48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 46: ĐỪNG TỎ RA QUÁ HOÀN HẢO



Tỏ ra giỏi giang hơn người là một điều nguy hiểm, nhưng nguy hiểm nhất là chứng tỏ mình không có lỗi lầm hay nhược điểm. Sự đố kỵ sẽ sinh ra kẻ thù thầm lặng. Biết khôn, bạn nên thỉnh thoảng giả vờ phạm lỗi hoặc thú nhận một vài thói xấu vô hại, như thế để người khác không đố kỵ, và bạn sẽ có vẻ phàm phu hơn, dễ gần gũi hơn. Chỉ có thần thánh và người chết mới có vẻ hoàn hảo mà không bị trừng phạt.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Joe Orton gặp Kenneth Halliwell tại Học viện Hoàng gia Kịch nghệ London năm 1953, khi họ cùng đăng ký theo học. Họ nhanh chóng trở thành tình nhân và dọn về ở chung. Năm đó Halliwell 25 tuổi, lớn hơn Orton bảy tuổi và cũng tự tin hơn. Nhưng vì cả hai đều không có tài diễn xuất, nên sau khi tốt nghiệp, họ quyết bỏ nghề diễn và cộng tác với nhau để viết văn. Gia tài do Halliwell thừa hưởng có thể đủ cho hai người sống một vài năm mà không phải vất vả tìm việc, và trong giai đoạn đầu, anh ta là đầu tàu cho các truyện ngắn và tiểu thuyết. Halliwell đọc, Orton đánh máy, thỉnh thoảng thêm thắt vào vài dòng ý tưởng. Những nỗ lực ban đầu của họ cũng thu hút được vài đại lý văn học, nhưng không được lâu.

Cuối cùng gia sản cũng cạn kiệt và cả hai cùng phải đi tìm việc. Họ cộng tác ít hồ hởi, ít thường xuyên hơn. Tương lai thật ảm đạm.

Năm 1957 Orton bắt đầu viết riêng, nhưng phải mất 5 năm nữa thì anh ta mới có tiếng nói. Lúc đó cả hai chàng đều vừa ngồi tù sáu tháng về tội bôi bẩn một số sách trong cửa hàng. Ra tù, Orton quyết sáng tác kịch biếm để tỏ rõ sự khinh miệt đối với xã hội Anh Quốc. Nhưng lúc ấy hai người đổi vai nhau: Orton sáng tác và Halliwell thêm mắm muối.

Giữa thập niên 1960 Joe Orton bắt đầu thành công rực rỡ. Đơn đặt hàng từ mọi phía đổ về, kể cả từ nhóm Beatles.

Mọi thứ đều có vẻ đi lên, chỉ trừ quan hệ giữa hai người. Tuy vẫn sống chung, nhưng trong khi Orton thành công thì Halliwell lại tuột dốc. Nhìn tình nhân trở thành tâm điểm chú ý, anh ta cảm thấy tủi thân khi chỉ là trợ lý riêng cho nhà biên kịch. Vai trò đồng cộng tác ngày nào giờ đây càng nhỏ nhoi dần. Vào thập niên trước, anh ta dùng tiền thừa kế để nuôi Orton, còn bây giờ thì Orton nuôi lại anh ta. Ở những bữa tiệc hoặc gặp gỡ bạn bè, mọi người tự nhiên vây quanh Orton vì chàng ta đẹp trai, duyên dáng và hầu như luôn sôi nổi. Trái lại Halliwell lại hói và vụng về, hơn nữa sự co cụm của anh ta làm mọi người xa lánh.

Orton càng thành công thì vấn đề giữa hai người càng trầm trọng. Thái độ của Halliwell khiến cuộc sống chung trở thành không thể. Orton cho biết muốn chia tay, và tuy có nhiều mối tình khác song cuối cùng vẫn trở về với người bạn và người tình cũ. Anh ta rán giúp Halliwell khởi một sự nghiệp mới, làm họa sĩ, thậm chí thương lượng với một triển lãm để trưng bày tranh của Halliwell. Nhưng cuộc trưng bày thất bại và như thế lại càng làm cho Halliwell thêm tự ti.

