48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 35: CHỌN ĐÚNG THỜI CƠ



Đừng bao giờ ra vẻ vội vã vì như thế chứng tỏ ta không làm chủ bản thân, không làm chủ thời gian. Luôn tỏ ra kiên nhẫn, như thể biết trước mọi việc sẽ diễn ra theo ý ta. Hãy phát hiện thời điểm thích hợp, đánh hơi được thời thế, được xu hướng nào đưa ta đến quyền lực. Hãy biết thoái bộ nếu thời điểm chưa chín muồi, và biết giáng đòn sinh tử khi cơ hội tới.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Vào đời chỉ là một thầy giáo xoàng, Joseph Fouché lang thang từ thị trấn này sang thị trấn khác suốt gần hết thập niên 1780 để dạy toán cho trẻ nhỏ. Tiếng là thầy giáo trường dòng nhưng ông ta không là giáo sĩ và chưa bao giờ thệ nguyện đi tu – vì ông nuôi mộng lớn hơn. Kiên nhẫn chờ thời, ông để ngỏ cho mọi tùy chọn. Và khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789, Fouché biết thời cơ ấy đã đến: Rủ bỏ áo tu, để tóc thật dài, đầu hôm sớm mai ông ta trở thành dân cách mạng. Bởi vì đó là xu thế thời đại. Kết thân với lãnh tụ cách mạng Robespierre, ông ta nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ những người nổi loạn. Năm 1972, thành Nantes chọn Fouches làm đại biểu tại Nghị hội Ước pháp.

Vừa đến Paris nhận ghế đại biểu, Fouché chứng kiến mối bất hòa giữa hai phe trung dung và Jacobin cấp tiến. Ông biết rằng về lâu về dài sẽ không có phe nào chiến thắng. Quyền lực ít khi nào về tay những ai khởi đầu một cuộc cách mạng, thậm chí cả những người triển khai cuộc cách mạng cũng không. Quyền lực sẽ thuộc về những thành phần nào biết kết thúc. Đó là phe mà Fouché chọn để theo.

Kế hoạch thời gian của ông thật kỹ lưỡng: Khởi đầu là thành phần trung dung, bởi vì lúc ấy phe trung dung là đa số. Tuy nhiên khi đến lúc phải bàn bạc xem có nên xử trảm vua Louis XVI, Fouché thấy nhân dân đều muốn đầu rơi, vì vậy ông bỏ lá phiếu quyết định cho án tử hình. Lúc này ông lại thuộc về phe cực đoan. Nhưng khi tình thế càng lúc càng căng ở Paris, Fouché đánh hơi được mối nguy cho những ai quan hệ thân thiết với bất kỳ phe nào, vì vậy ông ta chọn bài chuồn về tỉnh lẻ để chơi màn ẩn dật.

Một thời gian sau ông lại được bổ nhiệm làm chức sắc ở Lyon. Tại đây, một lần nữa đánh hơi được thời thế, sau khi chứng kiến hàng chục nhà quý tộc bị tử hình, Fouché kêu gọi tạm ngưng chém giết – và mặc dù tay hãy còn tươi máu, ông vẫn được cư dân Lyon hoan hô như một vị cứu tinh đối với phong trào khủng bố La Terreur thời bấy giờ.

Nhưng đến năm 1794 thì “người bạn cũ” Robespierre triệu hồi Fouché lập tức về kinh để giải trình những điều đã làm ở Lyon. Chưa vội “tuân chỉ”, Fouché âm thầm vận động quần chúng, nhất là những ai đã quá chán ngán quyền lực độc tài của Robespierre. Fouché câu giờ một cách tinh vi, biết rằng càng kéo dài thời gian của mình thì sẽ thêm nhiều cơ may hô hào nhân dân đoàn kết chống lại nhà độc tài. Lợi dụng việc mọi người kinh hãi Robespierre, Fouché quy tụ được cả hai phe trung dung và Jacobin. Thời cơ chín muồi vào tháng 7 năm đó: Tranh thủ lúc Robespierre đang đọc diễn văn, quần chúng bất thần tiến lên bắt giữ và vài ngày sau xử trảm hắn.

