Học Từ Thất Bại

7 Tinh thần ham học: Lộ trình của Học hỏi



Một đôi vợ chồng cùng đi đánh golf. Ở gậy thứ tư của lỗ thứ tám, người chồng câu bóng vào rừng. Ông ta giận dữ chuẩn bị dùng một gậy để đánh về đường lăn bóng.

“Đợi đã, anh yêu”, vợ ông ta nói. “Anh có thấy cái chuồng nằm giữa anh và sân ở đằng kia không? Nếu em mở hai bên cửa ra vào, anh có thể đánh xuyên qua chuồng vào đường lăn bóng.”

Bà ta mở cửa và người chồng đánh cây gậy thứ ba đáng sợ. Nó nẩy vào tường của khu chuồng và đập vào giữa mặt bà vợ, làm bà ta chết bất đắc kỳ tử.

Một năm sau, ông ta lại đi đánh golf cùng một người bạn. Tại lỗ thứ tám, ông lại câu bóng vào rừng. Khi ông sẵn sàng đánh vào đường bóng lăn, người bạn nọ ngăn cản.

“Đợi chút. Thứ duy nhất chắn lên đồi là cái chuồng kia. Nếu tôi mở hai bên cửa, anh chắc hẳn có thể bắn thẳng lên đồi, xuyên qua cái chuồng kia.”

“Không đời nào!”, người đàn ông hét lên. “Không. Tôi đã thử năm ngoái và mất đến bảy gậy!”

 Tôi định nghĩa khả năng sẵn sàng học hỏi giống như có thái độ và hành vi chủ động để liên tục học hỏi và phát triển trong suốt cuộc đời.   

Được rồi, tôi thừa nhận đó là một trò đùa khủng khiếp. Tôi trân trọng nó với tư cách của người đánh golf. Một số người có bài học, một số thì không. Và điều đó đưa chúng ta tới phẩm chất tiếp theo phân biệt giữa những người học được từ thất bại với những người khác. Mọi người thường hỏi tôi điều gì có vai trò quyết định khiến họ bộc lộ tiềm năng của mình. Câu trả lời là tinh thần sẵn sàng học hỏi.

Sẵn sàng học hỏi là gì? Tôi định nghĩa khả năng sẵn sàng học hỏi giống như có thái độ và hành vi chủ động để liên tục học hỏi và phát triển trong suốt cuộc đời. Một số người không có điều này. Louis Armstrong – nghệ sỹ chơi kèn trumpet và trưởng nhóm nhạc Jazz – từng mô tả về điều này như sau: “Có những người mà nếu họ không biết, bạn không thể dạy họ”. Một vài người luôn cho rằng mình đúng, ngay cả khi họ không đúng. Hệ quả là cuộc sống đối với họ rất khó khăn. Họ không bao giờ tìm được con đường học hỏi hay tiếp thu được bài học mà cuộc sống mang lại cho những người có tinh thần sẵn sàng học hỏi.

 “Không một khách thể hay một nhóm khách thể nào có thể thỏa mãn bạn trong tương lai gần, hãy để cuộc sống còn lại của bạn được yên.”

− John Naisbitt   

John Naisbitt – tác giả và thuyết giả theo thuyết vị lai – từng nói “Không một khách thể hay một nhóm khách thể nào có thể thỏa mãn bạn trong tương lai gần, hãy để cuộc sống còn lại của bạn được yên”. Nói cách khác, thậm chí nếu bạn biết rõ một vấn đề, nó sẽ không giúp bạn làm mọi thứ. Sống với khả năng của mình yêu cầu bạn phải luôn học hỏi và mở rộng bản thân. Do vậy, bạn phải có tinh thần sẵn sàng học hỏi. Nếu không, tiềm năng của bạn sẽ sớm kết thúc trước khi bạn đi tới điểm cuối của cuộc đời.

Nếu muốn thành công ngày mai, bạn phải sẵn sàng học hỏi từ hôm nay. Điều gì từng mang bạn đến vị thế hôm nay sẽ không giữ bạn ở đó. Và nó chắc chắn sẽ không đưa bạn tới nơi bạn muốn đến. Bạn cần dành nhiều tâm trí cho việc học hỏi. Phần lớn trái timbạn cần dành cho việc học hỏi. Đó là điều mà tinh thần sẵn sàng học hỏi trao tặng bạn.

Gần đây tôi có đọc một nghiên cứu của Mark Murphy – người sáng lập và là CEO của Leadership IQ. Tổ chức của ông đã theo dõi 20.000 nhân sự tuyển dụng mới trong ba năm và phát hiện ra rằng 46% trong số đó thất bại (bị sa thải, đánh giá nhận xét ở mức thấp, bị cảnh báo) trong 18 tháng làm việc đầu tiên. Nguyên nhân chính ở đây không phải do thiếu năng lực hay trình độ. Điểm yếu về vấn đề kỹ năng chỉ chiếm một phần mười. 90% vấn đề của họ hầu hết nằm ở thái độ. Nguyên nhân chính của sự thất bại là do thiếu tinh thần sẵn sàng học hỏi! Murphy viết rằng 26% trong số người thất bại đều không dễ tiếp thu. Họ thiếu “khả năng chấp nhận và thực thi góp ý từ sếp, đồng nghiệp, khách hàng và những người khác”.

