48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực
NGUYÊN TẮC 6: THU HÚT CHÚ Ý BẰNG MỌI CÁCH
Mọi thứ đều được đánh giá qua vẻ bề ngoài, cái gì không được trông thấy thì xem như không có giá trị. Vì vậy đừng bao giờ để mình bị chìm ngập giữa đám đông hoặc chôn vùi trong quên lãng. Hãy nổi trội. Hãy tìm mọi cách để sừng sững ra đấy. Hãy biến mình thành thanh nam châm thu hút sự chú ý, hãy tạo một bề ngoài to lớn hơn, màu sắc hơn, bí ẩn hơn đám đông vô hồn và nhút nhát.
PHẦN I:
HÃY LÀM CHO TÊN TUỔI TA LUÔN ĐI ĐÔI VỚI CHUYỆN GIẬT GÂN GÂY XÔN XAO DƯ LUẬN
Hãy thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra một hình ảnh không thể nào quên, thậm chí gây tranh luận. Cứ tạo ra xì-căng-đan. Hãy làm mọi thứ để mình có vẻ to lớn hơn thực tế và chói sáng hơn những người xung quanh. Cho dù thiên hạ có để ý ta theo cách nào thì cũng mặc – cho dù với hình thức nào thì sự nổi tiếng cũng giúp ta thêm sức mạnh. Chẳng thà bị vu khống và công kích còn hơn là bị phớt lờ.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
P. T. Barnum, đệ nhất danh bầu nước Mỹ hồi thế kỷ XIX, bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cái ghế phụ tá cho ông chủ gánh xiếc Aaron Turner. Năm 1836, gánh xiếc dừng chân ở Annapolis bang Maryland. Vào sáng hôm khai diễn, Barnum mặc một áo mới đen tuyền đi bách bộ ra phố. Đám đông hiếu kỳ bắt đầu bu theo ông. Có ai đó la lên rằng Barnum chính là tu sĩ Ephraim K. Avery, người bị buộc tội giết người nhưng vừa được tòa tuyên trắng án, trong khi hầu hết dân Mỹ vẫn tin ông là thủ phạm. Đám đông phẫn nộ xé rách áo Barnum và chuẩn bị treo cổ ông. Sau nhiều lần van xin hoảng hốt, cuối cùng Barnum cũng thuyết phục được họ theo ông về tới gánh xiếc, nơi ông có cách chứng minh thực sự mình là ai.
Đến nơi, lão Turner xác nhận những điều vừa diễn ra chỉ là cú chơi khăm – rằng chính ông đã loan truyền tin đồn rằng Barnum là Avery. Đám đông giải tán, nhưng vì vừa chết hụt nên Barnum không vui tí nào. Ông ta muốn biết động cơ nào đã khiến lão chủ chơi một cú quá mạng như vậy. “Barnum thân mến ơi, “ Turner trả lời, “tất cả cũng vì lợi ích của chúng ta. Hãy nhớ rằng tiếng tăm là tất cả những gì chúng ta cần để thành công.” Và tất nhiên ai ai trên phố cũng luận bàn về cú chơi khăm, vì vậy gánh xiếc bán hết vé tối hôm đó cũng như những tối nào mà gánh còn lưu lại Annapolis. Barnum đã học được một bài không thể nào quên.
Chuyến tự thân mạo hiểm đầu tiên của Barnum là vụ American Museum – nơi sưu tập những vật kỳ, chuyện lạ trên thế giới. Ngày kia có người hành khất đến xin Barnum giúp đỡ. Thay vì cho tiền, Barnum quyết định tuyển dụng anh ta. Dẫn anh ta đến nhà bảo tàng, Barnum trao cho năm viên gạch và dặn cứ từ từ đi vòng quanh vài khu nhà. Ở vài điểm nào đó, anh ta sẽ đặt một viên ở vệ đường, nhưng luôn chừa một viên cầm tay. Khi đi đủ một vòng thì người hành khất sẽ làm chuyến ngược lại, nhưng lần này thay thế từng viên gạch ở vệ đường. Barnum dặn anh ta phải giữ vẻ nghiêm trang và không được trả lời mọi câu hỏi. Khi về đến nhà bảo tàng, anh ta phải vào ngay, đi một vòng bên trong, trở ra lối cửa sau và tái diễn màn đặt gạch.
Ở lần đầu tiên đi vòng quanh khu phố, hàng trăm người quan sát hành động lạ lùng của gã hành khất. Đến vòng thứ tư, những kẻ hiếu kỳ bu theo và bàn tán xem anh ta đang làm gì. Mỗi khi anh ta bước vào nhà bảo tàng, nhiều người liền mua vé vào theo để có thể tiếp tục theo dõi. Nhưng vì anh ta cứ đi vòng quanh bên trong nên nhiều người đâm chán, chẳng thà họ tản ra nhìn ngắm những vật lạ được trưng bày. Đến cuối ngày đầu tiên, gã hành khất đã lôi kéo hơn một ngàn người vào nhà bảo tàng. Vài ngày sau cảnh sát không cho anh ta đi vòng khu phố nữa, bởi vì đám đông gây ùn tắc giao thông. Việc đặt gạch phải ngưng nhưng hàng ngàn cư dân New York đã vào nhà bảo tàng, và sau này nhiều người đã nhiệt tình ủng hộ Barnum.
