30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

Nỗi sợ ứng khẩu



Tôi đã phỏng vấn hơn 100 diễn giả và tất cả bọn họ đều nói rằng họ cảm thấy sợ việc ứng khẩu. Tôi hỏi họ: “Bạn có sợ một điều gì đó cụ thể không?” và nhận được những câu trả lời như sau: “Tôi sợ rằng tôi sẽ không thể nghĩ ra một câu trả lời hay thật nhanh” và “Tôi sợ rằng khán giả sẽ không thích câu trả lời của tôi và họ sẽ nghĩ tệ về tôi.” Trên thực tế, mọi diễn giả, ở một mức độ nào đó, đều cảm thấy sợ ứng khẩu. Bạn sẽ dễ dàng giảm thiểu nỗi sợ ứng khẩu một cách đáng kể nếu bạn đi theo ba khuyến nghị dưới đây.

Tin tưởng vào kinh nghiệm bạn có

Nếu bạn sợ ứng khẩu, bạn không hề đơn độc. Người ta sợ tất cả những thứ mà họ không quen thuộc. Bạn sẽ thấy sợ mỗi khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, nhưng đó cũng là lúc bạn trưởng thành nhiều nhất.

Hồi tôi 7 tuổi, mẹ tôi nói với tôi rằng: “Kể từ thứ Hai trở đi, con sẽ tự đi học nhé.” Tôi đáp: “Mẹ ơi, con rất sợ đi học nếu mẹ không đi cùng. Con chưa bao giờ tự đi đâu cả. Con sợ lạc đường.”

Bạn biết không? Tôi chỉ thấy sợ vào ngày đầu tiên tôi đến trường một mình. Tuy vậy, tôi nhận ra rằng tôi vẫn nhớ đường tới trường, tôi đã đến trường rất nhiều lần rồi, và thực ra chẳng có gì phải sợ cả. Chuyện tương tự cũng xảy ra với mọi diễn giả ứng khẩu.

Sau khi bạn đưa ra hàng tá câu trả lời ứng khẩu và luyện tập các kỹ thuật tư duy nhanh, bạn sẽ nghĩ rằng: “Này, mình đã từng ứng khẩu rồi đấy! Có lúc mình trả lời rất hay, có lúc chỉ tàm tạm, nhưng cũng không đến nỗi tệ như mình từng sợ. Khán giả không hề ăn thịt mình và thậm chí mình còn thấy vui.”

Để giảm bớt nỗi sợ ứng khẩu, đơn giản là hãy làm cho nó trở nên quen thuộc với bạn và nó sẽ trở thành một phần thuộc vùng an toàn của bạn. Hãy ứng khẩu thường xuyên hết mức có thể và sau một thời gian bạn sẽ không còn cảm thấy sợ nó nữa. Tại sao ư? Bởi bạn đã ứng khẩu và học được từ kinh nghiệm trước đó rằng chẳng có gì phải sợ cả.

Chấp nhận rằng không phải mọi câu trả lời của bạn đều xuất sắc

Ý thức và chấp nhận rằng không phải mọi câu trả lời ứng khẩu của bạn đều xuất sắc. Có nhiều tình huống bạn khó có thể lường trước, chẳng hạn như câu hỏi bạn sẽ được hỏi, những ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn, tâm trạng của bạn sẽ ra sao và khán giả sẽ có những ai.

Các diễn giả ứng khẩu giỏi nhất biết được rằng việc liên tục đưa ra được những câu trả lời xuất sắc là bất khả thi. Một khi bạn đã chấp nhận sự thật này, không những bạn sẽ chẳng còn lo rằng câu trả lời của mình sẽ không hay nữa, mà trung bình các câu trả lời của bạn cũng sẽ hay hơn rất nhiều. Tiềm thức sẽ không bị ngăn cản bởi sự lo âu của bạn và nó sẽ cho bạn những ý tưởng tuyệt vời dành cho bài phát biểu.

Làm quen với môi trường xung quanh

Nếu bạn thấy trước mình sắp phải ứng khẩu, hãy làm quen với môi trường xung quanh. Để cho phép bộ não của bạn chỉ tập trung suy nghĩ về câu trả lời, hãy loại bỏ những yếu tố không quen thuộc có thể gây ra những nỗi sợ hãi không cần thiết cho bạn.

Hãy bước lên sân khấu và nhìn vào những hàng ghế trống. Hãy ngồi ở những góc khác nhau của căn phòng. Bắt tay và nói chuyện với khán giả. Mối liên kết giữa căn phòng và khán giả với bạn càng chắc chắn thì việc tư duy ứng biến và kết nối với khán giả càng dễ dàng.

Lúc bạn bước lên sân khấu, căn phòng sẽ trở nên quen thuộc với bạn và khán giả sẽ trở thành đồng minh của bạn. Bạn sẽ nói với khán giả giống như bạn nói chuyện với một nhóm bạn trong căn bếp của mình vậy. Khi đã loại bỏ được việc e sợ khán giả và môi trường lạ lẫm, bộ não của bạn sẽ chỉ tập trung nghĩ về câu trả lời.

Đa số mọi người đều sợ ứng khẩu, tuy vậy các diễn giả ứng khẩu có kinh nghiệm nắm được bản chất của nỗi sợ này và có cách để chế ngự nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.