48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 19: ĐỪNG XÚC PHẠM NHẦM NGƯỜI



Trên thế giới này có rất nhiều hạng người, và tất cả họ đều sẽ không phản ứng như nhau với chiến lược của ta. Chỉ cần ta đánh lừa hoặc tỏ ra láu cá với người nào đó, và hắn sẽ bỏ cả đời tìm ta mà báo thù. Hắn là con sói đội lốt cừu. Vì vậy hãy chọn lựa kỹ càng ai là con mồi, ai là địch thủ bao giờ xúc phạm nhầm người.

ĐỐI THỦ, GÃ KHỜ VÀ NẠN NHÂN: LOẠI HÌNH HỌC SƠ ĐẲNG

Trên đường mưu cầu quyền lực ta sẽ gặp phải nhiều loại đối thủ, kẻ cả tin và các nạn nhân. Muốn đạt đỉnh cao quyền lực, ta phải có khả năng phân biệt sói với cừu, cáo với thỏ, diều hâu với kền kền. Được như vậy ta sẽ thành công mà không cần o ép ai thái quá. Ngược lại nếu cứ nhắm mắt mà lao vào bất cứ ai trên đường, thì nếu may phước còn sống sót, cuộc đời ta sẽ là một chuỗi dài buồn tủi. Vậy vấn đề sinh tử là biết phân biệt nhiều dạng người để ứng xử cho thích hợp. Sau đây là năm loại mục tiêu nguy hiểm và khó xử nhất, được những bậc thầy lừa bịp đã xếp loại.

Người kiêu căng ngạo mạn. Mặc dù thoạt tiên hắn có thể ngụy trang tính ngạo mạn, nhưng bạn nên nhớ rằng con người kiêu kỳ nhạy cảm này hết sức nguy hiểm. Chỉ cần cảm thấy bị xúc phạm, dù nhẹ thôi, cũng khiến hắn trả thù một cách tàn bạo. Bạn có thể tự bào chữa rằng “Nhưng tôi chỉ nói như thế như thế ở bữa tiệc, ai ai cũng xỉn cả…” Việc đó không quan trọng. Không có bất kỳ tí sáng suốt nào phía sau hành động phản ứng thái quái của hắn cả, vì vậy bạn đừng bất thì giờ tìm hiểu. Trong tiến trình giao tế với người nào đó, nếu cảm thấy hắn tự hào thái quá, bạn hãy tránh xa. Bất cứ điều gì bạn trông chờ từ con người này cũng không xứng đáng để đánh đổi.

Người mất tự tin không còn phương cứu chữa. Người này cũng có bà con với dạng vừa kể trên, nhưng ít hung bạo hơn và khó nhận ra hơn. Cái tôi của hắn khá mong manh nên hắn không tự tin, và nếu cảm thấy mình bị lừa bịp hoặc tấn công, hắn sẽ cắn răng nuốt cơn nóng giận. Sau đó hắn sẽ trả đũa bằng những cú cắn vặt mà phải mất một thời gian lâu sau, đến khi thấm đòn thì bạn mới nhận ra. Nếu lỡ gây tổn thương cho hạng người này, bạn nên giấu mặt thật lâu. Bạn còn ở trong tầm với thì hắn sẽ rỉa bạn cho đến chết.

Ông đa nghi. Một biến thể của hai loại trên, hắn là một Stalin sắp thành hình. Hắn chỉ thấy những điều muốn thấy ở người khác – và thường khi đó là những điều tệ hại nhất – rồi tưởng tượng rằng ai cũng tìm cách hại mình. Thật ra Ông đa nghi là một dạng ít nguy hiểm nhất trong cả ba: Đầu óc bị chênh một cách… chân thành, dạng người này dễ bị lừa, cũng như Stalin thường xuyên bị qua mặt. Bạn có thể thao túng tính đa nghi của dạng người này để đâm bị thóc chọc bị gạo. Nhưng nếu đã trở thành đối tượng của tính đa nghi ấy, bạn hãy coi chừng.

