Học Từ Thất Bại

1 Khi bạn thất bại, mọi thứ thật đau đớn



Một người bạn của tôi tên là Robert Schuller đã từng hỏi: “Nếu biết mình sẽ không thất bại, chúng ta cần gì phải nỗ lực nữa chứ?”. Đó là một câu hỏi tuyệt vời, một câu hỏi truyền đầy cảm hứng. Phần lớn khi nghe câu hỏi đó, mọi người bắt đầu mơ mộng trở lại. Họ được thúc đẩy vươn tới những mục tiêu của mình và dám liều lĩnh hơn.

Tôi có một câu hỏi mà tôi nghĩ cũng quan trọng không kém: Bạn học hỏi được gì khi thất bại?

Mặc dù mọi người thường luôn sẵn sàng chia sẻ về những ước mơ nhưng lại chưa được chuẩn bị đầy đủ để trả lời cho câu hỏi về những thiếu hụt của mình. Mọi người hầu như không muốn nhắc tới sai lầm và thất bại. Họ không muốn đương đầu với chúng. Chúng khiến họ xấu hổ. Và khi phát hiện ra mình không đạt được điều gì đó, họ lại tự lẩm nhẩm câu quen thuộc kiểu như “Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn thất bại”. Thông điệp ở đây là “Hy vọng thành công, chờ đợi thất bại và chấp nhận kết quả dù thế nào chăng nữa”.

Như vậy có gì sai? Đó không phải cách suy nghĩ của người chiến thắng!

Những người thành công tiếp cận thất bại theo cách khác. Họ không cố giấu giếm thất bại. Họ không chạy trốn khỏi chúng. Thái độ sống của họ không bao giờ theo kiểu Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn thất bại, thay vào đó họ nghĩ rằng Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn học hỏi. Họ hiểu rằng những bài học quý giá nhất của cuộc đời đến từ những thất bại, nếu ta biết tiếp cận chúng một cách phù hợp.

Bài học này quá đau đớn

Tôi gặt hái được rất nhiều thành công trong cuộc sống nhưng cùng lúc phải trải qua số lần thất bại còn nhiều hơn thế. Một số thất bại không phải do lỗi của tôi. Tuy nhiên rất nhiều thất bại lại do chính tôi gây ra, chúng xuất phát từ những chọn lựa tồi và những sai lầm ngớ ngẩn. Ngày 12 tháng 3 năm 2009, tôi đã có một sai lầm ngớ ngẩn nhất trên đời. Tôi đi qua khu vực kiểm soát an ninh tại một sân bay lớn với khẩu súng ngắn bị bỏ quên trong cặp tài liệu. Đó là điều ngớ ngẩn nhất tôi từng làm. Chuyện là thế này.

Thứ Bảy tuần trước tôi có mặt tại Birmingham, Alabama, nói chuyện tại nhà thờ Church of the Highlands. Đó là một nhà thờ tuyệt vời do mục sư khả kính Chris Hodges sáng lập. Ông là một người bạn tốt, công tác trong ban quản trị của EQUIP – một tổ chức phi lợi nhuận mà tôi thành lập để giảng dạy về các kỹ năng lãnh đạo trên toàn thế giới. Các thành viên của Chris rất thú vị và tôi đã có khoảng thời gian vô cùng vui vẻ cùng họ cuối tuần đó.

Khi tôi có lịch hẹn thuyết trình ở đâu đó, tôi thường sử dụng máy bay thương mại. Nhưng nếu địa điểm không quá xa nhà và có nghĩa rằng tôi có thể về nhà và ngủ trên chiếc giường của mình, tôi sẽ chọn máy bay tư nhân. Lần trở về nhà này tôi sử dụng máy bay tư nhân.

Khi chuẩn bị lên máy bay tại sân bay để trở về nhà, một người bạn của mục sư Chris – người lái xe cùng chúng tôi – muốn tặng tôi một món quà: khẩu súng ngắn Beretta.

Anh bảo rằng: “Cái này dành tặng cho Margaret, để cô ấy cảm thấy an toàn khi anh đi công tác”.

Tôi có những người bạn rất hiểu biết về súng ống. Một số người hay đi săn. Vài lần tôi cũng từng đi săn với bạn bè. Tôi dùng súng trường và súng săn, nhưng thật sự tôi không hiểu mấy về súng. Và thú thật là tôi không quá quan tâm, tôi không thích mà cũng chẳng ghét súng. Chỉ là ít khi tôi nghĩ đến chúng. Tôi không phải chuyên gia kỹ thuật nhưng tôi biết khẩu súng này là món quà được trao bằng cả tấm lòng nên tôi đã nhận và cất vào cặp tài liệu của mình.

Sau khi hạ cánh, viên phi công nhận xét là khẩu súng rất đẹp và hỏi tôi: “Ông có biết cách lên đạn không?”.

Tôi trả lời: “Tôi không biết”.

Anh ấy nói: “Vậy để tôi làm cho”.

Anh ấy lên đạn, đảm bảo rằng khẩu súng đã được khóa an toàn và đưa trả cho tôi. Tôi cất lại vào cặp rồi về nhà.

Và rồi tôi quên béng mất nó.

Mấy ngày sau đó, tôi vô cùng bận rộn. Tôi có buổi nói chuyện với một nhóm lớn tại Dallas và tôi phải tập trung toàn lực vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho nó. Cũng có một phút ngắn ngủi nào đó khi đang chuẩn bị bài giảng, tôi tự nhủ “Mình phải nhớ bỏ khẩu súng đó ra khỏi cặp”. Nhưng lúc đó tôi đang viết dở và không muốn bị ngắt giữa chừng vì đang theo mạch viết. Thế là tôi nghĩ “Mình sẽ làm sau”.