Barnum còn cho một ban nhạc chơi ở bao lơn phía tầng cao nhà bảo tàng, bên dưới có băng-rôn đề chữ trình diễn nhạc miễn phí cho công chúng. Cư dân New York khen ngợi vị mạnh thường quân và kéo đến nghe. Nhưng trước đó Barnum đã chịu khó tuyển mộ cho bằng được những nhạc công dở nhất thành phố, và chẳng bao lâu sau khi tiếng nhạc nổi lên, đám đông huýt sáo chê bai. Nhân tiện đó, nhiều người chẳng thà mua vé vào nhà bảo tàng để tránh loại âm nhạc chói tai và những tiếng la lối của đám đông.
Một trong những “việc lạ” mà Barnum tổ chức tua giới thiệu vòng quanh nước Mỹ là Joice Heth, người phụ nữ mà ông ta rêu rao là đã 161 tuổi và từng là nô lệ làm vú nuôi của George Washington. Sau vài tháng đắt khách, người xem bắt đầu thưa dần, Barnum liền gửi nhiều thư nặc danh đến báo chí, cho biết Heth là trò lừa, “chứ thực ra Joice Heth không phải là người mà là robot, cấu tạo từ chất sừng cá voi, cao su với vô số lò xo.” Những người nào trước đây không tò mò về một bà già 161 tuổi thì bây giờ lại muốn xem thử cái robot đó là thật hay chỉ là tin đồn.
Năm 1842, Barnum mua lại một cái xác được cho là của mỹ nhân ngư. Nó trông giống như đầu con khỉ với mình con cá. Nhưng vì giữa đầu và mình không thấy vết hàn gắn gì cả nên quả là điều kỳ bí. Sau này Barnum mới biết cái xác đó được các nghệ nhân Nhật ráp lại, và ngay tại bản xứ nó cũng đã từng gây xôn xao.
Ấy vậy mà ông ta vẫn cho đăng tin quảng cáo trên báo chí cả nước rằng vừa bắt được người cá tại quần đảo Fiji. Ông còn gửi tới tòa soạn nhiều tranh khắc gỗ có hình người cá. Khi Barnum cho trưng bày xác mỹ nhân ngư trong nhà bảo tàng, cả nước Mỹ đồng tranh luận xem liệu người cá có thật hay không. Vài tháng trước khi Barnum phát động chiến dịch, ít người quan tâm, thậm chí ít ai biết chuyện về người cá. Giờ thì họ lại bàn bạc xôn xao, chừng như người cá đã là việc thật. Những đám đông kỷ lục đến nhà bảo tàng để xem người cá Fiji và nghe những cuộc tranh luận về chủ đề đó.
Vài năm sau, Barnum thực hiện một tua vòng quanh châu Âu với Đại tướng Tom Thumb, một người lùn năm tuổi ở bang Connecticut. Nhưng Barnum bảo đó là một đứa bé người Anh 11 tuổi mà ông đã dạy nhiều động tác phi thường. Vòng biểu diễn của Barnum thành công đến nỗi Nữ hoàng Victoria, một mẫu mực về sự điềm tĩnh cũng phải yêu cầu gặp riêng ông ta và gã người lùn tại cung điện Buckingham. Có thể báo chí đã chế giễu Barnum, nhưng dù sao ông ta cũng giải khuân được Nữ hoàng.
Diễn giải
Barnum nắm được chân lý cơ bản về việc thu hút sự chú ý: Một khi công luận đã quan tâm đến ta, xem như ta được “hợp pháp hóa”. Với ông ta, tạo ra sự quan tâm đồng nghĩa với tạo ra đám đông, như sau này ông nhìn nhận “Đám đông nào cũng có cái hay.” Và đám đông thường có khuynh hướng phản ứng tập thể. Chỉ cần một người đứng lại xem gã hành khất đặt gạch thì sẽ có hàng tá người bắt chước. Lúc ấy chỉ cần huých nhẹ một phát là họ bước ngay vào nhà bảo tàng hoặc theo dõi màn trình diễn. Muốn tạo ra đám đông ta phải làm điều gì đó kỳ lạ khác thường. Một vật gì đó lạ đời sẽ thích hợp, bởi vì đám đông luôn bị thu hút bởi điều kỳ dị và không thể giải thích. Và khi thu hút được đám đông rồi ráng giữ chân họ lại. Nếu họ hướng về nơi khác thì ta sẽ thiệt thòi. Barnum sẵn sàng lôi kéo không thương tiếc khán giả của những ông bầu khác, vì ông ta hiểu rằng đó là mặt hàng giá trị.
Do đó ở giai đoạn leo lên đỉnh dốc, ta đừng tiếc công sức thu hút sự chú ý. Quan trọng hơn nữa: chất lượng của sự chú ý đó không đáng kể. Cho dù những bài phê bình có chê bai những màn trình diễn, cho dù có phỉ báng bản thân ông như thế nào, Barnum không bao giờ than phiền. Nếu có nhà báo nào phê bình ông thật tồi tệ, Barnum sẽ mời người đó đến dự một buổi khai trương trò mới, cho ngồi ghế thượng khách. Thậm chí ông ta còn gửi đến báo chí những bài nặc danh để công kích những màn trình diễn của mình, mục đích chỉ để thiên hạ luôn nghe thấy tên ông. Theo ông, sự chú ý, cho dù tích cực hay tiêu cực, đều là thành phần chủ chốt của thành công. Số phận tồi tệ nhất đối với một người muốn được nổi tiếng, vinh quang, và tất nhiên cả quyền lực là không được người khác biết tới.
