Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 4 CÔNG VIỆC ĐƯỢC TRẢ THÙ LAO VÀ CÁCH LẬP MỘT NGÂN SÁCH



Giờ ta hãy nhìn đến những điểm mấu chốt khi tạo một mô hình tiền tiêu vặt có được từ việc Làm-Thì-Có-Lương, khởi đầu với những kiểu công việc vặt mà bạn có thể kỳ vọng ở trẻ ở từng độ tuổi khác nhau thực hiện được.

CÁC VIỆC NHÀ ĐƯỢC TRẢ CÔNG

Từ 3 đến 6 tuổi

Một điều rất quan trọng là bạn cần khởi động mô hình này thế nào để tạo một trải nghiệm tích cực cho trẻ. Vậy nên hãy nhớ rằng tuy nguyên tắc “chưa được trả tiền chừng nào chưa hoàn thành công việc” là rất hay, nên tuân thủ ngay từ đầu, song bạn vẫn muốn chắc chắn rằng trẻ làm hết mọi việc nhà được giao và được nhận thù lao. Vì vậy lúc mới đầu hãy cùng trẻ thực hiện những việc được trả thù lao đó, và khi chúng đã quen với nhiệm vụ rồi thì ít nhất hãy ở cạnh con bạn để động viên trẻ và để chắc chắn rằng chúng không bị xao lãng hoặc lan man. Hãy đảm bảo trẻ là người làm việc chính – chúng sẽ rất khoái nói “Mẹ/Bố làm việc này nhé!”, nhưng hãy cứ ở bên trẻ, khiến cho công việc trở nên vui vẻ nhẹ nhàng và giám sát cho đến khi công việc được hoàn thành.

NHỮNG VIỆC LÀM ĐỂ KIẾM TIỀN TIÊU VẶT (TRẺ LÀM CÙNG CHA MẸ)

Chuẩn bị bàn ăn

Mang đũa bát ra bàn

Dọn bàn ăn sau khi ăn xong

Lau bụi một phần của một căn phòng trong nhà

Quét hoặc hút bụi ghế, đi-văng

Đổ rác

Tưới cây

Cho vật nuôi ăn

Mang giỏ rác nhỏ (trong phòng ngủ) ra thùng rác lớn

Hãy cho trẻ 3 việc vặt để làm, mỗi tuần 4 lần (làm cách nhật). Duy trì chu trình đó chạy ổn trong 6 tháng, rồi thêm vào 1 việc mới. Bạn nên làm một “bảng việc nhà” cho trẻ và dán lên cửa tủ lạnh ở ngang tầm mắt chúng. Bảng đó nên có dạng như thế này:

Hãy đảm bảo trên bảng có đủ chỗ để đánh dấu lớn hay gắn một ngôi sao to thể hiện rằng trẻ đã làm xong việc. Chỉ cho trẻ cách làm rồi kiểm tra khi việc đã được hoàn thành để chắc chắn kết quả đó đạt tiêu chuẩn (tương đối đơn giản nếu như bạn đã ở đó để kiểm tra, nhưng việc này sẽ tạo một khuôn mẫu trong tương lai). Nếu kết quả chưa được như ý, trẻ sẽ phải làm lại lần nữa cho đến khi nào được thì thôi.

Nếu bạn có hơn một nhóc, hãy làm riêng các bảng việc nhà cho từng đứa.

Từ 7 đến 15 tuổi

Với trẻ từ 7 đến 15 tuổi, ban đầu bạn sẽ hướng dẫn trẻ cách làm việc, và làm cùng với con trong vòng một tháng hoặc lâu hơn (tùy thuộc vào độ khó của công việc). Sau đó, trẻ sẽ phải tự làm. Con càng lớn, bạn càng tốn ít thời gian giúp trẻ làm việc.

Dưới đây là một vài ví dụ về những việc nhà phù hợp với lứa tuổi này. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ra thêm việc gì đó, tùy thuộc vào nhu cầu của gia đình.

