Tiền Không Mọc Trên Cây

PHẦN KẾT MỘT LỜI CUỐI – “TIẾN TỚI VÀ NHÂN RỘNG”



Xét trên nhiều mặt, tôi cảm thấy mình mới chỉ gãi nhẹ trên bề mặt của lĩnh vực dạy trẻ về tiền bạc. Tài chính không phải một môn học đơn giản; không một cuốn sách nào có thể chứa đựng mọi điều cần biết. Quản lý tiền bạc là một chủ đề mà bạn và con cần tiếp tục nghiên cứu chừng nào cả hai vẫn còn phải dùng đến – có thể tới tận ngày bạn qua đời ở cái tuổi 108 viên mãn! Tôi hy vọng cuốn sách này đã chỉ cho bạn nên bắt đầu khi nào và ra sao.

Hãy kiên nhẫn với những trẻ nhỏ (và thậm chí phải kiên nhẫn hơn nữa với nhóc teen nhà bạn). Quan trọng hơn cả là hãy cố gắng hết sức để giữ cho việc học này nhẹ nhàng và vui vẻ ! Xử lý tiền bạc là một thử thách hầu hết chúng ta phải đối mặt trong suốt cuộc đời, và bạn, với tư cách là những bậc làm cha mẹ, có thể có tác động lớn đến cách con mình làm quen với tài chính. Chúng sẽ tự tin hay sợ hãi? Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào bạn, người vừa là giáo viên vừa là tấm gương cho trẻ.

Liệu điều đó có nghĩa rằng bước “nhập môn tài chính”, theo cách gọi của tôi, của trẻ sẽ xoay quanh chính bạn? Phải, chính thế. Điều đó phụ thuộc nhiều vào độ kiên trì của bạn trong việc nói đi nói lại một ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt – từ việc tại sao bạn để tiền típ cho cô phục vụ bàn cho đến sự dao động lãi suất ảnh hưởng đến bạn thế nào – cho con bạn ngày này qua ngày khác. Đừng biến quản lý tiền bạc thành một mối quan tâm nhất thời trong gia đình bạn mà hãy làm nó thành một phong cách sống.

Khi đang cùng học với con bạn, dù nó ở tuổi nào, hãy thường xuyên tự hỏi mình câu này: “Điều gì mình nói với con về tài chính mà mình ước có ai đó nói với mình ở tuổi nó?”. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều người trong số những giáo viên giỏi nhất về quản lý tài chính là những người đã trải qua những sai lầm trong quản lý tiền bạc. Hãy dùng chính những sai lầm quá khứ của bạn với tiền nong (và ai mà không có hàng đống những điều đó để rút kinh nghiệm chứ?) để cảnh báo con bạn về rất nhiều những hiểm họa chúng sẽ đối mặt và có thể tránh được.

Ngoài vấn đề sức khỏe, cá nhân tôi cho rằng có rất ít mối lo đáng ngại hơn là những gì dính đến tiền bạc. Rất nhiều người trong chúng ta sẽ trải qua cảm giác những thảm họa tài chính đe dọa một, hai lần trong đời. Những thứ như hóa đơn viện phí bất thình lình, những cơn bão trăm năm mới có một lần, và/hoặc một hóa đơn thuế tài sản bất ngờ có thể cuộn một ngân sách hợp lý, hiệu quả thành một cây quẩy xoắn. Dù thế nào đi chăng nữa, nền tảng bền vững mà bạn đã bồi đắp với những điều căn bản trong cuốn sách này có thể giúp rất nhiều cho con bạn thoát khỏi cuộc vật lộn thường tình với những ưu phiền tiền bạc.

Đây là một cách đơn giản để kiểm tra sự tiến triển với con bạn: Thỉnh thoảng, sau khi hướng dẫn những điều căn bản, hãy rà qua danh sách từ vựng trong phần Thuật ngữ để xem con bạn biết được bao nhiêu. Việc này cũng sẽ chỉ ra được mảng tài chính nào bạn cần giải thích kỹ hơn.

Sau cùng, tất cả chúng ta đều phải học “nói không” khi thôi thúc tiêu xài ập đến. Cho đến khi gây dựng được một lưng vốn vững chắc (điều này sẽ hữu ích trong việc bảo vệ ta khỏi những tình huống khẩn cấp liên miên trong cuộc đời), từ chối mọi chuyến đi mua sắm không cần thiết, hủy bỏ mọi chuyến xuống phố chơi đêm, thậm chí kiêng ngặt dù chỉ một gói kẹo cho đến khi hoàn thành mục tiêu tài chính. Với một lưng vốn khả quan, kỹ năng quản lý thuần thục, và khi khả năng tự kiểm soát đã kha khá, gần như ai cũng có thể ứng phó được với hầu hết những bất ngờ tài chính một khi chúng tìm đến. Điều đó không phải quá khó. Bạn có thể làm được cho mình và cho con.

Đừng bao giờ lãng quên mục tiêu đích thực của mình: sự tự lực. Henry David Thoreau[23]phổ biến ý tưởng này từ gần 200 năm trước và lý thuyết này cứ thế ăn sâu vào lối tư duy của người Mỹ đến độ nó chưa bao giờ trở nên lỗi thời hay lạc điệu.

Nếu Thoreau liên hệ (một phần) sự tự lực với khả năng tự trồng lấy thức ăn cho mình, thì tôi lại liên hệ nó với khả năng tự “trồng” lấy tiền của mình. Tôi đảm bảo với bạn rằng quá trình gây dựng cũng sung sướng chẳng kém gì hưởng thụ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.