Nếu vị triều thần phải diễu võ dương oai nơi công cộng chẳng hạn như cưỡi ngựa đấu thương… anh ta cần bảo đảm rằng con ngựa của mình phải được phủ bọc đẹp đẽ, bản thân anh ta phải ăn mặc thích hợp, y trang gắn những huy hiệu và vật trang trí độc đáo để thu hút con mắt của đám đông về phía mình như chắc chắn nam châm phải hút sắt.
(Baldassare Castiglione, 1478-1529)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Nổi bật sáng chói hơn những người xung quanh là một kỹ năng mà không phải ai sinh ra cũng sẵn có. Ta phải học cách thu hút chú ý “ như chắc chắn nam châm phải hút sắt”. Khi bắt đầu sự nghiệp, ta phải gắn liền tên tuổi với một đức tính, một hình ảnh làm nổi bật mình khác với người xung quanh. Hình ảnh này có thể đại loại như một kiểu ăn mặc đặc biệt, hoặc một nét tính cách làm mọi người bàn tán vui vẻ. Một khi hình ảnh đã được thiết lập thì ta sẽ có phong thái riêng, có một chỗ trên bầu trời cho ngôi sao của mình.
Nhiều người thường cho rằng mình phải có một dáng vẻ đặc biệt nhưng đừng để người khác bàn tán xôn xao, nếu không sẽ bị chỉ trích. Hoàn toàn sai lầm. Nếu không muốn tên tuổi mình chỉ nổi bật thoáng qua, rồi sau đó bị người khác che lấp, ta không nên phân biệt giữa những loại chú ý khác nhau, bởi vì nói cho cùng thì loại nào cũng đóng góp cho công việc của ta. Chúng ta đã thấy Barnum hoan nghênh mọi công kích và không cần phải bào chữa. Ông ta cố tình chuốc lấy hình ảnh một kẻ bịp bợm.
Triều đình Vua Louis XIV quy tụ đông đảo nghệ sĩ, nhà văn, mỹ nhân, nam thanh nữ tú, nhưng không ai được nhát đến nhiều như Công tước De Lauzun. Ông này thấp tịt, gần như là người lùn và lại thích chơi nổi đủ trò xấc láo – ngủ với ái thiếp của vua, công khai xúc phạm không chỉ các quần thần mà cả đức vua. Tuy nhiên Louis khoái chí những màn lập dị đến nỗi không thể thiếu vắng ông ta khi lâm triều. Cũng dễ hiểu thôi: Sự lập dị của vị công tước thu hút sự chú ý, và một khi đã bị mê hoặc, mọi người luôn muốn nhìn thấy ông ta.
Xã hội khao khát những gương mặt vĩ đại hơn đời thường, cần những người vượt trội mức tầm tầm bậc trung. Vì vậy bạn đừng e ngại về những đặc tính làm cho mình nổi bật và tạo sự chú ý. Hãy tạo ra xì-căng-đan, hãy làm mọi người xì xào bàn tán về mình. Chẳng thà bị công kích, thậm chí bị phỉ báng còn hơn là người khác không biết gì về bạn. Chuyên môn nào cũng áp dụng quy tắc này, tất cả những tay chuyên nghiệp đều ít nhiều có máu đạo diễn.
Nhà khoa học vĩ đại Thomas Edison hiểu rằng nếu muốn vận động được tài chính thì ông phải tìm mọi cách để luôn hiện diện trong mắt công chúng. Những phát minh của ông thật quan trọng, nhưng quan trọng không kém chính là cách ông giới thiệu cho công chúng và thu hút sự chú ý của họ.
Edison dựa vào các tính năng của điện nhằm thiết kế nhiều cuộc biểu diễn thí nghiệm làm hoa mắt mọi người để trình bày những khám phá. Ông hay nói về những phát minh sắp tới mà vào thời ấy nghe rất kỳ diệu – robot và các loại máy móc có khả năng chụp ảnh ý nghĩ, những thứ mà ông thực tình không muốn đầu tư vào, song ông vẫn cứ rêu rao để công chúng nói về mình. Ông làm mọi thứ có thể để thiên hạ tập trung vào mình nhiều hơn là vào đối phương tài ba: Nikola Tesla, một người thật ra thông minh hơn Edison nhưng ít ai biết đến.
Năm 1915 có tin đồn rằng Edison và Tesla sẽ cùng được trao giải Nobel về vật lý. Cuối cùng giải được trao cho hai nhà vật lý người Anh. Sau đó người ta biết ra rằng ban giám khảo đã tiếp cận Edison nhưng ông ta từ chối vì không muốn chia sẻ giải thưởng với Tesla. Vào lúc đó danh tiếng ông ta vững chãi hơn của Tesla nên ông nghĩ rằng tốt hơn mình nên từ chối, hơn là để cho đối phương thu hút mức độ chú ý ngang bằng khi chia sẻ giải thưởng.
Nếu lỡ sa vào thế thấp kém ít có cơ hội thu hút chú ý, ta có cái mánh khá hữu hiệu là công kích người nào nổi bật nhất, nổi tiếng nhất, mạnh mẽ nhất. Khi Pietro Aretino, một người hầu nhỏ tuổi sống vào thế kỷ XVI, muốn mọi người xem mình là một nhà thơ, anh ta bèn cho xuất bản một loạt bài thơ trào phúng chọc quê đức giáo hoàng, đồng thời nói lên cảm tình của mình với con voi cưng. Sự công kích này lập tức làm công luận để ý đến Aretino. Ta cũng sẽ được hiệu quả tương tự khi công kích một người quyền thế. Tuy nhiên phải nhớ là sau khi đã thu hút được sự chú ý của quần chúng, bạn nên sử dụng chiến thuật này thật dè chừng vì càng xài thì càng mất linh.
