Học Từ Thất Bại
3 Thực tế: Nền tảng của Học hỏi
Charlene Schiff được sinh ra trong một gia đình khá giả, hạnh phúc ở một làng nhỏ tên là Horochow thuộc Ba Lan. Cô có một tuổi thơ êm đẹp. Cha cô là giáo sư triết học tại một trường đại học gần nhà, ông rất yêu cô và cũng rất kiên nhẫn với cô, ngay cả khi cô làm điều gì sai. Một lần khi mẹ cô đang sơn sửa lại một số phòng trong nhà, Charlene hấp tấp lấy chổi sơn và sơn lên cây đàn piano của gia đình. Cha cô không hề quát mắng. Ông đã phạt cô, nhưng ông cũng cân nhắc khá kỹ khi thấy cô bé ngay lập tức tỏ ra hối lỗi. Ông đã tận dụng ngay cơ hội này để dạy cho cô về tầm quan trọng của việc không được phá hủy tài sản của người khác.
Mẹ Charlene là một giáo viên nhưng bà đã bỏ nghề giáo để ở nhà nuôi dạy Charlene và chị gái cô tên là Tia. Mẹ vô cùng chiều chuộng cô, bà mua cho cô quần áo, đồ chơi và khuyến khích cô mỗi ngày. Cô có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
Thực tại xấu xí xuất hiện
Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi. Năm 1939, khi cô lên 10, Ba Lan bị Đức và Liên Xô đánh chiếm và bị chia đôi. Làng Horochow, nơi Charlene sinh sống trở thành lãnh thổ của Liên Xô. Tuy vậy cuộc sống gia đình cô lúc bấy giờ chưa có nhiều biến đổi. Nhưng đến năm 1941 thì đã khác. Đó là khi Hitler quyết định giành quyền kiểm soát toàn bộ Ba Lan, cho quân tiến vào thành phố. Ngay lập tức, người cha thân yêu của Charlene bị quân Phát xít Đức bắt đi. Cô không bao giờ còn được gặp lại cha mình nữa. Rồi Charlene, mẹ và chị gái chuyển sang sống ở khu Do Thái, phải ở chung phòng với ba gia đình khác. Charlene khi đó mới 11 tuổi.
Mẹ của Charlene bị buộc phải đi lao động. Và đôi khi hai cô gái cũng bị bắt đi làm việc. Thực phẩm rất khan hiếm, đó quả thực là một cuộc chiến sống còn. Nhưng rồi mẹ của Charlene nghĩ ra một kế hoạch. Bà bắt đầu tìm kiếm những người sống ở ngoại ô sẵn lòng cho họ vào ở và che giấu họ. Bà tìm thấy một người nông dân đồng ý che giấu cho chị của Charlene – người lớn hơn cô năm tuổi. Một người nông dân khác nói rằng ông có thể che giấu cho Charlene và mẹ cô.
Charlene nhớ lại: “Vào một ngày trong năm 1942, tôi đoán lúc đó là đầu hè, tôi không nhớ ngày tháng chính xác nhưng tôi nhớ là mình tỉnh ngủ và chào tạm biệt người chị gái tuyệt vời của tôi. Sau vài ngày, nếu không nghe thêm được tin tức gì thì có nghĩa là chị tôi đã đến nơi an toàn và mọi thứ diễn ra y như kế hoạch, mẹ tôi trở về nhà sau buổi làm việc và bảo tôi lấy những bộ quần áo và giầy dép đẹp nhất, mang theo một bộ dự phòng và rằng chúng tôi có thể sẽ rời khu Do Thái tối hôm đó.”
Khu Do Thái mà họ đang sống bị bao quanh ba mặt là hàng rào, còn mặt thứ tư bị chắn bởi một con sông. Tối muộn hôm đó, tranh thủ lúc đêm khuya, họ rời phòng và hướng thẳng tới phía bờ sông. Họ lội qua sông. Nhưng trước khi sang được bờ bên kia, họ nghe tiếng súng nổ. Phía trên bờ, binh lính đang chờ sẵn. Chúng quát to: “Lũ Do Thái, tao thấy chúng mày rồi!”. Những người khác cũng có chung kế hoạch như Charlene và mẹ cô. Họ cũng muốn trốn thoát. Nhiều người đang ẩn náu đã đứng dậy và giơ tay đầu hàng. Khi làm vậy, họ đã nhanh chóng bị bắn.
Charlene và mẹ cô đang nấp trong đám sậy. Nước ngập tới cổ cô bé. Mẹ bắt cô giữ im lặng và cho cô ăn miếng bánh mì sũng nước. Họ cứ ở dưới sông như vậy trong bốn ngày! Vào buổi sáng ngày cuối cùng, Charlene tỉnh dậy nhưng mẹ cô đã bỏ đi.
Thân trẻ mồ côi
Tình trạng của cô thật thảm khốc. Ở tuổi 11, cô bé sống đơn côi trên đất địch, nơi cô có thể bị truy đuổi rồi bị giết hại. Charlene hồi tưởng lại: “Tôi muốn thét to lên nhưng tôi biết mình phải giữ im lặng”.
