48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 48: THIÊN HÌNH VẠN TRẠNG



Nếu bạn chọn cho mình một hình thể cố định, một kế hoạch hiển nhiên, xem như bạn vạch áo cho người ta xem lưng. Trái lại, bạn nên luôn chuyển động và thay hình đổi dạng. Hãy chấp nhận thực tế rằng không có gì cố định và không nguyên tắc nào bất di bất dịch. Cách phòng thủ tốt nhất là phải linh hoạt như nước, không có hình thù nhất định. Đừng bao giờ ỷ lại vào tính ổn định hoặc trật tự lâu bên. Mọi thứ đều thay đổi.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Vào thế kỷ XVIII trước công nguyên, các thành bang ở Hy Lạp lớn mạnh đến mức không còn đủ đất đai cho dân số ngày một gia tăng. Họ bèn nhìn ra biển, đi thiết lập thuộc địa ở vùng Tiểu Á, Sicily, bán đảo Italia, ngay cả châu Phi. Nhưng thành Sparta lại bị núi non vây quanh, không có lối trổ ra Địa Trung Hải, nên dân chúng Sparta không phải là dân đi biển. Vì vậy họ buộc lòng phải gây hấn với những thành bang chung quanh, trong một chuỗi những xung đột dữ dội kéo dài hơn trăm năm, với kết quả là họ thu gom được một vùng đất rộng lớn cho cư dân canh tác. Tuy nhiên giải pháp này lại tạo ra bài toán mới: Làm sao giữ vững và duy trì trật tự ở những vùng chiếm đóng? Dân số những vùng ấy đông gấp mười dân Sparta, chắc chắn ngày nào đó sẽ diễn ra trận phục thù khủng khiếp.

Đối cùng, Sparta phải hình thành một xã hội hướng về thuật chiến tranh. Dân Sparta phải mạnh hơn, cứng rắn hơn, hung hãn hơn những người láng giềng. Chỉ có cách này họ mới tiếp tục sống còn và ổn định.

Khi vừa lên bảy, đứa bé trai thành Sparta sẽ bị bắt khỏi gia đình để đưa vào một loại câu lạc bộ quân sự, nơi huấn luyện nó chiến đấu và sinh hoạt theo kỷ luật sắt. Ngủ trên giường cứng lót sậy, chỉ được phát cho một bộ áo ngoài mặc suốt cả năm, không được học hỏi hay thực hành bất kỳ bộ môn văn hóa nghệ thuật nào. Tất nhiên cư dân thành Sparta không được biết đến âm nhạc, và chỉ cho phép bọn nô lệ sản xuất ra những sản phẩm tiểu thủ công nào tối cần cho sinh hoạt. Những kỹ năng duy nhất được dạy là kỹ năng quân sự. Đứa bé nào trông yếu ớt sẽ bị bỏ cho chết đói trong hang động trên núi. Sparta không cho phép bất kỳ hình thức mậu dịch hay tiền tệ nào, vì họ tin rằng tiền tài chỉ gây ra chia rẽ và ích kỷ, làm suy yếu kỷ luật chiến binh. Nguồn thu nhập duy nhất được cho phép là nông nghiệp, hầu hết trên những cánh đồng thuộc sở hữu nhà nước.

Đầu óc đơn giản của cư dân thành Sparta giúp họ hình thành binh chủng bộ binh hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Họ đánh đâu thắng đó, vinh quang nối tiếp vinh quang nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc lập ra đế chế. Họ chỉ muốn giữ vững những gì đã chiếm được, và bảo vệ những vùng đất ấy chống ngoại xâm. Hàng chục năm có thể qua đi mà không xảy ra chút thay đổi nào trong chế độ đã duy trì thành công nguyên trạng của Sparta.

Trong khi đó một thành bang khác cũng lớn mạnh không kém Sparta: Athens. Thành bang này được lợi thế bờ biển, chủ yếu là để giao thương hơn là tạo lập thuộc địa, vì vậy dân Athens trở thành thương nhân tài ba. Không cứng nhắc như Sparta, họ đáp ứng với tình thế thật sáng tạo, thích nghi với điều kiện phát sinh, nhanh chóng tạo ra nhiều hình thức xã hội và nghệ thuật mới. Cộng đồng của họ như dòng chảy triền miên, và khi quyền lực càng tăng thì họ càng trở thành mối nguy cho thành Sparta.

Năm 431 TCN, cuộc chiến âm ỉ từ lâu giữa hai thành bang giờ bùng ra mãnh liệt. Sau 27 năm ác chiến, bộ máy chiến tranh Sparta thắng trận. Giờ đây Sparta có cả một đế chế, và họ không thể nào nằm yên trong vỏ sò nữa.

Sau chiến tranh, tiền của từ Athens đổ vào Sparta. Những chiến binh này chỉ biết cầm gươm chứ không hề có tí ý niệm gì về chính trị hay kinh tế. Sự giàu sang và phong cách sống giàu sang áp đảo họ. Những thống đốc Sparta được cử đi cai quản các vùng đất từng thuộc quyền Athens đều gục ngã trước những hình thức tham nhũng thối nát nhất. Tuy Sparta đã đánh thắng Athens, nhưng cách sống linh động của Athens đã dần xói mòn kỷ cương và trật tự nghiêm khắc của Sparta. Trong khi đó Athens lại thích nghi với tình hình mới, xoay xở phát triển thành một trung tâm văn hóa và kinh tế.

