Trò Chuyện Triết Học

Từ kỹ thuật đến công nghệ



SGTT.VN – Thông thường, kỹ thuật và công nghệ hầu như đồng nghĩa với nhau. Công nghệ còn có vẻ… sang trọng hơn kỹ thuật nữa, khi nghe người bán xe quảng cáo: “Xe này thuộc công nghệ mới nhất!”. Thật ra, anh ta chỉ muốn nói đến kỹ thuật thôi, bởi khách hàng mấy ai quan tâm đến quy trình sản xuất ra chiếc xe ấy làm gì! Vậy, kỹ thuật và công nghệ quan hệ với nhau ra sao?

Cùng chung một gốc

Kỹ thuật (technique) và công nghệ (technology) đều có chung một gốc từ “téchne” (Hy Lạp), có nghĩa là “năng lực”, “tài khéo”. Nhưng “công nghệ” (technology) lại có thêm cái đuôi “logy”, từ gốc Hy Lạp “lógos”, là môn học hay phương pháp, do đó, đúng ra phải gọi là công nghệ học. Sự khác nhau chính là ở cái đuôi ấy!

Nói đơn giản, “kỹ thuật” là một phương pháp được sử dụng để đạt một kết quả nhất định, là cách thức tiến hành một hoạt động cần đến tài khéo. Trong khi đó, “công nghệ” là sự hiểu biết về một kỹ thuật, là việc sử dụng các khám phá khoa học và kỹ thuật trong thực tiễn, nhất là trong công nghiệp, chẳng hạn, công nghệ sinh học sử dụng kỹ thuật biến đổi gen để sản xuất đại trà một sản phẩm nào đó (kỹ thuật ấy vận hành như thế nào? Những nguy cơ và khả năng của nó? v.v.)

“Công nghệ” là hệ quả của kỹ thuật, vừa bao hàm những thành tố của kỹ thuật (công cụ, máy móc…), vừa áp dụng các phương pháp lý, hoá, sinh (tức những kỹ thuật) trong một mạng lưới tiếp liệu nhằm thu hoạch, chế biến hay sản xuất những chất liệu hay sản phẩm nhất định. Công nghệ, vì thế, có một bối cảnh lịch sử văn hoá, trở thành từ đồng nghĩa để chỉ một thời đại (như thời đại đồ đồng, đồ sắt, thời đại thông tin) hay một nền văn hoá (văn hoá lúa nước, văn hoá đồ gốm…) Làm việc với một kỹ thuật sẵn có, công nghệ xác định khuôn khổ cho năng suất về chất (tôi có thể sản xuất cái gì, với những điều kiện tiên quyết nào) cũng như về lượng (phí tổn, tỷ suất tăng trưởng). “High-Tech” và “Low-Tech” là khái niệm khá hàm hồ, được hiểu là công nghệ cao và công nghệ thấp, nhưng thực ra bao hàm trong đó (thường là một cách cố ý!) những giải pháp kỹ thuật phức tạp hoặc đơn giản, những kỹ thuật sản xuất tốn kém hoặc rẻ tiền. Trong ý nghĩa đó, từ “công nghệ” lan sang cả những lĩnh vực bên ngoài công nghiệp như công nghệ giáo dục và cả… công nghệ tiệc cưới! Trước khi tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “công nghệ”, ta hãy trở lại với khái niệm “kỹ thuật” mang nghĩa rộng hơn.

Hệ thống kỹ thuật

Kỹ thuật, tự nó, có nghĩa rất rộng: toàn bộ những đối tượng do con người làm ra (công cụ, máy móc…); là năng lực, tài khéo về thể chất (ví dụ: kỹ thuật nhảy xa), về tinh thần (kỹ thuật tính nhẩm), về xã hội (kỹ thuật quản trị doanh nghiệp); là một hình thức hoạt động hay nhận thức bất kỳ (có kế hoạch, có mục đích, có thể lặp lại…); là nguyên tắc chung của việc làm chủ thế giới chung quanh.

Bây giờ, nếu chỉ hiểu theo nghĩa hẹp (nghĩa thứ nhất), kỹ thuật là: toàn bộ những đối tượng do con người làm ra, nói gọn là “hệ thống kỹ thuật hay đồ vật”; toàn bộ những hành vi và thiết chế trong đó những hệ thống kỹ thuật ra đời; toàn bộ những hành động, trong đó những hệ thống kỹ thuật được sử dụng. Theo nghĩa đó, kỹ thuật không phải là một lĩnh vực tự tồn, cô lập, trái lại, gắn liền với kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá.