Thời gian trôi đi. Cuộc sống vẫn bận rộn. Tôi vẫn làm việc. Và trước khi kịp nhận ra, thứ Năm đã tới và tôi đi đến sân bay.

Nếu cùng khoảng tuổi tôi, có thể bạn sẽ nhớ nhân vật hoạt hình có tên là Ngài Magoo. Đó là người cứ lang thang hết từ nguy hiểm này tới nguy hiểm khác mà không hề bị thương chút nào. Vài người bạn từng gọi tôi là Ngài Magoo. (Nếu bạn chưa đủ tuổi để biết được Ngài Magoo thì có lẽ bạn sẽ biết Forrest Gump(1). Bạn bè cũng gọi tôi như thế.)

Vào ngày thứ Năm đó, vào đúng cái khoảnh khắc tệ hại nhất giống Ngài Magoo, tôi đi tới khu vực kiểm tra an ninh, thả cặp tài liệu vào băng chuyền. Ngay khi vừa định bước qua máy phát hiện kim loại, tôi chợt nhớ ra khẩu súng.

Trong lúc hoảng quá, tôi buột miệng thốt lên: “Có khẩu súng trong đó! Có khẩu súng trong đó!”

Thực sự đây đúng là một trong những thứ ngớ ngẩn nhất tôi từng làm. Tôi có cảm giác mình như một thằng ngốc. Và tình hình còn bi thảm hơn khi có rất nhiều người ở khu vực kiểm tra an ninh biết đến tôi, bao gồm cả người vận hành màn hình thiết bị soi. Anh ấy nói rằng: “Ngài Maxwell, tôi rất tiếc nhưng tôi phải báo cáo vụ việc này”. Tin tôi đi, kết quả này chẳng có gì ngạc nhiên. Họ dừng mọi thứ lại, tắt băng chuyền, còng tay tôi lại rồi dẫn tôi đi.

Hóa ra viên cảnh sát trưởng – người điền nốt báo cáo cảnh sát cũng biết tôi. Anh ấy làm việc tập trung trong khoảng một tiếng. Sau khi hoàn thành các thủ tục, anh ấy quay sang phía tôi, cười và nói: “Tôi rất thích các cuốn sách của ông. Tôi mà biết chúng ta gặp nhau trong hoàn cảnh này thì tôi đã mang theo vài cuốn để ông ký tặng rồi”.

Tôi trả lời là: “Anh mà giúp tôi thoát khỏi mớ rắc rối này thì tôi sẽ ký tặng sách cho anh tới cuối đời luôn”.

Người thợ chụp ảnh căn cước cũng biết tôi. Khi họ đưa tôi vào phòng nơi anh làm việc, anh hỏi tôi: “Ông Maxwell, ông làm gì ở đây vậy?”.

Anh ấy mở khóa còng cho tôi và nói với viên cảnh sát là tôi không cần dùng tới chúng.

Chẳng cần phải nói gì nhiều, khi anh ấy chụp ảnh, tôi cười không nổi.

Đánh giá thất bại

Ngay sau khi được bảo lãnh, tôi gặp luật sư của mình, anh ấy bảo rằng: “Mục đích chính của ta là giữ im lặng vụ này”.

Tôi bảo “Không thể được” và kể cho anh ấy về tất cả những người biết đến tôi mà tôi đã gặp trong tình huống đó. Chắc chắn là tin tức về vụ này sẽ được tung ra vào buổi tối. Để mọi người rõ thực hư câu chuyện và giảm thiểu hình ảnh tiêu cực, trước khi bản tin được phát, tôi viết lời nhắn trên Twitter với nội dung là: Định nghĩa về sự Ngu ngốc: Nhận quà là một khẩu súng. Quên khuấy nó đã được lên đạn và đi tới sân bay. Cán bộ an ninh không hài lòng!

 “Khi tôi biết lắng nghe những thất bại của mình, khi đó tôi đã trưởng thành.”

– Hugh Prather   

Đã quá nhiều lần trong đời, tôi không đủ cẩn trọng. Và lần này là việc đặt một khẩu súng vào cặp tài liệu. Ngay sau khi bộ phận an ninh phát hiện ra khẩu súng, tôi bắt đầu tự thuyết giảng trong im lặng về sự bất cẩn của chính mình. Những lời của Hugh Prather phù hợp với tôi một cách hoàn hảo lúc đó: “Đôi lúc tôi phản ứng với việc vấp phải sai lầm như thể tôi phản bội chính mình. Nỗi sợ hãi vấp phải sai lầm của tôi dường như dựa trên một giả định ngầm rằng tôi gần như hoàn hảo và rằng nếu tôi thận trọng hơn thì tôi sẽ không bị trượt chân ra khỏi thiên đường như thế. Nhưng một sai lầm chính là lời tuyên bố về cách thức tôi đang làm, một đòn giáng mạnh vào cách thức mà tôi định làm, một lời nhắc nhở rằng tôi đang bỏ qua thực tế. Khi tôi biết lắng nghe những thất bại của mình, khi đó tôi đã trưởng thành.”

Hai chữ “thận trọng” là điều tôi rút ra được từ trải nghiệm này. Sai lầm vẫn có thể cho phép chừng nào thiệt hại không quá lớn. Hoặc như người ta vẫn nói ở Texas: “Nếu chưa bị mất con bò thì bạn làm đổ bao nhiêu sữa cũng không sao!”.