Điều đáng buồn nhất ở đây là thái độ là một sự lựa chọn. Khả năng sẵn sàng học hỏi cũng vậy. Chúng ta chọn cởi mở hay khép kín với ý tưởng mới, trải nghiệm mới, ý kiến của người khác và sự sẵn sàng thay đổi. Chúng ta có thể chọn con đường dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn bằng cách phát triển tinh thần sẵn sàng học hỏi, hoặc chúng ta có thể phá hoại tương lai đó bằng cách giả bộ rằng chúng ta biết mọi thứ chúng ta cần để tiến lên phía trước trong cuộc đời – mà nhân tiện – đó là điều không thể với bất kỳ ai!

Đặc điểm của một người sẵn sàng học hỏi

Nếu bạn khao khát tìm ra con đường đi từ thất bại tới thành công, bạn cần trở thành người luôn sẵn sàng học hỏi. Bạn làm điều đó như thế nào? Bằng cách trau dồi năm đặc điểm sau đây:

1. Người sẵn sàng học hỏi có thái độ cởi mở với việc học hỏi

Thái độ mà ta mang theo trong cuộc đời sẽ định hình tính chất và định hướng cho mọi việc ta làm. Trong cuốn Những bài học lớn nhất của cuộc đời (Life’s Greatest Lessons), Hal Urban đã viết:

Người đánh golf biết rằng thành công của mình được quyết định bởi cách tiếp cận quả bóng. Phi công biết rằng phần quan trọng nhất của việc hạ cánh máy bay là quá trình tiếp cận mặt đất đúng đắn. Luật sư biết rằng cách thức họ tiếp cận bồi thẩm đoàn sẽ là nhân tố quyết định trong mỗi vụ xét xử. Tiếp cận có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng, thực hiện một số bước căn bản hướng tới một thành tích nào đó. Cách tiếp cận đúng đắn cho một vấn đề bất kỳ đặt nền móng cho việc tạo nên kết quả mà chúng ta mong đợi. Về bản chất, thái độ là cách thức chúng ta tiếp cận cuộc đời. Và cách thức chúng ta tiếp cận nó sẽ quyết định thành công hay thất bại của chúng ta.

Một người có tinh thần sẵn sàng học hỏi sẽ tiếp cận mỗi ngày như một cơ hội trải nghiệm học hỏi. Trái tim họ luôn rộng mở. Tâm trí họ luôn chú ý tới những điều mới mẻ. Họ luôn có thái độ háo hức. Họ biết rằng thành công gắn liền với lựa chọn học hỏi nhiều hơn là sở hữu tài tăng thiên bẩm.

Khi chúng ta còn trẻ, cha mẹ, giáo viên và hệ thống giáo dục có trách nhiệm chính trong việc học hỏi của chúng ta. Nhưng trách nhiệm và động lực từ bên ngoài đó dần nhường chỗ cho sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Khi trưởng thành hơn, cụ thể là khi vào trung học hoặc cao hơn, một đường cắt dần xuất hiện giữa những người sẵn sàng học hỏi và những người từ chối học hỏi. Sự lựa chọn tại thời điểm đó rất trọng đại. Chúng ta có thể lựa chọn tiếp tục sẵn sàng học hỏi và tiếp nhiên liệu cho khao khát trong bản thân để tiếp tục định hướng phát triển. Hoặc chúng ta có thể lãnh đạm với các cơ hội mà chúng tự xuất hiện để ta có thể tiếp tục học hỏi.

Philip B. Crosby – tác giả cuốn Chất lượng miễn phí (Quality is Free) nói rằng con người có thể vô thức làm chậm sự phát triển của mình vì họ trở nên phụ thuộc vào các khuôn sáo và thói quen, thay vì trau dồi tinh thần sẵn sàng học hỏi. “Một khi đến độ tuổi thỏa mãn cá nhân trên thế giới”, Crosby nói, “con người dừng học hỏi và suy nghĩ của họ nhàn rỗi trong những ngày còn lại. Họ có thể tiến bộ một cách có tổ chức, có thể háo hức và tham vọng, thậm chí có thể làm việc cả ngày và đêm. Nhưng họ không còn học hỏi nữa.”

 Có đến 85% thành công trong cuộc đời là do thái độ, trong khi chỉ 15% là do năng lực.   

