Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực
CUỘC ĐỜI KHÔNG PHẢI TOÀN ĐIỀU XẤU – CHƯƠNG HAI
Tuy vậy, sau những suy tư trăn trở, tôi nghĩ lại: “Có hận đời đến mấy thì cuộc đời mình cũng chẳng khá lên được. Đúng là từ trước tới nay, mình luôn gặp “vận xui”, định làm gì cũng hỏng. Nhưng, dứt khoát là ông Trời có mắt. Cũng có thể bất hạnh đã luôn đeo đuổi mình cho tới bận bây giờ. Nhưng từ nay về sau có lẽ ông Trời sẽ cho mình được hưởng hạnh phúc. Vậy thì, cứ phải sống cho lạc quan lên, và luôn hướng về phía trước.”
Cảnh ngộ dù có khó khăn đến mấy thì mình vẫn cứ phải sống và không để mất hy vọng. Nghĩ được như thế nên tôi đã kịp dừng bước ngay trước khi dẫm chân vào con đường đen tối.
Cùng thời gian đó, giáo sư Takeshita ở trường đại học giới thiệu cho tôi vào làm việc tại một công ty chuyên sản xuất sứ cách điện cao áp ở Kyoto. Đó là Công ty Công nghiệp Shofu. Tôi nhớ lại, khi thầy gọi đến báo cho biết: “ Thầy có người quen ở công ty đó. Họ có thể giúp em. Em thấy thế nào?”. Tôi đồng ý ngay tức thì: “Trăm sự nhờ thầy ạ”. Lúc đó tôi cảm thấy phấn chấn vô cùng. Thế là tôi có được việc làm.
Nhưng, như tôi đã nói ở phần trước, ngành gốm sứ thuộc về lĩnh vực hoá vô cơ. Nó khác hẳn hoá hữu cơ là chuyên ngành mà tôi theo học. Hơn nữa, khi được biết công ty đó cần tuyển sinh viên học về nam châm, tôi liền tìm tới giáo sư dạy ngành hoá vô cơ thụ giáo. Tôi bắt đầu nghiên cứu về đất sét, đặc biệt là loại đất sét tốt của vùng Iriki tỉnh Kagoshima. Sau nửa năm miệt mài nghiên cứu, tôi tập hợp các dữ liệu và kết quả phân tích làm thành bản luận văn tốt nghiệp.
Công ty Công nghiệp Shofu – nơi tôi sẽ đến làm việc – vốn là công ty đầu tiên sản xuất thành công sứ cách điện cao áp tại Nhật Bản. Khi đó nó là một công ty rất nổi tiếng. Cha mẹ thấy tôi được vào làm việc ở một công ty tiếng tăm, lại là công ty thuộc ngành chế tạo nên ông bà rất vui và yên tâm. Còn anh trai mua tặng ngay cho tôi một bộ đồ vét.
Lận trong túi một số tiền ít ỏi, tôi rời Kagoshima lên Kyoto và vào làm việc ở Công ty Công nghiệp Shofu. Nhưng, làm được một thời gian tôi mới hiểu ra rằng công ty đang trong tình trạng tài chính nguy ngập. Số tiền tôi mang theo chỉ có thể cầm cự được đến cuối tháng – tức là đến kỳ lãnh lương đầu tiên. Nhưng đến ngày phát lương thì công ty thông báo chưa có tiền và khất lương sau một tuần nữa sẽ trả. Rồi đến tuần sau công ty lại đề nghị khất thêm một tuần nữa…
Tôi cảm thấy bực bội trong lòng. Đúng chỉ có những công ty “đồ bỏ” thế này mới chịu nhận những sinh viên quê mùa tốt nghiệp đại học hàng tỉnh như tôi vào làm việc. Nhưng bực lên thì nghĩ lung tung thế thôi, chứ tôi còn có lựa chọn nào nữa đâu. Chẳng còn cách nào khác, tôi đi mua bếp, mua nồi niêu xoong chảo đem về nhà tập thể tồi tàn của công ty tự nấu nướng. Tối đến thì thu dọn nồi niêu bếp núc vào một góc rồi rải chiếu ra ngủ.
Một anh chàng nhà quê hăm hở lên Kyoto, sau lưng có bao nhiêu người khích lệ. Vậy mà đâu ngờ bước khởi đầu cuộc đời “làm người lớn” của tôi lại đâm ra như vậy. Sau mỗi ngày làm việc, tôi chạy vội ra khu chợ cóc gần công ty mua đồ về nấu. Cứ thấy cái mặt tôi là mấy ông bà bán hàng lại cảnh cáo: “Này, nói trước cho cậu biết nhé. Làm việc ở cái công ty ấy thì chẳng ma nào nó chịu lấy cậu đâu.” Tôi như rơi xuống vực thẳm.
Có thể nói những năm tháng nửa đầu cuộc đời của tôi là một chuỗi những thất bại và nản chí, động vào cái gì cũng hỏng.
Nhưng, giờ đây ngồi ngẫm lại, tôi cảm thấy những ngày tháng không đâu vào đâu ấy chính là chuỗi thứ thách mà ông Trời “ban cho” để rèn luyện nâng cao cho con người tôi lên. Hơn nữa, cũng nhờ thế mà năng lực của tôi cũng phát triển như thể không có giới hạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.