Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 5 ÐỂ TRẺ LÀM QUEN VỚI THẾ GIỚI NGÂN HÀNG NHƯ THẾ NÀO?



Là một người thầy giỏi và có khả năng truyền cảm hứng trong lĩnh vực quản lý tài chính, bạn sẽ sớm nhận ra rằng con bạn, một học sinh thông minh và cũng rất tích cực hợp tác, giờ đây đã tích cóp được một khoản tiền đáng kể nhờ khả năng quản lý rất thành thục số tiền tiêu vặt và tiền lương của trẻ.

Ngay cả khi con bạn chưa thể tiết kiệm được một gia tài nho nhỏ, thì giờ đây cũng đã đến lúc để cho trẻ làm quen với hệ thống của ngành ngân hàng.

Việc đảm bảo an toàn cho khoản tiền tầm cỡ này bằng cách chuyển nó vào ngân hàng chỉ là một trong rất nhiều lí do để bắt đầu làm việc với một tổ chức tài chính. Trong suốt cuộc đời của trẻ, nó sẽ phải sử dụng đến rất nhiều dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh tài khoản tiết kiệm thông thường, trẻ rồi sẽ cần đến tài khoản ký gửi, thẻ trả trước, thẻ tín dụng, và một ngày nào đó có thể là vay tiền học đại học, vay tiền mua xe, hay vay thế chấp. Trẻ năm hoặc sáu tuổi không phải là quá nhỏ để làm quen với ngân hàng.

Ngân hàng đối với việc quản lý tiền bạc cũng giống như là cửa hàng tạp hóa đối với việc quản lý thực phẩm hay nấu ăn. Có thể bạn thích tự trồng rau quả cho mình, nhưng sau rốt bạn vẫn phải đến siêu thị mua cà phê hay bít-tết!

THIẾT LẬP QUAN HỆ VỚI MỘT NGÂN HÀNG

Trước khi tôi bắt đầu nói về con bạn và ngân hàng, hãy tập trung một chút vào quan hệ của chính bạn với ngân hàng mà bạn đang giao dịch. Hẳn là bạn đang sử dụng đến một dịch vụ ngân hàng chứ?

Với rất nhiều bậc phụ huynh, ngân hàng như những thứ rất xa vời, khó nắm bắt. Không thiếu trường hợp người lớn thông minh và can đảm ở các lĩnh vực khác lại bị mắc kẹt với sự chặt chẽ, nghiêm khắc của một ngân hàng. Có vẻ như đối với nhiều người, nhân viên ngân hàng nói một thứ ngôn ngữ khác, người ta đặt nhân viên bên trong những cái “lồng”, không có mấy tiếng cười hay chuyện gẫu, và trên hết, có một bảo vệ mặc đồng phục mang vũ khí đứng gác ở cửa. Nhìn bên ngoài, đó không phải là một môi trường thân thiện.

Hẳn nhiên ngân hàng hay tiền tiết kiệm và vay nợ không phải là chỗ cho tiệc tùng. Nhưng trong một vài năm gần đây, các ngân hàng đã nhận ra vấn đề rằng hình tượng của họ là những cơ quan khó gần, thậm chí đáng sợ; do vậy họ đã có những cải tiến đáng kể để trở nên “thân thiện với người dùng” hơn. Chẳng hạn như khi tôi còn là giám đốc của The First Women’s Bank ở New York, tôi đã làm “mềm” đi màu sắc của sảnh ngân hàng và treo những tác phẩm gốc của các họa sĩ địa phương. Quầy cho vay tiền được bố trí dễ nhìn thấy và dễ tiếp cận hơn, chứ không phải nằm đằng sau những tấm vách hay những bức tường. Đây chỉ là những thay đổi nhỏ, nhưng chúng nhấn mạnh thông điệp rằng chúng tôi vui mừng đón khách hàng tới đây.

Với tôi, điều kiện lý tưởng là có được một mối quan hệ kiểu Marcus Welby, M.D[15] với ngân hàng của bạn sao cho luôn tích cực cả khi “đau ốm” cũng như khi “khỏe mạnh” về tài chính. Anh hay Chị Nhân viên Ngân hàng đó luôn sẵn sàng giúp tôi những việc lớn, như làm thế chấp hay vay nợ, và cả những việc nhỏ lẻ, như khi tôi điền sai số tiền trong một hóa đơn nào đó. Marcus Welby của tôi nhớ rõ tên và mặt tôi, và thường thường anh có thể giải đáp các thắc mắc hay hỗ trợ nghiệp vụ cho tôi qua điện thoại.

Nếu bạn không có được dạng ngân hàng này, theo tôi bạn nên tìm và phát triển một mối quan hệ chuyên nghiệp theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Việc này tốn nhiều thời gian và công sức, và cũng tương tự như trường hợp một bác sĩ gia đình, đây phải là một người bạn tin tưởng và có thể thoải mái trao đổi những vấn đề riêng tư về tài chính của bạn.

Khi đã có Marcus Welby của riêng bạn, anh ta sẽ trở thành một nguồn trợ giúp rất tốt cho công việc về ngân hàng của con bạn. Ví dụ, cô bạn Helen của tôi có một nhân viên ngân hàng như thế, một cô tên là Sears. Từ lúc mới ngồi xe nôi, cô bé Lizzie đã được cùng đi với mẹ Helen đến ngân hàng. Khi Lizzie học nói, Sears đã giải thích sơ với bé việc cô đang làm. Khi lên bốn, Lizzie đã có thể điền một hóa đơn tiền gửi với một chút giúp đỡ từ cô Sears!