Suốt vài năm sau đó, Fouché chủ động thu nhỏ bề thế của mình lại, đợi đến thời điểm thích hợp ông mới tiếp cận ban chấp chính Directoire, thuyết phục họ để cho ông ứng dụng sở trường của mình: thu thập thông tin tình báo. Nhờ hoàn thành xuất sắc mọi công tác được giao, đến năm 1799 ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an. Giờ đây không chỉ được nắm quyền lực, mà Fouché còn tăng cường được khả năng đánh hơi khắp mọi miền nước Pháp để xem gió thổi chiều nao. Một trong những khuynh hướng chủ đạo mà ông khám phá xuất phát từ một vị tướng trẻ mang tên Napoléon. Chính vì vậy khi vị tướng này đảo chánh vào ngày 9.11.1799, viên bộ trưởng công an lấy cớ là ngủ quên nên không can thiệp vào. Và Fouché ngủ suốt nguyên ngày hôm ấy. Cảm kích sự giúp đỡ gián tiếp đó nên sau khi lên nắm quyền, Napoléon cho ông ta tiếp tục giữ chức bộ trưởng công an.

Những năm tiếp theo, Napoléon càng tin cậy Fouché, thậm chí còn phong tước và ban bổng lộc. Khi Napoléon tấn công Tây Ban Nha, Fouché biết sư phụ đã tính sai nước cờ và chắc chắn tuột dốc, nên liền liên kết với Talleyrand để hạ bệ Napoléon. Mặc dù bất thành, song âm mưu đã gây được tiếng dội, công khai sự phản đối ngày càng tăng đối với hoàng đế. Đến năm 1814, quyền lực của Napoléon sụp đổ.

Thời kỳ tiếp theo là phục hưng chế độ quân chủ, với người em của Louis XVI là Louis XVIII lên ngôi. Luôn đánh hơi mọi thay đổi trong xã hội, Fouché biết rằng tân vương sẽ không thể trị vì lâu vì không có sự nhạy bén của Napoléon. Một lần nữa Fouché lại chơi tình chờ, ẩn mình thật xa ánh đèn sân khấu.

Tháng 2 năm 1815, Napoléon đào thoát khỏi đảo Elba. Louis XVIII hốt hoảng: Chính sách của ông đã chọc giận nhân dân, và nhân dân lại đang hoan nghênh cựu hoàng. Vì vậy Louis chỉ còn cách cầu viện người có khả năng cứu sống mình: Fouché, kẻ cực đoan từng đưa anh mình lên đoạn đầu đài, nhưng hiện lại là một trong những chính khách được lòng dân nhất nước Pháp. Nhưng Fouché đâu dại dột gì về phe kẻ thua cuộc: Ông ta từ chối lời mời của Louis với lý do rằng sự giúp đỡ của mình là không cần thiết – Fouché thề là Napoléon sẽ không bao giờ trở lại nắm quyền. Tất nhiên không lâu sau cực hoàng và đội dân quân đã áp sát Paris.

Thấy rõ triều đại mình sụp đổ, biết là Fouché đã phản bội, và không muốn kẻ lợi hại đó về phe Napoléon, Louis đã ra lệnh bắt giam Fouché. Cảnh sát lập tức phong tỏa xe ngựa của Fouché trên đường phố Paris. Liệu tay ranh ma này đã đến đường cùng? Có thể, nhưng không nhanh như thế: Fouché cho cảnh sát biết rằng theo luật định, không thể bắt cớ một cựu thành viên chính phủ ngay ngoài đường, mà phải đọc lệnh bắt đàng hoàng tại nhà. Cảnh sát tưởng thật nên để ông ta về thu xếp hành trang. Tất nhiên sau đó khi đến nhà đọc lệnh bắt, cảnh sát mới khám phá là ông ta đã lẻn ngả sau, bắc thang từ cửa sổ trên lầu xuống khu vườn phía dưới và an toàn đào thoát.

Một hai ngày sau đó cảnh sát rà soát cả Paris để truy bắt Fouché, nhưng lúc bấy giờ tiếng đại bác của Napoléon đã dội về thành phố, vì vậy bầu đoàn thê tử và tùy tùng của vua phải bỏ chạy. Ngay khi Napoléon vào thành, Fouché ra trình diện. Vị cựu bộ trưởng được hoan ngênh và phục hồi chức vụ cũ. Suốt 100 ngày Napoléon trở lại nắm quyền, cho đến trận Waterloo, chính Fouché mới là người cai trị nước Pháp. Sau khi Napoléon rớt đài lần nữa, Louis XVIII trở lại ngai vàng, và lạ thay, tay Fouché mưu mô lại tiếp tục phục vụ một chính phủ mới – lúc này quyền lực và ảnh hưởng của ông ta hùng mạnh đến nỗi tân vương không dám thách thức.