Rắn độc thù dai. Một khi bị mắc lừa hay bị xúc phạm, loại người này sẽ không để lộ ra mặt, mà sẽ tính toán và chờ đợi. Khi được thời cơ lật đổ tình thế, hắn sẽ chăm chỉ trả thù với sự tinh quái lạ lùng. Cố gắng nhận biết dạng người này qua sự tính toán và khôn vặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống hắn. Thường thì hắn khá lạnh lùng và không biểu lộ cảm xúc. Nên cẩn thận gấp đôi với con rắn này. Nếu lỡ đụng chạm hắn, bạn phải nghiền cho nát luôn, còn không thì bạn nên biến đi đừng để hắn thấy mặt.

Người thật thà, chất phác và thường là không mấy thông minh. A, hai tai bạn vểnh lên khi phát hiện ra loại nạn nhân hấp dẫn như vậy. Nhưng dạng người này không dễ bị dụ như bạn nghĩ đâu nhé. Để bị rơi vào bẫy, thì nạn nhân phải ít nhiều có tí đầu óc và tưởng tượng – đánh hơi được lợi lộc trước mũi. Còn người khờ quá thì sẽ không cắn câu vì không có khả năng nhận ra miếng mồi. Hắn vô tư đến thế cơ đấy. Dạng người này nguy hiểm không ở chỗ sẽ trả thù hay làm hại ta, nhưng đơn giản là hắn làm ta mất thời gian, tiền bạc, sinh lực và thậm chí cả cái đầu óc sáng suốt của ta, khi ta cố gắng bịp hắn. Bạn hãy thủ sẵn một trắc nghiệm cho đối tượng này dưới dạng một câu chuyện tiếu lâm, chuyện đùa. Nếu nghe xong mà hắn có vẻ ngờ nghệch, thì chắc chắn bạn trúng đài rồi. Còn tiếp tục hay không là tùy bạn, dám chơi dám chịu.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Mất lòng Đại hãn

Vào đầu thế kỷ XIII, shah (vua) Muhammad xứ Khwarezm sau nhiều cuộc chiến chinh đã mở rộng bờ cõi phía Tây từ vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay sang đến tận Afghanistan ở phía Nam. Trung tâm đế chế là ở thủ đô Samarkand. Shah có một đội quân hùng mạnh, thiện chiến và chỉ trong vài ngày là có thể động viên 200.000 quân.

Năm 1219 Muhammad tiếp kiến sứ thần của một bộ tộc mới nổi ở phía Đông, mà lãnh tụ là Thành Cát Tư Hãn. Sứ thần mang rất nhiều loại quà tặng cho Muhammad, mỗi thứ đều đại diện cho những hàng hóa tốt nhất từ đế chế Mông Cổ của Đại hãn. Thành Cát Tư Hãn muốn mở lại Con đường tơ lụa sang châu Âu và gợi ý chia sẻ với Muhammad, đồng thời muốn thiết lập nền hòa bình giữa hai đế chế, Muhammad không biết gã mới phất ở phía Đông kia là ai, song cảm thấy hắn thật ngạo mạn khi muốn nói chuyện ngang hàng với mình. Ông ta không đếm xỉa gì đến lời chào mời ấy. Đại hãn thử chào mời lần nữa: Lần này ông gửi một đoàn hàng trăm con lạc đà chất đầy những món quý hiếm nhất đánh cướp được từ Trung Quốc. Tuy nhiên đoàn chưa kịp đi đến với Muhammad thì Inalchik, viên thống đốc vùng giáp ranh Samarkand, đã đánh cướp và giết sứ thần.

Thành Cát Tư Hãn cho rằng Inalchik tự ý hành động không được Muhammad chấp thuận nên gửi đoàn sứ thần thứ ba đến gặp Muhammad kể lại mọi chuyện và đề nghị hợp tác. Lần này chính Muhammad ra lệnh giết sứ thần, hai sứ còn lại bị cạo đầu đánh đuổi về nước – một sự xúc phạm khủng khiếp đối với danh dự người Mông Cổ. Đại hãn gửi cho shah thông điệp: “Ông đã chọn lựa chiến tranh. Điều gì đến phải đến, và kết cục như nào chúng tôi không rõ, chỉ có Trời mới biết.” Năm 1220 Thành Cát Tư Hãn xua quân tiến chiếm thủ phủ của Inalchik, bắt sống hắn rồi sai quân nấu bạc chảy sôi đổ vào mắt và tai.

