Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 7 LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẮT NGHĨA CÁC KHOẢN TIỀN “TỆ”: TIỀN TÍP, TIỀN THUẾ, TIỀN PHÍ CẦU ĐƯỜNG, VÀ TIỀN VÉ?



Chương này được dành để đề cập đến tất cả những thứ nhỏ nhặt buồn cười người lớn chúng ta làm gần như hằng ngày mà không cần nghĩ ngợi. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến giá trị của việc giải thích những hành động thường ngày ấy với các nhóc đang ngày càng thành thạo về tài chính.

Thứ mà tôi sẽ đề cập ở đây là những khoản tiền rất “tệ”, như là tiền típ, tiền thuế, phí cầu đường, và tiền vé. Tôi sẽ chỉ cho bạn làm thế nào để cắt nghĩa những chi tiết thường nhật này với con trẻ theo những cách để các vấn đề đó trở nên thực tế.

Trong chương trước, tôi đã kể câu chuyện về cậu bé nhặt tiền lẻ bố để lại trên bàn để típ cho cô phục vụ trong nhà hàng vì nó tin rằng ông bố đã đãng trí bỏ quên tiền. Bài học rút ra từ câu chuyện này là đừng giữ bí mật về tiền bạc với con bạn. Hãy giải thích việc bạn đang làm ngay khi ấy, bởi lẽ một ngày nào đó đứa trẻ cũng sẽ phải làm điều đó.

Vì típ là một hành động bí ẩn với bọn trẻ, tôi sẽ bắt đầu từ vấn đề này.

GIẢI THÍCH VỀ TIỀN TÍP

Tôi và người chị gái yêu quý của mình thường xuyên đồng tình trong mọi việc, từ ăn kem cho tới giải quyết những vấn đề với các ông chồng, song lại bất đồng gay gắt trong duy nhất một chuyện: tiền típ, và cụ thể hơn là nên típ cho người phục vụ bàn trong nhà hàng bao nhiêu. Chúng tôi đã trải qua nhiều ngày không nói chuyện với nhau chỉ vì người này cảm thấy người kia đã để lại quá ít hay quá nhiều tiền típ. Ngớ ngẩn quá, phải không nào?

Thường có hai loại quan điểm về tiền típ. Một số người cho rằng đó là phần thu nhập phụ bổ sung cho lương của người phục vụ và như thế chỉ cần bỏ ra một khoản nhỏ để thể hiện lòng cảm kích tới sự phục vụ chu đáo là đủ. (Thực tế, trang Webster định nghĩa “tiền típ” là “một món quà nhỏ bằng tiền cho một dịch vụ”.)

Mặt khác, nhiều người khác lại thừa nhận rằng với nhiều người chứ không chỉ người phục vụ bàn, tiền típ là nguồn thu nhập chính, do họ nhận được rất ít hoặc đôi khi họ không có đồng lương nào khác. Vì thế, công sức của họ cần nhiều hơn là một sự ghi nhận mang tính “biểu trưng”.

Dù cho bạn ngả theo quan điểm nào, tôi nghĩ chúng ta đều có thể đồng ý với nhau rằng có những thời điểm thích hợp để típ. (Bạn cũng có thể tranh luận với anh chị em của chính mình về số tiền nên típ.)

Hãy bắt đầu với những người thường xuyên nhận tiền típ hay tiền thưởng nhất. Đây là danh sách những nghề được típ theo truyền thống[21]:

CÁC NGHỀ ĐƯỢC TÍP

Nam/nữ phục vụ bàn Người phụ trách bàn

Người giữ áo khoác tại nhà hàng Nhân viên làm đẹp và thợ cắt tóc

Người làm trong khách sạn Người mang hành lý ở sân bay

Nhân viên giao hàng Nhân viên đỗ xe

Tài xế taxi Người đưa báo

Người gác cửa Người khuân vác

Giờ là định nghĩa cho trẻ về tiền típ:

TIỀN TÍP: Một khoản tiền nhỏ tặng cho người đã phục vụ mình trong một lĩnh vực nào đó.

Tôi sẽ giải quyết câu hỏi “tại sao?” khó tránh bằng cách thêm vào rằng, trước kia, tiền típ được dùng như một kiểu phần thưởng hay cách thể hiện lòng cảm kích đối với một dịch vụ tốt.

Tôi coi tiền típ là một phần trong sinh hoạt phí thông thường, và tính nó vào trong ngân sách chi tiêu như với tiền thuế vậy.

Thời điểm hoàn hảo để giải thích khái niệm tiền típ cho con bạn (từ 4 đến 8 tuổi) là khi bạn chuẩn bị làm điều đó. Chẳng hạn như, gia đình bạn có thích gọi pizza và xem phim vào các tối thứ Bảy? Tuyệt! Vậy hãy dành một phút để giải thích với con bạn rằng người đưa bánh sẽ mang đồ ăn tới, nhận tiền, và sẽ chờ được tiền típ.