Tôi bị thuyết phục rằng tất cả chúng ta chỉ cách sự ngu ngốc có một bước chân. Đáng lẽ tôi đã bị “mất con bò” của mình do rắc rối đó. Không ai trong chúng ta hoàn hảo đến nỗi có thể không mắc phải một hành động ngớ ngẩn nào đó. Và thứ mà ta phải mất cả đời để gây dựng rất có thể bị sụp đổ chỉ trong chốc lát. Hy vọng của tôi là việc cố gắng cả đời để sống trong sự chính trực sẽ đáng giá hơn một hành động ngu ngốc.

May mắn là ngay khi câu chuyện trên được công bố, các bạn tôi bắt đầu tập hợp lại và ủng hộ tôi. Bởi tôi biết chắc người ta sẽ hỏi những câu hỏi về việc đó nên ngay lập tức tôi đã kể về nó trên trang blog của mình, trang JohnMaxwellonLeadership.com với bài viết tên là Người khôn làm việc dại thì vẫn là kẻ dại. Những lời bình luận ủng hộ của mọi người tràn ngập bài viết. Chúng thực sự đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều.

Những người bạn khác thì lại có cách tiếp cận hài hước hơn. Khi tôi nói chuyện tại Nhà thờ Crystal Cathedral, Gretchen Schuller nói: “John, bảo vệ muốn kiểm tra người anh trước khi anh phát biểu”. Bill Hybels gửi cho tôi lá thư trong đó viết: “Không tình dục? Không bê bối tiền bạc? Nhàm chán…” Angela Williams gửi e-mail cho trợ lý của tôi là Linda Eggers với nội dung: “Nói với John rằng anh ấy là người hùng của tôi. Trong mắt tôi anh ấy ngày càng đáng kính. Tôi có nhiều ‘huynh đệ’. Rất nhiều người mang theo súng ngắn, cả đàn ông lẫn đàn bà. Mẹ của Art đã bị bắt ở sân bay Atlanta do trong chiếc ví lớn của bà có khẩu súng ngắn theo kiểu Clint Eastwood… mà bà ấy cũng quên béng nó.” Và Jessamyn West thì chỉ ra rằng: “Tha thứ cho lỗi lầm của người khác rất dễ; tha thứ cho lỗi lầm của chính mình đòi hỏi phải can đảm và dũng cảm hơn.”

Sau đó tôi bắt đầu nhận được rất nhiều gợi ý của mọi người dành cho tiêu đề cuốn sách sắp tới của tôi, bao gồm:

 

  • Lập băng đảng găngxtơ trong bạn
  • 21 Điều luật không thể bác bỏ của An ninh hàng không
  • 21 Lý do không bàn cãi, không thể bác bỏ vì sao bạn không được quên súng trong cặp khi tới sân bay
  • Lãnh đạo từ giữa băng đảng
  • Xách súng lên và đi

Giờ tôi cảm thấy vô cùng may mắn bởi tòa án đã bác bỏ tình huống đó và nó đã được xóa khỏi hồ sơ của tôi. Tôi có thể cười vào toàn bộ sự việc. Trên thực tế, không lâu sau trải nghiệm đau đớn đó, tôi đã làm cho mình một tờ giấy nhớ để ghi nhớ rằng trong cuộc đời này, đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn học hỏi. Tôi thường cất nó trong cặp tài liệu (thay cho khẩu súng). Đó là một tấm thẻ có hai mặt. Một mặt là ảnh bìa tạp chí Success Magazine số ra tháng 4 năm 2009. Tôi được chọn làm khuôn mặt trang bìa và trông tôi rất oách! Nụ cười triệu đô. Complê xanh. Phong thái thể hiện sự thành công và tự tin. Nửa triệu người mua tạp chí đó, xem ảnh của tôi và đọc những lời tôi viết về thành công.

Mặt kia của chiếc thẻ là tấm ảnh căn cước. Nó được chụp chỉ hai tuần sau khi tờ tạp chí kia được xuất bản! Không có nụ cười triệu đô. Không complê xanh, chỉ có bộ quần áo nỉ. Dáng điệu thảm hại và hoàn toàn chán nản. Mục đích của nó là để bạn thấy rằng khoảng cách giữa một căn hộ penthouse(2) với nhà tiêu ngoài trời không cách xa nhau là mấy.

Tại sao thất bại lại đau đớn như vậy?

Trong đời, đôi lúc bạn thành công. Ngày còn trẻ, tôi có chơi bóng rổ và rất hiếu thắng. Tôi muốn chiến thắng và ghét bị thua. Vào những năm mười chín đôi mươi, tôi đến dự buổi họp lớp và chơi một trận với các cựu cầu thủ khác. Tất cả chúng tôi đều háo hức muốn chứng tỏ rằng phong độ của mình vẫn như xưa và trận đấu trở nên đầy bạo lực. Dĩ nhiên là tôi muốn thắng nên chơi rất thô bạo. Sau khi đốn ngã một cầu thủ đối phương xuống sàn, cậu ấy hét lên giận dữ: “Lùi lại đi, chỉ là trò chơi thôi mà!”.

Tôi trả lời: “Vậy để tôi thắng đi”.

Tôi không hẳn tự hào về việc đó nhưng tôi nghĩ nó minh họa cho việc chúng ta mong muốn giành chiến thắng như thế nào. Khi ta thắng, không có gì đau đớn cả; khi ta thua, mọi thứ thật đau đớn. Và lần duy nhất mà bạn nghe được ai đó nói câu: “Chỉ là trò chơi thôi mà” thì đó là khi họ đang thua.

