48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 20: ĐỪNG DẤN THÂN VỚI PHE NÀO CẢ



Chỉ có người dại dột mới nhanh nhảu kết bè tạo phái. Đừng dấn thân với bất kỳ phe nào hoặc “đại nghĩa” nào, ngoại trừ phe của chính bạn. Giữ vững được độc lập ta sẽ đứng trên các phe khác – làm cho họ đối đầu với nhau và tìm cách tranh thủ ta.

PHẦN I:

KHÔNG DẤN THÂN VỚI PHE NÀO, ĐỂ CHO CÁC PHE VE VÃN MÌNH

Nếu để cho người khác có cảm giác rằng ta ít nhiều thuộc về họ, thì ta sẽ mất thế thượng phong đối với họ. Đừng đặt tình cảm vào họ, rồi họ sẽ cố gắng lấy lòng ta. Cứ giữ tư thế độc lập, sức mạnh của ta sẽ được tăng cường bởi họ muốn lôi kéo ta về phe, vì vậy họ phải ve vãn ta. Hãy đóng vai Virgin Queen (Nữ hoàng Trinh nguyên): cho họ khát khao, đừng cho thỏa mãn.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi trị vì nước Anh vào năm 1558, mọi người cứ rùm beng về việc tìm cho nữ hoàng một tấm chồng. Vấn đề được Nghị viện luận bàn chính thức, và mọi tầng lớp dân chúng ở Anh cũng tranh cãi về việc này. Tuy chưa thống nhất được xem ai xứng đáng làm chồng nữ hoàng, song mọi người đều nhất trí là nữ hoàng phải có chồng càng sớm càng tốt, bởi vì hậu tất phải có vua và tất phải có con nối dõi. Bàn bạc tranh cãi như thế suốt nhiều năm. Nhiều vị độc thân đẹp trai và xứng đáng nhất đều mong mỏi lọt vào mắt xanh nữ hoàng – Sir Robert Dudley, Bá tước xứ Essex, Sir Walter Raleigh. Nữ hoàng không ngăn cản họ đến, nhưng hình như cũng không lấy gì làm khẩn trương, tha hồ để mọi người đoán già đoán non xem ai là người trong mộng. Năm 1566, Nghị viện cử phái đoàn đến giục nữ hoàng sớm lập gia đình trước khi quá tuổi sinh nở. Nữ hoàng không cãi, không bác bỏ ý kiến phái đoàn, nhưng nàng vẫn giữ nguyên tình trạng trinh nữ.

Cái trò tinh tế của Elizabeth đối với những người theo đuổi dần dần khiến mọi người tưởng tượng đủ thứ khoái lạc tính dục, hoặc biến nữ hoàng trở thành đối tượng để tôn thờ. Quan ngự y Simon Forman ghi nhật ký rằng ông mơ thấy mình phá trinh nàng. Họa sĩ vẽ nàng là nữ thần Diana đang vui vầy với những thiên nữ khác. Thi sĩ Edmund Spenser và nhiều thi sĩ khác làm thơ ca ngợi Virgin Queen, gọi nàng là “nữ hoàng của thế giới”, “Trinh nữ thánh thiện” trị vì thế giới và làm các vì sao chuyển động. Khi hầu chuyện với Elizabeth, các phe đeo đuổi nói bóng gió về chuyện gối chăn nhưng nữ hoàng vẫn không làm mặt giận. Trái lại nàng cứ để cho cơn khao khát của họ nóng bỏng thêm, nhưng đồng thời vẫn giữ khoảng cách vừa đủ.

Khắp châu Âu, các hoàng gia đều biết cuộc hôn nhân với Elizabeth sẽ bảo đảm cho sự giao hảo, liên minh giữa nước đó với nước Anh. Vua Tây Ban Nha ve vãn nàng, trong khi ông hoàng Thụy Điển và Thượng công nước Áo cũng vậy.

Vấn đề ngoại giao hàng đầu đối với Elizabeth chính là sự nổi dậy ở các khu vực Lowlands vùng Flander và Dutch, lúc ấy thuộc sở hữu Tây Ban Nha. Liệu nước Anh có nên đoạn giao với Tây Ban Nha để chọn Pháp làm đồng minh chính ở châu lục, và như thế lại khuyến khích dân chúng hai vùng Flander và Dutch nổi dậy đòi độc lập? Đến năm 1570 tình hình có vẻ như chọn liên minh với Pháp là khôn ngoan nhất. Lúc ấy Pháp có hai ứng viên thuộc dòng quý tộc, hai công tước xứ Anjou và xứ Alencon, bào đệ của vua Pháp. Vậy ai sẽ được người đẹp chọn? Người nào cũng có điểm mạnh, do đó Elizabeth đều để cả hai nuôi hy vọng. Vấn đề âm ỉ suốt nhiều năm. Công tước Anjou nhiều lần viếng thăm nước Anh, công khai hôn Elizabeth, thậm chí gọi nàng bằng tên thân mật, và nàng có vẻ chấp nhận tình cảm ấy.

