48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 33: KHÁM PHÁ TỬ HUYỆT CỦA ĐỐI PHƯƠNG



Ai ai cũng có chỗ nhược, thành trì nào cũng có khe hở. Nhược điểm đó thường là sự thiếu tự tin, một cảm xúc hoặc nhu cầu không thể kiểm soát; cũng có thể đó là một thú vui bí mật nho nhỏ. Cho dù đó là gì, một khi phát hiện được thì bạn nên tranh thủ lợi dụng.

TÌM RA TỬ HUYỆT: KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHIẾN LƯỢC

Chúng ta ai ai cũng có khuynh hướng kháng cự. Quanh ta luôn có lớp áo giáp để tự bảo vệ chống lại những thay đổi và tác động xâm nhập của bạn bè và đối thủ. Ngược lại, khi ta muốn xâm nhập người khác và cứ phải húc đầu vào lớp áo giáp ấy, ta sẽ mất nhiều công sức. Một trong những điều quan trọng mà ta nên biết về người khác chính là ai ai cũng có điểm yếu, rằng lớp áo giáp tâm lý có chỗ mỏng te không sức chống chịu. Nếu ta phát hiện và chọc vào đấy thì sẽ điều khiển được đối tượng. Một số người không che đậy điểm yếu, nhưng ngược lại người khác thì ráng ngụy trang. Thành phần thứ hai này thường là những người dễ dàng suy sụp khi bị đánh vào chỗ nhược.

Trong khi trù bị kế hoạch tấn công, bạn ghi nhớ những điểm như sau:

Chú ý những động thái và dấu hiệu bất giác. Sigmund Freud từng nhận xét rằng: “Không con người nào có thể che giấu bí mật. Nếu môi không động đậy, anh ta vẫn nói bằng đầu ngón tay; sự phản bội rỉ ra từ mọi lỗ chân lông.” Đây là một ý niệm cốt yếu khi ta suy tìm điểm yếu của đối phương – vốn lộ ra từ những động thái và lời nói thoáng qua.

Điểm mấu chốt không chỉ là ta tìm điều gì, nhưng mà tìm khi nào và như thế nào. Chuyện phiếm hàng ngày chứa đựng rất nhiều sơ hở, vì vậy ta hãy tập lắng nghe. Thoạt tiên ta làm bộ quan tâm – một cái tai biết thông cảm luôn khuyến khích người khác mở cõi lòng. Chính khách Pháp Talleyrand thường tỏ vẻ quan tâm thông cảm với người đối diện, hoặc chia sẻ một bí mật với họ. Thái độ này là giả vờ hay thật tâm cũng không quan trọng, mà quan trọng là ta phải làm cho người kia tin rằng nó xuất phát tận đáy lòng. Thường khi ta sẽ nhận được sự hưởng ứng thẳng thắn và chân thật hơn thái độ của ta – sự hưởng ứng để lộ ra điểm yếu.

Nếu nghi ngờ ai đó có nhược điểm đặc biệt, ta hãy gián tiếp thử nghiệm. Chẳng hạn nếu cảm giác rằng gã kia có nhu cầu được tán tụng, ta hãy công khai thỏa mãn nhu cầu ấy. Nếu hắn uống tất cả những lời nịnh hót thì xem như ta đi đúng đường. Hãy tập cặp mắt thật nhạy bén, xem người kia cho tiền “boa” người hầu bàn như thế nào, điều gì làm hắn thích chí, việc ăn mặc của hắn nói lên điều gì. Tìm hiểu xem họ ngưỡng mộ ai, tôn thờ điều gì, sẵn sàng sở hữu vật nào bằng mọi giá – có khả năng ta sẽ đứng ra cung ứng những thứ vừa kể. Hãy nhớ rằng ai ai cũng cố giấu kín điểm yếu nên những hành động có ý thức sẽ không cung cấp nhiều thông tin. Những gì ứa ra từ những điều nho nhỏ nằm ngoài tầm kiểm soát sẽ là nguồn thông tin quý báu.

Phát hiện đứa trẻ bất lực. Hầu hết nhược điểm đều bắt nguồn từ thời trẻ thơ, trước khi cái tôi đã hoàn chỉnh hệ phòng vệ bù trừ. Có thể đứa trẻ được cưng yêu chiều chuộng nhất ở một lĩnh vực đặc biệt nào đó, hoặc biết đâu một nhu cầu tình cảm không được toại nguyện. Khi đứa trẻ lớn lên, sự cưng chiều hoặc thiếu hụt ấy có thể bị chôn vùi những không bao giờ biến mất. Khám phá ra những nhu cầu tuổi ấu thơ, ta sẽ có được chìa khóa quý báu để mở cánh cửa nhược điểm của một con người.

