Học Từ Thất Bại

6 Hy vọng: Động lực của Học hỏi



Cách đây không lâu, tôi có ký tặng sách cho độc giả sau khi thuyết trình trước nhiều người tại trung tâm hội nghị. Cứ mỗi khi thuyết trình, tôi đều cố gắng sắp xếp để có thể ký tặng sách, bắt tay và nói chuyện với mọi người. Ngày hôm đó, rất nhiều độc giả xếp thành một hàng dài, tôi ký nhanh hết sức để có thể ký hết cho mọi người.

Có một phụ nữ bước lên, đưa cho tôi quyển sách để ký và nói rằng: “Tám năm qua tôi đã đọc sách và nghe các bài giảng của ông. Ông đã tặng tôi một món quà vô cùng ý nghĩa và tôi rất biết ơn ông.”

Tôi ngừng ký và trong khoảnh khắc tôi tự hỏi đó là món quà gì. Phải chăng đó là sự đơn giản trong bài thuyết trình của tôi ư? Hay là tính thực tiễn? Sự hài hước? Vô cùng tò mò nên tôi đã hỏi: “Tôi đã tặng bà món quà ý nghĩa gì thế?”

“Niềm hy vọng.” Cô trả lời. “Cứ mỗi lần đọc sách hay nghe bài giảng của ông, tôi luôn ra về cùng với niềm hy vọng. Cảm ơn ông.”

Người phụ nữ đó cầm sách và đi về nhưng những lời nói của cô vẫn luôn còn trong tôi. Tôi rất biết ơn điều đó bởi niềm mong mỏi của tôi là có thể mang lại giá trị cho người khác và nếu cô ấy có thêm hy vọng nghĩa là tôi đã thực sự mang lại giá trị cho cô.

Một trong những niềm đam mê của tôi là nghệ thuật lãnh đạo. Tôi học hỏi kỹ năng đó mỗi ngày và một trong những niềm vui lớn của tôi là truyền đạt lại nó cho người khác. Cựu thành viên nội các John W. Gardner đã nói rằng: “Nhiệm vụ đầu tiên và cuối cùng của một người lãnh đạo là giữ cho niềm hy vọng sáng mãi – niềm hy vọng rằng ta có thể tìm ra con đường đến một thế giới tốt đẹp hơn, dù có chuyện gì xảy ra trong ngày, dù bản thân có trì trệ, nông cạn và lưỡng lự.” Vị tướng vĩ đại Napoleon thậm chí còn nói một cách đơn giản hơn: “Lãnh đạo là người bán hy vọng cho người khác”.

 Những mất mát trong cuộc đời chẳng có gì thú vị cả nhưng có một mất mát mà không ai có thể đủ sức vượt qua, đó là mất đi niềm hy vọng. Những mất mát trong cuộc đời chẳng có gì thú vị cả nhưng có một mất mát mà không ai có thể đủ sức vượt qua, đó là mất đi niềm hy vọng.   

Là tác giả và cũng là nhà lãnh đạo, tôi muốn trở thành người đem lại hy vọng cho người khác. Tôi tin rằng nếu người lãnh đạo có thể giúp người khác tin rằng việc bất khả thi lại là việc khả thi thì rất có thể họ sẽ làm được việc tưởng chừng như bất khả thi đó. Vì vậy khi đọc tới chương này, cho dù bạn đang phải trải qua những mất mát hay khó khăn nào cần vượt qua, hãy cứ ngẩng cao đầu. Những mất mát trong cuộc đời chẳng có gì thú vị cả nhưng có một mất mát mà không ai có thể đủ sức vượt qua, đó là mất đi niềm hy vọng. Nếu bạn không còn hy vọng, mà có thể đó sẽ là sự mất mát cuối cùng của bạn, bởi khi hy vọng mất đi thì nghĩa là động lực cũng như khả năng học hỏi của bạn cũng ra đi theo.

Hy vọng là thứ gì đó thật đẹp

Năm 1979 tôi viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên Nghĩ thử xem (Think on These Things). Nó thành công vượt quá mong đợi của tôi trong việc giúp người khác suy nghĩ về những điều mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ. Có một chương viết về niềm hy vọng. Trong đó, tôi đã viết những câu như thế này:

Hy vọng mang lại gì cho con người?

 

  • Hy vọng tỏa sáng rực rỡ vào thời khắc đen tối nhất.
  • Hy vọng cất lên lời ca khi mọi giai điệu tan biến hết.
  • Hy vọng đem lại niềm tin khi bằng chứng chỉ có giới hạn.
  • Hy vọng lắng nghe câu trả lời khi không ai nói gì.
  • Hy vọng vượt qua mọi rào cản khi không ai giúp đỡ.
  • Hy vọng chịu đựng khó khăn khi không ai quan tâm.
  • Hy vọng mỉm cười tự tin khi không ai cười vang.
  • Hy vọng tìm kiếm câu trả lời khi không ai cất tiếng hỏi.
  • Hy vọng thúc giục ta đến vinh quang khi không ai khích lệ.
  • Hy vọng dám cho đi khi không ai chia sẻ.
  • Hy vọng mang lại thắng lợi khi không ai là kẻ chiến thắng.

Nói tóm lại, hy vọng luôn cho đi. Nó cho ta ngay cả khi ta chẳng còn gì hoặc còn lại rất ít. Nó là một trong những tài sản quý giá nhất ta có trong đời.