Trong lúc nữ hoàng vờn cả hai anh em công tước, Pháp và Anh ký một hiệp ước hòa bình. Đến năm 1582 Elizabeth cảm thấy có thể chấm dứt sự tán tỉnh. Đặc biệt đối với công tước Anjou thì quả là nhẹ gánh cho nàng: Cũng vì ngoại giao mà nàng cắn răng cam chịu sự ve vãn của người mà chỉ nhìn thôi cũng muốn dội ngược. Một khi hòa ước được ký xong rồi, Elizabeth chọn cách lễ độ nhất để nói không với công tước.

Lúc ấy nữ hoàng đã quá tuổi sinh sản, có thế sống hết phần còn lại của cuộc đời như ý muốn, và thanh thản nhắm mắt với tư cách là Virgin Queen. Mặc dù không con nối dõi, nhưng nữ hoàng đã trị vì suốt một thời kỳ yên bình và phong phú về văn hóa.

Diễn giải

Elizabeth có nhiều lý do chính đáng để không lập gia đình, vì đã từng chứng kiến những lỗi lầm của người chị em họ là Mary Nữ hoàng xứ Scotland. Vì không chịu bị trị vì bởi một người phụ nữ, dân Scotland mong muốn Mary thành thân, và với mối nào mang lại nhiều lợi ích. Nếu lấy người nước ngoài thì không được lòng dân, còn nếu chọn một quý tộc nào đó thì chỉ dấy lên ganh tỵ và đấu tranh nội bộ. Cuối cùng Mary chọn Lord Darnley, nhưng ông này lại theo Công giáo, vì vậy người Scotland Tin lành nổi trận lôi đình, bạo loạn liên tục tiếp diễn.

Elizabeth biết hôn nhân thường chỉ mang lại tai họa cho một người trị vì thuộc nữ giới: Thành thân và dấn thân với một phe phái hoặc quốc gia, nữ hoàng sẽ sa lầy vào những xung đột không do mình gây ra, những cuộc xung đột có thể vượt quá tầm kiểm soát và đưa nữ hoàng vào một cuộc chiến vô ích. Ngoài ra lúc ấy về thực tế chính chồng của nữ hoàng mới nắm hết quyền hành, và có khuynh hướng loại bỏ vợ mình, như Darnley toan hất chân Mary. Elizabeth đã quá thuộc bài học này. Ngồi trên ngôi báu, bà có hai mục tiêu: tránh hôn nhân và tránh chiến tranh. Bà xoay sở kết hợp hai mục tiêu này bằng cách vờn vẽ khả năng hôn phối nhằm thiết lập liên minh. Bà biết giây phút gật đầu ưng thuận chính là giây phút mất hết mọi quyền lực. Vì vậy Elizabeth phải khơi gợi sự thèm muốn bằng một màn bí ẩn, không bao giờ phá tan hy vọng của ai, nhưng cũng không bao giờ quy phục.

Qua một đời vờn mồi như vậy, Elizabeth đã kiểm soát được đất nước và những ai định chinh phục bà. Vì là trung tâm của chú ý nên bà nắm quyền. Đặt sự độc lập tự thân trên tất cả, Elizabeth đã bảo toàn được quyền lực và biến mình thành một đối tượng được tôn thờ.

Chẳng thà làm ăn mày độc thân còn hơn nữ hoàng có chồng.

(Nữ hoàng Elizabeth I, 1533-1603)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Vì quyền lực tùy thuộc rất nhiều vào vẻ bề ngoài, bạn phải học mánh khóe làm tôn hình ảnh mình lên. Giữ vững độc lập và không dấn thân với bất kỳ cá nhân hay đoàn thể nào chính là một trong những mánh khóe ấy. Mặc dù không về phe người khác, nhưng họ sẽ không giận, trái lại kính nể bạn.