Một dấu hiệu của nhược điểm ấy là khi ta chọc trúng, thường khi đối tượng phản ứng như trẻ con. Vì vậy ta hãy chú ý đến mọi phản ứng không thích hợp với lứa tuổi đó. Nếu nạn nhân hoặc đối thủ lớn lên mà thiếu mất một yếu tố quan trọng, chẳng hạn như tình thương cha mẹ, ta hãy cung cấp chỗ tựa ấy, hoặc giả điều gì tương tự. Nếu họ tiết lộ một sở thích bí mật, một thú vui kín đáo, ta cứ chiều. Như vậy họ sẽ không còn cưỡng lại ta.

Để ý những tương phản. Một nét tính tình được người ta phô bày thường che giấu nét ngược lại. Người hay vỗ ngực xưng tên lại thường rất hèn nhát; bề ngoài đoan trang có thể che giấu tâm hồn phóng dật; kẻ nguyên tắc lại vờ đòi hỏi xé rào; người cả thẹn lại thèm được mọi người để ý đến chết đi được. Cứ thử xuyên qua vẻ bề ngoài đó rồi, ta sẽ thấy rằng nhược điểm của thiên hạ thường ngược lại với những gì họ phô ra.

Tìm ra mắt xích yếu nhất. Đôi khi trong lúc suy tìm điểm yếu, điều quan trọng không phải là điểm nào, mà người nào. Nếu nhìn vào hình thức một “triều đình” của thời nay, ta có thể đoán biết có kẻ ẩn mặt phía sau sân khấu nhưng lại nắm nhiều quyền lực, có ảnh tưởng to tát đối với người đóng vai bù nhìn. Chính bọn ẩn mặt này là mắt xích yếu nhất của dây chuyền, nghĩa là cứ lấy lòng họ và ta sẽ gián tiếp tác động đến nhà vua. Với trường hợp một nhóm người hành động như một thể thống nhất – hoặc một nhóm siết chặt hàng ngũ khi bị tấn công – vẫn luôn có mắt xích yếu nhất trong dây chuyền. Ta cố tìm người nào dễ khuất phục khi bị áp lực.

Lấp đầy chỗ trống. Tâm hồn có hai khoảng trống chủ yếu cần lấp đầy là sự thiếu tự tin và u buồn. Người thiếu tự tin luôn khao khát bất kỳ hình thức công nhận nào của xã hội. Với kẻ u buồn triền miên, ta suy tìm xem gốc rễ của tâm trạng ấy là gì. Người thiếu tự tin và kẻ u sầu là thành phần ít khả năng che dấu điểm yếu của mình nhất. Biết lấp đầy những khoảng trống ấy, ta sẽ nắm nguồn quyền lực, loại nguồn có thể khai thác lâu dài.

Lợi dụng những cảm xúc không thể khống chế. Cảm xúc bất khả khống chế có thể là nỗi sợ hãi hoang tưởng – loại sợ hãi quá lố so với tình hình – hoặc bất kỳ động cơ căn bản nào chẳng hạn như dục lạc, tham lam, ngạo mạn hay đố kỵ. Đối tượng nào lọt vào vòng này rồi liền mất khả năng lâm chủ bản thân và ta nên ra tay làm chủ giúp.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Hồng y Richelieu

Vào năm 1615 vị giám mục 30 tuổi của giáo phận Lucon mà sau này được gọi là Hồng y Richelieu đọc bài phát biểu trước ba giai cấp của nước Pháp – giáo sĩ, quý tộc và thứ dân. Richelieu được chọn làm người phát ngôn cho giáo hội – một trách nhiệm lớn lao đối với một người còn quá trẻ và chưa được biết tới. Với mọi vấn đề quan trọng trong ngày, bài phát biểu y theo đường lối của Giáo hội. Nhưng đến gần cuối, Richelieu làm một việc không liên quan gì với Giáo hội nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp ông ta. Ông quay về phía ngai vàng nơi đức vua 15 tuổi Louis XIII đang tọa ngự, nhìn Nhiếp chính Hoàng thái hậu Marie de Médici ngồi cạnh bên. Ai ai cũng nghĩ là Richelieu sẽ tung hô đức vua như thường lệ. Nhưng không, ông nhìn chằm chằm và chỉ nhìn hoàng thái hậu, và bài diễn văn kết thúc bằng một đoạn thật dài ca ngợi Hoàng thái hậu tận mây xanh, ca ngợi thái quá đến độ đụng chạm vài vị giáo sĩ cấp cao. Nhưng nụ cười mỉm trên gương mặt Hoàng thái hậu khi tiếp thu những lời tán tụng ấy thật không thể nào quên được.