Năm 1967, chỉ vài ngày sau khi giúp Orton hoàn chỉnh kiệt tác What the Butler Saw, Halliwell dùng búa đập vào đầu Orton cho đến chết, sau đó uống 21 viên thuốc ngủ tự tử.

Diễn giải

Mặc dù Halliwell muốn mọi người tin rằng sự suy sụp tinh thần kia là do bệnh tâm thần, nhưng qua những ghi chép để lại của hai người thì chính sự ganh tỵ thuần túy và đơn giản mới là tác nhân chính. Nhật ký của hai người cho thấy rõ điều đó.

Orton càng thành công thì Halliwell càng cay đắng. Cuối cùng có lẽ điều mà Halliwell muốn nhất chính là sự thất bại của Orton, sao cho hai người đồng cam cộng khổ như hồi những ngày xưa thân ái. Khi sự thật trái ngược hẳn – Orton lại càng thành công và được lòng công chúng – Halliwell thực hiện điều duy nhất có thể là làm cho cả hai ngang bằng như cũ.

Joe Orton chỉ hiểu được một phần sự suy sụp của người bạn tình. Việc anh ta giúp bạn khởi nghiệp họa sĩ được Halliwell ghi nhận như là hành động từ thiện để khỏa lấp sự cắn rứt. Về cơ bản Orton có hai giải pháp cho vấn đề. Hoặc hạ bớt mức độ thành công của mình, cố tình phạm phải vài lỗi, làm lệch hướng cơn ghen tỵ của Halliwell. Hoặc giả nếu đánh giá đúng thực chất vấn đề, Orton phải lánh xa, như thể Halliwell là con rắn độc. Mà thực tế Halliwell là con rắn độc của lòng đố kỵ. Một khi tính xấu này đã nhiễm vào người nào đó thì bất kỳ những gì ta làm đều khiến người ấy thêm đố kỵ, mỗi ngày mưng mủ thêm. Cuối cùng người ganh tỵ cũng sẽ ra tay.

Chỉ một thiểu số mới thành công trong ván cờ của cuộc đời, và nhất thiết thiểu số ấy sẽ làm cho người khác ganh tỵ. Một khi ta đã thành công thì thành phần đáng sợ nhất là những người ở gần ta nhất, những bạn bè và người quen mà ta vừa vượt qua. Cảm giác tự ti gặm nhấm họ, càng nghĩ đến thành công của ta, họ càng cảm thấy mình bế tắc. Sự ganh tỵ mà triết gia Kierkegaard gọi là “lòng thán phục bất hạnh” sẽ bám chặt. Có thể ta không trông thấy nó, nhưng một ngày nào đó ta sẽ nếm mùi – trừ khi ta biết cách đánh lạc hướng bằng những hy sinh, “vật tế” nho nhỏ cho những vị thần của thành công. Hoặc là thỉnh thoảng ta tiết chế bớt những thành công, cố tình để lộ ra một hỏng hóc, nhược điểm hoặc lo âu, hay là bảo rằng mình thành công chỉ vì nhờ may mắn. Hoặc đơn giản là nên tìm bạn khác mà chơi. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lòng ganh tị.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Giai cấp thương gia và các phường hội thủ công, những thành phần đã làm giàu cho thành Florence thời Trung cổ cũng đã tạo ra nền cộng hòa để bảo vệ họ đối với sự áp bức của giới quý tộc. Vì những chức vụ cao cấp chỉ có nhiệm kỳ vài tháng, không ai có thể thống trị lâu dài, không sợ độc tài hay bạo chúa. Gia tộc Medici sống nhiều thế kỷ dưới chế độ đó mà không làm điều gì quá nổi bật. Họ xuất thân từ nghề bào chế thuốc rất khiêm nhường, và là những công dân trung lưu đặc trưng. Phải đến cuối thế kỷ XIV, khi Giovanni de Medici dành dụm được một gia sản nho nhỏ nhờ kinh doanh ngân hàng thì họ Medici mới ló dạng như là một thế lực mà mọi người phải tính đến.