Lúng túng trước sự thay đổi lớn lao, Sparta ngày càng yếu đi. Chỉ chừng 30 năm sau khi thắng Athens, Sparta thất bại trong một trận chí tử với thành Thebes. Hầu hết chỉ đầu hôm sớm mai, thành bang hùng mạnh này sụp đổ để không bao giờ gượng dậy nữa.

Diễn giải

Trong sự tiến hóa của muôn loài, hầu như cái vỏ giáp bảo vệ luôn gây ra tai họa. Mặc dù vẫn có vài trường hợp ngoại lệ, song gần như lúc nào cái vỏ cũng trở thành cái ngõ cụt chí tử cho con vật nào ẩn mình trong đó. Vỏ bọc làm cho chủ nhân nó di chuyển chậm chạp, đi kiếm ăn vất vả hơn, và lại trở thành mồi ngon cho thú săn mồi nhanh nhẹn. Loài thú nào hướng lên trời hay ra biển, loài nào di chuyển mau lẹ và bất thần đều hùng mạnh và an toàn hơn.

Khi phải giải quyết bài toán khó là kiểm soát được dân số đông hơn, Sparta phản ứng như một con thú đang hình thành một cái mai bảo vệ. Giống như loài rùa, Sparta đành hy sinh tính linh hoạt cho sự an toàn. Họ cố gắng xoay xở để giữ vững ổn định suốt ba trăm năm, nhưng với cái giá nào? Ngoài văn hóa chiến tranh ra họ không còn loại văn hóa nào khác, không có nghệ thuật để xoa dịu căng thẳng và lo âu về hiện trạng đất nước. Thắng trận đồng nghĩa với việc phải quản lý thêm nhiều đất đai, điều mà họ không muốn. Thua trận là phải chấm dứt bộ máy quân sự, điều mà họ cũng không muốn nốt. Chỉ có tình trạng bất di bất dịch mới giúp họ sống còn. Nhưng trên thế giới này không có gì ổn định mãi, và cái vỏ sò hoặc chế độ mà bạn triển khai để tự bảo vệ, đến một ngày nào đó sẽ gây tai họa.

Trong trường hợp Sparta, họ không thua binh đội của Athens, mà thua tiền bạc của Athens. Tiền bạc sẽ chảy về bất cứ nơi nào thu hút nó và gieo rắc hỗn loạn. Về lâu về dài, tiền bạc biến Athens thành người chinh phục, bằng cách xâm nhập chế độ Sparta và xói mòn chiếc áo giáp bảo vệ. Trong cuộc chiến giữa hai chế độ, Athens đủ linh hoạt và sáng tạo để thay hình đổi dạng, trong khi Sparta chỉ càng lúc càng cứng rắn cho đến khi rạn nứt.

Đó là cách mà thế giới này vận hành, cho dù đó là loài vật, văn hóa, hay cá nhân con người. Đối mặt với sự khắc nghiệt và những hiểm nguy của thế giới, loài sinh vật nào cũng phát triển hệ thống bảo vệ – một lớp giáp, một chế độ cứng rắn, một nghi thức vỗ an. Tuy có thể hiệu quả trước mắt, song về lâu về dài sẽ gây tai họa. Nhân dân đang còng lưng dưới ách một chế độ và những phương cách vận hành cứng rắn sẽ không thể chuyển động nhanh nhạy, không thể cảm nhận hoặc thích nghi với đổi thay. Họ sẽ ì ạch lòng vòng ngày càng chậm dần cho đến khi bước vào lối mòn tự diệt của loài khủng long. Hãy học cách thích nghi và linh động, nếu không bạn sẽ không thể sống sót.

Cách hay nhất là phải biến thiên hình vạn trạng. Không có loài săn mồi nào có thể tấn công nếu chúng không thể phát hiện ra ta.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Khi Thế chiến II kết thúc và quân Nhật bị đánh đuổi khỏi Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch lãnh đạo phe Dân quốc quyết tâm tiêu diệt phe Cộng sản.

Vào năm 1935 họ gần như thành công khi dồn phe Cộng sản vào cuộc Trường chinh đầy gian lao. Tuy phục hồi được phần nào trong lúc thời kỳ chống Nhật, nhưng lực lượng Cộng sản vẫn còn rất yếu. Họ chỉ kiểm soát vài vùng hẻo lánh miền quê, vũ khí của họ thô sơ, không được huấn luyện quân sự chính quy, không làm chủ được phần lãnh thổ quan trọng nào ngoài vùng Mãn Châu sau khi quân Nhật rút lui. Chính nơi này mà Tưởng quyết tập trung lực lượng ưu tú nhất để tấn công. Ông dự định tiến chiếm các đô thị chủ chốt, rồi từ đó bành trướng khắp vùng công nghiệp phía Bắc, quét sạch quân Cộng sản. Mất Mãn Châu, Cộng sản sẽ sụp đổ.