Sang năm sau, Đại hãn tiến hành một loạt chiến dịch đánh nhanh rút gọn như du kích nhắm vào quân đội hùng mạnh hơn nhiều của shah. Vào thời đó, chiến thuật này hoàn toàn mới – chiến binh Mông Cổ di chuyển cực kỳ nhanh trên lưng tuấn mã, họ lại là những bậc thầy về môn cưỡi ngựa bắn cung. Chẳng bao lâu sau Samarkand bị bao vây phải quy hàng. Muhammad bỏ trốn và qua đời một năm sau đó, toàn thể đế chế rộng lớn bị cày nát. Thành Cát Tư Hãn trở thành chủ nhân duy nhất của Samarkand, của Con đường Tơ lụa và hầu hết Bắc Á.

Diễn giải

Đừng bao giờ cho rằng đối tác yếu hơn ta. Có những người phản ứng chậm khi bị xúc phạm nên khó lường được lòng dạ họ và ta không suy nghĩ gì sau khi lỡ lời xúc phạm. Nhưng sau đó nếu nhận ra rằng lòng tự hào và danh dự bị tổn thương, họ sẽ tấn công bạn thật vũ bão và chớp nhoáng, vì trước đó họ đã chậm nổi giận. Nếu muốn từ chối ai, bạn nên làm một cách lễ phép là lịch sự, ngay cả khi bạn cảm thấy lời đề nghị của họ khá trơ tráo và sự chào mời lại lố bịch. Đừng bao giờ từ chối họ bằng một lời xúc phạm, nhất là khi bạn chưa hiểu rõ về họ. Biết đâu bạn đang đối đãi với một Thành Cát Tư Hãn?

Một mình chống lại Mafia

Khoảng cuối thập niên 1910, những tay bịp bợm tài ba nhất nước Mỹ hợp thành một nhóm lừa đảo ở thành phố Denver bang Colorado. Vào mùa đông họ tràn xuống các bang miền Nam để làm ăn. Năm 1920, một trong những chỉ huy của hội nhóm đó là Joe Furey đang trổ tài ở Texas, gom được hàng trăm ngàn đôla bằng những mánh mung cổ điển. Ở Forth Worth, hắn gặp một con mồi mang tên J. Frank Norflect, chủ một trang trại gia súc rất to. Ông này sụp bẫy. Lóa mắt trước lời hứa hẹn những món tiền khổng lồ, ông ta vét sạch tài khoản ngân hàng được 45.000 đôla và trao cho “tập đoàn” Furey. Vài ngày sau bọn họ trao lại cho Norfleet tiền lời hàng triệu, nhưng khi xem lại mới biết chỉ có vài tờ đôla thật làm mặt, còn bên trong chẻ toàn giấy báo.

Furey từng chơi mánh này hàng trăm lần và nạn nhân mắc cỡ vì quá ngu ngốc nên thường ngậm bồ hòn mà rút kinh nghiệm, chấp nhận tổn thất không dám hé răng. Nhưng Norfleet lại không giống những con mồi ấy. Khi ông đến trình báo tại đồn và cảnh sát trả lời là thủ phạm đã cao bay xa chạy khó mà bắt được, Norfleet khẳng định: “Vậy tôi sẽ đích thân săn đuổi chúng. Tôi quyết chí bắt chúng cho bằng được, cho dù phải bỏ hết cả đời”.

Norfleet giao trang trại lại cho vợ chăm sóc để khởi hành chuyến Tây du, vừa đi vừa dò hỏi cho ra những nạn nhân trước đó. Nhờ vậy ông nhận dạng được một tên bịp đang hành nghề tại một khách sạn ở San Francisco. Ông khóa trái nhốt hắn trong phòng, sau đó hắn tự tử vì không muốn bị bỏ tù lâu năm.

