48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 23: TẬP TRUNG LỰC LƯỢNG



Duy trì sức mạnh và năng lực bằng cách giữ chúng tập trung vào chỗ mạnh nhất. Nếu đào giếng hãy đào càng sâu càng tốt, thay vì đào qua loa giếng này rồi nhảy sang đào giếng mới. Khi mưu cầu nguồn quyền lực để đưa mình lên, ta hãy tìm một người đỡ đầu chủ chốt, một con bò sữa sẽ cho ta sữa trong khoảng thời gian dài sắp tới.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Vào đầu thế kỷ VI trước Công nguyên tại Trung Quốc, vua nước Ngô là Hạp Lư lâm chiến với các lực lượng phía Bắc vùng Trung Nguyên. Tuy là thế lực đang lớn mạnh, song nước Ngô lại không có được bề dày lịch sử và văn hóa của Trung Nguyên, vốn là cái nôi văn hóa của Trung Quốc suốt hàng trăm năm. Nếu đánh bại được Trung Nguyên, nước Ngô sẽ lập tức nâng cao vị thế của mình.

Vào đầu cuộc chiến quân nhà Ngô thắng trận liên tiếp nhưng chẳng bao lâu sau lại sa lầy. Hễ thắng ở mặt trận này thì lại thất thế ở mặt trận kia. Đại thần nhà Ngô là Ngũ Tử Tư cảnh báo vua rằng Việt vương Câu Tiễn ở phía Nam bắt đầu để ý các vấn đề của nước Ngô và có ý đồ xâm lược. Vua chỉ cả cười với những lo âu cỏn con ấy, bảo rằng chỉ cần một chiến thắng nữa là xem như thu phục trọn Trung Nguyên.

Năm 490 Ngũ Tử Tư gửi con trai sang nước Tề lánh nạn. Qua hành động đó, ông muốn nhắn vua Ngô biết là mình không tán đồng chiến tranh và tin rằng tham vọng của nhà vua sẽ đưa nước nhà đến chỗ diệt vong. Vua nổi trận lôi đình, kết tội Ngũ Tử Tư bất trung và ra lệnh ông phải tự sát. Quân xử thần tử, Ngũ Tử Tư răm rắp nghe theo, nhưng trước khi tự vẫn, ông khóc ba tiếng: “Xin bệ hạ hãy móc mắt hạ thần và đặt trên cổng thành, để hạ thần có thể nhìn thấy binh đoàn Việt vương Câu Tiễn ca khúc khải hoàn bước vào thành chúng ta.”

Như Ngũ Tử Tư đã dự đoán, thời gian sau quân đội nước Việt vinh quang bước qua cổng thành nước Ngô. Khi giặc đã bao vây vương cung, nhà vua nhớ lại những lời cuối của Ngũ Tử Tư. Nhà vua tự sát trong tư thế “tay che kín mặt để khỏi trông thấy tia nhìn trách móc của viên đại thần ở thế giới bên kia”.

Diễn giải

Câu chuyện nước Ngô là mô thức của tất cả các vương triều đi đến chỗ diệt vong vì mưu đồ bành trướng. Say men thành công và si mê vì tham vọng, những vương triều ấy đạt đến quy mô thô bỉ và phải diệt vong toàn bộ. Đó là điều đã xảy ra với thành phố Athens cổ đại, vốn luôn nhòm ngó hải đảo Sicily và cuối cùng phải mất luôn đế chế. Người La Mã cũng mở bờ cõi mình ra quá rộng nên càng để lộ những chỗ yếu, trở thành mục tiêu tấn công của các bộ lạc man rợ. Sự bành trướng vô ích đã dẫn các đế chế ấy đến chỗ diệt vong.

Số phận của nước Ngô có thể là bài học sơ đẳng, cho ta thấy việc gì sẽ xảy ra khi dàn trải lực lượng trên quá nhiều mặt trận, vì cái lợi trước mắt mà quên cái hại từ xa. “Nếu tình thế không nguy nan,” Tôn Tử nói, “thì đừng đánh nhau.” Đó gần như là một định luật vật lý: Cái gì to hơn kích thước bình thường trước sau gì cũng sụp đổ. Trí tuệ ta không nên lan man từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, đừng để chút thành công làm xao lãng mà quên đi tính mục tiêu và chừng mực. Cái gì tập trung, mạch lạc và cố kết với những điều trước đó thì sẽ có sức mạnh. Cái gì tản mát, chia rẽ và căng giãn sẽ mục rữa và ngã đổ. Phình càng to thì đổ càng nặng.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Gia đình giới chủ ngân hàng Rothschild khởi đầu rất khiêm nhường trong khi ghetto Do Thái ở thành phố Frankfurt nước Đức. Luật lệ hà khắc của thành phố không cho phép người Do Thái trà trộn với những người ngoài ghetto, nhưng họ đã khôn khéo biến sự cấm đoán đó thành thế mạnh – họ tự lực hơn và miệt mài bảo tồn nét văn hóa riêng biệt. Mayer Amschel, người đầu tiên của họ Rothschild trở nên giàu có nhờ việc cho vay vào cuối thế kỷ XVIII, hiểu rất rõ loại quyền lực xuất phát từ sức mạnh tập trung và cố kết ấy.