Sắp bàn ăn

Dọn bàn – cho bát đĩa vào máy rửa chén bát hoặc bồn rửa

Lấy quần áo từ trong giỏ đựng đồ dơ mang ra phòng giặt

Xếp riêng đồ trắng/đồ màu

Quét dọn một phòng

Lau nhà

Hút bụi

Buộc túi rác

Mang rác đi đổ

Lấy thư vào nhà

Cho vật nuôi ăn

Cào lá rụng cho sân vườn

Làm cỏ trong vườn

Với những trẻ lớn hơn, số lượng và tần suất việc nhà sẽ phải được điều chỉnh, nhưng hãy bắt đầu như thế này:

Bốn việc nhỏ, mỗi tuần năm lần

Hai việc lớn, mỗi tuần một lần

Với những trẻ nhỏ, cứ sáu tháng bạn thêm vào một (hoặc hai) việc trên, và công việc sẽ càng khó hơn khi trẻ lớn hơn lên.

Một lần nữa, việc nhà phải được giám sát, với một bảng thống kê có đánh dấu (có lẽ không nên dùng những ngôi sao với trẻ lớn). Bạn có thể cho trẻ đánh dấu X vào bảng lúc con làm xong việc, và bạn khoanh tròn dấu X nếu đã hài lòng. Với những trẻ lớn hơn, nguyên tắc “không làm, không lương” phải được áp dụng. Với cách đó, trẻ sẽ không dám bỏ việc quá một lần!

VIỆC NHÀ CỦA CÔNG DÂN GIA ĐÌNH

Nhớ được những việc trẻ làm mà không được trả tiền là rất quan trọng. Chúng không được trả tiền để đánh răng, để được điểm cao, hay những việc tương tự như thế. Những việc đó đơn giản là trẻ phải thực hiện. Và nếu chúng cần phải bị trừng phạt vì điểm kém hay ở bẩn, thì hình phạt cũng không ở dưới dạng cắt giảm tiền tiêu vặt. Việc nhà được (hay không được) thưởng bằng tiền, hành động phải được (hay không được) thưởng bằng hành động: không cho xem TV, bắt đi ngủ sớm,…

Ngoài ra, không phải việc nhà nào trẻ được giao cũng là việc làm mới có tiền. Có những điều chúng ta làm đơn giản vì chúng ta là thành viên của gia đình, và mọi người đều phải tham gia.

Khác biệt giữa một việc được trả thù lao và một việc của Công dân Gia đình là gì? Đó có lẽ sẽ là lựa chọn của từng gia đình. Dù là việc nào đi chăng nữa thì ta cũng đang nói đến những việc giúp cho gia đình vận hành tốt hơn. Giữ phòng mình sạch sẽ có thể là một việc của Công dân Gia đình (CDGĐ). Ngoài việc đó ra… gấp quần áo là việc được trả thù lao hay việc của CDGĐ? Điều đó tùy bạn quyết định. Điều quan trọng là bạn phải chắc chắn rằng mình có phân ra hai loại công việc như thế.

VIỆC VẶT

Khi con cái lớn lên, chúng sẽ sẵn sàng để nhận thêm trách nhiệm. Trẻ sẽ đủ khả năng đảm đương những việc lớn hơn, và bạn cũng nên sẵn sàng để giao việc cho chúng. Đó là những việc vặt , và bạn sẽ trả con thêm tiền cho những việc đó, bên cạnh tiền tiêu vặt của chúng.

Thêm ư?

Đúng, vì hai lí do.

— Đầu tiên, trẻ cần thêm tiền tiêu vặt. Ví dụ, một nhóc mười tuổi sẽ có nhu cầu chi tiêu cao hơn là một phần ba của 90.000 đồng mỗi tuần (số tiền tiêu vặt sau khi đã bớt đi 10.000 đồng – tương đương 10% – để làm từ thiện).

— Thứ hai, bạn đang tiến đến việc dỡ bỏ mô hình tiền tiêu vặt này. Khi con bạn đã 15, 16 tuổi, chúng sẽ không cần đến một khoản tiền tiêu vặt từ bố mẹ nữa. Trẻ đã có thể tự làm ra tiền.

Nhưng trước hết, làm các công việc vặt là để kiếm thêm tiền, và điều này nghĩa là chúng chỉ đứng ở vị trí thứ hai… sau khi những việc nhà được trả lương của trẻ đã hoàn thành. Không giao cho trẻ việc vặt nếu toàn bộ những việc cơ bản chưa được hoàn thành. Và, tất nhiên rồi, không giao việc cho đến khi con bạn làm xong bài tập.