Sẵn sàng học hỏi phụ thuộc vào hai yếu tố: năng lực và thái độ. Năng lực của chúng ta có thể được thiết lập ở mức nào đó. Nhưng thái độ thì hoàn toàn do ta quyết định. Ta phải chủ động quyết định nắm lấy thái độ sẵn sàng học hỏi. Một nghiên cứu tại Harvard và một số trường đại học khác xác nhận tầm quan trọng của thái độ đối với thành công của con người. Thái độ được coi là quan trọng hơn nhiều so với trí thông minh, giáo dục, năng lực chuyên môn hay sự may mắn. Theo thống kê thực tế, có tới 85% thành công trong cuộc đời là do thái độ, trong khi chỉ 15% là do năng lực. Những phát hiện này rất phù hợp với ý kiến của Mark Murphy.

Tôi hiếm khi gặp một người sẵn sàng học hỏi mà lại có cách tiếp cận tiêu cực với cuộc sống. Phần lớn những người có tinh thần sẵn sàng học hỏi và thái độ tích cực không cho phép các ý kiến tiêu cực điều khiển suy nghĩ của mình. Tại sao? Một ý thức khép kín sẽ không mở ra cánh cửa cơ hội. Một tư tưởng tràn đầy sự khan hiếm ít khi tạo ra sự phì nhiêu. Một thái độ tiêu cực hiếm khi tạo ra thay đổi tích cực.

Nếu bạn chưa trau dồi thái độ tích cực và tinh thần học hỏi, tôi khuyến khích bạn hãy bạn đấu tranh vì chúng. Bạn làm điều đó càng sớm càng tốt, vì khi tuổi nhiều lên, các suy nghĩ tiêu cực, thói quen xấu và đặc điểm tính cách yếu kém sẽ bám rễ sâu hơn. Nhiều tuổi hơn không có nghĩa là tốt hơn. Nó chỉ có nghĩa rằng bạn còn ít thời gian hơn để lựa chọn sẵn sàng học hỏi. Vì vậy, hãy lựa chọn là người sẵn sàng học hỏi ngay bây giờ.

2. Người sẵn sàng học hỏi sở hữu suy nghĩ của người mới bắt đầu

Hồi còn là một lãnh đạo trẻ, tôi muốn thành công và tôi dành nhiều thời gian trong những năm đầu sự nghiệp để tìm chìa khóa thành công. Trong thời gian đó, tôi có dịp tham dự một buổi trao đổi mà người điều hành ở đó đã đặt ra một câu hỏi: “Khi bạn nghĩ về phần lớn thành công của các CEO, nhà đầu tư và người sở hữu doanh nghiệp, bạn nghĩ họ sở hữu phẩm chất nào?”.

Chúng tôi trả lời với các từ như tầm nhìn, trí tuệ, đam mê, tính quyết đoán và đam mê công việc. Người điều hành đồng ý rằng tất cả những điều đó đều quan trọng, nhưng từ tốt nhất để mô tả các lãnh đạo hàng đầu là khả năng sẵn sàng học hỏi. Ông ta tiếp tục định nghĩa khả năng sẵn sàng học hỏi là năng lực và sự sẵn sàng cho việc học hỏi và đưa vào thực tiễn bất kỳ những gì cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Là một lãnh đạo trẻ, tôi cảm thấy ngạc nhiên với nhận xét của ông. Tôi từng nghĩ những người thành công thường biết họ cần làm gì và bám chặt lấy nó. Những người thành công nhất mà tôi biết có thái độ kiểu như “từng ở đó, từng hoàn thành việc đó”. Họ hành động như đã biết trước tất cả. Khi trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi thấy rằng thái độ của họ chỉ đưa họ đi tới đó và rồi chững lại vì họ không còn tiếp tục phát triển. Tôi cũng nhận thấy rằng chưa bao giờ hay ở bất kỳ thời điểm nào trong đời mà tôi lại có thể hiểu được hết tất cả mọi thứ. Tôi luôn cần tiếp tục học hỏi. Tôi luôn cần trở nên tốt hơn. Người thành công luôn tiếp tục học hỏi điều mới mẻ.

Cách tốt nhất để thực hiện điều đó là gì? Hãy có tư tưởng của một người mới bắt đầu. Erwin G. Hall từng phát hiện rằng: “Tư tưởng cởi mở là bước khởi đầu của việc tự khám phá và phát triển. Chúng ta không thể học hỏi điều mới cho đến khi chúng ta thừa nhận rằng mình không biết tất cả”. Nếu muốn phát triển và học hỏi, bạn phải tiếp cận nhiều thứ với tư cách là một người mới, chứ không phải chuyên gia.

 “Tư tưởng cởi mở là bước khởi đầu của việc tự khám phá và phát triển. Chúng ta không thể học hỏi điều mới cho đến khi chúng ta thừa nhận rằng không biết tất cả.”

