Tiền Không Mọc Trên Cây

PHỤ LỤC DẠY TRẺ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH



Quan điểm hiện đại về giáo dục tài chính cho trẻ

Tại Việt Nam hiện nay, các phương pháp giáo dục về tài chính hoặc truyền dạy cho con trẻ những khái niệm về đồng tiền đang rất được các gia đình quan tâm và chú trọng tìm hiểu. Tuy nhiên, dù đã được đưa vào giảng dạy từ rất lâu tại các môi trường sư phạm, nhưng đến nay, việc giáo dục tính tiết kiệm cho trẻ vẫn chỉ diễn ra khá âm thầm, lặng lẽ, chưa có cơ quan hoặc tổ chức nào có sự đầu tư tập trung triển khai giáo dục về những bài học này một cách độc lập. Việc tìm kiếm các tài liệu chính thống để giảng dạy cho trẻ tính tiết kiệm một cách tâm lý và bài bản dường như cũng khá khó khăn. Song song đó, một quan niệm tồn tại từ rất lâu rằng tiền bạc thường gây ảnh hưởng tiêu cực lên con trẻ đã góp một phần không nhỏ trong việc cản trở sự hình thành những mô hình giáo dục chuyên biệt về tính tiết kiệm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đứng trước những biến động nhanh chóng và không ngừng của xã hội hiện đại, mọi người cũng đã ý thức được rằng quản lý tài chính là một kỹ năng cần rèn luyện cho trẻ từ bé, nó quan trọng không kém bất kỳ kỹ năng sống nào khác.

Vậy, nên để con trẻ học hỏi các kỹ năng tài chính như thế nào là hợp lý nhất? Neale Godfrey – tác giả cuốn sách Tiền không mọc trên cây quan niệm rằng: cha mẹ là tấm gương cho con về quản lý tài chính. Nếu chúng ta là một tấm gương tốt, được trang bị đầy đủ những kiến thức tài chính, trẻ sẽ học được từ chúng ta những điều tốt; ngược lại, trẻ cũng có thể học cả những điểm không hay trong cách thức chi tiêu của chúng ta, dù chúng ta không muốn điều đó đi chăng nữa. Ðó là lý do vì sao các bậc cha mẹ cần chủ động truyền dạy cho con mình những kiến thức đúng đắn về tài chính tùy theo độ tuổi và mức độ nhận thức.

Một số bí quyết giúp trẻ hình thành khả năng quản lý về tài chính

Ðiều cơ bản và đầu tiên trong giáo dục kỹ năng tài chính cho con trẻ là giúp trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị của đồng tiền liên quan tới sức lao động. Chúng ta cần phải giúp con mình xây dựng các kế hoạch về tài chính, sắp xếp cho con các khoản chi tiêu cơ động, chi tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để hình thành đức tính tiết kiệm thông qua một vài gợi ý về bí quyết dạy trẻ sau đây:

1. Khuyến khích trẻ tiết kiệm từ những việc nhỏ hằng ngày

Chúng ta hãy là những người bạn của trẻ, cùng trẻ thực hành những bài học về tiết kiệm thông qua các sinh hoạt hằng ngày. Khi những lý thuyết về tiết kiệm được lồng ghép vào nếp sống gia đình một cách thực tế, mặc nhiên sẽ hình thành cho trẻ những thói quen tiết kiệm tốt.

2. Dạy trẻ tận dụng đồ cũ

Trẻ con lớn rất nhanh, áo quần và vật dụng trẻ đã sử dụng chúng ta có thể giữ lại để dành cho các em, các cháu trong họ hàng hoặc các trẻ nhỏ ở những mái ấm… Khi thực hiện việc làm ý nghĩa này, chúng ta hãy cho trẻ cùng tham gia để trẻ cảm nhận được rằng đối với những đồ vật mình đã sử dụng vẫn sẽ có giá trị khi tái sử dụng hoặc sẽ trở thành món quà thân thương đối với những hoàn cảnh bất hạnh hơn.

3. Tập cho trẻ cách mua sắm khoa học

Mỗi lần đi mua sắm, chúng ta nên đưa trẻ theo để cả gia đình cùng lựa chọn những sản phẩm phù hợp và có sự thống nhất giữa các thành viên. Khi chọn một món hàng, chúng ta hãy cùng trẻ so sánh chúng với những món hàng có cùng tính năng và chất lượng, từ đó chọn mua món có giá thấp hơn để tiết kiệm chi phí.