Khi binh lính đi khỏi, Charlene tìm đường về trang trại, nơi người nông dân đã hứa che giấu cho cô và mẹ. Nhưng thay vì được chào đón nồng nhiệt, họ bảo cô ban ngày có thể ở trong kho thóc nhưng ban đêm thì phải rời đi nếu không họ sẽ giao cô cho quân Phát xít.
Ban đầu Charlene không thể đối mặt với tình cảnh thực tế của mình. Cô nói: “Tôi sống như một con thú, đi từ khu rừng này sang khu rừng khác, tìm kiếm mẹ. Tôi không cho phép bản thân nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ tìm thấy mẹ. Tôi phải đi tìm mẹ. Tôi sẽ đi đâu, sẽ ăn gì, ai sẽ chăm lo cho tôi?”.
Thực tế về một tình huống quá sức chịu đựng như vậy có thể khiến một số người suy sụp, trong khi những người khác lại có thể điều chỉnh và học hỏi rằng mình phải làm gì để sinh tồn. Charlene thuộc nhóm thứ hai. Một cô bé lớn lên ở thị trấn, phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ thì giờ đây lại phải cố gắng tự mình sống sót trong rừng. Đôi lúc cô lạc bước qua chỗ những người Do Thái khác cũng đang lẩn trốn nhà cầm quyền. Có lần cô tình cờ gặp một nhóm nhỏ gồm đàn ông, đàn bà và cả trẻ nhỏ, họ cũng trốn ra khỏi khu Do Thái. Khi lũ trẻ trong làng phát hiện ra nhóm người, họ cùng Charlene đã trốn trong một đống rơm gần đó. Nhưng dân làng đã dùng xỉa để đâm vào đống rơm, toàn bộ nhóm người đã chết ngoại trừ Charlene.
Một lần khác khi Charlene quay về nơi ngủ sau khi xin ăn, một cô gái chừng 18 tuổi đã kết bạn với cô và đề nghị được giúp cô. Họ đồng ý sẽ gặp nhau vào sáng hôm sau. Nhưng cả đêm hôm đó, Charlene có dự cảm xấu về cô gái nọ. Ngày hôm sau, cô nấp mình trên cành cây cao và chờ đợi. Cô gái kia đã xuất hiện, nhưng lần này là đi cùng anh trai. Charlene đã nghe được rằng cả hai đang có ý định bắt cóc và giao cô cho nhà cầm quyền để lấy tiền thưởng.
Cũng có một số thời điểm Charlene được chứng kiến lòng tốt trong suốt những năm đó. Một lần, một cô gái làm thuê trong trang trại phát hiện cô đang ngủ trong kho thóc và đã mang đồ ăn, quần áo tới cho cô. Charlene nhớ lại: “Tôi phải mất một lúc lâu mới hiểu ra. Cuối cùng tôi cũng đã được đối xử như con người, bằng lòng tốt và sự hào phóng. Tôi đã từng quên mất cảm giác đó.” Cô gái đó đã cho Charlene ăn trong suốt gần hai tuần. Nhưng rồi một ngày có hai cảnh sát ập đến trang trại và bắn chết cô gái, họ nói cô là dân Do Thái.
Charlene kể lại: “Tôi sống một mình trong rừng khoảng hai năm. Ban ngày tôi ngủ trong cái hố nhỏ tự đào và đêm tôi bò ra ngoài tìm đồ ăn, bất kể là thứ gì. Lúc đó tôi rất ốm yếu.”
Năm 1944, quân Xô Viết phát hiện ra Charlene khi họ dẫm phải cô lúc cô đang nằm trong hố trú ẩn. Họ đưa cô đến bệnh viện, tại đó cô được chăm sóc và dần dần hồi phục. Mục đích của cô là chuyển đến Mỹ, nơi các thành viên khác của gia đình đã sang từ trước chiến tranh. Cuối cùng vào năm 1948, hành trình sang Mỹ của cô cũng thành công. Ba năm sau cô kết hôn.
Charlene không muốn nói với người khác về những trải nghiệm của mình và giữ kín những chuyện đó trong nhiều năm. Nhưng dần dần, Ed – chồng cô đã thuyết phục được cô rằng cô cần kể câu chuyện của mình cho những người khác. Anh nói rằng: “Em có trách nhiệm và bổn phận với sáu triệu người đã hy sinh ấy”. Giờ cô chia sẻ câu chuyện đời mình và hoàn cảnh thực tế mà cô phải đối mặt với hy vọng rằng nó sẽ giúp ích được cho người khác. Charlene nói rằng: “Tôi cũng muốn gửi tới một thông điệp về niềm hy vọng cho các bạn trẻ hiện nay. Tôi là người lạc quan, và tôi thấy rằng thế hệ trẻ sẽ rút ra những bài học từ sai lầm của thế hệ chúng tôi và sẽ chiến đấu chống lại sự bất công và thái độ bàng quan.”
