Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 9 CHA MẸ CẦN NÓI NHỮNG GÌ VỚI CON CÁI VỀ TÀI CHÍNH CỦA MÌNH



Vào thời của cha mẹ tôi, và thời ông bà tôi trước đó nữa, một cuộc trò chuyện gia đình với đề tài tình dục và tiền bạc không được coi là một “câu chuyện thích hợp bên bàn ăn”. Cả hai thứ đó đều được ông bà, cha mẹ cho là những chủ đề tế nhị, riêng tư, và có nhiều dấu hiệu cho thấy chẳng đề tài nào trong số đó được thảo luận nhiều, kể cả giữa vợ chồng với nhau!

Khi chúng ta bước vào thế kỷ mới, xã hội có cái nhìn thoáng hơn và sex thậm chí là một đề tài cần trao đổi trong nhiều gia đình. Những mối nguy hiểm chết người có thể tới từ tình dục buông thả hay không an toàn đã buộc hầu hết các bậc cha mẹ từ bỏ quan niệm cũ.

Chủ đề tiền bạc vẫn chưa được bàn thảo tương xứng với tầm quan trọng của nó, nên mối nguy hiểm do chi tiêu vô chừng mực hay không tính toán vẫn gây nên những hậu quả nghiêm trọng: việc phá sản và tồi tệ nhất là mất nhà cửa là hai trong số những hệ quả đáng tiếc đang trên đà gia tăng.

Với chương sách này, hy vọng bạn sẽ đạt tới một mức độ thoải mái cao với chủ đề tiền bạc so với cha mẹ bạn. Và lý tưởng nhất là bạn đang chủ động tham gia và trò chuyện với trẻ về tiền bạc.

Tuy nhiên, liệu bạn đã sẵn sàng để thảo luận về tài chính của chính bạn với con mình chưa? Đó là đề tài “Quá riêng tư” hay “Không phải việc của trẻ con!”? Có lẽ thế. Chẳng cha mẹ nào muốn tiết lộ những thông tin có thể làm mình xấu hổ trước con cái sau này cả. (Đó là lí do tại sao chúng ta ngăn không cho mẹ đẻ mình trưng bảng điểm cũ của chúng ta ra trước bọn trẻ!)

Tôi không cho là con bạn cần biết bạn đã từng bị những chuyện “lùm xùm” như bị trả về bảy tấm séc trong một ngày, hay bạn đã từng bị từ chối cho vay thế chấp bốn lần rồi mới thành công. Tuy vậy, vẫn có những thông tin tài chính về bạn mà một đứa con lớn, và tất nhiên là một thanh thiếu niên, cần biết vì lợi ích của chính mình.

Hầu hết những thông tin cần-biết này xoay quanh kế hoạch tài chính tương lai mà vợ chồng bạn đã lập ra, nhất là trong trường hợp chẳng may bạn ra đi bất ngờ. Nên chăng tiết lộ với con về thu nhập hằng năm của bạn hay số tiền bạn bỏ ra thuê nhà hoặc trả nợ – đó là tùy bạn. Phần mà trẻ thực sự cần phải được biết là bạn đã chuẩn bị cho nó như thế nào nếu có chuyện gì xảy ra với vợ chồng bạn.

Phần tiếp theo đây là trao đổi về hoạt động tài chính cá nhân của bạn và một vài gợi ý về phương thức, thời điểm để giải thích với trẻ mà không làm con sợ hãi hoặc bị quá tải.

DI NGUYỆN CỦA BẠN VÀ TẦM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TRẺ

Di nguyện của bạn hẳn là tài liệu quan trọng nhất bạn soạn ra cho con mình. Một bản di nguyện sẽ không chỉ thảo ra đường hướng cho tài sản của bạn và chỉ định người thi hành (người chứng giám các chỉ dẫn trong di nguyện được thực hiện), mà nó còn sắp đặt những gì bạn muốn diễn ra với con mình cho đến khi chúng đủ lớn để tự lập được.

