30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

Làm sao để tư duy ứng biến?



Loại bỏ độc thoại nội tâm

Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh khả năng hoạt động của bán cầu não phải (thuộc về tiềm thức) và bán cầu não trái (thuộc về ý thức). Các kết quả thu được khẳng định rằng bán cầu não phải phụ trách việc sáng tạo hoạt động nhanh gấp 2 triệu lần bán cầu não trái phụ trách việc phân tích.

Thường thì trước khi thực hiện một bài ứng khẩu, các bạn sẽ không có nhiều thời gian chuẩn bị. Như vậy có thể hiểu rằng bạn cần phải suy nghĩ cực nhanh. Nếu bạn có ít hơn 30 giây để chuẩn bị một câu trả lời cho một câu hỏi, liệu bạn sẽ trông cậy vào bên não hoạt động chậm hay bên hoạt động siêu nhanh của bạn?

Nếu bạn muốn trở thành một diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới, người có thể thực hiện những bài phát biểu tại chỗ được mọi người ghi nhớ trong nhiều năm, lựa chọn duy nhất của bạn là sử dụng bán cầu não siêu nhanh chuyên phụ trách công việc sáng tạo một cách tối đa.

Khi một diễn giả ứng khẩu thiếu kinh nghiệm được hỏi một câu, anh ta thường tạo ra một đoạn độc thoại nội tâm, “Ôi, mình không biết phải nói gì cả. Không… Đây không phải câu trả lời hoàn hảo. Mọi người sẽ nghĩ sao về mình? Thời gian thì trôi nhanh quá mà mình lại chưa có ý tưởng gì hết! Mọi người sẽ xem mình bị bẽ mặt và mình sẽ thấy thật khốn khổ.”

Khi bạn tự nói với chính mình, đoạn độc thoại nội tâm ấy sẽ cản trở bán cầu não sáng tạo siêu nhanh và thay vào đó khởi động bán cầu não phân tích. Với hiệu suất hoạt động như vậy, việc tư duy nhanh và đưa ra một câu trả lời hay là bất khả thi.

Để cho phép não phải và tiềm thức của bạn thực hiện công việc của chúng, bạn cần loại bỏ độc thoại nội tâm. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực cản trở tư duy siêu nhanh của bạn. Một khi bộ não của bạn được giải phóng khỏi độc thoại nội tâm, nó sẽ đưa ra hàng triệu lựa chọn chỉ trong vài giây và sẽ gợi ý cho bạn một lựa chọn tốt nhất có thể. Cũng giống với bất kỳ ai khác, các diễn giả tầm cỡ thế giới cũng có độc thoại nội tâm trước khi phát biểu. Điểm khác biệt duy nhất đó là họ biết chính xác làm cách nào để ngăn chặn nó.

Có thể bạn sẽ hỏi tôi rằng, “Andrii, làm cách nào để ngăn những suy nghĩ tiêu cực khỏi xuất hiện trong tâm trí và cản trở bên não siêu nhanh của tôi?”

Để đạt được điều này, đơn giản bạn chỉ cần chấp nhận hai đức tin của những diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới: “Tôi chắc chắn sẽ trả lời một câu hỏi” và “Không phải lúc nào tôi cũng có câu trả lời xuất sắc.”

Một khi bạn biến hai đức tin này thành đức tin của chính mình, sẽ không điều gì có thể ngăn trở bán cầu não siêu nhanh của bạn hình thành một câu trả lời hoàn hảo. Không còn độc thoại nội tâm, bạn sẽ phát triển khả năng của một diễn giả ứng khẩu không giới hạn và chất lượng những bài phát biểu của bạn sẽ được nâng cao rõ rệt.

Những đức tin của diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới

Tôi chắc chắn sẽ trả lời câu hỏi

Thử tưởng tượng rằng bạn là một võ sĩ quyền Anh và khi trận đấu bắt đầu, một ý nghĩ xuất hiện trong đầu bạn: “Mình chẳng biết bắt đầu trận đấu như thế nào nữa. Ngộ nhỡ mọi người không thích những cú đấm của mình?”. Những suy nghĩ này không những cản trở bản năng và bán cầu não siêu nhanh của bạn mà còn khiến bạn chịu đau đớn vì những cú đấm từ đối thủ.