Hãy thử nghĩ đến một số thất bại bạn gặp trong đời và cảm giác của bạn lúc đó. Không tốt chút nào. Và nó không chỉ là nỗi đau của khoảnh khắc đó, thất bại còn gây cho ta những khó khăn khác. Dưới đây là một số khó khăn:

1. Thất bại khiến ta mắc kẹt về mặt cảm xúc

Tác giả kiêm diễn giả Les Brown từng nói: “Thời gian vui vẻ ta cất vào túi, thời gian đau buồn ta khắc trong tim”. Tôi thấy điều đó là hoàn toàn chính xác. Trái tim tôi vẫn mang theo một vài khoảnh khắc buồn. Cá là bạn cũng vậy. Những trải nghiệm tiêu cực tác động tới chúng ta sâu sắc hơn trải nghiệm tích cực, và nếu bạn giống tôi thì có thể bạn cũng bị mắc kẹt về mặt cảm xúc.

 “Thời gian vui vẻ ta cất vào túi, thời gian đau buồn ta khắc trong tim.”

– Les Brown   

Mới đây tôi vừa bị mắc kẹt về mặt cảm xúc sau khi gây ra một sai lầm ngớ ngẩn. Ron Puryear, người bạn tuyệt vời của tôi đã mời tôi tới nghỉ vài ngày tại ngôi nhà xinh đẹp bên bờ sông của anh ấy ở Idaho(3), để tôi có thể nghỉ dưỡng và bắt đầu viết sách. Khung cảnh tràn đầy cảm hứng và hoàn hảo để viết sách và tư duy. Căn nhà nhìn ra một hồ nước đẹp tuyệt vời với những ngọn đồi phủ kín cây cỏ phía đằng sau. Phong cảnh hữu tình. Bởi tôi sẽ có một số buổi nói chuyện ở các thành phố Spokane, Edmonton, Los Angeles và tất cả các thành phố ở phía Tây nước Mỹ nên tôi quyết định chấp nhận lời mời của anh.

Con rể tôi Steve và anh bạn Mark của chúng tôi cũng ở đó bởi hai người sẽ cùng tôi đến thành phố Edmonton của Canada. Khi chúng tôi ngồi trong ô tô ở thành phố Spokane, Washington để đến sân bay, Steve hỏi: “Mọi người mang theo hộ chiếu chưa?” Tim tôi chùng hẳn xuống! Tôi quên mất rồi!

Giờ thì không thể đơn giản chỉ là quay xe lại và trở về nhà mà lấy. Tôi đang ở tít phía Tây, còn hộ chiếu của tôi ở mãi tận Florida, cách đấy hơn hai ngàn dặm. Sáu tiếng nữa tôi sẽ phải thuyết trình tại Edmonton. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi phải làm sao bây giờ?

Steve, Mark, tôi và Linda – trợ lý của tôi cố giải quyết vấn đề đó trong hai giờ kế tiếp. Cứ mỗi phút trôi qua lại cho thấy tôi đang vấp phải vấn đề lớn. Tôi biết là mình sẽ chẳng được phép đặt chân lên máy bay để sang Canada mà không có hộ chiếu. (Tin tôi đi, tôi đã hỏi rồi!) Chúng tôi cũng biết rằng không thể lấy hộ chiếu qua đường chuyển phát nhanh được. Người nhà ở Florida cũng chẳng thể bắt một chuyến bay thương mại mà mang sang cho tôi kịp giờ. Tôi sẽ không thể thuyết trình tối nay. Khả năng giải quyết vấn đề đó là bất khả thi.

Cuối cùng thì sau một hồi tích cực làm việc và tư duy sáng tạo, chúng tôi đã tìm ra giải pháp. Ban tổ chức ở Edmonton đồng ý rời buổi nói chuyện tối hôm đó vào buổi tối hôm sau. Cùng lúc, chúng tôi thuê một chiếc máy bay phản lực tư nhân bay từ Florida tới Spokane mang theo hộ chiếu của tôi. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh biếm họa rằng ai đó đặt hộ chiếu của mình vào một trong những chiếc ghế, như thể nó là một hành khách vậy. Ôi trời, tôi thấy mình thật ngu ngốc.

Lúc nửa đêm, khi máy bay tới nơi, chúng tôi lên máy bay và hướng tới Edmonton. Chúng tôi đến thành phố vào sáng hôm sau, tôi đã có mặt trong buổi họp ngày hôm đó và tham gia thuyết trình vào buổi tối. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tin tốt là chúng tôi đã giải quyết được vấn đề. Tin xấu là cái giá để sửa lỗi đó là 20.000 đôla!

Ngày kế tiếp tôi bị mắc kẹt trong cảm xúc. Tôi liên tục tự hỏi mình:

Vì sao một người đi lại kì cựu như tôi mà lại mắc lỗi sơ đẳng đến vậy?

Tôi đã gây ra sự bất tiện như thế nào cho những người phải rời buổi thuyết trình vào buổi tối hôm sau?

Sao tôi không nghĩ tới hộ chiếu sớm hơn 24 giờ, như vậy tôi chỉ mất có vài trăm đôla thay vì hàng nghìn đôla như thế?

Tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi không tìm ra giải pháp?

Những ý nghĩ và câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi mãi. Để có thể hồi phục lại, tôi đã uống milk shake(4) (thứ đồ uống giúp giải khuây), đi bơi và cố gắng nghỉ ngơi. Tôi có cảm giác mình như nô lệ cho chính những cảm xúc của mình.

Tôi thường xử lý các tình huống thất bại và sai lầm khá nhanh nhưng lần này tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Tôi đã phải vật lộn để vượt ra khỏi nhà ngục do chính mình dựng lên với những câu hỏi giả định nếu-thì. Hôm nay tôi có thể cười vào việc đó nhưng ngay cả bây giờ tôi vẫn cảm thấy thật ngu ngốc khi bỏ quên một thứ cơ bản như vậy.