Diễn giải

Trong giai đoạn hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử nước Pháp, Joseph Fouché vẫn tồn tại và thịnh vượng nhờ biết phát huy nghệ thuật chọn đúng thời khắc, mà các yếu tố chủ chốt là:

Thứ nhất, phải biết thời biết thế. Fouché luôn tính trước một hai nước, đoán được ngọn sóng nào sẽ đưa ông đến quyền lực. Đôi khi thời thế không dễ đoán, không thể căn cứ vào những điều hiển nhiên lồ lộ, mà ta phải suy xét các yếu tố có tiềm tàng ở hậu trường.

Thứ hai, nhận ra những luồng gió mới chủ đạo không có nghĩa là phải chạy theo chúng. Mỗi động thái xã hội hiệu quả luôn có phản ứng mạnh mẽ, và ta nên đoán trước phản ứng ấy, như Fouché đã đoán được sau khi Robespierre chết. Thay vì cưỡi ngọn triều cường ngay thời điểm đó, ông ta kiên nhẫn chờ đúng ngọn sóng thứ hai đưa mình đến quyền lực. Khi sự kiện vừa xảy ra, bạn nên suy đoán những phản ứng tiềm tàng, nhằm đón đầu tận dụng.

Cuối cùng Fouché là một người cực kỳ kiên nhẫn. Bạn nên sử dụng đức tính kiên nhẫn vừa làm khiên vừa làm giáo, nếu không, kế hoạch thời gian của bạn sẽ sụp đổ. Khi thời cơ chưa chín muồi, Fouché không đứng ra tranh đấu, không buông theo xúc cảm hoặc hấp tấp xuất chiêu. Ông ta giữ cái đầu lạnh và thu mình lại thật nhỏ bé, nhẫn nại vận động sự ủng hộ của quần chúng, dùng nó làm bàn đạp, chờ màn hai tiến lên giành quyền lực: Mỗi khi lâm vào thế yếu, Fouché luôn sử dụng triệt để đồng minh quý báu là thời gian. Vì vậy bạn nên học cách phán đoán thời thế để biết khi nào xuất khi nào xử.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Thời gian là một khái niệm do chúng ta tạo ra, để làm cho sự vô tận của vĩnh hằng và vũ trụ mang tính chất người hơn, dễ chấp nhận hơn. Vì đã tạo ra khái niệm thời gian nên chúng ta cũng có khả năng nhào nặn nó ở mức độ nào đó, hoặc chơi trò này trò kia với nó. Thời gian của đứa bé thì dài và chậm lắm, trong khi thời gian của kẻ trưởng thành lại vụt qua nhanh chóng đến mức khiếp đảm.

Thời gian tùy vào sự nhận thức riêng biệt, có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Đây là điều đầu tiên ta phải biết trong nghệ thuật định giờ. Nếu những xáo trộn bên trong cảm xúc gây ra làm cho thời gian có vẻ trôi nhanh hơn, thì một khi ta làm chủ được những cảm xúc ấy lúc tình huống phát sinh, thời gian sẽ chậm lại. Chính biến thể của cách xử lý thời gian này làm ta có cảm giác rằng thời khắc sắp tới sẽ dài hơn, giúp ta có thêm nhiều khả năng mà nỗi sợ và sân si đã khép lại, đồng thời giúp ta thêm kiên nhẫn, vốn là yếu tố chủ đạo trong nghệ thuật định giờ.

Chúng ta phải làm quen với ba loại thời gian, loại nào cũng có những vấn đề riêng, đòi hỏi ta phải có kỹ năng và thực hành. Loại thứ nhất là thời gian dài: nó kéo dài dằng dặc cả tháng năm, cho nên ta phải kiên nhẫn và xử lý mềm dẻo. Cách xử lý này hầu như nặng tính phòng ngự – đó là nghệ thuật “phòng thủ phản công”.

Tiếp theo là thời gian thúc ép: đây là loại thời gian ngắn hạn mà ta sử dụng như một vũ khí tiến công, làm cho kế hoạch thời gian của đối thủ phải phá sản. Cuối cùng là một khoảng thời gian kết thúc, khi kế hoạch phải được hoàn tất thật nhanh thật mạnh. Chúng ta đã chờ đợi, đã thấy thời cơ, và đến lúc phải phất cờ không do dự.

