48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 34: HÃY CƯ XỬ NHƯ VUA,NẾU MUỐN ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ VUA



Phong thái của bạn có thể quyết định cách mọi người cư xử với bạn: Luôn có vẻ tầm thường thô thiển, rốt cuộc bạn sẽ bị người khác xem thường. Bởi vì một vị vua tôn trọng chính mình và khiến cho người khác cũng tôn trọng ông ta. Khi cư xử vương giả và tin vào quyền lực của mình, bạn khiến mọi người nghĩ rằng số của bạn là phải đội vương miện.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Tháng 7 năm 1830, cách mạng nổ ra ở Paris và vua Charles X phải thoái vị. Một ủy ban đặc biệt gồm các thẩm quyền cấp cao họp lại để chọn ra người kế vị, và người được lựa chọn là Louis-Philippe, công tước vùng Orléans.

Ngay từ đầu, rõ ràng Louis-Philippe sẽ không như những ông vua trước kia, không chỉ vì ông xuất thân từ một nhánh khác của hoàng tộc, hoặc vì ông không kế vị ngai vàng: Ông được một ủy ban trao vương miện, và việc này khiến nhiều người đặt lại vấn đề chính thống.

Louis-Philippe khác với các tiên vương ở chỗ ông không thích lễ nghi và cân đai áo mão. Ông có nhiều bạn trong chốn ngân hàng hơn là ở giới quý tộc, và ông cũng không tạo ra những phép tắc hoàng gia mới như Napolépon từng làm, mà lại giảm thiểu tầm quan trọng của vương vị để thoải mái hơn khi hòa nhập với các doanh nhân và giới trung lưu. Bởi vậy khi nghĩ về Louis-Philippe, mọi người không liên tưởng đến vương miện và vương trượng, mà nghĩ đến cái nón xám và cây dù, những vật dụng thường dùng khi ông dạo phố Paris, như thể một tay trưởng giả đang bách bộ.

Khi mời James Rothschild đến cung điện, Louis-Philippe đối xử ngang hàng với tay đại tài phiệt này. Và không như bất kỳ những vị vua nào trước đó, Louis-Philippe không chỉ nói chuyện làm ăn với Rothschild, mà thật ra ông nói rặt mỗi chủ đề đó.

Triều đại của “vua trưởng giả” càng lê lết, nhân dân càng coi thường ông. Giới quý tộc không thể chịu được hình ảnh một vị vua không vương giả, và chỉ vài năm sau họ chống lại ông. Trong khi đó giai cấp ngày càng đông những người nghèo, kể cả bọn cực đoan từng tống khứ Charles X lại không hài lòng với một lãnh đạo vua không ra vua, mà cũng không phải là người của đông đảo quần chúng. Còn giới chủ ngân hàng sớm nhận ra rằng chính họ mới là thành phần điều khiển đất nước, chứ không phải là vua, vì vậy họ ngày càng xem thường ông.

Cuối cùng những nổi loạn của thợ thuyền xuất hiện trở lại, và Louis-Philippe mạnh tay đàn áp họ. Nhưng ông mạnh tay như thế để bảo vệ cái gì? Không phải bảo vệ chế độ quân chủ mà ông không thiết tha, cũng không bảo vệ nền công hòa dân chủ mà vương quyền của ông chống lại. Hình như điều mà ông thực sự bảo vệ lại là của cải tài sản của chính ông và của bọn chủ ngân hàng – vốn không thể động viên được lòng trung của quần chúng.

Đầu năm 1848, mọi tầng lớp nhân dân Pháp bắt đầu biểu tình đòi cải tổ bầu cử để đất nước thật sự dân chủ. Dần dà những cuộc biểu tình đó bạo lực hơn. Để vỗ an dân chúng, Louis-Philippe cách chức thủ tướng và thay thế bằng một người theo khuynh hướng tự do. Nhưng động thái này tạo phản ứng ngược: Nhân dân cảm thấy họ có thể thúc ép vua.

