48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 42: ĐÁNH VÀO NGƯỜI CHĂN, ĐÀN CỪU TAN TÁC



Nhiều khi vấn đề chỉ xuất phát từ một cá nhân hùng mạnh – tên quậy phá, tay phụ tá ngạo mạn, kẻ đầu độc thiện chí. Nếu bạn chừa đất cho chúng dụng võ, nhiều người khác sẽ bị chúng lôi kéo. Đừng chờ rắc rối từ đó lan ra, đừng thử thương lượng với chúng, vì chúng không còn khả năng cải tạo. Hãy triệt tiêu ảnh hưởng của chúng bằng cách cô lập hay lưu đày. Hãy đánh mạnh vào nguồn rắc rối và bầy cừu sẽ tan tác.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Khoảng cuối thế kỷ VI trước Công nguyên, thành bang Athens truất phế hàng loạt những nhà độc tài từng thống trị đời sống chính trị của thành phố trong nhiều thập niên. Athens thiết lập một nền dân chủ kéo dài hơn trăm năm, nền dân chủ là căn nguyên của sức mạnh và những thành tựu đáng tự hào nhất của thành phố. Nhưng với đà tiến triển của dân chủ, dân Athens phải đối mặt với một vấn đề chưa từng có: Làm sao xử lý những thành phần không quan tâm đến sự gắn kết của một thành phố nhỏ bị lực lượng thù địch vây quanh, những thành phần không tham gia xây dựng niềm vinh quang chung mà chỉ nghĩ đến bản thân, đến tham vọng và mưu đồ cá nhân? Người dân Athens biết nếu để yên, chúng sẽ gieo rắc bất đồng, chia rẽ thị dân, khuấy động bất an dẫn đến suy sụp nền dân chủ.

Các hình thức trừng phạt tàn bạo không còn thích họp với trật tự mới mẻ và văn minh mà thành phố đã dựng xây. Thay vào đó, người dân Athens tìm ra cách khác thích hợp hơn, ít bạo lực hơn để xử lý bọn ích kỷ kinh niên: Cứ mỗi năm nhân dân lại đổ về nơi họp chợ, viết lên miếng ostrakon (đất nung) tên của người mà mình muốn trục xuất khỏi thành phố. Người nhận được nhiều „phiếu“ nhất sẽ bị lưu đày trong mười năm.

Năm 490 TCN, tướng Aristides dẫn quân Athens đánh tan quân xâm lược Persia tại trận Marathon nổi tiếng, vì vậy ông được thị dân hết mực tôn sùng. Ngoài tài cầm quân ông còn giỏi giang trong việc phân xử nên được dân chúng gọi là „Kẻ công bằng“. Nhưng vì ông quá đỗi công bằng nên dần dà dân chúng cũng ghét nên cuối cùng lại dùng hình thức ostrakon kể trên để xử lý ông.

Sau ông, vị tướng giỏi Themistocles sau một thời gian nổi trội cũng phải chịu hình phạt đó.

Rồi đến phiên Pericles, gương mặt chính trị vĩ đại nhất Athens hồi thế kỷ thứ V, tuy có cố gắng lấy lòng quần chúng nhưng cuối cùng cũng phải ra đi.

Sau những người lỗi lạc, đến lượt những kẻ hèn mọn hơn cũng chịu cùng số phận. Cuối cùng dân chúng Athens cảm thấy miếng ostrakon đã bị làm dụng nên đình chỉ hình thức này. Cục đất nung đã giúp dân Athens ném ngay vào thành phần đầu não nào có tiềm năng quy tụ những kẻ gây rồi, nhờ đó làm cho đàn cừu phải tan tác không thể trở thành lực lượng hùng mạnh.

Diễn giải

Cư dân thành phố Athens cổ có những bản năng xã hội mà ngày nay ta không ngờ, vì qua nhiều thế kỷ chúng đã thui chột. Nhân dân Athens cảm thấy được những mối nguy xuất phát từ lối cư xử phi xã hội.

Với những người như vậy, họ chọn một giải pháp nhanh gọn và hiệu quả: tống khứ chúng đi.