Khi lọt được vào ánh đèn sân khấu rồi, ta nhớ thường xuyên thay đổi và điều chỉnh các phương thức thu hút sự chú ý, nếu không công chúng sẽ lờn thuốc và chuyển sang một ngôi sao mới. Trò này đòi hỏi ta phải luôn cảnh giác và sáng tạo. Pablo Picasso không bao giờ để mình mờ nhạt và chìm vào hậu cảnh. Khi phát hiện tên tuổi mình chết dí vào một phong cách hội họa nhất định, ông chủ động làm công chúng bất ngờ bằng một loạt các bức tranh vượt mọi dự đoán hay mong đợi. Ông tin rằng chẳng thà mình tạo ra điều gì đó xấu xa hay chấn động còn hơn là để cho người xem quá quen với các tác phẩm trước đó. Nói cách khác, thiên hạ cảm thấy mình ngon lành hơn người mà họ có thể tiên đoán sắp làm gì. Nếu ta chứng tỏ cho họ thấy là ai đang kiểm soát tình hình, bằng cách đi ngược lại mọi dự đoán của họ thì ta vừa được họ kính nể, lại vừa siết lại được sự chú ý đang lơi lỏng của họ.
Hình ảnh:
Ánh đèn sân khấu. Diễn viên nào bước vào vòng tròn sáng chói ấy sẽ tôn cao được sự hiện diện của mình. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về hắn. Chỉ có một chỗ duy nhất cho một người trong luồng sáng chật hẹp ấy, vậy ta hãy làm mọi thứ có thể để duy trì vị trí đó. Hãy thực hiện những động tác thật khoa trương, ngộ nghĩnh, thậm chí khiếm nhã để giữ ánh đèn ấy lại cho mình, trong khi những diễn viên khác bị chìm trong bóng tối.
Ý kiến chuyên gia:
Hãy khoa trương cho mọi người nhìn thấy… Điều gì không được nhìn thấy sẽ bị xem là không có thật… Trước tiên, chính ánh sáng đã làm cho mọi tạo vật tỏa sáng. Sự khoa trương lấp đầy nhiều chỗ trống, che đậy được nhược điểm, và mang đến cho mọi thứ một cuộc sống thứ hai, đặc biệt khi điều đó được trợ lực bởi phẩm chất thực sự.
(Baltasar Gracián, 1610-1658)
PHẦN II:
TẠO RA MỘT VẺ BÍ ẨN
Trong một thế giới ngày càng tầm thường và quen thuộc, điều gì có vẻ bí ẩn sẽ thu hút được chú ý. Đừng bao giờ để quá lộ liễu những gì mình đang hoặc sắp thực hiện. Đừng trưng ra hết các quân bài. Một chút bí ẩn sẽ tôn cao sự hiện diện của bạn và sẽ làm mọi người đoán già đoán non – ai ai cũng chú ý xem điều gì sắp xảy ra. Hãy sử dụng vẻ bí ẩn để đánh lừa, phủ dụ, thậm chí để hù dọa.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Đầu năm 1905, khắp Paris đồn đại về một thiếu nữ Đông phương chuyên trình diễn những vũ điệu tại nhà riêng, với lối diễn độc đáo là dần dần cởi bỏ từng lớp vài trên người. Một ký giả địa phương từng xem cô ta múa viết rằng “một phụ nữ vùng Viễn Đông đã đến châu Âu, trên người đầy những nước hoa và đá quý, với mục đích giới thiệu những nét lộng lẫy của sắc màu và đời sống Đông phương cho xã hội đã bão hòa của thành phố Âu châu.” Không lâu sau ai ai cũng biết tên nàng vũ nữ: Mata Hari.
Vào mùa đông năm ấy, nhiều nhóm nhỏ các khán giả chọn lọc quy tụ trong căn phòng khách đầy những pho tượng Ấn Độ và các di tích khác, trong khi ban nhạc chơi những bài lấy cảm hứng từ các giai điệu Ấn Độ và Java. Sau khi để cho cử tọa chờ đợi và thắc mắc khá lâu, Mata Hari đột nhiên xuất hiện trong bộ trang phục kỳ lạ: một cái áo ngực đính đá quý theo kiểu Ấn Độ, những sợi vải cũng đính trang sức ngay eo để giữ chiếc xà-rông nửa kín nửa hở, tay đeo rất nhiều vòng xuyến. Rồi cô ta bắt đầu múa những vụ điệu mà ở Pháp chưa bao giờ thấy, toàn thân cô lắc lư như thể lên đồng. Mata Hari giải thích với cử tọa rằng những vũ điệu này kể về thần thoại Ấn Độ và chuyện truyền khẩu Java. Chẳng bao lâu sau, tầng lớp thượng lưu nhất của thủ đô, cùng với đại sứ những đất nước xa xôi đều cố “xoay” cho được giấy mời đến cái phòng khách đó, nơi có tin đồn rằng Mata Hari thực sự biểu diễn những vũ điệu khỏa thân linh thiêng.
