Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

CON ĐƯỜNG NÀO TA ĐI



“Không hành động sinh ra sự nghi ngờ và sợ hãi. Hành động tạo ra sự tự tin và can đảm. Nếu bạn muốn chế ngự nỗi sợ thì đừng ngồi ở nhà và nghĩ về nó. Hãy ra ngoài và khiến mình bận rộn.”
– Dale Carnegie
Bình nói với tôi: “Em thực sự không biết mình nên làm gì. Nên thử sức với khởi nghiệp giống như đứa bạn của em, hay là tìm hiểu về chứng khoán đầu tư như anh của em khuyên. Em phải làm gì hả chị? Em đã suy nghĩ rất lâu rồi mà vẫn chưa có được quyết định.”
Tôi hỏi Bình:
– Em năm nay bao nhiều tuổi?
– Dạ em mười chín.
– Em mới mười chín, cả hai ngành kia em đã thử làm chưa?
– Dạ chưa.
– Vậy em nghĩ em có thể biết được là mình hợp với cái gì chỉ bằng cách ngồi suy nghĩ hay không?
Bình ấp úng:
– Dạ, em hiểu ý chị rồi. Chắc em sẽ phải thử tìm hiểu một trong hai thứ.
Trong các bài viết về quản trị cuộc đời, người ta thường bắt gặp câu chuyện về cô bé Alice trong truyện Alice lạc vào xứ thần tiên của tác giả Lewis Carroll. Alice gặp mèo Cheshire. Alice hỏi:
“Xin bạn vui lòng nói cho tôi biết, từ đây tôi phải đi đâu?”
“Điều đó tùy vào nơi bạn muốn tới”
“Tôi không quan tâm, nơi nào cũng được”
“Vậy đi đường nào chẳng thành vấn đề”
“Miễn là tôi đến được một nơi nào đó”
“Ồ, chắc chắn sẽ đến, nếu bạn đi đủ xa”
Chuyện của Alice nói lên một triết lý: Nếu không biết điểm đến của mình, thì đi đường nào chẳng được. Mặt khác, Bo Bartlett, một họa sĩ chuyên nghiệp tại Mỹ từng vẽ tranh miễn phí trong suốt 20 năm trước khi mỗi bức vẽ của ông đáng giá đến 50.000 USD, từng nói: “Bạn quyết định làm gì không quan trọng, quan trọng là mức độ cam kết với quyết định mà bạn đưa ra.” Ở đời điều cốt yếu không phải là chọn con đường nào, mà là mình có đi đến cùng với con đường đó hay không.
Tuổi trẻ là thời gian thử nghiệm. Người ta trưởng thành qua nhiều lần làm thử, vấp ngã, làm lại, và cứ như thế tiếp tục. Phải bắt tay vào thử thì ta mới biết được mình hợp với cái gì. Phải làm thì ta mới biết là mình có khả năng hay không. Dù sao khi thử thì nếu sai lầm ta vẫn biết được rằng cái đó thực sự không phù hợp với mình, và bỏ đi để thử cái khác. Nếu ta cứ ngồi nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, không làm gì cả thì làm sao biết được cái gì. Ít ra thử mà thất bại thì có được bài học. Nếu không thử, thời gian thì cứ trôi mải miết mà ta vẫn chưa làm được gì.
Trong quyển sách Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn, tác giả Meg Jay kể về kinh nghiệm trong những năm tư vấn tâm lý cho những người trẻ ở độ tuổi 20 -29. Bà nói: “Chúng ta nghĩ rằng trì hoãn việc ra quyết định sẽ giữ cho các lựa chọn luôn mở rộng. Nhưng bản thân việc trì hoãn đã là một lựa chọn rồi.”
Tác giả Lindsey Pollak mà tôi từng đề cập cũng viết rằng: “Đừng nghĩ rằng bạn có thể xây dựng sự nghiệp của mình chỉ bằng cách ngồi trên giường ngủ và suy nghĩ thật lâu. Bạn làm điều đó bằng cách đặt nhiều câu hỏi và thử nhiều điều khác nhau.” Cô nhấn mạnh: “Bất cứ lúc nào bạn thấy mình bị mắc kẹt, thất vọng, lo lắng, lạc lối, bối rối, nản chí, hay áp lực, thì với kinh nghiệm của tôi, câu trả lời luôn là hành động. Hãy làm một cái gì đó.”
