48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực
NGUYÊN TẮC 45: NGỤY TRANG SỰ ĐỔI MỚI DƯỚI VỎ BỌC TRUYỀN THỐNG
Nói chung, mọi người đều hiểu biết là cần phải đổi mới, nhưng chỉ hiểu một cách trừu tượng, còn trong cuộc sống hàng ngày, tất cả mọi người đều là sinh vật của thói quen. Đổi mới quá nhiều sẽ gây chấn động và dẫn đến nổi loạn. Nếu bạn vừa vươn tới vị trí quyền lực hoặc bạn là kẻ ngoại đạo cố dựng xây cơ sở quyền lực, bạn hãy tỏ rõ cho mọi người thấy rằng mình kiêng nể cách làm truyền thống. Nếu thật sự cần thay đổi, bạn hãy làm sao để mọi người cảm thấy quá khứ được cải thiện một cách dễ chịu.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Vào đầu thập niên 1520, Vua Henry VIII của nước Anh quyết định ly dị vợ là Cartherine xứ Aragon vì bà không sinh được cho ông một mụn con trai nào, và ngoài ra ông lại phải lòng người đẹp Anne Boleyn. Giáo hoàng Clement VII không cho phép ly dị và đe dọa rút phép thông công đối với Henry. Bộ trưởng quyền thế nhất nội các lúc đó là Hồng y Wolsey cũng không tán đồng ly dị nên chỉ ậm ừ, sau đó ông bị truất phế và mất mạng.
Một thành viên nội các là Thomas Cromwell không chỉ ủng hộ vua, mà còn đề ra ý tưởng để thực hiện ly dị: đoạn tuyệt với quá khứ. Ông thuyết phục nhà vua cắt đứt quan hệ với La Mã để trở thành người đứng đầu Giáo hội Anh Quốc tân lập, sau đó tha hồ ly dị Catherine và cưới Anne. Henry nghe theo và thưởng công Cromwell bằng cách biến người con của thợ rèn thành cố vấn hoàng gia.
Năm 1534 Cromwell được bổ nhiệm là thư ký riêng của vua, và với tư cách là quyền lực phía sau ngai vàng, ông trở thành người hùng mạnh nhất Anh Quốc. Nhưng với ông, việc đoạn tuyệt với La Mã còn có ý nghĩa quan trọng hơn là sự thỏa mãn thú vui với La Mã còn có ý nghĩa quan trọng hơn là sự thỏa mãn thú vui trần thế của đức vua: Cromwell muốn thiết lập một hệ thống Tin Lành ở Anh, đánh đổ thế lực của Giáo hội Công giáo và gom thu của cải tài sản của Giáo hội về cho vua và chính phủ. Ngay trong năm đó ông phát động cuộc khảo sát đại trà các nhà thờ và tu viện, và phát hiện rằng tiền bạc và tài sản mà các nhà thờ tích trữ qua bao thế kỷ còn nhiều hơn ông tưởng.
Để chứng minh cho kế hoạch của mình, Cromwell loan truyền tin đồn về việc các tu viện tham nhũng, lạm dụng quyền hành, bóc lột dân chúng. Được phép của Nghị viện, ông lần lượt phá vỡ, tịch thu tài sản và khai tử từng tu viện. Song song với đó, Cromwell buộc mọi người theo đạo Tin Lành, đưa nhiều cải cách vào trong nghi thức tôn giáo và trừng phạt những ai còn bám lấy Công giáo. Gần như chỉ đầu hôm sớm mai là cả nước Anh đều chuyển sang tôn giáo chính thức mới.
Cả nước chìm trong sợ hãi. Nhiều người tuy cũng từng rên xiết dưới sự thống trị trước đây của Giáo hội Công giáo, nhưng dù sao hầu hết dân Anh cũng có ràng buộc chặt chẽ với nghi thức và đường lối Công giáo. Họ sững sờ chứng kiến cảnh các nhà thờ bị đập bỏ, thánh tượng bị phá hủy, của cải bị tịch thu. Trước đây những người nghèo được tu viện cưu mang, giờ họ phải tràn ra đường. Cộng với số lượng tu sĩ bị đuổi khỏi tu viện, hàng ngũ giới ăn xin càng đông đảo. Hơn nữa, Cromwell còn tăng thuế để có tiền trang trải cho việc cải cách tôn giáo.