Norfleet tiếp tục, bắt trói tên bịp khác tại Montana, rồi sau đó sang tận Anh Quốc, Canada, và Mexico. Cánh tay phải của Furey là Spencer quá kinh hoàng trước cơn phẫn nộ của Norfleet nên chẳng thà nạp mình cho cảnh sát Canada còn hơn là bị Norfleet ăn thua đủ.

Norfleet bắt Furey tại Florida và đích thân giao hắn cho luật pháp. Nhưng ông ta không dừng ở đó mà tiếp tục truy lùng để nhổ cho tận gốc mớ cỏ dại ấy. Norfleet không chỉ chịu tốn nhiều tiền của để săn đuổi, mà còn hy sinh vài năm đời mình cho đến khi tất cả băng nhóm lừa đảo kia vào tù hết.

Sau 5 năm truy lùng, Norfleet đã đơn thương độc mã triệt hạ băng đảng lớn nhất nước Mỹ. Nỗ lực kiên trì này khiến ông phá sản và đổ vỡ gia đình, nhưng khi nằm xuống, ông mỉm cười mãn nguyện.

Diễn giải

Đa số nạn nhân đều chịu nhục chấp nhận. Họ học được một bài, nhìn nhận rằng không có gì là miễn phí cả và sở dĩ mình bị lừa là vì quá tham lam. Tuy nhiên có loại người không chịu uống thuốc đắng. Thay vì suy nghĩ về lòng tham và nhẹ dạ, họ tự cho mình là nạn nhân vô tội.

Có thể loại người này là hiệp sĩ thập tự chinh chiến đấu tranh cho công lý và nhân nghĩa, song thật ra tâm lý họ cực kỳ bất ổn. Khi lỡ mắc mưu, họ tự hoài nghi cao độ và liều mạng sửa chữa sai lầm. Liệu việc nông trang khánh tận, hôn nhân tan nát, liệu những năm tháng phải đi vay mượn để lưu trú trong khách sạn rẻ tiền có đáng với hành động trả thù chỉ vì mình đã bị lừa? Với những ông Norfleet trên thế giới này, khắc phục được sai lầm, nghĩa là lấy lại sự tự tin thì giá nào cũng rẻ.

Ai cũng có lúc bất an, và thông thường cách tốt nhất để lừa đảo là thao túng sự bất an của nạn nhân. Nhưng trong lĩnh vực quyền lực, mọi thứ đều phải có chừng mực, và những ai có tâm lý bất ổn cao độ hơn phần đông trong xã hội, thì những người ấy rất nguy hiểm. Bạn hãy nhớ: trước khi ra tay lừa đảo, hãy nghiên cứu kỹ con mồi. Nhiều người có cái tôi quá mong manh sẽ không thể nuốt trôi sự xúc phạm nhỏ nhất. Muốn biết mình có đụng phải dạng người như vậy không, bạn thử trắc nghiệm xem, chẳng hạn như câu nói đùa nhẹ nhàng. Người tự tin nghe xong cười xòa, còn nếu kẻ kia đổi sắc mặt thì… bạn nên tìm con mồi khác.

Chờ thời phục hận

Vào thế kỷ VII trước Công nguyên, Trùng Nhĩ chúa nước Tấn (697-628 TCN) bị buộc phải lưu đày. Ông ta sống đạm bạc, thậm chí kham khổ, để chờ thời hồi kinh và nối lại cuộc đời vương giả. Lần nọ khi đi ngang nước Trịnh, chúa nước này không biết ông là ai nên đối xử thô lỗ. Quan nước Trịnh bèn tâu “Người này là bậc vương giả sa cơ, xin chúa công đối xử rộng lượng để ông ta phải chịu ơn.” Nhưng chúa nước Trịnh phớt lờ lời khuyên và xúc phạm Trùng Nhĩ lần nữa. Quan nước Trịnh lại tâu “Nếu chúa công không chịu thu phục Trùng Nhĩ, chẳng thà giết hắn chết ngay để phòng ngừa hậu họa”. Chúa chỉ cười mỉa.

Nhiều năm sau Trùng Nhĩ có cơ hội trở về nước và nắm lại quyền lực. Ông ta nhớ rõ trong thời kỳ lưu vong, ai đã tốt và ai đã bạc đãi mình. Và tất nhiên người ông không thể quên chính là chúa nước Trịnh. Khi vừa có thời cơ, ông dẫn ngay đại quân tiến chiếm và buộc chúa nước Trịnh phải chịu kiếp lưu đày.