Trong khi làm việc, cô Sears và Helen thường xuyên giải thích cho Lizzie bằng những từ ngữ đơn giản việc họ đang làm với đồng tiền (Helen thừa nhận việc đó có vẻ như làm đứa trẻ vui hơn là nghiêm túc dạy nó vấn đề gì đó). Đứa trẻ, cho dù có già dặn trước tuổi thì chắc hẳn cũng không hiểu được công việc ngay từ lần đầu tiên, nhưng cuối cùng nó cũng hiểu, và sẽ đủ hiểu để tự làm được việc đó.

Bài học rút ra từ câu chuyện này là (một lần nữa) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải thích với trẻ việc bạn đang làm với tiền và tại sao bạn phải làm thế. Nhiều khi việc này có thể dài dòng và mệt mỏi, nhưng mọi thông tin rồi sẽ thấm vào trẻ, và – nếu việc này thành công – sẽ giúp trẻ tránh khỏi những rắc rối mà con thường mắc phải.

CẮT NGHĨA VỀ NGÀNH NGÂN HÀNG VỚI CON BẠN NHƯ THẾ NÀO

Hy vọng rằng con bạn giờ đã có được một vài ý niệm về ngân hàng là gì, dù đó chỉ là khi trẻ cùng bạn đi ngang qua một phòng giao dịch của một ngân hàng nào đó. Dẫu con bạn chưa có được các ý niệm đó thì cũng không phải là quá sớm để cho trẻ làm quen với ngân hàng và ngành ngân hàng.

Đầu tiên, tôi sẽ mách bạn cách cắt nghĩa với con ngân hàng là gì và nó vận hành thế nào. Tôi sẽ đề cập đến một vài thuật ngữ ngân hàng cơ bản và cung cấp cho bạn những định nghĩa đơn giản giúp giải thích những thuật ngữ ấy với trẻ. Sau đó tôi sẽ điểm lại những việc phải làm trong chuyến đi chính thức đầu tiên của bạn với con, và sau cùng, tôi sẽ gợi ý thêm về những chuyến đi đến ngân hàng tiếp theo của trẻ.

Hãy bắt đầu với khái niệm ngân hàng là gì, và tại sao chúng ta phải dùng đến chúng.

VÌ SAO NGÂN HÀNG TỐT HƠN MỘT TẤM NỆM

Một trăm năm trước, ngân hàng rất khác với bây giờ. Trước hết, tiền gửi không được bảo đảm, nên nếu nhà băng bị cướp hay bị cháy, mọi người sẽ mất hết tiền gửi và họ gần như chẳng thể làm gì để cứu vãn sự cố.

Thời đó ở Mỹ có rất ít nhà băng, đặc biệt ở miền tây Mississippi, vậy nên mọi người phải làm mọi cách có thể để bảo vệ tiền của mình. Một số người giấu tiền dưới nệm (một vị trí rất thông dụng vì ta sẽ biết được tiền ở đâu cả khi ngủ); một số khác chôn tiền ở sân sau. Thậm chí một người phụ nữ ở Colorado tên là Molly Brown còn giấu cả tài sản trong cái lò hình củ hành của bà! (Ý tưởng cất tiền trong cái bếp lò sau đó thành ra tai hại khi chồng của Molly, không biết tiền ở đó, đã thắp lửa vào một đêm lạnh nọ và đốt cháy toàn bộ gia tài.)

Rất may cho chúng ta, giờ đây đã có nhiều ngân hàng hơn trước và an toàn hơn rất, rất nhiều những cái bếp lò hay những tấm nệm. Thực tế tại Mỹ, một cơ quan nhà nước hùn vốn bởi chính quyền liên bang gọi là Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm cho hầu hết ngân hàng và khách hàng của họ lên tới 100.000 đô la cho một người, nên ta vẫn có thể lấy lại tiền nếu bị mất. Người gửi tiền có thể kiểm tra trên cửa hay quầy giao dịch, tìm dấu ấn của FDIC để biết chắc ngân hàng đó có được bảo hiểm hay không[16].

Một chút thông tin trên hẳn có thể làm cho nhóc nhà bạn cảm thấy tin tưởng ngân hàng hơn, nhưng lí do chính yếu để con bạn gửi tiền vào ngân hàng là cho trẻ đặt bước chân đầu tiên vào lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng là nơi bạn chăm lo và bảo toàn tiền của mình. Cũng như bạn đưa xe tới gara để chăm sóc và bảo dưỡng nó, và cũng như đưa vật nuôi đến bác sĩ thú y, ngân hàng là nơi bạn gửi tiền vào đó để trông nom, vun xới cho số tiền đó sinh sôi nảy nở, và quản lý nó để sau này bạn có thể làm những gì mình muốn với tiền của mình.

Với con bạn, hoạt động ngân hàng là một hoạt động thực tế mà chúng sẽ phải tham gia trong quãng đời sau này. Càng biết nhiều về ngân hàng và cách thức hoạt động của chúng, con bạn sẽ càng tận dụng tốt hơn những dịch vụ và khả năng của ngân hàng.

Dưới đây là định nghĩa về ngân hàng cho trẻ:

NGÂN HÀNG: Một nơi an toàn để cất tiền.

Với những trẻ lớn hơn (mười tuổi trở lên), bạn có thể giải thích thêm rằng ngân hàng là một doanh nghiệp, cụ thể là một doanh nghiệp dịch vụ (trái với doanh nghiệp sản xuất) với quy mô tương tự bưu điện hay nhà hàng.

Ngân hàng thực hiện một số dịch vụ cho khách hàng và, cũng như bất kì công việc tạo lợi nhuận nào, họ phải làm ra tiền. Hầu hết ngân hàng kiếm tiền bằng cách dùng tiền gửi của khách hàng để cho những người khác vay. Khi những người này trả lại tiền họ đã vay đồng thời phải trả cho ngân hàng một khoản nhiều hơn khoản vay, và đó gọi làlãi . Phần lãi ngân hàng thu về cho mình chính là lợi nhuận.