Một năm sau, bà chỉ định Richelieu làm quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại, một cú lên hương mà vị giám mục trẻ không thể tin nổi. Giờ đây ông đã bước vào vòng trong của quyền lực, và bắt đầu nghiên cứu guồng máy triều đình tỉ mỉ như cơ chế đồng hồ. Một người Italia mang tên Concino Concini được hoàng thái hậu sủng ái, nói đúng hơn hắn là người tình của bà nên có lẽ hắn là người quyền lực nhất nước Pháp. Concini là tay công tử bột rỗng tuếch, nhưng Richelieu chăm lo hắn thật tận tụy, cúc cung như thể hắn là nhà vua. Không lâu sau Richelieu trở thành sủng thần của Concini. Nhưng trong năm 1617 đó xảy ra những sự kiện làm đảo lộn mọi thứ: Nhà vua trẻ, cho đến nay vẫn được xem là gã khờ đột ngột ra lệnh hành quyết Concini và tống giam tất cả đồng bọn. Như thế nhà vua đã nắm quyền kiểm soát đất nước và đẩy Hoàng thái hậu sang một bên.

Liệu Richelieu đã dự trù sai nước cờ? Trong khi mọi người bắt đầu lánh xa hoàng thái hậu, ông vẫn đứng về phe bà. Ông biết Louis XIII không dám triệt tiêu mẹ vì lúc ấy vua hãy còn quá trẻ và trước nay từng quá lệ thuộc mẹ. Ông tiếp tục ẩn nhẫn làm người liên lạc nhỏ bé giữa đức vua và hoàng thái hậu. Đến năm 1622, nhờ những liên minh hùng mạnh với La Mã, hoàng thái hậu phục hồi uy lực, và Richelieu được thụ phong hồng y.

Giờ đây tuy đã lên ngôi vua và không cần mẹ làm nhiếp chính, song Louis XIII vẫn rất non nớt và luôn hỏi ý kiến mẹ đối với những vấn đề quan trọng. Khi quyền lực trong triều đã bị Richelieu gom thu, Louis cảm thấy bị cô lập và chỉ còn cách duy nhất là phục tùng đức hồng y. Nghe lời mẹ, vua phong Richelieu hai chức thủ tướng và cố vấn tối cao.

Bây giờ thì Richelieu không còn cần đến hoàng thái hậu nữa. Ông không màng viếng thăm và tung hô nữa, không còn nghe ý kiến của bà, thậm chí cãi lý và làm trái lại ý bà. Ông tập trung vào nhà vua, làm cho vua cảm thấy không thể sống một ngày thiếu ông được. Richelieu lập ra nhiều kế hoạch to tát, chẳng hạn như tiến công bọn Huguenot và cuối cùng là tuyên chiến với Tây Ban Nha. Quy mô rộng lớn của các chiến dịch ấy lại càng khiến Louis lệ thuộc vào Richelieu, người duy nhất có khả năng giữ vững trật tự trong vương quốc. Vì vậy suốt 18 năm sau đó, Richelieu tiếp tục khai thác thế yếu của vua, trị vì và định hình nước Pháp theo ý mình.

Diễn giải

Dưới nhãn quan của Richelieu, mọi thứ giống như chiến dịch quân sự, và với ông, bước hành quân chiến lược quan trọng nhất là phát hiện ra điểm yếu của đối phương để chọc mạnh vào. Từ rất sớm, ông luôn tìm mắt xích yếu nhất và đó chính là hoàng thái hậu. Ở bề ngoài thì Marie không hề yếu ớt – bà cai quản cả cậu con và nước Pháp. Nhưng Richelieu biết rằng bà chỉ là một phụ nữ thiếu tự tin, luôn cần sự chăm sóc của phái nam. Ông liền phô diễn tất cả tình cảm kính mến, thậm chí nịnh hót tình nhân Concini của bà. Ông nhìn nhận sẽ có ngày Louis nắm lại hết quyền bính, nhưng đồng thời ông biết nhà vua rất kính ái mẫu thân, và sẽ luôn là đứa trẻ đối với bà. Vì vậy muốn điều khiển được Louis, ông không chọn cách tranh thủ sự chiếu cố, vốn có thể thay đổi đầu hôm sớm mai, mà phải tác động đến hoàng thái hậu.

Một khi đã đạt được vị trí cần có – thủ tướng – Richelieu liền hất chân hoàng thái hậu để tập trung vào mắt xích yếu tiếp theo: tính cách của nhà vua. Trong vua luôn tồn tại một phần tâm lý của đứa trẻ bất lực cần được bảo hộ bởi một quyền lực cao hơn. Richeulieu đã thiết lập quyền lực và thanh danh trên nền tảng nhược điểm của nhà vua.