Diễn giải

Ta không thể biết chắc người đối diện mình là ai. Người mà hôm nay thân phận còn nhỏ nhoi biết đâu mai sau sẽ nắm quyền lực. Trong đời, ta có thể quên nhiều thứ, nhưng hiếm khi quên lời thóa mạ.

Làm sao chúa nước Trịnh có thể biết rằng Trùng Nhĩ thuộc dạng tham vọng, biết suy tính và tinh quái, một con rắn thù dai? Bạn có thể trả lời rằng không cách nào biết – nhưng đã không biết thì đừng thách thức. Ta chẳng được gì khi xúc phạm người khác một cách không cần thiết. Vừa bị xúc phạm, lại phải ngậm đắng nuốt cay, lúc đó người kia lại càng có vẻ yếu ớt hơn. Hạ nhục được người khác thật hả dạ, song sự hả dạ này thật quá nhỏ nhoi so với mối nguy mai mốt người ta sẽ trả thù.

Vua xe hơi Henry Ford

Năm 1920 là một năm đặc biệt tồi tệ đối với giới buôn tranh ở Mỹ. Những lão khách hàng đại gia lần lượt chết như ruồi, và chưa có nhà triệu phú nào nổi lên để thế chỗ. Tình hình tồi tệ đến mức một số con buôn quan trọng quyết định góp chung tài nguyên lại với nhau, một chuyện chưa bao giờ nghe thấy, bởi vì thông thường giới buôn tranh thương nhau như chó với mèo.

Joseph Duveen là mối lái của những tay tài phiệt lừng lẫy nhất nước Mỹ, vào năm đó còn thất bại nhiều hơn các đồng nghiệp, nên cũng bấm bụng tham gia liên minh vừa kể, quy tụ năm đại gia bự nhất của giới buôn tranh. Quét radar tìm kiếm khách hàng, họ nhất trí rằng hy vọng cuối cùng chính là Henry Ford, vua xe hơi giàu nhất nước Mỹ. Ford chưa phiêu lưu vào thị trường tranh, và là mục tiêu quan trọng đến mức cả bọn năm người đều cảm thấy có ăn khi cùng hợp tác.

Năm người đặt in bộ sách giới thiệu “Một trăm bức tranh tuyệt tác nhất thế giới” (mà do tình cờ nào đó đều thuộc sở hữu của nhóm). Nhóm bỏ ra nhiều tuần công sức để sản xuất bộ sách ba quyển thật đồ sộ, đầy đủ ảnh chụp các bức tuyệt tác, kèm với lời diễn giải học thuật cho mỗi bức. Sau đó họ xin cái hẹn đến tận tư gia để mang biếu cho Ford. Chỉ cần mua trọn bộ tranh này, Ford sẽ trở thành nhà sưu tập lớn nhất thế giới. Đến nhà Henry Ford ở Dearborn tại bang Michigan, cả bọn ngạc nhiên trước sự đơn giản của người giàu nhất nước Mỹ: rõ ràng đây là người hết sức chân chất.

Ford tiếp cả nhóm ở phòng làm việc. Xem xét bộ ca-ta-lô, ông xuýt xoa lý thú và tấm tắc khen ngợi. Nhóm buôn tranh bắt đầu mơ tưởng về hàng triệu đôla sắp sửa chảy vào túi mình. Tuy nhiên khi xem xong, Ford đặt sách xuống và nói: “Thưa các vị, những quyển sách đẹp, với nhiều hình ảnh minh họa tuyệt vời như thế này hẳn phải đắt tiền lắm!”. “Ô nhưng thưa ông Ford,” Duveen kêu lên, “chúng tôi không định mời ông mua những quyển sách này. Chúng tôi chủ ý mang chúng đến cho ông xem hình chụp những bức tranh. Chúng tôi kính biếu ông bộ sách quý này.” Ford có vẻ bối rối: “Ô thưa các vị, các vị thật có lòng, nhưng tôi không biết làm cách nào để nhận một món quà tuyệt đẹp và đắt tiền như thế từ những người tôi chưa được quen”. Duveen giải thích Ford rằng những ảnh chụp trong sách chính là minh họa các bức tranh mà họ mời ông mua. Cuối cùng Ford cũng hiểu ra. “Nhưng thưa các vị,” Ford nói, “tôi cần làm gì những bức tranh đó, trong khi ảnh chụp trong sách lại tuyệt đẹp như thế này?”