Biểu tình biến thành cách mạng. Đêm 23 tháng 2, đông đảo quần chúng Paris bao vây cung điện. Với quyết định đột ngột làm mọi người sững sờ, Louis-Philippe thoái vị ngay đêm đó và lưu vong sang Anh. Ông không có người kế vị, thậm chí không gợi ý người kế vị – nguyên bộ máy chính phủ cuốn gói ra đi như gánh xiếc rời làng.

Diễn giải

Louis-Philippe chủ động xóa nhòa vầng hào quang mà vua chúa nào cũng tự nhiên có được. Xem thường tính biểu trưng của sự lớn lao cao cả, ông tin là một thế giới mới đang ló dạng, và kẻ lãnh đạo phải giống như mọi dân thường. Ông có lý: Một thế giới mới không có vua chúa đang trên đà hình thành. Tuy nhiên ông sai lầm trầm trọng khi tiên đoán một sự đổi thay trong cách vận hành quyền lực.

Thoạt đầu nhân dân Pháp cũng thấy vui vui khi có vị vua che dù đội nón, nhưng dần dà họ bất mãn ra mặt. Họ thừa biết tuy ra vẻ, nhưng thật ra không hoàn toàn giống họ – rằng nón và dù kia chỉ là cái mẹo để dụ họ tưởng là đất nước đột nhiên công bằng hơn. Dù thao thì nhân dân Pháp cũng muốn rằng kẻ trị vì họ cũng phải đường bệ, cũng phải ít nhiều “ăn sân khấu”. Thậm chí một kẻ cực đoan như Robespierre, hoặc như Napoléon cũng hiểu điều ấy, khi ông chuyển nền cộng hòa cách mạng thành chế độ quân chủ. Quả thật ngay sau khi Louis-Philippe rời sân khấu, người Pháp tỏ rõ mong muốn thật sự của họ: Họ bầu ngay cháu của Napoléon làm tổng thống. Mặc dù ông này không tiếng tăm gì, song nhân dân muốn tái tạo vầng hào quang của cựu hoàng, xóa tan hồi ức không đẹp về một vị “vua trưởng giả”.

Người quyền lực có thể muốn ra vẻ mình cũng bình dân, họ cố gắng tạo ảo tưởng rằng mình với nhân dân tuy hai mà một. Nhưng nhân dân sẽ nhanh chóng phát hiện ra sự màu mè đó. Nhân dân hiểu rằng mình không được thêm chút quyền lợi nào, mà động tác giả ấy chỉ dụ mình lầm tưởng là cùng sẻ chia số phận với người quyền lực. Muốn ra vẻ bình dân coi cho được thì phải làm theo kiểu Franklin Roosevelt. Tổng thống thành thật để cho dân chúng hiểu rằng tận đáy lòng, ông vẫn là tầng lớp thượng lưu, nhưng thực sự chia sẻ mọi giá trị và mục đích với dân. Ông chưa bao giờ giả vờ xóa đi khoảng cách giữa mình và quần chúng.

Những lãnh tụ nào định xóa nhòa khoảng cách ấy bằng cách giả vờ thân thiện với dân, thì sẽ mất dần khả năng làm cho dân sợ, dân thương, hoặc trung thành. Ngược lại dân chỉ khinh thường mà thôi.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Khi Christopher Columbus đang cố tìm nguồn tài trợ cho những chuyến du hành, nhiều người xung quanh tưởng ông xuất thân từ giới quý tộc Italia. Sau đó lịch sử cũng phần nào ghi nhầm như vậy, xuất phát từ tiểu sử của Columbus do con ông viết ra sau khi ông chết. Theo đó, Columbus là hậu duệ của bá tước Colombo của lâu đài Cuccaro tại Montferrat. Rồi Colombo được tương truyền là con cháu của tướng La Mã Colonius lừng danh, có anh em họ được cho là hậu duệ của hoàng đế Constantinople. Quả là một gia phả đáng kính.

Nhưng trên thực thế Columbus là con trai của Domenico Colombo, một người thợ dệt tầm thường, từng mở quán rượu kiếm sống, và vào thời điểm đó đang bán phô-mai để độ nhật.