Xây dựng trên nền tảng vững chắc
Nếu chúng ta muốn thành công trong cuộc sống và học hỏi từ những thất bại của bản thân, ta phải có khả năng đối diện với thực tế và dùng nó làm nền tảng cho sự phát triển của mình. Việc này có thể khá khó khăn. Những người từng trải qua những hoàn cảnh khốc liệt như trường hợp của Charlene có thể đã bị vùi dập nặng nề. Nhưng ngay cả những thất bại hay mất mát bớt tàn khốc hơn vẫn có thể khiến ta có xu hướng lẩn trốn thực tại. Ta có thể đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh của mình. Ta có thể bao biện hoặc tìm lý do. Hoặc có thể ta sẽ rút lui về thế giới nhỏ bé của riêng mình, giống như người đàn ông trong một trong những câu chuyện yêu thích của tôi về “thực tế”. Ông mắc chứng mất ngủ trong 30 năm, và cuối cùng đã quyết định đi gặp bác sỹ tâm lý.
Bác sỹ hỏi: “Sao ban đêm ông lại mất ngủ?”
Người đàn ông trả lời: “Bởi tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề của thế giới”.
Bác sỹ nhấn mạnh thêm: “Thế đã bao giờ ông giải quyết được chưa?”
Người đàn ông trả lời một cách nghiêm túc và kiên nhẫn: “Gần như lần nào cũng làm được”.
Bác sỹ lại hỏi: “Thế thì làm sao mà ông lại không ngủ được?”
“Tôi nghĩ là những dải băng giấy lớn được ném trong lễ diễu hành vinh danh tôi đã khiến tôi không thể ngủ được.”
Quãng đường đi từ thất bại đến thành công sẽ dễ dàng hơn là đi từ lý do bao biện tới thành công.
Chừng nào việc bỏ trốn khỏi thực tế còn có khả năng đem lại cho ta sự giải thoát tạm thời khỏi những vấn đề của chính mình thì quãng đường đi từ thất bại đến thành công sẽ dễ dàng hơn là đi từ lý do bao biện tới thành công. Khi ta mất khả năng nhìn thấy thực tế, ta sẽ nhanh chóng lạc lối. Ta không thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống nếu ta từ chối chấp nhận sự thật đang diễn ra. Bạn không thể tự mình tiến bộ nếu bạn tự đùa với cuộc đời mình.
Ba thực tế của cuộc sống
Hoàn cảnh thực tế của mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên cũng có những hoàn cảnh luôn chính xác cho tất cả mọi người.
1. Cuộc sống đầy khó khăn
Theo một cách nào đó, người ta dường như tin rằng cuộc sống có vẻ khá dễ dàng. Đây chính là vấn đề của xã hội Mỹ ngày nay. Ta trông chờ có một con đường bằng phẳng và dễ dàng đi tới thành công. Ta mong chờ cuộc sống của mình không có rắc rối, lộn xộn. Tamong chờ chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề cho mình. Ta mong chờ sẽ được nhận thưởng mà không phải trả giá. Đó không phải thực tế! Cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều.
Trong cuốn Những bài học lớn nhất của cuộc sống (Life’s Greatest Lessons), Hal Urban đã viết:
Một khi ta chấp nhận sự thật rằng cuộc sống đầy khó khăn, khi ấy ta bắt đầu trưởng thành. Ta bắt đầu hiểu rằng mỗi vấn đề cũng đồng thời là một cơ hội. Khi đó ta đào sâu vấn đề và phát hiện ra ta được tạo nên bởi những điều gì. Ta bắt đầu chấp nhận những thách thức của cuộc sống. Thay vì để cho những khó khăn đánh gục, ta chào đón chúng như một phép thử cho tính cách của mình. Ta dùng chúng như một phương thức để vượt qua nghịch cảnh.
Cùng lúc đó, ta cần hiểu rằng xã hội sẽ hàng ngày gửi dồn dập cho ta những thông điệp mang nội dung hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn như công nghệ đem tới cho ta phương thức sống theo kiểu “chỉ cần bấm nút”. Ta có thể mở cửa gara, nấu bữa tối, rửa bát, ghi lại chương trình ti vi yêu thích và thanh toán hóa đơn chỉ bằng cách nhấn các nút thích hợp. Ngoài ra, ta còn được nghe đi nghe lại rằng luôn có một cách nhanh chóng và dễ dàng để làm mọi việc. Chỉ trong vòng vài ngày, tôi đã đọc tin và nghe nói rằng bạn có thể đã mất vài trăm bảng, học cách nói trôi chảy một ngôn ngữ, trở thành nhân vật mới nổi của chương trình phát thanh, được cấp giấy phép thầu và kiếm được hàng triệu đôla bất động sản. Bạn có thể làm được tất cả những việc đó trong vài ngày mà chỉ tốn rất ít hoặc thậm chí là không mất tí công sức nào. Và rồi cả tin lợn cũng có thể bay.
