Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 1 BẠN VÀ NHÓC NHÀ BẠN SỞ HỮU PHONG CÁCH TÀI CHÍNH NÀO?



Lịch sử và văn chương đầy rẫy những nhân vật điển hình tham lam và hào phóng, nhiều đến nỗi ta có thể đưa ra ví dụ của hai loại tính cách này ngay lập tức bằng việc nêu ra những cái tên. Khi nói “Scrooge”[5] mọi người sẽ nghĩ ngay đến một kẻ bần tiện. Vua Midas mê vàng đến nỗi có một mong ước chết người rằng mọi thứ ngài chạm vào sẽ biến thành vàng. Trong một chương trình TV từng được phát sóng trước đây, một nhà triệu phú bí ẩn trao những món quà cả triệu đô la cho những người xa lạ; nhân vật Archie Bunker trong bộ phim truyền hình All in the Family (Tất cả cùng một gia đình) “chết tên” bởi hành động kéo rèm cửa lại và tắt hết đèn trong nhà để không phải phát kẹo vào lễ Halloween. Mặt khác, những nhân vật lịch sử như Carnegie[6], Rockefeller[7] và Vanderbilt[8] dù đã qua đời song ngày nay ta vẫn biết rõ tên tuổi của họ qua một nhà hát lớn, một quỹ từ thiện, và một trường đại học.

Hầu hết chúng ta đều không rơi vào một trong hai thái cực trên. Chúng ta không trốn trong bóng tối để khỏi phải cho đi mấy cây kẹo giá vài đô la, nhưng chúng ta cũng không muốn tỏ ra mình là một kẻ nhẹ dạ trước những câu chuyện sướt mướt. Có thể chúng ta không đủ tiền xây một trường đại học lớn, nhưng ta có thể đóng góp chút ít cho quỹ hội cựu học sinh. Có lẽ chúng ta không được thấy tên mình trên cổng bệnh viện hay trong nhà hát, nhưng ta có thể quyên góp cho hội từ thiện hay tổ chức tôn giáo nào đó mà ta quan tâm.

Dẫu sao chúng ta cũng đều có mối quan hệ cá nhân đặc biệt với tiền bạc; nói rộng ra, chúng ta hoặc là kẻ tiêu pha hoặc là người giữ tiền. Và dù ta có là ai đi chăng nữa, thái độ của ta đối với đồng tiền cũng sẽ tác động lên cách ta dạy con cái nghĩ về tiền bạc.

Bạn có biết mình thuộc tuýp người tiêu tiền hay giữ tiền? Hãy thử bài trắc nghiệm dưới đây:

PHONG CÁCH TÀI CHÍNH CỦA BẠN

1. Bạn có thường hay lo lắng về tiền bạc không?

2. Bạn có hay dùng đến cạn kiệt thẻ tín dụng?

3. Bạn nhớ chính xác số tiền mà mình tiết kiệm được chứ?

4. Bạn có tiêu sạch số tiền mình kiếm được?

5. Nếu bất ngờ có được một khoản tiền lớn, bạn sẽ tiết kiệm hầu hết số đó không?

6. Bạn có cảm thấy cần phải chứng minh mình sống cũng chẳng “thua chị kém em”?

7. Bạn có lo lắng cảnh khánh kiệt khi về già?

8. Bạn có thường quyết định mua luôn-và-ngay-lập-tức một thứ mà bạn thích?

9. Khi được gợi ý mua một thứ gì đó, câu trả lời của bạn luôn là “Mình không đủ tiền đâu”?

10. Bạn có hay lấy việc đi mua sắm làm phần thưởng cho mình?

* Cách tính điểm : Trả lời “Có” ở những câu lẻ cho thấy đó là người giữ tiền và trả lời “Có” ở những câu chẵn là người tiêu tiền. Bạn trả lời “Có” ở những câu nào?