– Erwin G. Hall   

Tất cả những người mới có điểm chung gì? Họ biết rằng họ không nắm được tất cả và điều đó hình thành nên cách họ tiếp cận mọi thứ. Nhìn chung, họ cởi mở và khiêm tốn, không cứng nhắc và thường đạt được thành tích. Như Thiền sư Shunryu Suzuki từng viết trong cuốn Tâm thiền, Tâm của người mới (Zen mind, Beginner’s Mind): “Tâm của người mới có nhiều khả năng, nhưng tâm của chuyên gia thì ít”.

Phần lớn mọi người đều thích làm chuyên gia. Trên thực tế, một số rất thích điều đó và cảm thấy không thoải mái khi là người mới đến mức họ làm việc chăm chỉ để tránh đưa bản thân vào những tình huống đó. Những người khác cởi mở hơn và thích học hỏi điều mới mẻ. Khi thực sự là người mới, họ thấy rất dễ có được cái tâm của người mới. Nhưng duy trì khả năng sẵn sàng học hỏi đó ngày càng trở nên khó khi bạn học hỏi nhiều và đạt được thành công nhất định. Đó là thách thức để tiếp tục tiếp thu và cởi mở trong mọi trường hợp và tình huống theo thời gian.

Tôi thường cố gắng duy trì tâm của một người mới, nhưng phải thừa nhận rằng điều đó thật khó. Để thực hiện điều này, tôi cố gắng luôn luôn giữ ba điều sau trong đầu:

 

  1. Mỗi người đều có thứ để tôi học hỏi.
  2. Mỗi ngày tôi đều phải học hỏi điều gì đó.
  3. Mỗi lần tôi học được điều gì đó, tôi có lợi.

Một điều nữa tôi thường làm là tập trung đặt câu hỏi. Tôi đã dành ra rất nhiều năm để tập trung đưa ra câu trả lời. Là một lãnh đạo trẻ, lúc đó tôi cảm thấy rằng mọi người kỳ vọng điều đó ở tôi. Nhưng ngay khi bắt đầu vượt qua tình trạng bấp bênh của bản thân, tôi khám phá ra rằng việc đặt câu hỏi mang lại cho tôi sự phát triển nhiều hơn là trả lời chúng và thời khắc tôi chủ định đặt câu hỏi và bắt đầu lắng nghe, sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của tôi cất cánh. Việc đặt câu hỏi cũng có tác dụng tương tự với bạn.

3. Người sẵn sàng học hỏi nhìn sâu và lâu trong gương

Tiểu thuyết gia James Thom từng nhận xét: “Có thể người đàn ông thật thà, ‘tự lập’ nhất là người mà tôi từng nghe anh ta nói: ‘Tôi đã vượt qua con đường khó khăn – chiến đấu với sự lười biếng và thiếu hiểu biết của bản thân theo mỗi bước trên đường đời.’” Bạn có thể liên hệ gì với lời khẳng định này không? Tôi thì chắn chắn là có thể. Tôi được biết tới với việc viết lách và diễn thuyết về lãnh đạo, nhưng người gặp nhiều khó khăn nhất mà tôi từng dẫn dắt là chính mình!

Trở thành và duy trì khả năng sẵn sàng học hỏi đòi hỏi con người phải liên tục đánh giá bản thân một cách trung thực và cởi mở. Bất kỳ khi nào đối mặt thách thức, mất mát hoặc khó khăn, điều đầu tiên bạn cần hỏi bản thân là: “Nguyên nhân có phải do tôi?” Đây là chìa khóa dẫn tới tinh thần sẵn sàng học hỏi. Nếu câu trả lời là có, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi. Nếu không, bạn hãy chuẩn bị trải nghiệm thứ mà một người hài hước thường gọi là “de’jà-poo” – cảm giác bạn từng trải qua đống lộn xộn này.

Khi một người từ chối nhìn vào gương và thay vào đó là nhìn người khác hoặc hoàn cảnh để đổ lỗi, người đó sẽ tiếp tục nhận được kết quả tương tự hết lần này tới lần khác. Có lẽ mô tả tốt nhất về điều này mà tôi từng tìm được – và giải pháp – có trong bài thơTự truyện trong năm chương ngắn (Autobiography in Five Short Chapters) của Portia Nelson:

Chương Một

Tôi đi xuống phố

Có một hố sâu trên vỉa hè

Tôi rơi xuống.

Tôi mất tích… Tôi vô dụng.

Không phải lỗi của tôi

Mãi tôi mới thấy lối ra.

Chương Hai

Tôi lại xuống phố đó.

Có một hố sâu trên vỉa hè.

Tôi giả bộ không thấy nó.

Tôi lại rơi xuống.

Không thể tin tôi lại ở chỗ đó.

Nhưng đó không phải lỗi của tôi.

Một lúc lâu sau mới ra được.

Chương Ba

Tôi lại xuống phố đó.

Có một hố sâu trên vỉa hè.

Tôi thấy nó ở đó.

Tôi vẫn rơi vào… một thói quen… nhưng,

mắt tôi mở.

