Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

ĐỪNG DỰA VÀO TRƯỜNG HỌC



“Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống cả đời tin rằng mình là kẻ ngu ngốc.” (Albert Einstein)
Nói chuyện với đứa em đang học cấp ba. Nó gặp khó khăn nghiêm trọng với môn văn, vấn đề muôn thuở của mấy thằng con trai khô khan yếu các môn xã hội. Ngồi một hồi để tư vấn cho nó vài lời khuyên, tôi nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về trường học loài vật mà tôi từng đọc được. Câu chuyện được cho là của tác giả George Reavis.
Truyện kể rằng một hôm, các loài thú vật quyết định rằng chúng phải làm gì đó thật vĩ đại để giải quyết các vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Và thế là chúng mở ra một trường học.
Tất cả loài vật đã thông qua một chương trình giảng dạy bao gồm: leo cây, chạy, bơi và bay. Để việc quản lý chương trình được dễ dàng hơn, mọi loài vật đều phải tham gia tất cả các môn học.
Và rồi:
Con vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí là còn giỏi hơn cả thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu trong môn bay và rất tệ trong môn chạy. Vì vịt chạy rất chậm, nó phải ở lại trường sau giờ học và phải bỏ luôn cả bơi để luyện tập môn chạy. Việc này tiếp diễn cho đến khi màng chân của nó bị rách toạc khiến vịt chỉ đạt điểm trung bìnhbtrong môn bơi. Vì ở trường, điểm trung bình là chấp nhận được, nên chẳng ai lo lắng về điều đó trừ vịt.
Con ngựa dẫn đầu lớp trong môn chạy, nhưng nó gặp khó khăn lớn vào những giờ học leo cây.
Sóc thì rất giỏi trong môn leo cây, nhưng nó lại thất bại trong môn bay, khi thầy giáo yêu cầu phải bay từ dưới đất lên thay vì từ ngọn cây xuống. Nó bị chuột rút vì phải cố gắng quá sức và sau đó bị bốn điểm trong môn leo và hai điểm trong môn chạy.
Đại bàng là một đứa trẻ hư đốn và thường xuyên bị kỷ luật nặng nề. Trong giờ học leo trèo, nó vượt qua tất cả các học sinh khác và leo đến ngọn cây sớm nhất nhưng khăng khăng đòi sử dụng cách riêng của nó để đến đích chứ không phải dùng chân bám và leo từng bước như hướng dẫn.
Kết thúc năm học, bạn đoán xem con vật nào có tổng điểm cao nhất? Đó là lươn, một con vật hết sức kỳ dị. Dù chẳng học môn nào xuất sắc, nhưng nó có thể bơi, chạy, leo và bay mỗi thứ một chút, nên nó đạt điểm trung bình môn cao nhất và trở thành thủ khoa.
Loài cầy thảo nguyên phản đối hệ thống đào tạo này vì ban quản lý nhà trường từ chối thêm môn đào hang vào chương trình giảng dạy. Chúng quyết định không tham gia vào trường học và cho lũ con học việc ở chỗ của một con lửng. Những con cầy sau đó hợp tác với lũ chim và chuột túi, mở một trường học tư nhân, và đạt được thành công vang dội.
Câu chuyện này thường xuyên được các nhà giáo dục phương Tây sử dụng để minh họa cho sự phiến diện của giáo dục chính quy thông qua trường lớp. Các trường học chính quy từ cấp một đến cấp ba thường xếp lớp dựa trên tuổi tác và giảng dạy một số môn nhất định. Theo nhà giáo dục người Mỹ Leo Buscaglia, phương pháp này có không ít hạn chế. Một mặt, việc xếp lớp dựa trên độ tuổi không đem lại lợi ích cho mọi học sinh, vì sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người là khác nhau dù cùng chung độ tuổi. Mặt khác, sự đánh giá dựa trên một số môn học trong nhà trường không phát huy được thế mạnh của mỗi cá nhân và làm hạn chế sự phát triển toàn diện của con người.