Khi bạn thượng đài, bạn sẽ không có thời gian để độc thoại nội tâm và phân tích. Bạn sẽ lao vào trận đấu trước tiên và chỉ lúc này bạn mới quyết định xem sẽ phải làm gì với cơ thể của mình. Bạn không biết bạn có chiến thắng hay không. Bạn không biết chính xác việc bạn sẽ phòng thủ và tấn công ra sao. Điều duy nhất bạn biết đó là chắc chắn bạn sẽ chiến đấu và bản năng của bạn sẽ mách bảo cho bạn phải làm gì trong từng khoảnh khắc nhất định.

Chính khoảnh khắc bạn nghĩ rằng, “Đối thủ của mình trông thật đáng sợ,” “Mình không muốn bị cho một trận no đòn” hoặc “Ngộ nhỡ hắn mạnh hơn mình tưởng?” – Bạn đã thua rồi. Các võ sĩ chuyên nghiệp biết điều này và đức tin của họ là, “Đầu tiên mình sẽ tiến vào cuộc đấu và chỉ khi đó mới quyết định xem sẽ phải làm gì với cơ thể của mình. Bản năng và hàng năm trời luyện tập của mình sẽ giúp mình quyết định xem phải làm gì trong từng khoảnh khắc nhất định.”

Nguyên tắc trên cũng đúng với việc ứng khẩu trước đám đông. Yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ diễn giả ứng khẩu nào đó là một trạng thái tâm lý “làm-được”. Tiềm thức của bạn sẽ cho bạn câu trả lời hoàn hảo. Tuy vậy, để khiến việc này hiệu quả, bạn cần ngăn chặn tất cả mọi ý nghĩ tiêu cực trước đã. Hãy quên những ý nghĩ như “Mình chưa được chuẩn bị” hay “mình thấy sợ” bởi dù có biết phải nói gì hay không, cuối cùng bạn vẫn sẽ cất tiếng.

Đức tin của những diễn giả ứng khẩu vĩ đại nhất là: “Cho dù tôi có ý tưởng hay hay không, tôi sẽ vẫn trả lời. Kinh nghiệm ứng khẩu của tôi và những kỹ thuật tôi đã học được trước đây sẽ giúp tôi tìm ra câu trả lời hay nhất cho mỗi câu hỏi.”

Một khi bạn dừng việc suy xét xem có nên trả lời hay không và nghĩ xem hậu quả sẽ như thế nào, chất lượng những lời nói của bạn sẽ gia tăng đáng kể. Tất cả năng lượng trí óc của bạn sẽ tập trung vào việc tìm ra câu trả lời thay vì đánh giá câu trả lời của bạn hay quyết định xem có nên nói hay không. Câu hỏi đặt ra ở đây không phải là việc bạn có trả lời hay không mà là bạn sẽ trả lời như thế nào.

Ở phần sau của cuốn sách này, bạn sẽ học cách trả lời ngay cả khi bạn không có ý tưởng nào hay. Nhưng trước tiên hãy nhớ kỹ! Bạn luôn luôn trả lời câu hỏi và không bao giờ để bán cầu não sáng tạo siêu nhanh của mình bị cản trở bởi độc thoại nội tâm.

Không phải lúc nào tôi cũng đưa ra được câu trả lời xuất sắc

Nếu bạn là Michael Jordan, không phải lúc nào bạn cũng cho được bóng vào rổ, bạn chỉ ghi điểm nhiều hơn những cầu thủ khác thôi. Hãy thừa nhận chuyện này. Bạn sẽ không thể lúc nào cũng đưa ra được một câu trả lời ứng khẩu xuất sắc, cho dù bạn được đào tạo tốt đến mức nào đi chăng nữa.

Tùy vào câu hỏi và tình huống, chất lượng câu trả lời của bạn sẽ không giống nhau. Những câu trả lời giá trị nhất của bạn có thể sẽ tốt hơn những câu trả lời tốt nhất của những người không được đào tạo, tuy vậy bạn vẫn cần chấp nhận một thực tế rằng không phải tất cả các câu ứng khẩu của bạn đều xuất sắc.