Chính Columbus tự tạo ra truyền thuyết về dòng dõi quý tộc, vì từ rất sớm, ông cảm thấy định mệnh đã chọn mình làm đại sự, và rằng ít nhiều mình cũng có dòng máu hoàng gia trong huyết quản. Vì vậy ông cũng xử sự như thể mình thuộc dòng dõi quý nhân. Ông rời quê hương Genoa sang Lisbon định cư, sử dụng cái lý lịch ngụy tạo kia để cưới con gái một gia đình danh giá, rất thân thiết với hoàng tộc Bồ Đào Nha.

Nhờ nhà vợ, ông được diện kiến vua João II. Columbus liền làm tấu chương xin tài trợ các chuyến hải hành nhằm tìm ra lộ trình ngắn hơn sang châu Á. Ông cam đoan tất cả những vùng mới khai phá sẽ mang tên nhà vua Bồ Đào Nha, nhưng đáp lại vua phải phong ông nhiều chức tước nghe rất rổn rảng.

Columbus mạnh dạn thỉnh cầu mặc dù ông chỉ là một tên thương buôn tầm thường, hầu như chưa biết gì về hàng hải, không sử dụng được thước đo độ, thậm chí chưa bao giờ lãnh đạo một nhóm người.

Khi Columbus nói xong, João II mỉm cười: Nhà vua nhã nhặn từ chối yêu cầu của gã thương buôn, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa của tương lai. Ở đây có lẽ Columbus đã để ý thấy một điều ông không bao giờ quên: Cho dù chưa chấp thuận lời thỉnh cầu, song nhà vua xem chúng là chính đáng. Nhà vua không cười nhạo những yêu cầu đó, cũng không thắc mắc gì về khả năng cũng như lý lịch của gã lái buôn. Thật ra vua khá ấn tượng vì những thỉnh cầu táo bạo, và cảm thấy khoan khoái trước một người dám hành động tự tin như vậy.

Cuộc diện kiến này giúp Columbus khẳng định rằng trực giác của mình đúng: Khi đòi hái mặt trăng, vị trí ông lập tức thăng tiến, vì nhà vua giả định rằng từ khi một người chỉ có điên mới đặt giá quá cao như vậy cho bản thân mình (mà Columbus đâu có vẻ gì điên), ắt hẳn hắn ít nhiều xứng đáng với cái giá ấy.

Vài năm sau Columbus sang Tây Ban Nha, sử dụng các quan hệ Bồ Đào Nha để xâm nhập triều đình, nhận được sự trợ giúp từ những nhà tài phiệt nổi tiếng, được ngồi chung mâm với ông hoàng bà chúa. Với ai, Columbus cũng lặp lại những thỉnh cầu cũ. Nhiều người, chẳng hạn như Công tước vùng Medina, dù rất muốn nhưng không thể ban cho Columbus những chức tước cao quý. Nhưng Columbus không nản chí và quay sang tập trung vào Hoàng hậu Isabella.

Đến năm 1492 khi dẹp xong loạn Moor và nhẹ gánh tài chính, hoàng hậu chấp nhận tài trợ các chuyến hải hành và ban tước cho Columbus. Khi thất bại với những chuyến đầu, ông còn xin tăng tài trợ cho những chuyến sau tham vọng hơn, và cũng được chấp thuật. Lúc ấy có lẽ hoàng hậu nghĩ rằng Columbus quả là người của những đại sự.

Diễn giải

Nếu nói về lĩnh vực thám hiểm thăm dò, Columbus cố gắng lắm cũng chỉ là tay xoàng xĩnh. Kiến thức của ông về hàng hải so ra còn kém một thủy thủ bình thường. Nhưng ông lại là thiên tài ở lĩnh vực khác: Biết làm tăng giá trị bản thân.

