Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực

o LÀM NGƯỜI – CHƯƠNG SÁU



Phép sửa mình thứ ba – tinh tiến.

Tinh tiến có nghĩa là phải cố gắng hết sức trong cuộc đời. Làm gì cũng phải chịu khó gắng công, không được lười biếng.

Các nhà sư quét dọn chùa chiền, cày ruộng cuốc vườn cũng là một cách tu hành. Vì tu hành không chỉ có ngồi toạ thiền mà còn phải lao động để bồi dưỡng tâm tính.

Phép tinh tiến dạy cho con người phải nỗ lực hàng ngày và chịu khó hàng ngày.

Đối với các bạn trẻ thì tôi nghĩ tinh tiến tức là nỗ lực học tập và làm việc. Gần đây, ở Nhật Bản có xu hướng không còn coi cần cù chăm chỉ là vốn quý nữa. Nhiều người quan niệm làm việc chỉ là để kiếm tiền. Nhưng, tôi muốn các bạn trẻ – những người gánh vác xã hội sau này – nên hiểu rõ: Tâm hồn bạn sẽ được rèn giũa nhờ sự cố gắng hết mình trong công việc.

Có một ví dụ tốt cho các bạn – đó là một người sống dưới thời Edo, tên là Ninomiya Sontoku. Ngay từ thuở ấu thơ, Ninomiya Sontoku đã mồ côi cha mẹ, phải đi ở nhờ nhà ông chú. Cậu bé phải làm việc quần quật từ sáng đến tối ngoài đồng. Đêm xuống cậu chong đèn dầu ngồi học. Học được ít lâu, cậu bị người chú cấm không cho học vì tốn tiền dầu đèn. Kể từ đó, cậu thất học. Sau này lớn lên, Sontoky vẫn cần cù công việc đồng áng không kể khuya sớm. Nhờ noi theo gương ông mà cả làng trở nên trù phú.

Những câu chuyện về ông chẳng mấy chốc lan ra khắp vùng. Các lãnh chúa thay nhau đến gặp để vời ông tới giúp cho các làng nghèo khó trong lãnh địa mình. Ông giúp cho làng nào thì làng đó thay da đổi thịt.

Những năm cuối đời, chính quyền Mạc Phủ mời ông vào thành Edo làm việc. Từ một nông dân chân lắm tay bùn, ông trang trọng trong lễ phục Kamisimo – trang phục của samurai, sánh vai với các lãnh chúa. Mỗi khi ông vào cung yết kiến Tướng quân, người ta hết lời ca ngợi: “Giọng nói sang sảng, phong thái đĩnh đạc chẳng khác gì quý tộc bẩm sinh. Nhìn ông ai cũng ngỡ là một vị lãnh chúa.”

Có thể nói ông Ninomiya Sontoku là một bằng chứng tuyệt vời tiêu biểu cho lao động và sự cần cù đã nâng cao nhân cách.

Qua câu chuyện trên, tôi mong các bạn trẻ hiểu rằng “tinh tiến” – chịu khó cố gắng làm việc – là con đường ngắn nhất để tâm hồn trở nên cao thương.

Điểm thứ tư trong phép sửa mình là phải nhẫn nại.

Nhẫn nại là phải biết chịu đựng trước mọi nghịch cảnh. Chịu đựng gian khổ, không chùn bước trước khó khăn, không kêu ca phàn nàn là một cách để nuôi dưỡng tâm tính.

Trong cuộc đời, cũng có những lúc ta bị người khác coi thường, khinh miệt. Khi đó, nỗi tức giận – một trong “Tam độc” – trào lên điều khiển con người ta. Và vì thế mà ta thường mắc phải sai lầm. Đó là lý do tại sao có bị coi thường, bị khinh miệt ta phải biết chịu đựng, biết kiềm chế sự nóng giận, đừng để giận mà mất khôn. Nói rộng hợn, dù gặp cảnh ngộ trớ trêu đến đâu, hoặc hoàn cảnh khổ sở đến đâu cũng phải cố gắng chịu đựng và tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện mình.

Đời người đâu chỉ toàn màu hồng. Có người gặp cảnh khổ khi còn trẻ, cũng có người về già mới gặp. Quá trình làm người cũng là quá trình chịu đựng và vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời.

Thứ năm là học cách tĩnh tâm (thiền định cũng là một cách để tĩnh tâm vậy). Mỗi ngày nên dành chút ít thời gian tĩnh tâm, để ngẫm lại những hành động, việc làm của mình trong ngày.

Cuộc đời lúc phẳng lặng lúc sóng gió. Tâm hồn con người cũng dao động khi vui, khi buồn. Tĩnh tâm giúp người ta làm tĩnh lặng cái tâm dao động của mình. Mỗi ngày hãy dành một chút thời gian để bình tâm trở lại, chỉ cần mỗi ngày một lần là được.

Thứ sáu là nâng cao trí tuệ (chữ nhà Phật gọi là bát nhã). Nếu người ta thực hiện được năm điều nói trên thì sẽ đạt trí tuệ chân thực, tức là đạt tới chân lý của vũ trụ. Cuộc đời sẽ trở nên hạnh phúc vui vẻ khi người ta đạt được 6 cái đó.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.