Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực

BỊ LAO



Giờ đây nhìn lại, có thể nói trong suốt thời gian học tiểu học, tôi được sống những ngày hạnh phúc với thiên nhiên, được thiên nhiên ôm ấp. Vào mùa hè, với cái khố quấn quanh hông, tôi lao mình xuống dòng sông trong xanh tung tăng bơi lội. Nhô đầu lên khỏi mặt nước thì trước mắt là toà thành Shiroyama sừng sững với rừng cây rậm rạp bao quanh. Thật khó tưởng tượng được cả một thiên nhiên trù phú lại tồn tại ngay giữa lòng thành phố như vậy. Và tình yêu thiên nhiên đã dần hình thành trong tôi.

Vào mùa xuân năm 1944, sau khi tốt nghiệp trường tiểu học Nishida, tôi dự thi vào trường trung học nổi tiếng trong vùng không chút do dự – đó là trường trung học số 1 Kagoshima. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cho dù hồi tiểu học kết quả cứ kém dần, nhưng nhiều đứa trong lớp sức học còn kém tôi xa mà cũng thi vào trường này, thế thì chỉ cần mình cố một tý trong khi thi làm gì mà chẳng đỗ.

Thế nhưng tôi trượt vỏ chuối, đúng như thầy chủ nhiệm đã đe: “Học hành ấm ớ như cậu làm sao đỗ được!”. Mà chỉ một mình tôi bị trượt. Tất cả những đứa khác, từ những thằng bạn thân nhất đến mấy đứa con nhà giàu – tôi vốn không ưa chúng – bọn chúng học hành có hơn gì tôi, nhưng chúng đều đỗ cả. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải đi học trường tiểu học bậc cao để chờ sang năm thi lại. Tuy đã tự an ủi mình, nhưng mỗi khi thấy lũ bạn ngày xưa nay xúng xính bộ đồng phục trung học thật oách sánh vai tới trường, tôi lại thấy tủi thân quá. Chẳng hiểu có phải vì cứ tự dằn vặt mình quá hay không, nhưng đến cuối năm học trường tiểu học bậc cao thì tôi bị lao.

Một ông chú ruột tôi làm cảnh sát ở vùng Mãn Châu, Trung Quốc – khi về phép chú đến ở nhà tôi. Có lẽ tôi bị lây rận từ chú tôi thì phải, nên ngứa ngáy khắp người. Cuối cùng tôi phải nằm liệt giường vì sốt li bì. Nếu bị lao thì gay to. Mẹ tôi lo quá, đưa tôi đi khám bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị nhiễm lao giai đoạn đầu.

Tôi lo lắng như vậy là có nguyên do. Hai vợ chồng chú tôi, ở cách nhà tôi chỉ mấy bước chân, cũng đã chết vì bệnh lao. Ngay cả chú út của tôi cũng đang phải chạy chữa vì bị ho ra máu. Thời đó, lao là thứ bệnh nan y. Những nhà có người mắc bệnh lao, vì không muốn hàng xóm xì xào, nên cứ phải đóng cửa im ỉm suốt ngày tự lo chạy chữa lấy.

Về phần tôi, vừa sốt li bì vừa lo sợ không yên. “Nếu cứ ho ra máu suốt như chú tôi thì chẳng mấy mà mình chỉ còn da bọc xương, chắc… ” – tôi không dám nghĩ tiếp. Một hôm bà hàng xóm cạnh nhà nói vọng qua bức tường rào: “Này cậu, thử đọc cuốn này xem sao?” Rồi bà ta đưa cho tôi một cuốn sách dày cộp, bìa da sờn cũ. Tựa sách ngoài bìa in nhũ vàng Chân tướng Cuộc đời, do một nhà truyền giáo tên là Taniguchi Masaharu(1) viết.

Mặc dù biết đây là sách dành cho người lớn, nhưng trong tâm trạng nghĩ mình sắp chết, nên tôi vẫn đọc ngấu đọc nghiến. Trong cuốn sách có đoạn: “Trong trái tim của chúng ta có một cục nam châm cực mạnh. Cục nam châm này hút tất cả những gì có xung quanh nó, như dao kiếm, súng lục, tai họa, thất nghiệp, bệnh tật…”. Đọc tới đó tôi liền nhớ ngay đến trường hợp của mình.