Sau đó thì trẻ sẵn sàng nhận thêm việc.

Các công việc vặt có thể là những việc nặng ngoài trời, như lau rửa xe cộ, sửa bậc thềm, dọn dẹp gara, thay dầu xe, cuốc đất và trồng cây. Hoặc đó cũng có thể là những việc trong nhà như phân loại sách trong thư viện gia đình, scan album ảnh cũ vào máy tính, thay rèm phòng khách.

Và bạn nên trả con mình bao nhiêu tiền cho những việc đó? Xem nào, bạn sẽ trả cho một người khác bao nhiêu để họ làm cũng việc đó nhỉ? Nhưng … hãy tính tiền theo công việc, đừng theo giờ làm việc. Ví dụ, nếu bạn đã tính được việc dọn gara tốn 10.000 đồng/giờ và áng chừng sẽ làm hết 3 giờ, vậy công việc đó được trả 30.000 đồng.

NGÀY LĨNH LƯƠNG

Đó là ngày lĩnh lương đầu tiên của con bạn. Bạn sẽ làm gì?

Hãy chọn đúng một ngày cố định mỗi tuần, như thế trẻ có thể trông mong đến ngày đó. Thứ Sáu là một ngày đẹp để trả lương, tuy vậy hãy cứ chọn ngày nào phù hợp với bạn.

Hãy lấy ra bốn phong bì, và đảm bảo bạn có sẵn tiền mặt – không chỉ tiền mặt mà còn phải đúng cả mệnh giá, để bạn có thể chia ra.

Với con trẻ, hãy đếm tổng số tiền, rồi lại chia vào mỗi phong bì. Đó sẽ là một bài học tính toán hữu ích với những trẻ nhỏ và còn là một bài thực hành dùng máy tính rất thiết thực, nên bạn cũng cần có một chiếc máy tính trong tay.

Ngân sách. Đây là từ bị hầu hết người lớn xếp hạng vào danh sách những trách nhiệm đáng ghét nhất, cùng với những việc như làm răng và lau lò nướng. Giống như việc cố gắng duy trì chế độ ăn kiêng, hầu hết người lớn gặp khó khăn vì đôi khi phải xoay xở để sống trong giới hạn ngân sách.

Không nên coi ngân sách là công cụ để hành hạ bản thân. Nó chỉ đơn giản là một công cụ điều phối giúp người ta quản lý tiền nong hiệu quả hơn. Tôi thích hình dung về ngân sách như một dạng bản đồ, một kế hoạch để đưa bạn từ đây đến cái đích tài chính trong tương lai.

Lần cuối bạn và người bạn đời của mình ngồi dự trù ngân sách cho gia đình là khi nào? Thói quen đó còn được duy trì hay không? Làm thế có tác dụng với gia đình bạn không? Cũng như khi chúng ta khảo sát phong cách tài chính của bạn và nhóc nhà bạn, có một việc đáng làm là ngồi xuống và ước định ngân sách của chính bạn cho gia đình trước khi bắt đầu với ngân sách của con.

ÐÁNH GIÁ KỸ NĂNG DỰ TRÙ NGÂN SÁCH CỦA BẠN

Hãy nghĩ xem cá nhân bạn đã vận hành ngân sách như thế nào. Bạn có tự tạo cho mình một phần thưởng nhỏ vì chi tiêu đúng trong ngân sách hằng tháng? Một chương trình tiền lương tiết kiệm tự động[13] có hiệu quả nhất với bạn? Bạn có thường tránh xa khu mua sắm hay cửa hàng bách hóa cho đến khi bạn không còn nợ nần gì trong thẻ tín dụng?