Trong phút chốc bạn có vẻ đầy quyền uy bởi vì bạn là người rất khả đắc, thay vì ngã vào vòng dây của nhóm, hoặc của một quan hệ nào đó như số đông thường làm. Theo thời gian, vầng hào quang quyền lực ấy sẽ tỏa rộng: Bạn càng được tiếng độc lập, sẽ càng có nhiều người muốn phủ dụ bạn, muốn là người lôi kéo được bạn. Sự thèm muốn giống như con virus: Thấy ai đó thèm muốn một đối tượng, người ta cũng thấy đối tượng ấy sao mà đáng thèm.

Người ta sẽ thử mọi cách kín đáo để lôi kéo bạn. Từ quà tặng cho đến ưu đãi, mục đích là để bạn phải hàm ân. Hãy khuyến khích sự ân cần ấy, hãy kích thích mối quan tâm kia, nhưng đừng dấn thân với bất kỳ giá nào. Muốn nhận quà tặng hay ưu đãi hay không là tùy bạn, nhưng nhớ cẩn thận duy trì sự độc lập tinh thần. Đừng sơ hở lọt vào tình huống phải chịu ơn ai đó. Vì lúc vừa dấn thân thì vầng hào quang liền tắt, bạn trở thành tầm thường như bất kỳ ai.

Tuy nhiên nên nhớ rằng mục đích của những lời khuyên trên không phải là chối bỏ người khác hoặc làm ta mang tiếng là không thể tận tâm với bất cứ ai. Giống như Virgin Queen, ta hãy khuấy động vụ việc, kích thích sự quan tâm, làm các phe nghĩ rằng họ sẽ lôi kéo được ta. Vì vậy thỉnh thoảng ta cũng phải mềm dẻo chiều họ một chút – nhưng nhớ là chỉ một chút thôi.

Alcibiades, chiến binh và chính khách Hy Lạp, đã diễn trò vừa kể thật hoàn hảo. Chính ông ta đã động viên tinh thần và đứng đầu đại đoàn quân Athens xâm chiếm đảo Sicily vào năm 414 TCN. Khi hồi hương, bị nhân dân Athens ganh tỵ vu cái nên Alcibiades quy hàng thành bang đối thủ là Sparta, thay vì phải ra tòa. Rồi sau khi quân Athens thua ở Syracuse, Alcibiades lại rời Sparta đầu quân cho Persia. Đến lúc này cả hai thành phố Athens và Sparta đều ve vãn Alcibiades vì ông ta có ảnh hưởng đối với Persia. Và trước tình hình đó, người Persia lại càng thêm tôn kính Alcibiades. Với phe nào ông cũng hứa, nhưng không thật sự dấn thân, và cuối cùng Alcibiades trở thành người cầm chịch.

Nếu mưu cầu quyền uy và thế lực, ta hãy thử chiến thuật của Alcibiades: đặt mình vào giữa hai thế lực đang găng nhau. Ta dụ phe này bằng lời hứa giúp đỡ, phe kia sẽ o bế ta để tranh thủ. Lúc này ta trở thành nhân vật quan trọng. Ta sẽ có nhiều quyền lực hơn nếu so với việc ta chỉ ngả về một phe. Để chiến thuật này chỉn chu hơn, ta cố gắng đừng để tình cảm vướng vào phe nào cả và xem các phe như là quân chốt để mình tiến lên.

Giữa đợt vận động tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm 1968, Henry Kissinger gọi điện đến nhóm Richard Nixon. Trước đó ông ta liên minh với Nelson Rockefeller, người vừa thất bại trong việc tìm sự đề cử của đảng Cộng hòa. Kissinger gọi điện đến chào mời nhóm Nixon nhiều thông tin nội bộ quý giá liên quan đến những đàm phán hòa bình cho Việt Nam. Ông ta có cài người trong toán hòa đàm để nắm bắt các thông tin sốt dẻo nhất. Nhóm Nixon vui mừng chấp nhận sự chào hàng ấy.

Tuy nhiên cùng lúc đó Kissinger cũng tiếp cận ứng viên được đảng Dân chủ đề cử là Hubert Humphrey. Nhóm Humphrey cũng cần cùng loại thông tin đó và Kissinger cung cấp ngay. Ông ta bảo họ rằng mình ghét Nixon từ nhiều năm nay. Nhưng thật ra Kissinger chẳng ưa bên nào cả. Mong muốn thật sự của ông ta là cả hai phe Nixon lẫn Humphrey đều hứa bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ cao cấp trong nội các mới. Cho dù phe nào thắng cử thì sự nghiệp của Kissinger cũng an toàn.