Tất cả mọi người đều muốn đưa ra được những câu trả lời xuất chúng và nhận lại những tràng tung hô, nhưng chuyện này không phải lúc nào cũng xảy ra đối với nói ứng khẩu.

Nếu bạn lo lắng về chất lượng câu trả lời của mình, bạn sẽ bắt đầu nghĩ tới những hậu quả tiềm tàng gây ra bởi một câu trả lời tồi. Quá trình tự phân tích sẽ cản trở bên não siêu nhanh của bạn và từ đó sẽ dẫn tới việc bạn chắc chắn sẽ đưa ra một câu trả lời tồi.

Cũng như việc Michael Jordan cố hết sức để ghi điểm, hãy cố gắng hết sức để phản hồi lại câu hỏi ấy. Đừng lo lắng về chất lượng câu trả lời của bạn. Bạn chấp nhận sự thực rằng không phải câu trả lời nào của bạn cũng là xuất sắc càng sớm thì bạn sẽ đạt đến trình độ của những diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới càng nhanh.

Hãy nhớ rằng, ứng khẩu chỉ là một trò chơi. Cho dù bạn đưa ra câu trả lời nào đi nữa thì đó vẫn là câu

trả lời tốt nhất bạn có thể đưa ra trong tình huống và khoảnh khắc cụ thể đó.

Chấp nhận những đức tin của diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới và tốc độ tư duy trên sân khấu của bạn sẽ tăng lên ít nhất 2 triệu lần. Bạn còn nhớ các đức tin đó là gì không? “Không phải lúc nào tôi cũng đưa ra được một câu trả lời xuất sắc. Tôi sẽ bắt đầu nói dù thế nào đi nữa. Tiềm thức của tôi sẽ gợi ý cho tôi lựa chọn tốt nhất có thể cho câu trả lời vào khoảnh khắc tôi cần đến nó.”

Vâng và…

Khi các bạn ứng khẩu, thời gian sẽ chỉ đi về phía trước và bạn không thể thay đổi những gì mình đã nói ra. Nếu bạn nói, “ồ, xin lỗi. Ý tôi không phải vậy” hoặc “Quên điều tôi vừa nói đi nhé,” việc này không chỉ thay đổi điều bạn vừa nói mà còn khiến cho lời nói của bạn bị khán giả đánh giá thấp đi.

Họ sẽ nghĩ: “Vị diễn giả này không nghiêm túc với những gì anh ta đang nói và anh ta đang làm lãng phí thời gian của mình bằng những lời biện hộ vô nghĩa.”

Hãy thử tượng tượng sau khi bạn nghe một câu hỏi: “Con vật nào là thú cưng ưa thích của bạn?” và bạn trả lời: “Tôi yêu chó. Hồi tôi 7 tuổi, mẹ tôi có mua cho tôi một chú cún và tôi đặt tên nó là Chip.” Trong khoảnh khắc ấy, bạn nhớ tới câu chuyện hài hước về con mèo của một người bạn và bạn muốn thay đổi hoàn toàn câu trả lời của mình.

Có thể bạn sẽ nghĩ, “Tôi phải làm gì với tình huống này đây?” Việc quan trọng nhất là hãy chấp nhận những gì bạn đã nói trước đó và tiến tới. Điều bạn đã nói là không thể thay đổi và nó quan trọng ở thời điểm bạn nói ra. Đừng bao giờ xin lỗi hoặc nói rằng nó không quan trọng.

Hãy làm một bước chuyển tiếp nhanh từ “chó” sang “mèo” và tiếp tục bài phát biểu của bạn theo chiều hướng khác. Chẳng hạn: “Chó thực sự là thú cưng yêu thích của tôi cho đến mới đây. Một tháng trước anh bạn Jim nói với tôi rằng, ‘Andrii, tớ chuẩn bị đi Hawai nghỉ ngơi. Cậu có thể chăm sóc con mèo của tớ trong 2 tuần được không?”‘ Tiếp theo, tôi sẽ kể câu chuyện của mình và đi đến một kết luận rằng mèo là thú cưng ưa thích của tôi. Với một bước chuyển tiếp như vậy, câu trả lời của bạn sẽ trơn tru và những gì bạn nói về chó vẫn tỏ ra gắn liền với câu trả lời tổng thể một cách tự nhiên.

