Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO



“Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều.
Bạn càng học nhiều, bàn càng đi nhiều.”
(Dr.Seuss)
Tại sao tôi lại nói nhiều về sách đến thế trong một quyển sách dành cho người trẻ?
Không phải là bởi vì tôi là một tác giả, tôi muốn hô hào cổ vũ độc giả đọc nhiều sách, để từ đó gián tiếp thúc đẩy doanh số bán sách của tôi. Hoàn toàn không. Tác giả viết về tự học mà mong sách bán chạy thì chỉ là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Lý do là bởi vì, tôi thấy không biết bao nhiêu người trẻ quanh mình chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của sách, cũng như không biết đọc sách thế nào cho đúng cách.
Có hai loại phản ứng tiêu cực tiêu biểu từ người ít đọc khi được khuyên đọc sách nhiều hơn:
“Đọc sách đâu bảo đảm thành công.” – Một câu ngụy biện kinh điển của những người lười đọc.
“Sách chỉ khiến người ta mơ mộng hão huyền phi thực tế.” – Phát biểu từ một người thiếu hiểu biết về sách. Đối với họ chắc sách chỉ có mỗi thể loại tiểu thuyết diễm tình huyễn hoặc. Tôi không biết lần cuối cùng họ cầm một quyển sách tử tế trong tay là khi nào.
Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Một nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người giàu có nhất thế giới cho thấy: Điểm chung giữa những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet đều là những người đọc sách rất chuyên cần. Đọc sách không chắc sẽ giúp ta thành đạt trên đường đời, nhưng không có nó hầu như ta không thể thành người.
Warren Buffet từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Không chỉ riêng ông, nghiên cứu tiểu sử của những con người xuất chúng khác, ta sẽ thấy điểm chung là họ vui vẻ và say mê đọc sách, ngay cả sau những giờ lao động mệt nhọc. Vì đối với họ, đọc sách là một cách tự học. Và sự học là sự nghiệp cả đời.
Nhưng sách thì có nhiều loại. Đâu phải sách nào cũng giúp mình tiếp thu kiến thức.
Vậy nên đọc sách như thế nào?
Sau một thời gian mày mò tìm hiểu trên con đường tự học, tôi đã tìm được cách đọc sách thích hợp nhất cho mình. Giờ đây, tôi xin hoan hỉ chia sẻ lại cho các bạn đọc phương pháp đọc sách của mình.
Đầu tiên là về số lượng, cần đọc ít nhất 50 quyển sách một năm. Có thể vài người sẽ nói: Như thế là quá nhiều, coi chừng ngộ chữ. Xin thưa là không nhiều chút nào. Năm mươi quyển sách mỗi năm, chia ra là mỗi tuần một quyển. Sách có nội dung tốt độ dày trung bình thường khoảng 200 – 300 trang. Tức mỗi ngày chỉ cần đọc 40 – 50 trang sách. Nếu tập trung thì chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ cho việc đọc mỗi ngày. Cứ chăm chỉ ngày nào cũng vậy, là mỗi năm sẽ hoàn thành được từ 50 quyển sách trở lên. Chứ vài tháng mới đọc hết một quyển, thì cũng không ích lợi bao nhiêu.
Cách đọc sách của tôi là cân bằng giữa sách hư cấu và phi hư cấu. Mỗi khi đọc một quyển thuộc thể loại này, tôi lại đọc một quyển thuộc thể loại kia. Mục đích là để cân bằng giữa thực tế và tưởng tượng. Tôi đọc nhiều sách về phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng và truyền cảm hứng, các sách về lịch sử, văn hoá, tinh thần, kinh doanh. Đối với thể loại hư cấu, tôi chọn các tác phẩm văn học kinh điển và có chiều sâu, biểu hiện tâm lý con người hay phác hoạ bối cảnh lịch sử xã hội của một thời kỳ, và có giá trị trị lâu dài. Những quyển như Kiêu hãnh và định kiến, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Jane và Eyre… thay vì các loại sách chỉ nói về tình cảm nam nữ yêu đương thuần tuý.
Tôi tránh xa thể loại tiểu thuyết diễm tình như một người lành mạnh tránh xa dịch bệnh. Những sách ấy không phải tất cả chỉ toàn rẻ tiền bỏ đi. Nhưng dù cho tác giả viết hay, dù văn chương bay bổng, cảm xúc ngất trời thì cũng không có ích lợi nhiều cho con đường tự học. Dù có đọc đến hàng trăm quyển ngôn tình đi nữa, thì xong rồi cũng không đọng lại bao nhiêu kiến thức, càng gây tâm lý uỷ mị hoang đường, xa rời thực tế. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một trong những học giả kỳ cựu bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20 có viết: “Kẻ nào đọc những loại tiểu thuyết nhảm sẽ làm mất thời giờ rất quý báu của họ. Và đáng ân hận hơn, là rồi họ sẽ mất dần óc phán đoán và quân bình của tâm tình họ nữa.”
Sách dở đọc chỉ tốn thời giờ. Tôi thường lựa chọn đọc sách nào được đánh giá cao, tác giả nổi tiếng, giá trị của tác phẩm đã được thử thách qua độ bền của thời gian.
Vậy làm sao để biết quyển nào hay dở ra sao?