Bạn và trẻ sẽ thoải mái hơn khi biết rằng có những nguyên tắc để đảm bảo ngân hàng không cho vay quá nhiều tiền. Khi một khách hàng muốn rút tiền, ngân hàng phải có sẵn tiền để trả cho họ.

NGUYÊN TẮC CỦA NGÂN HÀNG

1. Các ngân hàng phải đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng.

2. Các ngân hàng phải giữ một phần tiền gửi trong Ngân hàng Dự trữ Liên bang (hoặc Ngân hàng Nhà nước – ND).

3. Các ngân hàng phải thông báo cho khách hàng lãi suất của một khoản vay nợ, và tổng tiền lãi họ phải trả cho một khoản vay.

4. Mọi hợp đồng khách hàng ký vào đều phải được viết bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu để khách hàng có thể hiểu chính xác họ đang ký cái gì.

5. Các ngân hàng không được phân biệt đối xử với bất kì ai bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chủng tộc, hay sắc tộc.

6. Các ngân hàng không nên cho vay nếu như không chắc chắn sẽ thu được tiền nợ.

CÁC LOẠI HÌNH NGÂN HÀNG

1. Ngân hàng thương mại. Đây là loại ngân hàng làm việc với cá nhân và doanh nghiệp. Họ cung cấp những dịch vụ như ký gửi, tài khoản tiết kiệm và vay nợ. Ngân hàng thương mại thuộc sở hữu của các cổ đông và lợi nhuận thuộc về họ, nếu ngân hàng trả cổ tức.

2. Ngân hàng tiết kiệm, hội tiết kiệm và vay nợ, và hiệp hội tín dụng . Các tổ chức này đều rất giống nhau. Họ hầu hết cho vay thế chấp để người ta có thể mua nhà. Hầu hết hội tiết kiệm và vay nợ, hiệp hội tín dụng và ngân hàng tiết kiệm từng thuộc sở hữu của người ký gửi và lợi nhuận được họ chia với nhau. Tuy nhiên ngành ngân hàng đang thay đổi, và ngân hàng thương mại, hội tiết kiệm vay nợ và hiệp hội tín dụng đang trở nên giống nhau hơn.

3. Ngân hàng đầu tư. Đây không hẳn là những Ngân hàng. Đó là các doanh nghiệp tư vấn đầu tư. Họ đồng thời mua và bán cổ phần và trái phiếu từ các công ty và cơ quan nhà nước rồi bán một lượng nhỏ số này cho nhà đầu tư và các cá nhân để lấy lãi. Ngân hàng đầu tư có thể không nhận tiền gửi hay cho vay.

4. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn được gọi là Hệ thống Dự trữ Liên bang (các ngân hàng tương đương ở các nước là ngân hàng nhà nước – ND). Hệ thống Dự trữ Liên bang bao gồm 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang địa phương.

THUẬT NGỮ NHẬP MÔN CHO NGƯỜI LẦN ĐẦU ĐẾN NGÂN HÀNG

Trong chuyến đi chính thức đầu tiên đến ngân hàng cùng với nhóc nhà bạn, bạn có hai mục tiêu phải đạt được: một là, giới thiệu ngân hàng với con và giúp con làm quen với môi trường ở đó; và hai là, mở tài khoản ngân hàng đầu tiên của trẻ: một tài khoản tiết kiệm.

Làm thế nào để biết con bạn đã đủ lớn để mở một tài khoản tiết kiệm? Nhiều bậc cha mẹ, hay ông bà, mở tài khoản tiết kiệm cho trẻ khi bé vừa chào đời. Họ dùng tài khoản đó khi chuyển tiền làm quà cho đứa trẻ, và để gây dựng một quỹ làm vốn cho trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, hãy trao đổi với ngân hàng của bạn. Mọi cơ sở

tín dụng đều có thể mở tài khoản cho một đứa trẻ đứng tên cha mẹ của bé, và một vài ngân hàng còn cho phép mở tài khoản tiết kiệm đứng tên chính đứa trẻ nếu nó đã đủ tuổi biết đọc biết viết.

TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM KÊ KHAI: Một loại tài khoản ngân hàng mà ngân hàng hay cơ sở tiết kiệm giữ tiền của bạn để bạn có thể dùng sau này. Chừng nào tiền còn ở trong tài khoản, ngân hàng sẽ trả lãi cho bạn (song lãi không cao bằng Chứng chỉ tiền gửi).

Gọi là tài khoản tiết kiệm kê khai vì bạn sẽ nhận được những bản kê khai hằng tháng hay hàng quý qua đường bưu điện hay qua email, tổng kết các hoạt động trên tài khoản của bạn. Hình thức này khác với một tài khoản sổ tiết kiệm trong đó số dư hiện thời được ghi trong một cuốn sổ do khách hàng giữ. Tài khoản tiết kiệm kê khai là loại hình tài khoản tiết kiệm phổ biến nhất. Ngoài ra còn có rất nhiều loại hình tài khoản tiết kiệm khác nhau, và mỗi loại có một mức lãi suất khác nhau.

TÀI KHOẢN SỔ TIẾT KIỆM: Mỗi khi gửi hay rút tiền bạn sẽ phải trình sổ tiết kiệm cho ngân hàng để nhập chi tiết giao dịch vào đó.

CHỨNG CHỈ TIỀN GỬI (CD): Đây là khoản tiền gửi trong một thời gian được định trước. Bởi lẽ ngân hàng biết được sẽ giữ tiền của bạn trong bao lâu, họ có thể cho vay khoản tiền đó mà không phải lo khi nào bạn sẽ cần lại. Vì thế ngân hàng sẽ trả cho bạn với mức lãi suất cao hơn một chút. Nếu bạn rút tiền trước hạn, bạn sẽ phải trả một khoản tiền phạt.