Tại Việt Nam, giáo dục nhà trường còn nhiều bất cập vì phải chạy đua theo thành tích. Nhìn lại bản thân mình, tôi thấy điều này để lại những hậu quả nặng nề.
Thời mới vào cấp ba, tôi đăng ký thi chuyên văn vì hồi đó với tôi học văn dễ như uống nước. Mỗi đề bài đều tìm ý hay ý mới để viết, nên điểm văn cấp hai lúc nào cũng cao nhất lớp. Đậu vô trường chuyên, cứ tưởng học mà như chơi, ai ngờ tan tành giấc mộng.
Chương trình học nhồi nhét khủng khiếp, lớp 10 thì học chương trình lớp 11, lớp 11 thì học tiếp chương trình lớp 12, rồi 12 thì ôn lại những bài cũ. Ngày nào cũng có vài đề bài văn phải làm. Mỗi bài thơ truyện ngắn là ba, bốn bài tập làm văn khác nhau, hết đề này tới đề khác. Ý tưởng đâu mà đẻ ra liên tục như vậy, nên không còn cách nào khác tôi đành xào nấu những bài cũ, cắt xén ý này ý nọ lắp ghép vào với nhau. Thầy dạy môn chuyên (thành thật xin lỗi các thầy) lên lớp giảng bài theo từng ý, cứ như vậy mà chép vô như rô bốt. Bởi vì học là để thi, mà thi thì chấm bài theo ý. Nên ngay cả môn văn thầy cũng phải dạy theo công sức sao cho học sinh thi đậu, đủ ý đúng ý của người ra đề, chỉ biết chạy theo thôi chứ biết làm sao.
Cả năm học cứ chạy theo các kỳ thi, hết thi chuyên đề, lại thi đội tuyển trường, rồi thi học sinh giỏi tỉnh, đến thi Olympic 30/4, đến thi quốc gia. Mỗi lần gần tới kỳ thi, tôi toàn thức dậy lúc 2 giờ sáng để học bài. Nhiều khi mệt quá học không nổi, nên lên lớp kiểm tra đành nộp giấy trắng. Bây giờ đã qua mười mấy năm mà đôi khi nằm mơ vẫn thấy mình trễ thi, tới lộn phòng thi, không mặc quần áo đi thi, thật là ác mộng. Sau ba năm học chuyên văn, tôi thấy mình tàn tạ như giẻ rách, tình yêu với môn văn tan tác như lá nát sau mưa dông. Tôi trở nên căm ghét văn chương, và chuyển hướng sang học kinh tế.
Ba năm cấp ba tôi chẳng nhớ gì nhiều, chỉ nhớ mãi một điều. Đó là hồi học đội tuyển quốc gia, được học một người thầy đặc biệt. Nghe đồn thầy là một trong sáu thầy giáo dạy văn hay nhất Việt Nam một thời. Học thầy đâu có vài ba buổi mà tôi nhớ suốt đời. Thầy bảo khi phân tích một bài văn bài thơ nào đó mình phải chọn một con mắt. Con mắt đó là điểm ưng nhất trong bài văn bài thơ, không cần theo ý ai, chỉ cần bản thân mình thấy thích là được. Phải tập trung làm rõ, phân tích nó, diễn giải tại sao mình thấy chỗ đó hay chỗ đó đẹp. Rồi từ đó lấy nó làm cái hồn, làm sợi chỉ xuyên suốt, lan tỏa nó ra, để biến nó thành điểm nhấn, đem sức sống cho bài viết của mình. Thầy ngày xưa học cùng thời với Lê Anh Xuân, Hoàng Nhuận Cầm và nhiều thi sĩ khác. Mỗi lần giảng tới bài thơ bài văn nào là thầy kể giai thoại về người đó, lũ học trò chúng tôi ngồi nghe như nuốt từng lời, ghi chép không nhiều mà cứ nhớ như in.