Người ta nói rằng nếu con tàu đại dương mà biết tư duy và có cảm xúc thì nó đã chẳng bao giờ rời bến. Nó có thể sẽ sợ hàng nghìn con sóng lớn mà nó sẽ gặp trong hành trình vượt đại dương của mình. Lo lắng và sợ hãi là những cảm xúc khiến trái tim con người yếu mềm. Thất bại cũng vậy. Chúng cũng khiến chúng ta yếu đuối, giam cầm ta, khiến ta tê liệt, nản lòng và mệt mỏi. Để thành công, ta cần phải tìm ra những cách để không bị mắc kẹt về mặt cảm xúc.

2. Thất bại đánh bại ta về mặt tinh thần

Cuộc đời là một chuỗi những mất mát liên tiếp, bắt đầu từ việc mất đi sự ấm áp và dễ chịu trong bụng mẹ – nơi nuôi dưỡng ta trong suốt chín tháng đầu khi ta chuẩn bị chào đời. Thời ấu thơ ta lại mất đi sự xa hoa khi được lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Ta mất những món đồ chơi ưa thích. Ta mất những tháng ngày chỉ việc vui đùa và khám phá. Ta mất đi cái đặc quyền được theo đuổi những vui thú của tuổi trẻ mà bỏ qua hết mọi trách nhiệm. Ta bị chia tách khỏi sự bảo bọc của gia đình khi ta rời tổ ấm đó và nhận lấy những trách nhiệm của một người trưởng thành. Trong suốt quãng thời gian làm người trưởng thành, ta mất việc, mất vị trí. Lòng tự trọng của ta có thể bị tổn thương. Ta mất tiền. Ta lỡ mất các cơ hội. Bạn bè, người thân cũng qua đời. Và tôi thậm chí còn chẳng muốn nói đến một số mất mát về thể chất mà ta phải gánh chịu khi tuổi ngày một cao! Ta mất tất cả những thứ đó và còn nhiều hơn thế, cho đến một ngày ta đối diện với sự mất mát cuối cùng – cuộc sống của ta. Không thể phủ nhận cuộc sống của chúng ta đầy những mất mát. Một số mất mát khá lớn, nhưng số khác lại nhỏ. Và những mất mát mà ta phải đối mặt tác động đến sức khỏe tinh thần của ta. Một số người biết cách xử lý khá tốt nhưng nhiều người lại không.

Phẩm chất giúp phân biệt một người thành công với một người không thành công là khả năng xử lý những thất vọng và thất bại. Việc này khá thách thức bởi những thất bại thường có thể đánh bại ta về mặt tinh thần. Tôi biết trong trận chiến đó, tôi phải đấu tranh. Khi chuyện đó xảy ra, suy nghĩ của chúng ta thường như những gì mà Harry Neale – huấn luyện viên đội Vancouver Canucks những năm 1980 đã nói: “Năm ngoái chúng tôi không giành thắng lợi ở sân bạn và năm nay chúng tôi không thể thắng ở sân nhà. Tôi không biết còn chỗ nào để chơi nữa không!”

 Phẩm chất giúp phân biệt một người thành công với một người không thành công đó là khả năng xử lý những thất vọng và thất bại.    

Việc gặp quá nhiều thất bại sẽ tác động tới trí óc chúng ta. Nó đánh bại ta và ta gặp rắc rối trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức của mình. Khi những thất bại ngày một nhiều hơn, chúng sẽ dần trở thành gánh nặng. Ta hối tiếc những thất bại của ngày hôm qua. Ta sợ hãi những thất bại của ngày mai. Sự hối tiếc làm cạn kiệt nguồn năng lượng của ta. Chúng ta không thể phát triển dựa trên sự hối tiếc. Lo sợ cho tương lai sẽ khiến ta sao nhãng và e dè.

Chúng ta đều muốn thành công nhưng đồng thời ta cũng nên được đào tạo về thất bại. Tác giả J. Wallace Hamilton cũng nhắc đến điều đó trong một bài viết của mình trên cuốn tạp chí Leadership: “Sự gia tăng tỷ lệ tự tử, nghiện rượu và thậm chí một số hình thức suy nhược thần kinh là bằng chứng cho thấy hiện nay rất nhiều người đang được đào tạo để thành công trong khi lẽ ra họ nên được đào tạo về thất bại. Thất bại phổ biến hơn thành công rất nhiều; nghèo đói thường gặp hơn giàu sang; và sự thất vọng thường thấy nhiều hơn là kỳ vọng.”

Ta cần phải chuẩn bị cho những sai lầm, thất bại và mất mát trong cuộc sống bởi mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với chúng. Tuy nhiên khi chúng xuất hiện ta phải kiểm soát chứ không để chúng phát triển thêm. Tác giả William A. Ward đã nói: “Con người, cũng như cây cầu, được thiết kế để có thể chịu được tải trọng trong một khoảng thời gian chứ không phải tất cả khối lượng một năm cộng lại liền một lúc”.

3. Thất bại tạo ra khoảng cách giữa thứ “Tôi nên làm” với “Tôi đã làm”

Thành công tạo nên vòng tuần hoàn tích cực trong cuộc sống. Khi ta thành công, ta tự tin. Càng tự tin thì ta càng có khả năng thực hiện những hành động cần có. Xu hướng chuyển dịch từ biết sang hành động thường mang lại thành công.

Thất bại cũng có thể tạo nên một vòng tuần hoàn trong cuộc sống chúng ta – nhưng đó là vòng tuần hoàn tiêu cực. Thất bại, nhất là khi thất bại liên tiếp, lại có thể dẫn đến sự bất an. Khi cảm thấy bất an, ta sẽ nghi ngờ về bản thân mình. Nó khiến chúng ta do dự khi đưa ra quyết định. Ngay cả khi ta biết rằng mình nên làm điều đó thì ta chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng. Khi khoảng cách đó được tạo ra và ta không vượt qua được, thành công gần như là điều không thể.