Năm 1536 nhiều cuộc nổi loạn khốc liệt ở miền Bắc nước Anh suýt nữa đã lật đổ được Henry. Tuy đã dẹp được loạn nhưng giờ đây nhà vua bắt đầu phải trả giá cho những cải cách của Cromwell. Bản thân ông cũng không muốn đi xa đến thế – điều ông cần chỉ là ly dị. Giờ đây đến phiên Cromwell bất an chứng kiến nhà vua từ từ cản trở những gì ông ta đã thay đổi, phục hồi các bí tích Công giáo cùng với những nghi lễ khác mà ông từng đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Cảm thấy mình đang bị thất sủng, Cromwell quyết lấy lòng chủ nhân bằng một nước cờ táo bạo: Tìm vợ mới cho vua. Vợ thứ ba của Henry là Jane Seymour đã chết trước đó vài năm và nhà vua mòn mỏi tìm kiếm một hoàng hậu mới. Cromwell giới thiệu với vua một công chúa nước Đức là Anne xứ Cleves, mà lại là người theo đạo Tin Lành. Cromwell lệnh cho họa sĩ Holbein thực hiện bức chân dung của nàng, chỉnh sửa thêm thắt sao cho vua mê tít. Ngắm tranh, Henry gật đầu ngay và ra lệnh tổ chức lễ cưới. Cromwell được vua chiếu cố trở lại.
Rủi thay, vì bức tranh được Holbein vẽ theo sự chỉ đạo của Cromwell với tính lý tưởng hóa rất cao nên khi gặp người thật việc thật thì Henry hết sức não lòng. Sự căm ghét của vua đối với Cromwell – thoạt tiên vì những cải cách cực đoan, giờ lại còn cáp mình với một cô vợ không đẹp và theo Tin Lành – không thể nào kiềm chế được nữa. Tháng Sáu năm 1540, Cromwell bị bắt và kết án là tên Tin Lành cực đoan và dị giáo, để rồi sau đó bị xử trảm trước đám đông hò reo tở mở.
Diễn giải
Thomas Cromwell suy nghĩ rất đơn giản: Đập tan thế lực và tài sản của giáo hội, sau đó thiết lập đạo Tin Lành. Và ông sẽ cấp tập tiến hành không thương tiếc trong thời gian ngắn. Tuy biết rằng việc cải cách nhanh chóng như thế sẽ tạo ra đau thương và căm phẫn, song ông nghĩ là những cảm giác ấy sẽ phôi pha theo năm tháng. Quan trọng hơn, khi tự đồng nhất với cải cách, ông sẽ trở thành người lãnh đạo trật tự mới, khiến nhà vua phải phụ thuộc ông ta. Nhưng chiến lược của ông có vấn đề: Tựa như quả cầu bi-da va quá mạnh vào mép bàn, công cuộc cải cách có nhiều cú giật và „ca-rôm“ mà ông không hề ngờ tới.
Người phát động cải cách thường trở thành vật bung xung cho đủ loại bất mãn. Và cuối cùng phản ứng đối với cải cách sẽ quay lại đập lên lưng anh ta, bởi vì con người thường bất an trước đổi thay, cho dù thay đổi để được tốt hơn. Vì thế giới này luôn đầy dẫy bất ổn và đe dọa, chúng ta bám lấy những gì quen thuộc, tạo ra thói quen và nghi thức để cảm thấy được an toàn hơn. Nếu vẫn còn trừu tượng, sự đổi thay có thể dễ chịu và thậm chí được mong ước. Nhưng khi trở thành cụ thể, và hơn nữa lại thay đổi quá nhiều thì sẽ phát sinh lo âu, âm ỉ dưới bề mặt, rồi cuối cùng sẽ bùng nổ.