Thứ nhất, bản thân Amschel liên minh với một gia đình, đó là các quý tộc Thurn und Taxis. Thay vì mở rộng đối tượng cho vay, ông ta chỉ tập trung phục vụ cho gia đình đó. Thứ hai, Amschel không phân cấp việc kinh doanh cho bất kỳ người ngoài nào mà chỉ nhờ con cháu và bà con cật ruột nhất. Gia đình càng đoàn kết và khăng khít sẽ càng hùng mạnh. Chẳng bao lâu sau năm người con trai của Amschel đã quản trị việc kinh doanh. Khi qua đời năm 1812, Amschel không di chúc cho một người thừa hưởng duy nhất, mà để cho cả năm đứa con cùng tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình, có vậy họ mới luôn gắn bó với nhau và chống lại việc người ngoài xâm nhập và làm loãng quyền lực.

Sau này khi khuếch trương kinh doanh sang các châu lục khác, hậu duệ của Amschel vẫn theo chiến lược cũ của gia đình khi còn ở ghetto: không cho người ngoài chen vào công việc, luôn đoàn kết và tập trung sức mạnh. Vào thời đó, tộc Rothschild thiết lập hệ thống thư tín nhanh chất châu Âu, nhờ đó họ nắm bắt tin tức sớm hơn nhiều so với các ngân hàng cạnh tranh khác. Gần như là họ độc quyền về thông tin. Về nội bộ, họ liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ Yiddish đặc thù vùng Frankfurt, qua mã số đặc biệt mà chỉ anh em trong họ với nhau mới hiểu được.

Hôn nhân tộc Rothschild cũng diễn ra trong họ hàng để giữ bí mật và của cải không lọt ra ngoài. Một người trong tộc nói: “Chúng tôi giống như bộ máy của đồng hồ, phần nào cũng không thể thiếu.”

Diễn giải

Các thành viên gia tộc Rothschild sinh ra ở những thời đại lạ lùng. Họ xuất thân từ một nơi chốn chưa hề thay đổi qua bao thế kỷ, nhưng lại sống trong thời đại đã khởi sinh cuộc Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Pháp và một loạt chuyển biến quan trọng. Tộc Rothschild gìn giữ cho quá khứ sống động, cưỡng lại những đường lối phân tán của thời kỳ đó và như vậy đã trở thành biểu tượng của quy luật tập trung.

Đứa con mang tên James Rothschild là điển hình. Khi lập nghiệp ở Paris, ông đã chứng kiến Napoléon bị hạ bệ, chế độ quân chủ Bourbon phục hưng, chế độ quân chủ trưởng giả của Orléans, việc đổi sang chế độ cộng hòa, rồi cuối cùng là sự kiện Napoléon III lên ngôi. Phong cách và thời trang Pháp thay đổi xoành xoạch suốt giai đoạn nhiễu nhương ấy. James lèo lái gia đình và duy trì sức mạnh đoàn kết, giống như ghetto Do Thái sống mãi trong dòng họ. Nhờ giữ liên lạc với quá khứ, gia tộc Rothschild đã có thể phát triển được trong thời kỳ loạn lạc như vây. Sự tập trung và hội tụ chính là nền tảng của quyền lực, thịnh vượng, và ổn định của gia tộc Rothschild.

Chiến lược tốt nhất là phải luôn hùng mạnh; đầu tiên là hùng mạnh nói chung, và sau đó là hùng mạnh ở những điểm then chốt… Không có quy luật chiến lược nào cao siêu và đơn giản hơn là phải giữ gìn lực lượng thật tập trung… Nói ngắn gọn, nguyên tắc là: hành động với sự tập trung cao độ nhất.