Tôi biết tôi ở đâu.

Đó là lỗi của tôi.

Tôi thoát ra ngay lập tức.

Chương Bốn

Tôi lại xuống phố đó.

Có một hố sâu bên vỉa hè.

Tôi đi vòng qua nó.

Chương Năm

Tôi đi xuống con phố khác.

 “Thưa Chúa, hãy giúp con tránh xa người chưa bao giờ phạm sai lầm và người phạm cùng một sai lầm hai lần.”

– William Mayo   

Nhận biết trách nhiệm của mình trong các sai lầm, tìm kiếm giải pháp (cho dù có đau đớn thế nào) và làm việc chăm chỉ để khắc phục chúng là khả năng sẵn sàng học hỏi trong hành động. Và nó dẫn tới khả năng làm nên đổi thay, phát triển và tiến lên trong cuộc sống.

Nhà vật lý học William Mayo từng cầu nguyện: “Thưa Chúa, hãy giúp con tránh xa người chưa bao giờ phạm sai lầm và người phạm cùng một sai lầm hai lần.” Phạm sai lầm không có gì sai, nhưng một số người lại mắc nhiều lần. Một tinh thần sẵn sàng học hỏi sẽ giúp tránh khỏi điều đó.

4. Người sẵn sàng học hỏi khuyến khích người khác nói về cuộc sống của mình

Một ngày nọ, một con cáo, một con sói và một con gấu đi săn cùng nhau. Sau khi mỗi con bắt được một con hươu, chúng bàn luận xem chia chiến lợi phẩm thế nào. Con gấu hỏi con sói xem nó muốn việc này được thực hiện như thế nào. Con sói nói rằng mỗi người nên được một con hươu. Đột nhiên con gấu ăn con sói.

Khi con gấu hỏi con cáo xem nó đề nghị chia chác thế nào. Con cáo đề nghị con gấu lấy con hươu của nó và nói rằng con gấu nên lấy phần của sói luôn.

“Sao mày đột nhiên thông minh vậy?”, con gấu hỏi.

“Tao học từ con sói”, con cáo trả lời.

Thật không may, phần lớn chúng ta rất giống con gấu. Chúng ta không thích mọi người nói về sự thật cuộc sống của mình và khi ai đó đủ dũng khí nói ra, chúng ta tấn công họ. Chúng ta cần cư xử khác đi.

Những người sẵn sàng học hỏi nên để bản thân họ tiếp xúc với những người hiểu rõ họ và nói về cuộc sống của họ một cách tình cảm và chân thực. Tuy nhiên, do nhiều lý do, điều này có thể là một thách thức. Đầu tiên, bạn phải sẵn sàng phát triển những mối quan hệ đủ mạnh với những người mà bạn có thể tin cậy và kể về cuộc sống của mình. Thứ hai, họ phải đủ can đảm và thành thật để nói chuyện thoải mái với bạn. Và thứ ba, bạn phải sẵn sàng chấp nhận những phê bình hay nhận xét của họ mà không tự bào chữa cho bản thân. Nếu không, bạn sẽ chỉ nhận được điều này một lần trong đời!

Quá trình đó sẽ ngày càng phức tạp khi bạn đạt được thành công. Khi bạn là người có tầm ảnh hưởng và được nhiều người kính trọng, người ta sẽ nói những điều bạn muốn nghe, chứ không phải điều bạn cần nghe. Họ tìm kiếm sự đồng ý của bạn hoặc nịnh bợ bạn. Điều đó không may lại khiến bạn xa rời hiện thực. Nếu bạn thấy mình trong tình huống đó, bạn cần cố gắng hơn nữa để những người xung quanh nói thật về cuộc sống của bạn. Và bạn phải trở nên chú ý lắng nghe và quan sát.

Mọi người cần ai đó sẵn sàng nói về cuộc sống. Lý tưởng nhất là ai đó có chức vụ cao hơn hoặc từng trải hơn bạn. Khi còn chủ trì một nhà thờ lớn tại San Diego, tôi từng nhận phản hồi và phê bình từ Steve Babby – người từng gặp qua hàng tá lãnh đạo nhà thờ tại Nam California. Ít nhất mỗi năm một lần, tôi đều hỏi Steve xem tôi làm sai những gì hoặc tôi có vấn đề gì về lãnh đạo mà ông ta cho rằng nguyên nhân là do tôi không. Một vài năm sau, Steve từng nói: “John, cậu là người thành công nhất mà tôi từng gặp và vẫn là người duy nhất muốn nghe phê bình. Tại sao vậy?”

“Tôi không tin bất cứ ai chưa được kiểm chứng năng lực”, tôi trả lời. “Đặc biệt là bản thân tôi”.