Tôi cảm thấy rất bất ngờ khi biết rằng cho dù với tầm quan trọng rõ ràng của việc lập di nguyện, song cứ ba người Mỹ qua đời thì có tới hai người không lập di nguyện. Dù có thế nào đi chăng nữa, thiếu vắng một bản di nguyện thích hợp sẽ đặt người thân và gia tài của bạn vào những khó khăn thật sự nếu có chuyện gì xảy đến.

Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh thảo ra, hay sửa lại, di nguyện của họ khi một đứa con chào đời. Nếu bạn đã làm như thế với đứa con đầu, hãy nhớ sửa lại mỗi lần chào đón một em bé mới. Và nếu bạn vẫn chưa thực hiện việc này, HÃY LÀM NGAY HÔM NAY! Sẽ rất tồi tệ cho trẻ nếu chúng đột ngột mất cha mẹ và không có bản di nguyện nào chỉ dẫn ai sẽ chăm sóc chúng và chăm sóc như thế nào.

Việc soạn thảo di nguyện có thể nhờ qua luật sư hoặc bạn tự tham khảo qua sách, internet sau đó đem công chứng để nó trở thành một tài liệu hợp pháp. Ít nhất, bạn cũng phải viết tay được một bản di nguyện với những gạch đầu dòng, trong đó trình bày bạn muốn ai sẽ thành người giám hộ cho con mình, ai nhận được phần tài sản nào, v.v… (Bạn nên ký tên và ghi ngày tháng lên đó, đặt nó vào một chỗ an toàn, và đưa bản sao cho một người thân ngoài gia đình mình, chẳng hạn một người bạn hay cha xứ.)

Một số bản di nguyện viết tay có thể được chấp nhận trước tòa, cho dù có gây tranh cãi. An toàn nhất tất nhiên là bản được lập bởi một luật sư có chuyên môn trong lãnh vực này và thông hiểu luật pháp.

Hãy nhớ rằng phần lớn các thành viên trong gia đình bạn, những người họ hàng hay người giám hộ sẽ muốn tuân theo nguyện vọng của người cha, người mẹ nếu họ biết ý nguyện đó là gì. Vậy nên, nếu lúc này bạn vẫn chưa có một bản di nguyện, hãy lập tức phác ra giấy, hay nói chuyện này với một người bạn thân để những chỉ dẫn của bạn được ai đó biết đến cho tới khi bạn có một bản chính thức.

NHỮNG ĐIỀU VỀ CON CẦN ĐƯỢC BẠN NÓI ĐẾN TRONG BẢN DI NGUYỆN

1. Ai sẽ là người thi hành bản di nguyện? Đây cần phải là một người bạn tin tưởng để chắc chắn rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết đúng theo mong muốn cụ thể của bạn.

2. Ai sẽ trở thành người giám hộ hay bảo trợ của con/các con bạn trong trường hợp một người hoặc cả cha mẹ chúng qua đời?

Hãy bàn bạc thật kĩ chuyện này với chồng/vợ bạn và có thể cả với những đứa lớn, rồi với người giám hộ mong muốn (có thể có một lí do nào đó mà bạn không biết được khiến người được giao phó không thể tiếp nhận trách nhiệm này). Nói chung, nếu không có di nguyện và tòa phải quyết định ai nuôi các con bạn, chúng sẽ được gửi tới một người ruột thịt (và một người thân X, Y nào đó có thể không phải người bạn muốn gửi gắm con mình!).

3. Đứa trẻ sẽ được cung cấp tài chính như thế nào? Hãy kiểm tra xem tài sản và các hợp đồng bảo hiểm của bạn có đủ cho con bạn ăn học hay không.

4. Tài sản của bạn sẽ được chia thế nào? Cụ thể những ai được nhận và nhận được cái gì? Bạn muốn đứa trẻ nhận được toàn bộ khoản tiền khi đến tuổi trưởng thành hay chia số đó ra từng kì? (Một luật sư có thể giải thích những lựa chọn của bạn.)

Sau khi viết được một di nguyện cơ bản, bạn và luật sư của mình nên soát lại khoảng năm năm một lần. Mọi thứ sẽ thay đổi. Bạn mua nhà, có thể có thêm em bé, có thêm tài sản cần chia, và những thứ đó cần được cập nhật vào bản di nguyện.

