48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực
NGUYÊN TẮC 2: ĐỪNG QUÁ TIN CẬY BẠN BÈ,HÃY HỌC CÁCH SỬ DỤNG KẺ THÙ
Hãy thận trọng với bạn bè – họ dễ dàng phản bội bạn, vì họ dễ bị lòng đố kỵ khuấy động. Ngoài ra họ cũng dễ hư hỏng và có khuynh hướng nắm quyền. Hãy thu nhận một kẻ thù cũ và hắn sẽ trung kiên hơn bạn bè, vì hắn cần phải chứng minh nhiều hơn. Thật ra bạn có nhiều điều phải e sợ từ bạn bè hơn là từ kẻ thù. Nếu bạn chưa có, hãy tìm cách tạo ra kẻ thù.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Hồi giữa thế kỷ thứ IX, một thanh niên trẻ tên Michael III tiếp nhận ngai vàng đế chế Byzantium. Mẹ của Michael III là Hoàng thái hậu Theodora bị nhốt vào tu viện và người tình của bà là Theoctistus bị ám sát. Người đứng đầu mưu toan hạ bệ Theodora và đưa Michael lên ngôi chính là Bardas, chú ruột của Michael, một người đầy khôn ngoan và tham vọng. Còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, Michael bị đặt trong vòng vây của những kẻ sát nhân hiểm độc và ngông cuồng. Trong cơn nguy biến này, Michael cần có một vị cố vấn tin cậy nên nhắm vào Basilius, người bạn thân nhất. Basilius hoàn toàn không có chút kinh nghiệm vào về chính trị và việc cai trị – thực tế anh chỉ là quan bật mã ông – nhưng trong quá khứ anh từng có cơ hội chứng tỏ tấm lòng của mình với Michael.
Hai người quen nhau cách đó vài năm. Khi Michael đang viếng chuồng ngựa bỗng dưng có một con xổng chuồng. Basilius, một người phục vụ xuất thân từ giới nông dân vùng Macedonia đã cứu mạng Michael. Sức khỏe và lòng dung cảm của người phục vụ trẻ này đã tạo ấn tượng tốt cho Michael; vì thế, từ một kẻ dạy ngựa, Basilius được thăng tiến thành quan bật mã ôn hang đầu của hoàng gia. Michael ban cho Basilius biết bao là bổng lộc và chẳng mấy chốc hai người trở thành bạn tâm giao. Basilius được gửi đi học tại ngôi trường khá nhất ở Byzantium, và từ đó gã nông dân cục mịch trở thành một triều thần văn minh và sành điệu.
Giờ thì Michael đã lên ngôi hoàng đế và đang cần người tin cẩn. Vậy Michael biết tìm ai xứng đáng hơn để đưa vào vị trí cố vấn hàng đầu ngoài Basilius ra, kẻ vốn đã hàm ân?
Nếu chưa có kinh nghiệm thì chỉ cần huấn luyện, hơn nữa Michael thương Basilius như em ruột mình. Bỏ ngoài tai việc quần thần khuyên chọn Bardas giỏi giang và bản lĩnh hơn, Michael nhất định chọn bạn.
Basilius cũng sáng dạ nên học hỏi rất nhanh và chẳng mấy chốc đã có thể cố vấn hoàng đế về đủ mọi lĩnh vực. Vấn đề tồn tại duy nhất có vẻ là tiền bạc – với Basilius bao nhiêu cũng không đủ. Đắm mình trong lối sống xa hoa của triều đình Byzantium tráng lệ, quan cố vấn rất hám danh lợi uy quyền.
