Tiền Không Mọc Trên Cây

MỞ ĐẦU TẠI SAO CON BẠN PHẢI THÔNG THẠO VỀ TÀI CHÍNH



Đầu những năm 1990, khi bắt đầu viết bản thảo đầu tiên của Tiền không mọc trên cây , tôi đang là giám đốc ngân hàng và là mẹ của hai đứa con chưa đến tuổi lên mười. Tôi đã đọc sách của Tiến sĩ Spock[1] và Tiến sĩ Brazelton[2], và rất nhiều các chuyên gia danh tiếng khác, với mong muốn tìm được những lời khuyên hữu ích nhất cho việc nuôi dạy nên những đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, sáng suốt.

Thậm chí từ trước đó, khoảng giữa những năm 1980, khi còn làm trong ngành ngân hàng, tôi ngày càng nhận thức được rằng chưa từng có ai đề cập tới một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ: vai trò của các kỹ năng về tiền bạc và ý thức tài chính. Tôi bắt đầu quan tâm tới khoảng trống tri thức này. Là giám đốc của của The First Women’s Bank, tôi đã mở The First Children’s Bank tại FAO Schwarz[3]; và sau cùng, vừa là một người mẹ vừa là một công dân có trách nhiệm, nên được làm việc với trẻ em và các gia đình đã trở thành mối quan tâm số một của tôi. Tôi đã rời ngành ngân hàng để lập dịch vụ tư vấn và công ty giáo dục của riêng mình, Mạng Tài chính của Trẻ em, và bắt đầu tạo ra một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Trẻ con đang lớn lên hầu như không biết gì về tiền bạc… trong khi đây lại là một phần kiến thức mọi người đều phải dùng đến trong cuộc sống hằng ngày. Vậy tại sao chưa có ai từng viết về nó nhỉ?

Câu trả lời rất đơn giản. Chưa từng có một chuyên gia nuôi dạy trẻ nào đồng thời là chuyên gia tài chính cả. Và có rất nhiều người lớn – đặc biệt là phụ nữ, những người chăm sóc chính của trẻ em, và những độc giả chính của những cuốn sách nuôi dạy trẻ – lại không hiểu biết nhiều về tiền bạc.

Chúng tôi là một thế hệ không được dạy cho các kỹ năng tài chính. Chúng tôi lớn lên với Donna Reed[4] làm hình mẫu, lấy món thịt nướng ngon lành ra khỏi lò, đeo tạp dề và găng tay trắng muốt dọn thức ăn ra bàn. Mẹ của chúng tôi, phần đông không đi làm ngoài xã hội. Có lẽ họ cũng chưa bao giờ phải cân đối sổ séc cả.

Và rất nhiều người trong số chúng ta có cảm nhận trong vô thức thức hoặc thiếu căn cứ, rằng hiểu biết quá nhiều về tiền bạc là một điều không được đúng đắn cho lắm. Tiền bạc là “nguồn gốc của mọi tội ác”, một công cụ quyền lực, một thứ vũ khí điều khiển kẻ khác. Nếu bạn hiểu biết nhiều về tiền bạc, cũng có nghĩa là bạn có một sự gắn kết không lành mạnh với nó.

Nhưng thế giới đang thay đổi. Nó đang trở nên phức tạp hơn. Nó đang vận động nhanh hơn. Chúng ta không thể để mình thành người thiếu hiểu biết, và tình trạng đó lại càng không nên để xảy ra đối với con cái chúng ta.

Vậy là tôi liền bắt tay vào soạn ra mọi thứ mình biết về trẻ con và tiền bạc, từ những kinh nghiệm của người làm trong ngành tài chính ngân hàng, của người làm mẹ, và từ những buổi thảo luận chuyên môn, làm việc với trẻ và gia đình, và xuất hiện với vai trò chuyên gia tài chính gia đình trên chương trình Oprah cũng như các chương trình truyền hình khác. Kết quả là phiên bản đầu tiên của cuốn sách này đã gây được tiếng vang. Tiền không mọc trên cây leo lên vị trí số một trên bảng xếp hạng bestseller của tờ New York Times , và tạo ra một làn sóng quan tâm tới đề tài này khi mọi người bắt đầu nhận thấy nó quan trọng thế nào.