Khi ngồi hồi tưởng về những thất bại của mình và nghĩ đến việc nó đã tác động tới mình thế nào, tôi nhận ra có một vài thời điểm nó khiến tôi như bị mắc kẹt. Tôi thấy nhiều người cũng rơi vào trường hợp như mình. Dưới đây là 11 cái bẫy mà mọi người thường mắc phải:

 

  • Bẫy sai lầm: “Tôi sợ mình sẽ làm gì đó không đúng.” Thất bại kéo ta lại đằng sau!
  • Bẫy mệt mỏi: “Hôm nay tôi mệt lắm.” Thất bại khiến ta rã rời.
  • Bẫy so sánh: “Người khác có đủ tố chất hơn tôi.” Thất bại khiến ta cảm giác mình kém cỏi hơn người khác.
  • Bẫy thời gian: “Đây không phải lúc thích hợp.” Thất bại khiến ta do dự.
  • Bẫy cảm hứng: “Tôi không muốn làm việc đó ngay lúc này.” Thất bại tước bỏ cảm hứng của ta.
  • Bẫy bao biện mọi chuyện: “Có thể nó chưa thực sự cần thiết”. Thất bại che khuất tầm nhìn của ta.
  • Bẫy hoàn hảo: “Luôn có một cách tốt nhất để làm việc này và tôi phải tìm ra nó trước khi bắt đầu thực hiện.” Thất bại khiến ta đặt câu hỏi về chính bản thân mình.
  • Bẫy kỳ vọng: “Tôi tưởng rằng làm việc đó rất dễ nhưng không phải vậy.” Thất bại nhấn mạnh những khó khăn.
  • Bẫy công bằng: “Đáng lẽ tôi không phải là người làm việc đó.” Thất bại khiến ta thắc mắc: “Sao lại là mình?”
  • Bẫy ý kiến số đông: “Nếu tôi thất bại, người khác sẽ nghĩ tôi thế nào?” Thất bại khiến ta tê liệt.
  • Bẫy tự kỷ ám thị: “Nếu lần này tôi làm hỏng có nghĩa rằng tôi là kẻ thất bại.” Thất bại tác động tiêu cực lên cách ta nhìn nhận về bản thân.

Tất cả những bẫy trên đều do thất bại gây ra và chúng tạo nên khoảng cách giữa thứ ta biết và việc ta làm. Nếu muốn thành công, ta phải xây chiếc cầu bắc qua khoảng cách đó.

4. Thất bại đầu tiên thường không phải thất bại lớn nhất

Khi gặp thất bại, ta vẫn còn sự lựa chọn. Nếu ta phản ứng một cách hợp lý ngay lập tức, thất bại đó sẽ trở nên nhỏ bé hơn. Nhưng nếu ta phản ứng sai cách, hoặc không phản ứng lại chút nào thì thất bại đó sẽ trở nên to lớn hơn. Và thường thì nó sẽ kéo theo những thất bại khác. Khi thất bại đến liên tiếp, chúng dường như ngày càng lớn hơn, quật vào ta như những con sóng trong cơn giông tố kinh hoàng. Số lượng các thất bại càng tăng thì sự tự tin trong ta càng giảm.

Chúng ta còn khiến mọi việc tồi tệ hơn khi so sánh bản thân mình với người khác, bởi hiếm khi ta so sánh một cách công bằng. Ta so sánh cái tốt nhất của mình, gồm cả những dự định tốt của ta với cái dở nhất của người khác, hoặc ta so sánh cái dở nhất của mình với cái tốt nhất của họ. Điều đó có thể dẫn đến vòng tuần hoàn tiêu cực khi tự nói với bản thân. Tuy vậy vẫn có một số điều bạn cần biết:

Người quan trọng nhất bạn từng nói chuyện là chính bạn, vậy hãy cẩn trọng với những điều bạn nói.

Người quan trọng nhất bạn sẽ đánh giá là chính bạn, vậy hãy cẩn trọng với điều bạn nghĩ.

Người quan trọng nhất bạn sẽ yêu là chính bạn, vậy hãy cẩn trọng với việc bạn làm.

Giáo viên dạy Yoga và cũng là nhà văn Kripalvananda đã từng nói: “Con yêu quý, đừng làm tổn thương trái tim con thêm nữa. Mỗi lần chỉ trích mình, con lại đang tự làm tổn thương trái tim con”. Tôi tin là khi thất bại, ta rất dễ rơi vào tình trạng nghĩ về việc mình đáng lẽ có thể làm hay xử lý theo cách khác. Quá trình tự nói chuyện có thể trở nên tiêu cực. Khi nó càng tiêu cực thì ta càng cảm thấy các thất bại có vẻ lớn hơn. Khi quá trình tự nói chuyện của ta trở nên giận dữ, không mang tính xây dựng hoặc có cảm giác tội lỗi, ta sẽ càng có ít khả năng phá vỡ vòng tuần hoàn tiêu cực đó.

Nếu có thể vượt qua thất bại ở giai đoạn đầu và không cho nó cơ hội lớn mạnh hơn, ta có thể tiến lên phía trước. Làm được việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng ngay cả đối với những người vừa trải qua thất bại vô cùng tồi tệ cũng vẫn có thể học cách làm điều đó. Tôi từng đọc một câu chuyện kể rằng tướng Robert E. Lee(5) đến thăm ngôi nhà xinh đẹp của bà quả phụ giàu có ở Kentucky sau cuộc Nội chiến. Trong chuyến viếng thăm này, bà quả phụ chỉ cho ông phần còn lại của cây cổ thụ to lớn đã bị đạn pháo của Liên bang miền Bắc phá hoại nghiêm trọng. Bà kể với tướng Lee về những tác động của sự mất mát đó, mong tìm được sự cảm thông từ ông. Thay vào đó, sau một hồi im lặng dài, ông khuyên: “Chặt nó đi, quý bà đáng kính, và hãy quên nó đi.” Ông khuyên bà hãy bước tiếp về phía trước. Ta cũng cần học cách làm được làm điều đó theo cách tích cực.