Giovanni qua đời để lại cơ nghiệp cho người con trai Cosimo. Là thương nhân tài ba, Cosimo phát triển doanh nghiệp gia đình và từ đó mọi người biết đến Medici như là một trong những dòng họ kinh doanh tài chính hàng đầu tại châu Âu. Nhưng tại Florence họ có một kình địch: Cho dù Florence theo thể chế cộng hòa, nhưng qua năm tháng gia tộc Albizzi đã khéo xoay xở để thao túng chính quyền. Cosimo không chống lại gia đình Albizzi mà còn ủng hộ họ.

Gia đình Albizzi bắt đầu phô trương quyền lực, trong khi Cosimo vẫn điềm đạm ngồi yên ở hậu trường. Nhưng Albizzi lo sợ về thực lực tài chính của gia đình Medici nên họ chụp Cosimo cái mũ là mưu toan lật đổ nền cộng hòa, và họ giật dây chính quyền bắt giam Cosimo. Khi bị xử phải lưu đày biệt xứ, Cosimo không kháng án mà chỉ lặng lẽ giã từ.

Một thời gian sau thế lực Albizzi quá mạnh và dân chúng lo sợ một chế độ độc tài đang ló dạng. Trong khi đó, mặc dù ở xa nhưng Cosimo vẫn âm thầm làm giàu và dùng tiền của để tác động đến nội bộ thành Florence. Khi nội chiến xảy ra, trong cơn biến động Albizzi bị lật đổ và lưu đày. Cosimo trở lại Florence nhưng lại đối diện tình thế lưỡng nan: Nếu bắt tay vào làm những việc lớn, mọi người lại sẽ bất an và ganh tỵ. Ngược lại, nếu đứng ngoài lề, khoảng trống quyền lực sẽ bị chiếm bởi một gia tộc khác, rồi họ sẽ tìm cách hãm hại họ Medici.

Cosimo giải quyết vấn đề bằng hai mũi giáp công: Một mặt ông bí mật dùng tiền mua chuộc những người có thế lực nhất, mặt khác ông cài đồng minh thuộc tầng lớp trung lưu vào chính quyền. Cosimo còn liên kết với các ngân hàng để âm thầm mua lại hết tài sản của những kẻ hay kêu rêu. Như thế Florence chỉ là nền cộng hòa trên danh nghĩa, thật ra Cosimo đã nắm quyền điều khiển.

Tuy quyền lực như vậy nhưng Cosimo vẫn sắm một vẻ bề ngoài rất bình dân. Ông ăn mặc khiêm tốn, thay vì rình rang xe cộ thì ông lại lội bộ trên những đường phố của Florence chỉ với một tùy tùng duy nhất, cung kính cúi chào các thẩm phán hoặc những công dân cao tuổi. Suốt 30 năm điều khiển mọi vấn đề ngoại giao của Florence nhưng Cosimo chưa bao giờ công khai nhắc tới những vụ việc công cộng. Ông sẵn sàng làm từ thiện, trong khi vẫn giữ liên lạc với giới thương buôn. Ông tài trợ xây dựng những loại công sở nào làm cho cư dân cảm thấy tự hào về thành phố của họ. Khi xây cung điện, ông khôn khéo chọn vùng ngoại ô chứ không phô trương thanh thế ở trung tâm Florence. Lúc họa sĩ tài danh Brunelleschi gợi ý phác thảo các chi tiết trang trí, Cosimo lịch sự từ chối và sử dụng bản vẽ một mô hình khiêm nhường hơn, của một họa sĩ ít nổi tiếng hơn, xuất thân từ tầng lớp trung bình
ở Florence. Có xem cung điện đó mới đánh giá được chiến lược của Cosimo – bề ngoài hết sức đơn giản, bên trong thật thanh lịch và tráng lệ.