Trong hai năm 1945 và 1946 kế hoạch vận hành hoàn hảo: Phe Dân quốc dễ dàng chiếm đóng các thành phố chủ chốt ở Mãn Châu. Quân Cộng sản tháo lui về những vùng sâu vùng xa khó vươn tới. Nhưng từ đó, nhiều toán lính nhỏ của họ lại liên tục quấy nhiễu quân đội Dân quốc, phục kích lẻ tẻ, nhanh chóng rút lui, không bao giờ liên kết lại thành một đoàn quân đông đảo nên rất khó tiến đánh. Quân Cộng sản chiếm một thị trấn nào đó chỉ vài tuần rồi lại bỏ ngỏ. Không có tiền quân lẫn hậu quân, họ chuyển động như thể thủy ngân, không bao giờ ở lâu một chỗ, thoạt ẩn thoạt hiện.

Phe Dân quốc quy thái độ đó cho hai việc: Hèn nhát không dám đương đầu với đại quân và không có kinh nghiệm chiến lược. Lãnh tụ Cộng sản Mao Trạch Đông hình như làm thơ và triết lý giỏi hơn điều binh khiển tướng, trong khi Tưởng[13] đã tốt nghiệp khoa quân sự tại phương Tây, đồng thời là môn đồ thuần thành của nhà tư tưởng quân sự lừng danh Carl von Clausewitz.

Tuy nhiên dần dà cách đánh của Mao cũng thành hình. Sau khi phe Dân quốc chiếm đô thị và để cho quân Cộng sản giữ vùng được xem là vô dụng của Mãn Châu, thì người Cộng sản lại bắt đầu sử dụng không gian rộng lớn ấy để bao vây đô thị. Nếu Tưởng phái một đội quân di chuyển từ thị trấn này sang tăng viện thị trấn khác, phe Cộng sản sẽ chọc sườn đội quân ấy. Lực lượng Dân quốc dần dà bị manh mún thành khúc nhỏ và cô lập, bị cắt đứt quân nhu và liên lạc. Hỏa lực Dân quốc vẫn còn rất mạnh, nhưng nếu không di chuyển được thì ích lợi gì?

Quân Dân quốc bắt đầu lo sợ. Những người chỉ huy họ đang an toàn cách xa mặt trận có thể cười nhạo Mao, nhưng bản thân họ từng trực tiếp đối đầu với quân Cộng sản trên núi nên biết sợ tài xuất quỷ nhập thần. Giờ đây họ lại bị kẹt cứng trong thành phố, thấy rõ quân thù di chuyển như chớp, linh động như những dòng nước từ mọi phía tràn về. Hình như họ đông cả triệu người. Hơn nữa phe Cộng sản còn vây hãm tinh thần phe Dân quốc bằng hình thức tuyên truyền, kêu gọi họ đào ngũ.

Từ trong tâm trí, phe Dân quốc đã muốn đầu hàng rồi. Nhiều đô thị bị bao vây và cô lập đã sụp đổ trước khi bị tấn công trực tiếp nên nhanh chóng thất thủ. Tháng 11 năm 1948, quân đội Dân quốc đầu hàng phe Cộng sản – một đòn nhục nhã cho đội quân mạnh hơn hẳn về mặt kỹ thuật, một đòn mang tính quyết định trong cuộc chiến tay đôi đó. Sang năm sau, phe Cộng sản kiểm soát toàn bộ Trung Quốc.

Diễn giải

Hai loại cờ gần giống chiến lược quân sự nhất là cờ vua và cờ vây[14] Á châu. Bàn cờ vua thì nhỏ, và nếu so với cờ vây thì cờ vua tấn công tương đối nhanh hơn, buộc hai bên phải ra đòn quyết đoán. Cờ vây chơi trên bàn lớn hơn, với 361 đường giao nhau, với vị thế gần gấp sáu lần so với cờ vua. Hai bên luân phiên đặt những quân cờ đen và trắng ở những chỗ giao nhau, với mục đích là cô lập quân cờ đối phương.

Được Trung Quốc gọi là cờ vây, một ván cờ vây có thể có đến 300 bước di chuyển, với chiến lược linh động và tinh vi hơn cờ vua, chầm chậm triển khai. Đường thế ban đầu do quân cờ của ta tạo ra càng phức tạp thì đối phương càng khó đoán chiến lược. Giành quyền kiểm soát một khu vực trên bàn cờ là chuyện không đáng, trái lại ta phải biết nghĩ trên bình diện rộng hơn, sẵn sàng hy sinh con tép để bắt hết mẻ cá. Điều ta cần không phải là cố thủ mà phải là tính lưu động. Những quân cờ di động sẽ cô lập đối phương vào từng vùng nhỏ. Mục tiêu không phải là trực tiếp giết quân đối phương như ở cờ vua, mà gài đối phương vào thế tê liệt để hắn chết cứng. Cờ vua thì tuyến tính, chuộng vị trí, tấn công hung hăng. Cờ vây thì phi tuyến tính và linh hoạt, tấn công gián tiếp cho đến cuối ván cờ, khi người chiến thắng sẽ bao vây các quân cờ của đối thủ bằng một nhịp độ tăng dần.