Tất nhiên phe thắng cử là Nixon và Kissinger được cái ghế quan trọng. Ngay cả khi được nhậm chức rồi, Kissinger cũng cẩn thận không tỏ ra mình là người “đậm đà” Nixon. Khi Nixon tái đắc cử vào năm 1972, nhiều người còn trung thành với Nixon hơn Kissinger nhưng vẫn bị cho nghỉ việc. Ngoài ra ông ta cũng là viên chức cao cấp duy nhất của nội các Nixon đã sống sót qua vụ Watergate, và phục vụ tổng thống kế nhiệm Geral Ford. Nhờ giữ được một chút khoảng cách nên Kissinger vẫn ăn nên làm ra trong thời buổi nhiễu thương.

Người nào áp dụng chiến lược này thường ghi nhận một hiện tượng lạ: Ai nhanh nhảu hùa theo ủng hộ phe nào đó thì thường lại ít được kính nể, bởi vì muốn được hắn giúp sức thì dễ quá. Trong khi đó ai đứng hơi lui một chút lại được nhiều người o bế. Khi tạo khoảng cách ta cũng tạo ra quyền thế, do đó phe nào cũng muốn ta về cùng.

Vừa thoát khỏi những năm tháng nghèo túng khi khởi đầu sự nghiệp, Picasso trở thành nghệ sĩ thành công nhất trên thế giới. Nhưng ông không dấn thân với bất kỳ nhà buôn tranh nhất định nào, mặc dù họ vây chặt lấy ông để đưa ra nhiều lời hứa hẹn và chào mời hết sức hấp dẫn. Ngược lại ông tỏ vẻ không quan tâm nên lại càng làm họ muốn phát cuồng, bởi lẽ càng giành giật thì tranh của ông càng tăng giá.

Khi muốn hòa hoãn với Liên Xô, Henry Kissinger (lúc ấy là ngoại trưởng Mỹ) không phát đi tín hiệu hòa khí hoặc nhượng bộ, nhưng lại ve vãn Trung Quốc. Việc này làm cho Liên Xô vừa tức vừa lo – lúc đó Liên Xô đang bị cô lập về mặt chính trị và sẽ càng bị cô lập hơn nếu Mỹ và Trung Quốc xáp lại gần nhau. Hành động này của Kissinger đã buộc Liên Xô ngồi vào bàn đàm phán. Trên tình trường, chiến thuật này có cùng tác động: Muốn chinh phục một phụ nữ, Stendhal khuyên, bạn hãy chinh phục em gái cô ta trước.

Cứ giữ thế độc lập rồi mọi người sẽ đến với ta. Thách thức đối với họ là phải chinh phục được trái tim ta. Khi nào ta còn bắt chước được Virgin Queen và kích thích họ hy vọng, khi ấy ta còn là phiến nam châm thu hút sự chú ý và khát khao.

Hình ảnh:

Virgin Queen. Đối tượng trung tâm của chú ý, thèm muốn, và tôn thờ. Không bao giờ dấn thân với phe nào, Virgin Queen khiến các phe luôn chờn vờn xung quanh như các hành tinh, không thể tách khỏi quỹ đạo nhưng cũng không thể tiến đến gần Mặt trời.

Ý kiến chuyên gia:

Đừng dấn thân với cá nhân hoặc nhóm nào cả, vì như thế sẽ là nô lệ. Bạn đừng nợ một cam kết hoặc một ân nghĩa nào cả – vì những thứ đó là mánh khóe của kẻ khác muốn đưa bạn vào phạm vi quyền lực của hắn…

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

PHẦN II:

KHÔNG DẤN THÂN VỚI BẤT KỲ AI – HÃY ĐỨNG CAO HƠN CUỘC XUNG ĐỘT

Đừng để người khác lôi kéo mình vào ba cái chuyện gấu ó và đấu tranh của họ. Cứ tỏ vẻ quan tâm ủng hộ nhưng vẫn tìm cách đứng ngoài, cử tọa sơn quan hổ đấu và chờ đợi. Sau khi chiến đấu đã đời và thấm mệt, họ sẽ như trái chín cây chờ được hái. Thật ra bạn còn có thể khuấy động cho các phe đối đầu nhau, sau đó mới tự nguyện đứng ra làm trung gian để gom thu quyền lực của nhà môi giới.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Vào cuối thế kỷ XV, những thị quốc hùng mạnh nhất ở Italia – như Venice, Florence, Rome, và Milan – đều thường xuyên đối đầu nhau. Lảng vảng phía trên những tranh chấp ấy là hai nước Pháp và Tây Ban Nha sẵn sàng tóm lấy bất cứ điều gì tóm được từ các thế lực mệt mỏi ở Italia. Và kẹt cứng ở giữa các anh cả đó là thị quốc Mantua bé xíu của vị công tước trẻ Gianfrancesco Gonzaga. Mantua nằm ở vị trí chiến lược phía Bắc Italia và trước sau gì cũng bị các đại gia nuốt chửng.