Bạn đừng bao giờ đánh giá thấp tính bảo thủ của những người xung quanh. Tính bảo thủ ấy rất hùng mạnh và ẩn nấp trong hầm. Bạn đừng để một ý tưởng hấp dẫn làm mờ lý trí: Bạn không thể buộc người khác có cùng thế giới quan với mình thì bạn cũng không thể lôi kéo họ vào một tương lai có quá nhiều thay đổi gây đau đớn. Họ sẽ nổi loạn. Nếu cần phải đổi mới, bạn hãy lường trước mọi phản ứng để tìm cách nghi trang mọi thay đổi và làm cho liều thuốc đắng ấy đỡ đắng hơn.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Hồi thập niên 1920, Mao Trạch Đông biết rõ hơn ai hết việc Cộng sản chiến thắng ở Trung Quốc là điều gần như là không thể. Quân số nhỏ, ngân quỹ hạn chế, thiếu kinh nghiệm quân sự, khí tài ít, đảng Cộng sản không thể nào thành công trừ khi lấy lòng được thành phần nông dân đông mênh mông của Trung Quốc. Nhưng trên thế giới này, còn ai bảo thủ hơn, bám chặt hơn vào gốc rễ hơn là nông dân Trung Quốc? Nền văn minh cổ xưa nhất hành tinh này có một lịch sử không bao giờ chịu nới lỏng quyền lực cho dù cuộc cách mạng có tàn bạo cách mấy. Đến thập niên 1920 rồi mà những quan niệm của Khổng Tử vẫn còn tươi mới như hồi thế kỷ thứ VI trước công nguyên, thời vị thầy này sinh tiền. Liệu những đàn áp của chế độ đương thời có đủ sức làm cho nông dân từ bỏ các giá trị đạo đức thâm căn cố đế của quá khứ để tán thành một chủ nghĩa Cộng sản vĩ đại nhưng còn xa lạ?
Mao chọn giải pháp: Khoác chiếc áo quá khứ lên bản thân cuộc cách mạng, khiến cho nhân dân thấy nó dễ thở và chính đáng. Một trong những quyển sách mà Mao thích nhất là cuốn tiểu thuyết Thủy Hử rất phổ biến, kể lại kỳ tích của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc chống lại triều đình tham nhũng quan liêu. Vào thời niên thiếu của mao, thuyết giáo của Khổng Tử thống lĩnh nhấn mạnh vào quan hệ và tôn ti trật tự của gia đình. Nhưng Thủy Hử lại đề cao tinh thần huynh đệ trong băng nhóm, và đại nghĩa quy tụ tất cả mọi thành phần xã hội, vượt qua quan hệ huyết thống. Quyển tiểu thuyết này gây cảm xúc rộng sâu đều khắp trong nhân dân Trung Quốc, vốn cảm khải kẻ dưới cơ. Vì vậy thỉnh thoảng Mao làm cho họ liên tưởng quân đội cách mạng của mình với những người anh em Lương Sơn trong Thủy Hử. Mao muốn mọi người thấy cuộc chiến của mình giống như sự xung đột muôn đời giữa giai cấp nông dân bị áp bức với vị hoàng đế xấu xa. Ông làm cho người dân thấy dường như quá khứ đã bao trùm và chính thống hóa đại nghĩa Cộng sản. Nông dân sẽ an tâm, thậm chí ủng hộ đoàn thể nào có nguồn gốc gắn liền với quá khứ.
Ngay cả khi đã cầm quyền, Mao vẫn tiếp tục gắn liền đảng với quá khứ. Với đám đông quần chúng, Mao cho thấy mình không phải là một Lenin Trung Quốc, mà là một Gia Cát Lượng tân thời, vị quân sư lừng danh trong quyển Tam Quốc chí. Còn hơn là một vị tướng tài, Lượng còn là nhà thơ, triết gia và gương mặt đạo đức cứng rắn. Vì vậy Mao cũng tỏ ra mình là một nhà thơ-chiến sĩ như Lượng, người biết kết hợp chiến lược với triết học và rao giảng những chuẩn mực đạo đức mới. Ông muốn nhân dân thấy mình hiện ra như một anh hùng từ truyền thống Trung Quốc vĩ đại của các chính khách chiến binh.