Columbus có khả năng đặc biệt để mê hoặc giới quý tộc, và tất cả đều nhờ vào phong thái của ông. Người ông toát lên vẻ tự tin lớn mạnh hơn khả năng thực sự. Sự tự tin này không phải là thứ hăng máu, tự quảng cáo của người mới phất – đó là loại tự tin điềm nhiên trầm lặng. Quả thực đó đúng là thứ tự tin mà giới quý tộc thường biểu lộ. Người quyền lực ở giới quý tộc cựu trào cảm thấy không cần thiết tự chứng tỏ hay khẳng định. Họ biết, đã là dân quý phái, thì ta luôn xứng đáng được hơn thế nữa, và họ đòi hỏi được hơn thế nữa. Vì vậy với Columbus họ thấy ngay có nét giống nhau, bởi vì ông cư xử giống như họ cư xử – nổi bật giữa đám đông, có số làm đại sự.

Ta có khả năng đề ra chính cái giá của mình. Cung cách của ta nói lên cách ta tự đánh giá bản thân. Nếu ta chỉ yêu cầu tí chút, đầu thì cúi chân thì lê, thiên hạ sẽ nhìn tướng mà đoán người. Nhưng cách cư xử đó không phải là con người thật của ta, mà chỉ là hình ảnh mà ta chọn để xuất hiện trước mắt mọi người. Muốn sáng chói như Columbus ta vẫn có thể: hăng hái, tự tin, và cảm thấy rằng trời sinh mình ra là để đội vương miện.

Tất cả các bậc thầy đều có một lệ thường đáng chú ý, làm nên nguồn sức mạnh của họ. Khi thực hiện lừa đảo, niềm tin vào chính bản thân đã tràn ngập con người họ.

Chính niềm tin này đã diễn đạt những phép lạ và quyến rũ những người xung quanh.

(Friedrich Nietzsche, 1844-1900)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Hồi thơ ấu, chúng ta bước vào cuộc sống thật hăm hở, kỳ vọng và khá đòi hỏi mọi thứ của thế giới bên ngoài. Dần dà, thái độ này trở thành thói quen, và nhìn chung, ta mang thói quen ấy theo những lần đầu tiên đột nhập vào xã hội, khi ta bắt đầu sự nghiệp. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bắt đầu nếm mùi phản kháng và thất bại, rồi những kinh nghiệm ấy đã hình thành các giới hạn ngày càng vững chắc. Vì ta đã quen đòi hỏi ít hơn từ người khác, dần dà ta chấp nhận những hạn chế, mà thật ra do ta tự áp đặt. Ta bắt đầu cúi đầu, gãi tai và xin lỗi khi nói lên ngay cả lời thỉnh cầu đơn giản nhất. Muốn khắc phục tình trạng thu hẹp tầm vóc như thế, ta phải chú ý ép buộc mình về hướng ngược lại – giảm thiểu tầm quan trọng của thất bại và phớt lờ các giới hạn, giục mình phải đòi hỏi thật nhiều và dự trù nhận được thật nhiều như hồi còn thơ ấu. Để được như vậy, ta phải áp dụng một chiến lược đặc biệt lên chính bản thân. Ta hãy gọi đó là Chiến lược Vương miện.

Chiến lược này dựa trên một chuỗi giản đơn của nhân và quả: Nếu ta tin rằng mình có số làm nên chuyện lớn, niềm tin này sẽ phát tiết, giống như cái vương miện tạo vầng hào quang quanh vị vua. Sự phát tiết ấy sẽ tác động lên những người xung quanh, và họ sẽ nghĩ là ta có lý do để tự tin như thế. Những người đội vương miện hình như không cảm thấy giới hạn nào cho những gì họ yêu cầu hay thực hiện. Chính điều này cũng tỏa ra ngoài. Giới hạn và ranh giới biến mất. Hãy áp dụng Chiến lược Vương miện và bạn sẽ ngạc nhiên về số lần hiệu nghiệm. Hãy nhìn vào ví dụ những đứa trẻ hạnh phúc hễ muốn gì là đòi nấy, và đòi gì thì được nấy. Chính những mong ước rất nhiều ấy làm cho chúng dễ thương. Người lớn thích thỏa mãn trẻ con – cũng như Isabella thỏa mãn các yêu cầu của Columbus.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, những cá nhân có dòng dõi tầm thường – những Theodora của Byzantium, những Columbus, Beethoven, Disraeli – đều tìm cách áp dụng Chiến lược Vương miện, tin tưởng mãnh liệt vào sự vĩ đại của bản thân, và rốt cuộc điều đó trở thánh sự thật. Ngay cả khi đang thực hiện cú lừa đảo nào đó, bạn cũng hãy cư xử như vua. Sẽ có nhiều khả năng bạn được mọi người đối xử như với vị vua thật.