Khi thực hiện một bài ứng khẩu, bạn có thể chuyển hướng câu trả lời của mình nhiều lần, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn sẽ không phủ nhận những gì bạn đã nói trước đó. Hãy nói với bản thân bạn rằng, “Được, mình đồng ý với mọi điều mình nói trước đó và có thể tiếp tục bài phát biểu theo bất kỳ hướng đi nào.” Bạn có thể thay đổi chọn lựa giữa các ý tưởng một cách dễ dàng bằng cách sử dụng các đoạn chuyển tiếp và bài nói của bạn nghe sẽ tự nhiên.

Quy tắc ý nghĩ đầu tiên

Quy tắc ý nghĩ đầu tiên cho biết, “Khi nghe một câu hỏi, hãy bắt đầu trả lời dựa vào những ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn.”

Nếu bạn chờ lâu hơn, bạn sẽ kích hoạt độc thoại nội tâm của mình. Bạn sẽ nghĩ, “Mình không tài nào nghĩ ra câu trả lời tốt nhất. Ý tưởng này không hoàn hảo. Mọi người sẽ nghĩ sao về mình đây. ôi thời gian trôi nhanh quá mà mình vẫn không biết phải nói gì.” Độc thoại nội tâm sẽ cản trở tiềm thức và kích hoạt tư duy phân tích chậm. Kết quả là việc này hầu như sẽ luôn khiến cho câu trả lời ứng khẩu của bạn không được tốt.

Bằng cách trả lời dựa trên những ý nghĩ đầu tiên, bạn sẽ chặn được dòng tư duy ý thức và kích hoạt cỗ máy tiềm thức sản xuất ý tưởng siêu nhanh.

Trước khi bắt đầu nói, bạn không nhất thiết phải hình thành toàn bộ câu trả lời. Điều duy nhất bạn cần là một điểm khởi đầu. Hãy trả lời bằng ý nghĩ đầu tiên và nếu bạn có một ý tưởng hay sau đó, việc chuyển hướng theo mạch trả lời là luôn luôn khả thi.

Làm thế nào để có thời gian suy nghĩ?

30 giây đầu

Sau khi được hỏi, hãy luôn dành ra 30 giây để suy nghĩ về câu trả lời. Việc này không chỉ khiến câu trả lời của bạn tỏ ra thấu đáo mà còn giúp tiềm thức của bạn nảy sinh hàng triệu ý tưởng cho câu trả lời. Thói quen này sẽ cải thiện đáng kể khả năng ứng khẩu của bạn.

Có nhiều diễn giả e ngại việc ứng khẩu. Họ nghĩ, “Mình không chắc có thể đưa ra một câu trả lời tốt chỉ trong vỏn vẹn có 30 giây.”

Bạn thấy đấy, thật khó để đưa ra một câu trả lời tốt chỉ trong 30 giây, ngay cả đối với những diễn giả ứng khẩu tầm cỡ thế giới. Nếu bạn có toàn bộ câu trả lời sau khi được hỏi, điều ấy rất tốt, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được như vậy. Thực ra, bạn có nhiều hơn 30 giây để suy nghĩ.

Hãy nhớ rằng không nhất thiết phải biết toàn bộ câu trả lời khi bạn bắt đầu nói. Điều duy nhất bạn cần là một điểm khởi đầu, một ý nghĩ đầu tiên. Bạn sẽ còn nhiều thời gian để nghĩ tiếp về phần còn lại của câu trả lời.

Suy nghĩ trong lúc nói

Tốc độ suy nghĩ của bạn nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bạn nói. Khi bạn nói về một ý tưởng, bộ não của bạn sẽ sáng tạo ra những ý nghĩ mới cho phép bạn phát triển ý tưởng mà bạn đang trình bày, hoặc chuyển sang một ý tưởng khác.

Khi bạn đang nói chuyện với một người bạn về những món ăn tuyệt hảo tại khu nghỉ dưỡng biển bạn ở vào kỳ nghỉ, ý nghĩ về điều gì đó buồn cười xảy ra trong chuyến đi tới những thác nước có thể sẽ lóe lên trong đầu bạn. Bạn chuyển từ chuyện đồ ăn ở khu nghỉ dưỡng sang câu chuyện về chuyến đi một cách trơn tru. Đối với người bạn đang lắng nghe, lời kể của bạn hoàn toàn tự nhiên, và anh ta có thể không ngờ rằng ý nghĩ về câu chuyện đó chỉ vừa xuất hiện trong đầu bạn vài giây trước.