Sau đó những gì Mao nói lên hay viết ra đều tham chiếu đến giai đoạn quá khứ hào hùng của đất nước. Chẳng hạn như ông nhắc lại việc Tần Thủy Hoàng thống nhất lãnh thổ hồi thế kỷ thứ III trước công nguyên. Vị hoàng đế này từng đốt sách Khổng Tử, củng cố và hoàn tất việc xây dựng Vạn lý Trường thành. Cũng như Tần Thủy Hoàng, Mao đã thống nhất đất nước, đã theo đuổi những cải cách táo bạo. Trước nay người dân vẫn xem Tần Thủy Hoàng là bạo chúa với triều đại ngắn ngủi. Mao đã khôn ngoan tránh né việc đó, đồng thời thể hiện lại vai trò của Tần Thủy Hoàng, làm cho người dân Trung Quốc ngày nay thấy chuyện ông làm là chính đáng.
Trong nội bộ đảng Cộng sản nổ ra cuộc đối đầu giữa Mao và Lâm Bưu. Để cho dân chúng thấy rõ điểm dị biệt giữa triết lý của mình với của Lâm, một lần nữa Mao lại khai thác quá khứ: Ông hình tượng hóa Lâm như là một Khổng Tử, người mà Lâm hay trích dẫn. Ngược lại Mao tự liên hệ mình với phong trào tuân thủ pháp quyền xưa kia của Hàn Phi Tử. Môn đồ của triết gia này không phục Khổng Tử mà chủ trương dùng bạo lực để tạo ra trật tự mới. Họ sùng bái quyền lực. Để tăng thêm trọng lượng, Mao phát động tuyên truyền trên toàn quốc chống Khổng Tử, dùng sự đối đầu giữa học thuyết Khổng Tử và chủ trương pháp quyền để cổ xúy thanh niên dấn thân vào một loại nổi loạn điên cuồng chống lại thế hệ đi trước. Toàn cảnh hùng vĩ đó thật ra che đậy một sự tranh giành quyền lực tầm thường, và một lần nữa Mao lại tranh thủ được lòng quần chúng, đồng thời chiến thắng kẻ thù. [11]
Diễn giải
Nhân dân Trung Quốc rất gắn bó với quá khứ. Đứng trước cản ngại lớn lao đó, Mao đề ra chiến lược khá đơn giản: Thay vì chống lại, ông ta lại lợi dụng quá khứ, gắn liền các đảng viên Cộng sản với các hình ảnh trong lịch sử Trung Quốc. Mang chiến trận thời Tam quốc lồng vào cuộc tranh đấu giữa Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, Mao tự xem như một Gia Cát Lượng tân thời. Như những bậc đế vương từng làm, Mao hoan nghênh việc quần chúng tôn sùng một gương mặt nổi bật nào đó, vì ông hiểu rằng đấy là điều không thể thiếu để xã hội hoạt động tốt. Sau khi sai lầm trầm trọng của cú Đại nhảy vọt với ý định áp đặt cả nước phải hiện đại hóa rồi sau đó thất bại thảm hại, Mao không bao giờ lặp lại lỗi lầm: Từ đó về sau, những thay đổi triệt để phải được bọc trong lớp áo an lành của quá khứ.
Ta phải nhớ rằng quá khứ có sức mạnh đáng gờm, vì những gì đã qua đều có vẻ vĩ đại hơn hiện tại. Tục lệ và lịch sử tạo trọng lượng cho các hành động quá khứ. Ta hãy tận dụng điều đó để thủ lợi. Khi phá hủy điều gì đó mà thiên hạ đã quen thuộc, xem như ta vừa tạo ra khoảng trống và thiên hạ rất sợ sự hỗn loạn sắp ùa vào để lấp đầy khoảng trống đó. Nhất định ta không được để sự lo sợ ấy xảy ra. Hãy mượn sức nặng và tính chính đáng của quá khứ, cho dù quá khứ xa hay gần cũng được, miễn làm sao nó tạo ra được một cảm giác thân thương và an ủi. Sự vay mượn này cũng cung cấp cho ta nhiều liên hệ lãng mạn, củng cố sự hiện diện của ta, và trên hết là che đậy được những đổi thay mà ta tạo ra.
Phải quan niệm rằng không có gì khó hơn, không có gì làm cho thành công xa vời hơn, không có gì nguy hiểm hơn, là việc khởi động một trật tự mới cho mọi việc.