Bạn luôn nhớ rằng khi vừa bước vào một triều đình nào đó, thì hãy phát hiện ngay mắt xích yếu nhất. Người có vẻ nắm quyền lại ít khi nào là vua, mà kẻ nào khác sau bức màn nhung – có thể đó là tên hề của buổi chầu, vị sủng thần hay viên thái giám. Có khả năng nhân vật này còn nhiều nhược điểm hơn cả nhà vua, vì quyền lực của hắn tùy thuộc đủ loại yếu tố thất thường mà hắn không thể kiểm soát.

Cuối cùng, khi đối mặt với loại nhân vật trẻ con bất lực không biết phải quyết định ra sao, ta hãy thao túng điểm yếu đó để xui hắn có những quyết định táo bạo. Như vậy hắn sẽ lại còn lệ thuộc ta nhiều hơn, vì ta là một “người lớn” mà họ có thể nương tựa.

Nhân bản giấy bạc

Tháng 12 năm 1925, tân khách tại khách sạn sang trọng nhất khu Palm Beach bang Florida tò mò quan sát một gã đàn ông đi xe Rolls Royce do một tài xế người Nhật lái. Gã đẹp trai này rất lịch lãm phong lưu, liên tục nhận điện tín. Họ nghe đồn đó là Bá tước Victor Lustig, xuất thân từ một trong những gia tộc giàu có nhất châu Âu – nhưng đó là những thông tin duy nhất mà họ có được.

Vì vậy mà ta tưởng tượng là họ ngạc nhiên xiết bao khi ngày kia Lustig đi thẳng đến gặp một trong những vị khách tầm thường nhất khách sạn, người tên là Herman Loller, giám đốc một công ty công trình. Loller mới phất lên gần đây cho nên rất cần phát triển những mối quan hệ xã hội. Ông ta cảm thấy được vinh dự và ít nhiều e dè khi được Lustig chủ động đến làm quen. Chỉ vài ngày sau là họ đã là bạn bè với nhau.

Loller tất nhiên tâm sự rất nhiều và đêm kia ông thú nhận rằng việc làm ăn cũng không mấy sáng sủa, trước mắt chỉ toàn rắc rối. Lustig bảo là mình cũng gặp vấn đề về tài chính – bọn Cộng sản đã tịch thu hết địa ốc của gia đình cùng với tài sản riêng của ông. Hiện giờ ông đã quá tuổi để bắt đầu ngành kinh doanh mới hoặc để đi làm kiếm tiền. May thay Lustig tìm ra được giải pháp, đó là một “máy sản xuất tiền”.

“Ông làm tiền giả sao?” Loller e sợ thì thầm.

Không, Lustig giải thích rằng qua một tiến trình hóa học bí mật, cái máy đó có thể nhân bản bất kỳ loại tiền giấy nào với độ chính xác tuyệt đối. Chỉ cần cho vào một tờ đô la thì sáu giờ đồng hồ sau bạn được hai tờ giống nhau y chang. Ông kể lại cách đưa lậu cái máy đó ra khỏi châu Âu, cách bọn Đức Quốc Xã đã triển khai cái máy để làm xói mòn nền kinh tế Anh Quốc, và gần nhất là ông đã nhờ nó để sống khỏe vài năm gần đây, vân vân. Khi Loller đòi xem biểu diễn thử, hai người liền vào phòng của Lustig, và vị bá tước mang ra một cái hộp gụ tuyệt đẹp có nhiều rãnh, có gắn tay quay và mặt số đồng hồ. Loller quan sát Lustig cho vào khe một tờ đôla. Sáng hôm sau Lustig rút ra hai tờ hãy còn ẩm hóa chất.

Lustig đưa hai tờ giấy bạc cho Loller mang ra ngân hàng địa phương, và ngân hàng thản nhiên chấp nhận chúng. Đến đây thì Loller hết lời năn nỉ mua lại chiếc máy này. Bá tước nhấn mạnh là trên đời chỉ có một chiếc duy nhất, nên nhà doanh nghiệp liền ra giá 25.000 USD (tương đương 400.000 hiện nay). Đến mức đó mà Lustig vẫn tỏ vẻ miễn cưỡng, thú nhận rằng ông mắc cỡ khi giữa bạn bè với nhau mà nói chuyện tiền bạc. Rốt cuộc thì Loller nài nỉ quá, ông ưng thuận: “Nói cho cùng thì anh cũng chẳng mất đi đâu. Chỉ trong vài ngày là anh thu hồi lại được số tiền đã trao cho tôi, bằng cách in thêm những tờ giấy bạc.” Buộc Loller thề độc là không bao giờ tiết lộ sự hiện diện của chiếc máy cho bất kỳ ai, Lustig mới nhận tiền. Chỉ nội trong ngày ông trả phòng khách sạn.