BẠN CẦN NÓI GÌ VỚI CON VỀ DI NGUYỆN CỦA MÌNH?

Lí do khiến một cuộc trò chuyện với trẻ về di nguyện của bạn trở nên rất đáng giá ấy là như thế bạn sẽ có cơ hội bảo đảm với trẻ rằng nó vẫn sẽ được chăm sóc nếu có chuyện gì xảy đến với vợ chồng bạn – và đừng nghĩ đứa bé bốn, năm tuổi không bao giờ thắc mắc vấn đề này.

Từ khi còn rất nhỏ, các con bạn đã được nghe những câu chuyện đau lòng về điều gì xảy đến với những đứa trẻ không cha mẹ. Sau cùng thì cha mẹ Cô bé Lọ Lem ở đâu? Hay cha mẹ đẻ cô Tấm đã đi đâu về đâu? Hàng loạt những em bé mồ côi không nơi nương tựa trong các tác phẩm văn học đã cho trẻ thấy được nỗi bất hạnh của những đứa trẻ không cha không mẹ.

Nhóc nhà bạn cần được đảm bảo rằng cho dù bạn không có ở bên cạnh để chăm sóc con, song bạn đã chuẩn bị để trẻ vẫn được yêu thương và chăm sóc bởi một người khác.

Tư tưởng bao quát mà bạn cần truyền đạt ấy là bạn đã chuẩn bị cho con được chăm sóc, cả về tình cảm lẫn vật chất, và sự chuẩn bị này được đưa vào một thứ gọi là di nguyện.

Sự ra đi của bạn không phải một đề tài vui vẻ gì với cả bạn lẫn trẻ, mà tôi lại khuyến khích trao đổi thẳng thắn cùng trẻ về hầu hết mọi vấn đề, vì thế đây lại là một chủ đề bạn cần tiếp cận nhẹ nhàng, đặc biệt với những trẻ nhỏ.

Đề tài này được khơi lên trong nhà tôi giữa một bối cảnh kì lạ. Chị gái Alison của tôi sống trong một trang trại gần đó, và khi con gái Kyle của tôi lên bốn tuổi thì một con ngựa của Alison chết sau khi sinh con. Chúng tôi cuống cuồng gọi điện khắp cả nước để tìm một con ngựa bảo mẫu trong khi cô con gái tôi nước mắt ngắn dài hỏi mẹ rằng nó và Rhett sẽ ra sao nếu có chuyện không hay xảy đến với tôi.

Dù câu hỏi có làm tôi bất ngờ, song đó chính là thời điểm thích hợp để trấn an cô bé rằng nó và anh trai vẫn sẽ được chăm sóc và, trên thực tế, đã có một kế hoạch chi tiết (bản di nguyện) sẵn sàng ở đó rồi. Khi chúng tôi về nhà, Kyle nằng nặc đòi xem bản di nguyện và cho dù không thể đọc hết, cô bé vẫn có vẻ yên lòng rằng sẽ không phải trở thành trẻ mồ côi đi xin cháo ăn nếu như tôi chết.

Tôi có thể nói chắc rằng điều kiện thích hợp để nói chuyện về di nguyện của bạn sẽ tự nhiên mà đến. Trẻ con thường tò mò về cái chết và trẻ luôn có hàng đống câu hỏi về điều đó với bạn lúc chúng lên bốn hoặc năm tuổi.

Bạn sẽ tìm thấy một kẽ hở ở một trong số những câu chuyện đó để thêm vào rằng mọi người rồi sẽ chết, và trong khi ta chuẩn bị để sống lâu thật lâu, nếu có chuyện gì xảy đến, đứa trẻ sẽ không bị tống ra đường.

Trẻ dưới bảy tuổi có thể vẫn quá nhỏ để đi vào chi tiết bản di nguyện. Dĩ nhiên, chúng sẽ muốn biết một số thông tin như ai sẽ chăm lo cho chúng và chúng sẽ sống ở đâu. Một lần nữa, cần đảm bảo với trẻ rằng đã có một kế hoạch chu đáo cho tương lai của trẻ.