Công chúng muốn có thêm thông tin về cô ta. Mata Hari nói với báo chí rằng nguồn gốc cô là Hà Lan, nhưng lại lớn lên ở đảo Java. Cô cũng kể về khoảng thời gian sống bên Ấn Độ, nơi cô học hỏi những vũ điệu linh thiêng, nơi “phụ nữ bản xứ là những tay thiện xạ trên lưng ngựa, lại còn có khả năng đặc biệt về toán học và triết học.” Đến mùa hè năm 1905 đó, cái tên Mata Hari nằm trên đầu lưỡi mọi người, mặc dù ít ai thực sự nhìn thấy nàng.
Báo chí càng phỏng vấn thì câu chuyện về nguồn gốc của nàng càng thay đổi. Đến thời điểm đó thì Mata Hari lớn lên tại Ấn Độ, bà ngoại nàng là con gái một công chúa Java, rằng nàng sống ở đảo Sumatra và suốt ngày “trên lưng ngựa, tay cầm súng cứu khốn phò nguy.” Không ai biết điều gì đích xác về nàng, nhưng giới nhà báo không quan tâm về những thay đổi trong tiểu sử của cô gái. Họ so sánh nàng với vị nữ thần Ấn Độ, một sinh linh xuất hiện từ những vần thơ của Baudelaire – nói chung là những gì mà trí tưởng tượng của họ phác ra từ thiếu nữ bí ẩn Đông phương ấy.
Tháng Tám năm 1905 Mata Hari lần đầu tiên biểu diễn nơi công cộng. Nhiều đám đông gần như là bạo loạn để xem nàng diễn đêm khai trương. Đến lúc này Mata Hari đã trở thành một vật được sùng bái, được nhiều người bắt chước về ngoại hình. Một nhà phê bình viết “Mata Hari là hiện thân của tất cả thi ca Ấn Độ, của sự huyền bí, dục lạc, quyến rũ thôi miên của đất nước này.” Bài báo khác có đoạn: “Nếu Ấn Độ có những của quý bất ngờ như vậy, thì tất cả đàn ông sẽ di trú sang ở bên bờ sông Hằng.”
Không lâu sau tên tuổi Mata Hari cùng với những vũ điệu thần bí Ấn Độ vượt qua cả biên giới nước Pháp để bay tới những thành phố như Berlin, Vienna, Milan. Những năm sau đó cô gái đi biểu diễn khắp châu Âu, giao lưu với giới thượng lưu cao cấp nhất và có mức thu nhập đảm bảo cho nàng sự độc lập mà các phụ nữ thời đó hiếm khi có được.
Đến cuối Thế chiến thứ nhất Mata Hari bị bắt tại Pháp, bị mang ra xét xử và buộc tội, cuối cùng bị bị hành quyết dưới tội danh làm gián điệp cho Đức. Sự thật về nàng chỉ được vén lên trong tiến trình xử án: Mata Hari không hề xuất xứ từ Java hay Ấn Độ gì cả, cũng không lớn lên ở phương Đông và không có giọt máu Đông phương nào trong huyết quản. Tên thật của cô ta là Margaretha Zelle, đến từ vùng đất lạnh lẽo Friesland, một tỉnh ở phía Bắc Hà Lan.
Diễn giải
Khi tới Paris vào năm 1904, trong túi Margaretha Zelle chỉ có nửa đồng franc. Cô là một trong hàng ngàn thiếu nữ xinh đẹp đổ xô về Paris mỗi năm, sẵn sàng làm người mẫu cho họa sĩ hoặc vũ công hộp đêm, hay vũ nữ cho những sô tạp kỹ tại Folies Bergères. Vài năm sau bọn họ chắc chắn sẽ bị những cô gái trẻ đẹp hơn hất chân, và thường là phải ra đứng đường kiếm ăn hoặc phải trở về nguyên quán trong tình trạng già nua và bầm dập.
Zelle có nhiều tham vọng hơn. Tuy chưa hề có kinh nghiệm ca múa và cũng chưa từng biểu diễn trên sân khấu, nhưng hồi còn nhỏ cô bé Zelle có cùng gia đình đi du lịch và thưởng thức những vũ điệu bản xứ ở Java và Sumatra. Zelle hiểu rằng điều quan trọng không phải là bản thân bài múa hoặc vũ điệu hay gương mặt của mình, nhưng ở chỗ là có tạo ra được màn sương bí ẩn bao quanh mình hay không. Sự bí ẩn cô tạo ra được không chỉ nằm ở cách múa hay y trang, hoặc những câu chuyện thêu hoa dệt gấm, mà còn ẩn hiện trong tất cả những gì cô làm. Về Zelle, bạn không thể dám nói điều gì là chắc chắn cả – cô ta luôn thay đổi, luôn làm cử tọa ngạc nhiên với những bài múa mới, y phục mới, chuyện kể mới. Vẻ bí ẩn này luôn làm khán giả muốn biết thêm nữa, luôn thử đoán về hành động kế tiếp của cô ta. Mata Hari không đẹp hơn nhiều thiếu nữ khác đến Paris tìm sự nghiệp, mà múa cũng không giỏi giang gì. Điều làm cô ta nổi bật khỏi đám đông, điều quyến rũ và duy trì sự chú ý của thiên hạ và làm cho cô ta nổi tiếng lẫn giàu có chính là cái vẻ bí ẩn. Mọi người luôn bị cái bí ẩn nó mê hoặc, bởi màn sương bí ẩn luôn tạo điều kiện cho mọi dự đoán nên mọi người không biết chán. Không ai nắm bắt được thực chất của vẻ bí ẩn. Và điều gì không thể bị nắm bắt và làm tiêu hao, thì điều đó tạo ra quyền lực.