Trong bất kỳ nhóm nào, rắc rối thường xuất phát từ một nguồn nhất định, kẻ bất mãn kinh niên luôn dấy lên những bất đồng và lây nhiễm sự bất mãn cho cả nhóm trước khi ta kịp trở tay. Vì vậy ta phải xuất chiêu trước khi đã quá muộn. Trước hết ta phải nhận ra kẻ quấy nhiễu qua sự hiện diện bề thế hoặc bản chất kêu rêu của hắn. Nhận ra rồi, ta đừng cố gắng cải tạo hoặc vỗ yên hắn làm gì vì mọi việc rồi chỉ sẽ tồi tệ thêm. Cũng đừng tiến công hắn dù gián tiếp hay trực tiếp vì bản chất độc địa của hắn sẽ ngầm hại ta. Hãy làm như cư dân Athens: Trục xuất. Cách ly hắn khỏi nhóm trước khi hắn trở thành con mắt bão. Đừng để hắn có thời gian khuấy động bất an và gieo rắc thêm bất mãn. Hãy để mình hắn chịu cho cả nhóm có thể chung sống hòa bình.

BONIFACE VIII CÔ LẬP DANTE

Năm 1296 các hồng y của Giáo hội Công giáo quy tụ về La Mã để bầu ra giáo hoàng mới. Họ chọn Hồng y Caetani vì ông thông minh lanh lợi, người như thế sẽ tạo quyền lực hùng mạnh cho Vatican. Lấy tên thánh là Boniface VIII, Caetani nhanh chóng chứng tỏ mình không phụ lòng mong đợi của các hồng y: Ông tính toán các nước cờ rất kỹ lưỡng, và hễ khi đã quyết là làm cho bằng được. Nắm quyền lực trong tay rồi, Boniface nhanh chóng nghiền nát các đối thủ và thống nhất những lãnh địa thuộc giáo hoàng. Các thế lực Âu châu bắt đầu sợ ông và phái sứ giả đến thương lượng. Vua Albrecht nước Áo thậm chí còn cắt đất nhường cho Boniface. Tất cả đều tiến triển theo kế hoạch của giáo hoàng.

Tuy nhiên còn một vùng chưa chịu khuất phục đó là Tuscany, vùng trù phú nhất nước Ý. Nếu Boniface chiếm đươc Florence, thành phố mạnh nhất của Tuscany thì vùng đất sẽ rơi vào tay ông ta. Nhưng Florence lại là nền cộng hòa đầy tự hào, khó có thể đánh bại. Đến đây giáo hoàng nghiền ngẫm thật kỹ những nước cờ tiếp theo.

Florence chịu ảnh hưởng của hai nhóm đối lập nhau, nhóm Trắng và nhóm Đen. Nhóm Trắng thuộc về những gia đình chuyên nghề buôn bán, gần đây nhanh chóng thịnh vượng và hùng mạnh. Còn nhóm Đen là những người giàu từ trong trứng nước. Vì được lòng dân, nhóm Trắng kiểm soát Florence khiến nhóm Đen hết sức tức tối, và hằn thù giữa họ ngày càng tăng.

Boniface nhìn thấy cơ hội trong sự đối đầu này. Ông sẽ âm mưu giúp nhóm Đen chiếm trọn khu trung tâm, và Florence sẽ rơi vào tay ông. Trong khi nghiên cứu tình hình, ông tập trung sự chú ý vào một người tên là Dante Alighieri, một cây bút tài danh và là người ủng hộ cuồng nhiệt cho phe Trắng. Dante rất quan tâm đến chính trị, hết sức tin tưởng vào nền cộng hòa và thường trách cứ các cư dân khác sao quá mềm yếu. Ông ta cũng là nhà hùng biện đệ nhất.

Năm 1300 khi Boniface bắt đầu mưu đồ chiếm lấy Tuscany, các thị dân theo phe Dante đã bầu ông ta vào vị trí dân cử cao nhất, một trong sáu giáo trưởng của Florence. Suốt nhiệm kỳ sáu tháng Dante đã đứng vững trước sự tấn công của phe Đen, trước mọi mưu toan gây rối của giáo hoàng.

Sang năm sau Boniface thay đổi kế hoạch: Ông mời Charles de Valois, người em của vua nước Pháp, sang ổn định trật tự ở Tuscany. Charles dẫn quân qua vùng phía Bắc Ý, Florence run rẩy lo sợ. Lúc đó Dante hiện thân như vị cứu tinh duy nhất, hô hào chống lại mọi thương lượng, cố gắng hết sức để trang bị khí tài cho dân Florence nhằm tổ chức kháng chiến chống giáo hoàng và gã bù nhìn người Pháp. Boniface hiểu rằng bất cứ giá nào cũng phải triệt hạ Dante. Vì vậy một mặt ông dùng Charles de Valois để hù dọa, mặt khác ông chìa cành ô-liu thỏa hiệp. Cộng hòa Florence quyết định cử đoàn đại biểu đến La Mã thương lượng hòa bình. Và họ chọn Dante làm trưởng đoàn.

