Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 10 THỎA THUẬN VẤN ĐỀ SINH HOẠT KHI CON ĐÃ LỚN



Tin nóng: Số lượng các bậc cha mẹ hứng chịu Hội chứng trống vắng đang giảm đáng kể trong thế kỷ 21.

Đó là tin tốt. Còn phần không-tốt-lắm với rất nhiều bậc cha mẹ là lí do nhiều đấng sinh thành không phải hứng chịu Hội chứng trống vắng vì họ chưa bao giờ có cơ hội. Các thống kê mới đây của Cục điều tra Dân số Mỹ cho thấy hai thực tế đáng chú ý: nhiều người con trưởng thành tiếp tục sống ở nhà cha mẹ lâu hơn trước khi dọn ra riêng, và nhiều người con trưởng thành quay lại nhà mẹ đẻ sau một thời gian sống tự lập. Thực tế, hiện tượng này trở nên phổ biến đến nỗi nó đã có một cái tên: Thế hệ Boomerang.

Theo những thống kê dân số gần đây, ngày nay 56% nam giới và 43% nữ giới ở độ tuổi từ 18 đến 24 sống với cha mẹ mình. Trong số những người mới tốt nghiệp đại học, con số này mới thật đáng kinh ngạc: 65% trở lại sống với cha mẹ.

Nguyên nhân của cả hai xu hướng trên gần như hoàn toàn là vấn đề kinh tế; những người con trưởng thành đơn giản không đủ khả năng tài chính để sống tự lập.

Nhưng không chỉ những tân cử nhân mới phải chịu khó khăn này. Tôi biết một người đồng nghiệp cũ vừa đưa cả gia đình sáu người của mình về ở cùng cha mẹ già vì anh bị thất nghiệp và suốt một năm trời không tài nào tìm được việc mới. Thật đáng buồn cho những ai rơi vào tình cảnh này.

Nếu đứa con đã lớn của bạn (tạm thời) thất bại trong việc tìm kiếm một cuộc sống tự lập ổn định, bạn sẽ làm gì?

Gần như chẳng người nào tôi biết có thể nói không với một đứa con cần trở về nhà, tuy vậy xin đưa ra một vài chỉ dẫn đã được chứng minh có thể khiến tình thế boomerang trở nên dễ dàng hơn.

Đừng cho rằng mọi thứ sẽ giống như khi con bạn còn đang ở năm cuối trung học. Mọi thứ đã thay đổi. Con bạn đã đổi khác, bạn đã đổi khác, thế giới cũng đã thay đổi Hãy trao đổi các quy tắc trong gia đình với con bạn, nhưng sau chót, bạn phải tạo ra quy tắc. Đó là nhà bạn mà. Hãy viết chúng ra. Làm thành một hợp đồng. Thực ra, hãy làm nó thành một hợp đồng thuê nhà. Không nhất thiết hợp đồng này phải được lập bởi một luật sư; các bạn vẫn là người một nhà, gắn với nhau bằng tình yêu thương và lòng tin tưởng. Nhưng chuyện này cần phải nghiêm túc mới được.

TẠI SAO PHẢI LẬP HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI LỚN?

Mục đích của hợp đồng thuê nhà là tạo ra các quy tắc cả hai bên cùng đồng thuận để giảm thiểu những mâu thuẫn hay hiểu lầm về sau này. (Nó cũng có nhiều điểm tương tự như hợp đồng trước hôn nhân.)

Với những đứa con lựa chọn ở lại nhà bạn sau khi tốt nghiệp đại học, hợp đồng này giúp khẳng định con là một người lớn trong mắt bạn. Bản hợp đồng cho thấy trong mắt bạn con là một người trưởng thành. Hợp đồng ghi nhận con là một người lớn với những sự tự do và trách nhiệm nhất định. (Có thể bạn sẽ phải tháo bỏ lệnh giới nghiêm 11 giờ đêm, song bạn cũng sẽ thôi không giặt đồ cho con nữa.)

Với đứa con lớn về lại nhà, bản hợp đồng sẽ làm tắt đi mọi ảo tưởng rằng bạn là một nhà nghỉ với dịch vụ phòng miễn phí. Con bạn cũng có thể thực sự đón nhận một hợp đồng chỉ ra các bổn phận của mình bởi lẽ như thế sẽ làm giảm bớt cảm giác lệ thuộc và vô dụng. Cho dù một người con không thể san sẻ hoàn toàn gánh nặng tài chính cho cả gia đình, người đó vẫn có thể giúp trong các công việc nhà.

Dưới đây là một vài chỉ dẫn về những điều cần đề cập trong hợp đồng. Trừ một vài ngoại lệ, hầu hết những điều trong hợp đồng này không có một đáp án đúng hay sai. Những điều như là giới hạn thời gian người con sống dưới mái nhà của cha mẹ và ai trả tiền cho cái gì là rất khác nhau giữa nhà này và nhà khác.

LÀM SAO ĐỂ LẬP MỘT HỢP ĐỒNG VỚI CON ĐÃ TRƯỞNG THÀNH CỦA BẠN

Hợp đồng này cần được lập tại thời điểm người con bắt đầu làm việc và quyết định đợi một thời gian trước khi rời nhà, hay trước khi người con lớn quay trở về nhà bạn. Sẽ khó hơn nhiều để phá bỏ các lề thói cũ sau khi người con đã ổn định chỗ ở.

Nên nhớ trong trường hợp này bạn là chủ nhà và con bạn là khách thuê. Cho dù bạn coi con mình là người lớn, bạn vẫn có những đặc quyền nhất định mà con không có.