(Carl von Clausewitz, 1780-1831)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Thế giới ngày càng chi rẽ trầm trọng – chia rẽ bên trong quốc gia, đảng phái, gia đình, thậm chí cá nhân. Chúng ta đang lâm vào tình trạng phân tán hoàn toàn, phải rất vất vả để tập trung đầu óc vào một hướng, trước khi bị hàng ngàn vụ việc khác đánh lạc hướng. Mức độ xung đột trong thế giới ngày nay hiện đang cao hơn bao giờ hết, và chúng ta đã đưa sự xung đột ấy vào cuộc sống của mình.

Ở đây, giải pháp có dạng thu mình vào trong, nhìn lại quá khứ, hướng về những hình thức suy tư và hành động trung hơn. Như Schopenhauer đã viết rằng tài trí chính là cấp độ sức mạnh tập trung, chứ không phải cấp độ mở rộng. Napoléon biết rõ giá trị của việc hội tụ lực lượng đánh vào điểm yếu nhất của địch thủ, và đó là một trong những bí quyết giúp ông thành công trên chiến địa. Song song, sức mạnh tinh thần và trí não ông cũng rập theo khuôn mẫu vừa kể. Chuyên tâm vào mục tiêu, tập trung hoàn toàn vào đích ngắm, dùng năng lực ấy tác động đến những người ít tập trung hơn – sức mạnh này giống như mũi tên hễ bắn là trúng.

Casanova nhìn nhận ông thành công trong đời là nhờ biết tập trung vào một mục tiêu duy nhất và ra sức thực hiện cho đến khi thành tựu. Tại sao phụ nữ nào cũng gục ngã khi được ông tán tỉnh? Vì hễ đã thích phụ nữ nào rồi thì Casanova luôn toàn tâm toàn ý với người ấy. Đã ngắm người nào thì suốt thời gian sau đó ông không hề nghĩ đến ai khác nữa. Lúc bị giam trong ngục thất ở Venice, nơi chưa một ai đào thoát được, Casanova chỉ nghĩ đến việc vượt ngục, ngày qua ngày chỉ tập trung vào một ý nghĩ duy nhất đó mà thôi. Và cuối cùng ông đã thành công. Hồi ký Casanova sau này có đoạn: “Tôi luôn tin rằng khi người nào đã dính cứng và đầu một quyết định thực hiện việc gì đó, và chỉ bận tâm duy nhất về một vấn đề nào đó, anh ta phải thành công, cho dù có khó khăn cách mấy.”

Ở thế giới quyền lực ta luôn cần sự giúp đỡ của người khác, thường là người có quyền năng hơn ta. Kẻ ngu sẽ ve vãn từ người này đến người kia, vì tin rằng mình sẽ sống sót nhờ mở rộng quan hệ như thế. Tuy nhiên quy luật tập trung bảo ta nên tiết kiệm năng lượng để chú tâm vào một nguồn quyền lực duy nhất thích hợp. Nhà khoa học Nikola Tesla đã khánh tận vì tin rằng khi làm việc cho nhiều nhà tài trợ thì ông mới giữ được thế độc lập. Cuối cùng sự “độc lập” của Tesla có nghĩa là ông không thể dựa vào một người đỡ đầu nào nhất định mà luôn phải chiều ý hàng chục người cùng lúc.

Tất cả các danh họa và văn sĩ thời Phục hưng đều gặp phải vấn đề này, chứ không riêng gì Pietro Aretino. Suốt đời, ông ta cứ khổ sở vì phải chiều lòng hết công tước này đến hoàng tử nọ. Cuối cùng khi đã chán ngấy, ông quyết định cố gắng tranh thủ Charles V, và như thế cuối cùng ông đã nếm mùi tự do khi chỉ tùy thuộc vào mỗi nguồn quyền lực duy nhất. Michelangelo khám phá được tự do này với Giáo hoàng Julius II, Galileo với gia tộc Medici. Rốt cuộc, người đỡ đầu duy nhất sẽ đánh giá đúng lòng trung của bạn và dựa vào sự phục vụ của bạn; về lâu về dài, chủ nhân sẽ phục vụ cho nô lệ.