Diễn giải

Bá tước Lustig có mắt tinh đời phát hiện những điểm yếu của thiên hạ. Mọi động thái nhỏ nhất cũng không thoát khỏi mắt ông ta. Chẳng hạn như ông thấy Loller cho người hầu bàn tiền “boa” quá hậu hĩnh, hùng hồn chuyện vãn với viên quản lý, rồi oang oang về chuyện làm ăn của mình. Qua đó Lustig biết Loller cần sự nhìn nhận của xã hội, cần người khác tôn trọng mình vì mình giàu có. Ngoài ra tay này còn thường xuyên thiếu tự tin. Lustig chủ động đến khách sạn để săn mồi. Ông phát hiện Loller là gã thơ ngây lý tưởng, một người khao khát tìm được ai đó để thỏa nỗi trống vắng tâm lý.

Lustig biết rằng khi kết bạn với Loller thì Loller lập tức được người khác kính trọng theo. Với tư cách là một bá tước, Lustig cũng đưa doanh nhân mới phất này vào thế giới lung linh của sự hưng vượng một thời vang bóng. Và phát súng ân huệ chính là cái máy có thể cứu vãn thế nguy nan của Loller, thậm chí đưa ông ta lên ngang hàng với Lustig, vì bản thân Lustig cũng phải nhờ đến cái máy ấy để duy trì địa vị.

Khi tìm kiếm đối tượng cả tin, bạn hãy chú ý những người bất mãn, bất hạnh, bất an. Dạng người như vậy rất nhiều điểm yếu, nhiều nhu cầu để bạn thỏa.

* Phi đội mỹ nhân

Năm 1559, Vua François nước Pháp tử thương trong một trận đấu hữu nghị. Người con trai kế vị lấy vương hiệu François II, nhưng thật ra người đứng sau rèm nhiếp chính lại là Hoàng Thái hậu Catherine de Médici, từ lâu đã chứng tỏ tài năng chính sự. Năm sau khi François II băng hà, em trai là Charles IX mới lên mời nên Catherine tiếp tục nắm quyền.

Mối đe dọa quyền lực của Catherine xuất phát từ Antoine de Bourbon, vua xứ Navarre, và người em Louis, vương tử xứ Condé, vì cả hai đều có khả năng đòi quyền nhiếp chính thay cho Catherine, bởi lẽ Hoàng Thái hậu là người Italia. Catherine nhanh chóng bổ nhiệm Antoine làm phó toàn quyền của cả vương triều, một tước vị có vẻ thỏa mãn tham vọng của ông ta. Cũng có nghĩa là ông ta thường xuyên có mặt trong triều, nhờ vậy Catherine dễ bề theo dõi.

Hành động thứ hai của Catherine còn khôn ngoan hơn: Antoine nổi tiếng dại gái, vì vậy Catherine cáp ngay cô hầu đẹp nhất, Louise de Rouet, cho ông ta. Trở thành người đầu ấp, tay gối của Antoine, Louise báo cáo nhất cử nhất động của Antoine cho Catherine. Nước cờ này thành công đến nỗi Catherine tìm một mỹ nữ khác ghép cho Vương tử Condé, từ đó hình thành nhóm escadron volant (phi đội) khét tiếng, chuyên mê hoặc những con dê khả nghi để dễ bề kiểm soát.

Năm 1572, Catherine gả con gái là Marguerite de Valois cho Henri, con của Antoine, đồng thời là tân vương xứ Navarre. Gia đình Bourbon này trước nay luôn đấu tranh với bà, do đó rất nguy hiểm khi đặt họ gần miếng mồi quyền lực như thế. Vì vậy ngay sau đó bà lập tức biệt phái thành viên cao tay ấn nhất của phi đội theo mê hoặc Henri: Charlotte de Beaune Semblançay, nữ nam tước xứ Sauves. Chỉ ít lâu sau, nhật ký của tân nhân Marguerite de Valois đã xuất hiện dòng: “Madame de Sauves đã làm chồng tôi chết mê chết mệt đến nỗi chúng tôi không còn ngủ chung, thậm chí cũng không nói chuyện với nhau.”

Charlotte hết sức tài ba nên giữ được Henri dưới quyền kiểm soát của Catherine. Khi người con trai út của hoàng thái hậu là Công tước xứ Alençon trưởng thành và có khuynh hướng thân cận với Henri, và sợ cả hai âm mưu chống mình nên lệnh cho Charlotte kiêm luôn anh trai tơ mới lớn này. Charlotte bản lĩnh đến nỗi anh ta mê như điếu và muốn độc quyền với nàng, từ đó xung đột với Henri khiến cho tình bạn tan vỡ, và tan vỡ theo là mọi rủi ro mưu lược.