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Trong quá khứ, thế giới này đầy dẫy những điều khủng khiếp và không hiểu nổi – nào là bệnh tật, tai ương, những tên bạo chúa ngông cuồng và bí ẩn về bản thân cái chết. Những gì hiểu không nổi, ta thường gán cho nó là thần thoại và siêu nhiên. Tuy nhiên qua nhiều thế kỷ, nhờ khoa học và lý trí, chúng ta đã có thể soi rõ bóng tối. Những gì từng có vẻ bí ẩn và cấm kỵ giờ đã trở nên quen thuộc và không còn gây lo âu. Nhưng chúng ta cũng phải trả một cái giá nhất định cho ánh sáng soi rọi ấy: trong thế giới ngày càng tầm thường và bị vắt kiệt những thần thoại và bí ẩn, trong tận đáy lòng chúng ta lại khao khát những bí ẩn mới, muốn biết những con người và sự vật nào chưa bị nắm bắt, giải đoán và “tiêu hóa” được ngay.
Đó là sức mạnh của sự bí ẩn. Bí ẩn luôn mời gọi sự diễn giải ở những cấp độ khác nhau, kích thích trí tưởng tượng, mê hoặc ta, làm ta tin rằng đàng sau đó còn nhiều điều kỳ lạ nữa. Thế giới đã trở nên quá quen thuộc và hành động con người khá trong suốt nên bất kỳ những gì tự bao phủ trong vỏ bọc bí ẩn đều luôn thu hút chú ý. Bạn hãy nhớ: Hầu hết mọi người đều thẳng thắn và như quyển sách mở, ít chịu khó kiểm soát lời nói hay con người mình, những hành động của họ có thể bị biết trước. Chỉ cần ít nói, giữ im lặng, thỉnh thoảng ậm ừ vài câu khó hiểu, chủ động tỏ ra bất nhất và cư xử lạ lùng một cách thật tinh vi thì bạn sẽ tỏa ra một vầng bí ẩn. Thiên hạ quanh bạn sẽ làm cho vầng bí ẩn ấy lớn thêm lên bằng đủ loại giải đoán.
Các nghệ sĩ và những bậc thầy về lừa bịp đều hiểu rõ mối liên hệ giữa vẻ bí ẩn và sự thu hút chú ý. Bá tước Victor Lustig, kẻ lừa đảo quý tộc, thao tác vẻ bí ẩn thật hoàn hảo. Ông ta luôn làm điều gì đó đặc biệt, chừng như không có lý gì cả. Lustig đến khách sạn sang trọng bằng chiếc ô tô hạng sang do một tài xế người Nhật lái. Trước đó chưa ai thấy một tài xế người Nhật, vì vậy điều ông ta làm có vẻ lạ lùng hương xa. Lustig ăn mặc loại quần áo rất đắt tiền, luôn có kèm theo vật gì đó – một huy chương, nụ hoa, dải băng quanh cánh tay – thật trật chìa, nếu hiểu theo nghĩa quy ước. Điều đó không chỉ có vẻ khiếm nhã, nhưng còn kỳ cục và gây nhiều thắc mắc. Có lần trong khách sạn, ông ngồi nhận điện tín liên tục hết cái này đến cái khác trong suốt nhiều giờ đồng hồ – những điện tín do tay tài xế người Nhật mang tới mà ông xé nhỏ với vẻ dửng dưng tuyệt đối. (Thật ra chúng là điện tín giả, không có nội dung gì cả.) Rồi Lustig lại ngồi một mình trong phòng dạ tiệc, chăm chú đọc một quyển sách thật to và ấn tượng, sẵn sàng mỉm cười chào mọi người nhưng ra vẻ bận tâm suy nghĩ rất hung. Tất nhiên, vài ngày sau cả khách sạn đều xôn xao để ý đến gã đàn ông lạ lùng ấy.
Sự quan tâm đó giúp Lustig dễ dàng dẫn dụ người cả tin. Họ khao khát được bầu bạn và tâm sự với ông ta. Ai ai cũng muốn người khác thấy mình đi chung với gã quý tộc bí ẩn. Và khi bị bao phủ trong màn sương bí ẩn đó, họ không ngờ mình hoàn toàn bị đánh lừa.
Nét bí ẩn giúp cho người tầm thường có vẻ thông minh và thâm thúy. Nét bí ẩn giúp cho Mata Hari, một phụ nữ với ngoại hình và trí óc tầm thường trở nên giống như nữ thần, và những vũ điệu của cô ta cũng như của nữ thần. Một họa sĩ tỏ ra bí ẩn thì lập tức tác phẩm sẽ thu hút nhiều chú ý hơn, một mẹo mà Marcel Duchamp sử dụng rất hữu hiệu. Thật là dễ làm – đừng nói gì nhiều về tác phẩm, hãy trêu tức và kích động công chúng bằng những lời lẽ lôi cuốn, thậm chí mâu thuẫn, xong rồi bạn nhường sân cho thiên hạ tha hồ diễn giải.