Đây đã, và vẫn đang là một vấn đề cấp bách. Các trường học và công ty đang bắt đầu nhận ra rằng giáo dục về tiền bạc là quan trọng, và điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay từ nhỏ.

Nhưng chúng ta vẫn thuộc một nền văn hóa hãy còn quá thiếu hiểu biết về tài chính. Nợ quốc gia đang tăng vọt… và nợ cá nhân của chúng ta cũng vậy. Phá sản trở thành mối quan tâm của cả nước Mỹ. Nợ thẻ tín dụng ngập đầu đến cả trẻ ở tuổi thanh thiếu niên.

Vậy mà con cái chúng ta vẫn chưa có đủ hiểu biết về tiền bạc. Theo một khảo sát mới đây của tổ chức Visa USA thì:

• 56% các bậc cha mẹ tin rằng những đứa con tốt nghiệp trung học của họ hoàn toàn chưa được chuẩn bị kiến thức để quản lý tài chính cá nhân một cách có trách nhiệm.

• 78% các bậc cha mẹ cho biết những đứa con ở bậc trung học của họ chưa xây dựng được một ngân sách.

Đáng buồn hơn nữa, chúng ta còn phân vân không rõ phải dạy con trẻ bắt đầu từ đâu. Theo một khảo sát gần đây của ngân hàng FleetBoston trên các bậc phụ huynh:

• Chỉ 27% cảm thấy được hướng dẫn đầy đủ về quản lý tài chính gia đình.

• Chỉ 26% cảm thấy đã đủ kiến thức để dạy con mình về tài chính cá nhân ở mức căn bản.

• Dưới một nửa số người được hỏi cho rằng bản thân họ là tấm gương lý tưởng cho con cả trong việc chi tiêu lẫn tiết kiệm.

Chúng ta không thể trông chờ ai khác làm việc này được. Trong khảo sát của Visa USA, chỉ 30% các bậc phụ huynh cho biết trường trung học của con họ có tổ chức các lớp thực hành quản lý tiền bạc (mà thực ra trước khi có Tiền không mọc trên cây và Mạng Tài chính của Trẻ em đánh thức họ thì con số này là 0%); và trong một khảo sát của công ty Northwestern Mutual, 43% các bậc phụ huynh cho biết họ cho rằng các trường học cần tổ chức giáo dục về tiền bạc nhiều hơn. Họ đã đúng, tất nhiên rồi. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy thêm các chương trình giáo dục tại nhà trường. Nhưng ta cũng cần nhớ rằng mọi sự giáo dục đều bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình.

Trong khi đó, hệ quả của sự thiếu hiểu biết về tài chính vẫn tiếp tục nảy nở tràn lan quanh chúng ta, thậm chí mối hiểm họa đó đang ngày càng to lớn hơn lên. Thế hệ tiếp theo sẽ thừa hưởng 41 ngàn tỉ đô la tài sản tích lũy, và như cựu Chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã cảnh báo, thế hệ kế tiếp “không được trang bị đủ kiến thức để thừa kế nền kinh tế toàn cầu này”.

• 180.000 người trẻ từ 18 đến 24 tuổi tuyên bố phá sản trong vừa năm qua.

• Số người trưởng thành tuyên bố phá sản tại nước Mỹ mỗi năm nhiều hơn số người tốt nghiệp đại học.

• Cứ bốn phụ nữ thì có một người về hưu trong cảnh nghèo khó.

Đứa trẻ còn nhỏ xíu ấy; đứa bé chập chững ham hiểu biết ấy; cô bé hay cậu bé nghiêm túc, lông bông, hấp tấp, cẩn thận, vô tư, đáng yêu ấy là một trong những khoản tài chính lớn nhất mà bạn, với tư cách là người làm cha mẹ, sẽ đầu tư. Theo những nghiên cứu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), số tiền để nuôi lớn một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi rời tổ ấm là 200.000 đô la. Những số liệu mới nhất, bạn có thể truy cập trang web của USDA – usda.gov/wps/portal/usdahome – và tìm với từ khóa “Expenditures on Children by Families” (Chi phí nuôi con của các gia đình), kèm theo năm. Đại học Minnesota cũng cung cấp những nghiên cứu xuất sắc sẽ giúp bạn dự tính được số tiền bạn có thể chi để nuôi con mình (www.extension.umn.edu/distribution/familydevelopment/00178/html).