Michael tăng gấp đôi, rồi gấp ba lương bổng của Basilius, ban cho chức tước quý tộc, lại còn tác hợp cho Basilius với chính cung phi của mình là Eudoxia Ingerina. Michael không tiếc bất kỳ thứ gì để làm hài lòng một người bạn quý, một quân sư như thế. Nhưng bất ổn sắp diễn ra. Hiện Bardas giữ chức nguyên soái đang nuôi tham vọng cao hơn nữa: Những tưởng sẽ kiểm soát được cháu mình, Bardas lập mưa đưa Michael lên ngôi, sau đó tìm cách thủ tiêu Michael để chiếm ngai vàng. Basilius cứ rù rì bao nhiêu lời thâm độc vào tai cho đến khi Michael bằng lòng cho ám sát ông chú. Trong một buổi xem đua ngựa, Basilius lẩn vào đám đông, tiến đến gần Bardas và đâm chết ông ta. Sau đó Basilius yêu cầu Michael cho mình thay vào vị trí của Bardas để giữ yên bờ cõi và dập tắt mọi cuộc nổi loạn. Tất nhiên là Michael ưng thuận.
Từ thời điểm này trở đi, quyền uy cùng của cải của Basilius tăng lên vùn vụt.
Vài năm sau đó khi quốc khố trống rỗng vì lối sống xa hoa, Michael đề nghị Basilius trả lại bớt một phần tiền mà anh ta đã mượn suốt bao năm tháng. Michael cảm thấy hết sức kinh ngạc và bất ngờ khi Basilius thẳng thừng từ chối với tia nhìn láo xược, khiến Michael nhận được ngay tình thế nguy nan của mình: Tên hầu ngựa ngày nào giờ đã giàu có hơn mình, có nhiều đồng minh hơn trong quân đội và triều đình và kết quả là có nhiều uy quyền hơn chính hoàng đế. Vài tuần sau đó, qua một đêm bí tỉ, Michael giật mình tỉnh giấc khi bị binh sĩ bao vây. Đích thân Basilius đứng đó chứng kiến bọn tay sai hạ sát Michael. Sau khi tự phong hoàng đế, Basilius cưỡi ngựa đi khắp kinh thành, giương cao ngọn giáo có cắm thủ cấp của Michael, người từng là ân nhân và bạn thân nhất của mình.
Diễn giải
Michael III đặt cược tương lai vào niềm tin là Basilius sẽ hàm ân mình. Tất nhiên Basilius sẽ cúc cung tận tụy với Michael, vì có được sự vinh hoa phú quý và học thức như vậy là nhờ Michael. Đến khi Basilius có được chức quyền, Michael lại tiếp tục ban thưởng những gì tốt đẹp nhất để làm khăng khít thêm quan hệ giữ hai người. Chỉ khi đến cái ngày định mệnh kia, lúc nhìn thấy nụ cười ngạo mạn của Basilius thì Michael mới nhận ra lỗi lầm chết người của mình.
Michael đã tạo ra một quái vật. Vị hoàng đế trẻ đã để cho một người tiếp cận quá gần với uy quyền – kẻ lúc ấy lại yêu sách thêm nữa, kẻ muốn gì được nấy, kẻ cảm thấy vướng bận bởi những ân sủng đã nhận được và đơn giản làm cái điều mà nhiều người làm trong tình huống đó: Họ quên hết những ân tình đã nhận và nghĩ rằng thành công của mình đến là do tự lực mà có.
Khi vừa ý thức được việc này, lẽ ra Michael đã có thể cứu được mạng sống của chính mình, song tình bạn và tình yêu đã ngăn cản tầm nhìn của con người. Không ai có thể tin vào khả năng phản bội của người bạn chí cốt. Và Michael cũng vậy, cho đến ngày thủ cấp của mình bị ghim trên ngọn giáo.
Thượng đế, xin người hãy bảo vệ con chống lại bạn bè con, còn kẻ thù thì cứ để mặc con lo liệu.