Thiên hạ nghĩ rằng những ai có vẻ bí ẩn luôn chiếm thế thượng phong, bởi vì đã khiến người khác đoán già đoán non. Được sử dụng ở những cấp độ thích hợp, vẻ bí ẩn còn gợi lên nỗi e sợ liên quan đến những gì bất định hoặc chưa được biết rõ. Các lãnh tụ lớn đều ý thức rằng một vầng bí ẩn sẽ tập trung chú ý và làm cho người khác khiếp sợ. Mao Trạch Đông chẳng hạn, luôn luôn khéo trưởng dưỡng một hình ảnh khó lường. Ông ta không ngần ngại nói ra những điều có vẻ như bất nhất hoặc mâu thuẫn – chính sự mâu thuẫn trong lời nói và việc làm đã chững tỏ rằng ông luôn ở thế thượng phong. Không có bất kỳ ai, ngay cả vợ ông cảm thấy hoàn toàn hiểu được ông, vì vậy ông toát ra vẻ vĩ đại hơn đời thường. Điều đó cũng có nghĩa là công chúng luôn chú ý đến ông, luôn quan tâm xem chiêu thức tiếp theo là gì.
Nếu địa vị xã hội không cho phép bạn ẩn mình hoàn toàn thì bạn cũng có thể tìm cách làm cho mình bớt hiển lộ đi. Thỉnh thoảng bạn hãy xử sự không theo cách mà người khác nghĩ về bạn. Như thế bạn làm cho mọi người xung quanh bị động, tạo ra loại chú ý giúp bạn có sức mạnh. Được làm đúng cách, việc tạo tác bí ẩn có thể làm cho đối phương từ quan ngại biến thành hoảng loạn.
Trong thời kỳ chiến tranh giữa hai thành phố La Mã và Carthage (219-202 TCN), tướng quân lừng danh Hannibal của Carthage đã gây ra rất nhiều tang thương trên đường hành quân tiến vào La Mã. Ông ta nổi tiếng khôn ngoan và quỷ quyệt.
Dưới sự chỉ huy khôn ngoan đó, quân đội Carthage mặc dù ít hơn quân La Mã nhưng lại thường xuyên thắng trận. Dù vậy cũng có lần trinh sát của Hannibal sai lầm khủng khiếp, đưa cả đoàn quân vào chỗ đầm lầy và sau lưng là biển cả. Con đường đèo duy nhất dẫn vào đất liền thì đã bị quân La Mã trấn giữ. Tướng La Mã là Fabius rất khoái chí vì cuối cùng Hannibal vĩ đại cũng sa cơ. Lệnh cho những lính gác tốt nhất canh giữ độc đạo, Fabius về trại lên kế hoạch tiêu diệt Hannibal. Nhưng đến giữa khuya bỗng dưng lính canh trông thấy cảnh tượng thật lạ đời: hàng ngàn đốm lửa đang tiến lên triền núi. Nếu đó là binh lính của Hannibal thì quân số của chúng bỗng dưng tăng gấp trăm lần.
Lính La Mã sôi nổi bàn tán: Viện binh vừa tới bằng đường biển? Mai phục sẵn trong vùng? Âm binh? Không cách giải thích nào hoàn toàn có lý cả.
Họ thấy những ngọn lửa lập lòe khắp núi, cùng lúc đó một âm thanh quỷ quái trỗi dậy từ phía dưới, giống như hàng triệu tù và đồng thổi lên. Lính La Mã chắc chắn đó là binh ma rồi. Mặc dù là những binh sĩ dũng cảm và lý trí nhất của quân đội La Mã, họ hốt hoảng rời bỏ chốt canh.
Sang hôm sau Hannibal đã thoát khỏi vũng lầy. Chiêu chước của ông ta là gì? Phải chăng ông đã soái đậu thành binh? Thật ra ông chỉ ra lệnh cho binh sĩ cột bùi nhùi vào sừng bò – súc vật thồ của binh đoàn. Khi được đốt lên, những bùi nhùi này tạo ra cảm tưởng một binh đoàn hùng hậu đang tiến công. Và đến khi bùi nhùi cháy tới da khiến lũ bò hốt hoảng, chúng rống lên thảm thiết giữa rừng núi đêm đen như tiếng hú của binh ma cõi âm. Mấu chốt của kế này không phải là ngọn lửa bập bùng hay âm thanh ma quái mà chính là Hannibal đã thu hút được sự chú ý của quân canh và làm cho họ khiếp vía.
Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, không ai giải thích được hiện tượng lạ lùng kia, chứ nếu giải thích được thì quân canh đã không bỏ phòng tuyến.
Khi nào lỡ bị sập bẫy, dồn vào chân tường, bị đặt vào thế chống đỡ, bạn hãy thí nghiệm thử: Hãy thực hiện điều gì đó khó hiểu, khó giải thích. Bạn chọn một động tác đơn giản thôi, nhưng lại tiến hành theo cách mà đối phương không thể giải đoán nổi, hay nói đúng hơn là có quá nhiều cách giải đoán, trùm lên ý đồ của bạn một màn bí ẩn. Bạn không chỉ làm cho đối phương lúng túng nghĩ mãi không ra. Hãy bắt chước Hannibal, dựng lên một cảnh tượng khó lường. Với sự ngông cuồng đó, hình như sẽ chẳng có phương pháp nhất định nào, chẳng có nghĩa lý hay lô-gích nào cả, sẽ chẳng có cách giải thích duy nhất nào hết. Nếu làm đúng cách, bạn sẽ khơi nguồn cho sự sợ hãi, và quân canh sẽ bỏ trống chốt gác. Hãy đặt tên cho chiến thuật này là „Hamlet giả điên“, bởi vì Hamlet sử dụng nó thật hiệu quả trong vở kịch của Shakespeare, khiến ông bố ghẻ Claudius sợ hết hồn bởi lối ứng xử bí ẩn. Sự bí ẩn sẽ làm cho sức mạnh của bạn có vẻ gấp bội, cho quyền năng của bạn khủng khiếp hơn.