TÀI KHOẢN THỊ TRƯỜNG: Tương tự như tài khoản chi phiếu, nhưng đây là loại tài khoản có lãi. Thông thường bạn chỉ được phép ghi một số hóa đơn nhất định mỗi tháng, nên ngân hàng sẽ trả cho bạn với mức lãi suất thấp hơn một chút so với một tài khoản kê khai.

TÀI KHOẢN HƯU TRÍ CÁ NHÂN (IRA): Đây là một loại tài khoản tiết kiệm dành khi về hưu. Chính phủ cho phép bạn hoãn đóng thuế với phần lương bạn gửi vào tài khoản IRA. Nếu bạn rút tiền sớm, bạn sẽ phải trả tiền phạt và cả thuế. IRA cũng có thể đóng vai trò của những công cụ tiền tệ khác, quỹ tương hỗ chẳng hạn.

TÀI KHOẢN KEOGH: Tương tự như IRA, nhưng dành cho những người làm việc tại nhà[17].

Nếu như nhóc nhà bạn quan tâm, chúng ta sẽ tập trung vào tài khoản kê khai và/hay tài khoản sổ tiết kiệm trong chuyến đi đầu tiên của nó tới ngân hàng. Dành một phút trước chuyến đi để thảo luận về những thuật ngữ sau với con bạn. Con có thể không hiểu hết ngay, nhưng hãy cứ bắt đầu để trẻ làm quen với chúng.

LÃI: Tiền được ngân hàng trả cho khách hàng để được giữ tiền của họ. Đồng thời, ngân hàng thu lãi khi cho khách hàng vay tiền.

GỬI TIỀN: Là hành động đưa tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, TIỀN GỬI là tổng số tiền được đưa vào ngân hàng.

RÚT TIỀN: Hành động lấy tiền của mình ra khỏi ngân hàng.

ATM: Máy thanh toán tự động. Là một cỗ máy thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng như một nhân viên thu ngân.

PHÍ: Khoản tiền được ngân hàng thu cho một dịch vụ, như thuê một ngăn tủ ký thác an toàn, mua séc du lịch, hay quản lý một tài khoản.

CHUẨN BỊ CHO CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN TỚI NGÂN HÀNG

Tới đây, hẳn bạn đã làm quen được với một nhân viên nào đó tại ngân hàng mà bạn đang giao dịch, bạn cũng có thể đã cắt nghĩa cho trẻ về ngân hàng và cơ chế hoạt động của chúng, cũng như giới thiệu với trẻ những khái niệm căn bản được dùng tại ngân hàng.

Bước tiếp đến là nói chuyện với nhân viên ngân hàng của bạn và sắp xếp một cuộc hẹn đến thăm ngân hàng cho bạn và nhóc nhà mình. Hãy lưu ý một chút bởi các ngân hàng mở cửa vào giờ con bạn đang ở trường. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng đều đóng cửa muộn hơn vài giờ vào ít nhất một buổi chiều, hay mở cửa vào sáng thứ Bảy, nên hãy kiểm tra xem ngân hàng của bạn có những giờ nào phù hợp với thời gian rảnh của trẻ.

Hãy giải thích với nhân viên ngân hàng rằng bạn đang cùng làm việc với con mình trong những phần khác nhau của quản lý tài chính, và đã đến lúc mở cho trẻ một tài khoản tiết kiệm. Đây là công việc chính trong chuyến đi đầu tiên với con bạn, nhưng không phải là mục tiêu duy nhất. Bạn còn cần cho trẻ thấy ngân hàng, và chứng kiến tận mắt cách vận hành của nó.

Hãy hỏi nhân viên ngân hàng xem liệu có thể cho nhóc nhà bạn vào xem hầm chứa và khu vực tủ ký thác an toàn hay không. Ngân hàng không cho phép người ngoài xem cửa sổ thu ngân từ phía người thu ngân, vậy bạn chỉ nên đề nghị giải thích ngắn gọn. Một chuyến thăm nhanh chỉ tốn vài phút, và nó sẽ để lại một ấn tượng mà trẻ không bao giờ quên.

* Lưu ý quan trọng

Đừng quên mang giấy tờ tùy thân thích hợp của cả bạn và trẻ. Bạn sẽ cần chúng để mở bất kì loại tài khoản ngân hàng nào.

Giấy tờ thích hợp có thể là chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hay bản gốc giấy khai sinh.

THAM QUAN TỔNG THỂ

Nếu như chẳng ai ở ngân hàng có thể tháp tùng bạn và nhóc đi tham quan, chính bạn sẽ phải làm hướng dẫn viên cho chuyến đi một vòng quanh ngân hàng. Dưới đây là một vài lời khuyên giúp chuyến tham quan của con bạn có ý nghĩa hơn:

1. Bắt đầu từ ngoài

Hầu hết ngân hàng đều có cửa đôi dẫn vào trong. Đó là vì thông thường có rất nhiều người ra vào, và cửa đôi sẽ giúp lọc những người không có việc liên quan tới giao dịch ngân hàng. Quan trọng hơn, đây là một yếu tố an ninh – cửa đôi đòi hỏi nhiều thời gian hơn để đi qua, từ đó làm chậm lại bất kì ai muốn thoát ra quá nhanh.