Nhà văn Peter M. Leschak từng nói: “Tất cả chúng ta đều xem – tivi, thời gian, giao thông trên đường cao tốc – nhưng rất ít người chịu quan sát. Mọi người đều nhìn ngó, nhưng không phải ai cũng thấy.” Tìm kiếm các dấu vết mà bạn mất dấu và nhờ mọi người xác minh nghi ngờ của bạn. Họ có vẻ sẽ trao đổi thoải mái hơn nếu bạn đưa ra sự thiếu hụt của mình trước.

 “Sự thông thái là phần thưởng bạn nhận được lúc bạn rất muốn nói , nhưng lại lắng nghe.”

– Doug Larson   

Tôi phải thừa nhận rằng lắng nghe là kỹ năng tôi phải học hỏi trong cuộc đời mình. Bép xép phù hợp với tôi hơn. Mẹ tôi thường bảo với mọi người: “John bắt đầu nói từ lúc 6 tháng tuổi và nó không chịu ngừng lại.” Thật đó. Tôi không bao giờ thiếu từ để nói. Tôi muốn đem lại không khí cho một sự kiện. Tôi thích giải trí. Tôi thích dạy dỗ và chỉ giáo. Nhưng nói không phải là học hỏi, lắng nghe mới là học hỏi. Nhà bình luận Doug Larson từng nói: “Sự thông thái là phần thưởng bạn nhận được lúc bạn rất muốn nói, nhưng lại lắng nghe.” Tôi cố gắng ghi nhớ điều đó. Nếu thuộc tuýp nói nhiều, bạn nên thử như vậy.

5. Người có tinh thần học hỏi học điều mới mỗi ngày

Bí mật trong thành công của một người bất kỳ nằm ở lịch trình hàng ngày của người đó. Con người phát triển và cải thiện, không phải theo phạm vi hoặc biên độ lớn, mà từng thay đổi gia tăng nhỏ. Nhà hoạt động vì quyền lợi của trẻ em Marian Wright Edelman từng nói: “Chúng ta không nên cố gắng suy nghĩ làm thế nào để tạo ra khác biệt lớn mà bỏ qua những thay đổi nhỏ hàng ngày, theo thời gian, chính chúng sẽ tạo thành những khác biệt lớn mà chúng ta không thể thấy trước”. Marian hiểu rằng quá trình này phát triển theo từng ngày, từng chút một.

Người có tinh thần học hỏi cố gắng tác động đến sự thật này bằng cách học điều mới mỗi ngày. Mỗi ngày đủ để khiến chúng ta tiến xa hoặc thụt lùi một chút. Nhiều ngày hợp lại sẽ khiến chúng ta tiến lên hoặc thụt lùi lớn. Nếu chúng ta thực hiện điều đó mỗi ngày, ngày qua ngày, sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Tác giả và diễn giả chuyên về động lực Dennis P. Kimbro đưa ra quan điểm của mình về điều này trong đoạn văn mà ông viết nhiều năm trước:

Tôi thường xuyên đồng hành cùng bạn. Tôi là người giúp đỡ nhiều nhất hoặc phá hoại nặng nề nhất. Tôi sẽ đẩy bạn về phía trước hoặc kéo bạn xuống sai lầm. Tôi hoàn toàn nghe theo chỉ đạo của bạn. Một nửa những gì bạn làm, tôi cũng có thể chuyển sang tôi, và tôi có thể hoàn thành chúng nhanh chóng và chính xác. Quản lý tôi rất dễ, nhưng bạn phải kiên quyết với tôi. Cho tôi thấy chính xác bạn muốn một thứ được hoàn thành như thế nào, và sau vài lần, tôi sẽ làm nó hoàn toàn tự động. Tôi là tôi tớ của những người vĩ đại; và chúa ơi, của tất cả những người thất bại nữa. Với những người thất bại, tôi tạo ra thất bại. Với những người vĩ đại, tôi tạo ra sự vĩ đại. Tôi không phải máy móc, mặc dù tôi làm việc với tất cả sự chính xác của máy móc, cộng thêm trí tuệ của con người. Bạn có thể sử dụng tôi để tạo ra lợi ích hoặc đổ vỡ – đối với tôi cũng không khác nhau mấy. Nắm lấy tôi, huấn luyện tôi, kiên nhẫn với tôi và tôi sẽ thay đổi thế giới dưới chân bạn. Dễ dãi với tôi và tôi sẽ hủy diệt bạn. Tôi là ai? Tôi là thói quen.

Thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn hoặc hủy hoại bạn, Kimbro cho biết. Nếu bạn muốn trở thành người có tinh thần học hỏi, học từ thất bại, vậy hãy khiến học hỏi trở thành thói quen hàng ngày của bạn. Nó không thể thay đổi cuộc đời của bạn trong một ngày. Nhưng sẽ thay đổi bạn cả cuộc đời.

Luyện tập hàng ngày để sẵn sàng học hỏi

Nếu bạn tin vào việc cố gắng học hỏi điều mới mỗi ngày, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu là tốt nhất, tôi xin gợi ý ba bài tập dưới đây có thể thực hiện mỗi ngày.

