“Hãy làm điều gì đó có ích thay vì chỉ giết thời gian. Bởi vì thời gian đang dần giết bạn”
(Paulo Coelho)
Gia nhập vào cộng đồng của những người tự học, ta sẽ thấy họ có nhiều mẹo vặt được gọi là life-hack, những cách khác nhau để tiếp thu kiến thức, tận dụng thời gian và phát triển bản thân. Bản thân là một người tự học, tôi cũng có một số phương pháp của riêng mình. Sau đây tôi xin chia sẻ với bạn đọc một số mẹo vặt đơn giản, giúp cuộc sống của tôi được cải thiện tốt hơn.
1. Nói không với ti vi.
Có một câu nói hài hước của Groucho Marx là: “Tôi thấy ti vi mang tính giáo dục rất cao. Mỗi khi có ai đó bật ti vi lên, tôi liền đi qua phòng khác và đọc một quyển sách.”
Nhà đầu tư người Mỹ James Altucher có một câu nói khác: “Bật ti vi lên là tắt cả thế giới.”
Tiểu thuyết gia Stephen King thì lại nói: “Để trở thành một nhà văn tốt, thì hãy rút phích cái ti vi của bạn, quấn dây quanh ti vi, và quẳng nó vào nhà kho.”
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc xem ti vi quá nhiều làm chậm đi hoạt động của bộ não con người và làm giảm mức độ thỏa mãn trong cuộc sống. Từ lâu tôi đã loại bỏ ti vi ra khỏi cuộc sống của mình.
Vấn đề của các chương trình ti vi hiện giờ là quá nhiều quảng cáo, thừa mứa giải trí và quá ít kiến thức. Không phải ti vi không có những chương trình bổ ích. Nhưng điểm bất lợi của nó là ta phải sắp xếp thời gian để xem chương trình mình thích, thay vì xem vào lúc rảnh rỗi. Và sau khi chương trình đó kết thúc, theo quán tính, ta rất dễ ngồi lì ở đó và chuyển hết kênh này đến kênh khác để xem tiếp. Thế là vài giờ đồng hồ mỗi ngày đi tong. Ta đi học, đi làm, về nhà, ăn tối, ngồi trước ti vi đến khi mắt díu lại, rồi đi ngủ. Bảo sao người ta không có thời gian để làm những điều mình thích.
Tôi từng đọc được một câu thế này: Khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 10 giờ tối mỗi ngày sẽ quyết định chúng ta trở thành người như thế nào. Cho nên tôi không thể bỏ thời gian đó ra chỉ để xem ti vi, nó quá lãng phí. Tôi vẫn xem các chương trình truyền hình nào mình thấy bổ ích. Nhưng tôi không dành thời gian cố định để chào đón các chương trình đó trên ti vi, mà lên mặng xem khi nào tôi rảnh.
2. Đi ngủ trước nửa đêm.
Dân Mỹ thường truyền tai nhau câu nói: Nothing good happens after midnight – chẳng có gì tốt đẹp xảy ra sau nửa đêm, phỏng lại câu thoại: Nothing good happens after 2 A.M. trong loạt phim truyền hình nổi tiếng How I met your mother.
Thực tế là không có điều gì tốt lành xảy ra sau nửa đêm, cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể. Sau 12 giờ đêm, kẻ xấu thường lợi dụng thời cơ thực hiện mưu đồ của mình, cướp của, giết người, bắt cóc… Còn bên trong cơ thể, thì lúc này đầu óc con người đã mụ mẫm và thân thể đã đờ đẫn, hoạt động không còn được sáng suốt, mà lại dễ nảy sinh những suy nghĩ u tối.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng từ khi sinh ra con người đã có một số lượng tế bào thần kinh nhất định, và chúng chỉ giảm đi theo thời gian chứ không tăng lên. Việc thức khuya lâu dài làm chết các tế bào thần kinh, gây giảm trí nhớ và là nguyên nhân cho các chứng bệnh khác.
Do vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã được má mình tập cho thói quen đi ngủ sớm. Hồi còn ở chung với ba má, ăn cơm xong, làm bài tập về nhà, khoảng 9 giờ tối là tôi lên giường đi ngủ. Cho nên bây giờ tôi thường đi ngủ rất sớm. Cứ 8 giờ tối là ngáp ngắn ngáp dài, 9 giờ tối là mắt nhắm mắt mở, 10 giờ tối là đã nằm yên vị trên giường. Bạn bè thường trêu chọc khi nào gà lên chuồng là tôi cũng lên giường. Kệ, giấc ngủ là quan trọng, cái gì còn lại thì để mai tính.
