịp thời nhận thức và khắc phục các lỗi hệ thống.

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.