(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Tâm lý con người có nhiều tính lưỡng diện, chẳng hạn như trong khi ý thức được sự cần thiết phải thay đổi, rằng các cá nhân và định chế thỉnh thoảng phải đổi mới, nhưng con người vẫn cảm thấy khó chịu và bất an khi những thay đổi ấy ảnh hưởng đến cá nhân họ. Tuy biết thay đổi là cần thiết, song sâu thẳm bên trong, họ vẫn bám lấy quá khứ. Những đổi thay trừu tượng hoặc hời hợt sẽ được hoan nghênh, nhưng nếu làm xáo trộn tập quán hoặc thói thường sẽ bị họ phản đối.
Không có cuộc cách mạng nào qua đi mà không có những phản ứng mạnh về sau, bởi vì về lâu về dài cái khoảng trống do nó tạo ra sẽ làm cho con người bị bất an, và trong vô thức họ gắn kết sự bất an này với cái chết và sự hỗn loạn. Cơ hội thay đổi và đổi mới cám dỗ người ta đi theo cách mạng, nhưng một khi lòng nhiệt thành lắng xuống, họ ở lại với một cõi vắng trong tâm hồn. Hoài niệm quá khứ, họ mở cánh cửa cho quá khứ trở về.
Machiavelli cho rằng người ra giảng và thực hiện đổi mới chỉ có thể sống sót một khi tay có cầm vũ khí: Trước sau gì quần chúng cũng hoài cổ, và lúc đó ta phải sẵn sàng dùng vũ lực. Nhưng người rao giảng đó sẽ không thể tồn tại, trừ khi là phải tạo ra một hệ thống giá trị và nghi thức mới để thay thế hệ thống cũ, để vỗ an âu lo của những thành phần sợ thay đổi. Sẽ dễ dàng và ít đổ máu hơn nếu ta thực hiện một loại trò lừa. Bạn muốn cổ xúy thay đổi đến mức nào cũng được, và thậm chí cứ thực hiện đổi mới, nhưng phải làm mọi người an lòng bằng cách phủ lên những thay đổi đó một lớp áo cố sự và truyền thống.
Vương Mãng, vị hoàng đế trị vì trên đất Trung Hoa từ năm 8 đến 23, nổi lên từ một thời kỳ lịch sử biến động dữ dội, và dân chúng khao khát trật tự xã hội, loại trật tự mà Khổng Tử mang đến cho họ. Tuy nhiên hai thế kỷ trước đó Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh thiêu hủy toàn bộ các tác phẩm Khổng giáo. Ít lâu sau có tin đồn rằng vài bộ sách vẫn sống sót vì được giấu dưới nền nhà Khổng Tử. Có thể những bộ sách ấy không phải là nguyên tác, song Vương Mãng đã nắm được cơ hội: Trước tiên ông ra lệnh tịch thu, sau đó sai người chèn thêm vào vài đoạn thích hợp với những thay đổi mà ông đang áp dụng cho đất nước. Khi được phổ biến ra công chúng thì dường như những gì Khổng Tử viết đều phù hợp với những cải cách của Vương Mãng, nhờ đó nhân dân cảm thấy an lòng và chấp nhận chúng dễ dàng hơn.
Bạn nên nhớ rằng chính vì quá khứ đã chết và được chôn vùi nên bạn tự do diễn giải nó. Bạn chỉnh sửa chắp và đôi chút cho phù hợp với sự nghiệp của mình. Quá khứ là văn bản mà bạn tùy nghi viết thêm những dòng cần thiết.
Một cử chỉ đơn giản như sử dụng một chức vị xưa, hoặc nhóm người của ta có cùng số thành viên với một nhóm nổi tiếng trong lịch sử sẽ nối kết ta với quá khứ và nâng đỡ ta bằng thẩm quyền của lịch sử. Như Machiavelli đã ghi nhận, người La Mã từng dùng mẹo đó khi chuyển đổi từ chế độ quân chủ sang cộng hòa. Đành rằng họ đã thiệt lập ra hai thượng quan chấp chính thay vào chỗ của vua, nhưng vì trước đây vua được một nhóm 12 hình sử viên phục vụ nên họ vẫn giữ nguyên con số đó để phục vụ các quan chấp chính. Trước đây vua từng tự tay cử hành nghi thức thức tế hy hàng năm, trong một lễ hội hoành tráng làm nức lòng dân chúng, bây giờ nền cộng hòa vẫn lưu dụng tập tục đó, chỉ thay đổi chút đỉnh là chuyển việc tế lễ cho một chủ lễ mà họ gọi là Vua buổi tế lễ. Những hành động giống nhau đó làm dân chúng hài lòng, để cho họ khỏi yêu cầu phục hồi nền quân chủ.