5. Không thất bại nào giống thất bại nào

 “Nếu bạn có thể cho rằng tinh thần câu lạc bộ của mình vẫn tốt sau khi thua mười trên mười hai trận thì trí thông minh của bạn khá thấp.”

− Paul Richards   

Các huấn luyện viên các môn thể thao đồng đội luôn là những người sống trong thế giới chỉ có thắng và thua. Huấn luyện viên bóng bầu dục huyền thoại Knute Rockne từng chua cay nói rằng: “Một lần thất bại sẽ tốt cho con người, nhưng quá nhiều thất bại lại không hề tốt cho một huấn luyện viên”. Và nhà quản lý kỳ cựu của liên hiệp bóng bầu dục chuyên nghiệp Paul Richards đã nói rằng: “Nếu bạn có thể cho rằng tinh thần câu lạc bộ của mình vẫn tốt sau khi thua mười trên mười hai trận thì trí thông minh của bạn khá thấp”. Tuy vậy bạn chẳng cần phải là huấn luyện viên hay cầu thủ của một môn thể thao đồng đội thì mới cảm nhận được tác động của sự thất bại.

Tôi nhớ rõ về một buổi tư vấn nhiều năm trước đây cho một người đàn ông bị anh trai mình ghét bỏ. Họ không nói chuyện với nhau trong nhiều năm. Khi lắng nghe khách hàng và quan sát ông ta, tôi có thể cảm nhận được sự tức giận đang dâng trào khi ông kể lại những chi tiết về mâu thuẫn của họ. Sự tức giận đi đến đỉnh điểm bằng những câu như thế này: “Nhìn xem những gì anh ta làm với tôi này. Nhìn xem những gì anh ta làm với tôi này!”

Tôi yên lặng đợi đến khi ông ta bình tĩnh trở lại và sẵn sàng lắng nghe. Tôi bình tĩnh nói: “Hãy nhìn xem những gì anh làm với chính mình!”

Ông ấy đã sai? Đúng! Nhưng ông ấy đang có một trải nghiệm tồi tệ và khiến cho sự thất bại còn tệ hại hơn.

Số lượng hay sự nghiêm trọng của những thất bại không quan trọng bằng cách bạn trải nghiệm những thất bại đó. Đúng, mọi thất bại đều đau đớn. Và chúng tác động đến chúng ta, hiếm khi theo hướng tích cực. Sự thất bại làm mình thay đổi, nhưng ta không được để chúng kiểm soát chúng ta. Ta không thể để nỗi sợ hãi bị người khác xem là ngu ngốc hay bất tài vô dụng làm chúng ta tê liệt. Ta không thể để nỗi sợ hãi về những hậu quả tiêu cực khiến chúng ta không dám liều lĩnh. Để cho những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ làm méo mó tương lai của bạn cũng giống như việc sống trong quan tài. Nó đóng sập nắp lại và kết liễu cuộc đời bạn.

Có một truyện cổ Hy Lạp về một vận động viên điền kinh chạy rất tốt, nhưng lại chỉ xếp vị trí á quân trong cuộc đua quan trọng nhất của mình. Đám đông chúc mừng người thắng cuộc và thậm chí dựng tượng để vinh danh người đó. Lúc đó người ở vị trí á quân kia lại tự cho mình là kẻ thua cuộc. Sự ghen tị gặm nhấm tâm hồn anh. Anh ta chẳng thể nghĩ chuyện gì khác ngoài việc bị đánh bại và nỗi căm giận anh chàng quán quân kia, người đã chiến thắng anh. Hàng ngày mỗi khi nhìn thấy bức tượng, anh lại nhớ về cơ hội vinh quang đã mất của mình. Anh ta quyết định sẽ phá nó.

Vào một tối muộn, anh tới chỗ bức tượng và đục vào đế của nó để làm nó yếu dần đi. Các đêm tiếp theo anh đều quay lại, đục từng chút, từng chút một. Nhưng bức tượng vẫn đứng vững không suy chuyển. Ngày qua ngày, anh ta càng cảm thấy tức giận hơn. Rồi một đêm, khi anh vung búa đầy giận dữ, mọi việc đã đi quá xa. Bức tượng bằng đá cẩm thạch nặng nề cuối cùng cũng lung lay. Với tất cả trọng lượng của mình, nó đổ rầm xuống người anh, khiến anh chết ngay tức khắc. Anh ta đã biến một thất bại nhỏ thành thất bại chết người.

Làm thế nào để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của những thất bại khiến ta ngày một suy kiệt? Trước tiên hãy cứ để nó qua đi về mặt cảm xúc. Năm 1995, khi Jerry Stackhouse còn là ngôi sao sáng của đội Philadelphia trong giải NBA những năm 1976, lúc được hỏi bí quyết để chơi bóng rổ chuyên nghiệp, anh đã trả lời rằng: “Thắng và quên nó đi. Thua và lại quên nó đi”. Nếu ta muốn vượt qua nghịch cảnh và tránh không để những thất bại hạ gục, ta phải biết cách bỏ qua nó. Và rồi ta phải rút ra bài học từ nó!