3. Thức dậy lúc bình minh.
Bởi vì tôi ngủ lúc 10 giờ tối, nên tôi thường dậy vào 4 giờ sáng. “Trời, làm gì thức sớm vậy?” bạn có thể hỏi. À, có nhiều việc để làm lắm.
Từ 4 giờ tới 6 giờ sáng là những giờ linh thiêng tôi dành cho chính mình. Tôi ngồi thiền, đọc sách, viết lách, nghiên cứu tài liệu hoặc xem những thông tin truyền cảm hứng và ý tưởng cho bản thân. Sáng sớm là khoảng thời gian yên tĩnh mà ta không bị làm phiền hay phân tâm bởi những thứ xung quanh. Đầu óc con người cũng thường hoạt động mạnh mẽ và sáng suốt nhất. Nên tôi dành những giờ đầu tiên của ngày mới cho các công việc phát triển bản thân và làm những gì mình yêu thích. Cũng nhờ tận dụng khoảng thời gian sáng sớm mà tôi mới có thể vừa đi làm toàn thời gian, vừa viết xong quyển sách đầu tay, vừa hoàn thành khóa học làm giáo viên yoga trong một thời gian ngắn.
Dĩ nhiên là không nhiều người muốn thức dậy lúc 4 giờ sáng. Thực tế thì tùy cơ địa mỗi người mà ta có xu hướng thức khuya hoặc dậy sớm. Tuy nhiên, việc đặt đồng hồ để dậy sớm hơn mỗi ngày và dành thời gian để chạy bộ hay tập thể dục là một việc nên làm. Thử tưởng tượng thay vì thức dậy sát giờ, cuống cuồng vệ sinh rồi chạy đi học đi làm, bạn thức dậy sớm hơn một tí, vận động cơ thể cho đổ mồ hôi, ngồi đọc một vài trang sách, ăn sáng rồi làm việc hay học hành. Một ngày mới sẽ bắt đầu rất sảng khoái.
Cũng giống như các thói quen khác, nếu muốn dậy sớm, ta chỉ cần luyện tập để tạo thói quen. Không cần bắt đầu quá tham vọng. Chỉ cần bắt đầu bằng cách đặt đồng hồ báo thức sớm hơn 15 phút so với bình thường, và cố gắng dậy đúng thời gian đó. Chỉ 15 phút thôi, tự nhủ với bản thân để cố gắng tuân theo thời gian biểu mới. Rồi sau khi đã thấy thoải mái với quãng thời gian này, ta tăng lên thành 30 phút. Nếu dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày, thì một tuần bạn có thêm gần bốn giờ trống để đầu tư cho bản thân. Ta không bao giờ thiếu thời gian để làm điều mình thích.
4. Bớt đọc báo và tạp chí.
Trong quyển sách Tôi tự học, học giả Nguyễn Duy Cần có phân tích rất cụ thể tại sao không nên đọc báo. Trước hết, xin lỗi bạn bè của tôi những người đang làm báo. Có không ít các tờ báo cho ra các ấn phẩm chất lượng tốt. Có rất nhiều nhà báo tâm huyết với nghề, cố gắng cung cấp kiến thức, thông tin xác thực cho độc giả. Tuy nhiên, vì một tờ báo thường là cơ quan phát ngôn của một tổ chức nào đó, nên khi truyền đạt thông tin, nó thường mang quan điểm và cái nhìn của đơn vị mà nó đại diện. Mặt khác, ngày nay, thiểu số những tờ báo chính thống, cung cấp thông tin trung thực và khách quan đã bị vùi dập bởi hàng tấn những trang thông tin lá cải, lộ hàng, giật gân, giải trí và nhiều thức vô bổ khác.
Nghe theo lời khuyên của cụ Nguyễn Duy Cần, tôi không đọc báo nhiều. Buổi sáng đọc lướt qua rất nhanh các tờ báo để nắm tin tức trong ngày, và đánh dấu lại những bài báo có vẻ chất lượng để dành đọc lúc cuối ngày. Tôi không bao giờ ngồi ôm tờ báo gặm nhấm từng chữ một hoặc lang thang báo mạng đọc hết bài này đến bài khác. Thực tế là bây giờ không cần đọc báo mà chỉ cần lướt qua mạng xã hội cũng biết được khá nhiều thông tin. Những bài báo phân tích tốt nhất hay tin tức nóng hổi nhất luôn được nhiều người chia sẻ. Muốn biết thông tin mới chỉ cần đọc những bài được chia sẻ bởi những người có độ tin cậy cao.