Hầu hết mọi người có những trò chơi nho nhỏ mà họ dùng để đạt được mục tiêu duy trì ngân sách. Tôi cũng chơi những trò tương tự với chính mình để duy trì chế độ ăn kiêng. Đơn giản tôi không cho phép mình đi xuống gian hàng bánh quy trong cửa hàng bách hóa và tôi sẽ lái xe vòng qua bốn tòa nhà để tránh không phải đi qua quán kem Sweet Sue; nhưng nếu tôi đã thực hiện ăn kiêng tốt trong suốt cả tuần, tôi sẽ tự cho phép một chút thoải mái vào cuối tuần. (Nhân tiện, tôi rất hay so sánh ngân sách với chế độ ăn kiêng. Đây là hai khái niệm tôi đặt sát cạnh nhau và tôi sẽ gặp khó khăn trong việc chọn một hình ảnh khác để so sánh!)

Hãy nghĩ về những phương pháp duy trì ngân sách đã được chứng minh là hiệu quả với bạn và cân nhắc xem bạn có thể biến những nguyên tắc ấy thành hành động ra sao để có thể giúp nhóc nhà mình.

Theo phần đông các nhà hoạch định tài chính, dự trù ngân sách của người lớn thường bị thất bại vì một trong những lí do sau:

(1) Thiếu trách nhiệm (hay thiếu kỷ luật tự giác)

(2) các mục tiêu không thực tế

(3) một tình huống bất ngờ nghiêm trọng (như đột ngột bị mất việc, ly hôn, hay ốm đau), làm khánh kiệt ngân sách.

Lí do số 1 và số 2 có thể khắc phục được. Và trong khi không thể biết được tình huống bất ngờ gì có thể xảy ra, vẫn có rất nhiều việc bạn có thể làm để bảo toàn ngân sách của mình (bằng cách tiết kiệm tiền) và qua đó giảm tối thiểu thiệt hại tài chính nếu có chuyện rủi ro.

Thế nhưng con bạn, lại là một kẻ mới chân ướt chân ráo bước vào thế giới của ngân sách và có rất nhiều điều bạn có thể làm để bảo vệ ngân sách của trẻ khỏi những sơ sẩy thường tình của người lớn. Tôi sẽ giải thích kĩ hơn điều này trong những phần tiếp theo.

TẠI SAO NGÂN SÁCH LẠI QUAN TRỌNG?

“Tại sao?” là một câu hỏi phổ biến và được đặt ra thường xuyên trong gia đình đông trẻ con của tôi, và cũng là câu hỏi tôi sẽ nêu ra cho gia đình các bạn. Trước khi đi vào định nghĩa ngân sách là gì và làm sao để lập ra một ngân sách cho con bạn, ta hãy cùng thảo luận xem tại sao ngân sách lại quan trọng.

Tôi nói với các con mình rằng “một ngân sách khôn khéo cho phép các con chi cho những gì mình cần và tiết kiệm để mua những gì mình muốn.” Còn có 3 hay 4 mục đích quan trọng nữa của ngân sách mà tôi sẽ bàn tới, nhưng chi trả các khoản phí và, có thể là, tiết kiệm cho một thứ gì đặc biệt là hai điều hấp dẫn nhất với trẻ.

Là một người mẹ, tôi nhận thấy việc dự trù ngân sách khuyến khích một cách mạnh mẽ trẻ ở mọi lứa tuổi đối mặt với hậu quả của việc tiêu tiền, và kiềm chế ham muốn trước những vui thú tức thì.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐẶT RA CÁC MỤC TIÊU TÀI CHÍNH

Trước khi ngồi lại với với con, bạn hãy tự hỏi mình câu này:

“Mục tiêu tài chính nào bạn muốn khuyến khích con đặt ra ở tuổi của trẻ?” Bạn có muốn cậu nhóc mười tuổi nhà bạn mạnh dạn bắt đầu tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe đạp mới không? Cô con gái mười bốn tuổi của bạn có nên góp phần mình vào chi phí trại hè đắt đỏ mà nó muốn tham gia không? Hai đứa sinh đôi có muốn đến thăm bà ở Florida trong kì nghỉ xuân hay không?

Nếu như có một kế hoạch tiêu tiền lớn mà bạn cảm thấy các con mình sẽ hiểu rõ giá trị hơn nếu chúng góp phần mình vào đó, hãy nhìn sang cột “chi tiêu dài hạn” của trẻ. Bạn cần phải quyết định có nên tăng thu nhập/tiền tiêu vặt cho trẻ trong mảng này không (và thêm việc vào danh sách việc nhà của trẻ).