Chức là trưởng đoàn nhưng Dante phải tuân theo ý kiến của số đông. Vì vậy khi gặp gỡ giáo hoàng và bùi tai về những lời phủ dụ, cả đoàn đồng ý thỏa hiệp hòa bình, với điều kiện không khởi chiến và phải để lại một thành viên tiếp tục đàm phán: Đó là Dante.

Do đó Dante phải ở lại La Mã tiếp tục đàm phán, Florence thất thủ. Phe Trắng không còn ai làm đầu tài tập hợp, vả lại còn bị Charles de Valois dùng tiền của giáo hoàng mua chuộc và gieo rắc bất đồng nên họ nhanh chóng tan hàng rã ngũ. Quân Đen chỉ chờ có thế vùng lên tấn công và tiêu diệt quân Trắng chỉ trong vài tuần. Đến khi quân Đen đã củng cố quyền lực, giáo hoàng mới cho Dante rời La Mã.

Trên đường về, Dante nghe tin phe Đen lệnh ông anh chóng trình diện để bị kết tội và xét xử. Vì Dante từ chối, họ phán quyết ông ta sẽ bị thiêu sống nếu còn vác thây về Florence. Do vậy Dante phải bắt đầu một cuộc đời lưu đày khốn khổ, lang thang khắp nước Ý, bị thành phố thân yêu ruồng bỏ, ông không bao giờ trở lại Florence.

Diễn giải

Boniface biết chắc nếu dụ được Dante rời khỏi thành phố thì Florence sẽ sụp đổ. Ông ta chơi nước cờ cổ xưa – tay kia cầm kiếm, tay này nắm nhành ô-liu hòa bình – và Dante chết ở cửa đó. Khi dụ dân Florence đưa Dante đến La Mã rồi, giáo hoàng tìm mọi cớ để giữ chân. Boniface hiểu rõ một trong những ý niệm chủ yếu trong trò chơi quyền lực: Một cá nhân quyết tâm, một tâm hồn nổi loạn có thể biến đàn cừu thành đàn sói. Vì vậy ông ta cô lập kẻ gây rối. Không còn người chăn dắt để tập hợp chúng lại, bầy cừu nhanh chóng rã đàn.

Bài học ở đây là: Đừng phí thì giờ đấm đá tứ phía đối với loại kẻ thù trông giống như quái vật nhiều đầu. Hãy tìm cái đầu chủ đạo, dụ hắn đi xa, vì một khi khuất mặt, quyền lực của hắn sẽ không còn hiệu quả. Bạn có thể cô lập hắn về mặt vật thể (lưu đày hoặc biệt phái khỏi triều đình), về mặt chính trị (thu hẹp cơ sở hậu cần), hay tâm lý (chia rẽ hắn với tập thể bằng cách ám chỉ bóng gió, vu khống). Ung thư khởi đi từ một tế bào, bạn hãy cắt bỏ trước khi nó lan rộng.

CỐT TỦY NGUYÊN TẮC

Trước đây, nguyên cả quốc gia do một ông vua với một nhóm quần thần lèo lái. Chỉ có thành phần ưu tú mới có quyền tham gia. Trải qua nhiều thế kỷ, dần dà quyền lực được phân bố và dân chủ hóa. Tuy nhiên việc này tạo ra một suy nghĩ sai lầm phổ biến là những nhóm nhỏ không còn là trung tâm quyền lực, vì quyền lực đã được phân nhỏ trong dân. Nhưng thật ra quyền lực chỉ thay đổi về mặt số lượng chứ thể chất vẫn y nguyên. Số nhà độc tài quyết định sự sống chết của hàng triệu con người có lẽ đã giảm bớt, song vẫn còn đó hàng ngàn nhà “độc tài con” cai quản những lĩnh vực khó thấy hơn, áp đặt ý muốn của họ qua trò chơi quyền lực gián tiếp, qua sự mị dân v.v. Nhóm nào cũng có hiện tượng quyền lực nằm trong tay một hai người, vì có một lĩnh vực mà bản chất con người không hề thay đổi: Thiên hạ sẽ quy tụ quanh một tính cách mạnh mẽ như hành tinh xoay quanh mặt trời.

Nếu suy nghĩ sai lầm như vậy, bạn sẽ tiếp tục vi phạm một chuỗi sai lầm, tiêu tốn sức lực và thời gian, và không bao giờ đánh trúng mục tiêu. Người tài ba không phí thời gian. Nhìn bề ngoài họ có vẻ chấp nhận cuộc chơi – tuyên bố rằng quyền lực được chia sẻ cho đám đông – nhưng bên trong họ vẫn âm thầm dò xét vài người quyền lực trong nhóm. Họ sẽ tác động đến những đối tượng đó. Khi có rắc rối, họ dò tìm tác nhân tiềm tàng để cô lập hoặc trục xuất hắn.