4. Ðộng viên trẻ lập một danh sách những vật yêu thích

Chúng ta hãy cùng trẻ lập một bảng danh mục những món đồ dùng mà trẻ mơ ước và khuyến khích trẻ dành dụm tiền để hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch của mình. Những mục tiêu của trẻ có thể đơn giản chỉ là tiết kiệm tiền để mua một món đồ chơi, mua một bộ đồ mà trẻ yêu thích hay một bộ dụng cụ học tập phục vụ cho chính bản thân mình…

5. Giúp trẻ xác định sự khác nhau giữa những thứ trẻ cần và muốn

Ða số trẻ con thường không nhận biết được sự khác nhau giữa cái mà trẻ muốn và cái mà trẻ cần. Chúng ta hãy cùng trẻ lập ra 2 danh sách: một là những thứ cần thiết như quần áo, giày dép, bữa ăn trưa, dụng cụ học tập; hai là những thứ trẻ muốn như trang sức, thời trang, game, các thiết bị điện tử… Sau đó, chúng ta phân tích, so sánh và giải thích cho trẻ hiểu về sự khác biệt giữa những thứ này với nhau để trẻ biết cái nào là quan trọng hơn.

6. Nói không với những đòi hỏi thái quá

Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã biết đòi hỏi. Thông thường, trong những trường hợp này, chúng ta thường “đầu hàng” trước thái độ nài nỉ của trẻ. Ðừng làm như vậy! Hãy cương quyết “nói không” với những mong muốn không thích đáng, đồng thời nên cổ súy cho những mong muốn thích đáng của trẻ.

7. Tự kiếm tiền

Trường hợp trẻ cương quyết muốn có một thứ gì đó, thay vì kịch liệt phản đối và lên án sự “vòi vĩnh” của trẻ, chúng ta hãy hướng trẻ đến việc tự kiếm tiền để mua nó. Chúng ta giúp trẻ bằng cách thiết lập một quy trình làm việc phù hợp với khả năng của trẻ và khuyến khích trẻ thực hiện. Mỗi lần trẻ nản chí, hãy nhắc lại mục tiêu đã đặt ra để trẻ cố gắng vươn lên. Khi nỗ lực để có được một thứ gì đó bằng chính sức lao động của mình, trẻ sẽ nhận thức được giá trị của đồng tiền là từ chính đôi tay và khối óc.

8. Làm gương cho trẻ

Bản năng của con người là học hỏi để định hình nhân cách, do đó, muốn hình thành tính tiết kiệm cho trẻ, trước tiên, bản thân chúng ta hãy cố gắng làm một tấm gương sáng. Ví dụ, chúng ta có thể lập cho mình các hạng mục chi tiêu hợp lý và thực hiện các kế hoạch đã đề ra một cách nghiêm túc để trẻ nhìn nhận, học tập và noi theo.

9. Khen ngợi, tán dương bé

Nếu trẻ có những hành động tiết kiệm tiền hoặc tiêu tiền hợp lý, chúng ta đừng quên dành tặng trẻ những lời khen ngợi, tán thưởng. Ðiều này rất quan trọng trong việc khích lệ tinh thần tiết kiệm của trẻ.

10. Khuyến khích trẻ “lập quỹ”

Tương tự người lớn, trẻ con cũng có nhu cầu mua sắm và thực hiện các kế hoạch cần sử dụng đến đồng tiền trong tương lai. Chúng ta có thể giúp trẻ sở hữu một chú heo đất đáng yêu và khuyến khích trẻ dành một khoản tiền nhỏ mỗi ngày để bỏ vào heo đất. Ðồng thời giải thích cho trẻ hiểu rằng số tiền mà trẻ dành dụm là để giúp trẻ thực hiện kế hoạch mua sắm sách vở vào đầu năm học mới, giúp trẻ mua áo quần đẹp vào mỗi dịp tết về… Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cách tân chú heo đất ở nhà thành một tài khoản tiết khoản tiết kiệm hiện đại nho nhỏ tại ngân hàng cho trẻ.

Cũng theo tác giả Neal Godfrey, tiết kiệm bằng một tài khoản ngân hàng sẽ giúp trẻ thấy hứng thú hơn khi số tiền vừa được cất giữ an toàn, lại vừa có khả năng “sinh sôi nảy nở”. Và điều quan trọng khác nữa, sở hữu một tài khoản ngân hàng là bước đầu để trẻ làm quen với thế giới ngân hàng rộng lớn vốn rất cần thiết khi trẻ lớn lên. Số tiền tiết kiệm được sau một thời gian trẻ có thể sử dụng để mua sắm học cụ, đồ chơi, quần áo hay thực hiện những ước mơ nho nhỏ của riêng trẻ. Bạn sẽ thấy trẻ hạnh phúc như thế nào khi làm được những điều đó bằng chính đồng tiền do mình dành dụm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.