1. Taniguchi Masaharu (1893 – 1985): nhà sáng lập giáo phái Seicho no ie (Ngôi nhà sinh thành) ở Nhật Bản. Sau ki thôi dạy môn thần học ở trường Đại học Waseda, ông bắt đầu hoạt động tôn giáo. Cuốn Chân tướng Cuộc đời là một tác phẩm nổi tiếng của ông.

Cứ mỗi khi phải đi ngang qua góc nhà nơi chú tôi bị lao nằm đó, tôi lại lấy hai tay bịt mũi chạy bán sống bán chết, chỉ sợ hít phải vi trùng lao. Trước đây tôi có đọc một cuốn sách y khoa, trong đó viết rằng vi trùng lao có thể lây qua đường hô hấp. Cho nên lần nào tôi cũng lấy cả hai tay bịt chặt lấy mũi rồi mới ù té chạy qua. Nhưng do còn quá nhỏ, chẳng có kinh nghiệm gì, nên tôi thường nín thở và bịt mũi sớm quá. Vì vậy, lẽ ra khi đến gần chỗ chú tôi nằm mới cần phải bịt mũi và nín thở thì lúc ấy tôi lại phải buông tay ra vì tức thở. Và thế là tôi lại hít lấy hít để không khí ở đó.

Nhưng không như tôi, anh tôi lại chẳng sợ gì cả: “Vi trùng lao có dễ lây như mày nghĩ đâu”. Và cả cha tôi nữa, hàng ngày ông vẫn bình thản ra vào chăm sóc chú tôi. Khi biết chú tôi khó lòng qua khỏi, cha tôi mới căn dặn mẹ tôi: “Bà cứ để chú ấy cho tôi lo. Bà không phải chăm sóc nữa. Và cũng đừng vào chỗ chú ấy nằm nữa.” Bệnh lao khi đã vào giai đoạn cuối thì vi trùng lao sinh sôi rất nhiều. Cha tôi cũng biết điều đó. Nhưng ông vẫn bình thản như không. Và cả anh tôi cũng vậy. Chỉ có tôi, lúc nào cũng cẩn thận phòng ngừa ngay từ đầu, phòng ngừa hơn ai hết thì lại bị nhiễm lao.

Tôi thầm trách mình: Phải chăng chỉ vì tôi nhút nhát, lại lúc nào cũng chỉ nghĩ tới mình, lúc nào cũng sợ bị lây, nên mới rơi vào cái cảnh sợ của nào trời trao của đó?

Trong khi đó, cha tôi với tình thương em sâu xa, bất chấp hiểm nguy vẫn chăm sóc chú tôi cho tới phút cuối cùng. Nhưng vì thế vi trùng lao lại né, không bám vào ông. Còn tôi, một kẻ chỉ nghĩ tới mình, tìm mọi cách tránh xa thì vi trùng lao ào tới bám lấy. Khi đó tôi còn rất nhỏ, nhưng cũng thấy ra được nhiều bài học từ sự việc trên, và tự tỉnh ngộ đến tận bây giờ.

Việc tình cờ đọc cuốn Chân tướng Cuộc đời của ông Taniguchi quả thực là bước ngoặt làm thay đổi đầu óc tôi. Nó khiến tôi phải nghĩ mãi về chữ “tâm” trong bản thân mình.

Bây giờ nhớ lại, mới thấy ông Trời đã có ý thử thách tôi bằng việc bị mắc bệnh lao. Ông Trời đã ban cho tôi một trải nghiệm quý giá, song lúc đó tôi quá lo lắng, quá sợ hãi khi phải chứng kiến cái chết của chú út tôi và của vợ chồng chú tôi trước đó nữa. Nhưng có lẽ tôi được cứu thoát vì tâm hồn tôi đã có sự thay đổi sau khi đọc cuốn sách.

Máy bay Mỹ ném bom ngày càng khốc liệt, không nhà nào có thể sống yên một chỗ. Để tránh bom, mọi người phải đi tản cư, chạy trốn hết chỗ này đến chỗ khác. Khi cứ phải gắng sức mà chạy trốn như thế, người ta bỗng quên hết bệnh tật, trở nên mạnh khỏe lúc nào không hay.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.