Dưới đây là định nghĩa về di nguyện cho trẻ. (Lưu ý rằng đây không phải định nghĩa cho người lớn, tập trung vào sự chia tài sản, mà là định nghĩa cho trẻ con những gì liên hệ tới nó.)

DI NGUYỆN: Một kế hoạch được thảo ra nhằm chỉ dẫn việc một đứa trẻ sẽ được chăm sóc ra sao nếu có chuyện không may xảy đến với cha mẹ nó.

Trẻ biết bạn đã chuẩn bị chu đáo từ trước về việc ai sẽ lo cho con sau giờ học khi không có bạn, vào tối thứ Bảy nếu bạn đi chơi, và khi cả hai vợ chồng bạn phải đi công tác hay du lịch xa nhà. Hãy giải thích rằng di nguyện chỉ như bản mở rộng của những sự chuẩn bị đó thôi.

Tôi sẽ nhấn mạnh với trẻ rằng, rất có thể, kế hoạch này sẽ không được dùng đến khi bạn đã rất già và con bạn đã trưởng thành. Sau cùng thì di nguyện được lập ra chỉ để phòng khi nguy cấp mà thôi.

Với những trẻ đã đi học, bạn nên đi sâu thêm vào một số chi tiết trong bản di nguyện và về chuyện nó được để ở đâu. Trẻ ở tuổi teen cần quen thuộc hơn với bản di nguyện và đặc biệt là về trách nhiệm của chúng nếu có những đứa em nhỏ hơn.

CẮT NGHĨA VỀ BẢO HIỂM VỚI TRẺ THẾ NÀO?

Bảo hiểm nhân thọ là một trong rất nhiều hình thức bảo hiểm, có liên quan tới di nguyện ở điểm là cả hai được lập ra để lo cho những đứa con theo cách này hay cách khác.

Tôi sẽ không trao đổi dài dòng về bảo hiểm ở đây. Thay vào đó, tôi sẽ cung cấp một định nghĩa về bảo hiểm và một vài khía cạnh của loại hình này để bạn thảo luận với trẻ khi nói chuyện về di nguyện.

Đây là định nghĩa về bảo hiểm cho trẻ nhỏ:

BẢO HIỂM: Một hợp đồng trong đó công ty bảo hiểm chi tiền cho bạn nếu có chuyện không may xảy ra.

Với những đứa từ 9 đến 18 tuổi:

BẢO HIỂM: Một hợp đồng được trả trước để đảm bảo khoản bồi thường cho những tổn thất do hỏa hoạn, trộm cắp, tử vong, hay các rủi ro khác.

Có rất nhiều hình thức bảo hiểm, từ bảo hiểm nhà cửa xe hơi cho đến bảo hiểm thương tật, sức khỏe, và bảo hiểm nhân thọ. Với phần lớn các hợp đồng bảo hiểm, bạn mua bảo hiểm và đóng một khoản phí bảo hiểm mỗi năm một lần trong thời hạn bảo hiểm bạn muốn.

Bảo hiểm nhân thọ thường là một khoản tiền lớn chi cho người thụ hưởng khi người mua bảo hiểm qua đời. Nếu cả hai vợ chồng bạn đều mua bảo hiểm nhân thọ (và bạn nên làm thế nếu có con), hãy giải thích với trẻ rằng số tiền đó sẽ quay về trợ giúp trẻ nếu bố mẹ gặp chuyện không may.

Với những đứa trẻ lớn và trẻ tuổi teen, sẽ rất có ích khi bạn cho chúng biết hợp đồng bảo hiểm được cất ở đâu, và tên công ty bảo hiểm, phòng trường hợp chúng phải giúp xử lý những chi tiết đó khi bạn vắng mặt.

TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ TÀI CHÍNH GIA ĐÌNH

Có thể sẽ có rất nhiều công việc tài chính bạn đang đảm đương mà chỉ mình bạn hiểu được bởi vì bạn luôn tự mình giải quyết chúng. Đó có thể bao gồm những chi phí gia đình hằng ngày và các hóa đơn cho đến tủ ký thác ngân hàng và danh mục đầu tư tài chính.

