Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực

THÍCH THÚ VỚI CÔNG VIỆC LUÔN SUY NGHĨ SÁNG TẠO



Điều quan trọng đầu tiên là thấy thích công việc.

Trường hợp của tôi thì sao? Như đã kể ở phần trước, tôi thường xuyên kêu ca, chê bai công việc ở công ty đầu tiên mà mình đi làm. Nhưng rồi vì không thể tìm đuợc nơi nào khác để đi cả, tôi đành vùi đầu vào công việc được giao – nghiên cứu gốm công nghệ cao. Và dần dần tôi thấy thích thú với công việc nghiên cứu đó.

Thật tình thì chuyên ngành của tôi ở đại học là hoá hữu cơ, nên khi được giao đề tài nghiên cứu gốm công nghệ cao, tức là nghiên cứu sang lĩnh vực trái ngành là hóa vô cơ, nên ngay từ đầu tôi đã không thấy thích lắm. Nhưng vì không có nơi nào để “chuồn”, hơn nữa công việc lại đòi hỏi gấp nên “đành” phải thích vậy. Có điều, tôi đã rất cố gắng để dần dần thấy yêu thích nó.

Tôi nghĩ rằng đời người mấy ai có được “ vận may” là được làm công việc mình yêu thích ngay từ đầu. Khi bước vào đời, đa số đều phải làm những việc không như ý muốn. Thực tế là như vậy. Cho nên để yêu thích công việc, người ta chỉ còn mỗi một cách là tự bản thân mình phải cố gắng, phải nỗ lực. Và việc nỗ lực để “thấy thích” là điều quan trọng đầu tiên để bạn có thể kiên trì theo đuổi công việc trong suốt một thời gian dài.

Nhưng kiên trì không có nghĩa là cứ theo đuổi công việc một cách mơ hồ mà không có mục tiêu rõ ràng nào. Kiên trì có nghĩa là liên tục suy nghĩ và sáng tạo không ngừng. Ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Ngày kia phải tốt hơn ngày mai. Phải để tâm sao cho công việc mỗi ngày một tiến lên dù chỉ một chút nhỏ nhoi. Quá trình không ngừng suy nghĩ và sáng tạo như vậy sẽ tạo ra thành quả tuyệt vời.

Trong nghiên cứu, trong công việc hay trong sự nghiệp, tôi thường xuyên đặt câu hỏi cho mình: “Còn có cách nào tốt hơn nữa không?” Vì thế, từ khi ra trường cho tới nay, trong bất kỳ lĩnh vực nào tôi cũng luôn luôn cải tiến chất lượng.

Nhờ thế mà tôi có thể kiên trì theo đuổi lâu dài một công việc và sáng tạo được nhiều thứ trong suốt sự nghiệp của mình.

“ Không ngừng suy nghĩ và sáng tạo mỗi ngày” – đó cũng là điều quan trọng thứ hai tôi muốn nói với các bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.