Cosimo qua đời sau ba mươi trị vì. Cư dân Florence định xây lăng và tổ chức lễ tang long trọng, nhưng khi hấp hối ông vẫn yêu cầu được chôn cất đơn giản và không phô trương phù phiếm. Khoảng sáu mươi năm sau, Machiavelli ca ngợi Cosimo như là người khôn ngoan nhất trong số những hoàng thân.

Diễn giải

Là bạn thân của Cosimo, có lần người bán sách tên Vespasiano da Bisticci viết: “Mỗi khi muốn thành tựu điều gì, Cosimo lo liệu để càng ít bị ganh tỵ càng tốt, để thiên hạ thấy rằng sáng kiến là của người khác chứ không phải của anh ta”. Một trong những câu nói ưa thích của Cosimo là “Lòng ganh tỵ là thứ cỏ dại mà ta không nên tưới nước”. Biết rõ sức mạnh của lòng ganh tỵ trong môi trường dân chủ, Cosimo không để cho người khác thấy mình quá bề thế. Điều này không có nghĩa là ta phải bóp nghẹt tính cách cao nhã, chỉ để lại những cái nết xoàng xĩnh, mà vấn đề là phải đóng kịch cho khéo, để cho người xung quanh thấy ta cũng có cùng phong cách và chuẩn mực đạo đức với họ. Ta liên minh với cấp dưới, rồi đưa họ lên vị trí quyền lực để sau này tranh thủ sự ủng hộ của họ lúc cần thiết. Hãy để cho thiên hạ thấy rằng ta làm theo ý họ, như thể họ mạnh hơn ta.

Đừng dại dột nghĩ rằng mọi người sẽ kính nể khi ta khoe ra những phẩm chất đã giúp ta vượt trội họ. Làm cho kẻ khác nhận thức vị trí thấp kém của họ, ta chỉ dấy lên “lòng thán phục bất hạnh”, hay lòng ganh tỵ, vốn sẽ cắn rứt và dần dà giục họ hại ta.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Con người rất khó tiêu hóa mặc cảm thua kém đồng loại. Đứng trước người nào giỏi hơn, khéo hơn, mạnh hơn, ta thường bối rối và khó chịu. Như thế bởi vì chúng ta thường đánh giá bản thân quá cao, để rồi khi chạm trán những người giỏi giang hơn ta mới vỡ lẽ ra rằng mình xoàng xĩnh quá, hoặc ít nhất cũng không giỏi giang như vẫn tưởng. Sự bối rối ấy sẽ dấy lên nhiều cảm xúc không tốt. Thoạt tiên ta ganh tỵ: Phải chi ta giỏi ta mạnh như gã kia, chắc chắn ta sẽ hạnh phúc lắm. Lòng ganh tỵ không vỗ an được tâm ta, cũng không giúp ta giỏi bằng kẻ nọ. Tuy nhiên ta cũng không dám thú nhận là mình ganh tỵ, bởi vì xã hội chê bai điều đó – ganh tỵ có nghĩa là nhìn nhận mình thua kém. Với bạn bè thân thiết có thể ta tâm sự về những ước mơ không tròn, nhưng không bao giờ ta dám bảo là ta ganh tỵ. Vì vậy cái tình cảm xấu xí ấy nằm âm ỉ dưới bề mặt. Ta ngụy trang nó bằng nhiều cách, chẳng hạn như tìm cách chỉ trích kẻ đã làm ta ganh tỵ: Ta bảo rằng hắn có tài nhưng không có đức, hoặc hắn thành đạt là nhờ ăn gian. Ngược lại, nếu không chê bai thì ta cũng khen hắn quá trớn – đó cũng là một cách để nghi trang lòng ganh tỵ.