Điều tương tự cũng đúng với “chi tiêu”, đặc biệt trong các khoản chi phí sinh hoạt. Hãy nghĩ về khoản tiền bạn vẫn thường chi cho con vào những nhu cầu căn bản như quần áo, ăn uống, tiền ăn trưa, học phí, xem phim. Liệu rằng có khoản chi thông thường nào, chẳng hạn như tiền ăn trưa, bạn vẫn thường trả mà giờ bạn có thể chuyển khoản chi đó cho nhóc đang học cấp 1 nhà bạn không?

Dưới đây là một số khả năng:

CHI PHÍ HẰNG TUẦN MÀ TRẺ CÓ THỂ ĐƯỢC NHẬN

Tiền ăn trưa Tiền xe buýt

Tiền học thêm Tiền sắm học cụ

Tiền đi tham quan

Sau cùng, hãy cùng trao đổi với con bạn về mục tiêu tài chính dài hạn của trẻ. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhé. Các cô cậu bé có thể làm bạn ngạc nhiên đấy. Có thể lần đầu tiên bạn biết được Johnny hay Jane có ước mong thầm kín là trở thành một nhiếp ảnh gia vĩ đại (một thú chơi tốn kém). Hoặc con muốn có một mô hình máy bay.

Những mục tiêu có thể thay đổi theo tháng và như vậy cũng không sao cả. Nếu bạn cho phép con ước mơ, trẻ sẽ nhiệt tình hơn với với kế hoạch tài chính để biến ước mơ thành hiện thực.

LÀM SAO ĐỂ CẮT NGHĨA VÀ LẬP RA MỘT NGÂN SÁCH

Tới đây, bạn đã cắt nghĩa cho trẻ những điểm căn bản về tiết kiệm, chia sẻ với người khác và tiêu dùng. Trẻ đã có một nguồn thu nhập, hay tiền tiêu vặt hằng tuần, và giờ bạn cùng với trẻ sẽ lập ra một kế hoạch tổng thể, hay một ngân sách, cho số tiền này.

Hãy cùng bắt đầu với một định nghĩa đơn giản về ngân sách. Đây là định nghĩa của tôi dành cho trẻ:

NGÂN SÁCH: Một kế hoạch đề ra những việc ta sẽ thực hiện với số tiền của mình.

Bạn đã thiết lập được một khung cơ bản cho ngân sách của trẻ: 10% từ thiện, số còn lại chia làm ba phần cho Tiền Cơ động và Khoản Tiết kiệm Trung và Dài hạn. Nhưng đằng sau các mục tiết kiệm đó là gì?

Khoản Tiết kiệm Dài hạn là thứ không được đụng tới. Nó được để dành cho tương lai của con bạn – để đi học đại học, để tự khởi nghiệp.

Nhưng còn Tiết kiệm Trung hạn thì sao? Khoản này dành cho những thứ đặc biệt mà con bạn đang tiết kiệm để mua, từ búp bê Barbie cho tới máy nghe nhạc iPod. Nhưng còn thứ gì khác nữa được chi từ khoản Tiết kiệm Trung hạn này? Quà cho ngày của Mẹ, quà sinh nhật cho Bà? Bạn cần phải tính đến những thứ này và nhắc cho trẻ biết. Cho dù bạn sẽ trả một phần cho quà tặng trong một ngày lễ của gia đình, nhóc nhà bạn cũng nên chi ra một phần tiền tiết kiệm ngắn hạn của trẻ nữa.

Hãy giúp trẻ dự trù ngân sách cho những khoản đó. Bàn về những món quà trẻ sẽ chịu trách nhiệm mua sắm vào các dịp lễ. Trẻ sẽ mua quà cho ai? Trẻ sẽ tặng người đó thứ gì? Các món quà tốn bao nhiêu tiền? Catalog giới thiệu sản phẩm và mạng Internet sẽ là những công cụ đắc dụng cho việc này. Bạn sẽ hỗ trợ bao nhiêu và trẻ sẽ chịu trách nhiệm bao nhiêu chi phí cho các món quà đó? Hãy quyết định những điều này trên tỉ lệ phần trăm – nếu bạn nói, “Con hãy chi ra 30 đô la, con yêu ạ, còn mẹ sẽ xử lý phần còn lại”, bạn có thể sẽ ngã ngửa ra khi biết rằng mình vừa cam kết trả hết chi phí, trừ 30 đô la, cho một chiếc TV plasma màn ảnh rộng.