Có thể vương miện sẽ tạo sự khác biệt giữa bạn và quần chúng, nhưng chính bạn sẽ làm cho sự khác biệt ấy trở thành hiện thực: Bạn phải cư xử khác hơn để chứng minh sự khác biệt ấy. Bạn có thể chọn phong thái cao cả, cho dù trong bất kỳ tình huống nào, Louis-Philippe để cho nhân dân thấy ông không có gì khác so với đám đông, vì vậy khi thần dân đe dọa là ông suy sụp ngay. Quần chúng cảm được điều này và nhào tới. Không có tác phong cao cả lẫn sự kiên trì tiến tới mục tiêu, ông trông giống như kẻ mạo danh chứ không phải vua thật, vì vậy vương miện dễ dàng rời khỏi đầu ông.

Nhưng cũng đừng xin lầm phong cách vương giả với thái độ ngạo mạn. Có lẽ vua được quyền ngạo mạn, nhưng điều đó chỉ để lộ ra sự mất tự tin. Ngạo mạn là điều trái ngược với vương phong.

Haile Selassie bắt đầu trị vì Ethiopia từ năm 1930 đến suốt khoảng 40 năm sau đó. Tên thật của ông từ hồi thanh niên là Lij Tafari. Tuy xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng ông không có cơ hội thực sự nào để nắm quyền, bởi tính theo hệ kế vị ngai vàng của vua Menelik thì Tafari hãy còn xa lắc. Dù vậy, từ hồi còn nhỏ xíu Tafari đã biểu hiện nét tự tin và phong thái vương giả khiến mọi người đều ngạc nhiên.

Tafari nhập triều vào năm 14 tuổi và lập tức tạo ấn tượng với vua Menelik, nhất là nhờ đức tính kiên nhẫn, điềm tĩnh, và khoan thai của cậu bé. Những vương tôn công tử khác ganh tỵ và tìm cớ lấn áp nhưng Tafari không nổi giận. Đã có người linh cảm rằng sẽ có ngày cậu ta thăng tiến đến đỉnh cao, bởi vì Tafari xử sự như thể mình đã đạt đến đỉnh đó rồi.

Đến năm 1936 khi Phát-xít Italia xâm chiến Ethiopia, cậu nhỏ Tafari giờ đây mang tên Haile Selassie, lưu vong và phát biểu trước Hội quốc liên để vận động cho trường hợp của nước mình. Phe Italia cố tình bêu riếu và xúc phạm nhưng Selassie vẫn giữ thái độ cao cả, không hề nao núng. Thật ra thái độ đó là chiếc mặt nạ thích hợp khi gặp khó khăn, vẻ chừng như không có gì có thể lay chuyển được, và ta thừa thời gian để phản ứng.

Để phụ trợ cho phong thái vương giả đó, ta có thể áp dụng một số chiến lược như sau. Thứ nhất là Chiến lược Columbus: Luôn yêu cầu táo bạo. Gọi giá thật cao và không dao động. Thứ hai, đường hoàng đến gặp người có chức trách cao nhất tại chỗ. Nước cờ này lập tức đưa ta lên ngang hàng với đối tượng mà ta đang tiến công. Đây là chiến lược David chống Goliath: Khi lựa chọn một đối thủ vĩ đại, ta cũng tự khoác lên vẻ vĩ đại.