Dưới đây là một danh sách những câu hỏi mà vợ chồng bạn, những người chủ nhà, cần phải tự đặt cho mình để xác nhận những điều bạn cho là hợp lẽ trước khi trao đổi với con mình. Những câu hỏi này tập trung vào những rắc rối thường xảy ra trong một gia đình. Rất nhiều trong số đó thực sự được đặt ra trong một hợp đồng thuê căn hộ, vậy nên không phải là vô lí khi bạn, với tư cách chủ nhà, tập trung vào đó.

BÀI TẬP CHO CHA MẸ SẮP LÀM CHỦ NHÀ

1. Con bạn có phải trả tiền nhà hay không?

2. Tiền nhà nên là bao nhiêu?

………….. nếu đi làm, ………….. nếu thất nghiệp

3. Con bạn có phải trả tiền đặt cọc thuê nhà không?

Có và khoản đó trị giá ……….. tháng thuê nhà

Không

4. Hợp đồng này có thời hạn cụ thể không?

Có trong ………. năm, rồi làm mới, nếu cần

Không

5. Bạn sẽ chia các chi phí thế nào?

Điện ……..–…….. (phần trăm, chẳng hạn như 50-50, 60-40)

Nước ……..–…….. (phần trăm)

Điện thoại ……..–…….. (phần trăm cước phí)

Các khoản khác ………….

6. Con bạn sẽ phải chịu trách nhiệm những việc nhà nào?

Trong nhà …………. (đổ rác, quét nhà, hút bụi, vân vân)

Ngoài trời …………. (gom lá, dọn dẹp, sơn tường, vân vân)

7. Con có được phép đi xe của bạn không?

Nếu có, ai sẽ trả tiền xăng và phí sửa chữa, bảo hiểm?

8. Con bạn sẽ đỗ xe riêng ở đâu?

Trong gara/ngõ vào/trên phố/chỗ khác ………….

9. Con bạn có được phép nuôi (thêm) vật nuôi không?

10. Khách của con có được ở lại qua đêm không?

11. Con bạn có thể ăn đồ bạn mua chứ?

Có và con góp số tiền …………. vào ngân quỹ

Không

12. Ai sẽ đảm trách chuyện nấu ăn?

Đây không phải bài kiểm tra, nên cũng sẽ không có đáp án đúng hay sai. Đó là một danh sách sẽ giúp bạn bắt đầu quyết định những điều có trong hợp đồng với con bạn.

Mọi gia đình đều có những vấn đề cần được bổ sung thêm trong hợp đồng, như chuyện người hút thuốc với người không, tiếp khách khi nào và ở đâu… Hãy nghĩ về những điều đó và cả những vấn đề khác có liên quan.

Bước kế tiếp là phải viết ra bản hợp đồng với các quyết định được coi là hợp lí của vợ chồng bạn, rồi thảo luận về nó với con/khách trọ của bạn. Vẫn như mọi khi, hãy sẵn sàng thương lượng. Biết đâu con bạn lại muốn giữ trách nhiệm kiểm tra xem xe bạn có được bảo dưỡng đầy đủ không để bù vào việc bạn cho nó dùng chung xe.

Hợp đồng này có thể cũng là một mẫu phù hợp dành cho những người trẻ ở cùng một căn hộ. Họ sẽ phải đặt những câu hỏi tương tự cần giải quyết trước khi dọn đến ở cùng nhau.

VÀ MỘT VÀI GỢI Ý KHÁC

• Đặt ra một hạn dọn đi, đó có thể là 3 tuần, 3 tháng hay 3 năm.

• Viết ra một thủ tục xử lý những vi phạm hợp đồng. Theo bạn thì có những điều vi phạm hợp đồng không? Sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu đời sống tài chính của con bạn tan nát vì rượu hay thuốc phiện. Nhưng còn có thể có những vấn đề khác, từ hành vi tình dục hay “mượn” đồ của bạn, cho đến một mức độ bừa bãi mà không thể chấp nhận được. Đó là những vi phạm “hết chịu nổi”, hay sẽ có những mức cảnh cáo? Nếu có thì bao nhiêu lần?

• Giúp các con bạn sắp xếp lại các khoản nợ, nếu chúng đang mắc phải. Đừng chỉ đơn thuần cứu con mình khỏi cái hố sâu tài chính. Vì như thế chẳng khác nào cho chúng con cá thay vì dạy chúng cách câu, như tục ngữ đã dạy. Cùng con xây dựng ngân sách và phá bỏ các thói quen chi tiêu cũ, để con có thể tránh các món nợ sau này.

• Và – điều này cực kì quan trọng – đừng hi sinh tương lai kinh tế của chính bạn. Hãy ấn định một mức thực tế bạn có thể giúp và không vượt quá số đó. Hãy nhớ, con bạn có nhiều thời gian hơn bạn rất nhiều để khắc phục vấn đề tài chính.

Tôi biết một câu chuyện về các bậc phụ huynh buộc phải cương quyết đuổi con trai mình, vợ anh ta và bốn đứa con ra khỏi nhà vì những căng thẳng cao độ họ tạo ra cho sức khỏe của đôi vợ chồng già này. Tôi cũng biết một đôi vợ chồng sau cùng đã quyết định để ngôi nhà của họ cho ba người con trai lớn và dọn ra một căn hộ gần đó.

Tuy nhiên, tôi thường xuyên nghe những chuyện về những người cha mẹ cho các con lớn của mình một chốn nương náu tương đối an toàn khỏi thế giới khắc nghiệt trong khi người con định hình lại cuộc sống sau khi ly hôn hoặc là thay đổi công việc. Việc này thường rất có hiệu quả. (Đương nhiên sẽ tốt hơn nếu cha mẹ có một căn nhà rất lớn!)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.