Có một hòm ký gửi ban đêm trên tường bên ngoài ngân hàng. Nó trông giống như một hòm thư mở và được dùng để tiếp nhận tiền gửi sau giờ ngân hàng đóng cửa. Hòm ký gửi ban đêm chỉ dành cho các khách hàng kinh doanh lẻ như các cửa tiệm hay nhà hàng nhận một lượng tiền mặt lớn hằng ngày và cần phải gửi vào để giữ an toàn sau giờ làm việc của ngân hàng. (Các cửa hàng bán lẻ lớn và những người nắm nhiều tiền khác thường dùng một hệ thống chuyển tiền độc lập, như Brink’s, để chuyển tiền ra và vào ngân hàng.) Là khách hàng cá nhân, bạn và nhóc nhà bạn sẽ không phải dùng đến hòm ký gửi ban đêm.[18]

Hai thứ khác bạn nên giới thiệu với trẻ (nếu có) là khoang cửa thu ngân tại chỗ[19] (khách hàng thực hiện giao dịch ngay từ trên xe qua một cửa sổ ngân hàng) và máy ATM. Tôi sẽ giải thích rõ hơn về ATM ở phần sau này.

2. Giới thiệu trẻ với người bảo vệ

Trừ khi nhân viên bảo vệ đang bận việc gì khác, bạn có thể đưa nhóc tới chỗ anh hay cô ta và tự giới thiệu. Hãy giải thích rằng đây là chuyến đi đầu tiên của nhóc đến ngân hàng, và rằng bạn sẽ còn đưa trẻ đến thường xuyên. Người đó có thể sẽ muốn giải thích về vai trò của việc đảm bảo an ninh tại ngân hàng. Nếu không, cũng đừng nên ép họ. Có thể ngân hàng quy định không được thảo luận những chủ đề như thế.

Chủ đề cướp nhà băng có thể sẽ xuất hiện. Hãy xử lý nhẹ nhàng nếu điều đó xảy ra. Các ngân hàng không thích nói oang oang hay đùa giỡn về chuyện cướp nhà băng, tương tự như các hãng hàng không cũng không thích thảo luận về đánh bom hay cướp máy bay. Tốt nhất là hãy thảo luận từ trước khi bạn đến ngân hàng, và cố gắng nhấn mạnh sự tế nhị đó với con bạn.

3. Giới thiệu các khu vực khác nhau của ngân hàng

Đưa trẻ tới quầy thu ngân, quầy vay nợ, khu tủ ký thác an toàn, văn phòng ngân hàng, khu dành cho khách hàng.

4. Vào việc

Hãy nói chuyện với “Marcus Welby” của bạn hay nhân viên ngân hàng về việc mở một tài khoản mới. Nếu nhóc nhà bạn đã đủ lớn, hãy để con tự giải thích việc trẻ muốn làm (mở một tài khoản tiết kiệm). Để trẻ hỏi, và trả lời, tất cả mọi điều trẻ muốn. Con bạn sẽ nhớ và thu được nhiều kiến thức nếu tham gia vào công việc này hơn là chỉ quan sát.

5. Chỉ ra các mức lãi suất được trả cho Chứng chỉ Tiền gửi và các loại tài khoản khác

Trước khi rời ngân hàng, hãy cho trẻ xem các áp phích và giấy tờ ghi các mức lãi suất khác nhau và các sản phẩm tài chính của ngân hàng.

BÀI TẬP NGÂN HÀNG

Dưới đây là một danh sách các câu hỏi có thể trẻ sẽ đặt ra cho ngân hàng về tài khoản tiết kiệm:

1. Tôi sẽ cần bao nhiêu tiền để mở một tài khoản tiết kiệm?

Trả lời: ………………..

2. Phí tài khoản hằng tháng của ngân hàng là bao nhiêu?

Trả lời: ………………..

3. Tôi phải trả phí như thế nào?

Trả lời: ………………..

4. Số tiền tối thiểu tôi cần có mỗi lần gửi vào là bao nhiêu?

Trả lời: ………………..

5. Tôi có thể rút tiền bất kì lúc nào không?

Trả lời: ………………..

6. Làm sao để tôi biết số tiền tôi có trong tài khoản?

Trả lời: ………………..

7. Ngân hàng trả lãi cho tôi thế nào, và khi nào tôi nhận được tiền lãi?

Trả lời: ………………..

8. Điều gì xảy ra nếu tôi làm mất sổ tiết kiệm?

Trả lời: ………………..

Trả lời

1. Mỗi ngân hàng quy định một mức tiền mở tài khoản tối thiểu khác nhau. Liên hệ với ngân hàng của bạn để biết số dư phải là bao nhiêu để không bị tính phí dịch vụ. (Bạn không thể để 50.000 đồng tiết kiệm của nhóc năm tuổi nhà bạn bị ăn dần mòn đi trong 6 tháng vì ngân hàng tính phí 7.000 đồng/tháng với tài khoản dưới 100.000 đồng.) Nhiều ngân hàng cho phép bạn kết hợp tài khoản, của bạn và của trẻ, để tài khoản nhỏ hơn không phải chịu phí hằng tháng. Nếu không, bạn nên đặt đủ tiền vào tài khoản của con để nâng số dư lên trên mức chịu phí.

2. Phí của mỗi ngân hàng là khác nhau, hãy hỏi ngân hàng bạn đang giao dịch.

3. Hầu hết ngân hàng tự động trừ phí mỗi tháng.

4. Tùy vào quy định của từng ngân hàng.

5. Bất kì lúc nào trong giờ làm việc của ngân hàng. Bạn cũng thể rút tiền từ máy ATM hay chuyển khoản trực tuyến bất kì lúc nào.

6. Sổ tiết kiệm sẽ ghi số dư hiện thời, hay số dư tổng, trong tài khoản của bạn, kèm theo một danh sách thời điểm bạn gửi hay rút tiền. Với tài khoản tiết kiệm kê khai, trẻ sẽ nhận được một bản kê hàng tháng hay hàng quý theo đường bưu điện hay email, thống kê tất cả giao dịch trên tài khoản. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi điện hoặc đến trực tiếp ngân hàng hay tra trên mạng về tài khoản của mình.