Bởi vậy, tôi thấy điều đầu tiên và quan trọng nhất để học tốt (mà các thầy cô lại thường bỏ qua) đó là cảm thụ. Như dạy văn, thì người dạy phải truyền cho học sinh cái tình yêu con chữ, cái hay cái đẹp của văn chương, cái chân thiện mỹ mà mỗi con người đều hướng tới, cái sinh động đầy màu sắc mà văn học phản ánh từ cuộc sống con người. Hay dạy toán, thì cái cần làm là nuôi dưỡng niềm đam mê logic, ứng dụng của toán học vào thực tế, vẻ đẹp của toán học. Nhưng thử hỏi có mấy ai làm được vậy. Vất vả với lương giáo viên ba cọc ba đồng, vừa dạy ở trường vừa lo dạy thêm, rồi vắt óc với các thành tích chỉ tiêu, phải nâng điểm cấy số ảo để có bảng điểm đẹp đặng báo cáo với cấp trên. Đó là chưa kể thời xưa “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. một số thầy cô không đủ điểm vào trường khác nên mới học sư phạm chứ đâu phải là vì tình yêu bục giảng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Có người bạn bảo thấy tôi viết còn hay hơn cô giáo dạy văn. Tôi cười nghĩ, vì mấy cô giáo mà bạn thấy không có đủ tình yêu với văn chương đó thôi. Hoặc tình yêu đó vốn không hề tồn tại, hoặc tình yêu đó bị bào mòn bởi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Không có tình yêu thì làm sao viết hay giảng hay, không có tình yêu thì làm sao truyền thụ được tình yêu tới lũ học trò. Bởi vậy có không biết bao nhiêu đứa học trò như tôi, theo đuổi vì sở thích, mà từ bỏ vì kiệt quệ và vỡ mộng. Những ngày trong nhà trường không những không bồi đắp tình yêu với văn chương mà còn tàn phá nó nữa. 1
Nghĩ lại, đó chính là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện thời. Thay vì ươm mầm tình yêu với tri thức cho học trò thì lại hủy hoại nó. Thay vì nuôi dưỡng sự sáng tạo thì lại bóp chẹt cho nó chết đi. Nhà giáo dục người Mỹ Neil Postman từng nói: “Trẻ em đến trường với những dấu chấm hỏi và ra trường với những dấu chấm hết.” Trường học truyền thống đôi khi làm thui chột đi khả năng tò mò, và lòng ham hiểu biết. Ở Việt Nam tình hình càng bi đát hơn. Từ nhỏ học trò đi học đã được dặn dò phải học giỏi đặng sau này mới có công ăn việc làm, để lo cho gia đình phụng dưỡng cha mẹ. Chẳng thấy ai dặn hãy học vì tình yêu tri thức. Tốt nghiệp cấp ba thi vào đại học cứ chọn đại ngành nào dễ kiếm việc làm. Rồi học xong bốn năm đại học cũng chẳng biết mình thích gì muốn gì, tự hỏi ta sẽ làm chi đời ta. Rồi đâm đầu đi làm kiến ăn qua ngày. Rồi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi già đi. Rồi nằm trên giường bệnh nghĩ lại thời trai trẻ, nhớ ôi ta cũng đã một thời ước được làm kỹ sư nông nghiệp, ta đã một thời mơ mộng làm nhà văn, ta đã một thời muốn làm nhạc sĩ, vũ công, làm thợ chụp ảnh, làm đầu bếp… Rồi lại tự hỏi: ta đã làm chi đời ta. Thế rồi cũng chết đi. Than ôi, kiếp người thử hỏi chỉ như vậy thôi sao?
Mỗi kỳ thi đại học đến, tôi lại thầm chúc các em sĩ tử chân cứng đá mềm, chúc các em kiên cường dũng cảm. Đường đời còn rộng và dài lắm. Đậu đại học chẳng khẳng định được gì, rớt đại học biết đâu là điềm phúc. Đừng học vì trào lưu, hãy học vì ham thích. Theo đuổi tri thức đích thực, khám phá đam mê bản thân. Chú ý tới những điều mà xã hội và gia đình vẫn hay khuyên bảo, chưa chắc chúng là tốt nhất cho em. Hãy bảo trọng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.