Gonzaga là chiến binh dũng cảm, đồng thời là vị chỉ huy tài ba, vì vậy ông trở thành một loại tướng đánh thuê cho bên nào trả giá cao hơn. Năm 1490 ông cưới Isabella d’Este, con gái của Công tước vùng Ferrara, một lãnh thổ nhỏ bé khác ở Ý. Vì phần lớn thời gian phải xa Mantua để chiến chinh, Gonzaga giao toàn quyền trị vì lại cho Isabella.

Với Isabella, trắc nghiệm đầu tiên ở tư thế một người trị vì xảy ra vào năm 1498, khi vua Louis XII nước Pháp chuẩn bị quân lực tấn công Milan. Theo một thói quen khả ố, các Nhà nước khác ở Italia lập tức nghiên cứu cách lợi dụng tình thế nguy nan của Milan. Giáo hoàng Alexander VI hứa không can thiệp, xem như phía Pháp toàn quyền hành động. Thành phố Venice cũng cho biết sẽ không tiếp cứu Milan với hy vọng là phía Pháp sẽ nhường cho mình lãnh thổ Mantua. Người đứng đầu Milan là Lodovico Sforza bỗng dưng thấy mình lẻ loi và bị bỏ rơi. Ông quay sang cầu viện Isabella d’Este, một trong những bạn hữu thân thiết nhất (và theo tin đồn đó là tình nhân của Sforza), nài nỉ cô thuyết phục chồng mang quân tiếp cứu. Isabella có nói với chồng nhưng không được sự ưng thuận, vì Gonzaga bảo tình thế của Sforza là hết cứu. Vì vậy vào năm 1499, Louis XII dễ dàng tiến chiếm Milan.

Giờ đây Isabella phải đối diện tình trạng khó xử: Nếu vẫn giữ lòng trung với Sforza thì quân Pháp sẽ được thể tấn công Mantua luôn. Nhưng nếu liên minh với Pháp thì một khi Pháp rút quân, những Nhà nước khác ở Italia sẽ thù hận mình, kể cả nhân dân Mantua. Và nếu cầu cứu Venice hoặc Roma thì họ sẽ tiện thể nuốt chửng Mantua dưới cái bình phong mang quân tiếp viện. Nhưng Isabella buộc phải có thái độ. Vị vua hùng mạnh nước Pháp đang đứng sát sau lưng nên cô ta quyết định hữu nghị với ngài như đã từng hữu nghị với Sforza trước đó – bằng những món quà thông minh, những bức thư bóng gió, và tiềm năng cận kề người đẹp.

Năm 1500 Louis mời Isabella tham dự buổi đại tiệc tại Milan để ăn mừng chiến thắng. Nhân cơ hội này Isabella trổ hết tài nghệ để quyến rũ nhà vua. Kết quả là Louis hứa bảo vệ sự độc lập của Mantua không để Venice mó vào.

Tuy nhiên mối nguy này vừa qua thì mối nguy khác lại đến, lần này từ phương Nam, dưới bộ mặt của Cesare Borgia. Bắt đầu từ năm 1500, Borgia dẫn quân đều bước Bắc tiến, nhân danh thân phụ là Giáo hoàng Alexander để gom thu tất cả các lãnh thổ nhỏ. Isabella hoàn toàn hiểu rõ Borgia: Không nên tin cậy và cũng không nên xúc phạm hắn. Ta phải mơn trớn hắn, nhưng phải nhớ giữ hắn cách một tầm tay.

Ngoài việc lấy lòng Borgia, Isabella còn dặn dò mọi người không được nói xấu hắn vì quân gián điệp có mặt khắp nơi và Borgia chỉ cần một cái cớ nhỏ nhất cũng xua quân tiến chiếm. Khi sinh con, Isabella mời Borgia làm cha đỡ đầu. Ngoài ra, bà còn úp mở khả năng thông gia giữa hai gia đình. Kế hoạch này ít nhiều thành công bởi vì Mantua được yên thân trong tiến trình xâm lược của Borgia.