Thời gian dài. Một danh họa đời Minh hồi thế kỷ XVII ở Trung Quốc kể lại một câu chuyện mà ông cho là đã thay đổi vĩnh viễn cung cách của mình. Buổi xế chiều mùa đông năm đó ông khởi hành đến một thị trấn nằm bên kia bờ sông. Một tiểu đồng theo ông để khiêng nhiều sách vở và giấy má. Khi chiếc phà sắp cập bờ kia, danh họa này hỏi trạo phu liệu hai thầy trò có đến kịp trước khi trấn đóng cổng, vì đêm sắp buông rồi. Người chèo thuyền liếc tiểu đồng, nhìn đống sách vở rồi gật đầu – “Có thể, nếu hai vị không đi quá nhanh.”

Khi hai thầy trò vừa lên bờ thì mặt trời bắt đầu lặng. Sợ trấn đóng cổng, sợ đạo tặc quấy nhiễu, cả hai càng lúc càng rảo bước, và cuối cùng là chạy. Đột nhiên sợi dây cột bung ra, mớ giấy má xòa khắp mặt đất. Phải một lúc sau cả hai mới thu lượm được hết, vì vậy khi đến cổng trấn thì cổng đã hạ rồi.

Nếu vì sợ hãi và nóng vội mà ta cố làm nhanh, xem như ta đã tạo ra một ổ những vấn đề cần giải quyết, và cuối cùng là ta còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa. Đôi khi những người làm gấp cũng được nhanh hơn, nhưng sẽ bị rủi ro giấy má bay tơi, hiểm nguy xuất hiện, họ sẽ lâm vào tình thế khủng hoảng thường trực, mất bao thì giờ để giải quyết những vấn đề họ mới tạo ra. Nhiều khi đối diện với hiểm nguy mà ta không làm gì lại hay hơn – ta chờ, xem như ta làm cho thời gian chậm lại. Trong lúc đó, biết đâu sẽ có những thời cơ mới xuất hiện mà ta không ngờ?

Thời gian chờ đợi không chỉ để kiểm soát xúc cảm riêng của mình, mà của cả các đồng nghiệp, vốn lầm tưởng hành động đồng nghĩa với sức mạnh, vì vậy họ có thể giục ta xuất chiêu bất cẩn. Mặt khác, với đối thủ, ta có thể đưa họ vào tình thế lầm lẫn như vừa kể: Họ có thể vì nóng lòng vội vội vàng vàng mà phạm lỗi, trong khi ta lui một bước đứng chờ cho đến thời điểm thích hợp để ra tay. Đó là sách lược của Nhật hoàng Tokugawa Ieyasu hồi đầu thế kỷ XVII. Trước đây khi ông còn là vị tướng, Nhật hoàng Hideyoshi nóng tính khởi quân hấp tấp xâm lược Triều Tiên. Ieyasu không tham gia vì biết rằng hoàng đế sẽ thảm bại và sụp đổ. Ông kiên nhẫn chờ thời trong nhiều năm, và khi thời cơ đến, ông liền xua quân tiến chiếm Triều Tiên thành công.

Ta không chủ động làm chậm thời gian để có thể sống lâu hơn hay hưởng lạc nhiều hơn, mà là để thao túng trò chơi quyền lực. Thứ nhất khi đầu óc ta thảnh thơi không bị rối bời bởi việc khẩn, ta sẽ sáng suốt nhận định những gì sắp diễn ra. Thứ hai, ta có thể cưỡng lại miếng mồi ngon mà người khác đang nhử. Thứ ba, ta có nhiều thì giờ hơn để linh động. Chắc chắn sẽ vuột mất nếu ta nóng vội. Thứ tư, ta tránh được tình trạng chưa hoàn tất việc này mà đã phải đối diện với việc tiếp theo. Khâu xây dựng nền móng quyền lực có thể kéo dài nhiều năm, ta phải làm sao cho nền móng đó vững chắc. Đừng khoái lửa rơm, hãy chọn loại thành công đến chậm mà chắc và kéo dài.

Cuối cùng, khi làm thời gian chậm lại, ta sẽ có dịp nhìn toàn cảnh của thời thế, tạo được một khoảng cách nhất định, nhờ vậy ta ít bị cảm xúc ảnh hưởng đến cách nhìn những gì đang đến. Người vội vã thường lầm hiện tượng bề mặt với xu hướng thật sự, vì họ chỉ thấy những gì họ muốn thấy.