Tôi nói với Bình những điều này, và kể em nghe câu chuyện của một người bạn của tôi, tên thân mật là Táo. Một hôm, Táo nhắn cho tôi: “Chị, tuần sau em nghỉ làm, ra Hội An mở nhà trọ cho Tây ba lô.” Tôi hoảng hồn, hẹn em ra nói chuyện, hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa. Em bảo em cũng mới nảy sinh ý định thôi, em thích đi du lịch, thích thú đầu tư, làm một điều mới. Em đã tham khảo ý kiến rất nhiều người anh lớn tuổi từng khởi nghiệp thành công. Ai cũng bảo cầm chắc thua lỗ. Nhưng em chịu lỗ, chấp nhận bỏ ra mấy trăm triệu để làm. Em nói tiền em để dành chứ chẳng ăn cắp vay mượn của ai. Làm lời thì ăn, làm lỗ thì học. Tôi ban đầu hơi sửng sốt về ý định liều lĩnh của cậu em ít tuổi vừa mới ra trường. Nhưng sau đó nhìn lại, gật gù nghĩ, ừ phải. Người ta có câu: “Khoảng cách giữa ngu dốt và hiểu biết ngắn hơn nhiều so với khoảng cách giữa hiểu biết và hành động.” Bao nhiêu người nghĩ mà không làm. Còn Táo chẳng nghĩ gì nhiều, nhưng hễ có ý tưởng liền bắt tay vào thực hiện. Điều này phải đáng hoan nghênh.
Một người bạn doanh nhân của tôi cũng kể về kinh nghiệm đầu tư của anh. Có rất nhiều cơ hội tới, mỗi cơ hội có rất ít thời gian quyết định. Đôi khi vì quá nhanh, quá hấp tấp mà anh quyết định đầu tư sai lầm. Anh mới mất vài trăm triệu vào một dự án nọ. Nhưng anh không hối hận. Vì lý luận của anh là: Nếu mười lần mình quyết làm, thì có thể là tám lần thua và hai lần thắng. Và cả mười lần mình đều học được điều gì đó. Nếu mỗi lần cơ hội đến, mình lại chần chừ lưỡng lự, không làm gì hoặc để thời gian trôi qua quá lâu, thì cơ hội vụt đi mất chẳng biết bao giờ có lại lần nữa. Đợi đến khi có đủ thông tin để ra quyết định, thì mình chỉ làm được hai lần trong khoảng thời gian người khác làm được mười lần. Và chắc gì mình thắng được cả hai lần đó.
Thực sự là, nếu bạn đang do dự trước một quyết định, hãy hướng đến lựa chọn nào đem lại nhiều trải nghiệm hơn, nhiều câu chuyện hơn. Dĩ nhiên cần tìm hiểu thật kỹ trước những quyết định lớn. Nhưng đừng lo sợ trước trải nghiệm mới.
Vì sao? Vì thà làm mà thất bại thì ta còn học được. Điều đó còn tốt hơn chán vạn lần căn bệnh mà nhiều người mắc phải cả đời: Thiếu hụt khả năng hành động. Nghĩ sau này lập gia đình có con cái, sẽ nói thế nào với con? Nói: Cha đã từng theo đuổi đam mê của mình, đã từng khởi nghiệp, từng thử làm nghề này nghề nọ. Hay là nói: Cha đã từng nghĩ tới việc làm cái này cái khác, thay đổi cuộc đời, nhưng mà cha đã quá sợ hãi để bắt đầu. Bạn chọn cách nào?
Có một câu nói là: Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có những ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại, hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”
Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.
Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: Just do it. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao lại khong thử bước ra ngoài, và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước, thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành, mới khiến kỹ năng của ta khá lên.
Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động, không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty. Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.
Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.