30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

Cách kể chuyện



Các câu chuyện thường thu hút thị giác, thính giác và xúc giác của khán giả. Sau hôm bạn thực hiện bài ứng khẩu của mình, khán giả sẽ chẳng nhớ nổi bất cứ lời nào bạn nói; họ sẽ chỉ nhớ những gì họ nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy trong trí tưởng tượng khi nghe bạn nói.

Nếu bạn muốn luận điểm của mình được ghi nhớ và có sức ảnh hưởng, bạn cần kết hợp nó với một câu chuyện hoặc một ví dụ liên quan tới hình ảnh. Có thể bạn sẽ nghĩ: “Andrii, tôi phải làm thế nào để kể một câu chuyện truyền cảm khiến khán giả muốn thưởng thức và ghi nhớ?” Bạn từng kể rất nhiều câu chuyện cho gia đình và bạn bè về kỳ nghỉ của bạn hay những chuyện xảy ra ở nơi làm việc; tuy vậy, để có thể ứng khẩu hiệu quả, bạn cần nắm được ba cơ sở của cách kể chuyện.

Chi tiết tạo nên câu chuyện

Các câu chuyện truyền cảm hứng bởi chúng tạo nên những khung hình trong trí tưởng tượng của khán giả. Hãy dùng các chi tiết để khiến cho những khung hình ấy trở nên chân thực trong trí óc khán giả.

Hãy hình dung một diễn giả nói rằng: “Tôi đã thua trận đấu đầu tiên trong một cuộc thi karate, nhưng tôi rất quý trải nghiệm ấy.” Bạn có thấy câu này thú vị không? Bạn có thấy nó dễ nhớ không? Nó có giúp bạn hình dung được câu chuyện không?

Tôi sẽ nhắc lại một phân đoạn ở cao trào trong câu chuyện: “Bí mật lớn nhất của phép ứng khẩu.”

“Trận đấu kéo dài một phút rưỡi. Tôi đấm, đá và đỡ, nhưng hầu hết tôi chỉ có ăn đấm. Sau 45 giây, tôi thấy kiệt sức hoàn toàn, như thể tôi không nhấc nổi tay lên, những cú đấm của tôi giảm đi nhiều. Khán giả hờ reo: “Andrii! Andrii! Hạ nó đi! xử nó đi!” Khi bạn nghe thấy tên mình vang lên, hẳn điều đó sẽ tiếp thêm sức lực và sức mạnh cho bạn để chiến thắng, nhưng trường hợp của tôi thì ngược lại hoàn toàn. Tin được không? Đối thủ của tôi cũng tên là Andrii! Cậu ta đã lên đai xanh và có hơn 7 năm kinh nghiệm tập karate. Tôi thua trận ấy. Tôi bị đánh te tua. Nhưng tôi thực sự thấy rất vui! Khó có điều gì có thể sánh bằng.”

Lần mô tả thứ hai về cùng một trận đấu cung cấp cho bạn nhiều chi tiết hơn hẳn. Bạn biết được lai lịch đối thủ karate của tôi, khán giả cổ vũ cho ai, trận đấu kéo dài bao lâu và tôi cảm thấy điều gì trong lúc thi đấu. Tất cả những chi tiết này khiến cho câu chuyện trở nên dễ nhớ. Bạn sẽ quên đi các câu từ nhưng bạn sẽ ghi nhớ những khung hình hiện lên trong trí tưởng tượng của bạn nhờ những câu từ ấy.

Chi tiết là yếu tố quan trọng nhất của bất cứ câu chuyện nào. Hãy kể các câu chuyện và làm giàu chi tiết cho chúng. Nguyên tắc này sẽ giúp bạn trở thành một diễn giả ứng khẩu tài ba. Người ta thích các câu chuyện. Người ta thích các chi tiết. Và họ cũng mê các diễn giả nắm được điều này.

Đối thoại

Nếu bạn không sử dụng đối thoại trong khi thuyết trình thì đó hẳn là một bản tin, một bài báo hay một bài tường thuật chứ không phải một bài phát biểu. Đối thoại là một yếu tố tất yếu của bất cứ câu chuyện nào bởi nó tái hiện lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ.