Thời gian thúc ép. Mánh khóe để thúc ép thời gian chính là làm cho kế hoạch thời gian của đối phương bị đảo lộn – làm cho họ phải vội, phải chờ, buộc họ phải chơi theo nhịp độ của ta, cách nhận thức thời gian của họ bị ta bóp méo. Như thể thời gian trở thành đồng minh của ta và xem như ta đã thắng được một nửa cuộc chơi.

Năm 1473 vị sultan Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmed Kẻ Chinh phục mời Hungary thương lượng để chấm dứt cuộc chiến dai dẳng kéo dài từ nhiều năm. Khi sứ giả Hungary đến Thổ Nhĩ Kỳ để bắt đầu đàm phán, các viên chức chủ nhà hết lời xin lỗi vì Mehmed vừa rời thủ đô Istanbul để dẫn quân kịch chiến với kẻ thù là Uzun Hasan. Nhưng vì vị sultan thật tâm muốn giảng hòa với Hungary nên khẩn khoản mời sứ giả theo đoàn hướng dẫn đến ngay ngoài mặt trận để nhanh chóng thương lượng.

Nhưng khi đến nơi thì Mehmed lại đã hành quân về hướng Đông để truy đuổi quân thù, với lời nhắn sứ giả thông cảm và đến gặp ông ở địa điểm kế tiếp. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần như thế. Ở mỗi địa điểm dừng chân, phía Thổ hết sức cung kính khoản đãi, mỹ tửu mỹ nữ, tiệc tùng bất tận. Cuối cùng khi đã hạ gục kẻ thù Uzun xong, Mehmed mới tiếp kiến sứ giả Hungary, nhưng những điều kiện hòa bình xem ra rất gai góc. Sau vài ngày cuộc thương lượng chấm dứt mà tình thế vẫn chẳng có gì mới. Mehmed rất hài lòng vì mọi việc diễn ra đúng như ông trù tính lâu nay: Biết rằng khi xuất quân truy kích Uzun về hướng Đông, ông ta sẽ để Thổ Nhĩ Kỳ hở sườn phía Tây. Để cho Hungary không nhân cơ hội này mà tiến công, Mehmed nhử miếng mồi hòa bình rồi làm cho Hungary phải chờ – theo kế hoạch thời gian mà ông sắp đặt sẵn.

Làm người khác phải chờ đợi, đó là cách rất hay để thúc ép thời gian, miễn là họ không lật tẩy được mình. Ta kiểm soát đồng hồ, họ chờ trong khắc khoải, dần dà tinh thần mất tính nhất quán, tạo ra thời cơ cho ta hạ thủ. Hành động nghịch đảo cũng rất lợi hại: Làm cho đối thủ cuống lên. Khi bắt đầu kế hoạch, ta tiến hành rất chậm, rồi đến lúc thuận tiện ta liền tăng tốc, khiến họ cảm thấy mọi việc ồ ạt diễn ra cùng lúc. Ai thiếu thời gian suy nghĩ, người ấy sẽ phạm sai lầm. Đây là kỹ thuật mà Machiavelli khâm phục nơi Cesare Borgia, vì đang trong tiến trình thương lượng, Cesare đột ngột thúc giục đối phương phải đưa ra quyết định, khiến họ hụt hẫng và hỏng kế hoạch thời gian. Vì có ai dám để Cesare phải chờ?

Nhà buôn tranh nổi tiếng Joseph Duveen biết rằng nếu ra thời hạn chót cho một khách hàng lừng khừng kiểu như John D. Rockefeller – vờ lấy lý do là một nhà tài phiệt khác đang ngả giá, hoặc sắp phải bán bức này ra nước ngoài – thì khác sẽ mu suýt soát thời hạn mà Duveen đưa ra. Freud nhận thấy nhiều bệnh nhân qua điều trị phân tâm học mà vẫn không thấy tiến bộ, nhưng nếu ông đưa ra thời hạn chót để chấm dứt trị liệu thì họ sẽ phục hồi cũng suýt soát thời hạn chót. Còn nhà phân tâm Jacques Lacan người Pháp lại sử dụng một biến thể của chiến thuật ấy – khi mới nói chuyện với bệnh nhân chừng mươi phút, thỉnh thoảng ông đột ngột chấm dứt suất điều trị. Nếu việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, bệnh nhân ý thức rằng mình nên tận dụng thời gian, thay vì phí phạm để nói chuyện bâng quơ. Vì vậy thời hạn chót là một vũ khí hiệu quả. Bạn hãy đóng sập cánh cửa lừng khừng và ép người khác quyết định phứt rồi – đừng để họ buộc bạn phải chơi theo luật chơi của họ. Đừng bao giờ để cho họ có thì giờ.