XỬ LÝ NHỮNG TÌNH HUỐNG BẤT THƯỜNG VỚI NGÂN SÁCH

Người lớn chúng ta hiểu rất rõ rằng “người tính không bằng trời tính…”. Những tình huống bất thường khó lường trước luôn có thể xảy ra khi bạn ít ngờ đến nhất. Cô giáo của trẻ bất ngờ thông báo sẽ nghỉ để đi lấy chồng và bọn trẻ muốn mua một món quà chia tay, hay có thể con gái bạn muốn một bộ váy đặc biệt đi dự tiệc.

Bạn sẽ phải trao đổi với trẻ về những chi phí bất thường này. Mô hình mà tôi áp dụng là một danh sách bất tận những công việc vặt để trẻ có thể kiếm tiền cho những khoản chi cấp kì.

Ý nghĩa của việc dạy trẻ về tiền bạc và cách quản lý tài chính là để phát triển và khơi nguồn trách nhiệm của con cái. Nhìn chung, nếu tôi cảm thấy các con mình đã tiết kiệm và chi dùng tiền tiêu vặt một cách hợp lí, tôi sẽ giúp chúng những khoản chi bất thường. Đôi khi, nói ví dụ, tôi gợi ý con trai rằng tôi sẽ cùng thanh toán khoản tiền con đi tham quan với các bạn ở lớp. Tôi sẽ trả tiền tham quan, con sẽ tự chi trả cho các khoản chụp ảnh hay mua quà lưu niệm mà nó muốn. Điều này cho phép nó đóng góp phần tiền tiết kiệm vào việc chi tiêu mà không phải xài cạn kiệt số tiền ấy, và điều đó cũng khiến tôi cảm thấy mình đang giúp con làm một việc nó thực sự mong muốn, hơn là chỉ phát tiền tiêu vặt cho trẻ.

Đối với cả trẻ con và người lớn, lúc nào chúng ta cũng có vô số nhu cầu về tiền bạc. Lựa chọn tiêu tiền cho việc gì và khi nào là một thử thách của cả đời. Nếu con bạn đã đủ lớn để kiếm tiền, thì trẻ cũng đã đủ lớn để bắt đầu quy trình quyết định nên tiêu tiền như thế nào. Bạn và trẻ sẽ phải cùng nhau xử lý từng vấn đề một.

Tuy nhiên, đôi khi, có những chuyện không ngờ xảy ra buộc ta phải chi tiêu. Nếu đèn trước của xe bị vỡ, người lớn sử dụng xe phải trả tiền, cho dù người đó có làm hỏng nó hay không. Vấn đề tương tự có thể xảy ra với nhóc nhà bạn. Nếu con bạn vô tình đánh bóng chày vào cửa sổ nhà hàng xóm, ai sẽ trả tiền đền đây? Bạn hay trẻ?

Cách tốt nhất để xoa dịu cảm xúc trong những tình huống này là trao đổi về khái niệm “hậu quả tự nhiên” với con bạn trước khi thảm họa xảy ra. Nói chuyện với trẻ về điều mà trẻ tin là công bằng, và về trách nhiệm trẻ nên thực hiện khi sự cố xảy ra.

Dưới đây là một danh sách những câu “Nếu… thì…” bạn và con có thể nói tới:

NẾU CHUYỆN NÀY XẢY RA, BẠN VÀ TRẺ SẼ LÀM GÌ?

Ai chi tiền cho những sự cố kiểu như làm vỡ bình hoa, hoặc vỡ cửa sổ nhà hàng xóm?

Chuyện gì xảy ra nếu trẻ đánh mất tiền?

Con bạn có nên cho người khác vay tiền? Có nên mượn tiền?

Chuyện gì xảy ra nếu trẻ không hoàn thành công việc được giao để kiếm tiền tiêu vặt?