(Voltaire, 1694-1778)
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Nhiều thế kỷ sau khi nhà Hán cáo chung (năm 222), lịch sử Trung Quốc vẫn tiếp diễn những vụ bạo loạn đẫm máu, vụ này theo sau vụ khác. Quân đội âm mưu sát hại một hoàng đế suy yếu, rồi tôn một vị tướng hùng mạnh lên ngôi thiên tử. Vị tướng tự xưng hoàng đế và bắt đầu một triều đại mới. Để bảo đảm sự sống còn, tân hoàng đế cho hành quyết tất cả những vị tướng đồng liêu. Tuy nhiên những năm sau đó, thông lệ cũ vẫn tiếp diễn: Các vị tướng mới nổi dậy giết vua hoặc các hoàng tử. Ai muốn làm hoàng đế Trung Quốc, người đó phải cô độc và sống giữa một đám thù địch – đó là vị trí mong manh và bấp bênh nhất toàn cõi thiên triều.
Vào năm 959, tướng Triệu Khuông Dận lên ngôi hoàng đế nhà Bắc Tống. Ông ta biết rõ thế cờ rằng chỉ trong một vài năm mình sẽ bị mưu sát, vậy làm sao phá vỡ cái lệ đó? Ngay sau khi lên ngôi, Triệu tổ chức yến tiệc và mời những chỉ huy hùng mạnh nhất quân đội đến dự. Khi rượu đã mềm môi, hoàng đế đuổi hết mọi người ra ngoài, chỉ còn mình ông với các vị tướng. Những vị ngày nghĩ rằng phen này sẽ bị hoàng đế tiêu diệt một loạt. Nhưng không, hoàng đế nói với họ rằng ngày đêm gì cũng là nỗi sợ hãi, ăn cũng sợ mà ngủ cũng sợ, bởi vì “Có ai trong các khanh mà không mơ đến ngai vàng? Ta không nghi ngờ lòng trung của các khanh, nhưng nếu lỡ xảy ra việc tùy tướng các khanh, vốn ham danh lợi lại thúc ép các khanh khoác lên mình tấm long bào, thì làm sao các khanh dám từ chối?”. Vì say và vì sợ, tất cả các tướng đều thề thốt trung nghĩa. Nhưng hoàng đế nghĩ khác: “Cách hưởng thụ tốt nhất cuộc đời này là sống trong vinh hoa phú quý. Nếu các khanh tùy thuận giao lại tất cả những quân quyền, ta sẵn sang ban bổng lộc thái ấp trù phú nhất, để phần còn lại của cuộc đời, các khanh tha hồ hưởng lạc với đàn hát xướng ca.”[3]
Chư tướng nhận ra rằng thay vì phải sống cả đời trong niềm lo sợ và bon chen, giờ họ được hoàng đế hứa hẹn sự an nhàn yên ổn. Ngay hôm sau, cả bọn đều trao lại quyền bính, đổi quân ấn lấy chức tước công hầu ở những vùng đất mà Triệu đã ban cho họ.
Chỉ một phát, Triệu đã biến nguyên cả bầy sói “bằng hữu”, vốn trước sau gì cũng phản bội ông ta thành một đám cừu non ngoan ngoãn, xa rời uy quyền.
Những năm sau đó, Triệu tiếp tục chinh phạt để củng cố bờ cõi. Vào năm 971, vua Liêu nhà Nam Hán cuối cùng đầu hàng nhà Bắc Tống. Liêu hết sức ngạc nhiên khi được Triệu lưu dụng trong triều và mời mình vào cung để nâng chén hữu nghị. Cầm chén rượu Triệu trao, Liêu e rằng trong đó có thuốc độc nên òa khóc: “Tội thần đáng muôn chết, nhưng thần van xin bệ hạ tha cho cái mạng này. Thần thật không dám uống.” Hoàng đế cả cười, nhón lấy chén rượu từ tay Liêu và uống cạn. Không hề có thuốc độc. Từ đó về sau Liêu trở thành cận thần trung thành và tín cẩn nhất.