Giới ảo thuật và bầu sô đều là chuyên gia thúc ép thời gian. Tuy có thể thoát khỏi xích xiềng trong vài phút, nhưng Houdini làm bộ vật lộn với gông cùm cả giờ đồng hồ, làm cho khán giả đổ mồ hôi hột, nhất là khi ông có vẻ sắp thua đến nơi. Giới ảo thuật luôn biết chủ động làm chậm nhịp độ diễn biến để thay đổi cách chúng ta nhận thức về thời gian. Tạo ra những phút giây hồi hộp, hay còn gọi là lũng tim, quả là những khoảng lặng chết người: Càng chậm rãi bao nhiêu, bàn tay nhà ảo thuật lại càng tạo ra bấy nhiêu ảo giác về tốc độ, khiến khán giả cứ nghĩ là con thỏ đã xuất hiện trong khoảnh khắc. Houdini từng nó: “Câu chuyện càng được kể chậm thì nó càng có vẻ ngắn.”

Tiến hành trong chậm rãi làm cho những gì bạn thực hiện trông có vẻ quan trọng hơn – cử tọa hòa theo nhịp độ của bạn, như bị thôi miên. Khi họ lọt vào trạng thái đó, bạn tùy nghi bóp méo thời gian.

Thời gian kết thúc. Bạn có thể chơi trò này với nghệ thuật – kiên nhẫn chờ đợi đúng thời điểm để ra tay, đưa đối thủ vào thế bị động bằng cách phá hỏng kế hoạch thời gian của họ – nhưng sẽ không ý nghĩa gì nếu bạn không biết cách ra đòn kết thúc. Bạn không nên giống hàng tá người trong xã hội, thoạt trông thì tưởng là mẫu mực của gương kiên nhẫn, nhưng đến khi dứt điểm thì lại sợ hãi: Kiên nhẫn sẽ không chút giá trị nào trừ khi bạn quyết chỉ vồ lấy địch thủ ngay thời điểm thích hợp. Bạn sử dụng tốc độ để vô hiệu hóa đối phương, khỏa lấp bất kỳ lỗi lầm khả dĩ nào, và làm mọi người kinh ngạc bởi sức mạnh và sự dứt khoát.

Với sự kiên nhẫn của một thầy rắn, ta dụ rắn ra khỏi hang bằng những động tác bình tĩnh và đều đặn. Nhưng một khi rắn ra rồi, chẳng lẽ ta lại dứ dứ ngón chân trước mỏ nó? Không lý do nào có thể biện minh cho chút do dự nhỏ nhất ở giai đoạn cuối của cuộc chơi. Muốn biết ai là bậc thầy ở nghệ thuật định giờ, hãy quan sát xử lý giai đoạn này – xem họ có nhanh chóng thay đổi nhịp điệu và đẩy nhanh mọi việc đến kết luận nhanh chóng và dứt khoát.

Hình ảnh:

Chim ưng. Chim ưng kiên nhẫn lặng lẽ quần đảo bầu trời, thật cao, thật xa phía trên cao, không gì thoát khỏi cặp mắt sắc bén. Đột nhiên đúng vào thời điểm, chim lao xuống với tốc độ mà con mồi không thể nào chống đỡ nổi. Trước khi nạn nhân biết được điều gì xảy ra, cặp chân như gọng kềm của chim đã cắp lấy mang đi.

Ý kiến chuyên gia:

Có ngọn triều trong chuyện của con người,

Biết tận dụng sẽ cho ta vận hội;

Nếu để hụt, cả hành trình cuộc sống

Sẽ sa lầy ở vũng cạn khổ đau.

(Julius Caesar, William Shakespeare, 1564-1616)

NGHỊCH ĐẢO

Sẽ không chút lợi ích nào nếu ta thả lỏng dây cương rồi sau đó buộc phải tự thích nghi với tình huống. Ở chừng mực nào đó, ta phải điều khiển được thời gian, nếu không muốn trở thành nạn nhân của nó. Vì vậy nguyên tắc này không có phép nghịch đảo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.