Trong khi tiến hành trị liệu theo kiểu gia đình, bác sĩ Milton H. Erickson khám phá rằng nếu sinh hoạt của gia đình bị rối loạn, thì chắc chắn sẽ có một người gây rối. Suốt quá trình trị liệu, ông sẽ cô lập quả táo ôi ấy một cách tượng trưng bằng cách cho hắn ngồi riêng ra, cho dù chỉ cách người khác vài gang tay. Dần dà các thành viên gia đình sẽ nhận ra rằng đấy mới là nguồn gây rối.

Một khi bạn đã chỉ ra được thủ phạm cho cả nhóm thấy thì bài toán xem như gần giải xong. Tìm ra người đầu tàu là công việc rất quan trọng. Bạn nên nhớ rằng kẻ gây rối luôn tìm cách ẩn nấp trong nhóm, nghi trang hành động của mình giữa hành động người khác. Chỉ cho mọi người thấy được điều đó, hắn sẽ mất khả năng khuấy đảo.

Yếu tố chủ chốt trong các trò chơi chiến lược là phải cô lập được sức mạnh của đối phương. Ở môn cờ vua ta cố chiếu bí quân cờ. Với trò gô (cờ vây) của Trung Quốc, ta tìm cách cô lập lực lượng đối phương trong từng khoảnh nhỏ, khiến chúng không di chuyển được và mất hiệu quả. Thường thì sẽ tốt khi ta cô lập đối thủ hơn là hủy diệt, để không bị lên án là tàn bạo. Tuy nhiên kết quả vẫn như nhau vì trong trò chơi quyền lực, cô lập nghĩa là chết.

Hình thức cô lập hiệu quả nhất là cách ly đối phương với nền tảng sức mạnh của hắn. Khi muốn khử một kẻ thù nằm trong thành phần ưu tú đang cầm quyền, Mao Trạch Đông không trực tiếp đối đầu với hắn. Ông âm thầm tìm cách cô lập hắn, chia rẽ các đồng minh khiến họ bỏ rơi hắn. Khi không được sự ủng hộ, hắn sẽ tự động suy sụp.

Sự hiện diện và vẻ bề ngoài rất quan trọng trong trò chơi quyền lực. Muốn quyến rũ, nhất là vào giai đoạn ban đầu, ta phải thường xuyên có mặt, hoặc ta tạo cho được cảm giác thường xuyên ấy. Nếu vắng mặt nhiều quá thì sức quyến rũ sẽ tan mất.

Thủ tướng Robert Cecil của Nữ hoàng Elizabeth nước Anh có hai đối thủ: Bá tước vùng Essex và Sir Walter Raleigh. Cecil bày mưu lập kế để biệt phái hai người thi hành một nhiệm vụ chống lại Tây Ban Nha. Khi hai sủng thần này đã đi rồi, Cecil quấn những vòi bạch tuộc quanh nữ hoàng, củng cố vị trí cố vấn hàng đầu của mình, đồng thời làm giảm tình cảm của nữ hoàng dành cho bá tước và Raleigh. Ở đây ta học được hai điều: Thứ nhất, vắng mặt khỏi triều đình rất có hại và ta không bao giờ nên rời sân khấu trong tình huống xáo trộn, bởi vì sự vắng mặt ấy tượng trưng cho sự mất quyền lực và dẫn tới việc mất quyền lực. Thứ hai, ngược lại nếu ta dụ dỗ được các đối thủ rời xa triều đình vào những lúc dầu sôi lửa bỏng, xem như ta bớt được phần nào gánh nặng.

Sự cô lập còn nhiều công dụng chiến lược khác. Khi quyến rũ người khác, bạn nên cố tách họ ra khỏi bối cảnh xã hội thường ngày. Khi bị cô lập như thế họ sẽ là con mồi dễ bị hạ, và sự hiện diện của bạn sẽ mạnh lên bội lần. Những bậc thầy lừa cũng thường đưa con mồi đến những môi trường mới, khiến họ cảm thấy yếu đuối hơn và dễ sa ngã trước cạm bẫy.

Nhiều khi bạn gặp phải trường hợp người tài ba tự ý tách rời khỏi tập thể. Có lẽ họ đã quá tự cao tự đại và nghĩ rằng vị trí của mình cao tột, có lẽ họ đã đánh mất thói quen giao thiệp với dân thường. Chính thái độ này đưa họ vào thế nguy hiểm. Bạn rất dễ thao túng dạng người như vậy, cho dù họ hùng mạnh cách mấy.