Có nhiều cách để xử lý loại tình cảm âm thầm tàn phá này. Thứ nhất, ta phải chấp nhận rằng kẻ giỏi hơn, không ở mặt này cũng ở mặt khác và ta cũng phải chấp nhận rằng quả thực mình đang ganh tỵ. Sau đó ta dùng tình cảm này làm động cơ rèn luyện để trong tương lai sẽ bằng hoặc hơn người kia. Nếu để thấm vào trong, sự ganh tỵ sẽ nhiễm độc tâm hồn, nhưng nếu hướng ra ngoài, nó sẽ đưa ta lên tầm cao mới.

Thứ hai, nên nhớ rằng mỗi khi ta đạt được thành tựu gì thì những người dưới cơ sẽ ganh tỵ ta. Tuy không để lộ ra, song điều đó là chắc chắn. Ta thử suy tìm những gì nấp phía sau lời chỉ trích, câu nhận xét mỉa mai, những dấu hiệu đâm sau lưng, lời ngợi khen thái quá đang rắp ranh xô ta vào bẫy, hoặc cặp mắt đen vì uất ức. Một nửa vấn đề liên quan đến ganh tỵ phát sinh vì ta nhận thức quá trễ.

Cuối cùng, phải tính đến khả năng những người ganh ta trước sau gì cũng âm thầm hại ta. Họ sẽ đặt chướng ngại vật trên lộ trình ta đi, những vật cản mà ta không thấy hoặc không biết xuất xứ. Như vừa nói, đến khi nhận thức được thì đã muộn: Lúc này nếu ta xin lỗi, ra bộ hèn kém, hành động tự vệ thì chỉ tổ làm rách việc thêm mà thôi. Tránh tạo ra lòng ganh tỵ thì dễ hơn nhiều, nếu so với việc để nó phát sinh rồi mời tìm cách giải quyết, vì vậy ta phải tìm cách ngăn chặn đừng cho nó sinh ra và tăng trưởng. Thông thường, chính những hành động vô tình mới làm cho người khác ganh tỵ. Do đó ta phải tập ý thức những hành động hoặc tính chất nào khả dĩ dấy lòng ganh tỵ để dập tắt chúng từ trong trứng nước.

Theo Kierkegaard, có loại người cố tình tạo ra sự ganh tỵ. Loại dễ thấy nhất là những người nổ tía lia khi vừa thành tựu được điều gì đó. Họ khoái làm cho người khác cảm thấy thua kém. Loại này xem như hết thuốc chữa. Còn loại người khác thì làm cho thiên hạ ganh một cách tinh vi hơn, vô thức hơn và chỉ đáng trách một phần. Ví dụ như những tài năng thiên bẩm.

Sir Walter Raleigh là một trong những gương mặt sáng chói nhất của triều đình Nữ hoàng Elizabeth nước Anh. Ông ta giỏi giang ở nhiều lĩnh vực như khoa học, thơ ca, lãnh đạo, kinh doanh, hàng hải, và trên hết là người đẹp trai, bạo dạn, nói năng duyên dáng được nữ hoàng sủng ái. Tuy nhiên đi đến đâu ông cũng bị người khác cản trở. Cuối cùng ông bị thất sủng trầm trọng, thậm chí đi tù và bị xử trảm.

Raleigh là nạn nhân của sự ganh tỵ từ những triều thần khác. Như thế bởi vì ông ta không làm gì để che đậy bớt tài năng và phẩm chất, ngược lại còn để chúng bao trùm khắp mọi người, tưởng rằng như thế người ta sẽ thấy mình uyên bác mà kính phục. Ngược lại, thái độ đó chỉ làm người ta ghét thầm, những người cảm thấy thua kém sẵn sàng làm mọi thứ để hạ bệ ông ngay khi ông vấp ngã hoặc phạm phải sai lầm nhỏ nhất.

Sự ganh tỵ mà Sir Walter Raleigh làm dấy lên là loại xấu xa nhất: Nó lóe lên khi các triều thần khác đối diện với tài năng thiên phú đang độ nở hoa của ông ta. Tiền bạc có thể kiếm ra, quyền lực có thể đạt tới, nhưng trí thông minh, ngoại hình duyên dáng, sức quyến rũ tự nhiên – những phẩm chất này làm sao đạt được?