Những quảng cáo đó đầy rẫy quanh ta bởi những người làm trong lĩnh vực quảng cáo và marketing rất hiểu về hành vi con người. Họ biết rằng hầu hết mọi người đều không chấp nhận rằng cuộc sống đầy khó khăn và thay vào đó luôn tìm kiếm những cách thức dễ dàng và nhanh chóng.
Chẳng có cách thức nào nhanh chóng và dễ dàng đâu. Chẳng có thứ gì giá trị nào trong cuộc đời đến mà ta không cần nỗ lực. Đó là lý do vì sao nhà tâm lý học M. Scott Peck mở đầu cuốn sách Con đường ít người qua lại (The Road Less Traveled) của ông bằng câu: “Cuộc sống đầy khó khăn”. Ông muốn đặt nền tảng cho mọi quan điểm mà ông trao đổi trong cuốn sách. Nếu không hiểu và chấp nhận sự thật rằng cuộc sống đầy khó khăn, ta sẽ chỉ khiến bản thân mình dễ thất bại và không chịu học hỏi.
2. Cuộc sống khó khăn với tất cả mọi người
Ngay cả nếu ta chịu thừa nhận rằng cuộc sống này khó khăn với tất cả mọi người thì trong sâu thẳm nhiều người vẫn ngầm hy vọng rằng sự thật đó là không đúng với họ. Tôi rất tiếc phải nói rằng điều đó không thể. Không ai có thể trốn thoát được những vấn đề, thất bại và mất mát của cuộc đời. Nếu ta muốn tiến bộ thì nhất thiết ta phải đi qua những khó khăn của cuộc sống. Hoặc như nhà thơ Ralph Waldo Emerson(1) từng nói: “Bước đi của con người ngã về phía trước”.
“Bước đi của con người ngã về phía trước.”
− Ralph Waldo Emerson
Cuộc đời không dễ dàng mà cũng chẳng công bằng. Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều điều bất công đến với mình. Tôi cá là bạn cũng vậy. Tôi phạm sai lầm, tự khiến mình thành kẻ ngốc, làm tổn thương người mình yêu quý và trải qua những thất vọng đến tan nát tâm hồn. Tôi cá là bạn cũng vậy. Chúng ta không thể né tránh được những khó khăn của cuộc đời. Mà bạn cũng không nên cố. Vì sao? Bởi những người thành công trong cuộc sống không cố trốn thoát khỏi nỗi đau, sự mất mát và bất công. Họ học cách đốimặt, chấp nhận chúng và tiến lên phía trước hướng thẳng tới những khó khăn đó. Đó là mục tiêu của tôi. Và nó cũng nên là mục tiêu của các bạn.
3. Cuộc sống nhiều khi khó khăn với người này hơn những người khác
Trong cuốn truyện tranh được nhiều người yêu thích Đậu phộng(Peanuts), Charlie Brown thiểu não trút bỏ tâm tình của mình với Lucy, khi cô bé đứng trong quầy hàng giả làm bác sỹ tư vấn tâm lý chỉ với giá 5 xu của mình. Charlie thổ lộ rằng cậu rất bối rối về cuộc sống và không biết mình đang đi đâu, Lucy nói rằng: “Cuộc đời như chiếc ghế trên boong tàu. Trong hải trình cuộc đời, một số người đặt ghế quay về phía đuôi tàu để có thể nhìn thấy họ vừa đi qua đâu. Số khác lại hướng ghế về phía trước, họ muốn thấy mình sẽ đi đến đâu.” Rồi Lucy hỏi: “Cậu sẽ đặt chiếc ghế của mình theo hướng nào?”
Charlie trả lời: “Tớ còn chưa bao giờ mở được chiếc ghế đó ra cơ.”
Hãy đối diện với điều đó: Cuộc sống nhiều khi khó khăn với người này hơn những người khác. Sân chơi đó không công bằng. Bạn có thể sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn và ở mức độ cao hơn tôi. Hoặc cũng có thể là ít hơn. Cuộc sống của bạn ngay lúc này có thể như đang lướt đi trên vùng nước yên ả. Hoặc có thể như trong vùng biển động. So sánh cuộc sống của mình với của người khác thực sự không mang lại lợi ích gì. Cuộc sống không công bằng và ta cũng không nên mong chờ điều đó. Càng sớm đối diện được với thực tế thì ta càng có khả năng đối diện với bất cứ thứ gì đến với ta.
Đừng để cuộc đời làm khó bạn
Cuộc sống của bạn vốn đã nhiều khó khăn rồi. Thực tế là bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn có sẵn đó cho dù nó có là gì đi chăng nữa. Một trong những yếu tố quan trọng là đừng làm mọi chuyện khó khăn thêm, nhưng không may là nhiều người có vẻ như đang làm điều đó.
Để giúp bạn ứng phó với thực tế đó, tôi muốn chỉ ra năm trong số những điều phổ biến nhất mà mọi người thường khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn, để từ đó bạn có thể tránh không phạm những sai lầm đó.
1. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người ngừng phát triển và không chịu học hỏi
Bạn biết đấy, một số người còn chẳng buồn nỗ lực phát triển dù chỉ trong ý định. Một số người nghĩ rằng họ sẽ tự động mà phát triển. Số khác lại không đánh giá cao sự phát triển và hy vọng rằng mình sẽ tiến bộ trong cuộc sống mà không cần phải nỗ lực. Với những người đó, cuộc sống sẽ khó khăn hơn nó vốn có.
Những người không chịu phát triển cũng giống như những người cùng thời của nhà khoa học vĩ đại Galileo, ông cố thuyết phục họ tin vào những điều ông hiểu biết được từ khoa học. Họ cười nhạo ông và từ chối không công nhận các khám phá của ông, cho rằng các học thuyết của ông là không đúng bởi chúng mâu thuẫn với những lý thuyết của Aristotle.
Trong một lần, Galileo quyết định cho mọi người xem thí nghiệm để làm bằng chứng rõ ràng về một trong những quan sát của ông: Hai vật có khối lượng khác nhau khi rơi cùng độ cao sẽ chạm đất cùng thời điểm. Vào ngày làm thí nghiệm, ông trèo lên đỉnh ngọn tháp nghiêng Pisa. Khi đám đông phía dưới quan sát, ông cùng lúc thả hai viên đạn, một viên nặng nửa cân, viên kia nặng năm cân. Cả hai chạm đất cùng lúc. Không thể nghi ngờ gì nữa, học thuyết của Galileo đã đúng. Nhưng nhiều người vẫn không tin vào điều đó, ngay cả khi họ đã tận mắt chứng kiến bằng chứng rõ ràng đó. Và họ vẫn cứ tiếp tục thuyết giảng về những học thuyết lỗi thời của Aristotle. Họ cứ muốn bám lấy thứ họ đã có – ngay cả khi nó không còn chính xác, chứ không muốn thay đổi và phát triển.
Trong khi một số người phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống bởi họ từ chối không phát triển thì lại có những kiểu người khác tự tạo khó khăn cho chính mình: đó là những người thỏa mãn với những thành tựu mình đạt được và trở thành mẫu người bình ổn.
“Hãy đánh giá các trận đấu như nhau, cho dù thắng hay thua.”
− Jim Tressel
Vài năm trước, Margaret và tôi có đến thăm Bảo tàng Nobel ở Stockholm, Thụy Điển. Chúng tôi dành hàng giờ lắng nghe các bài nói chuyện và đọc về những người đã tạo ra sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của nhiều người. Ngày hôm đó anh chàng hướng dẫn viên du lịch đã chia sẻ một số điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Anh ấy nói rằng có rất ít người được nhận giải Nobel làm được điều gì lớn lao sau khi các thành tựu của họ được ghi nhận. Tôi không tin vào điều đó, tuy nhiên sau khi thực hiện một số nghiên cứu, tôi kết luận rằng anh ấy đã nói đúng. Daniel McFadden – người từng được nhận giải Nobel về Kinh tế năm 2000 nói rằng: “Nếu không cẩn thận thì giải Nobel lại là dấu chấm hết cho sự nghiệp của bạn. Nếu tôi để điều đó xảy ra, tôi sẽ dành cả đời mình đi loanh quanh chỉ để cắt mấy cái ruy-băng.” Nhà văn được nhận giải Nobel về Văn học T. S. Eliot thì gay gắt hơn: “Giải Nobel là tấm vé đến lễ tang của một người. Không ai làm được cái gì nữa kể từ khi họ nhận giải.”
Thành công có thể bóp méo khả năng quan sát thực tế của ta. Nó có thể khiến ta nghĩ rằng mình tốt hơn so với con người thực của mình. Nó có thể khiến ta tin rằng mình còn rất ít thứ cần phải học. Nó có thể thuyết phục ta rằng ta chẳng nên trông đợi phải đối mặt và vượt qua thất bại. Đó là những khái niệm vô cùng nguy hiểm cho bất kỳ ai muốn tiếp tục phát triển.
Vậy ta phải chiến đấu chống lại những ý tưởng đó bằng cách nào? Bằng cách đối diện với thực tế. Các huấn luyện viên thành công hiểu tầm quan trọng của những đánh giá thành thật và dựa trên thực tế. Trong môn bóng bầu dục, nó có nghĩa là ngồi nhiều giờ trong phòng chiếu phim để đánh giá khả năng chơi bóng của đội. Anh bạn Jim Tressel của tôi, cựu huấn luyện viên của đội Ohio State nói rằng: “Hãy đánh giá các trận đấu như nhau, cho dù thắng hay thua.” Tại sao? Bởi chúng ta có xu hướng đánh giá các trận đấu khi ta thắng kém khách quan hơn khi ta thua. Chiến thắng khiến con người thư giãn và tận hưởng dư vị chiến thắng. Hãy cứ làm như thế và bạn có thể sẽ đi theo con đường hướng tới thất bại.
2. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người không tư duy một cách hiệu quả
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa những người thành công với người thất bại là cách tư duy của mỗi người. Tôi cảm nhận điều đó vô cùng rõ ràng khi viết cuốn sách mang tên Tư duy của người thành công (How Successful People Think). Những người tiến lên phía trước tư duy khác với những người còn lại. Họ làm mọi việc đều có lý do, và họ sẽ tiếp tục nghĩ về việc họ sẽ làm, lý do làm việc đó và cách thức để có thể tiến bộ.
Như vậy không có nghĩa rằng người nào tư duy giỏi cũng đều thành công. Họ cũng phạm sai lầm như bất kỳ ai. Tuy vậy họ không lặp lại sai lầm của mình. Và đó chính là điểm khác biệt lớn của họ. Frank Gaines, nguyên thị trưởng thành phố Berkeley, California nhiệm kỳ 1939 – 1943 đã giải thích:
Tôi chưa bao giờ thấy khó chịu với những người phạm sai lầm nếu họ có lý do cho việc mình làm. Nếu họ nói với tôi rằng: “Tôi đã nghĩ như thế, lí do là như thế và từ đó tôi quyết định như vậy”, nếu rõ ràng là họ đã suy nghĩ thấu đáo, cảm thấy cần phải hành động, ngay cả khi kết quả không như mong muốn, chuyện đó vẫn chấp nhận được. Người mà bạn phải canh chừng là những người không thể nói với bạn vì sao họ lại hành động như thế.
Tôi phải thừa nhận rằng ngay cả khi đánh giá cao tầm quan trọng của việc suy nghĩ thấu đáo, tôi vẫn thường cảm thấy tội lỗi vì đã không suy nghĩ cẩn thận như đáng ra phải làm. Một ví dụ điển hình cho việc đó xảy ra những năm 1980, khi tôi là mục sư của một nhà thờ ở San Diego, California. Thời đó nhiều mục sư như tôi đã nghe nói đến sự lớn mạnh rất thú vị của một giáo đoàn ở Seoul, Hàn Quốc, được hình thành từ sự khởi đầu của nhiều nhóm nhỏ, tụ hợp lại từ khắp nơi trong thành phố. Tôi đã tới Hàn Quốc để học hỏi. Thời gian ở đó vô cùng thú vị, đến nỗi khi trở về nhà, tôi đã chia sẻ câu chuyện về những nhóm nhỏ đó cho mọi người trong giáo đoàn của mình. Họ cũng tràn đầy cảm hứng như tôi.
Vài tuần sau đó, trong niềm hân hoan, tôi dự tính sẽ khởi động khoảng 30 nhóm nhỏ trong năm tới. Mọi người ủng hộ rất tích cực và chúng tôi đã lập ra một chương trình các nhóm nhỏ. Giá mà tôi có thể nói rằng nó thành công rực rỡ, nhưng tôi không thể. Chỉ vẻn vẹn vài tháng, chúng tôi nhận thấy nó không hiệu quả. Đến cuối năm, thay vì thành lập được 30 nhóm nhỏ thì chúng tôi chỉ có ba! Chuyện gì xảy ra vậy?! Tôi đã không huấn luyện kỹ càng cho những người lãnh đạo các nhóm. Nhóm nào hình thành mà không có người lãnh đạo được đào tạo đầy đủ thì đều chìm dần và dẫn đến giải tán.
Giờ thì với tôi bài học trở nên rõ ràng và đơn giản: Một tổ chức chỉ có thể duy trì được khi nó có bao nhiêu nhóm thì phải có bấy nhiêu người lãnh đạo giỏi cho mỗi nhóm. Đó là thực tế. Trước kia tôi đã không suy nghĩ thấu đáo chuyện đó nhưng tôi đã nhanh chóng rút ra bài học cho mình. Hai năm sau đó, tôi đào tạo cho hàng trăm lãnh đạo và rồi chúng tôi khởi động lại chương trình các nhóm nhỏ. Vào lần thứ hai đó chúng tôi đã thành công.
Cuộc sống thường trở nên khó khăn hơn khi ta không chịu tư duy. Có một câu chuyện cười tôi đọc được nhiều năm trước đã mô tả việc rất nhiều người khiến tình huống thêm tồi tệ do không suy nghĩ thấu đáo. Câu chuyện kể về các kiểu chiến lược mà người ta đã dùng khi phát hiện ra mình đang cưỡi một con ngựa chết. Họ đã thử những cách sau:
- Mua một cái roi ngựa to hơn
- Đổi người cưỡi
- Nói theo kiểu như: “Chúng ta vẫn thường cưỡi con ngựa này như thế”
- Chỉ định một ủy ban học cưỡi ngựa
- Sắp xếp một chuyến đi đến những địa điểm khác để xem họ cưỡi ngựa thế nào
- Thay đổi luật quy định rằng “loài ngựa không chết”
- Cùng lúc dùng vài con ngựa chết để tăng tốc độ
- Tuyên bố rằng “Chẳng có con ngựa nào bị chết đến nỗi không cưỡi được”
- Cấp thêm vốn để tăng năng suất của con ngựa
- Mua một sản phẩm nào đó để giúp con ngựa sống lại
- Hình thành một nhóm chất lượng nhằm tìm ra các cách tận dụng ngựa chết
- Kiểm tra lại yêu cầu về năng suất lao động của ngựa
- Đề xuất đưa con ngựa chết đó lên vị trí giám sát
Những cách thức lố bịch đó vẫn được sử dụng trong kinh doanh, nhưng rất có thể ta lại áp dụng chúng trong các tình huống khác trong cuộc sống nếu ta không biết sử dụng cái đầu của chính mình. Cuộc đời đã đầy rẫy những thất vọng và đau đớn rồi, ta không cần phải làm chúng trở nên trầm trọng hơn nữa.
3. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người không đối diện với thực tế
“Phần lớn mọi người dành cả đời mình để sống trên hòn đảo ảo tưởng mang tên ‘Ngày nào đó tôi sẽ’. ”
− Denis Wailey
Có vẻ những người đối mặt với quãng thời gian khó khăn nhất trong đời là những người không chịu nhìn vào thực tế. Tác giả và diễn giả Denis Wailey đã nói rằng: “Phần lớn mọi người dành cả đời mình để sống trên hòn đảo ảo tưởng mang tên ‘Ngày nào đó tôi sẽ’.” Nói cách khác, họ nghĩ rằng Ngày nào đó tôi sẽ làm việc này. Ngày nào đó tôi sẽ làm việc kia. Ngày nào đó tôi sẽ giàu có. Họ không sống trong một thế giới thực.
Họ giống như một người phụ nữ nhan sắc bậc trung nói chuyện với cha xứ trong buồng thú tội.
“Con cảm thấy tội lỗi vô cùng.” Cô thú tội với cha xứ. “Vừa sáng nay con nhìn vào gương và thấy ngưỡng mộ sắc đẹp của mình.”
“Chỉ có vậy thôi sao, con gái?” Cha xứ, người biết cô từ lúc cô còn là đứa trẻ, hỏi.
“Vâng, thưa Cha.” Cô rụt rè đáp.
Cha xứ đáp: “Vậy đừng lo. Nhầm lẫn không phải tội lỗi.”
“Hoặc là bạn đối mặt với thực tế, hoặc là chắc chắn thực tế sẽ tìm đến bạn.”
− Alex Haley
Tác giả cuốn Nguồn cội (Roots) Alex Haley từng nói: “Hoặc là bạn đối mặt với thực tế, hoặc là chắc chắn thực tế sẽ tìm đến bạn.” Nếu muốn trèo lên đỉnh ngọn núi cao nhất, bạn không thể mong đợi có thể làm được điều đó chỉ trong một đêm. Bạn không thể kỳ vọng chuyện đó trừ khi bạn được học cách leo núi và có luyện tập thể chất. Và nếu bạn vẫn cố chối từ thực tế mà tìm cách leo núi, sớm muộn bạn cũng gặp rắc rối.
Việc bạn làm mới là quan trọng. Và để thành công, việc đó phải dựa trên thực tế. Nhà báo Sydney J. Harris đã quan sát thấy rằng: “Người theo chủ nghĩa hoàn hảo tin rằng việc làm trước mắt không quan trọng. Người theo thuyết hoài nghi lại tin rằng việc làm lâu dài không có tác dụng gì. Người thực tế tin rằng những gì đã thực hiện hoặc không được thực hiện trước mắt sẽ tác động đến kết quả lâu dài.”
Cuộc sống đầy khó khăn. Nhưng tin tốt đó là: Rất nhiều thứ trong đời bạn khao khát đều có thể đạt được – nếu bạn sẵn sàng đối mặt với thực tế, nhận biết được xuất phát điểm của mình, tính toán được chi phí cho mục tiêu và thực hiện nó. Đừng để hoàn cảnh thực tiễn làm bạn nhụt chí. Tất cả những người có được ngày hôm nay là nhờ họ đã khởi đầu từ ngày hôm qua.
4. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người chậm trễ đưa ra những điều chỉnh thích hợp
Larry – em trai tôi – là người thầy của tôi trong rất nhiều lĩnh vực. Cậu ấy đặc biệt có năng khiếu về kinh doanh và tài chính. Tôi luôn nghe cậu ấy nói: “Mọi người không biết nhanh chóng cắt bỏ các khoản lỗ.” Cậu ấy đã dạy tôi cách biến khoản lỗ đầu tiên thành khoản lỗ cuối cùng. Tôi thấy để làm được điều đó rất khó. Bạn thì sao? Thay vì cắt bỏ những mất mát đó, ta lại ngụy biện cho nó. Ta cố biện hộ cho quyết định đó. Ta đợi chờ để xem nó có thay đổi không và chứng minh rằng ta đã đúng. Larry đã khuyên tôi nên đối mặt với vấn đề và sửa chữa nó hoặc đứng ngoài mọi chuyện.