Bí quyết của tôi là: www.goodreads.com. Đây là một trang mạng xã hội về sách và là công cụ hữu hiệu để chọn sách dành cho dân ghiền đọc. Trang này tổng hợp những nhận xét, bình luận, xếp hạng sách của người dùng, và dựa trên những đánh giá sách trước đó của người dùng mà gợi ý những quyển sách khác cùng thể loại cho họ. Những người bạn phương Tây của tôi trước khi quyết định mua một quyển sách nào đó thường vào Goodreads đọc tất cả những bình luận khen chê các kiểu, rồi mới quyết định mua hay không.
Goodreads dù chủ yếu là nhận xét đánh giá sách nhưng vẫn lưu trữ một số ebook có sẵn để người dùng đọc trực tiếp trên trang. Đa phần là các tác phẩm kinh điển như Bàn về tự do của John Stuart Mill hay Gió qua rặng liễu của Kenneth Grahame. Goodreads hoạt động rất mạnh và liên kết với nhiều tác giả. Những tác giả nổi tiếng thế giới như Paulo Coelho hay Elizabeth Gilbert thường có những chương trình giao lưu với độc giả, trả lời câu hỏi và đưa ra lời khuyên về viết văn trên trang này.
Cứ mỗi năm mới đến tôi sẽ đặt mục tiêu năm nay cần đọc bao nhiêu quyển sách. Đọc xong mỗi quyển thì lên trang Goodreads đánh giá và ghi lại cảm nhận quan điểm của mình. Nếu có thời gian thì tóm tắt về quyển sách vừa đọc. Đến cuối năm Goodreads tổng hợp lại thành một trang Your year in books (tạm dịch: Năm của bạn qua những quyển sách). Nhìn lại một năm mình đã đọc được khá nhiều, thấy vui vui hay hay vì đã đạt được một thành tích nho nhỏ cho bản thân. Ngày đầu tiên đăng ký Goodreads tôi đã chẳng biết nó sẽ đến đâu, chẳng biết có lợi ích gì, chỉ đánh giá sách vì thích. Đến khi đã trở thành tác giả, được trang bán sách trực tuyến Tiki mời viết chuyên mục Người nổi tiếng đọc gì, tìm lại đánh giá sách của mình trên Goodreads, tôi mới à lên, giờ đã thấy chúng hữu dụng. Ngẫm ra sự đời có những chuyện ta làm mà ai biết được tương lai. Cứ để niềm yêu thích dẫn dắt, rồi cũng có lúc nào đó hữu ích.
Một bí quyết khác nữa là mỗi khi đọc sách, tôi thường để bên mình một quyển sổ nhỏ. Sổ được chia trang theo nhiều chủ đề, ví dụ: Thành công, Kinh doanh, Viết lách, Thái độ sống, Thay đổi bản thân. Khi đọc, thấy câu nào tâm đắc thì ghi vào sổ, kèm với những cảm nhận của mình liên quan tới câu đó hoặc cách diễn dịch diễn giải nếu có. Sau này mỗi lần cần đọc lại để tạo động lực hay cần tư liệu để dẫn chứng, chứng minh khi nói chuyện, viết lách thì tôi lại lấy sổ ra tìm lại. Em trai tôi cũng có một quyển sổ trích dẫn từ sách và phim, nhưng với mục đích khác. Nó dùng đó như là nguồn tư liệu để “chém gió”, nó bảo thấy lời nói của mình có chiều sâu và sức mạnh hơn hẳn khi trích dẫn mấy câu nói hài hước hay ho.
Tôi đọc nhiều sách của các tác giả nước ngoài, chủ yếu là tác giả Anh, Mỹ, và ưu tiên đọc nguyên tác bằng tiếng Anh: Nhà giáo dục tiên phong trong thời kỳ Minh Trị là Fukuzawa Yukichi, đã áp dụng phương pháp đọc sách nguyên bản này vào ngôi trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên của Nhật Bản, do ông sáng lập nên. Ông dồn tiền mua sách nguyên bản từ Mỹ về, cho học trò đọc. Quan niệm của ông là khi đọc sách nguyên bản ta được đọc nguồn trực tiếp. Còn sách dịch đôi khi không được dịch sát nguồn. Đọc sách dịch là đọc lại qua một nguồn thứ cấp, theo cách hiểu chủ quan của người dịch.
Nhà văn J.K Rowling từng có lời khuyên cho người viết trẻ rằng nếu muốn viết tốt, hãy đọc càng nhiều càng tốt. Đọc mọi loại sách có thể. Đọc nhiều thì bạn sẽ phát hiện ra phong cách mà mình yêu thích, và tránh được các thể loại sách mà bạn cho là rác rưởi. Nên đối với những người ấp ủ ước mơ làm nghề viết, nhà văn, nhà báo, copywriter… thì việc đọc chuyên cần là không thể thiếu.
George R.R Martin thì có câu nói “Người đọc sách sống một nghìn cuộc sống trước khi anh ta chết, còn người không đọc sống chỉ một đời.” Những ai đọc sách thì biết thêm được nhiều cuộc đời khác, nên coi như là sống nghìn cuộc sống chỉ trong một kiếp người. Sách thật kỳ diệu.
Bởi vậy không đọc sách mỗi ngày là một thiệt thòi lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.