Những ai tự nhiên mà hoàn hảo thì hãy cố che giấu bớt tinh hoa, thỉnh thoảng nhớ vờ phô ra một vài lỗi nhỏ để lòng ganh tỵ của người khác không có chỗ bám. Có một sai lầm rất vô tư và phổ biến là tưởng sẽ lấy lòng thiên hạ bằng tài năng tự nhiên của mình, nhưng thực tế chỉ làm thiên hạ ghét.

Trên lĩnh vực quyền lực, nguy hiểm xuất hiện cùng lúc với vận may bất chợt – một thăng tiến bất ngờ, một thành công hay thắng lợi từ trên trời rơi xuống. Chắc chắn vận may này sẽ làm cho các đồng liêu ganh tỵ.

Năm 1651 khi được đề bạt lên chức hồng y, Tổng giám mục Retz biết rõ là nhiều cựu đồng sự sẽ ganh tỵ mình. Ông làm đủ cách để giảm thiểu công lao và bảo đó chỉ nhờ may mắn. Để cho mọi người vừa lòng, ông cư xử khiêm cung như thể không có gì thay đổi. Ông ghi chép rằng cung cách ấy “có hiệu quả tốt vì đã giảm thiểu sự ganh tỵ quanh tôi”. Bạn hãy theo gương đức hồng y Retz. Hãy tinh tế làm cho mọi người biết rằng bạn chỉ may mắn, để họ thấy là họ cũng có thể may mắn như bạn và từ đó sẽ bớt ganh tỵ. Hãy cẩn thận đừng để thiên hạ đánh giá là bạn giả bộ khiêm nhường, nếu không họ sẽ ganh và ghét bạn nhiều thêm. Và nên nhớ rằng, cho dù bạn đang giữ vị trí cao, nhưng việc làm cho người khác ghét hoàn toàn không lợi lộc gì cả. Quyền lực cần có nền tảng ủng hộ kiên cố và rộng khắp, điều mà lòng ganh tỵ có thể âm thầm phá hủy.

Bất kỳ loại quyền lực chính trị nào cũng dấy lên sự ganh tỵ, và để phòng tránh, ta nên tỏ ra là người không có tham vọng. Khi Ivan Bạo chúa qua đời, Boris Godunov biết rằng mình là người duy nhất còn lại trên sân khấu chính trị có khả năng lèo lái đất nước. Nhưng nếu quá hăm hở lao vào vị trí này thì các boyar sẽ ganh ghét, vì vậy ông ta từ chối vương miện, không chỉ một mà nhiều phen. Ông đợi nhân dân yêu cầu nhiều lần.

George Washington cũng dùng chiến lược này thật hiệu quả, lần đầu là không nhận chức tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, lần thứ hai là khước từ chiếc ghế tổng thống. Cả hai lần ông đều được lòng thiên hạ, vì họ không thể ganh tỵ cái quyền lực mà chính họ đã khăng khăng giao cho người từng từ chối.

Theo Sir Francis Bacon, một cây bút đồng thời là chính khách thời nữ hoàng Elizabeth, người tài ba nên làm cho mọi người thương cảm khi thấy trách nhiệm của họ giống như một gánh nặng mà họ phải hy sinh đảm nhận. Lòng dạ nào đi ganh tỵ với một người ghé vai đỡ lấy trọng trách vì lợi ích công cộng? Hãy ngụy trang quyền lực của bạn thành một sự hy sinh thay vì là nguồn hạnh phúc. Hãy phóng đại những nỗi nhọc nhằn, để chuyển một nguy hiểm tiềm tàng (ganh tỵ) thành sự đồng cảm (tội nghiệp).

Ngoài ra ta nên gợi ý cho mọi người biết rằng vận may của ta sẽ có lợi cho họ. Muốn vậy ta phải mở hầu bao, như Cimon, một vị tướng giàu có ở thành Athens cổ, người đã tung tiền ra tứ phía để dân chúng không ganh tỵ với ảnh hưởng chính trị của ông. Ông tốn kém khá nhiều vào việc này, nhưng cuối cùng đã thoát được sự tẩy chay và án lưu đày.