Để trẻ cùng đi với bạn ra cửa, quan sát bạn thanh toán hóa đơn và cho người giao bánh tiền típ. (Bạn có thể chỉ ra nếu người đưa bánh phải vượt qua một cơn bão tuyết hay đến nơi trong đúng mười phút, người đó xứng đáng nhận thêm một chút đền bù.)

Tương tự nếu bạn đến nhà hàng, ngồi xuống và chờ được phục vụ thức ăn. Hãy tận dụng dịp này để âm thầm cho con bạn xem hóa đơn và giải thích cách bạn tính số tiền típ phù hợp. Nếu trẻ đã vào tiểu học, hãy để con bạn thử tự tính tiền típ.

Bạn sẽ típ bao nhiêu trong nhà hàng? Thông thường, phần lớn mọi người ở Mỹ (trừ chị tôi) lấy 15 đến 20 phần trăm tổng giá trị hóa đơn làm tiền típ. Khoảng 15 phần trăm dành cho dịch vụ hạng thường, không xuất sắc, và 20 phần trăm, dành cho dịch vụ cực kì tốt.

Hãy dạy con bạn cách đặt ra các tiêu chuẩn để đánh giá dịch vụ.

Người phục vụ bàn có mang đúng món lúc nó còn đang nóng? Người phục vụ có nhanh nhẹn và chu đáo đáp ứng yêu cầu của bạn? Đặt ra các mức dịch vụ kém, trung bình, tốt và xuất sắc sẽ rất hữu dụng với trẻ, và sẽ chỉ cho con bạn cách quyết định số tiền típ.

Bài thực hành tại nhà hàng

Khi người phục vụ mang hóa đơn tới, hãy để con bạn xem cùng. Cộng tổng số tiền và tính tiền thuế không chỉ là một bài tập toán thú vị và là một bài học bổ ích về giá cả (một bữa ăn tương tự sẽ tốn bao nhiêu nếu bạn mua đồ ăn ở siêu thị và chế biến tại nhà?), việc này còn rất quan trọng với gia đình bạn. Các hóa đơn nhà hàng thường bị cộng sai nhiều hơn bạn nghĩ, và khi đó, tổng số tiền thường là cao hơn so với thực tế!

Nào, giờ thì bạn sẽ làm gì nếu như người phục vụ bàn tính hóa đơn thấp hơn mức thực tế cho bạn? Liệu bạn có báo cho người phục vụ hay sẽ im lặng? Một lần nữa, đây là một cơ hội tốt để cha mẹ truyền giá trị nhân bản cho trẻ. (Nên lưu ý rằng nhà toán học/người phục vụ bàn tội nghiệp kia có thể sẽ phải bỏ tiền túi ra bù phần thiếu trước khi nhân viên thu ngân nhận ra lỗi sau đó.)

CÁCH TÍNH TIỀN TÍP

1. Đầu tiên, để tính phần trăm, bạn phải đặt dấu phẩy thập phân trước con số phần trăm, trừ số một chữ số thì phải thêm số 0 vào trước (ví dụ, 20% là 0,20 và 5% là 0,05).

2. Nhân con số đó với giá trị hóa đơn.

3. Kết quả thu được, làm tròn nếu cần, là số tiền típ chuẩn.

VÍ DỤ: Nếu bạn muốn để 15% tiền típ với một hóa đơn nhà hàng trị giá 22 đô la, bạn phải nhân 22 đô la với 0,15 và số tiền đó là 3,30 đô la.

Học cách tính tiền típ là một trò chơi lí thú để trẻ chơi cùng một chiếc máy tính bỏ túi tại bàn ăn khi bạn đang chờ món. Đơn giản, hãy cho nhóc nhà bạn một con số tưởng tượng, số phần trăm bạn muốn típ tính trên tổng hóa đơn, và để nó tự tính số tiền típ với chiếc máy tính.

Hãy cho trẻ biết rằng, đôi khi nhất là trong những nhà hàng đắt tiền, giá đồ uống được tính riêng.

Đồng thời, người phục vụ có thể đặt hóa đơn lên bàn sau khi bữa chính được phục vụ, và rồi cộng thêm nếu bạn gọi cà phê và/hoặc món tráng miệng sau. Và hãy chú ý: nếu bạn gọi thứ gì mà không được phục vụ, hãy đảm bảo nó được trừ đi khỏi tổng hóa đơn.

Ở New York, người ta đã phát triển một cách còn nhanh hơn để quyết định tiền típ. Thuế đối với đồ ăn là 8,25%, vậy nếu nhân đôi con số đó, tiền típ sẽ là hơn 16% một chút.

