Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực
LỜI BẠT
KANDA YOSHINOB
GS giáo dục học Đại học Kagoshima, Nhật Bản
Đây là cuốn sách nói về lẽ sống của con người mà tác giả của nó đã viết bằng cả tấm lòng, với mong muốn truyền sinh khí và sức mạnh tâm hồn cho tầng lớp thanh thiếu niên Nhật Bản. Tác giả mong muốn lớp trẻ, nhất là những người đang lưỡng lự, phân vân trước ngưỡng cửa cuộc đời sẽ đọc cuốn sách này. Cuốn sách này đề cập việc con người có khả năng phát triển tuyệt vời nếu có ước mơ, hoài bão và nỗ lực để thực hiện những gì mình ấp ủ”.
Từ thuở thiếu thời, tác giả cuốn sách – ông Inamori – đã gặp biết bao thử thách và thất bại, nhưng bằng những nỗ lực và thành công của mình, ông thuyết phục độc giả rằng: nuôi dưỡng tâm hồn là mục đích tối hậu của cuộc đời; những thử thách và thất bại cũng đồng thời là sức bật; và chính những gian truân, khổ cực sẽ mang lại khả năng to lớn cho sự phát triển của con người. Là một doanh nhân thành đạt, ông đã xây dựng công ty của mình thành một công ty tầm cỡ thế giới và đã đóng góp những cống hiến tích cực mang tính nhân văn cho xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đang trên con đường phát triển đất nước trở nên giàu mạnh, xây dựng xã hội công bằng, văn minh và dân chủ. Tôi nghĩ rằng các bạn Việt Nam có thể tham khảo được nhiều điều bổ ích trong cách suy nghĩ của ông Inamori, nhất là chủ đề mà tác giả muốn trình bày: nhân cách con người có vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Nếu chỉ giành được độc lập dân tộc mà chưa phát triển tự cường về kinh tế thì cũng vẫn chưa có nền độc lập thực sự. Phát triển tự cường về kinh tế cũng là vấn đề chung của các nước đang phát triển.
Tuổi trẻ mang cái tôi thuần khiết trong lòng, không so đo tính toán thiệt hơn cho riêng mình. Với cái tôi đó, ước mơ và hy vọng trong tương lai cũng hiện ra thật thuần khiết. Tác phẩm Ước mơ của bạn nhất định trở thành hiện thực muốn đề cập đến tầm quan trọng của tính người, năng lực hướng thiện trong con người.
Xuất phát từ mục đích khắc phục bệnh tự kỷ trung tâm, cuốn sách trình bày những suy nghĩ trong mối liên quan với quá trình phát triển nhân cách. Đối với trẻ em, vui chơi là công việc hết sức quan trọng. Quá trình vui chơi trẻ em là quá trình mà khả năng gắn kết ràng buộc mang tính nhân bản được rèn luyện một cách tự nhiên. Theo ông J.Piaget, nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới, thì thông qua vui chơi, trẻ em hình thành các mối quan hệ con người một cách tự phát. Đồng thời các nền tảng đạo đức như tính nhường nhịn, quan tâm đến người khác cũng được hình thành trong trẻ em
Khi viết Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực, tác giả Inamori không tuyệt đối hoá những khát vọng cá nhân, cũng như không khẳng định rằng bất cứ ước muốn nào của con người cũng sẽ trở thành hiện thực. Trong quá trình phát triển của trẻ em, có một thời kỳ không thể tránh khỏi là việc trẻ em suy nghĩ theo hướng tự kỷ trung tâm. Vì lẽ đó, ông đề cập tới việc thanh thiếu niên vừa phải nỗ lực dưỡng tâm, vừa phải có ý chí thực hiện hoài bão của mình. Việc nỗ lực dưỡng tâm được biểu hiện qua những hành động như: không chỉ nghĩ tới bản thân mà còn phải luôn nghĩ tới người khác, giữ lời hứa và không lừa dối…
Tác giả đề cập nhiều về khái niệm “nỗ lực”. Nỗ lực theo quan niệm của ông không hề là việc “nhắm mắt tuân phục sự chỉ bảo của người khác và cố gắng làm theo”. Ông muốn đề cập về quan niệm nỗ lực trên tinh thần tự do, độc lập, tự tôn và đầy tính sáng tạo. Ông vốn là một nhà kỹ thuật nhưng luôn cởi mở tấm lòng và đã làm việc quên mình để chế tạo những sản phẩm có tính bước ngoặt trong lịch sử kỹ thuật để cống hiến cho nhân loại. Đối tượng mà nỗ lực của của ông hướng tới là tinh thần sáng tạo trong lao động và khao khát cống hiến cho xã hội.