Vận động viên đấm bốc hạng nặng Evander Holyfield đã nói: “Ai cũng từng có một kế hoạch cho tới khi họ bị đánh gục.” Anh ấy nói vậy là có ý gì? Áp lực của hoàn cảnh khó khăn có thể khiến bạn quên mất kế hoạch của mình và nếu bạn không xử lý tình huống một cách khéo léo, bạn sẽ không thể đưa ra các điều chỉnh. Đó chính xác là thứ bạn cần phải làm: đưa ra những điều chỉnh thích hợp.
Chuyên gia quảng cáo và cũng là bạn tôi, Linda Kaplan Thaler đã từng rất thành công trong việc giúp tiếp thị và định vị thương hiệu cho sản phẩm của các công ty. Cô ấy là người nghĩ ra ý tưởng đưa con vịt thật vào trong các quảng cáo bảo hiểm của Aflac. Cô ấy thực hiện quảng cáo cho rất nhiều sản phẩm thành công nhưng cô lại thực sự muốn được đại diện cho những sản phẩm không thành công. Cô ấy nói rằng: “Tôi rất thích được làm việc với những sản phẩm nằm trong danh sách D.” Tại sao? Những công ty đó “đang tuyệt vọng nên họ sẽ để tôi làm bất kỳ việc gì”. Buồn thay là nhiều người lại không sẵn lòng đối diện với thực tế và đưa ra các điều chỉnh cho tới khi họ mất đi thứ gì đó. Nếu muốn thành công, chúng ta không thể đợi lâu như vậy được.
5. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn với những người không phản ứng phù hợp với nghịch cảnh
Những người phản ứng phù hợp với nghịch cảnh là những người nhận thức được rằng phản ứng của họ với các thách thức sẽ tác động lên kết quả sự việc. Họ chấp nhận và hiểu rõ thực tế tình huống của họ, từ đó hành động một cách hợp lý. Tôi biết chuyện đó ban đầu không dễ dàng gì. Bản chất lạc quan có xu hướng khiến tôi muốn mình bỏ qua một cơn khủng hoảng nào đó và hy vọng nó sẽ tan biến. Điều đó không hiệu quả. Mong ước chẳng giải quyết được gì. Phủ định một vấn đề chỉ khiến nó trầm trọng hơn. Việc trở nên nóng giận và la hét, hay giận cá chém thớt với những người bạn yêu thương cũng vậy. Tôi đã phải học cách nói với bản thân mình thế này: “Đó là cách chuyện đó xảy ra. Mình có vấn đề. Nếu muốn giải quyết vấn đề thì phải hành động. Giải pháp tốt nhất là gì?”. Khi gặp phải một thách thức, bạn có thể biến một quả chanh thành cốc nước chanh, hoặc bạn cũng có thể để nó khiến cả cuộc đời bạn trở nên chua loét. Đó là lựa chọn của bạn.
Đối diện với thực tế, giữ được sự tự tin khi kỳ vọng và thể hiện tốt nhất có thể không phải chuyện dễ dàng nhưng cũng không phải không thực hiện được. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt khổng lồ trong cuộc sống của bạn. Nó đem lại cho bạn nguồn lực để học hỏi, trưởng thành và thành công. Đó chính là điều mà Jim Lovell đã làm khi ông điều khiển tàu Apollo 13 phóng lên Mặt trăng. Khi tên lửa Saturn đang đẩy họ tới Mặt trăng bỗng nhiên bị trục trặc, họ đành phải hủy bỏ nhiệm vụ đó và cố gắng quay lại Trái đất an toàn, tương lai thật ảm đạm. Lovell tính toán thấy cơ may sống sót của họ vô cùng mong manh. “Nhưng bạn không giữ mãi chuyện đó trong đầu”, Lovell kể lại vào dịp đoàn tụ sau 40 năm của các phi hành gia và những nhân viên điều hành bay mặt đất còn sống. “Bạn không nói nó mong manh thế nào mà nói về việc bạn làm thế nào để tăng cơ may sống sót.”
Tác giả và cũng là chuyên gia kinh tế Jim Collins từng nói: “Bạn sẽ có cảm giác hồ hởi khi dám đối đầu trực diện với hoàn cảnh khó khăn và nói: “Ta sẽ không bao giờ từ bỏ. Ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Có thể sẽ phải mất một thời gian dài nhưng ta sẽ tìm ra cách khuất phục nó”. Đó là cách rất hay để nói về phản ứng phù hợp với thách thức. Bạn sẽ tạo ra cơ hội bằng cách đối diện với nó và hành động, chứ không phải tảng lờ đi và giả vờ không thấy. Nếu muốn học hỏi, bạn phải biết xây dựng khả năng giải quyết vấn đề, các kế hoạch và khả năng hành động của bạn trên một nền tảng vững chắc. Thực tế là thứ duy nhất không bị chao đảo dưới sức nặng của những thách thức kia.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.