Biến bại thành thắng

Nếu bạn chuẩn bị thất bại và thực tế là bạn đã thất bại, ai cũng vậy thôi, vậy thì sao bạn không biến nó thành thành quả? Làm cách nào bạn có thể thực hiện được điều đó? Bằng cách học hỏi từ thất bại đó. Một thất bại sẽ không hẳn là thất bại nếu bạn học hỏi được điều gì đó từ nó. Thất bại sẽ định nghĩa con người bạn nếu bạn cho phép chúng làm vậy. Nếu bạn đứng yên tại chỗ đúng nơi mà bạn thất bại thì rốt cục bạn sẽ mắc kẹt tại đó. Nhưng hãy nhớ điều này: Các lựa chọn của bạn sẽ bắt đầu đưa ra tuyên bố về bạn. Bạn có thể lựa chọn để thay đổi, phát triển và học hỏi từ những thất bại đó.

Dĩ nhiên làm được điều đó không dễ dàng gì. Trong bộ truyện tranh nổi tiếng Đậu phộng (Peanuts), nhân vật cậu bé Charlie Brown nói với cô bé Lucy sau trận đấu bóng chày, cúi đầu xuống, hoàn toàn thất vọng.

“Lại thua trận nữa! Ôi trời ơi!”, Charlie rền rĩ. “Tớ chán bị thua lắm rồi. Bất kể tớ làm gì, tớ đều thua!”

Lucy trả lời: “Hãy nghĩ theo cách này nhé Charlie Brown. Ta học hỏi được nhiều điều khi thua hơn là khi thắng.”

Charlie nói: “Nó làm tớ trở thành người thông minh nhất thế giới!”

Suy nghĩ đó rất hay nhưng không phải ai cũng học hỏi được từ những thất bại của mình. Thất bại sẽ không tự nó biến thành bài học nếu ta không cố gắng. Thất bại mang lại cho ta cơ hội học hỏi nhưng nhiều người lại không biết nắm bắt nó. Và khi họ không làm được như thế, việc thất bại thực sự đau đớn.

Quá trình học hỏi không hề dễ dàng vào những thời điểm khó khăn bởi nó đòi hỏi ta phải làm những việc phi thực tế. Thật khó có thể cười khi ta không hạnh phúc. Thật khó để có thể phản ứng một cách tích cực khi ta bị thất bại làm cho tê liệt. Để làm được điều đúng đắn khi mọi thứ trở nên sai lầm đòi hỏi phải có tính kỷ luật. Làm thế nào ta có thể trở nên mạnh mẽ về mặt cảm xúc khi ta đã quá mệt mỏi? Ta sẽ đối mặt với người khác thế nào khi bị bẽ mặt? Làm sao có thể hồi phục trở lại khi ta liên tiếp bị đánh gục?

Tôi viết cuốn sách này để trả lời những câu hỏi trên và cả những câu hỏi khác nữa về việc học hỏi từ những thất bại, bởi tôi tin rằng nó có thể giúp đỡ bạn. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong đời tôi đó là gia tăng giá trị cho con người. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ gia tăng giá trị cho bạn, hướng dẫn bạn biết cách học hỏi từ những thất bại của mình. Phần lớn chúng ta đều cần người nào đó có thể giúp mình tìm ra cách thức thực hiện điều đó. Nếu đó là nguyện vọng của bạn – trở thành người biết học hỏi từ thất bại – thì bạn cần học cách nhìn vào thất bại, nuôi dưỡng những tố chất giúp bạn phản ứng lại với thất bại và phát triển khả năng học hỏi từ chúng. Tôi tin rằng bạn có thể làm được điều đó nhờ bản đồ lộ trình sau:

Khiêm tốn: Tinh thần của Học hỏi

Thực tế: Nền tảng của Học hỏi

Trách nhiệm: Bước đầu tiên của Học hỏi

Cải thiện: Tâm điểm của Học hỏi

Hy vọng: Động lực của Học hỏi

Tinh thần ham học: Lộ trình của Học hỏi

Nghịch cảnh: Chất xúc tác của Học hỏi

Vấn đề: Cơ hội của Học hỏi

Trải nghiệm xấu: Nhận thức của Học hỏi

Thay đổi: Cái giá của Học hỏi

Trưởng thành: Giá trị của Học hỏi

Thánh Ignatius Loyola, một trong những học giả vĩ đại nhất của thế giới đã từng nói rằng chúng ta chỉ có thể học hỏi khi ta thực sự sẵn sàng. Khi tôi đi du lịch và gặp gỡ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, tôi đã quan sát thấy hai điều. Một là phần lớn mọi người đang phải trải qua những thời điểm khó khăn. Ý tưởng viết cuốn sách này thực sự đến với tôi khi tôi đang trong lịch trình đi diễn thuyết khắp châu Á. Tôi có thể cảm nhận rằng mọi người đang gặp rắc rối và tôi muốn tìm ra cách giúp họ lèo lái qua những đại dương khó khăn đó. Hai là tôi chưa bao giờ trải nghiệm khoảng thời gian nào như lúc này, khi có rất nhiều người cởi mở không chỉ đối với việc học tập mà còn với việc xem lại những giá trị và ưu tiên của mình.

Cũng có thể bạn đang ở giai đoạn phải chịu đựng một số thất bại và giờ bạn đã sẵn sàng cho việc học hỏi. Emmet Fox(6) từng nói rằng những khó khăn đến với bạn vào đúng lúc là để giúp bạn trưởng thành và tiến lên phía trước bằng cách vượt qua những khó khăn đó. Ông nói rằng: “Bất hạnh thực sự duy nhất, bi kịch thực sự duy nhất sẽ đến khi chúng ta chịu đựng mà không chịu rút ra bài học”.

Ta hãy cùng nhau đúc rút những bài học này và rồi ta có thể nói: “Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn học hỏi”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.