7. Phần lớn ngân hàng trả lãi hàng quý, hoặc lãi theo tháng và bạn sẽ nhận được tiền ngay khi đó.

8. Khi bạn trình đúng giấy tờ tùy thân, ngân hàng sẽ thay sổ tiết kiệm cho bạn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỞ TÀI KHOẢN CHI PHIẾU

Tài khoản chi phiếu, hay còn gọi là tài khoản séc, là loại tài khoản phổ biến thứ hai tại ngân hàng. Tài khoản loại này khó mở và khó hiểu hơn tài khoản tiết kiệm, và đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn nhiều.

Hầu hết trẻ con không cần đến tài khoản chi phiếu cho tới khi đến tuổi teen và khi chúng phải thanh toán các hóa đơn hay các khoản mua sắm lớn, song vẫn có những ngoại lệ. Khi tôi lập The First Children’s Bank (nằm trong khu cửa hàng đồ chơi F.A.O Schwarz) hồi năm 1988, tôi đã nhận mở tài khoản chi phiếu cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên (Theo luật pháp bang New York, trẻ em phải đủ tuổi biết ký tên để mở tài khoản một cách hợp pháp).

Tài khoản chi phiếu ở The First Children’s Bank yêu cầu chữ ký của cả phụ huynh và con cái trên séc, như thế người lớn có thể giám sát tài khoản khi đứa trẻ học cách vận hành nó. Thật đáng kinh ngạc, nó trở nên rất được ưa chuộng với những đứa trẻ có việc làm và đã được nhận những chi phiếu trả lương (paycheck) thực sự. Rất nhiều khách hàng của The First Children’s Bank ở New York là những diễn viên, người mẫu, hay các nghệ sĩ nhí ở một loại hình biểu diễn nào đó. Hằng tuần, rất nhiều em bước vào với tấm chi phiếu trả lương (có chi phiếu trị giá hàng ngàn đô la) và ký gửi số tiền đó. Một phần lớn của số tiền đó đi vào những tài khoản tiết kiệm hay vào Chứng chỉ tiền gửi đại học – một loại Chứng chỉ tiền gửi đặc biệt chúng tôi mở ra để tiết kiệm tiền cho việc học đại học – song tài khoản chi phiếu vẫn phổ biến hơn cả.

Mặc dù nhóc “tiền-teen” nhà bạn còn chưa cần thiết phải mở một tài khoản chi phiếu ngay, song việc dạy cho trẻ về tài khoản chi phiếu và cơ chế của loại hình này vẫn là điều nên làm bởi lẽ đó là một giao dịch quan trọng trong ngân hàng.

Hãy bắt đầu với định nghĩa cho trẻ về séc:

SÉC: Một phiếu yêu cầu của chủ tài khoản gửi tới ngân hàng để trả một khoản tiền cho một người hay đơn vị nào đó trích từ tiền ký gửi của họ vào ngân hàng đó.

Một tài khoản chi phiếu cho phép bạn giữ tiền trong một nơi an toàn mà vẫn có thể chi tiêu bất cứ khi nào bạn cần. Thay vì phải mang tiền mặt đi để trả cho mọi hàng hóa bạn mua, bạn chỉ cần ký một tấm séc.

Khi mở tài khoản chi phiếu, bạn sẽ nhận được séc từ ngân hàng có in tên, địa chỉ và số điện thoại (tùy chọn) của bạn. Vậy là bạn đã sẵn sàng để ký séc.

Một tấm séc cho ngân hàng biết bạn muốn chi trả bao nhiêu từ tài khoản ngân hàng của mình cho một ai đó. Hãy cho nhóc nhà bạn xem một tấm séc trông ra làm sao (dùng hình minh họa hay séc của bạn). Chỉ ra từng chỗ trống và cho trẻ biết những thông tin gì người chủ séc (bạn) cần phải điền vào để tấm séc có hiệu lực.

Dưới đây là hướng dẫn từng bước về cách ký một tấm séc:

CÁCH KÝ SÉC

1. Luôn luôn dùng bút mực để ký séc. Việc chỉ dùng mực khi ký là rất quan trọng vì như thế thông tin sẽ không thể bị tẩy xóa hay sửa đổi. Nếu bạn viết nhầm đâu đó, đừng viết đè lên. Thay vào đó, hãy viết thật to chữ “HỦY” lên tấm séc.

Như thế tức là tấm séc đã vô hiệu lực và không thể được bất kì ai sử dụng lại. Xé nó đi và bắt đầu lại với một tấm séc mới. Đừng quên ghi lại thao tác hủy này vào bản lưu sổ séc của bạn.

2. Điền ngày tháng. Điền ngày, tháng, năm bạn ký séc.

3. Đề tên người hay đơn vị nhận tiền. Mọi tấm séc đều có ghi: “Trả cho”. Bạn cần phải đề đúng tên người hay đơn vị bạn muốn trả tiền. Bạn cần phải dùng tên đầy đủ của người hay đơn vị đó; “Bà ngoại” hay “Billy” không được chấp nhận!

4. Ghi số tiền trị giá của séc bằng số. Trong khung này, bạn sẽ phải điền số tiền cụ thể ứng với giá trị tấm séc.

5. Ghi số tiền bằng chữ. Phòng trường hợp bạn viết 40 đô la chứ không phải là 4.000 đô la trên tấm séc chẳng hạn, chỗ trống này được dùng để ghi số tiền bằng chữ.

6. Ký tên. Bước cuối là bạn phải ký tên vào khoảng trống dưới cùng của tấm séc (không được in máy). Chữ ký này phải khớp với thẻ chữ ký tại ngân hàng mà bạn đã ký khi mở tài khoản.