Bạn và nhóc có thể sẽ đi tới kết luận rằng có những sự cố con sẽ phải tự chi một phần phí tổn. Hãy tính đến chuyện cho phép con bạn giải trừ một vận đen đáng kể bằng cách làm thêm một số công việc, như lau dọn tầng hầm hay gara. Hình phạt này sẽ tạo một ấn tượng mạnh trong trẻ, nhưng sự cố sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.

Tiền được tặng

Ông bà, cô chú hay những người bạn lớn thường cho trẻ tiền trong ngày sinh nhật, lễ Giáng sinh, năm mới… Đôi lúc người cho tiền có một mục đích cụ thể và sẽ nói ra điều đó. Còn thông thường, không có một quy định nào với số tiền đó cả.

Đây là nguyên tắc cơ bản tôi áp dụng với các con mình: Quà tặng bằng tiền phải đi về bốn bình theo cùng tỉ lệ như đối với số tiền công lao động. Hãy đặt ra quy tắc này trước khi trẻ được tặng tiền, để bạn sẽ không phải nghe trẻ kêu lên, “Ơ, thế là bất công.”

Sinh hoạt phí còn dư

Hãy trao đổi với nhóc nhà bạn về cách xử lý sinh hoạt phí còn dư. Nếu trẻ bị ốm nghỉ ở nhà một hôm, liệu nó có được giữ số tiền ăn trưa không dùng đến, hay số tiền này được chuyển sang tuần sau? Hoặc nếu con bạn quyết định bỏ bữa trưa, liệu trẻ có được giữ tiền thừa?

Về cơ bản, nếu tiền dư từ bất kì mục chi tiêu nào, thì số tiền đó sẽ phải quay lại đúng chiếc bình của nó. Với những khoản như tiền ăn trưa khi trẻ phải nghỉ ốm hay khi muốn nghỉ ở nhà ôn cho bài kiểm tra sắp tới, khoản này sẽ được trừ vào tiền tiêu vặt của tuần sau.

Tuy nhiên, nếu trẻ không ăn trưa để giữ lại tiền, đây có thể là vấn đề ngân sách hoặc vấn đề về thái độ. Nếu trẻ không ăn trưa vì cần tiền cho những chi tiêu khác, bạn có thể sẽ phải kiểm tra lại ngân sách. Trẻ không ăn trưa để đáp ứng những nhu cầu chi tiêu khác? Hoặc có lẽ trẻ không ăn trưa để có thể mua thêm quần áo.

Cũng có thể trẻ là một kẻ bo bo giữ tiền hay kẻ tiêu tiền vô tội vạ. Nếu vậy, hãy xem lại Chương 2 để tìm cách giải quyết kiểu vấn đề này. (Đừng quên rằng trẻ còn có lựa chọn làm thêm những việc vặt, một cách kiếm thêm tiền tốt hơn nhiều so với nhịn đói!)

Hầu hết phụ huynh không thích ý tưởng con cái họ nhịn đói bữa trưa và dùng tiền vào một việc khác. Mặt khác, nếu nhóc nhà bạn đi bộ từ trường về nhà để tiết kiệm tiền xe buýt, liệu bạn có phản đối trẻ kiếm tiền đi xe buýt không?

Đó là những vấn đề bạn sẽ phải trao đổi và giải quyết với con.

Mất tiền

Tình huống này rơi vào cùng một mục những sự cố. Một lần nữa, bạn có thể muốn bù cho con số tiền bị mất, và để trẻ trả lại cho bạn sau một khoảng thời gian thích hợp.

LÀM GÌ KHI NGÂN SÁCH KHÔNG HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

Bạn cần phải theo dõi cách nhóc nhà bạn sử dụng ngân sách của con. Bạn nên để ý sát sao trong vài tuần đầu, và rồi kiểm tra quá trình trẻ chi tiêu mỗi tháng.

Vấn đề phổ biến nhất là khi trẻ “mượn” từ quỹ này bổ sung vào quỹ kia – cái cách người lớn chúng ta vẫn làm và gọi là “sáng tạo tài chính”. Tôi sẽ cho phép điều này nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, đặc biệt nếu trẻ bù vào khoản đó ngay khi có thể. Điều tôi kịch liệt phản đối là việc cho phép tình huống “giật gấu vá vai” đó lặp lại thường xuyên hết tuần này qua tuần khác.