Ví dụ: “Khi về đến nhà, tôi vào bếp, rút cả tập giấy ra khỏi cặp và bắt đầu tìm cách giải bài toán. Danh tiếng của tôi tại trường đang ở bên bờ vực. Lúc 1 giờ sáng mẹ tôi bảo: “Andrii, muộn rồi. Đi ngủ đi con. Nhân tiện, bài toán đó thế nào rồi?” “Mẹ à, con đã hiểu tại sao chưa có ai giải được bài này. Nó khó kinh khủng. Con đã thử mọi cách và bây giờ con không nghĩ được thêm ý nào khác.” Chuyện này xảy ra cách đây đã nhiều năm, nhưng một đoạn đối thoại sẽ làm nó hiện lên sinh động hơn và khán giả sẽ cảm nhận được câu chuyện ấy bộc lộ ra ở thực tại như thế nào.

Mọi diễn giả ứng khẩu tẩm cỡ thế giới đều sử dụng đối thoại trong các bài phát biểu của họ bởi họ biết rằng đối thoại là một công cụ ma thuật khiến bài phát nói hấp dẫn, chân thực và dễ nhớ.

Mỗi câu chuyện đều là một sự kết hợp giữa tường thuật và đối thoại, và mục tiêu của bạn ở địa vị một diễn giả là phải làm sao cho hai phần này được cân xứng. Đa số các diễn giả sử dụng quá ít đối thoại và quá nhiều tường thuật trong các bài ứng khẩu của họ, vì vậy nếu bạn muốn câu chuyện của bạn hấp dẫn và đáng nhớ, hãy tăng số lượng đối thoại trong câu chuyện ấy lên. Đối thoại chính là thứ biến một bài nói chấp nhận được thành một bài nói xuất sắc.

Mâu thuẫn

Mâu thuẫn là chướng ngại vật nằm giữa nhân vật và điều mà anh ta muốn đạt được. Mâu thuẫn mang lại sự ly kỳ cho câu chuyện và tạo ra những câu hỏi trong đầu khán giả. Người nghe hứng thú với câu chuyện của bạn bởi họ muốn biết mâu thuẫn đó sẽ được giải quyết ra sao.

Cấu trúc của một câu chuyện bao gồm phần giới thiệu mâu thuẫn, sự leo thang của mâu thuẫn, và cách mâu thuẫn đó được giải quyết. Vì một bài ứng khẩu ngắn hơn nhiều so với một bài thuyết trình có chuẩn bị, bạn cần đưa ra mâu thuẫn từ rất sớm, thường là ngay trong một vài câu đầu tiên.

Ví dụ: “Khi tôi khoảng 12 tuổi, có một nỗi sợ hãi rất lớn. Tôi sợ bị những tên côn đồ trên phố đánh.

Tôi quá sợ phải đến trường mỗi ngày đến nỗi bố mẹ phải cho tôi vào trường dạy karate hệ phái Kiokushin để tôi khắc phục nỗi sợ này.”

Mâu thuẫn có thể là một cuộc chiến giữa con người với con người, giữa con người với những khó khăn, thậm chí là giữa con người với chính bản thân họ. ở ví dụ này, mâu thuẫn là cuộc chiến chống lại nỗi sợ chính bản thân tôi.

Kể cả khi bạn dùng đối thoại và các chi tiết, khán giả vẫn có thể cảm thấy chán nghe bạn nói nếu câu chuyện bạn kể không có mâu thuẫn. Mọi câu chuyện hấp dẫn, giống như một bộ phim Hollyvvood, đều cần có một mâu thuẫn ở phần mở đầu mà sau đó sẽ được giải quyết.

Để biến câu chuyện của bạn thành một bộ phim bom tấn, hãy đưa ra mâu thuẫn trong câu chuyện từ sớm. Bạn hãy khiến cho mâu thuẫn đó leo thang và một khi khán giả cảm thấy nóng lòng muốn biết nó được giải quyết như thế nào, hãy đẩy nó lên tới đỉnh điểm và cho khán giả thấy cách mâu thuẫn được giải quyết.