Một chiến lược khác để nghi trang thay đổi là tuyên bố công khai và rình rang sự ủng hộ đối với các chuẩn mực quá khứ. Hãy tỏ ra mình cúc cung tận tụy với truyền thống, và sẽ ít ai chú ý thấy ta chẳng truyền thống chút nào. Thành phố Florence thời Phục hưng tự hòa về nền cộng hòa mấy trăm năm tuổi, do đó rất nghi kỵ những ai không tôn trọng truyền thống ấy. Cosimo de Medici khoa trương sự ủng hộ nhiệt tình đối với nền cộng hòa, trong khi thật ra ông âm thầm xoay xở để gia tộc quyền thế của mình nắm hết Florence. Về hình thức, họ Medici duy trì cái vẻ bề ngoài của nên cộng hòa, nhưng bên trong họ tước hết quyền lực của định chế ấy.
Khoa học tự cho mình là tiên phong trong việc đi tìm sự thật, chống lại mọi hình thức bảo thủ và phi lý của tập quán. Đó là nền văn hóa của sự đổi mới. Thế nhưng khi trình bày những ý tưởng về sự tiến hóa, Charles Darwin gặp phải sự chống đối quyết liệt của chính các đồng nghiệp khoa học gia hơn là từ thẩm quyền tôn giáo. Các lý thuyết của ông thách thức quá nhiều định kiến. Jonas Salk cũng đâm đầu vào cùng một loại vách tường như vậy khi ông thuyết trình về những đổi mới cấp tiến trong lĩnh vực miễn dịch học. Max Planck cũng không dễ dàng gì hơn với công cuộc cách mạng hóa môn vật lý. Viết về sự chống đối dữ dội ấy, Planck chua xót: „Một sự thật mới về khoa học không chiến thắng bằng cách thuyết phục những người phản đối và giúp cho họ thấy được ánh sáng, nhưng chiến thắng khi những người phản đối đó chết già, và một thế hệ trẻ lớn lên dần dà quen thuộc với sự thật ấy“.
Giải pháp cho thái độ bảo thủ đó là ta phải đóng vai người vận động không khéo, nói xuôi chiều truyền thống. Trong cuộc cách mạng của mình, ta hãy suy tìm những yếu tố có thể nhào nặn để chúng có vẻ liên hệ với quá khứ.
Hãy nói đúng điều cần nói, khoa trương sự tuân thủ, trong khi vẫn để cho những lý thuyết thực hiện công việc cấp tiến của chúng. Hãy đóng thật giỏi màn kịch cung kính lễ nghi quá khứ.
Điều cuối cùng cần nhắc nhở là người tài ba luôn chú ý đến tâm trạng chung của thời đại. Nếu công cuộc đổi mới đi trước thời đại quá xa thì sẽ ít ai hiểu được, vì vậy sẽ dấy lên lo âu và bị hiểu lầm. Tính đổi mới của những thay đổi mà ta định cổ xúy sẽ bị đánh giá thấp hơn là thực tế. Cuối cùng Anh Quốc cũng trở thành một nước theo đạo Tin Lành như Cromwell mong muốn, nhưng phải mất đến một thế kỷ cho nó chuyển mình dần.
Vậy ta hãy để ý đến thời thế. Nếu phải hành động trong buổi nhiễu nhương, ta hãy ca bài trở về với truyền thống dân tộc, về với quá khứ hào hùng, với nghi thức cố hữu, với sự an tâm ấm cúng. Ngược lại, trong thời đình trệ ta hãy chơi nước cờ đổi mới và cách mạng – nhưng hãy dè chừng những gì mình khuấy động. Ít khi nào những kẻ kết thúc cuộc cách mạng lại chính là người từng khởi động nó. Ta sẽ không thành công với trò chơi nguy hiểm ấy nếu không chặn đứng được phản ứng ắt có. Chặn đứng bằng cái vỏ bọc về với cội nguồn.