Ông cho rằng ở Nhật Bản, giáo dục nhà trường không phát huy được năng lực sáng tạo độc đáo và cá tính của học sinh. Nhà trường Nhật Bản loại bỏ và không dung nạp những học sinh thiếu ý thức về “trật tự tập thể” và chỉ thừa nhận những học sinh có khả năng học thuộc lòng. Với suy nghĩ của ông, lẽ ra nhà trường phải là nơi dạy cho học sinh phải học đầu tiên về cung cách làm người.
Ông chỉ ra rằng trình trạng thiếu “khả năng tự kiềm chế dục vọng và cảm xúc” ở thanh thiếu niên chính là sản phẩm của văn minh vật chất. Ông nhấn mạnh, trẻ em vốn rất đa dạng, cá tính khác nhau, năng lực khác nhau, tình cảm yêu ghét khác nhau và người lớn phải tôn trọng sự khác biệt đó. Trong bối cảnh “chiến tranh thi cử”, Nhật Bản đã thực hiện việc giáo dục đồng nhất.
Ông đòi hỏi người làm công tác giáo dục phải tôn trọng những đứa trẻ có cách nghĩ khác với thói thường, những đứa trẻ có cái nhìn độc đáo và phải thấy hết tầm quan trọng của những ý tưởng của trẻ em khác biệt với những điều chúng được dạy dỗ. Tất cả những điều này là khuyến nghị của Inamori đối với nền giáo dục Nhật Bản hiện nay.
Tinh thần độc lập, tự tôn có vai trò to lớn để phát triển đất nước trong quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản. Trên đồng tiền có mệnh giá lớn nhất – đồng 10.000 yên – của Nhật Bản có in hình của Fukuzawa Yukizawa (1835 – 1901), nhà giáo dục nổi tiếng thời Cận đại. Ông là người có vai trò quan trọng trong cuộc hiện đại hoá Nhật Bản với các tác phẩm Khuyến học (1), là người đã thành lập trường đại học tư thục Keiyo. Tôi được biết cuốn Khuyến học cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Mong bạn đọc Việt Nam tham khảo.
Ở Nhật Bản, nếu như trong buổi đầu tiên của công cuộc hiện đại hóa dưới thời Minh Trị có ông Shibuzawa Eiichi (1840 – 1931) – một doanh nhân tiêu biểu cho tinh thần độc lập tự tôn và vì ích lợi cộng đồng thông qua các hoạt động kinh tế cụ thể như lập ngân hàng đầu tiên ở Nhật Bản, lập các công ty, các trường tư thục và là người đi đầu trong nhiều hoạt động phúc lợi xã hội, thì ông Inamori Kazuo – tác giả cuốn sách – được xem như một doanh nhân điển hình cho tinh thần độc lập, tự tôn và ích lợi cộng đồng trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Ông Inamori là người đặc biệt chú trọng đến khả năng chuyển hoá “lòng vị kỷ” thành “ lòng vị tha tràn đầy tình thương yêu” trong mỗi con người.
——-
1.: đã in ở Nhà xuất bản Trẻ, 2003.
——-
Ông đã nhận thấy mối hiểm họa trước các hiện tượng bệnh lý tâm thần xuất hiện do sự thoái hoá về đạo đức trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Nó là kết quả của chiều hướng “con người giàu lên về vật chất nhưng nghèo đi về tinh thần”. Những biểu hiện cụ thể của bệnh lý này là: quan điểm “coi tiền là trên hết”, thói ích kỷ mãn tính, tình trạng tham nhũng trong các cơ quan công quyền, các hoạt động trục lợ bất chính, nạn bắt nạt ăn hiếp bạn bè trong trường học, các vụ án hình sự coi thường mạng sống con người, huỷ hoại môi trường sinh thái…
Ông hoài nghi các thành quả của chủ nghĩa tiêu thụ ở thế kỷ 20. Trên cơ sở các giá trị truyền thống và cách sống truyền thống, ông chủ trương xét lại nền văn minh vật chất làm sa đoạ nhân tính. Đồng thời, ông đề xướng cách nhìn mới về văn minh vật chất: Phải có nhân tính và nhất là phải có cái tâm trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, ông không đứng trên quan điểm của thuyết nhị nguyên là văn minh vật chất giàu lên thì văn minh tinh thần nghèo đi.
Đối với ông, chính nghĩa xã hội, tư tưởng cộng sinh, tinh thần dân chủ là những vấn đề lớn trong ý thức con người. Ông coi trọng tư tưởng cộng sinh và tuần hoàn trong quá trình hình thành môi trường xã hội của đời sống thị dân. Ông luôn suy nghĩ về tư tưởng cộng sinh và tuần hoàn trong mối quan tâm mang tính lịch sử như ở nền văn hoá Jomon, một dân tộc sống bằng nghề săn bắt, đốt nương làm rẫy là những phương thức tồn tại cùng với tự nhiên.