Các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc chịu ảnh hưởng cờ vây từ nhiều thế kỷ nay. Mao Trạch Đông thường chơi môn cờ này và vận dụng ý niệm cờ vào chiến lược. Chẳng hạn một ý niệm chủ chốt là bành trướng hết diện tích của bàn cờ theo nhiều hướng, để đối thủ không thể lường hết được ý đồ của ta theo kiểu tuyến tính.

Mao khuyến khích các binh đoàn của ông đánh theo kiểu cờ vây, sao chi địch không thể đoán trước ý định hoặc hướng điều binh. Địch sẽ mất thì giờ truy đuổi, hoặc như Tưởng Giới Thạch, ông ta đánh giá thấp đối phương nên lơi lỏng phòng vệ. Và nếu làm theo học thuyết Tây phương là tập trung vào từng vùng duy nhất, ông ta sẽ trở thành cái bia bất động để đối phương bao vây. Cách đánh theo kiểu cờ vây là vây hãm đầu óc đối thủ, dùng chiến tranh tâm lý, tuyên truyền vận động, cùng với các chiến thuật khiêu khích để làm đối phương rối ren mà xuống tinh thần. Quân đội Cộng sản của Mao cũng áp dụng chiến lược như thế – thiên hình vạn trạng, khiến đối phương rối trí và kinh hãi.

Trong khi cờ vua thì tuyến tính và trực tiếp, cờ vây gắn với loại chiến lược thích nghi với thế giới ta đang sống, nơi những trận đánh được thực hiện gián tiếp hơn, trên những bình diện rộng lớn và kết nối lỏng lẻo với nhau. Nơi đó, các chiến lược trừu tượng và đa chiều, hoạt động ở quy mô ngoài không gian và thời gian: Quy mô trí não của nhà chiến lược. Hình thức chiến đấu linh hoạt này ưu tiên cho sự chuyển động hơn là vị trí. Tốc độ và sự uyển chuyển khiến đối thủ không lường trước bước di chuyển của ta. Và khi không thể nắm được ý đồ, địch sẽ không đề ra được chiến lược nào để chống lại. Vậy ta cứ biến thiên như sương khói, không chừa một khía cạnh cụ thể nào cho địch đánh. Trong khi cố gắng truy đuổi và suy đoán để thích nghi vơi tính chất bảng lảng của ta, địch sẽ từ từ suy kiệt.

Khi ngươi muốn đánh, ta không chừa cơ hội và ngươi không tìm thấy ta. Nhưng khi muốn đánh ngươi, ta đã chắc rằng ngươi không thể lảng tránh và ta đánh dứt khoát… càn quét ngươi… Địch tiến thì ta lùi, địch hạ trại thì ta quấy nhiễu, địch suy yếu ta tấn công, địch tháo lui ta truy đuổi.

(Mao Trạch Đông, 1893-1976)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Động vật người khác với loài thú nhờ luôn sáng tạo ra nhiều hình thức mới. Ít khi biểu hiện cảm xúc một cách trực tiếp, loài người diễn tả qua ngôn ngữ, hoặc qua những nghi thức xã hội được chấp nhận. Chúng ta không thể chia sẻ cảm xúc mà không thông qua một hình thức.

Song các hình thức mà ta tạo ra lại luôn thay đổi – trong thời trang, phong cách, ở những nơi nào thể hiện tâm trạng đương đại. Chúng ta luôn thay đổi những hình thức thừa hưởng được từ các thế hệ trước, và đó là dấu hiệu của sự sống và sức sống. Tất nhiên những thứ nào không thay đổi, những hình thức nào hóa xơ cứng, ta có cảm giác như chúng đã chết và ta diệt bỏ chúng. Giới trẻ biểu lộ điều đó rõ rệt nhất: Không chấp nhận những hình thức mà xã hội áp đặt, tính cách của họ lại chưa hình thành, giới trẻ thử nghiệm với những đặc điểm của riêng mình, qua một số mặt nạ và tư thế để tự khẳng định. Đó chính là sức sống vận hành động cơ của hình thức, tạo ra những thay đổi thường xuyên trong phong cách.

Hồi còn trẻ, người tài ba thường bộc lộ sáng tạo khi sử dụng một hình thức mới để biểu lộ một cái mới. Xã hội xem họ là kẻ quyền lực bởi vì xã hội cần có cái mới và tưởng thưởng cái mới. Vấn đề chỉ phát sinh sau này, khi những người tài ba đó lớn tuổi hơn, trở nên bảo thủ và ích kỷ. Lúc ấy họ không còn mơ ước tạo ra cái mới, tính cách họ đã hình thành, thói quen đã đóng băng, và sự xơ cứng biến họ thành những mục tiêu dễ triệt hạ. Ai cũng đoán được nước cờ họ sắp thực hiện. Thay vì được nể phục họ lại khiến mọi người nhàm chán: Bước xuống sân khấu đi! Mọi người bảo, nhường chỗ cho người khác, cho ai đó trẻ hơn. Khi bị quá khứ giữ chân, kẻ quyền lực trông khôi hài làm sao – họ là những trái quả chín, chực chờ rơi rụng.