Trong một thế giới mà an ninh tài chính đang cực kì bất ổn, không phải ta cứ nhắm mắt làm ngơ thì mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy được. Vậy nên, cho dù có những nghi ngại gì về tiền bạc đi chăng nữa – ta không có đủ kiến thức về nó, biết quá nhiều về tiền có vẻ là điều không đúng đắn cho lắm, trẻ con nên giữ sự hồn nhiên đến chừng nào có thể – chúng ta cũng không thể cho phép những cảm xúc đó khiến ta lại truyền sự thiếu hiểu biết về tài chính ấy cho thế hệ con trẻ kế tiếp.

Câu trả lời nằm ở giáo dục. Con cái chúng ta sẽ trưởng thành sớm hơn ta nghĩ và bước vào một thế giới mà chúng sẽ phải mua xe, vay thế chấp, quản lý thẻ tín dụng, chi trả khoản vay sinh viên, quản lý đầu tư chứng khoán, chăm sóc cha mẹ già, và chuẩn bị cho chính chúng khi về hưu.

Con chúng ta sẽ chưa phải làm tất cả những việc đó lúc còn ở nhà trẻ, nhưng không có cái tuổi nào là quá nhỏ để bắt đầu học hỏi về tiền và giá trị của đồng tiền cả. Trẻ con có ý thức về tiền ngay từ khi chúng bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể bắt đầu dạy trẻ các quy tắc quản lý tiền bạc từ lứa tuổi nhỏ đến mức bạn không ngờ. Bạn đã bao giờ giật một đồng 25 xu khỏi tay đứa trẻ và cao giọng, “Đừng có cho nó vào miệng!

Con có biết nó ở đâu ra không đấy?” chưa? Hành động đó đồng nghĩa với việc bạn đã khởi động cho trẻ một cách thức nhận biết về tiền bạc rồi: Đồng 25 xu ở đâu ra? Người ta phải làm gì để có nó? Nói về giá trị của đồng tiền khi đem ra dùng để chi tiêu thì nó đáng giá bao nhiêu? Cần có bao nhiêu đồng 25 xu để tạo thành 1 đô la?

Quá trình dạy về quản lý tiền bạc không cần phải dài dòng. Thực tế thì bạn không nên như thế, nếu bạn muốn giữ con mình tập trung chú ý lâu hơn 30 giây. Tôi bắt đầu viết Tiền không mọc trên cây với ý tưởng làm cho kiến thức trở nên vui nhộn với trẻ con và dễ dàng với cha mẹ. Tôi đặt tên sách là Tiền không mọc trên cây bởi lẽ chúng ta đều từng nhắc hay nghe người khác nhắc đến câu này. Tiền bạc là một thước đo giá trị – giá trị sức lao động, giá trị thời gian, giá trị mọi thứ. Và hiểu về giá trị là một bước đầu quan trọng để hiểu về các giá trị.

Mười năm sau, trong một thế giới đã đổi khác nhưng chưa đầy đủ, nơi trẻ lớn lên cần thông hiểu tài chính hơn khi nào hết, tôi có trong tay một ấn bản mới, đã cập nhật của cuốn sách này. Nó được viết ra nhằm giúp các bậc cha mẹ cắt nghĩa những điều căn bản của quản lý tiền bạc cho trẻ, bắt đầu từ 3 tuổi và qua suốt thời tuổi teen của chúng. Nó đi từ việc bao nhiêu xu thì tạo thành một hào, từ cách đổi tiền lẻ, cách mở tài khoản chi phiếu, cho tới những khái niệm tài chính phức tạp như “ghi nợ” hay “thế chấp” đến cả những thế giới hoàn toàn mới như dùng thẻ tín dụng, mua cổ phiếu, hay giao dịch ngân hàng trên mạng. Cuốn sách hướng dẫn bạn về tiền tiêu vặt, cách lập ngân sách, việc làm được trả lương, và cả cách làm từ thiện. Trên hết, Tiền không mọc trên cây cho phép các bậc cha mẹ tặng con cái mình một món quà vô giá: khả năng tự lực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.