Nếu như khoản tiết kiệm bị “xâm phạm” quá thường xuyên, một gợi ý là hãy loại bỏ sự cám dỗ. Đây là lúc một tài khoản tiết kiệm ngân hàng tỏ ra hữu dụng (xem Chương 5). Nếu việc gửi tiền vào ngân hàng có vẻ không thực tế, hãy để trẻ cất tiền tiết kiệm vào một tủ có khóa và đưa bạn giữ chìa khóa, hay đưa quỹ tiền cho bạn giữ thay như ngân hàng.

Việc loại bỏ sự cám dỗ có thể sẽ mang lại tác dụng, hoặc bạn sẽ phải đánh giá lại ngân sách. Nó có quá phức tạp với trẻ không? Có thể bạn sẽ cần phải dừng kế hoạch lại và đơn giản hóa ngân sách thành những khoản cơ bản nhất: chỉ có tiền tiết kiệm, tiền từ thiện, và tiền tiêu trong giới hạn cho phép. Mỗi tuần khi bạn phát tiền tiêu vặt cho con, hãy cùng con cất tiền tiết kiệm và tiền từ thiện vào một chỗ bất khả xâm phạm, còn tiền tiêu là hoàn toàn tùy quyền trẻ. Rồi bạn từ từ sắp xếp lại các khoản quỹ khác.

Hãy thử chỉ cho trẻ cách làm một cuốn sổ kế toán đơn giản mà trẻ có thể ghi lại tiền thu vào và tiền chi ra cho việc gì. Việc đó giúp tất cả chúng ta thấy được rõ ràng và chính xác đồng tiền của mình đi về đâu.

Một biện pháp khác cũng hiệu quả – và vui nhộn – cho nhóc-thâm-thủng-ngân-sách nhà bạn, đó là một trò chơi. Tôi gọi là Trò Thanh toán Hóa đơn và được lấy ý tưởng từ bộ phim cũ tuyệt vời của Irene Dunne Con nhớ Mẹ. Đây là luật chơi:

THANH TOÁN HÓA ĐƠN

— Mục tiêu

Thanh toán hết các hóa đơn hằng tháng với số tiền có sẵn.

— Dụng cụ

Một tá phong bì, Cờ tỉ phú hay một dạng tiền giả để chơi khác, biên lai các hóa đơn cũ như phí dịch vụ công cộng, tiền thuê nhà, hóa đơn điện thoại, tiền đóng bảo hiểm, thẻ tín dụng và thẻ của cửa hàng bách hóa, hóa đơn trông trẻ, dịch vụ dọn bể bơi, dịch vụ giao sữa, hóa đơn của cửa hàng thịt (bất kì chi phí hằng tháng nào của gia đình).

— Luật chơi

Tính bằng tiền giả số lương mà bố mẹ “bình thường” mang về nhà mỗi tháng. Đề bên ngoài từng phong bì tổng số mỗi hóa đơn; chẳng hạn tiền điện thoại 56 đô la, tiền nước 14 đô la, tiền thanh toán nợ thẻ tín dụng MasterCard 223 đô la. Rồi cho tiền lương vào từng phong bì, và xem còn dư lại là bao nhiêu.

Cung cấp cho trẻ những khái niệm như “thanh toán tối thiểu” trái với “tổng số tiền phải thanh toán”, và để trẻ quyết định phải trả bao nhiêu cho các hóa đơn. Đồng thời hãy đề cả thông tin về “thời hạn nộp tiền”.

— Chiến thắng

Người chiến thắng là khi vẫn còn tiền sau khi thanh toán hết các hóa đơn, và thua khi không đủ tiền để thanh toán.

Nếu còn tiền thừa lại, hãy quyết định sẽ xử lý chúng thế nào.

Tới một thời điểm nào đó bạn có thể bắt đầu có đủ sự tin tưởng vào con để cho trẻ chơi trò này ngoài đời thật, sử dụng séc và cuống hóa đơn hay một chương trình quản lý tiền bạc như Quicken[14] để thanh toán hóa đơn hằng tháng. Đây là một hình thức ấn tượng để cho trẻ thấy thu nhập của gia đình đi về đâu và những quyết định khó khăn bạn phải đưa ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.