Họa sĩ Turner lại nghĩ ra cách khác để phòng chống sự ganh tỵ của các đồng nghiệp mà ông cho là trở ngại lớn nhất đối với sự thành đạt của ông. Turner biết tài bố trí màu sắc của tranh mình làm cho các đồng nghiệp ngại không dám treo tranh của họ kề bên. Ông biết sự e ngại đó sẽ biến thành ganh tỵ, khiến sau này ông khó lòng tìm được gallery để trưng bày. Vì vậy thỉnh thoảng ông dùng muội khói làm màu sắc xỉn đi để các đồng nghiệp an tâm hơn.

Muốn đánh lạc hướng sự ganh tỵ, Gracián khuyên kẻ quyền lực nên phô bày ra một tật vô hại nào đó, một hớ hênh nho nhỏ về mặt xã hội, một điểm yếu dễ thương. Hãy quăng cho bọn ganh tỵ chút gì đó để xơi tái, để họ không phanh phui những gì thực tế mới quan trọng. Đã đành ta phải đóng trò với vẻ bề ngoài, nhưng cuối cùng ta vẫn được điều mình muốn: quyền lực thật sự. Tại vài quốc gia Ả Rập, người ta làm giống như Cosimo de Medici để tránh bị ganh tỵ: Sự giàu có chỉ được phô trương bên trong căn nhà.

Ngoài ra ra còn nên cẩn thận với loại ganh tỵ được ngụy trang. Ai khen ta thái quá, chắc chắn người đó đang ganh tỵ với ta. Hoặc là họ đang dàn dựng kịch bản để lật đổ ta – vì ta không thể nào vươn tới tầm cao của những lời khen phóng đại ấy – hoặc họ đang mài dao sau lưng ta.

Mặt khác, những ai công kích ta thái quá, luôn công khai chỉ trích ta có khả năng cũng đang ganh tỵ. Vậy ta hãy cố gắng nhận ra rằng những lối ngụy trang kể trên chỉ là lòng ganh tỵ trá hình, để không lọt vào trận đồ bôi tro trát trấu lẫn nhau, để không bị trúng đòn chỉ trích của địch rồi sau đó lại ôm hận khổ sở. Cách báo thù hay nhất là cứ phớt lờ, xem như chúng không hề có mặt trên đời.

Bạn đừng thử giúp hoặc chiếu cố kẻ ganh tỵ, kẻo họ lại nghĩ là bạn trịch thượng. Khi tìm giúp Halliwell một gallery để trưng bày tranh, Orton chỉ làm cho người tình thêm mặc cảm và ganh ghét. Một khi ganh tỵ đã lộ bộ mặt thật ra rồi, giải pháp duy nhất thường là tránh né bọn ganh ghét, bỏ mặc chúng nung nấu trong chính cái địa ngục do chúng tạo ra.

Điều cuối cùng cần lưu ý là có những môi trường thuận lợi cho ganh tỵ phát sinh hơn môi trường khác. Thói xấu ấy trầm trọng hơn giữa các đồng nghiệp và đồng liêu, nơi người ta thường dựng lên bức bình phong bình đẳng. Sự ganh tỵ cũng hết sức nguy hại ở những môi trường dân chủ, nơi mọi người không thích sự phô trương quyền lực. Bạn phải hết sức nhạy bén trong những môi trường như vậy. Nhà làm phim Ingmar Bergman bị giới thẩm quyền thuế má Thụy Điển săn đuổi vì ông quá nổi trội ở một đất nước mà mọi người xét nét sự nổi trội hơn hẳn. Ở những trường hợp như vậy hầu như không thể nào thoát khỏi sự ganh tỵ, do đó ta không thể làm gì hơn là chấp nhận nó một cách tao nhã và đừng xem đó là chuyện cá nhân. Thoreau từng viết rằng “Ganh tỵ là thứ thuế má mà mọi sự ưu tú nào cũng phải trả”.