Thay vì đọc báo, tôi đọc blog. Khác với báo chí mang tiếng là khách quan mà sự thật là chưa hẳn thế, các bài blog được xác định rõ ràng hoàn toàn là của chủ quan người viết. Blog có những ưu điểm mà báo chí không bù lại được, mỗi trang blog thường chú trọng một vài lĩnh vực cụ thể, đưa cho ta rất nhiều mẹo hay, nhiều trải nghiệm cá nhân, cảm xúc riêng tư của người viết đối với sản phẩm, dịch vụ, địa điểm… mà ta quan tâm. Và khi cần tôi dễ dàng lọc bỏ được những yếu tố mang tính cá nhân để lấy thông tin thiết yếu.
Blog của những người thành công, nổi tiếng hay các chuyên gia thường chia sẻ rất nhiều bí kíp, kỹ năng hoặc thông tin có giá trị, với quan điểm góc nhìn của họ, cho ta nhiều kiến thức trong quá trình tự học, hiểu rõ hơn về con đường đi lên của họ và định hướng lại suy nghĩ của bản thân. Quan trọng là tìm đúng blog để theo dõi.
5. Tận dụng thời gian di chuyển.
Người ta thường tốn trung bình một giờ đến hai giờ đồng hồ cho việc di chuyển hằng ngày. Bạn thường làm gì trong khoảng thời gian ấy? Dùng nốt những lúc di chuyển cho việc phát triển bản thân thì thật là nhất cử lưỡng tiện.
Thời gian lái xe trên đường sẽ là thời gian để tôi động não, sắp xếp hoặc bổ sung ý tưởng cho một bài viết bào đó. Nhiều bài viết của tôi được nảy ra và hoàn thiện trong lúc tôi đi trên đường. Trong quyển sách How to live 24 hours a day (tạm dịch: Làm thế nào để sống 24 giờ một ngày), tác giả Arnold Bennett cũng đề cập: Dành thời gian di chuyển đi làm buổi sáng để suy nghĩ một cách sâu sắc một chủ đề nào đó là cách tốt nhất để rèn luyện bộ não của bạn.
Một cách khác để tận dụng thời gian di chuyển là nghe podcast. Tôi thường lên mạng tải về các podcast của những chương trình mình quan tâm và lưu lại trong điện thoại để nghe mỗi sáng khi đi làm. Đặc biệt là những chương trình đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, hoặc tin tức trên thế giới, và bình luận của nhiều bên liên quan. Ba mươi phút lái xe đi làm mỗi sáng là vừa đủ thời lượng cho một podcast, vừa nghe để nắm thêm thông tin mới, vừa để luyện tiếng Anh.
6. Tránh xa những thứ có hại cho sức khỏe.
May mắn có bạn bè toàn những người quan tâm chăm sóc sức khỏe, nên tôi cũng luyện tập được khá nhiều thói quen có lợi cho sức khỏe. Ví dụ như chỉ uống nước lọc, không uống các loại nước uống đóng chai khác, cũng không dùng đá lạnh. Tất cả các loại nước ngọt, nước giải khát tràn ngập trên thị trường đều chứa nhiều hóa chất. Hạn chế ăn những thực phẩm quá ngọt hoặc quá mặn. Không ăn sô cô la và sử dụng ít những sản phẩm có đường, vì đường khiến cho cơ thể mệt mỏi. Hạn chế thức ăn có nguồn gốc động vật, giữ chế độ dinh dưỡng chứa nhiều rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc. Và nếu được thì chuyển sang ăn chay.
Cơ thể là ngôi đền nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chúng ta sinh ra trên thế giới này, mỗi linh hồn đều có một sứ mệnh. Cơ thể ta, thân xác ta là nơi cư ngụ của linh hồn, của tâm trí. Thân ta là phương tiện để thực hiện sứ mệnh của mình, truyền tải những ý tưởng của mình, chia sẻ những giá trị và giúp ích cho cuộc đời. Chúng ta có thể thay đổi quần áo, nhà cửa, xe cộ, công việc, sự nghiệp, người yêu, vợ chồng. Nhưng cơ thể là thứ sẽ đi theo ta suốt cả đời mà ta không thể thay đổi được. Nếu không quan tâm chăm sóc đến cơ thể, làm sao ta có thể sống một cuộc đời vui tươi hạnh phúc và hoàn thành những gì mình mơ ước?