1. Chuẩn bị

 “Khi cơ hội tới thì đã quá trễ để chuẩn bị.”

– John Wooden   

Nếu bạn muốn sẵn sàng với bất kỳ thách thức nào bạn gặp phải vào một ngày bất kỳ và học hỏi từ chúng, bạn cần sự chuẩn bị. Điều đó có nghĩa là thực hiện trước – mỗi ngày. Người thầy cũ của tôi, John Wooden vẫn thường nói: “Khi cơ hội tới thì đã quá trễ để chuẩn bị”. Làm thế nào để tôi chuẩn bị cho một ngày để học hỏi từ nó? Tôi bắt đầu mỗi sáng bằng cách nhìn vào lịch trình của mình. Khi xem xét các nhiệm vụ trong ngày, tôi tự hỏi:

 

  • Những khoảnh khắc học hỏi tiềm năng trong ngày có thể ở đâu?
  • Tôi sẽ gặp ai? Và tôi có thể hỏi họ những gì?
  • Tôi sẽ trải nghiệm điều gì và tôi có thể học gì từ đó?

Bằng cách xem xét những khoảnh khắc có thể học hỏi và chuẩn bị cho chúng, tôi khiến việc học hỏi trở nên khả thi hơn.

Lần đầu tiên gặp huấn luyện viên Wooden, tôi dành hàng giờ để chuẩn bị. Tôi viết hàng trang câu hỏi dành cho ông. Sau vài giờ đầu kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi, tôi hỏi ông xem liệu chúng ta có thể gặp lại trong tương lai hay không. Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của ông. Ông nói: “Có chứ, John, chúng ta có thể gặp lại. Tôi biết rằng cậu sẽ luôn chuẩn bị cho khoảng thời gian chúng ta gặp nhau.” Một lời khen tuyệt vời. Đó là sự khởi đầu của những lần gặp mặt tuyệt vời khác. Mỗi lần tôi chào tạm biệt con người thông thái này, tôi đều thấy mình học hỏi được rất nhiều.

Bạn không cần dành hàng giờ để chuẩn bị mỗi ngày, mặc dù có thể đôi khi, có những công việc trên lịch trình sẽ khiến bạn phải chuẩn bị như thế. Chỉ cần lên kế hoạch vài phút mỗi sáng hoặc buổi tối hôm trước để suy nghĩ xem ngày hôm đó của bạn sẽ như thế nào và cơ hội học hỏi dành cho bạn có thể nằm ở đâu. Bạn sẽ ngạc nhiên với cách mà bạn thường xuyên cải thiện bản thân chỉ với việc rút ra từ những con người và trải nghiệm là một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

2. Chiêm nghiệm

Bản thân thời gian là cần thiết cho việc học hỏi. Chiêm nghiệm cho phép mọi người quan sát và phản ánh những điều xảy ra trong cuộc sống và rút ra ý nghĩa từ chúng. Dừng lại và suy nghĩ cho phép chúng ta có được cái nhìn về cả thành công lẫn thất bại trong ngày để tìm được bài học bên trong chúng. Nó cũng cho phép bạn lên kế hoạch cải thiện bản thân trong tương lai.

 Nên nhớ rằng có nhiều điều để học hỏi từ trải nghiệm tiêu cực. Trong khoa học, sai lầm luôn đi trước các phát minh.   

Nên nhớ rằng có nhiều điều để học hỏi từ trải nghiệm tiêu cực. Trong khoa học, sai lầm luôn đi trước các phát minh. Không thể đưa ra phát minh mà không tích lũy sai lầm. Đối với một nhà khoa học, sai lầm không phải là thất bại – nó là phản hồi. Sử dụng phản hồi đó, một nhà khoa học không chỉ hỏi “Điều gì xảy ra?” mà còn “Nó có nghĩa là gì?”. Điều này xuất phát từ việc sử dụng các kỹ năng tư duy phê phán. Không có chúng, chúng ta mất đi ý nghĩa của những việc xảy ra trong cuộc sống.

Khi các bài học được chúng ta đúc rút từ sai lầm, trước tiên ta phải quyết định xem sai lầm do thiếu hiểu biết hay ngớ ngẩn. Thiếu hiểu biết nghĩa là chúng ta không có thông tin cần thiết; ngớ ngẩn nghĩa là chúng ta đã có thông tin cần thiết nhưng dùng sai cách.

Khi bạn dành thời gian để chiêm nghiệm, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

 

  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi đọc hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi thấy hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi nghe hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi trải nghiệm hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi làm sai hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những người tôi gặp hôm nay?
  • Tôi có thể học được gì từ những điều tôi trao đổi hôm nay?