Hẳn bạn cũng đã hiểu được con mình thuộc tuýp người có phong cách tài chính như thế nào rồi. Để chắc chắn hơn, hãy làm một bài trắc nghiệm nữa. Điền câu trả lời riêng cho từng nhóc của bạn, vì không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, và trong cùng một gia đình có thể có cả người tiêu tiền lẫn người giữ tiền.

PHONG CÁCH TÀI CHÍNH CỦA CON BẠN

1. Khi bạn cho con tiền, nhóc nhà bạn có tiết kiệm số tiền đó?

2. Con bạn có hay làm mất hoặc để lạc mất tiền không?

3. Con bạn có hay do dự khi phải tiêu tiền của nó không?

4. Khi bạn đi mua sắm cùng con, bạn có hay phải nghe những câu “con muốn cái này, con muốn cái kia” không?

5. Con bạn có thấy hãnh diện khi số tiền tiết kiệm của nó tăng lên?

6. Khi bạn hỏi trẻ “Sao con lại muốn cái này?” bạn có thường phải nghe câu “Vì bạn con cũng có thứ đó” hay “Con thấy nó trên TV”?

7. Con bạn có khi nào tiết kiệm tiền để mua một món đồ chơi, rồi sau đó nghĩ lại rằng thực ra trẻ không muốn thứ đó lắm?

8. Nếu bạn không cho trẻ ăn kem, liệu nó có hỏi lại “Nếu con trả tiền thì có được ăn không”?

9. Khi cả nhà đi mua sắm, con bạn có luôn về nhà với túi vẫn còn tiền không?

10. Khi cả nhà đi chơi xa, trẻ có muốn mua quà về cho tất cả bạn của nó không?

* Cách tính điểm : Như trên.

Những trắc nghiệm trên có ý nghĩa gì? Đó đơn giản chỉ là một bài trắc nghiệm mà thôi. Bạn không cần phải lo lắng nhà mình có một tên keo kiệt hay những kẻ vung tay quá trán, cho dù nhóc nhà bạn có đạt điểm 5/5 cho một trong hai nét tính cách trên đi chăng nữa. Đây chỉ là những khuynh hướng chi tiêu và có thể được thay đổi theo thời gian theo lẽ thường và thông qua giáo dục.

Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn là một người giữ tiền, bạn sẽ tự nhiên có xu hướng muốn dạy cho con mình tầm quan trọng của tiết kiệm; nhưng nếu con bạn cũng là người giữ tiền, bạn sẽ muốn điều chỉnh nhẹ để bớt các bài học đó, ghìm bớt “xung lực” tự nhiên của mình, và tự nhắc nhở mình lẫn trẻ rằng tiền bạc chỉ có giá trị khi xem xét trên cơ sở nó mang lại bao nhiêu niềm vui cho chúng ta trên thế gian này. Nếu bạn là một người tiêu tiền và con bạn cũng vậy, bạn sẽ thực sự phải kiềm chế niềm thôi thúc chi tiêu lại, và ghi nhớ rằng tiêu tiền không phải là tất cả. Nếu bạn có thói quen chi tiêu này mà con mình thì ngược lại, vậy thì hãy nhớ đừng tá hỏa lên nếu bé không đi theo chính xác con đường của bạn.

Phong cách lý tưởng, hẳn nhiên rồi, là ở ngay chính giữa: một người tiêu dùng cẩn trọng mà thoải mái, vui vẻ và một người tiết kiệm có kỷ luật. Tôi sẽ nói về sự cân bằng ấy trong cuốn sách này.

Bạn chẳng cần tới roi vọt để chấn chỉnh hành vi của con mình đâu. Đơn giản bạn chỉ cần giúp trẻ đặt ra những mục tiêu cụ thể gần và xa với tiền bạc. Niềm hưng phấn khi đặt ra một chiến lược để theo đuổi mục tiêu và cảm giác toại nguyện vì đạt được mục tiêu sẽ dần truyền cho con bạn niềm vui thích đích thực khi tiết kiệm và chi tiêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.