7. Luôn mang theo một quyển sách bên mình.
Luôn mang theo một quyển sách bên mình là thói quen của nhiều người thành đạt. Trong quyển On writing (tạm dịch: Bàn về viết) của Stephen King, tác giả chia sẻ rằng đây là một trong những cách khiến ông phát triển trong sự nghiệp viết văn của mình. Trong cuộc sống có lúc nào mà ta không chờ đợi một cái gì đó. Chờ mẹ đi siêu thị, chờ bạn đến ăn tối hoặc cafe, chờ phỏng vấn, chờ khám bệnh, xếp hàng chờ mua đồ, chờ mọi người đến đủ cho một cuộc hẹn. Tranh thủ những khoảng thời gian đó để đọc vài trang sách thay vì thụ động để thời gian trôi qua, cứ mỗi ngày một một chút như vậy, một tuần ít nhất cũng thêm được vài giờ để đọc sách. Và kiến thức của ta tăng lên rất nhiều.
8. Không sa đà vào trò chơi điện tử.
Một người bạn của tôi bảo từ nhỏ đến lớn cậu không bao giờ chơi trò chơi điện tử. Vì bạn ấy có một người cha cực kỳ nghiêm khắc. Ngày xưa, khi phong trào chơi điện tử mới bắt đầu rộ lên, bạn bị cấm tiệt nên chẳng bao giờ được chơi. Mỗi lần được 10 điểm hay đứng nhất lớp, thì bạn ấy mới được ba thưởng bằng cách cho ra hàng điện tử…ngó người ta chơi trong vòng 15 phút. Vậy nên khi lớn lên cậu ấy không bị nghiện chơi điện tử như bọn con trai cùng lứa. Không biết có phải nhờ vậy mà bạn tôi lanh lợi và giỏi giang hơn hầu hết những người cùng tuổi hay không.
Cái gì cũng vậy, có mặt lợi mặt hại. Nhưng nếu nhiều quá thì sẽ lợi bất cập hại.
Thử tưởng tượng một anh chàng mê chơi điện tử, kết hôn rồi vẫn cày vài ván Dota hay Liên Minh Huyền Thoại trước khi đi ngủ. Mỗi đêm anh đeo tai nghe cắm mặt vào laptop chiến cùng lũ bạn rồi thỉnh thoảng hét lên, nào là giết nó, sao ngu dữ, rồi nói tiếng “Đan Mạch”… Vợ anh ngao ngán ngồi ôm ti vi, rồi một mình đi ngủ trong đợi chờ mòn mỏi. Thật là một cảnh tượng đầy chán nản.
9. Chia sẻ thông tin.
Nhiều bạn bè tôi không có tài khoản Facebook. Rất nhiều người khác hầu như chẳng chia sẻ gì trên các trang mạng xã hội, không blog, không Facebook, không Twitter, không Instagram. Tôi có thể hiểu vì sao, mạng xã hội thường quá ồn ào không phù hợp cho sự rèn luyện trí óc và tinh thần con người. Nhiều người tài năng lựa chọn mai danh ẩn tích khỏi thế giới mạng, sống hài lòng với chính mình và không có nhu cầu thể hiện bản thân, liên lạc hay giải trí qua mạng xã hội. Tôi cũng đã từng một thời như vậy. Nhưng từ khi tôi chia sẻ nhiều hơn qua blog, qua Facebook hay các trang mạng xã hội khác, tôi nhận ra rằng điều này cũng có nhiều điểm hay của nó.
Thứ nhất, những chia sẻ của tôi được đón nhận, được đồng tình, phần nào giúp tôi tự tin và thoải mái bộc lộ bản thân nhiều hơn. Thứ hai, qua những chia sẻ trên mạng này, tôi quen thêm nhiều bạn bè, những người tài giỏi và dễ thương, giúp cuộc sống của mình phong phú và vui vẻ hơn. Thứ ba, khi chia sẻ những điều bổ ích với người khác, tôi cũng nhận lại được những thông tin bổ ích tương tự. Nhiều người chia sẻ với nhau, thế là mọi người cùng tiến bộ. Chia sẻ thông tin cực kỳ có lợi.
10. Điều cuối cùng này là của bạn.
Bạn có bí quyết gì giúp cuộc sống tốt hơn? Hãy chia sẻ để chúng ta cùng hoàn thiện nhé.