Các ngân hàng không kiểm tra từng chữ ký trên từng tấm séc, nhưng một số nơi thực hiện những xác nhận chữ ký ngẫu nhiên định kỳ. Hãy giải thích rõ với con bạn rằng bất kì ai ngoài chủ tài khoản sử dụng séc là bất hợp pháp.

Nếu séc của bạn bị mất hay bị trộm, bạn phải liên lạc với ngân hàng và báo cáo thất lạc ngay lập tức. Ngân hàng sẽ dừng mọi thanh toán trên séc của bạn để tiền không được rút ra (hay ghi nợ) từ tài khoản của bạn. Nếu một tấm séc giả bị đổi ra tiền mặt, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền đó, chứ không phải bạn.

Theo luật định, bạn phải luôn luôn có đủ tiền trong tài khoản cho khoản ghi trên séc. Một ưu điểm khác của séc là chúng chứng minh bạn đã thanh toán một hóa đơn.

Mỗi lần ký séc, bạn phải lưu lại thông tin trên séc đó. Một số loại séc có một phần để thực hiện việc này, gọi là cuống séc . Một số loại sổ séc có một phần tách riêng gọi là bản lưu để bạn ghi các thông tin, và có những loại dùng giấy than sao lại mỗi tấm séc bạn ký. Với việc theo dõi số tiền bạn đã chi bằng séc, bạn sẽ luôn luôn biết số tiền còn trong ngân hàng của mình.

Ngân hàng sẽ gửi định kỳ tới mỗi khách hàng một bản kê. Bản kê này thể hiện số tiền đã chi hay đã gửi trong tháng, và số tiền còn lại trong ngân hàng.

Đối chiếu sổ séc có nghĩa là kiểm tra chắc chắn rằng các con số trên bản kê của ngân hàng về số tiền bạn chi ra hay gửi vào khớp với các con số trên ghi chép của bạn. Rất đơn giản thôi. Chỉ cần bạn làm theo các bước sau:

CÁCH ĐỐI CHIẾU SỔ SÉC

(Trước khi bắt đầu, đừng quên ghi lại các khoản phí ngân hàng vào ghi chép của bạn và trừ vào số dư tài khoản.)

1. Viết lại số dư cuối mà ngân hàng đã kê ra.

2. Cộng số này với các khoản bạn đã ký gửi mà ngân hàng chưa nhập vào.

3. Trừ đi trong tổng mới này các khoản trong séc bạn đã ký hay đã rút ra mà chưa được kê trong bản này.

4. So sánh con số cuối với số dư theo ghi chép của bạn. Hai con số cần phải khớp nhau, và đó là số tiền bạn thực có trong tài khoản chi phiếu của mình.

Như tôi đã nói ở trên, ký séc mà không có đủ tiền trong ngân hàng để thanh toán là bất hợp pháp. Nhưng nếu việc đó xảy ra ngoài ý muốn, tấm séc sẽ bị hoàn trả – tức là khoản tiền sẽ không được thanh toán và tấm séc chưa thanh toán sẽ được trả lại cho cá nhân hay đơn vị bạn trả séc. Bạn sẽ được yêu cầu trả cho đơn vị đó tiền mặt hoặc một tấm séc khác.

Nếu bạn thanh toán một tấm séc khác, hãy nhớ rằng nó sẽ lại bị hoàn trả lần nữa nếu bạn không gửi thêm tiền vào ngân hàng trước. Thông thường ngân hàng sẽ thu của bạn tiền phạt vì đã ký séc khống và cá nhân hay tổ chức bạn trả séc lỗi cũng sẽ tính phí phạt này.

Ký séc với số tiền không đủ trong tài khoản bị coi là một hành vi vi phạm pháp luật. Người ký séc lỗi có thể bị khởi tố và, nếu bị xác nhận là có tội, họ sẽ bị phạt tù.

Séc đã trở thành một công cụ giao dịch rất phổ biến tại Mỹ và trong phần lớn thế giới công nghiệp. Người ta ký séc nhiều hơn là dùng tiền mặt. Trên nhiều phương diện, séc đã thay thế cho tiền mặt.

Không nhất thiết dùng séc là tốt hơn, nhưng về nhiều mặt thì chúng dễ sử dụng hơn. Bạn có thể gửi séc qua đường bưu điện để thanh toán các hóa đơn mua hàng thay vì phải mang đúng số tiền đến trả công ty mà bạn nợ. Séc dễ dàng mang theo hơn tiền vì một tấm séc trắng không có giá trị gì cả.

Dưới đây là một số sản phẩm và dịch vụ tài chính khác có thể thấy tại ngân hàng:

• Chi phiếu bưu điện[20]

Bạn có thể mua chi phiếu này ở bưu điện hay ngân hàng. Bạn không cần phải có tài khoản ngân hàng mới được mua, và bạn sẽ nhận được một hóa đơn xác nhận đã mua chi phiếu. Chi phiếu có thể đổi ra tiền ở bất kì đâu trên toàn quốc. Một chi phiếu bưu điện cho biết người mà bạn muốn trả tiền. Người đổi phiếu ra tiền mặt phải trình giấy tờ tùy thân.

• Séc du lịch

Đây là một phương thức an toàn để mang một số tiền lớn theo người khi bạn đi du lịch và cần có tiền mặt, hay những thứ tương đương tiền mặt. Hình thức này an toàn hơn bởi vì nếu séc du lịch bị mất hay lấy cắp, chúng sẽ được thay thế, thường trong 24 giờ, bất kể bạn ở đâu. Chúng có thể dùng ở nhiều doanh nghiệp, khách sạn, và nhà hàng vốn không nhận ngân phiếu cá nhân hay những loại thẻ tín dụng nhất định.