Hẳn nhiên có một sự thực tại Mỹ – nhất là từ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001– đó là người ta nghe được rất nhiều câu chuyện kinh hoàng về những người phụ nữ đột nhiên mất chồng và không có chút ý niệm nào về tình hình tài chính của họ, hay thậm chí phải tìm hiểu chuyện này ở đâu. Đó là một tình huống nghiệt ngã và hoàn toàn không đáng bị rơi vào.

Nếu bạn là “kế toán trưởng” và người quản lý tài chính của cả gia đình, bạn nên trao đổi với vợ/chồng mình về công việc của mình. Người chồng/vợ không tham gia quản lý tài chính cần có trách nhiệm biết được các ghi chép tài chính để ở đâu.

Nếu bạn là một người cha/mẹ đơn thân, bạn cần giữ cẩn thận các ghi chép đó để người thi hành hay người giám hộ của trẻ tới lo công việc, người đó có thể xác định tình trạng của các hóa đơn, các danh mục đầu tư, .v.v… Người lớn cần biết các ghi chép đó ở đâu, và tôi có thể nói rằng nếu trẻ đã hơn bảy hay tám tuổi, nó có thể chỉ cho người đó đúng ngăn kéo hay tủ sách có những ghi chép ấy. Nếu trẻ còn nhỏ, hãy nói với một người trong nhà, hay với người giám hộ chỗ cất các ghi chép đó.

Tôi cũng đề nghị rằng nhóc teen nhà bạn cần được biết khái quát sự sắp đặt về tài chính, và chắc chắn là cả chỗ cất các tài liệu quan trọng cùng các ghi chép nữa.

Dưới đây là một danh sách các tài liệu tài chính gia đình mà mọi người trong nhà phải tìm được khi bạn vắng mặt:

TÀI LIỆU TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG TRONG NHÀ

Hóa đơn

Bản sao kê ngân hàng

Séc bị hủy

Chứng từ nhà đất

Giấy đăng ký các loại phương tiện

Bản kê thuế

Hợp đồng bảo hiểm

Giấy bảo hiểm sức khỏe

Di nguyện

Danh mục đầu tư tài chính

Thông tin kế hoạch hưu trí

(Tài liệu phi văn bản)

Mã số két sắt

Nơi đăng ký tài khoản ngân hàng

Tài khoản đơn vị tín dụng

Địa điểm hầm an toàn

Sổ địa chỉ cá nhân

Các chìa khóa quan trọng, bao gồm cả chìa khóa tủ ký thác

Nhiều người cất những tài liệu đó trong những tủ kiên cố hoặc trong két sắt ở nhà, hoặc có thể họ để ở văn phòng làm việc. Hãy cho người mà bạn tin tưởng biết chỗ cất giữ nếu những tài liệu quan trọng ở nơi nào khác ngoài ngăn kéo bàn của bạn ở nhà.

QUỸ TÍN THÁC CHO CON BẠN

Quỹ tín thác (trust funds) là khoản tiền được để dành cho một ai đó khác, thường là con cái. Tôi sẽ không đi vào chi tiết cách thiết lập quỹ tín thác trong cuốn sách này – nhân viên ngân hàng hay luật sư của bạn có thể giúp bạn việc đó. Tuy nhiên, tôi nói đến nó ở đây bởi hai lý do: một, làm một gợi ý cho các bậc cha mẹ đang soạn kế hoạch tài chính cho con mình, và hai, để nhắc bạn rà soát lại các định hướng cho quỹ tín thác cùng với trẻ.

Nhiều người cho rằng quỹ tín thác là thứ chỉ dành cho những đứa trẻ rất, rất giàu có. Ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Chẳng hạn như nhiều bậc cha mẹ có thể lập quỹ tín thác riêng cho chi phí đại học sẽ khả dụng với trẻ khi con đến tuổi 18. Như thế, nếu cha mẹ có gặp chuyện gì trước khi người con đạt đến độ tuổi trên, người thi hành di nguyện sẽ giám sát việc sử dụng quỹ tín thác.