Lúc ấy Trung Quốc chia thành những vương triều nhỏ. Khi một trong những vị vương đó là Tiền Sở Ngô Việt Vương thua trận bị bắt, các quân sư nhà Tống đề nghị hoàng đế giam ông ta vào ngục thất. Họ trưng ra các hồ sơ mật chứng minh Tiền Sở Ngô Việt Vương vẫn còn mưu toan tạo phản. Tuy nhiên tới lúc được binh sĩ dẫn đến diện kiến hoàng đế, Tiền Sở chẳng những không bị bắt giam mà còn được trọng vọng. Hoàng đế trao cho ông ta một gói nhỏ, dặn chỉ mở ra khi đang trên đường về cố quận. Khi mở ra, Tiền Sở mới biết đó là tất cả những giấy má hồ sơ chứng minh sự tạo phản của mình: Hoàng đế đã am tường việc này, vậy mà còn tha tội chết. Sự khoan dung này đã khuất phục Tiền Sở và từ đó về sau ông trở thành chư hầu trung thành nhất của nhà Tống.
Diễn giải
Một tục ngữ Trung Quốc so sánh bạn bè như là hàm và răng của con thú nguy hiểm: Nếu không cẩn trọng chúng sẽ nhai mình tan xác. Tống Thái tổ biết loại hàm nào mình đang phải luồn qua khi lên ngai vàng: Các “bè bạn” trong quân đội sẽ nhai ông không thương tiếc và nếu may mắn thoát được ải này, những “bạn bè” khác trong triều cũng làm thịt ông. Tống Thái tổ sẽ không giở trò gì với “bạn bè” cả – ông chỉ lo lót các tướng bằng những thái ấp trù phú và giữ chân họ ở xa kinh thành. Thay vì cho giết họ, Thái tổ làm họ suy yếu bằng phương cách khác, như thế hay hơn và tránh được sự hiềm thù của các tướng lãnh. Và Thái tổ cũng chẳng cần làm gì với các thượng quan trong triều. Thường thì cuối cùng họ cũng sẽ uống phải ly rượu độc của hoàng đế.
Thay vì dựa vào bè bạn, Triệu sử dụng kẻ thù, hết người này đến người khác, biến họ trở thành quần thần đáng tin cậy hơn. Trong khi bạn bè càng lúc càng nhiều tham vọng và đố kỵ, những kẻ thù cũ đó không trông chờ điều gì cả mà lại được rất nhiều. Một người đột nhiên thoát được tội trảm sẽ vô vàn biết ơn và sẽ kết cỏ ngậm vành cho người đã tha tội chết. Rốt cuộc, những kẻ thù cũ đó trở thành người tin cẩn nhất của Tống Thái tổ. Và cuối cùng Triệu đã phá vỡ được cái thông lệ tạo phản, bạo lực và nội chiến – nhà Tống trị vì Trung Quốc suốt hơn ba trăm năm.
Trong bài diễn văn đọc ở đỉnh cao thời kỳ nội chiến, Abraham Lincoln xem cư dân miền Nam nước Mỹ như là những người lỡ lầm lạc lối. Một bà lão phản đối vì Lincoln không chịu gọi họ là những kẻ thù không đội trời chung và phải bị tiêu diệt. Lincoln bình tĩnh đáp lại:
“Nhưng thưa bà, há tôi đã chẳng tiêu diệt kẻ thù khi biến họ thành bạn bè đó sao?”
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Khi hữu sự, tự nhiên ta nghĩ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Thế giới rất khắc nghiệt và bạn bè mang đến cho ta chút dịu êm. Hơn nữa ta cũng biết họ. Vậy tại sao phải tùy thuộc vào người lạ một khi sẵn có bạn bè?
Vấn đề là thường khi ta không hiểu thấu bạn bè như ta vẫn tưởng. Bạn bè hay ậm ừ cho qua chuyện để tránh phải cãi lý. Họ che đậy nhiều nét tính tình không mấy đẹp để khỏi mất lòng nhau. Người này pha trò thì người kia ráng cười cho to vào. Vì tính trung thực ít khi nào củng cố tình bằng hữu, ta có thể không bao giờ biết đích xác bạn ta thực sự nghĩ gì. Bạn bè sẵn sàng tán thành thị hiếu của ta về ăn mặc, ca tụng bản nhạc do ta sáng tác, khen ngợi bài thơ ta làm – có thể họ thực lòng, nhưng cũng có thể không.