Quyền lực chỉ có thể phát triển qua các hình thức linh động. Chương này khuyên bạn không nên giữ mãi một hình dạng rõ rệt, như thế không có nghĩa là bạn phải có một hình dạng nhất định, bởi cái gì cũng có hình dáng cả, không thể nào không. Ở đây, ta khẳng định rằng sự vô định hình của quyền lực trông giống như nước, hoặc thủy ngân, sẽ mang dáng vóc của vật chứa. Luôn thay đổi nên luôn bất ngờ. Người quyền lực luôn tạo ra hình thể mới, và quyền lực họ phát xuất từ tốc độ thay đổi. Vô định hình là vô định hình đối với sự quan sát của kẻ thù, để chúng không thể thấy bất kỳ điều gì nhất định mà nhắm vào. Đó là tư thế đầu tiên của quyền lực: Địch không thể lường, không thể nắm bắt, vì ta vô định và chớp nhoáng như thần Mercury, vị thần có khả năng thiên hình vạn trạng và sử dụng khả năng này để đại náo thiên đình trên đỉnh Olympus.

Con người tiến hóa về hướng trừu tượng, ngày càng thiên về tinh thần hơn vật chất. Hướng tiến hóa này rõ rệt ở lĩnh vực nghệ thuật, và cũng có thể thấy ở bình diện chính trị, vốn càng lúc càng bớt hung bạo công khai, nhưng tăng tính phức tạp, gián tiếp và đầu óc. Chiến tranh và chiến lược cũng phải theo khuynh hướng này. Chiến lược ngày nay không còn là điều binh khiển tướng trong không gian quy ước nữa, mà tận dụng những ngõ ngách của bộ óc con người.

T.E. Lawrence có lẽ là nhà chiến lược hiện đại đầu tiên triển khai lý thuyết trừu tượng trong chiến tranh du kích. Ý tưởng của Lawrence đã ảnh hưởng đến Mao. Lawrence chung sức với người Ả Rập để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông muốn chiến binh Ả Rập có khả năng hòa lẫn vào sa mạc mênh mông, không tụ tập về một điểm nhất định để trở thành mục tiêu cho đại quân Thổ. Khi phe Thổ vội vàng tiến đánh đạo quân ma ấy, họ chỉ tiêu tốn sức lực lùng sục khắp nơi. Tuy hỏa lực họ mạnh hơn, nhưng quân Ả Rập chơi trò mèo vờn chuột, khiến phe Thổ không biết đường nào mà lần, dần dà đâm hoang mang. “Hầu hết các cuộc chiến đều mang tính chạm trán… Cuộc chiến của chúng ta phải mang tính hợp tan,” Lawrence viết. “Chúng ta phải ngăn chặn địch bằng mối đe dọa câm lặng của sa mạc mênh mông bí ẩn, phải đợi đến lúc ta tiến công thì địch mới biết ta ở chỗ nào.”

Trong một thế giới mà chiến tranh gián tiếp đang được thời, thì tính vô định hình, nghĩa là thiên hình vạn trạng, là điều chí cốt.

Yêu cầu tâm lý đầu tiên cho tính vô định hình là với những việc xảy ra, ta đừng xem đó là xúc phạm cá nhân. Đừng bao giờ để cho địch thấy bất kỳ dấu hiệu thủ thế nào. Vì khi thủ thế, ta sẽ để lộ cảm xúc, xem như hiện nguyên hình. Lúc ấy đối thủ biết họ đã đánh trúng chỗ nhược của ta, dạng như gót chân của Achilles, từ đó về sau họ cứ nhắm vào đấy mà đánh tiếp. Vì vậy ta hãy rèn luyện tâm lý đừng xem việc gì là cá nhân cả. Đừng bao giờ nổi giận khi người khác cố tình chọc giận. Hãy biến gương mặt ta thành cái mặt nạn vô định, lúc đó chính đối phương mới nổi đóa và mất phương hướng.

Nam tước James Rothschild đã sử dụng chiêu này rất xuất sắc. Là người Đức gốc Do Thái sống trong môi trường bài ngoại ở Paris, ông không bao giờ xem sự xúc phạm nào đó là hướng vào cá nhân mình, và ông cũng không bao giờ cho thấy là ông bị xúc phạm. Ngoài ra ông còn tự thích ứng với thời tiết chính trị, cho dù thời tiết ấy ra sao – thời kỳ Phục hồi quân chủ cứng nhắc của Louis XVIII, triều đại mang tính tư sản của Louis-Philippe, cách mạng dân chủ 1848, kẻ mới phất Louis-Napoléon lên ngôi năm 1852. Rothschild đều chấp nhận hết, rồi hòa mình vào thời đại. Người ta bảo ông đạo đức giả hoặc cơ hội cũng mặc, vì điều khiến ông được ưa chuộng là tài sản chứ không phải quan điểm chính trị. Tài sản của ông đã trở thành thứ tiền tệ của quyền lực. Ông cứ ung dung thích nghi và phát đạt mà không bao giờ để lộ ra bất kỳ hình thù gì, trong khi những gia tộc cao sang khác, tuy giàu nứt đố đổ vách hồi đầu thế kỷ, nhưng sau đó là tán gia bại sản vì thời vận thay đổi thật khó lường. Vì vẫn vấn vương với quá khứ nên họ đã ít nhiều hiện ra một hình thức nhất định.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, phong cách vô định hình được ứng dụng nhiều hơn hết bởi những nữ hoàng trị vì một mình. Chức vị nữ hoàng khác biệt cơ bản với một ngai vua. Là một phụ nữ, bà sẽ bị quần thần nghi ngờ khả năng cai trị và sức mạnh tinh thần. Nếu chiếu cố một phe trong cuộc chiến ý thức hệ, bà sẽ bị chê là hành động theo cảm xúc. Nhưng nếu đè nén cảm xúc để đóng trọn vai độc tài theo kiểu đàn ông, bà vẫn sẽ bị chỉ trích. Vì vậy có lẽ do bản chất hoặc kinh nghiệm, các nữ hoàng có khuynh hướng cai trị mềm dẻo, mà rốt cuộc đã chứng tỏ là hữu hiệu hơn hình thức trị vì thẳng thừng và nam tính.