Mục tiêu của bạn là cố gắng để thống nhất ba nguyên tố cơ bản của một câu chuyện hoàn hảo. Hãy lưu tâm đến chúng trước khi bạn bước lên sân khấu và bạn sẽ nhận ra những câu chuyện của bạn đã trở nên hấp dẫn khán giả đến mức nào. Khán giả của bạn sẽ nghĩ: “ồ! Việc diễn giả này có thể nghĩ ra một câu chuyện xuất sắc như vậy sau 30 giây chuẩn bị đúng là ma thuật.” Dù vậy, bạn biết rằng ma thuật này gồm ba từ: chi tiết, đối thoại và mâu thuẫn.

Các bài tập về cách kể chuyện

Để trở thành một diễn giả ứng khẩu hoàn thiện, bạn cần làm chủ được kỹ năng kể chuyện. Trong ứng khẩu, bạn phải nghĩ thật nhanh và quyết định xem câu chuyện của bạn sẽ được thể hiện ra sao trong lúc bạn đang kể nó. Cũng như các kỹ năng khác, để làm chủ được kỹ năng kể chuyện ngẫu hứng đời hỏi bạn phải luyện tập. “Câu chuyện – câu chuyện,” “các danh từ trong túi” và “hoàn thiện một câu chuyện” là những trò chơi tuyệt vời sẽ mài giũa kỹ năng kể chuyện của bạn khi bạn vui vẻ bên bạn bè hay các đồng môn ứng khẩu khác.

Bài 1: Câu chuyện – Câu chuyện

Mục tiêu của trò chơi “câu chuyện-câu chuyện” nhằm phát triển kỹ năng nói về bất kỳ chủ đề nào. Người điều hành trò chơi đưa ra bối cảnh cho một câu chuyện. Anh ta sẽ chỉ định một người và người đó sẽ bắt đầu kể một câu chuyện. Người điều hành sẽ ra hiệu cho một trong số những người chơi khác và anh ta sẽ kể tiếp câu chuyện đó từ đoạn mà người kể trước dứt lời.

Người kể tiếp theo sẽ tiếp tục kể dựa vào những lời cuối cùng của người kể trước và cố gắng để tiếp tục mạch truyện. Mỗi người có nhiều lượt để thêm thắt vào câu chuyện đó. Thường thì người điều hành trò chơi sẽ quyết định lúc nào câu chuyện kết thúc và sẽ chỉ định một trong số những người chơi kể đoạn kết của câu chuyện.

Bài 2: Các danh từ trong túi

Ở bài tập này, người chơi sẽ viết các danh từ lên một mảnh giấy. Các danh từ riêng cũng được chấp nhận. Thực tế, các danh từ càng lạ thì trò chơi càng thú vị.

Sau khi bỏ tất cả các mảnh giấy vào một chiếc túi, một trong số những người chơi sẽ bắt đầu kể một câu chuyện.

Sau khi mạch truyện được hình thành, người điều hành sẽ lấy ra một mảnh giấy từ trong chiếc túi và một người chơi sẽ phải kể một câu chuyện có xuất hiện danh từ được ghi trong mẩu giấy đó. Chẳng hạn: “Hôm qua, tôi và vợ cùng bước vào một nhà hàng. Đó là ngày kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng tôi và tôi muốn làm cho buổi chiều hôm đó phải thật đặc biệt.”

Lúc này, người điều hành trò chơi chọn được từ “chim cánh cụt” từ chiếc túi và một người chơi kể tiếp câu chuyện. “Nhà hàng đó có tên là ‘Nam Cực’ và họ phục vụ một món đặc biệt trong ngày được làm từ thịt chim cánh cụt. Vì vậy tôi đã gọi món đó cho cả hai vợ chồng.