Diễn giải

Catherine đã chứng kiến tác động của một tình nhân đối với người đàn ông quyền lực: Chính chồng nàng, Henri II, đã thương yêu vương phi Diance de Poitiers mê mệt. Từ kinh nghiệm đó, Catherine biết rằng một người đàn ông như Henri muốn cảm thấy mình chinh phục được trái tim người phụ nữ là nhờ những tính chất đàn ông chứ không phải bằng quyền cao chức trọng. Và cái huyệt tử lại ẩn trong nhu cầu đó: Nếu người phụ nữ đóng trọn vai người bị chinh phục thì gã gà tồ kia sẽ mất cảnh giác, không ngờ rằng dần dà mình bị người tình điều khiển, như Diane đã điều khiển Henri.

Nhờ thuộc lòng bài học đó, Catherine đã biết cách chuyển điểm yếu thành thế mạnh, dùng nó làm phương tiện chinh phục bọn đàn ông: Catherine sẽ tháo lồng cho “phi đội” lên đường mê hoặc những ông nào có cùng nhược điểm như chồng bà.

Bạn để ý tìm những lực đam mê và ám ảnh mà con người khó kiểm soát. Đam mê càng lớn thì đối tượng càng dễ bị tổn thương. Điều này mới nghe qua rất lạ, vì những người đam mê thường có vẻ mạnh mẽ. Thật ra họ chỉ đóng kịch, đánh lạc hướng không cho thiên hạ thấy điểm yếu. Từ ngàn xưa, chính cái nhu cầu chinh phục phụ nữ đã hé lộ điểm yếu của đàn ông và khiến họ trở thành khờ khạo. Bạn hãy tìm nhược điểm nổi bật nhất của họ – lòng tham, dục lạc, sợ hãi. Đó là những loại tình cảm mà họ khó che đậy, và ít khả năng kiểm soát. Và điều gì mà thiên hạ không kiểm soát được thì bạn kiểm soát giùm.

* Arabella Huntington muốn được nhìn nhận

Arabella, vợ của nhà tài phiệt ngành đường sắt Collis Huntington, xuất thân từ tầng lớp bình dân và luôn chòi đạp vươn lên để được giới thượng lưu công nhận. Khi bà mở dạ tiệc tiếp tân tại tư gia nằm trong khu sang trọng của San Francisco, thành phần thượng lưu và ưu tú ấy ít khi nào đến dự. Đa số họ nghĩ rằng bà chỉ là thứ làm giàu nhờ đào vàng, chứ không cùng đẳng cấp với họ. Nhìn vào của cải kếch sù của chồng bà, các nhà buôn tranh cũng chịu khó đối xử lịch sự với bà, song họ cũng không giấu được sự trịch thượng đối với thứ nhà giàu mới phất. Trong số này chỉ có một người đối xử khác hẳn: Joseph Duveen.

Trong vài năm đầu lui tới nhà bà, Duveen không gạ bán các tác phẩm đắt tiền. Ngược lại hắn sẵn sàng hướng dẫn bà đến những cửa hàng sang trọng, nói chuyện huyên thuyên về những ông hoàng bà chúa mà hắn quen biết, và vân vân. Arabella nghĩ rằng cuối cùng rồi cũng có người xem mình là bình đẳng, thậm chí là kẻ bề trên trong giới thượng lưu này.

Nhưng trong khi không gạ bán tranh, Duveen lại tinh vi uốn nắn bà theo phong cách và khẩu vị nghệ thuật mà hắn muốn – chẳng hạn như tranh đẹp nhất tức là tranh cao giá nhất. Sau khi Arabella đã chịu ảnh hưởng sâu đậm, Duveen lại xử sự như thể trước nay cái gu nghệ thuật của bà luôn là số một.

Khi Collis Huntington qua đời vào năm 1900, tất nhiên Arabella thừa hưởng tất cả gia tài. Bà bắt đầu mua thật nhiều tranh quý, và chỉ mua của Duveen. Nhiều năm sau đó, hắn bán cho bà bức Blue Boy của Gainborough với giá kỷ lục, và càng kỷ lục hơn với một gia đình trước nay chưa hề quan tâm đến việc sưu tập tranh.