Vào năm 1530, cha của Cesare Borgia là Alexander qua đời, và vài năm sau tân giáo hoàng Julius II khởi chiến để đánh đuổi quân đội Pháp ra khỏi lãnh thổ Italia. Khi người đứng đầu Nhà nước Ferrara – Alfonso, anh của Isabella – liên minh với Pháp, Julius quyết định tấn công để làm nhục Alfonso. Một lần nữa Isabella lại lâm vào tình thế khó xử. Không dám liên minh với giáo hoàng và cũng không dám đứng về phe anh mình, Isabella một lần nữa phải chơi trò nước đôi. Một mặt cô thuyết phục chồng ủng hộ giáo hoàng, biết rằng ông ta sẽ chỉ đánh cho có. Mặt khác cô để cho quân đội Pháp mượn đường đi ngang qua Mantua để đến tiếp cứu Ferrara. Miệng lớn tiếng tố cáo người Pháp đã “xâm lăng” lãnh thổ mình, nhưng trên thực tế Isabella lại cung cấp cho họ nhiều tin tình báo quý giá. Để giáo hoàng tin vào một vụ xâm lăng, Isabella còn dặn người Pháp giả bộ cướp phá Mantua. Lần nữa cô lại thành công: giáo hoàng không đụng đến Mantua.

Năm 1513 sau cuộc bao vây kéo dài, cuối cùng Justin cũng đánh bại Ferrara, và quân đội Pháp rút lui. Bị nỗ lực chinh chiến bào mòn, giáo hoàng chết vài tháng sau đó. Với cái chết ấy, chu kỳ những cuộc chiến và cãi vã vặt vãnh bắt đầu lặp đi lặp lại.

Dưới thời trị vì của Isabella, Italia chứng kiến nhiều vật đổi sao dời: Các giáo hoàng đến rồi đi, Cesare Borgia lên voi xuống chó, đế chế Venice tan nát, Milan bị xâm lược, Florence suy tàn, Rome bị hoàng đế Charles V dòng họ Habsburg đánh phá. Qua cuộc nhiễu thương ấy, xứ sở Mantua nhỏ bé không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Chủ quyền và sự giàu mạnh của Mantua đứng vững suốt một thế kỷ sau khi Isabella qua đời vào năm 1539.

Diễn giải

Isabella d’Este biết rất rõ tình thế chính trị của Italia: Một khi công khai đứng về phe bất kỳ ai, xem như ta tự kết liễu cuộc đời. Phe mạnh hơn sẽ xâm lăng ta, còn kẻ yếu hơn sẽ làm ta mỏi mòn. Liên minh mới sẽ tạo ra kẻ thù mới, rồi chu kỳ này lại khuấy lên nhiều xung đột nữa, nhiều thế lực khác sẽ nhập cuộc, cho đến lúc ta không thể nào rút chân ra khỏi vũng lầy ấy. Và cuối cùng bạn ta sụp đổ vì kiệt sức.

Isabella lèo lái đất nước theo hướng duy nhất có lợi. Bà không tự cho phép mình dại dột phải trung thành với một vị vua hay công tước nào. Và bà cũng không định ngăn chặn những xung đột đang hoành hành – như thế chỉ tổ sa lầy vào đó mà thôi. Và trong trường hợp nào thì xung đột cũng có lợi cho Isabella. Nếu các bên cố diệt nhau cho bằng được và bào mòn sức lực thì họ sẽ không còn đủ mạnh để nuốt chửng Mantua. Suối nguồn quyền lực của Isabella chính là biết khôn ngoan tỏ vẻ quan tâm đến sự vụ và lợi ích của mỗi bên, trong khi thật ra không dấn thân với ai cả, ngoại trừ phe mình và đất nước mình.

Một khi dấn thân vào một cuộc chiến không do mình chọn, ta sẽ mất hết mọi thế chủ động. Lợi ích của ta buộc phải phục tùng lợi ích các phe lâm chiến, ta trở thành công cụ của họ. Hãy học cách làm chủ bản thân, cưỡng lại khuynh hướng tự nhiên tạo bè kết phái để cắn hùa. Hãy tỏ ra hữu nghị và dễ thương đối với từng phe, rồi lui về một bước cho họ choảng nhau. Cứ sau mỗi trận đánh thì họ suy yếu thêm một chút, và ta lại mạnh lên thêm một chút nhờ bảo toàn lực lượng.

Trai cò giằng co, ngư ông đắc lợi.