Quy tắc đó cũng hoàn toàn có thể áp dụng với phép ứng khẩu. Khi bạn nói về một ý tưởng, bên não sáng tạo của bạn sẽ nghĩ rất nhanh và tùy thuộc vào ý nghĩ nào xuất hiện trong đầu, bạn sẽ phát triển ý tưởng bạn đang trình bày hoặc chuyển sang một ý tưởng khác.

Thời điểm thích hợp nhất để suy nghĩ là khi bạn đang nói, bởi khoảng thời gian đó không bị giới hạn.

Bạn có thể giảm tốc độ nói xuống để có thêm nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ.

Nếu bạn cảm thấy không biết phải nói về vấn đề gì, hãy tạm dừng. Việc đột ngột tạm dừng là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trong lúc tạm nghỉ, bộ não của bạn sẽ bắt kịp và khán giả của bạn thậm chí còn không nhận biết được bất kỳ điều gì bất thường.

Hãy nhớ rằng bộ não của bạn nhanh gấp nhiều lần lời nói của bạn. Khi bạn nói, bộ não của bạn đang nghĩ về điều cần nói tiếp sau đó. Nếu bạn cảm thấy bạn cần thêm thời gian suy nghĩ, chỉ cần nói chậm hơn hoặc tạm dừng.

Các bài tập tư duy ứng biến

Bài 1: Dòng chảy ý thức

Mục đích của bài tập này là phát triển khả năng nói của bạn về bất kỳ chủ đề nào và ở bất cứ nơi đâu. Nếu bạn đang ngồi trong một căn phòng, đang lái xe hoặc tản bộ ở đâu đó, hãy nói về những điều bạn nhìn thấy, cảm nhận và suy nghĩ.

Ví dụ, trong lúc đang viết những dòng này, tôi đang ngồi ở sân bay JFK, New York để đợi chuyến bay của mình. Đối với tôi, dòng chảy ý thức sẽ như sau: “Hiện tôi đang ngồi trên một chiếc ghế dài bằng kim loại tại sân bay New York. Phía trước tôi là một người đàn ông đang nói chuyện điện thoại bằng tiếng Nga. Có thể ông ta đang nói chuyện với vợ. Còn năm tiếng nữa mới đến chuyến bay của tôi. Có thể tôi sẽ viết tiếp cuốn sách về phép ứng khẩu thêm một hoặc hai tiếng nữa rồi sẽ tìm một nơi để ăn trưa, ồ, tại sao lại không có ổ cắm điện nào cho hành khách ở sân bay nhỉ? Máy tính của tôi chẳng mấy chốc sẽ hết sạch pin. Thực ra tôi đang rất háo hức về chuyến bay tới châu Âu của mình. Mỗi khi bay đi đâu đó, tôi lại cảm thấy chiếc máy bay đưa tôi đến một thế giới hoàn toàn khác, với những mối quan hệ mới, những chuyến phiêu lưu mới và trải nghiệm mới.”

Dĩ nhiên tôi không thể gọi đoạn vừa rồi là một đoạn ứng khẩu tốt được; tuy vậy, tôi hoàn toàn không tốn một giây nào để nghĩ ra nó, vì đơn giản tôi chỉ viết ra những thứ xuất hiện trong đầu. Mục đích ở đây là quên đi nội dung của bài phát biểu và lấp đầy 2-3 phút bằng dòng chảy ý thức của bạn.

Đây có thể là một trong những bài tập quan trọng nhất trong cả cuốn sách này. Một khi bạn có thể lấp đầy 2-3 phút bằng dòng chảy ý thức một cách trôi chảy, bạn có thể thực hiện một bài ứng khẩu về bất cứ chủ đề nào.

Tất cả những điều khác bạn học được trong cuốn sách này sẽ giúp bạn khiến cho bài phát biểu của mình hiệu quả, thú vị và có giá trị. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, việc bạn có được sự tự tin cho bản thân là hết sức quan trọng, vì bạn sẽ luôn luôn tìm được từ thích hợp cho câu trả lời của mình dù gặp phải câu hỏi nào đi nữa.