Khi quyết định tuyển dụng một người bạn, ta sẽ dần khám phá những đặc tính mà người ấy che đậy. Thật éo le thay chính lòng tốt của ta đã làm đảo lộn mọi thứ. Người ta ai cũng muốn cho rằng mình là kẻ xứng đáng với cơ đồ. Việc hàm ân có thể làm cho họ ngột ngạt vì điều đó làm họ mặc cảm rằng sở dĩ họ được chọn bởi vì họ là bạn bè, chứ không phải vì họ đáng đồng tiền bát gạo. Hầu như hành động tuyển dụng bạn bè có chút gì đó cao ngạo, làm phiền lòng họ một cách thầm kín. Vết thương lòng này dần dà rồi cũng bộc lộ ra: Thêm một chút thẳng thắn, một thoáng oán hờn ganh tị nọ kia và tình bạn đã chóng nhạt phai trước khi ta kịp nhận ra. Càng thêm nhiều chiếu cố, càng tặng thêm nhiều quà cáp nhằm cứu vãn tình bạn, ta càng nhận được ít đi sự tri ân.
Sự bạc nghĩa đã xưa như trái đất. Nó từng chứng minh sức mạnh trong hàng bao thế kỷ, nhưng thật quái lạ tại sao mọi người vẫn đánh giá thấp sức mạnh ấy. Tốt hơn là nên đề phòng. Nếu thi ân bất cầu báo, ta sẽ được ngạc nhiên thích thú khi bạn bè tỏ lòng biết ơn.
Cái khó khi sử dụng hoặc tuyển mộ bạn bè là ta khó tránh khỏi việc uy quyền mình bị hạn chế. Ít khi nào bạn bè là người có năng lực nhất trong tình huống nhất định; và cuối cùng, năng lực và kỹ xảo lại bị tình bạn át mất. (Michael III từng có sờ sờ ra đó một kẻ có khả năng lèo lái và cứu mạng mình, đó là Bardas.)
Tình huống hành sự nào cũng cần có khoảng cách giữa các cá thể. Ta đang cố làm việc chứ không phải cố kết bạn. Tình bằng hữu, cho dù là thật hay giả, đều che khuất sự thật đó. Như vậy, mấu chốt để nắm uy quyền là khả năng đánh giá xem ai là người tốt nhất để xúc tiến quyền lợi của ta trong mọi tình huống. Hãy giữ bạn bè cho lĩnh vực bạn bè, còn khi làm việc thì ta phải chọn người tốt nhất, giỏi giang nhất.
Mặt khác, kẻ thù của ta là mỏ vàng nguyên sơ mà ta phải học cách khai thác. Vào năm 1807 khi Talleyrand, bộ trưởng ngoại giao của Hoàng đế Napoléon, đã khẳng định chắc chắn rằng sư phụ mình đang đưa nước Pháp đến chỗ suy vong và đã đến lúc quay lưng lại với hoàng đế. Ý thức được những hiểm nguy và rủi ro trong mưu đồ tạo phản, Talleyrand cần có một đồng minh. Sau khi đắn đo suy nghĩ, ông ta chọn Joseph Fouché, người đứng đầu cơ quan an ninh chìm mà cũng là kẻ thù mà ông ta căm ghét nhất, bởi vì Fouché đã nhiều phen tìm cách ám sát Talleyrand. Viên ngoại trưởng biết rằng mối đố kỵ trước nay sẽ là cơ hội giảng hòa về mặt tình cảm. Ông biết rằng Fouché không trông mong gì từ phía mình mà ngược lại sẽ tận tụy chứng minh xứng đáng với sự chọn mặt gửi vàng ấy. Người nào có cái để chứng minh, họ sẽ dời non lấp biển để minh chứng. Cuối cùng, Telleyrand biết rằng quan hệ giữa hai người được đặt trên nền móng tư lợi tương hỗ, do đó sẽ không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân. Thực tế cho thấy sự lựa chọn của Talleyrand là đúng đắn, và mặc dù âm mưu của hai người chưa lật đổ được Napoléon song sự hợp tác đó đã khiến nhiều người khác quan tâm đến đại nghĩa và tinh thần chống đối hoàng đế dần lan rộng. Và từ đó về sau giữa Talleyrand và Fouché nảy nở quan hệ cộng tác hiệu quả. Mỗi khi có thể, bạn hãy làm hòa với kẻ thù và có kế hoạch đưa hắn vào thế phục vụ cho mình.