Một lần nữa, bạn nên nói qua về quỹ tín thác với trẻ ở tuổi tiểu học và mô tả chi tiết cho nhóc teen nhà mình.

TÀI SẢN CẤT GIẤU CỦA BẠN

Hãy dành ra vài phút để nghĩ thật cẩn thận về những phần tài sản khác đang được cất giấu mà bạn có thể có. Bạn có bí mật giấu một khoản tiền lớn ở đâu đó trong nhà? Ở nhà bạn có những món nữ trang đắt tiền, chứng nhận cổ phần, hay trái phiếu không? Có một khoản cho vay lớn nào mà một người bạn thân hay người họ hàng đang phải trả bạn?

Tất cả những tài sản bổ sung đó là một phần tài sản của bạn và sẽ thuộc về người thừa kế theo như di nguyện của bạn. Đó không nhất thiết phải ở trong di nguyện chính thức; chỉ cần có một ghi chép ở đâu đó trong các giấy tờ quan trọng của bạn.

GIẢI THÍCH CÁC KHỦNG HOẢNG KHÁC TRONG GIA ĐÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Ngoài việc cha mẹ qua đời, còn có những chấn động lớn khác ảnh hưởng tới gia đình cả về tình cảm lẫn tài chính. Một lần nữa, tốt hơn hết là hãy trò chuyện với con bạn về những điều đó từ trước cơn khủng hoảng.

Ly hôn

Đứa con đang độ tuổi đến trường của bạn hẳn đã từng nghe thấy từ “ly hôn”. Các nhà tâm lý trẻ em nói rằng đó là một tổn thương sẽ đi theo đứa trẻ cả đời nếu không được xử lý thích đáng.

Phần lớn những tổn thương đó gắn với tiền bạc (theo các thống kê thì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn). Sau cuộc chia tay, người nuôi con, thường là người mẹ, nhiều khi không đủ khả năng để sống ở nơi cũ, vậy nên họ sẽ phải chuyển đến một môi trường mới. Đó là chưa kể đến chuyện phần đông các bà mẹ sẽ phải quay trở lại làm việc, và việc nuôi con cũng thường thay đổi đáng kể.

Những điều đó có thể là chuyện thực tế của bạn hoặc không. Lời khuyên của tôi ở đây là giải thích từ trước với trẻ ly hôn là gì, điều đó sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào, và rồi đảm bảo với trẻ rằng bạn sẽ chăm lo cho con tốt nhất có thể.

Tái hôn

Các chuyên gia khẳng định trẻ rất muốn biết liệu sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến nó như thế nào trong những phạm vi rất đơn giản. Trẻ sẽ ngủ ở phòng nào? Người bố/mẹ kế sẽ đối xử ra sao với trẻ.

Thông thường, cuộc hôn nhân mới sẽ làm nhẹ đi gánh nặng tài chính của một phụ huynh nuôi con một mình đang phải đảm đương. Mặt tích cực về tài chính có thể làm dịu đi chuyện đau buồn, vậy nên hãy cố gắng chỉ ra những điều tích cực đó cho trẻ.

Mất việc và tạm nghỉ việc

Đây hẳn nhiên là một tình cảnh khốn khó và trong đó trẻ có triển vọng trở nên có ích. Cho dù chuyện bị mất việc hay tạm nghỉ làm được báo trước hoặc đột ngột, hãy giải thích với trẻ rằng cả gia đình sẽ phải cùng nhau cố gắng cho đến khi qua cơn khủng hoảng.

Trao đổi với trẻ rằng khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến gia đình nói chung, và đến nó nói riêng ra sao. Liệu con có phải nghỉ lớp học múa yêu thích? Bạn bị mất việc liệu rằng như vậy cả nhà sẽ thành vô gia cư? Trẻ con thường có những nỗi sợ hãi mà thực sự cần phải được giải tỏa ngay lập tức.