Hai điển hình của phong cách trị vì vô định hình là Nữ hoàng Elizabeth nước Anh và Nữ hoàng Catherine Vĩ đại nước Nga. Khi nổ ra cuộc chiến tàn bạo giữa hai phe Tin Lành và Công giáo, Elizabeth chọn lối trung đạo. Bà không liên minh với phe nào, mà chỉ cố duy trì hòa bình đến khi đất nước đủ mạnh để đương đầu với chiến tranh. Triều đại của bà là một trong những triều đại vinh quang nhất lịch sử nhân loại, nhờ khả năng thích nghi xuất chúng và ý thức hệ mềm dẻo của bà.

Catherine nước Nga cũng triển khai một cách cai trị ứng hóa. Sau khi chồng bà là Hoàng đế Peter II bị hạ bệ, bà nắm toàn quyền cai quản đất nước và tất cả mọi người cho rằng bà không thể nào sống sót. Nhưng bà không có tiên kiến, không dựa vào triết lý hay lý thuyết nào để chỉ đạo các chính sách. Mặc dù là kẻ ngoại bang (quê hương ở Đức) nhưng bà nắm rõ tâm trạng người Nga, biết được tâm trạng ấy đã thay đổi như thế nào qua năm tháng. “Ta phải trị vì như thế nào để cho nhân dân nghĩ rằng chính họ muốn thực hiện những gì mà ta bảo họ thực hiện,” bà nói, và bà làm được điều đó bằng cách đón trước những mong ước của nhân dân, đồng thời thích nghi với những gì họ không muốn. Không bao giờ ra tay mạnh bạo ép uổng điều gì, Catherine Vĩ đại đã cải cách được nước Nga trong thời gian vô cùng ngắn.

Cách cai trị vô định hình và nữ tính ấy có thể là cách để người quyền lực thành công qua những thời kỳ khó khăn, và lại rất dễ chịu với những thân dân dưới chế độ ấy. Với cách cai trị mềm mỏng, thần dân dễ vâng lời, vì cảm thấy ít bị áp bức, ít bị o ép theo ý thức hệ của kẻ trị vì. Cách cai trị như thế cũng mở ra một số tùy chọn, vốn không thể có nếu chế độ cứ bám riết một học thuyết. Thoạt đầu, các chính phủ cứng rắn có vẻ hùng mạnh, nhưng về lâu về dài sự cứng rắn ấy sẽ mài mòn thần kinh, khiến nhân dân sẽ tìm cách đuổi cổ chính phủ ấy. Tuy dễ bị chỉ trích song chính phủ mềm dẻo và vô định hình sẽ bền vững, và cuối cùng nhân dân sẽ thấy chính phủ với mình là một, bởi vì chính phủ ấy thay đổi theo luồng gió mới, cởi mở với hoàn cảnh mới.

Cho dù có phải chịu ít nhiều xáo trộn và trở ngại, song cách cầm quyền cởi mở cuối cùng thường vẫn thắng giống như Athens cuối cùng rồi cũng thắng Sparta bằng tài chính và văn hóa. Khi lâm vào thế đối đầu với một địch thủ hùng mạnh và cứng rắn hơn, ta nên để chúng tạm thắng ván đầu. Ta hãy vờ tuân thủ sức mạnh của chúng. Sau đó bằng khả năng thích nghi và vô định hình, ta dần xâm nhập vào tâm hồn chúng. Như vậy ta sẽ ra tay khi chúng mất cảnh giác, bởi kẻ cứng nhắc luôn sẵn sàng chống đỡ được những đòn trực tiếp nhưng lại bất lực trước những gì tinh vi và ngấm ngầm. Muốn vậy ra phải giỏi chơi trò tắc kè đổi màu – ngoài mặt thì tuân thủ, nhưng bên trong lại ngấm ngầm hủy diệt.