Khi lâm vào một tình huống khiến bạn khó lòng tìm ra điều cần nói, hãy nói những gì bạn thực sự đang nghĩ tới. Khán giả thích những diễn giả để lộ sơ hở của mình và thú nhận sự thật. Hãy thành thật và chỉ cần nói những gì xuất hiện trong tâm trí bạn lúc đó.

Thử tưởng tượng bạn được hỏi rằng, “Nếu bạn chỉ được ước duy nhất một điều và bạn biết nó sẽ biến thành hiện thực, bạn sẽ ước điều gì và tại sao?” Bằng cách sử dụng kỹ năng ở bài tập “dòng chảy ý thức”, tôi có thể bắt đầu như sau, “Khi tôi nghe câu hỏi này, suýt chút nữa tôi đã trả lời rằng Tôi muốn hòa bình cho toàn thế giới.’ Nếu tôi nói vậy, tôi tin các bạn sẽ nghĩ tốt về tôi. Nhưng tiếng nói trong tâm can tôi lại gào lên rằng, Tôi muốn có một tỉ đô la. À, hoặc hay hơn nữa thì tôi muốn trở thành thị trưởng của một thành phố như New York.’ Khi tôi 22 tuổi, tôi có tham gia một khóa huấn luyện khả năng lãnh đạo và một trong số các nhiệm vụ là thu thập ít nhất 50 chữ ký từ những người không quen biết ngoài đường. Sau khi có được khoảng 20 chữ ký, tôi thấy có hai cô gái khoảng 20 tuổi đang ngồi trên ghế đá. Tôi nói, ‘Mình đang có kế hoạch trở thành thị trưởng của Kyiv và mình cần 100,000 chữ ký để tham gia tranh cử. Các bạn có thể vui lòng ký vào đây được không?’ Câu trả lời tôi nhận được giống như gáo nước lạnh dội vào tôi vậy và đến giờ tôi vẫn còn nhớ. ‘Cậu đùa à? Cậu sẽ chẳng bao giờ trở thành thị trưởng.”‘ Bạn thấy đấy, ban đầu tôi đã không biết phải trả lời câu hỏi như thế nào, vì vậy tôi đã nói những gì xuất hiện trong đầu. Tuy nhiên, một lúc sau câu chuyện về thu thập chữ ký xuất hiện trong đầu và tôi đã chuyển tiếp sang câu chuyện này.

Đôi lúc một đề tài nhanh chóng xuất hiện trong đầu bạn và bạn đơn giản chỉ cần giới thiệu về chủ đề đó, đưa ra nhận xét của bạn về nó, và bắt đầu xây dựng bài phát biểu. Mặc dù vậy, có thể có những lúc bạn không biết phải làm sao để trả lời câu hỏi một cách tốt nhất. Đối với trường hợp này, bạn chỉ cần nói những gì bạn nghĩ tới cho đến khi bạn tìm được ý tưởng để nói. Hãy tập trung vào những ý nghĩ và khái niệm xuất hiện trong đầu bạn. Bạn sẽ thấy mối liên kết mới giữa những ý tưởng và khái niệm khi bạn nói.

Kể cả khi những suy nghĩ bạn nói ra không có gì đặc biệt, khán giả của bạn vẫn thích nghe chúng hơn là nghe những câu xin lỗi hay những lời thừa thãi.

Bài 2: Nói về một đồ vật trong vòng 5 phút

Mục đích của bài tập “nói về một đồ vật” là nhằm củng cố sự bình tĩnh khi phát biểu trước nhiều người. Đầu tiên, hãy chọn bất kỳ một đồ vật nào bạn thấy. Sau đó, hãy nói với bạn tập của bạn về đồ vật ấy trong khoảng 5 phút. Hãy mô tả về lịch sử, chức năng và ứng dụng của nó, tiếp đó hãy nói xem bạn nghĩ gì về nó. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có thể nói về bất kỳ đồ vật nào trong nhiều phút. Kỹ năng này sẽ hỗ trợ bạn đáng kể trong việc ứng khẩu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.