Cuối cùng, bản thân quyền lực luôn tồn tại dưới dạng tập trung. Trong bất kỳ tổ chức nào, quyền thao túng cũng thuộc về một nhóm nhỏ. Và thường khi đó không phải là nhóm gồm những người có chức danh chức vị. Trong cuộc chơi quyền lực, chỉ có kẻ khờ mới lăng xăng mà không tập trung vào mục đích. Ta phải tìm hiểu xem ai là người cầm chịch, ai thực sự là đạo diễn đứng sau cánh gà. Như Richelieu đã khám phá ở giai đoạn đầu chinh phục đỉnh cao quyền lực trên chính trường nước Pháp hồi đầu thế kỷ XVII, không phải vua Louis XIII ra lệnh, mà chính hoàng thái hậu mới là người quyết định sau cùng. Vì thế đức hồng y này mới khôn khéo chài mồi bà, nhờ vậy từ địa vị triều thần, ông mới vọt lên đỉnh cao chót vót.

Bạn chỉ cần dò đúng mỏ dầu một lần thôi, thì tiền tài và quyền lực của bạn sẽ được đảm bảo suốt cả đời.

Hình ảnh:

Mũi tên. Ta không thể bắn hai đích bằng một mũi tên. Nếu tâm không định, ta sẽ chệch mục tiêu. Tâm và tiễn phải là một. Chỉ với sự tập trung cao độ cả trí lực vật lực như vậy thì mũi tên của ta mới xuyên thủng hồng tâm.

Ý kiến chuyên gia:

Nên chuộng chiều sâu hơn chiều rộng. Sự hoàn chỉnh nằm ở chất chứ không phải lượng. Chỉ với bề rộng thôi, ta không bao giờ vượt lên khỏi mức tầm thường, và đó là nỗi bất hạnh của những người quan tâm đến nhiều thứ nói chung, muốn bắt cá hai tay để cuối cùng chẳng được con cá nào.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Việc tập trung không phải là không có rủi ro, và nhiều khi phân tán mỏng mới là chiến thuật thích hợp. Trong cuộc chiến chống phe Dân quốc, Mao Trạch Đông và những người cộng sản tiến hành cuộc trường chinh trên nhiều mặt trận, với vũ khí chính là phá hoại và du kích. Phân tán mỏng thường khi lại thích hợp với kẻ yếu hơn, và trên thực tế đó là nguyên tắc cốt yếu của chiến tranh du kích. Khi đối đầu với binh lực mạnh hơn, nếu tập trung lực lượng ta sẽ trở thành mục tiêu dễ bắn phá. Tốt hơn ta nên hòa mình vào bối cảnh và làm kẻ thù hoang mang khi ta thoắt ẩn thoắt hiện.

Gắn liền với một nguồn quyền lực duy nhất có thể đặt ta vào thế nguy nan tột cùng: nếu nguồn quyền lực đó diệt vong hoặc bị thất sủng, ta chắc chắn bị vạ lây. Đó là điều xảy ra cho Cesare Borgia, vốn dựa vào thế lực của người cha là Giáo hoàng Alexander VI. Chính giáo hoàng đã cấp binh đội cho Cesare và tạo ra những cuộc chiến nhân danh ông. Khi ông đột ngột qua đời, xem như Cesare tiêu tùng luôn. Qua năm tháng, Cesare đã tạo ra quá nhiều kẻ thù, và vào tình thế đó lại không còn chiếc ô dù nào nữa cả. Vì vậy để đề phòng trường hợp này, bạn có thể bám lấy nhiều nguồn quyền lực. Động thái đó phải được tiến hành cẩn trọng trong thời điểm bạo loạn nhiễu thương, hoặc khi kẻ thù đầy rẫy. Lúc đó, càng có nhiều sư phụ thì bạn sẽ càng ít rủi ro, nếu không may có sư phụ nào đó qua đời. Thậm chí tình trạng phân tán đó giúp bạn khích họ chống đối nhau. Ngay cả khi tập trung vào một nguồn quyền lực duy nhất, bạn cũng phải dự trù cái ngày mà sư phụ bạn không còn đó để bảo vệ bạn.

Cuối cùng, nếu quá chăm bẵm vào một mục tiêu duy nhất có thể khiến bạn trở thành chán ngấy đến mức phát ốm, đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật. Danh họa Paolo Ucello thời Phục hưng bị phối cảnh ám ảnh quá mức đến độ tranh ông vô hồn và không còn vẻ tự nhiên. Trong khi đó Leonardo da Vinci lại quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau – kiến trúc, hội họa, khí tài, điêu khắc, cơ khí. Chính sự dàn trải mới là nguồn sức mạnh của ông. Nhưng những thiên tài như vậy hiếm lắm, và phần còn lại của nhân loại, trong đó có chúng ta, tốt hơn nên chuyên sâu vào một điểm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.