Diễn giải

Với con mắt tinh đời, Joseph Duveen hiểu ngay con người của Arabella và biết búng vào sợi dây nào: Bà ta muốn được xem là kẻ quan trọng, cả trong nhà và ngoài phố. Luôn mặc cảm về xuất xứ, bà ta cần sự nhìn nhận của tầng lớp mà mình mới vươn tới. Duveen kiên nhẫn chờ đợi. Thay vì nôn nóng nhào vô thuyết phục bà mua tranh, hắn tác động tinh tế đến tử huyệt của bà. Hắn làm cho bà cảm thấy rằng mình được sự quan tâm của gã chơi tranh này không phải vì bà là vợ của tay tài phiệt, mà nhờ vào đặc điểm riêng – và chính điều này đã làm bà xiêu lòng. Duveen chưa bao giờ đối xử với Arabella theo kiểu hạ mình hay chiếu cố. Thay vì giảng giải như thầy với trò, hắn gián tiếp để cho mưa lâu thấm đất. Kết quả là bà trở thành một trong những khách hàng sộp nhất.

Thiên hạ có nhu cầu được nhìn nhận, được khẳng định, được người chung quanh thấy mình quan trọng, đó là loại tử huyệt cho ta ấn vào. Lý do thứ nhất là vì nhu cầu này gần như là phổ biến khắp thế giới, thứ hai là vì quá dễ tác động. Tất cả những gì ta cần làm là khiến cho mọi đối tượng cảm thấy họ có lý về phong cách hay khẩu vị, họ thông minh hơn, hoặc vị trí xã hội ngon lành hơn người khác. Khi cá đã cắn câu rồi thì ta có thể rê nhấp nhiều lần, năm này qua tháng khác – ta đang đóng một vai trò tích cực, mang đến cho họ những gì họ không tự có được. Họ không ngờ là ta đang quay họ như dế, mà cho dù có biết đi nữa thì họ cũng không màng, bởi vì nhờ ta mà họ cảm thấy tự tin, an tâm, và họ sẽ bằng lòng về cái giá phải trả.

* Tử huyệt của vua

Năm 1862 Bismarck được Vua William nước Phổ phong chức thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ông ta nổi tiếng táo bạo, tham vọng và quan tâm sâu sắc đến việc củng cố tăng cường sức mạnh quân đội. Hành động bổ nhiệm này khá nguy đối với nhà vua, bởi vì trong chính phủ và nội các có rất đông thành phần theo khuynh hướng tự do vốn là những chính khách trước nay luôn muốn hạn chế quyền lực của nhà vua. Trước nay Hoàng hậu Augusta luôn buộc vua phải phục tùng, và bà ngăn cản việc bổ nhiệm Bismarck, song lần này William kiên quyết bảo vệ ý kiến.

Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, Bismarck có bài phát biểu ngẫu hững với khoảng một tá bộ trưởng để thuyết phục họ tăng cường quân số. Ông kết thúc bằng lý luận: “Những vấn đề quan trọng của thời đại sẽ được quyết định, không phải bằng bài diễn văn và nghị quyết của đa số, mà bằng sắt và máu.”

Bài phát biểu trên được lan truyền khắp nước Đức. Hoàng hậu hét toáng với nhà vua rằng Bismarck chỉ là tên quân phiệt man rợ định nắm quyền kiểm soát nước Phổ, và buộc nhà vua phải cách chức hắn. Nhóm tự do trong chính phủ cũng theo phe Hoàng hậu. Họ phản đối kịch liệt đến mức William sợ phải kết liễu cuộc đời trên đoạn đầu đài như Louis XVI, nếu cứ khư khư để cho Bismarck làm thủ tướng.

Bismarck biết mình phải lập tức tác động nhà vua. Ông cũng hiểu là mình đã quá đà dùng lời đao to búa lớn. Tuy nhiên khi suy tính chiến lược, ông quyết định không nhận lỗi và phải làm điều ngược lại. Bismarck hiểu nhà vua rất rõ.

Khi hai người gặp nhau, y như rằng William đã bị hoàng hậu làm cho rối lòng. Ông nhắc lại nỗi lo sợ bị hành quyết. Nghe xong, Bismarck bình tĩnh đáp: “Vâng, nếu như thế thì chúng ta sẽ chết! Trước sau gì chúng ta cũng phải chết, và liệu có cái chết nào hào hùng hơn không? Tôi sẽ chết trong khi đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của đức vua, của chủ nhân tôi. Bệ hạ sẽ chết khi dùng máu của chính mình để chứng thực những quyền lực hoàng gia mà Thượng đế đã ban tặng. Cho dù trên đoạn đầu đài hay ngoài chiến trận cũng không có gì khác, khi ta hiến dâng thân thể và sinh mệnh vì những quyền lực mà Thượng đế đã ban tặng!” Và Bismarck cứ tiếp tục như thế, nhấn mạnh đến ý thức về danh dự và uy phong khi William lãnh đạo quân đội. Làm sao mà nhà vua có thể để cho bọn họ xô đẩy hoài mình như vậy? Liệu danh dự của nước Đức không quan trọng hơn việc hơn thua bằng lời qua tiếng lại?