Dựa theo chức năng (biến đổi, chuyên chở, tích trữ…) và theo loại đối tượng (chất liệu hay vật liệu, năng lượng hay thông tin…), người ta thường chia ra thành chín lĩnh vực kỹ thuật: 1. kỹ thuật biến đổi chất liệu (ví dụ: kỹ thuật chế biến, kỹ thuật chế tạo, hay nói chung, kỹ thuật sản xuất); 2. kỹ thuật vận tải (kỹ thuật cung ứng, kỹ thuật giao thông); 3. kỹ thuật tích trữ (kỹ thuật kho bãi, xây dựng); 4. kỹ thuật chuyển hoá năng lượng; 5. kỹ thuật truyền tải năng lượng; 6. kỹ thuật tích trữ năng lượng; 7. kỹ thuật xử lý thông tin (kể cả đo đạc, điều khiển, điều chỉnh); 8. kỹ thuật truyền tải thông tin; 9. kỹ thuật tích trữ thông tin (kể cả in ấn, âm thanh, hình ảnh và phim ảnh). Ta có thể gộp chung (4) đến (6) thành kỹ thuật năng lượng, (7) đến (9) thành “kỹ thuật thông tin” hoặc chia nhỏ chúng hơn nữa.

Với đà kỹ thuật hoá gia tốc ngày nay, kỹ thuật đi sâu vào đời thường và sinh hoạt gia đình, đặt ra những vấn đề mới mẻ về hệ quả tâm lý – xã hội trong việc sử dụng kỹ thuật.

Trong quan hệ tương tác giữa con người và kỹ thuật, trước nay, người ta chỉ lưu ý đến lĩnh vực lao động công nghiệp (đối tượng nghiên cứu của khoa học lao động và xã hội học công nghiệp), nhưng với đà kỹ thuật hoá gia tốc ngày nay, kỹ thuật đi sâu vào đời thường và sinh hoạt gia đình, đặt ra những vấn đề mới mẻ về hệ quả tâm lý – xã hội trong việc sử dụng kỹ thuật. Thêm vào đó là những xu thế phát triển xã hội không ai có thể tiên liệu hết được: đầu thời kỳ công nghiệp hoá là xu thế tập trung vào đô thị và chuyển trọng tâm từ nông nghiệp sang công nghiệp; thời kỳ sau là phi tập trung hoá và sự phát triển vượt bậc của khu vực dịch vụ; nhiều ngành nghề cũ chết đi, nhường chỗ cho những ngành nghề hoàn toàn mới, kéo theo sự biến đổi cấu trúc của hệ thống giáo dục và công luận. Thêm nữa, những vật liệu mới của hệ thống kỹ thuật dù tinh vi đến đâu, kỳ cùng đều quy về nguồn gốc là những vật liệu tự nhiên và trở thành rác thải ở cuối vòng đời của chúng, tác động nghiêm trọng đến hệ thống sinh thái, khiến hệ thống kỹ thuật trở nên khả nghi và đáng sợ hơn bao giờ hết.

Thuyết tất định kỹ thuật?

Phát minh, sáng kiến kỹ thuật và truyền bá là ba giai đoạn hình thành hệ thống kỹ thuật. Khác với tri thức khoa học, phát minh kỹ thuật luôn nhắm tới khả năng được sử dụng. Vì thế, về nguyên tắc, phát minh kỹ thuật (thể hiện ở bằng sáng chế) không có tính vô vị lợi hay trung lập về mục đích. Sáng kiến kỹ thuật thì đòi hỏi phải được làm thí điểm, được cải tiến và sau cùng hình thành nhà máy và lo khai thác thị trường mới. Tất cả đều tốn kém, vì thế, không thể tách rời khỏi sự điều khiển của các thế lực kinh tế hay quân sự. Việc truyền bá được tôn vinh là sự “tiến bộ kỹ thuật” dù chưa biết chắc có là sự tiến bộ thực sự cho con người và xã hội hay không. Vào những thập niên cuối thế kỷ 20 nổi bật quan niệm về một “thuyết tất định kỹ thuật”, theo đó, hệ thống kỹ thuật biến đổi và vận hành theo một quy luật tự thân, không thể cưỡng lại. Quan niệm ấy đang bị phê phán kịch liệt. Con người ngày càng nhận thức rằng sự phát triển kỹ thuật – cách nói thận trọng hơn, thay cho từ “tiến bộ kỹ thuật” – cần được hiểu như một tiến trình xã hội, trong đó có sự tương tác, kiểm tra và đối trọng giữa các bộ phận luôn xung khắc: tri thức khoa học, sáng kiến kỹ thuật, cạnh tranh lợi ích, quyền lực chính trị và nhu cầu đích thực của con người.

(còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.