Bạn có thể mua séc du lịch tại ngân hàng, và nếu muốn bạn có thể mua bằng ngoại tệ. Thông thường ngân hàng sẽ thu 1% tổng số tiền trong ngân phiếu làm phí dịch vụ. Séc du lịch hiện nay không còn phổ biến như trước nữa.

• Thẻ ngân hàng

Thẻ ngân hàng là một tấm thẻ nhựa nhỏ cho phép bạn sử dụng máy rút tiền tự động (máy ATM) của ngân hàng bạn giao dịch.

Thẻ ATM có một dãy số bí mật (gọi là mã số xác nhận cá nhân, hay mã PIN) được mã hóa điện tử trên thẻ. Bạn có thể thực hiện gần như tất cả các giao dịch điện tử trên máy ATM, 24/24 giờ. Bạn có thể gửi tiền, chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác cùng ngân hàng, rút tiền, và kể cả thanh toán một số hóa đơn.

Tôi muốn nói thêm rằng ngân hàng điện tử nhất định là làn sóng của tương lai. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đang cung cấp các dịch vụ hệt như trên máy ATM qua điện thoại hay máy vi tính cá nhân.

* Một lưu ý khác: bạn có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng qua thư nếu bạn muốn. Việc đăng ký gửi tiền sẽ lâu hơn một chút, nhưng nếu bạn coi trọng sự tiện lợi, hãy liên hệ với ngân hàng để tìm hiểu cách thức tiến hành.

• Tủ ký thác an toàn

Đây là một ngăn tủ kim loại an toàn, thông thường có kích cỡ bằng một nửa ngăn tủ giày, thường được đặt dưới tầng hầm của ngân hàng và có thể cho khách hàng thuê. Người ta cất vào đó những giấy tờ quan trọng, như cổ phiếu, khế ước, di chúc, hợp đồng bảo hiểm, và có thể là một vài vật dụng nhỏ có giá trị như đồ trang sức chẳng hạn.

• Thẻ tín dụng

Một công cụ tài chính rất quan trọng khác là thẻ tín dụng ngân hàng, như thẻ Visa hay MasterCard và American Express. Các công cụ này dành cho những cô cậu tuổi thanh thiếu niên lớn hơn và tôi sẽ đề cập tới chúng cũng như tất cả các loại thẻ tín dụng trong chương về tuổi teen.

NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ

Dịch vụ cá nhân và “Marcus Welby” của riêng bạn là những điều thật tuyệt vời, và thật khó hình dung được khi sự tiện lợi đó sẽ biến mất, nhưng ngày càng nhiều giao dịch ngân hàng thời nay được thực hiện bằng các công cụ điện tử, hay còn gọi là giao dịch trực tuyến.

Các ngân hàng sử dụng mạng máy tính để kết nối các chi nhánh và tự động hóa các giao dịch. Với sự phổ biến của máy tính cá nhân và mạng Internet, giờ đây mọi người đều có thể thực hiện những giao dịch cá nhân với ngân hàng rất nhanh gọn, hiệu quả. Hầu hết ngân hàng ngày nay cung cấp một dịch vụ gọi là “brick-to-click” kết nối khách hàng với tài khoản ngân hàng của họ và các dịch vụ ngân hàng thông qua mạng Internet. Dù không phải ngân hàng nào cũng giống nhau, song các dịch vụ trực tuyến thường bao gồm kiểm tra tài khoản và thanh toán hóa đơn.

Ưu điểm của ngân hàng trực tuyến:

• Ngân hàng trực tuyến của bạn luôn mở cửa 24/7.

• Tài khoản của bạn có thể kết nối từ mọi nơi miễn là bạn có máy tính nối mạng internet.

• Các trang ngân hàng trực tuyến cung cấp dịch vụ siêu nhanh chóng – thậm chí nhanh hơn cả máy ATM.

• Phần lớn ngân hàng trực tuyến tương thích với các chương trình quản lý tài chính mà có thể bạn có sẵn.

Nhược điểm:

• Có thể các giao dịch trực tuyến sẽ bị tính phí. Đừng quên hỏi ngân hàng của bạn điều này.

• Đây là một công nghệ mới, và bạn sẽ phải học cách xoay xở với nó. Nhưng đây không nhất thiết phải là một nhược điểm – bạn và trẻ có thể học cùng nhau.

• Bạn có chắc đã làm đúng không? Luôn luôn tồn tại một nỗi lo sợ rằng có thể bạn đã bấm sai nút vào sai thời điểm. Để đảm bảo an toàn ở đây, tốt nhất bạn hãy in hóa đơn giao dịch ra và giữ chúng cùng với các lưu trữ về giao dịch ngân hàng của bạn.

Về cơ bản, bạn có thể tìm được các dịch vụ trực tuyến mà ngân hàng của bạn cung cấp bằng cách lên trang chủ của họ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có ai đó hướng dẫn đầy đủ điều này, hãy tư vấn chính “Marcus Welby” của bạn tại ngân hàng mà bạn đang giao dịch.

PHẦN MỀM QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Ngày nay, một gói phần mềm quản lý tài chính cá nhân như Quicken có thể giúp bạn theo dõi dòng lưu chuyển tiền của mình, theo dõi và thanh toán hóa đơn đúng hạn, quan sát các kế hoạch tiết kiệm và đầu tư của bạn, giúp bạn giải quyết các vấn đề về thuế, và thậm chí giúp bạn tìm ra một chiến lược giảm nợ. Đây còn là một công cụ tuyệt vời giúp nhóc nhà bạn hiểu về những điểm căn bản của quản lý tài chính – vì nó được lập trình đầy đủ và bởi lẽ trẻ con sẽ thử bất kì cái gì miễn là ở trên máy vi tính.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.