Hình ảnh:
Con mèo. Là sinh vật của thói quen, mèo thích sự ấm cúng quen thuộc. Hãy làm xáo trộn thói thường của nó, phá vỡ không gian của nó, mèo sẽ loạn thần kinh và không thể sai khiến. Mang nó trở về những lệ thường là nó sẽ dịu ngay thôi. Nếu cần thiết phải thay đổi, bạn lừa mèo bằng cách cho nó ngửi mùi hương của quá khứ, đặt những vật dụng thân quen vào những chỗ đã từng có nó.
Ý kiến chuyên gia:
Ai có ý muốn hoặc ý định đổi mới chính quyền của một Nhà nước, mong những đổi mới ấy được chấp nhận, thì người đó ít ra phải được vẻ tương đồng với những hình thái cũ; sao cho nhân dân thấy định chế không có gì thay đổi, mặc dù thực tế chúng hoàn toàn khác xưa. Bởi vì đại đa số loài người đều hài lòng với vẻ bề ngoài, chừng như cái vẻ ấy là thực tế.
(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)
NGHỊCH ĐẢO
Quá khứ là một thây ma mà ta tùy cơ dùng như thế nào cho thích hợp. Nếu những sự kiện vừa diễn ra trong quá khứ gần đây lại quá đau thương và khắc nghiệt thì ta đừng liên hệ tí ti gì đến mình, nếu không sẽ là tự sát. Khi Napoléon lên nắm quyền, cuộc cách mạng Pháp vẫn còn nóng hỏi trong tâm tưởng mọi người. Nếu cái triều đình ông vừa thiết lập lại giống triều đình xa hoa của Louis XVI và Marie Antoinette hẳn triều thần suốt ngày ngai ngái lo cho cái cổ của họ. Ngược lại, Napoléon lập ra một triều đình đặc biệt điều độ và không chút phô trương. Đó là triều đình của một người từng ca ngợi đạo đức lao động và quân sự. Hình thức mới này có vẻ thích hợp và trấn an.
Nói cách khác, ta luôn phải để ý đến thời thế. Nhưng phải nhớ là nếu thực hiện một thay đổi táo bạo so với quá khứ, ta không được tạo ra một khoảng trống hoặc điều gì đó giống như khoảng trống; nếu không, ta sẽ gieo rắc kinh hoàng. Thậm chí nếu phải chọn thì mọi người chẳng thà chọn những sự kiện lịch sử đau lòng mới xảy ra gần đây thôi, còn hơn là một khoảng trống hun hút. Nếu lỡ có khoảng trống thì ta hãy lấp đầy nó bằng những hình thể và nghi thức mới. Dần dà chúng sẽ xoa dịu và trở thành thân quen, từ đó củng cố vị trí của ta giữa quần chúng.
Cuối cùng, nghệ thuật, thời trang và công nghệ có vẻ là những cái bệ phóng cho quyền lực, bằng cách đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ và thể hiện mình là kẻ tiên phong. Thật ra loại chiến lược như thế có khả năng tạo nên sức mạnh to lớn, nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro. Trước sau gì những đổi mới của ta cũng bị một người khác làm cho cũ. Người đó tươi trẻ hơn, sẽ chọn một hướng đột ngột mới, làm cho sự cách tân của ta mới vừa hôm qua thì hôm nay đã trông mệt mỏi và vô vị. Xem như muôn thuở ta chơi trò đuổi bắt, quyền lực của ta mong manh và ngắn ngủi. Ta nên chuộng loại quyền lực xây dựng trên điều gì đó vững chãi hơn. Sử dụng quá khứ, chắp và truyền thống, hí lộng với điều quy ước để lũng đoạn, công trình của ta sẽ nhận được điều gì đó tốt hơn là sự hấp dẫn nhất thời. Các giai đoạn đổi mới đầy say mê che đậy sự thật rằng trước sau gì người ta cũng hoài cố sự. Rốt cuộc thì việc sử dụng quá khứ sẽ có ích cho ta hơn là đoạn tuyệt hoàn toàn với những gì đã qua.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.