Thứ ba, tặng quà cho kẻ bề trên. Đây là chiến lược dành cho những ai có quan thầy: Tặng quà cho sếp chủ yếu là để nhắn rằng ta và sếp ngang nhau. Đây là mánh khóe cổ xưa, cho là để nhận. Khi muốn Công tước vùng Mantua trở thành người đỡ đầu, văn sĩ Pietro Arantino thời Phục hưng biết rằng nếu mình tỏ vẻ bợ đỡ luồn cúi thì ông ta sẽ đánh giá thấp. Vì vậy Arantino chọn cách tặng quà, và cụ thể là tặng các tác phẩm của người bạn họa sĩ Titian. Hành động nhận quà tạo ra một dạng bình quyền giữa công tước và văn sĩ: Công tước thoải mái vì có cảm giác rằng mình đang đối xử với người cùng giới quý phái. Chiến lược tặng quà này rất tinh tế và khôn ngoan bởi vì ta không phải cầu xin ai cả: Ta yêu cầu được giúp đỡ một cách đường hoàng, hàm chứa nét bình quyền giữa hai người, trong đó một người tình cờ có nhiều tiền hơn người kia mà thôi.

Hãy nhớ bạn là người định giá cho chính mình. Đòi hỏi ít hơn thì bạn sẽ được ít hơn. Đòi hỏi cao hơn là dấu hiệu rằng bạn đáng đồng tiền bát gạo. Ngay cả khi từ chối, những người từ chối cũng nể bạn vì sự tự tin, và lòng kính nể đó sau này sẽ có những kết quả bất ngờ.

Hình ảnh:

Vương miện. Cứ đặt nó lên đầu là phong cách của bạn sẽ thay đổi – toát lên vẻ tự tin điềm đạm. Đừng bao giờ lộ vẻ bán nghi, đừng bao giờ mất vẻ cao cả, nếu không vương miện sẽ không nằm yên. Đừng chờ người khác đội vương miện cho mình; những đế vương vĩ đại thường giành lấy để tự đặt lên đầu.

Ý kiến chuyên gia:

Ai ai cũng nên có phong thái vương giả theo cách của riêng mình. Hãy làm sao những hành động của bạn, cho dù không phải là của vua, cũng trông rất vương giả trong lĩnh vực của chúng. Hành vi của bạn phải thật uy nghi, tư tưởng thật vĩ đại, và nhất cử nhất động đều xứng đáng làm vua, mặc dù thực tế bạn chưa phải vậy.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Mục đích khi khoác lên thái độ tự tin vương giả là để tạo sự khác biệt giữa ta với đám đông, nhưng nhớ đừng thái quá kẻo lợi bất cập hại. Đừng bao giờ nghĩ sai rằng muốn tôn ta lên thì phải đạp người khác xuống. Vả chăng cũng chẳng hay ho gì khi ta quá cao chót vót khỏi đám đông, vì như thế ta trở thành mục tiêu dễ bị bắn phá. Chưa kể có lúc điệu bộ quý tộc lại hết sức nguy hiểm.

Charles I, vua nước Anh vào thập niên 1640, khi chế định nền quân chủ đã làm nhân dân vỡ mộng và phẫn nộ. Khắp nơi nổ ra những cuộc bạo loạn cho Oliver Cromwell cầm đầu. Lúc ấy phải chi nhà vua phản ứng tinh tế hơn, chẳng hạn như chấp nhận đổi mới và bớt đi chút ít quyền lực, có lẽ lịch sử đã khác đi. Ngược lại ông lại càng bị chỉ trích thì ông càng lên màu vương giả, chừng như bị xúc phạm xâu xa khi quyền lực của ông và thể chế quân chủ thiêng liêng bị tiến công. Chính thái độ cao ngạo cứng ngắc đó làm dân càng phẫn uất và càng nổi loạn. Cuối cùng Charles mất đầu. Hãy nhớ là chỉ nên tỏa ra nét tự tin, chứ không phải ngạo mạn hoặc khinh miệt.

Cuối cùng, phải nhìn nhận rằng đôi lúc cũng có lợi khi giả vờ làm vua dân giã. Nhưng nhớ đừng làm thái quá, kẻo ta lại còn thô tục hơn cả người thô tục thì khốn. Thật ra lúc nào xã hội cũng sẵn có những kẻ thô tục hơn ta, vì vậy ta sẽ dễ dàng bị thay thế vào mùa sau bởi một kẻ trẻ hơn và thô bỉ hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.