Suốt nhiều trăn năm, người Nhật chừng như chấp nhận kẻ ngoại bang một cách hòa nhã, chừng như dễ chấp nhận ảnh hưởng văn hóa nước ngoài. Joao Rodriguez, một tu sĩ Bồ Đào Nha từng đến và sống nhiều năm ở Nhật hồi thế kỷ XVI đã ghi trong nhật ký rằng ông hết sức ngạc nhiên khi thấy người Nhật có thiện chí thử nghiệm và chấp nhận bất kỳ điều gì của Bồ Đào Nha. Ông chứng kiến người Nhật mặc quần áo kiểu Bồ Đào Nha dạo phố, cổ đeo tràng hạt và thập giá bên hông. Nền văn hóa Nhật có vẻ như yếu đuối và dễ thay đổi, song khả năng thích nghi ấy thật ra đã tránh cho đất nước không bị áp đặt một nền văn hóa xa lạ, được mang tới bởi sự xâm lăng quân sự. Chính thái độ khôn ngoan ấy làm cho Bồ Đào Nha và các nước Tây phương khác tưởng rằng Nhật Bản khuất phục trước nền văn hóa kẻ cả, trong khi thật ra người Nhật chỉ xem đó là thứ thời trang để chơi qua rồi bỏ. Bên dưới lớp bề mặt hòa hợp đó, nền văn hóa Nhật Bản vẫn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu trước đó người Nhật có thái độ cứng nhắc đối với ảnh hưởng ngoại bang và cố tẩy chay, có thể họ sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất kiểu như phương Tây đã giáng cho Trung Quốc. Đó mới là sức mạnh của tính vô định hình – kẻ xâm lược không có điều chi cụ thể để vin vào, để đánh đổ.

Ở lĩnh vực tiến hóa, thường khi chính sự to xác lại là bước đầu dẫn đến diệt chủng. Động vật nào to đùng, húp híp thì không linh hoạt, mà lại phải luôn nghĩ đến việc thỏa mãn cái bao tử. Trong cuộc sống, người thiếu suy nghĩ thường lầm tưởng rằng kích cỡ đồng nghĩa với quyền lực, càng to càng mạnh.

Năm 483 TCN, vua Xerxes của Persia xâm lược Hy Lạp, tin rằng mình dễ dàng chinh phục nước này chỉ với một chiến dịch. Suy cho cùng thì ông đang lãnh đạo một đội quân hùng mạnh nhất cho một lần xâm lược – sử gia Herodotus ước lượng đạo quân đó có hơn năm triệu người. Xerxes dự định xây một chiếc cầu băng qua vùng Hellespont để từ Tiểu Á tràn qua Hy Lạp, song song, lực lượng hải quân Persia hùng mạnh sẽ phong tỏa tàu bè Hy Lạp không cho thoát thân. Kế hoạch nghe quá hay, nhưng khi nhận được thông tin này, quân sư Artabanus đến khuyên can Xerxes: “Hai thế lực mạnh nhất thế giới này đang chống lại bệ hạ.” Xerxes cả cười, hỏi thế lực nào dám đương đầu với đạo quân năm triệu người như thế? Artabanus cẩn trọng tâu rằng đó chính là đất liền và biển cả. Theo quân sư, quanh vùng hoàn toàn không có một cảng nào đủ lớn để chứa hết đoàn thủy quân đông đảo của Persia. Ngoài ra hễ chiếm càng nhiều đất đai thì hệ thống quân nhu hậu cần càng cồng kềnh và phức tạp, xác suất rủi ro trong việc nuôi quân sẽ càng to lớn.

Cho rằng quân sư chỉ là thứ hèn nhát, Xerxes ra lệnh tiến công. Quả nhiên như Artabanus đã tiên đoán, thời tiết xấu đã quét sạch hải quân Persia, vốn quá lớn nên không thể trú bão trong bất kỳ hải cảng nào. Trong khi đó trên bộ thì quân Persia đi đến đâu tàn sát đến đó, kể cả mùa màng lương thực nên bộ phận hậu cần không kịp nuôi quân. Ngoài ra đại đoàn quân cồng kềnh chậm chạp ấy còn là một mục tiêu dễ bị phát hiện và triệt hạ. Người Hy Lạp dùng đủ mọi mánh khóe khiến quân Persia mất phương hướng. Cuối cùng Xerxes bị quân đồng minh của Hy Lạp đánh tan không còn manh giáp.

Câu chuyện vừa kể là điển hình của những người chuộng kích thước hơn là tính linh hoạt.

Càng già đi, chúng ta lại cần phải tăng cường tính vô định hình, vì lúc đó ta có khuynh hướng xơ cứng. Ý nghĩ và hành động của ta bị những người xung quanh đoán trước, và đó là dấu hiệu đầu tiên của sự lụm khụm già nua. Và chính vì vậy dưới mắt họ ta có vẻ khôi hài. Mặc dù sự chế giễu và khinh thường có thể chỉ là hình thức tấn công nhẹ nhàng thôi, nhưng thật ra những thái độ đó đều là vũ khí sát thương, và về lâu về dài sẽ xói mòn nền tảng quyền lực. Một kẻ thù dám coi thường ta rồi thì sẽ càng táo bạo hơn, và tính táo bạo làm cho con thú nhỏ nhất cũng trở thành nguy hiểm.

Triều đình Pháp hồi cuối thế kỷ XVIII, mà Marie Antoinette là gương mặt điển hình, đã bám quá chặt vào những thủ tục cứng nhắc vô phương cứu chữa, đến nỗi nhân dân Pháp xem đó là thứ di tích xấu xa. Thái độ chê bai một định chế hàng trăm năm tuổi là dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh nan y đến thời kỳ cuối. Tình hình càng tệ hại thì hai vợ chồng Marie Antoinette và Louis XVI lại càng bám riết quá khứ, và do đó phải lên đoạn đầu đài.