Hoàng đế Nicholas và hoàng hậu Alexandra của nước Nga mất đi nhiều quyền lực về tay tu sĩ Rasputin vì họ cực kỳ cách ly với nhân dân. Đặc biệt Alexandra là người nước ngoài nên lại càng xa lánh thường dân Nga. Rasputin tận dụng nguồn gốc nông dân của mình để lấy lòng hoàng hậu vì ông ta biết Alexandra vô cùng khát khao được liên lạc với thần dân. Khi đã lọt vào vòng trong của triều đình, Rasputin biến mình trở nên người không thể thiếu, nhờ đó ông nắm được rất nhiều quyền lực. Biết rõ rằng hoàng đế nhất nhất đều nghe lời vợ, Rasputin nhắm thẳng vào hoàng hậu mà thao túng, và khám phá ra rằng mình không cần cô lập người phụ nữ này, bởi vì bà đã tự cô lập rồi.

Chiến lược của Rasputin có thể giúp ta đạt tầm cao quyền lực: Hãy luôn suy tìm người nắm giữ vị trí cao nhưng hay bị cô lập. Họ dễ bị dụ dỗ, sẵn sàng ngả vào vòng tay ta như quả táo rơi, lại có thể là bệ phóng giúp ta thăng tiến.

Lý do cuối cùng khiến ta nhắm vào kẻ chăn dắt là vì hành động tiến công hắn sẽ khiến đàn cừu tan nát hết tinh thần. Khi Hernando Cortés và Francisco Pizarro dẫn đoàn quân nhỏ tấn công các đế chế Inca và Aztec, họ không dại dột mở một lúc nhiều mặt trận, mà chỉ lập mưu bắt cóc hai vị lãnh tụ thổ dân là Moctezuma và Atahualpa. Quân thổ dân có đông cách mấy cũng như rắn mất đầu nên đế chế của họ sớm tan tác. Mất lãnh đạo là mất trọng tâm, không còn gì để xoay quanh thì mọi thứ sẽ sụp đổ. Bạn hãy nhắm vào con chim đầu đàn mà bắn, rồi để ý đến những thời cơ phát sinh từ tình trạng rối loạn sắp diễn ra.

Hình ảnh:

Một đàn cừu. Đừng phí thì giờ để thử ăn cắp một hai con, đừng để rủi ro thương tổn tay chân khi chọc mấy con chó canh giữ. Hãy nhắm thẳng gã chăn cừu, dụ hắn ra xa và lũ chó sẽ đi theo. Hạ gục hắn rồi, đàn cừu sẽ tan tác.

Ý kiến chuyên gia:

Nếu giương cung, hãy giương cái căng nhất. Nếu dùng tên, hãy dùng tên dài nhất. Muốn bắn kỵ sĩ, hãy bắn ngựa hắn trước. Muốn bắt băng cướp, hãy bắt kẻ đầu sỏ. Đất nước có biên cương thì việc giết chóc cũng có giới hạn. Nếu có thể ngăn chặn đà tiến công của địch (bằng một cú vào đầu đàn), sao lại phải gây thương vong hơn mức cần thiết?

(Thi sĩ Trung Quốc Đỗ Phủ, thế kỷ VIII)

NGHỊCH ĐẢO

Machiavelli từng viết: „Nếu muốn hại ai, thì phải hại như thế nào để ta không sợ hắn trả thù“. Nếu ra tay cô lập đối thủ, ta phải bảo đảm hắn không có cách trở quẻ. Nói cách khác, nếu muốn áp dụng nguyên tắc này, ta chỉ áp dụng khi ở thế thượng phong để khỏi phải lo sợ gì hắn thù ghét.

Andrew Johnson là người kế vị Tổng thống Abraham Lincoln. Nhận thấy tướng Ulysses Grant chính là kẻ phá rối trong nội các, Johnson cô lập để ép Grant phải rút lui. Tuy nhiên vị tướng phản ứng lại bằng cách thành lập một cơ sở hỗ trợ trong đảng Cộng hòa, và rốt cuộc trở thành vị tổng thống kế tiếp. Nếu khôn ngoan hơn, Johnson đã giữ Grant lại trong nội các để dễ trông chừng hơn, và ông ta sẽ ít có đất dụng võ, lại không nuôi chí căm thù. Ngoài ra Johnson còn có thể mài mòn dần cơ sở ủng hộ Grant, chờ thời cơ chặt dứt khoát một nhát thật nhanh gọn khiến đối thủ không kịp trở tay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.