Khi đặt ra vấn đề cộng sinh trong môi trường xã hội, ông nêu lên việc các quốc gia phát triển phải biết tự kiềm chế trên cơ sở tôn trọng vòng tuần hoàn của tự nhiên cũng như trong việc tiêu thụ tài nguyên. Và ông nhấn mạnh, tôn trọng các giá trị đa nguyên là vấn đề rất quan trọng. Ông đưa ra giải pháp: Nhật Bản muốn được các quốc gia trên thế giới tôn trọng thì hãy trở thành sohouka. Tức là hãy đảm trách vai trò dẫn đạo có nhân tính và có khả năng giáo dưỡng chứ không phải vì có quyền lực và sức mạnh.
Tôi cho rằng, đứng trên góc độ toàn cầu để xem xét thì quan điểm của Inamori là Nhật Bản có thể đảm trách vai trò đó không phải ở chỗ phải có sức mạnh, hay phải là có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Mà Nhật Bản phải là một nước có những đóng góp lớn lao vào công cuộc phát triển của các nước đang phát triển trên thế giới, thông qua các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động hữu nghĩ quốc tế của công dân Nhật và các hoạt động kinh tế tư nhân.
Tác giả đề cao vai trò của các công ty vừa và nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế Nhật Bản. Ông lập ra trường tư thục Seiwa, có phân hiệu trên khắp đất nước Nhật, để đào tạo các nhà quản trị nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa các xí nghiệp vừa và nhỏ trong xã hội Nhật. Ông rất coi trọng vai trò của Luật chống độc quyền và là người đi đầu cho việc kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn tự kiềm chế, xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, tự do và lành mạnh.
Ở Nhật Bản, từ xa xưa người ta đã coi trọng những người có khả năng kiềm chế tự dục trong làm ăn buôn bán, có tấm lòng vì người khác và coi việc làm ăn buôn bán cũng là việc công ích. Người khởi đầu cho tư tưởng này là ông Ishida Baigan (1685 – 1744). Ông Inamori đã học tập và triển khai những nguyên tắc đạo đức thương nhân do ông Ishida Baigan khởi xướng. Đạo đức thương nhân xây dựng trên tinh thần nhân ái, nhờ có người khác mua hàng mà mình mới trở nên giàu có và vì vậy, khi người khác gặp khó khăn thì đương nhiên mình phải cứu giúp. Khi thương nhân nỗ lực làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng thì cuộc sống sẽ trở nên hoà hiếu. Vai trò của thương nhân là sau khi thành đạt, có tiền có của thì phải làm những việc có ích cho đời.
Đối với Inamori, cuộc đời con người có ý nghĩa thông qua những hoạt động mang tính sáng tạo. Ông đánh giá cao tính cần cù, sáng tạo của Ninomiya Sontoku (1787 – 1850), một nhân vật nổi tiếng sống ở cuối thời Mạc phủ, trong việc xây dựng nông thôn. Ông nói về lao động của con người trong mối quan hệ với “chánh tinh tiến” theo lời dạy của Phật về “Bát chánh đạo”. Karl Marx (1818 – 1883) cũng từng nói “lao động là cội nguồn của sự sung túc xã hội” và “lao động là tài sản quý giá nhất của con người”.
Ở Nhật Bản, trước Marx gần 100 năm có một nhà tư tưởng là Ando Shoeki (1703 – 1762). Ông cho rằng người nông dân trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm là những người có giá trị nhất. Và ông đề xướng tư tưởng “trí tuệ có tính tuần hoàn tự nhiên”. Ngay cả cây cỏ cũng nỗ lực hết mình để tồn tại. Sức mạnh của tự nhiên thể hiện ở chỗ dù trong hoàn cảnh bất lợi đến mấy thì vạn vật vẫn nỗ lực tồn tại. Đó cũng là nhận thức của Inamori.
Một tư tưởng khác của Inamori là “Thông qua quá trình lao động sáng tạo, con người sẽ hiểu sâu sắc chân lý cuộc đời”. Lao động của một doanh nhân trước hết mang lại hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người lao động làm việc cho mình. Tiếp đến là tinh thần cống hiến cho sự phát triển xã hội và cho con người. Triết lý kinh doanh của ông ta ra đời trên cơ sở ý tưởng “Kinh doanh vì điều thiện, không vì tư lơi”.
Thông qua chính cuộc đời của tác giả – một doanh nhân gánh vác trách nhệm với xã hội – cuốn sách này sẽ giúp ích cho các bạn thanh thiếu niên – lớp người đang mang trong lòng những ước mơ hoài bão – về lẽ sống, về cách sống. Tác giả nhấn mạnh lời khẳng định “Ước mơ của bạn nhất định trở thành hiện thực” từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi mong các bạn trẻ sẽ đọc mỗi chương của cuốn sách này trong mối quan hệ nhất quán của nó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.