(Tục ngữ Trung Quốc)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Muốn chiến thắng trong trò chơi quyền lực, ta phải biết làm chủ cảm xúc. Nhưng ngay cả khi làm chủ được bản thân, ta vẫn không thể kiểm soát được tính khí của các phe chung quanh. Và đó là mối nguy. Hầu hết mọi người đều hành động trong một cơn lốc cảm xúc, liên tục đối phó và tạo ra những cuộc đấu tranh và xung đột. Sự tự chủ và tự quyết của ta sẽ khiến họ băn khoăn và bất an. Họ sẽ cố lôi kéo ta vào cơn lốc để chiến đấu hoặc giảng hòa giúp họ. Nếu chiều theo những lời nài nỉ rất xúc động ấy, dần dà ta sẽ nhận ra rằng đầu óc mình bị vấn đề của họ chiếm mất. Đừng để cho bất kỳ dạng từ bi hay thương hại nào lôi kéo ta. Lỡ sa lầy rồi ta sẽ không bao giờ thắng cuộc, mọi xung đột chỉ có thể trầm trọng thêm mà thôi.

Mặt khác, ta cũng không thể tuyệt đối đứng ngoài lề cuộc chiến, vì như thế ta tạo ra sự mất lòng không đáng có. Ta phải khôn khéo tỏ vẻ quan tâm đến vấn đề của các bên, thậm chí đôi khi làm bộ đứng về phe họ. Nhưng trong khi đóng kịch như vậy, ta vẫn phải giữ vững sức mạnh và đầu óc minh mẫn, không cho cảm xúc xen vào. Cho dù các bên có cố lôi kéo cách mấy, ta đừng bao giờ dấn thân sâu quá cái bề mặt ấy. Ta hãy biếu xén họ, nhìn họ bằng cặp mắt đầy vẻ cảm thông, thỉnh thoảng nếu cần cũng làm bộ đẩy đưa úp mở – nhưng bên trong, ta cố gắng giữ cho những vị vua thân thiết và những Borgia xảo quyệt cách xa một tầm tay. Không dấn thân nghĩa là giữ vững quyền tự quyết, ta giữ được thế chủ động: Hành động của ta do ta chọn, chứ không phải là những động thái đối phó với các thế lực quanh ta.

Không dấn thân vào cuộc đấu tranh, ta có đủ thời gian suy tính lúc nào nhảy vào. Ta cũng có thể đi trước một bước bằng cách hứa hẹn với từng phe, trong khi mưu tính thế nào để kết cục kẻ chiến thắng vẫn là mình. Đó là chiến lược của Castruccio Castracani, thị trưởng Lucca thực hiện hồi thế kỷ XIV khi ông mưu đồ xâm chiếm Pistoia. Một cuộc bao vây sẽ hao phí rất nhiều, cả về sinh mạng lẫn tài chính, nhưng Castruccio biết trong trấn Pistoia có hai phe kình địch nhau, gọi là bên Trắng và bên Đen. Ông ta thương lượng và hứa giúp bên Đen, rồi lại lén hứa hẹn bắt bồ với bên Trắng. Và Castruccio giữ đúng lời hứa – phái một đạo quân đến cửa trấn nơi bên Đen kiểm soát, và đương nhiên binh đội của Castruccio được hoan nghênh. Một binh đội khác như vậy cũng được gửi đến cửa trấn dưới quyền kiểm soát của bên Trắng, và cũng được cho vào. Hai binh đội gặp nhau ở giữa trấn, hợp thành lực lượng hùng mạnh chiếm luôn trấn Pistoia, giết chết lãnh đạo các phe kình địch, chấm dứt chiến tranh khi Pistoia đã về tay Castruccio.

Giữ vững quyền tự quyết, ta được lợi thế chọn lựa khi các phe đến với ta – ta có thể đóng vai trung gian hòa giải trong khi thật ra đang thủ lợi cho riêng mình. Sợ phe kia tranh thủ được ta, phe này sẽ trả giá cao hơn. Hoặc như Castruccio, ta giả vờ bắt bồ với từng bên để xơi gọn nguyên mâm.

Thường khi xung đột vừa nổ ra, ta có khuynh hướng theo phe mạnh nhất, hoặc phe nào có vẻ lợi ích về mặt liên minh. Đây là hành động có rủi ro. Thứ nhất, rất khó tiên đoán về lâu về dài phe nào sẽ thắng thế. Ngay cả khi đoán đúng và liên minh với phe mạnh nhất, ta vẫn có khả năng bị nuốt chửng, hoặc tốt lắm cũng là bị phớt lờ khi phe đó chiến thắng. Còn nếu bắt bồ với kẻ yếu hơn thì xem như ta tận số. Hãy chơi tình chờ và chiến thắng.