CẮT NGHĨA VỀ THUẾ

Thường khi tôi đang giảng cho trẻ về tiền bạc, đề tài thuế sẽ được đề cập tới. Tôi sẽ dừng lại và hỏi một nhóc trong khán phòng, “Con nghĩ thuế là tốt hay xấu?”

Lúc nào cũng vậy, đứa trẻ sẽ trả lời thuế là xấu, một ví dụ rõ rệt về cách các bậc cha mẹ vô ý truyền một hệ giá trị sai lệch tới con cái. Trên thực tế, các khoản thuế có thể quá cao hay quá thấp hoặc thậm chí được dùng không hợp lí; nhưng bản thân tiền thuế không xấu.

Người lớn chúng ta có thể cằn nhằn về việc đóng thuế, nhưng hãy nhớ rằng thuế không có gì xấu xa cả. Tiền thuế dùng để chi trả cho rất nhiều thứ mà một người bình thường (hay kể cả một nhà tỉ phú như Donald Trump[22]) không thể tự mua nổi.

Thuế chi cho những thứ như cầu đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè, trường học, giáo viên, cảnh sát và dịch vụ cứu hỏa, .v.v… Học về tiền bạc tức là học về các giá trị, và một trong những giá trị đó là nghĩa vụ công dân. Thuế là một dạng chi phí cuộc sống quan trọng và cần thiết của một quốc gia.

Đây là một định nghĩa về thuế cho nhóc 6 đến 12 tuổi nhà bạn:

THUẾ: Khoản tiền chúng ta phải đóng cho chính phủ để họ chi trả cho những dịch vụ, tiện ích như trường học, lề đường, dịch vụ cứu hỏa, và cảnh sát.

Giảng giải cho con bạn hiểu rằng có nhiều loại thuế khác nhau (thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất, thuế doanh nghiệp, thuế mua hàng). Hai loại ảnh hưởng trực tiếp nhất tới con bạn là thuế thu nhập và thuế mua hàng.

Nói ngắn gọn, thuế thu nhập cá nhân dựa trên một số phần trăm lương thường niên của một người. Tất cả mọi người sinh sống và làm việc đều phải đóng thuế.

Vẫn có một vài ngoại lệ: những người không làm ra được một số tiền nhất định thì không phải đóng thuế.

Thuế mua hàng là một khoản tiền được cộng thêm vào một số mặt hàng cụ thể, như thức ăn, quần áo, xăng,… và, tất nhiên rồi, đồ chơi, khi ta mua chúng. Đây rất có thể là trải nghiệm đầu tiên của con bạn với thuế.

Nếu con bạn đang để dành tiền mua một thứ đặc biệt, bạn sẽ phải giải thích rằng số tiền chúng sẽ cần không chỉ là giá món đồ chơi, mà phải cộng thêm một khoản nhỏ cho thuế mua hàng nữa.

CÁCH GIÚP CON BẠN TÍNH THUẾ MUA HÀNG

1. Đầu tiên, hãy tìm hiểu thuế mua hàng là gì và lưu ý rằng thuế mua hàng đối với thức ăn mua trong cửa hàng tạp hóa có thể khác với trong nhà hàng. Con số đó sẽ là một số phần trăm trên số tiền phải thanh toán. Hãy nhớ đổi số phần trăm về một con số dễ xử lý bằng cách đặt dấu phẩy hay 0,0 trước nó (chẳng hạn như 8,5% sẽ là 0,085). Bạn có thể dùng máy tính cho bước này.

2. Nhân con số đó với giá sản phẩm.

3. Kết quả thu được, làm tròn nếu cần thiết, là thuế mua hàng chuẩn.

4. Cộng thuế mua hàng vào giá sản phẩm để được tổng số tiền cần thanh toán.

VÍ DỤ: Nếu mức thuế mua hàng là 6% và bạn muốn mua một thứ giá 13 đô la, tổng số tiền sẽ là 13,78 đô la (13 đô la x 0,06 = 0,78 đô la).

Cũng như khi bạn thực hành với tiền típ, học cách tính thuế mua hàng là trò chơi lí thú cùng một chiếc máy tính bỏ túi. Hãy cho con bạn một cái giá tưởng tượng, một số phần trăm thuế mua hàng, và để trẻ tự tính tổng số tiền trên máy tính.

BÌNH THỨ NĂM

Đây là một chi tiết bổ sung cho Mô hình 4-chiếc-bình và sẽ không được đề cập tới cho đến khi bạn đã ổn định được những phần trước đó và trẻ đã đủ lớn để tiếp nhận một khái niệm mới.

Bình thứ 5 là thuế.