Như Lincoln đã nói, ta tiêu diệt được một kẻ thù khi biến hắn thành đồng minh. Năm 1971 trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Henry Kissinger từng bị bắt cóc hụt nhiều lần. Trong số những bộ óc sắp đặt mưu đồ có anh em nhà Berrigan, vốn là các tu sĩ nổi tiếng phản chiến, ngoài ra còn bốn tu sĩ Công giáo và bốn nữ tu. Theo kế hoạch riêng không được thông báo đến cảnh sát mật lẫn bộ Tư pháp, Kissinger dàn xếp một cuộc gặp gỡ với ba người chủ mưu. Trong cuộc nói chuyện để làm rõ nhiều vấn đề, Kissinger chinh phục được đối thủ khi cho họ biết rằng ông sẽ đưa hầu hết quân nhân Mỹ ra khỏi Việt Nam vào giữa năm 1972. Họ tặng ông cái nút áo huy hiệu với dòng chữ cổ xúy “Bắt cóc Kissinger”, và một người trong bọn họ trở thành bạn bè ông suốt nhiều năm liền, nhiều lần đến viếng thăm ông. Hành động của Kissinger không chỉ là kế sách cổ điển: chủ trương của ông là hợp tác với những người không cùng chính kiến. Các đồng liêu của ông nói hình như ông làm việc với kẻ thù còn suôn sẻ hơn với bạn bè.
Nếu quanh ta không có kẻ thù ta sẽ dễ lười nhác. Biết có kẻ thù, trí não ta sẽ được mài giũa, tập trung và cảnh giác. Trong những hoàn cảnh thích hợp hơn, ta sẽ sử dụng kẻ thù như là kẻ thù chứ không phải là đồng minh hay bè bạn.
Để tiến lên nấc thang uy quyền, Mao Trạch Đông chủ yếu lợi dụng xung đột. Năm 1937 Nhật xâm lược Trung Quốc, làm gián đoạn cuộc chiến giữa phe Cộng sản và phe Dân quốc.
E rằng quân Nhật sẽ đánh tan quân ta, một vài vị chỉ huy phe Cộng sản muốn để cho phe Dân quốc đánh với Nhật, trong khi đó phe Cộng sản sẽ phục hồi lực lượng. Mao có ý kiến ngược lại: Quân Nhật không thể nào đánh bại và chiếm đóng lâu dài một đất nước quá rộng lớn như Trung Quốc. Đến khi Nhật rút quân, phe Cộng sản sẽ lụt nghề nếu không chiến đấu trong suốt nhiều năm và lúc đó sẽ không sẵn sang tiếp tục chiến đấu với phe Dân quốc. Trái lại, cuộc chiến với một kẻ thù to lớn như bọn Nhật sẽ là cơ hội huấn luyện tuyệt vời cho đội quân ô hợp của phe Cộng sản. Kế hoạch của Mao được nhất trí và được chứng minh là hợp lý: Sau khi Nhật rút quân, phe Cộng sản đã tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm trận mạc, giúp họ đánh bại phe Dân quốc.