Vào thời Cách mạng tháng Bảy ở Pháp vào năm 1830, sau ba ngày bạo loạn, chính khách Talleyrand, lúc ấy đã già, đang ngồi gần cửa sổ lắng nghe chuông đổ báo tin kết thúc bạo loạn. Quay sang một phụ tá, Talleyrand nói “A! Chuông đổ rồi! Chúng ta thắng rồi!” Viên phụ ta hỏi “Chúng ta đây là ai, thưa mon prince?” Ra hiệu cho hắn im, Talleyrand bảo: “Đừng nói thêm lời nào! Ngày mai ta sẽ cho mi biết chúng ta chính là ai.” Ông ta biết rằng chỉ có kẻ dại dột mới đâm đầu vào tình huống – nhanh nhảu dấn thân ta sẽ mất thế thượng phong. Ngoài ra mọi người sẽ bớt kính nể ta: Họ cho rằng biết đâu mai kia ta sẽ lại ngả về phe khác, đại nghĩa khác, bởi vì rõ ràng trước mắt là ta dễ dàng dấn thân cho phe này. Thần may mắn là một vị thần không kiên định, thường xuyên đổi phe. Dấn thân sớm cho một bên, ta sẽ mất lợi thế về thời gian và cái thú chờ đợi khoái chí. Hãy để người khác ngả về phe này phe nọ, về phần mình ta đừng nóng vội, đừng mất bình tĩnh.

Cuối cùng, có những lúc ta không được làm bộ về phe nào hết và phải lớn tiếng tuyên bố vị thế độc lập của mình. Vị thế đó rất cần thiết cho những ai muốn được kính nể. George Washington nhìn nhận điều này trong công cuộc củng cố thế đứng của nền cộng hòa Mỹ quốc còn non trẻ. Với tư cách tổng thống, Washington cưỡng lại sự cám dỗ về việc liên minh với Anh hoặc Pháp, mặc dù lúc ấy ông phải chịu rất nhiều áp lực. Ông muốn rằng qua sự độc lập đó, nước Mỹ sẽ được thế giới nể phục. Mặc dù trước mắt, một mình ước ký với Pháp sẽ rất hữu ích, nhưng về lâu dài Washington biết là sự tự trị của đất nước sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Châu Âu sẽ phải xem nước Mỹ như là một quyền lực ngang bằng.

Bạn hãy nhớ rằng quỹ thời gian và năng lực của mình có giới hạn. Mỗi giây phút phí phạm vì việc của kẻ khác sẽ bòn rút sức lực của bạn. Có thể bạn e là mọi người bảo mình vô tâm, nhưng cuối cùng, việc giữ vững độc lập và tự lực sẽ khiến bạn được nể trọng, đồng thời đặt bạn vào vị trí quyền lực, từ đó bạn có thể chủ động chọn cách thức và thời điểm giúp đỡ người khác như ý muốn.

Hình ảnh :

Bụi dây gai. Trong rừng, cọng dây gai này quấn quít vào cọng dây kia đầy những gai nhọn, chầm chậm bành trướng vùng lãnh thổ bất khả xâm nhập của chúng. Chỉ loại cây nào đứng riêng và đứng xa chúng mới có cơ may vươn khỏi tầm với của chúng để phát triển.

Ý kiến chuyên gia :

Hãy xem việc không tham gia vào chiến trận là hành động còn dũng cảm hơn là thắng trận đó, và hễ đã sẵn có một đứa dại dột can thiệp vào rồi thì không nên có thêm đứa thứ hai.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Cả hai phần của nguyên tắc này có khả năng quật ngược vào lưng bạn nếu bạn làm quá trớn. Những thủ thuật được gợi ý trong chương này rất tế nhị và khó xài. Nếu bạn định giật dây quá nhiều phe, họ sẽ nhận ra cái trò của bạn và đoàn kết để chống lại bạn. Nếu số phe phái mà bạn ve vãn ngày càng nhiều và phải chờ đợi càng lâu, họ sẽ không muốn lôi kéo bạn nữa mà ngược lại sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn. Họ cảm thấy mất hứng thú, mất lợi ích. Cuối cùng sau khi cân nhắc, có thể bạn sẽ ngả về một phe nhất định – chỉ để làm màu thôi, nhằm chứng tỏ là bạn cũng biết gắn bó.

Tuy nhiên ngay cả khi đó, chủ yếu bạn phải duy trì độc lập tinh thần, tránh không để tình cảm vướng vào. Hãy bảo lưu quyền lựa chọn bất thành văn là bạn có thể từ giã bất kỳ lúc nào và lấy lại sự tự do của mình, khi cái phe liên minh với bạn bắt đầu suy sụp. Những bạn bè khác mà bạn đã kết giao trước đây khi họ ve vãn bạn, bây giờ họ sẽ chào đón bạn khi bạn đã nhảy tàu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.