Vua Charles I nước Anh cũng phản ứng tương tự trước đợt triều đổi mới dân chủ hồi thập niên 1630: Ông giải tán Nghị viện, trong khi các nghi thức trong triều càng lúc càng mang tính hình thức và xa rời quần chúng. Chính sự cứng nhắc này càng làm sôi sục quyết tâm thay đổi của nhân dân. Không lâu sau nội chiến xảy ra và tất nhiên cái đầu của ông không thể nằm yên ở vị trí quen thuộc.

Vì vậy càng lớn tuổi thì ta nên bớt dựa vào quá khứ. Hãy cảnh giác, nếu không, tính cách cứng nhắc sẽ khiến ta trông giống như di hài. Không hẳn ta phải bắt chước thời trang giới trẻ – vì như vậy cũng thật buồn cười. Thật ra điều ta nên làm là thường xuyên thích nghi với hoàn cảnh, với sự đổi thay không thể tránh: Ta phải tránh qua một bên nhường chỗ cho giới trẻ đang lên. Sự cứng nhắc chỉ làm ta trông giống như xác ướp.

Tuy vậy ta cũng đừng quên rằng sự vô định hình cũng chỉ là một tư thế chiến lược mà thôi. Nhờ đó ta có đất để tạo ra nhiều điều bất ngờ chiến thuật, giữ được quả bóng trên sân ta, đặt đối phương vào tình thế không được hành động mà phải chờ đợi để đáp trả, xem như mọi hoạt động gián điệp hay tình báo của họ là vô nghĩa. Vậy bạn hãy nhớ: Sự vô định hình chỉ là dụng cụ. Đừng nhầm nó với thái độ trôi theo dòng đời, hoặc với chữ nhẫn mà tôn giáo khuyên ta áp dụng khi vận hội đổi thay. Ta sử dụng tính vô định hình không phải để được an hòa nội tại, mà bởi vì nó tăng cường sức mạnh.

Cuối cùng, tập thích nghi với mỗi hoàn cảnh nghĩa là nhìn các sự kiện xảy ra bằng nhãn quan của mình, và phớt lờ những lời khuyên mà thiên hạ hay thêm thắt. Nói cách khác, cuối cùng thì ta phải bỏ ngoài tai các nguyên tắc mà người khác rao giảng, những quyển sách mà họ viết ra để dạy ta phải làm gì, bỏ luôn sự cố vấn của người đi trước. “Các nguyên tắc chi phối tình hình đều bị bãi bỏ bởi tình hình mới”, Napoléon viết, và rõ ràng chính ta là người đánh giá tình huống mới phát sinh. Chứ nếu cứ quan tâm đến những gì người khác nói, thì cuối cùng ta sẽ hình thành nên một thứ không phải do mình tạo ra. Quá cả nể sự hiểu biết của người khác sẽ làm ta xem thường sự hiểu biết của chính mình. Ta cứ mạnh tay với quá khứ, đặc biệt là quá khứ của chính ta, và cứ phớt lờ mọi triết lý từ ngoài thọc vào.

Hình ảnh:

Thần Thủy ngân. Người đưa tin có cánh, vị thần của thương mại, ông tổ giới đạo chích, cờ bạc, và thầy lừa nhanh tay. Ngay hôm được sinh ra, thần Thủy ngân đã sáng tạo ra đàn lia, đến tối hôm đó đã đánh cắp trâu bò của thần Apollo. Thần Thủy ngân biến thiên hình vạn trạng đi khắp thế gian. Tựa như thứ chất lỏng đặt theo tên ông, thần Thủy ngân là hiện thân của điều không thể nắm bắt – quyền lực của tính vô định hình.

Ý kiến chuyên gia:

Vì vậy đỉnh cao của việc dàn quân là đạt tới tính vô định hình. Trong chiến tranh, chiến thắng không mang tính lặp đi lặp lại, mà phải vô tận thích ứng…

Lực lượng quân sự không có sự bố trí thường hằng, nước không có hình thể bất biến: Khả năng chiến thắng bằng cách thay đổi và thích ứng với đối phương được gọi là thiên tài.

(Tôn Tử, thế kỷ IV trước công nguyên)

NGHỊCH ĐẢO

Sử dụng không gian để tạo ra và dàn mỏng một mô hình trừu tượng không có nghĩa là bỏ đi sự tập trung sức mạnh đang có lợi thế cho ta. Tính vô định hình làm cho địch phải nhớn nhác tìm xem ta ở đâu, từ đó phân tán sức mạnh của chúng về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nhưng một khi đến hồi chạm trán, ta phải đánh một đòn thật tập trung và dũng mãnh. Đó là cách làm của Mao để chiến thắng phe Dân quốc: Bẻ gãy lực lượng địch thành từng đơn vị nhỏ và cô lập, dễ dàng bị tiêu diệt bằng tiến công vũ bão. Ở đây nguyên tắc tập trung chiếm ưu thế.

Khi áp dụng tính thiên hình vạn trạng, ta phải quán xuyến tiến trình, và luôn tham chiếu đến chiến lược dài hơi. Đến khi chọn được một hình thức để tấn công, ta phải sử dụng sức tập trung, tốc độ và sức mạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.