Chiến lược xung đột thường trực của Mao có nhiều mấu chốt. Thứ nhất, ta phải chắc chắn rằng cuối cùng mình sẽ chiến thắng. Đừng bao giờ lâm chiến với đối thủ nào ta không thể đánh bại, cũng như Mao biết chắc rằng qua năm tháng quân Nhật sẽ đại bại. Thứ hai, nếu chưa có kẻ thù rõ ràng, đôi khi ta phải dựng nên một mục tiêu tiện lơi, thậm chí biến bạn thành thù. Thỉnh thoảng Mao vẫn dùng chiến thuật này trên chính trường. Thứ ba, lợi dụng loại kẻ thù đó để cho công luận nhận rõ đại nghĩa của ta hơn nữa, thậm chí tuyên truyền đó là cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Mao cổ xúy sự bất đồng giữa Trung Quốc với Liên bang Xô-viết và Mỹ. Mao tin rằng nếu không có một kẻ thù rõ ràng, nhân dân sẽ dần dà lãng quên ý nghĩa của Cộng sản Trung Quốc. Một kẻ thù được chỉ mặt đặt tên là một luận cứ có ích cho ta nhiều hơn là tất cả mọi ngôn từ gom góp lại.
Đừng bao giờ lúng túng vì sự hiện diện của kẻ thù – với một hai đối thủ công khai, ta sẽ dễ chịu hơn là kẻ thù giấu mặt. Người tài ba hoan nghênh xung đột, sử dụng kẻ thù để tăng cường uy tín của mình, để mọi người cảm thấy có thể nương tựa mình như nương tựa một chiến binh vững chãi khi họ lâm nguy.
Hình ảnh ghi nhớ:
Móng vuốt của sự Vô ơn. Biết trước mọi rủi ro, ta sẽ chẳng dại gì đút tay vào miệng cá sấu. Với bạn bè, ta sẽ chẳng cảnh giác như thế; và nếu tuyển dụng họ, sự vô ơn sẽ phập ngay vào cổ ta.
Ý kiến chuyên gia:
Biết cách sử dụng kẻ thù để làm lợi cho mình. Học cách nắm dao đàng chuôi chứ không đàng lưỡi. Người khôn ngoan khai thác từ kẻ thù nhiều hơn là đứa ngu si sử dụng bạn bè.
(Baltasar Gracián, 1601-1658)
NGHỊCH ĐẢO
Mặc dù nhìn chung thì tốt hơn ta không nên để tình bạn chen vào công việc, nhưng vẫn có lúc bạn bè hữu hiệu hơn kẻ thù. Chẳng hạn như một người quyền bính luôn có những việc bẩn cần người khác làm thế. Và những lúc này bạn bè sẽ thực hiện tốt hơn, vì tình cảm với ta. Ngoài ra vì lý do nào đó nếu kế hoạch bị hỏng, ta vẫn có thể sử dụng bạn bè làm vật bung xung. Sự “thất sủng của bề tôi yêu quý” là một kế sách mà các bậc quân vương hay dùng: Họ sẽ để cho người thân thiết nhất trong triều đứng ra lãnh búa, bởi vì công chúng sẽ không tin rằng họ đang hy sinh bằng hữu vì tư lợi. Tất nhiên, sau nước cờ này rồi thì xem như ta vĩnh viễn mất đi người bạn. Vì vậy tốt hơn ta nên dành vị trí bung xung cho một kẻ thân thiết vừa phải chứ đừng quá thân.
Cuối cùng, vấn đề nảy sinh khi cộng tác với bạn bè là ta không xác định khoảng cách và ranh giới chính xác cần phải có. Nếu cả hai phe trong cuộc đều ý thức rõ những hiểm nguy tiềm tàng thì một người bạn thường sẽ rất hữu hiệu. Tuy nhiên trong sự lựa chọn này bạn không được lơi lỏng cảnh giác, luôn sẵn sàng nhận ra mọi biểu hiện xáo trộn cảm xúc, chẳng hạn như lòng đố kỵ. Trong lĩnh vực uy quyền, không có gì bền vững hết, ngay cả người bạn chí cốt nhất cũng có khả năng trở thành kẻ thù độc địa nhất.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.