Bismarck không chỉ khuyên vua kháng lại ý kiến của hoàng hậu và nghị viện, ông còn thuyết phục ngài tăng cường quân lực, vốn là mục tiêu tối hậu của ông ta.

Diễn giải

Bismarck biết rằng vua cảm thấy bị mọi người xung quanh thúc ép. Ông biết vua đã qua quá trình đào tạo về quân sự và có ý thức sâu sắc về danh dự, do đó cảm thấy xấu hổ khi yếu đuối trước áp lực của vợ và chính phủ. William luôn thầm mong trở thành một vị vua hùng mạnh và vĩ đại nhưng lại không dám biểu lộ vì sợ kết liễu cuộc đời theo kiểu Louis XVI. Trong khi một người bình thường vẫn làm hùm làm hổ để che giấu sự hèn nhát, ngược lại sự rụt rè của William lại che đậy những nhu cầu vỗ ngực xưng hùng.

Bismarck biết rằng đằng sau cái vẻ bề ngoài yêu hòa bình ấy, William rất khao khát vinh quang, vì vậy ông ta đánh ngay vào tử huyệt: Tác động đến sự thiếu tự tin về tính đàn ông, để cuối cùng đẩy nhà vua vào ba cuộc chiến liên tiếp và việc tạo lập đế chế Đức.

Tính nhút nhát là nhược điểm tiềm năng cho ta khai thác. Những tâm hồn yếu đuối thường khao khát trở thành điều hoàn toàn ngược lại – trở thành những Napoléon. Nhưng họ lại thiếu nghị lực nội tại. Ta có thể trở thành “cái Napoléon” của họ, giục họ thực thi những hành động táo bạo nào phục vụ mục tiêu của ta, trong khi làm cho họ lệ thuộc ta.

Điều bạn cần ghi nhớ là: Đừng tin vào vẻ bề ngoài, mà hãy suy tìm điều ngược lại.

Hình ảnh:

Đinh ốc cánh bướm. Kẻ thù của bạn có những bí mật mà hắn tưởng giữ riêng mình. Nhưng những bí mật ấy sẽ lộ ra bằng cách nào hắn không rõ. Đâu đó có một cái khía như trên đầu đinh ốc, đó chính là điểm yếu trong tâm hồn hay trên cơ thể hắn. Khi tìm ra được khía đó rồi, bạn chỉ việc cho móng tay vào vặn là tùy ý điều khiển hắn.

Ý kiến chuyên gia:

Hãy suy tìm con ốc cánh bướm của mỗi người. Đó là nghệ thuật thúc đẩy lòng họ hành động. Nghệ thuật này cần nhiều tài ba hơn là tính cương quyết. Với từng người, ta phải biết tác động vào chỗ nào. Mỗi lựa chọn đều có một động cơ đặc biệt thay đổi tùy theo sở thích. Ai ai cũng đều là người sùng bài, kẻ thì sùng bái tư lợi, người lại đặc biệt háo danh, đa phần ham mê dục lạc. Tài ba ở chỗ phát hiện ra đối tượng sùng bái để thao túng chúng. Biết được động cơ chủ đạo của mỗi người, xem như ta nắm được chìa khóa xoay chuyển quyết tâm của người ấy.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Thao túng nhược điểm của người khác luôn tiềm tàng một mối nguy: Ta có thể gây ra một hành động không thể chống chế nổi.

Trong trò chơi quyền lực, ta luôn trù tính trước nhiều bước và lên kế hoạch thích hợp. Thiên hạ dễ bị cảm xúc tác động và không có khả năng trù tính như ta, và đó là điều để cho ta khai thác. Nhưng khi thao túng nhược điểm của họ, nghĩa là lĩnh vực mà họ ít có khả năng làm chủ nhất, coi chừng ta sẽ làm bộc phát những loại cảm xúc khả dĩ làm đảo lộn mọi kế hoạch. Thuyết phục người khác hành động táo bạo, coi chừng họ đi quá xa; thỏa mãn nhu cầu được quan tâm và nhìn nhận, họ có thể đòi hỏi nhiều hơn mức ta muốn thỏa. Nhân tố trẻ con bất lực có thể quật ngược lại ta.

Nhược điểm càng đậm đà cảm xúc thì nguy hiểm tiềm tàng càng to lớn. Vậy bạn hãy ý thức giới hạn của trò này và đừng bao giờ bị lôi cuốn bởi hành động giật dây kẻ khác. Bạn mưu cầu quyền lực, chứ không mưu cầu men say điều khiển thiên hạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.