Bạn hãy thử dành ra 30 phút cuối mỗi ngày để suy nghĩ về 24 giờ sau đó, chiêm nghiệm về việc đã xảy ra và điều bạn học được từ nó. Bạn không chỉ duy trì được tinh thần học hỏi mà còn học được điều gì đó mỗi ngày nhờ quá trình này.

3. Áp dụng

Giá trị thực sự của tinh thần học hỏi xuất hiện khi chúng ta áp dụng những gì mình học được. Chúng ta có thể học nhiều từ những sai lầm của mình nếu vẫn duy trì tinh thần học hỏi. Không phải ai cũng làm được điều đó. Khi phạm sai lầm, nhìn chung họ thường phản ứng theo một trong ba cách sau: Họ giải quyết để không bao giờ lặp lại lỗi đó, điều này là không thể. Họ cho phép sai lầm biến họ thành kẻ hèn nhát, đây chính là sự ngu ngốc. Hoặc họ quyết định học hỏi từ sai lầm và áp dụng bài học vào cuộc sống, điều này rất có lợi.

Những lúc khác, chúng ta học từ những điều tích cực và áp dụng chúng. Gần đây, trợ lý của tôi – Linda Eggers – hỏi liệu tôi có muốn xem danh sách của tất cả các cuốn sách mà tôi từng viết. Tôi đã rất ngạc nhiên trước số lượng sách: 71 cuốn! Tôi chưa bao giờ mơ rằng điều đó có thực. Tôi nhớ lại thời điểm viết cuốn sách đầu tiên. Nhiệm vụ đó quá nặng nề. Tôi bỏ dở nó hơn một năm và sau đó thậm chí tôi chỉ có thể viết thêm 120 trang. Thật không thể tin được.

Bài học mà tôi có được từ việc đó là gì? Nếu bạn tập trung vào một công việc trước mắt và tiếp tục thực hiện nó, ngày qua ngày, tuần qua tuần, năm qua năm, bạn có thể đạt được nhiều điều. Nhưng cũng có bài học khác. Lý do duy nhất tôi có thể viết nhiều sách như vậy là vì tôi tiếp cận với việc học hỏi theo cách cũng kỷ luật như vậy. Tôi cố gắng học điều mới mỗi ngày. Và bởi tôi làm vậy nên chiếc bể học vấn của tôi tiếp tục phát triển chứ không bị thu nhỏ lại. Một người bạn mới hỏi tôi rằng tôi định viết bao nhiêu cuốn sách. Tôi không có con số cụ thể. Câu trả lời sẽ được quyết định bởi việc tiếp tục học hỏi và áp dụng những gì tôi khám phá được. Chỉ cần vẫn còn học hỏi, tôi sẽ tiếp tục có điều để nói.

Khả năng học hỏi trong nghịch cảnh

Có thể vài người có xu hướng cho rằng khả năng học hỏi là dành cho những người có lợi thế và rằng với những người thiệt thòi về quyền lợi, gặp phải nghịch cảnh hoặc chịu đựng đau khổ sẽ khó duy trì tinh thần học hỏi hơn. Nhưng tôi không cho là như vậy. Tôi tin rằng khả năng học hỏi là một thái độ, một tư tưởng vững chắc mà những người có tinh thần học hỏi mang theo mình dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ trải nghiệm nào.

Cuộc đời của Richard Wurmbrand là một ví dụ sâu sắc, ông sinh năm 1909 tại Romania. Ông lao vào kinh doanh khi còn trẻ. Theo thời gian, đến tuổi 25, ông kiếm được nhiều tiền và sống xa hoa. Năm 27 tuổi, ông nhiễm lao. Sức khỏe yếu khiến ông phải xem xét lại cuộc sống của mình và ông trở thành người có niềm tin mạnh mẽ. Một thời gian ngắn sau, vợ ông cũng vậy, Một vài năm sau, Wurmbarnd cảm thấy bắt buộc phải trở thành tổng thống.

Trong Thế chiến thứ hai, Romania phải chịu đựng Đức Quốc xã và Liên Xô. Wurmbrand nhớ lại rằng:

Khi chiến tranh leo thang, nhiều dân tộc thiểu số theo Kito giáo… bị tàn sát hoặc đưa vào trại tập trung với người Do Thái. Toàn bộ gia đình của vợ tôi bị đưa đi và tôi không bao giờ được gặp lại họ nữa. Tôi bị Phát xít bắt ba lần; xét xử, thẩm vấn, đánh đập và cầm tù. Nên tôi đã chuẩn bị cho những gì sẽ trải qua dưới chế độ Cộng Sản.

Khát vọng học tập là động lực vĩ đại để tiếp tục sống, cho dù bạn là đứa trẻ lần đầu khám phá thế giới, một công nhân, một tù nhân hay một người già đang ở tháng 12 của cuộc đời. Nó giúp chúng ta trẻ trung, tồn tại và tràn đầy hy vọng. Đó là sức mạnh của việc duy trì tinh thần học hỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.