Con bạn đã được học về thuế mua hàng và có ít nhất một chút ý niệm về thuế thu nhập. Giờ hãy đưa vấn đề này vào thực tế đời sống. Đặt ra một khoản thuế gia đình, số tiền này sẽ được bỏ vào bình thứ 5. Khoản này sẽ chiếm 15% trong tổng số tiền tiêu vặt trước khi được chia ra. Mọi người trong nhà sẽ biểu quyết xem tiền thuế sẽ được dùng để làm gì.

Hãy dạy con bạn cách tính 15% (đây là một bài học toán hay, và nó sẽ hữu dụng khi trẻ bắt đầu tự đi ăn ngoài và phải học cách chi tiền típ).

Hãy để trẻ dùng mạng Internet và vào thư viện để tra cứu về thuế. Dưới đây là một vài câu hỏi trẻ có thể tìm hiểu:

• Bao nhiêu phần trăm trên mỗi 1.000 đồng chi tiêu sẽ được đóng thuế?

• Thuế mua hàng có áp dụng với thực phẩm tại chỗ bạn không? Quần áo? Dụng cụ? Sản phẩm giải trí thì sao?

• Trường bạn có thu tiền thuế không? Bao nhiêu phần trăm tổng số thuế dành cho giáo dục?

Cho dù bạn có thích thuế hay không, cho dù bạn đồng tình hay không đồng tình với những khoản dành cho ngân sách quốc phòng cho đến hỗ trợ truyền thông đại chúng, thì thuế vẫn là một phần của cuộc sống. Và học về thuế ngay khi còn là một đứa trẻ sẽ là cách hữu ích để tránh “sốc trong tương lai” khi nhóc teen hay cậu con lớn nhà bạn bắt đầu đi làm và thấy phiếu lương mang về của nó khác với (ít hơn) số mà người ta nói nó sẽ được nhận.

Cuối năm, hãy đếm số tiền thu được trong bình thuế, và cùng cả gia đình hãy quyết định xem số tiền đặc biệt này sẽ được dùng thế nào để có lợi cho tất cả. Một chuyến tới cửa hàng kem? Một bộ cờ mới? Có thể là một bữa tiệc? Bình thuế gia đình có thể là một cách vừa mang tính kỉ luật vừa thú vị giúp bọn nhóc để dành mua một thứ đặc biệt, đồng thời là biện pháp cho từng đứa trẻ học về cộng đồng lớn hơn của chúng, đó là gia đình.

Tôi sẽ nói ngắn gọn về các khoản đau đầu khác tiếp theo đây và gợi ý cách giải thích cho trẻ ngay khi bạn đang thực hiện:

PHÍ CẦU ĐƯỜNG

Phí cầu đường là khoản phí ta nộp cho nhà nước để được sử dụng đường sá. Đôi khi chúng là lệ phí khi qua cầu hoặc chạy xe trên đường cao tốc. Số tiền thu được thường dùng để xây và bảo trì con đường hay cây cầu đó.

Hãy chỉ cho nhóc nhà bạn cách chú ý biển báo của con đường phía trước chỉ dẫn sẽ có thu phí cầu đường. Các loại phương tiện nào sẽ bị thu phí và với mức phí trung bình ra sao.

Vé thường là một mảnh giấy nhỏ hay mảnh bìa cứng cho biết bạn đã trả tiền cho một thứ gì đó. (Đừng nhầm với mảnh giấy mà cảnh sát giao thông viết cho người lái xe khi họ bị phạm lỗi nhé!)

Dưới đây là danh sách những thứ bạn phải mua vé:

NHỮNG DỊCH VỤ BẠN PHẢI MUA VÉ

Buổi diễn ca nhạc

Căng-tin

Tàu hỏa/máy bay/xe buýt

Rạp chiếu bóng

Công viên/ sở thú/ khu vui chơi/ bảo tàng…

Kịch

Thông thường, vé được dùng để người phục vụ bạn, chẳng hạn người hướng dẫn chỗ ngồi hay tiếp viên hàng không, không cần phải thu tiền mà vẫn có bằng chứng bạn đã trả tiền để được sử dụng dịch vụ đó.

Một ngoại lệ ở đây là vé số, một loại vé hoàn toàn khác. Chúng thực ra là các trò chơi may rủi mà bạn phải trả tiền để chơi.

Đôi khi bạn tiết kiệm được thời gian và/hoặc tiền bạc khi mua nhiều vé một lúc. Chẳng hạn như trong một hội chợ hay công viên giải trí, bạn có thể mua 12 vé và được tặng thêm tấm thứ 13. Và điều đó cũng giúp bạn khỏi phải xếp hàng đi xếp hàng lại.

Vé tới dự một số sự kiện nhất định như một vở kịch hay một trận bóng sẽ có một ngày tháng cụ thể trên đó và chỉ có thể được sử dụng trong ngày đó. Mặt khác, vé xem phim thường chỉ được dùng ngay sau khi mua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.