Diễn giải

Joseph Duveen từng tự hào rằng mình nghiên cứu trước nạn nhân và khách hàng rất kỹ càng, nhằm phát hiện các nhược điểm và khẩu vị đặc biệt của họ trước khi tiếp xúc. Vì quá nóng ruột nên ông ta bỏ qua chiến thuật này chỉ một lần với Henry Ford. Sau khi phạm sai lầm, phải mấy tháng sau Duveen mới lấy lại được tinh thần và vốn liếng. Ford là loại người chất phác khiêm nhu không đáng cho Duveen bỏ nhiều công sức như vậy. Ford là điển hình của dạng người suy nghĩ giản đơn, trí tưởng tượng không đủ phong phú để bạn lừa đảo. Từ đó về sau, Duveen để dành công sức cho những Mellon và Morgan trên thế giới – những người đủ trình độ thông minh để lọt vào bẫy.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Đánh giá để hiểu được người đối diện, đó là kỹ năng quan trọng nhất để mưu cầu và duy trì quyền lực. Nếu không đánh giá được, xem như ta mù: Ta không chỉ đụng chạm với loại người không nên đụng chạm, mà lại còn chọn sai đối tượng thao tác, chẳng hạn như đang xúc phạm người khác mà ta cứ nghĩ là mình làm đẹp lòng họ. Vì vậy, trước khi hành động bạn nên cân đo đong đếm thật kỹ đối phương. Nếu không bạn sẽ phí thời gian và phạm phải sai lầm. Hãy tìm hiểu nhược điểm của đối phương, khe nứt trong lớp áo giáp, tìm hiểu xem họ thường tự hào hoặc bất ổn về việc gì.

Hai điểm cuối cần lưu ý: Thứ nhất, đừng dựa vào bản năng của mình để đánh giá đối phương, vì bản năng không được chính xác. Không gì có thể sánh được với sự hiểu biết cụ thể. Bạn cứ theo dõi và nghiên cứu đối phương cho dù có phải mất nhiều thời gian, vì về lâu dài sẽ rất đáng công bạn bỏ ra.

Thứ hai, đừng tin vào vẻ bề ngoài. Khẩu phật tâm xà là chuyện dễ làm, còn kẻ ăn nói mạnh bạo lại là tên hèn nhát. Bạn hãy luyện cách nhìn xuyên qua vỏ bọc, đừng tin vào cái vẻ mà người khác muốn phô ra.

Hình ảnh:

Thợ săn. Đối với sói và chồn, thợ săn đặt bẫy khác nhau. Anh ta không đặt ở nơi mà sẽ không có con thú nào ăn. Anh ta biết rất rõ về con mồi, về thói quen và hang ổ, từ đó việc săn bắt mới hiệu quả.

Ý kiến chuyên gia:

Hãy tin là không có loại người nào quá tầm thường, quá hèn mọn, nhưng những người ấy sẽ có lúc lợi ích cho bạn; tuy nhiên nếu bạn đã có lần tỏ vẻ khinh miệt họ thì họ sẽ không giúp bạn. Người ta có thể quên đi những sai lầm, nhưng không bao giờ quên sự miệt thị. Lòng tự trọng của chúng ta sẽ nhớ lấy mãi mãi.

(Lord Chesterfield, 1694-1773)

NGHỊCH ĐẢO

Bạn có thể được lợi ích gì khi mù tịt về người khác? Hoặc bạn phân biệt được giữa sói và cừu, hoặc bạn phải trả giá. Hãy tuân thủ nguyên tắc này đến tận cùng phạm vi của nó; nguyên tắc này không có nghịch đảo, bạn đừng tìm kiếm mất công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.