Hãy nói với trẻ những gì con có thể giúp trong tình huống này. Trẻ luôn muốn giúp đỡ vì như vậy khiến chúng cảm thấy sự việc trong tầm kiểm soát và có ích hơn. Biết đâu trẻ sẽ muốn hạn chế tiền tiêu vặt của con hay góp số đó vào giúp đỡ gia đình? Hay, liệu có một việc nhà, việc vặt nào đó con có thể giúp đỡ hoặc đảm trách, như trông em, làm vườn chẳng hạn?

Trẻ con có thể rất sáng tạo. Khi chồng một người bạn thân của tôi bị mất việc một tháng trước lễ Giáng sinh, các con cô đã góp toàn bộ tiền mua quà của chúng vào quỹ của gia đình, và tặng những “phiếu việc” thay cho quà. Một phiếu cho bữa sáng trên giường trong năm ngày Chủ nhật, một cho mười giờ yên lặng (mà cha mẹ được chọn), và một cho 20 giờ trông em miễn phí. Bạn tôi rất thích những món quà này, cô ấy đang muốn lại được nhận những món quà đó trong năm nay!

Chuyển nơi làm việc

Thông thường sự chuyển nơi làm việc là do cha mẹ được thăng cấp, và như vậy sẽ được tăng lương. Đó là những điểm tích cực để bù đắp cho đứa trẻ đang buồn vì phải xa người bạn thân hay cô giáo nó yêu quý. Hãy giải thích rằng việc gia đình từ bỏ thứ này để đến với thứ khác tốt hơn là hoàn toàn đáng làm.

BẠN CẦN BIẾT ĐIỀU GÌ VỀ TÀI CHÍNH CỦA CHA MẸ MÌNH?

Giờ bạn đã cập nhật cho vợ/chồng và con về tình hình tài chính của mình, vậy thì bạn biết gì về vấn đề tài chính của chính cha mẹ mình?

Các nhà xã hội học Mỹ gọi những người sống cùng con cái và cha mẹ mình là người thuộc “thế hệ nhân kẹp” (sandwich generation). Khái niệm này được dùng cho một nhóm các bậc cha mẹ tuổi trung niên, đang ngày một gia tăng, vừa phải chăm sóc con cái vừa phụng dưỡng cha mẹ đau yếu.

Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống, dù ốm đau hay mạnh khỏe, bạn vẫn cần thông hiểu ước muốn và dự định tương lai của họ. Bạn có thể phải có trách nhiệm thực hiện chúng, và/hoặc có thể có những hậu quả tài chính trực tiếp ảnh hưởng tới gia đình bạn.

Nhìn chung, không phải đi vào chi tiết cụ thể, câu hỏi chính bạn cần đặt cho cha mẹ mình là: “Ước muốn của cha mẹ khi khuất núi là gì?” và “Cha/ mẹ muốn thấy người bạn đời ở lại được chăm sóc ra sao?”.

Bạn cần biết những thông tin về di nguyện, bảo hiểm, và tài sản của cha mẹ bạn cũng như con bạn biết tình hình này của bạn vậy. Hãy hỏi cha mẹ bạn về chỗ họ cất các bản di nguyện và các tài liệu quan trọng khác (chứng từ, tờ khai thuế, đăng ký xe, vân vân).

Một câu “Nếu… thì sao?” quan trọng khác bạn cần trao đổi với cha mẹ mình đó là nếu họ bị tàn tật hay không thể tự sống một mình được thì thế nào. Họ có muốn vào viện dưỡng lão không? Họ muốn ở với bạn hay một người họ hàng khác không? Biết đâu họ sẽ muốn bán nhà, và xây một phòng riêng ở sát nhà bạn chẳng hạn.

Nhiều người, nhất là những cặp cha mẹ già, có những ý tưởng cụ thể về cách họ muốn đám tang của mình được tổ chức và nơi mình được chôn cất. Hãy nói chuyện với cha mẹ bạn về những ước muốn này, và nắm lấy những thông tin bạn cần.

Khi nêu ra vấn đề này với tất cả những khả năng có thể xảy ra – trong đó rất nhiều điều ảnh hưởng đến tài chính và lối sống của bạn – tốt hơn hết hãy thảo luận chúng với cha mẹ bạn trước khi cần đến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.