Hình ảnh:
Vũ khúc màng che – những tấm màng mỏng ôm ấp cơ thể của vũ nữ. Những gì thấp thoáng lồ lộ sẽ kích thích khán giả. Những gì được che đậy sẽ làm mọi người quan tâm hơn: tinh hoa của bí ẩn.
Ý kiến chuyên gia:
Nếu không biểu lộ mình thẳng tuột ra ngay, bạn sẽ tạo điều kiện cho mọi người thử đoán… Hãy pha trộn một tí bí ẩn vào mọi chuyện, và chính tí bí ẩn đó sẽ khơi dậy sự kính nể. Khi nào phải giải thích thì cũng đừng rõ ràng quá… Như thế, bạn bắt chước đường lối của đấng Tối cao khi làm cho con người ngạc nhiên và thấp thỏm.
(Baltasar Gracián, 1601-1658)
NGHỊCH ĐẢO
Vào giai đoạn đầu tiến lên đỉnh cao sự nghiệp, bạn phải tìm mọi cách thu hút chú ý, nhưng hễ lên càng cao thì bạn phải luôn điều chỉnh cho thích hợp.
Đừng bao giờ làm công chúng chán phèo vì cái mánh cũ rích. Vẻ bí ẩn cực kỳ hữu hiệu cho những ai có nhu cầu triển khai một vầng hào quang quyền lực và thu hút chú ý, nhưng bạn nhớ phải điều độ và có kiểm soát. Mata Hari đã đi quá xa khi ngụy tạp nhiều thứ. Mặc dù việc buộc tội cô ta làm gián điệp là sai, nhưng vào thời đó, lời cáo buộc ấy lại chấp nhận được bởi vì những lời dối trá đã khiến cô ta khả nghi và bất chính. Bạn hãy khéo léo đừng để vẻ bí ẩn dần dần làm bạn mang tiếng là lừa bịp. Nét bí ẩn ấy phải có vẻ là một trò hí lộng chứ không phải mối đe dọa. Hãy ý thức khi nó bắt đầu đi quá xa để kịp thời kéo nó lại.
Có những lúc bạn nên cưỡng lại nhu cầu thu hút chú ý và không nên tạo ra xì-căng-đan hoặc chơi nổi. Khi thu hút sự chú ý, bạn không được làm tổn thương hay thách thức thanh danh của thượng cấp – nhất thiết là cấm kỵ, dù bằng cách này hay cách khác, nếu thanh danh họ quá vững chãi. Nếu không, thiên hạ sẽ không chỉ thấy bạn là ti tiện, mà còn là liều mạng một cách tuyệt vọng. Biết lúc nào nên thu hút sự chú ý và lúc nào lui vào bóng tối, đó là cả một nghệ thuật.
Lola Montez là một trong những bậc thầy về việc thu hút chú ý. Từ một cư dân Ireland tầm tầm bậc trung, cô ta đã khôn khéo dàn xếp để trở thành người yêu của Franz Liszt, rồi leo lên địa vị tình nhân và cố vấn chính trị của Vua Ludwig vùng Bavaria. Song vào những năm cuối đời, cô ta mất hết mọi ý niệm về thời gian.
Năm 1850 tại London sắp trình diễn vở Macbeth, với sự tham gia của đệ nhất diễn viên Charles John Kean. Tất cả những người có địa vị cao trong xã hội Anh Quốc đều sẽ hiện diện đem hôm ấy, thậm chí có tin đồn rằng Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert cũng sẽ xuất hiện trước công chúng. Theo phong tục thời đó, mọi người phải vào ngồi đông đủ trước khi nữ hoàng đến. Vì vậy công chúng đến hơi sớm một chút, và khi nữ hoàng bước vào cái ô dành riêng ở ban công thì mọi người đứng dậy chào và vỗ tay. Nữ hoàng và hoàng tử nán chờ công chúng trong giây lát rồi cúi chào. Sau đó tất cả đều an tọa và những ngọn đèn mờ dần, buổi diễn sắp bắt đầu. Bỗng dưng mọi cặp mắt đều đổ dồn về khung ô đối diện ô hoàng gia: một phụ nữ trong bóng tối bước ra và ngồi xuống sau nữ hoàng. Đó là Lola Montez. Cô ta đội cái miện gắn kim cương, choàng một áo khoác dài lông thú. Mọi người ngạc nhiên xì xào khi cái áo lông rủ xuống để lộ ra bộ áo bó hở cổ bằng nhung đỏ. Công chúng đều nhận thấy rằng hai thành viên hoàng tộc cố tình tránh nhìn về phía ô của Lola. Công chúng đều noi theo hành động này và phớt lờ Lola trong suốt buổi diễn. Sau đêm hôm đó không ai trong giới thượng lưu dám xuất hiện cùng cô ta. Mọi mãnh lực quyến rũ của cô ta đều tan biến. Ai ai cũng tránh gặp. Tương lai cô ta tại Anh Quốc xem như kết thúc.
Bạn đừng bao giờ quá tham lam trong việc thu hút sự chú ý vì điều đó ít nhiều nói lên sự mất tự tin, và không tự tin thì uy quyền sẽ xa lánh. Có những lúc sẽ bất lợi cho bạn nếu bạn trở thành điểm chú ý. Chẳng hạn như khi đứng trước vua chúa hoặc các vị tương đương, bạn nên âm thầm rút lui vào bóng tối.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.