Tôi hỏi vợ tôi rằng: ‘Em yêu, em còn nhớ 10 năm trước chúng ta đã gặp nhau như thế nào không?”‘ Bây giờ người điều hành lại bốc một từ khác từ trong chiếc túi và cứ thế tiếp tục cho đến khi câu chuyện kết thúc.

Trò chơi “Các danh từ trong túi” phát triển khả năng suy nghĩ tức thì và kỹ năng kiến tạo câu chuyện trong khi đang nói.

Như bạn thấy đấy, bài tập này khá giống với những gì bạn gặp phải khi thực hiện các bài ứng khẩu thực sự. Bạn kể một câu chuyện ứng biến và trong mỗi vài giây bạn lại quyết định hướng đi của câu chuyện.

Bài 3: Hoàn thiện một câu chuyện

Bài tập này giúp ta phát triển khả năng xây dựng một câu chuyện tưởng tượng với bất cứ bối cảnh nào.

Một người chơi sẽ kể một câu chuyện theo bối cảnh mà người điều hành đưa ra.

Ví dụ:

“Tôi nhận được một tin nhắn nặc danh nói rằng: Tao biết mày ở đâu…”

“Manh mối dẫn tôi vào thế bế tắc. Một tấm biển có ghi dòng chữ: ‘Cảnh báo nguy hiểm…”‘ “Trong lúc đi bộ đến cửa hàng đó, tôi nhìn thấy một chiếc phong bì. Bên trong có 10000 đô la. Tôi quyết định…”

“Một chiếc xe máy đang đi chầm chậm trên một vùng đất hoang vu bỗng quẹo gấp khi bất ngờ một thứ gì đó lao ra…” “Tiếng đập vào cửa kính hành khách làm tôi giật mình. Khi tôi nhìn xem đó là ai…”

“Cơn mưa không có vẻ gì là sẽ tạnh, nhưng tôi phải…” “Đó là lần thứ hai họ gọi cho tôi. Lần này tôi trả lời rằng…” Bạn có thể chơi trò này với một người bạn hoặc một nhóm nhiều người. Hãy nghĩ ra những đoạn mở đầu thú vị và để mặc cho trí tưởng tượng của bạn bay xa. Trong khi luyện tập, bạn để trí tưởng tượng của mình càng tự do thì nó càng giúp ích cho bạn khi bạn ứng khẩu sau này.

Đưa ra quan điểm

Hãy đưa ra quan điểm của mình. Bạn cần phải có một quan điểm nhất định đối với câu hỏi mà bạn được hỏi. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong hàng ghế khán giả và có một vị chính khách được hỏi rằng, “Ngài có thể cho biết khi nào chúng ta sẽ thoát được cuộc khủng hoảng kinh tế này không?”

Diễn giả đó trả lời: “Chuyện đó còn tùy. Nếu chính phủ hành động đúng, chúng ta có thể thoát được cơn khủng hoảng này một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu quốc gia của chúng ta không đồng lòng và chính phủ không đi theo đúng các bước nhằm chấm dứt những bất cập về kinh tế thì cuộc khủng hoảng có thể kéo dài lâu hơn nữa.”

Câu trả lời này không những không có giá trị mà nó cũng sẽ chẳng được người ta ghi nhớ hay được truyền thông trích dẫn. Nhưng giả sử vị chính khách đó nói rằng: “Tôi nghĩ rằng trong vòng 3 năm chúng ta sẽ đưa nền kinh tế đạt mức như hồi năm 2008.” Cho dù đó chỉ là một quan điểm không được chứng minh bởi bất kỳ số liệu nào, nó vẫn có giá trị, sẽ được trích dẫn bởi giới truyền thông và được người ta ghi nhớ trong một thời gian dài.

Một trong những lỗi nhiều diễn giả thường hay mắc phải, đó là tuôn ra thành lời bất kỳ thứ gì xuất hiện trong đầu, chỉ để lấp đầy khoảng thời gian đó mà không đưa ra bất cứ quan điểm nào. Một câu nói hay luôn luôn hàm chứa một thông điệp và một quan điểm rõ ràng. Đừng bao giờ nói nước đôi và đừng bao giờ nói “cái đó còn tùy.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.