Hình ảnh:

Vườn đầy cỏ dại. Có thể là bạn không nuôi trồng chúng, nhưng chúng vẫn phát triển nhờ lượng nước mà bạn tưới kiểng. Có thể bạn không biết chúng bành trướng bằng cách nào, nhưng chúng vẫn bành trướng, cao kều và xấu xí, làm cho những gì tươi đẹp không đơm hoa được. Vậy bạn đừng tưới bừa bãi, nếu không sẽ quá muộn. Hãy hủy diệt mớ cỏ dại của lòng ganh tỵ bằng cách cúp nguồn sống của chúng.

Ý kiến chuyên gia:

Thỉnh thoảng bạn nên hé lộ một khuyết điểm vô hại của con người mình. Vì bọn ganh tỵ nhất sẽ bảo cái tội của người hoàn hảo nhất là không có tội. Họ trở thành một loại thần Argus, mở to trăm mắt soi mói cho ra cái lỗi nằm trong sự hoàn chỉnh – đó là niềm ai ủi duy nhất của họ. Đừng để lòng ganh tỵ òa vỡ nọc độc – hãy vờ hé lộ những lỗ hổng trong sự dũng cảm hoặc trí tuệ, xem như ngăn chặn trước lòng ganh tỵ. Như thế bạn vung vẩy chiếc áo choàng đỏ trước Cặp sừng của Ganh tỵ, nhằm cứu vãn sự bất tử của mình.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Lý do ta phải dè chừng bọn ganh tỵ là vì chúng quá tiểu nhân và sẽ tìm ra vô số cách để phá hoại ta. Nhưng nếu rào đón quanh chúng quá kỹ lưỡng nhiều khi lại làm chúng càng thêm ganh tỵ. Chúng có tri giác rằng ta đang cẩn trọng và xem đó là một dấu hiệu khác của việc ta hơn chúng. Chính vì thế mà ta phải hành động trước khi lòng ganh tỵ bám rễ.

Tuy nhiên một khi ganh tỵ đã phát sinh rồi, cho dù có phải do ta hay không thì đôi lúc tốt hơn ta nên có cách tiếp cận ngược lại: Bày tỏ thái độ xem thường cao độ đối với bọn hay ganh tỵ. Thay vì che đậy những phẩm chất của mình, ta càng cho chúng hiển nhiên hơn. Cứ mỗi lần thành công, ta lại làm cho lòng bọn ganh ghét phải quặn lên vì đau đớn. Vận may của ta trở thành địa ngục trần gian của chúng. Nếu ta đạt được một địa vị bất khả lung lay, lòng ganh tỵ sẽ hoàn toàn vô hiệu.

Đó là cách mà Michelangelo đã chiến thắng tên kiến trúc sư Bramante độc địa. Tên này ganh tài nghệ tuyệt luân của Michelangelo, nên khi ông thiết kế nhà mồ cho chính mình, hắn bịa chuyện với Giáo hoàng Julius để chụp mũ Michelangelo khiến dự án không thành. Thâm độc hơn, hắn còn xui giáo hoàng giao Michelangelo phải nhận một công trình không thể nào thực hiện nổi, hễ ai dây vào chỉ có mà thân bại danh liệt: vẽ những bức bích họa của nhà nguyện Sistine. Công trình này chắc chắn sẽ ngốn mất nhiều năm quý báu của Michelangelo, và trong thời gian đó ông sẽ chẳng làm được việc gì khác. Hơn nữa, Bramante cho rằng Michelangelo chỉ giỏi điêu khắc chứ không giỏi vẽ, vì vậy công trình Sistine sẽ làm ông sụp đổ.

Phát hiện ra cái bẫy, Michelangelo thoái thác nhưng giáo hoàng cứ khăng khăng, vì vậy ông im lặng chấp hành. Quyết không để lòng ganh tỵ của Bramante chiến thắng, Michelangelo trổ hết tài năng, và kết quả là công trình Sistine đã lưu danh hậu thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.