Hy vọng mang lại cho ta cảm hứng. Nó cho ta động lực sống và học tập. Dưới đây là một số lý do:

1. Hy vọng luôn nói Có với cuộc đời

Tác giả và là nhà thần học Paul Tillich khi được hỏi về chủ đề xuyên suốt trong cuốn sách của ông mang tên Dũng cảm để trở thành (The Courage to Be) trước khi mất đã nói rằng cuốn sách viết về lòng dũng cảm thực thụ: dám nói có với cuộc đời bất chấp mọi khó khăn và nỗi đau như một phần trong sự tồn tại của loài người. Ta phải dũng cảm tìm ra thứ gì đó tích cực và ý nghĩa về bản thân và cuộc đời mỗi ngày. Ông nói đó chính là chìa khóa để có một cuộc sống đủ đầy. “Cuộc sống đầy yêu thương có thể chính là hình thái cao nhất của lòng dũng cảm.”

Vậy con người tìm thấy lòng dũng cảm ở đâu để có thể nói Có với cuộc đời? Tôi tin rằng nó đến từ niềm hy vọng. Trong cuộc sống, bạn cần phòng trước những rắc rối. Bạn phải phòng trước nghịch cảnh. Bạn phải phòng trước mâu thuẫn. Nhưng những điều đó không có nghĩa rằng bạn phải mất hy vọng. Bạn có thể làm theo lời khuyên của Ann Landers(1): “Phòng trước rắc rối, coi nó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời và khi rắc rối đến, hãy ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào nó và nói: ‘Tao to lớn hơn mày. Mày không thể đánh gục được tao’.”

Tôi tin đó chính là những gì mà Tổng thống Barack Obama đã làm trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2008. Đó là một ngày quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, ngày 20 tháng 1 năm 2009, khi một vị Tổng thống gốc Phi lần đầu tiên đắc cử. Dù bạn theo đảng phái chính trị nào thì kết quả bầu cử đó cũng đã trả lời cho rất nhiều câu hỏi về màu da và tiềm năng của con người. Ngày hôm đó tôi cầm trên tay một tờ báo và đọc được một đoạn quảng cáo dài nguyên trang như sau:

Bạn không thể xóa bỏ chế độ nô lệ.

Bạn không thể xây đường ray xe lửa từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương.

Bạn không thể cho phụ nữ quyền bầu cử.

Bạn không thể ngồi trên một chiếc máy bay mà bay từ New York tới Paris.

Bạn không thể đánh bại quân phát xít Đức.

Bạn không thể lập kế hoạch xây dựng lại Châu Âu sau khi bị chiến tranh tàn phá.

Bạn không thể chữa bệnh bại liệt.

Bạn không thể cho phép trẻ em da trắng và trẻ em da màu học cùng trường.

Bạn không thể đưa người lên Mặt Trăng.

Bạn không thể thông qua Đạo luật dân quyền.

Bạn không thể đánh bại người Nga trong môn khúc côn cầu.

Bạn không thể dỡ bỏ Bức tường Berlin.

Bạn không thể vẽ bản đồ gien người.

Bạn không thể bầu cho một người da màu làm Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Còn gì nữa không, hỡi nước Mỹ? Bởi cho dù có là gì thì câu trả lời vẫn cứ là Có, chúng tôi có thể.

Ngày hôm đó ở Mỹ, niềm hy vọng là một điều thật đẹp đẽ. Từ Có được nói trên môi mỗi người dân. Đó chính là điều hy vọng làm được. Hãy chấp nhận nó và nó sẽ trao quyền cho bạn.

2. Hy vọng giúp ta tràn đầy năng lượng

Người ta nói rằng một người có thể sống đến 40 ngày mà không cần thức ăn, bốn ngày không có nước, bốn phút không có không khí nhưng chỉ có bốn giây nếu không có hy vọng? Vì sao? Hy vọng mang lại sức mạnh, nguồn năng lượng cho cuộc sống của ta. Hy vọng là thứ gì đó đầy quyền lực. Nó giúp ta tiếp bước vào những thời điểm khó khăn. Nó cho ta niềm phấn khích đi đến tương lai. Nó cho ta lí do để sống. Nó cho ta sức mạnh và lòng dũng cảm.

Tôi nghĩ rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà những người đang bị trầm cảm lại hay thiếu năng lượng. Thiếu hy vọng và thiếu năng lượng luôn song hành với nhau. Những người đang khốn đốn tìm niềm tin vào bản thân sẽ phải rất khó khăn để tìm ra nguồn năng lượng giúp xử lý những thách thức trong cuộc đời. Ngược lại, những người tràn đầy hy vọng là những người tràn đầy năng lượng. Họ chào đón cuộc đời và tất cả những gì cuộc đời mang lại, kể cả những thách thức.

3. Hy vọng tập trung hướng lên phía trước

Cha tôi rất thích kể chuyện, đặc biệt là truyện cười. Dưới đây là một trong những câu chuyện yêu thích của ông:

“Nhìn ông buồn quá, ông bạn già. Ông đang lo lắng chuyện gì thế?”, Joe hỏi.

Bill trả lời: “Tương lai của tôi”.

Câu hỏi là: “Thế cái gì khiến tương lai của ông vô vọng vậy?”

Câu trả lời là: “Quá khứ của tôi”.

Giờ thì bạn đã biết vì sao tôi thích kiểu hài hước này rồi!

Tôi có thể đồng cảm với Bill, và bạn cũng vậy. Quá khứ có xu hướng xâm chiếm thực tại của chúng ta bằng sự tiêu cực, đánh cắp niềm vui và hy vọng của ta. Nếu ta chỉ chăm chăm vào quá khứ, nó sẽ có nguy cơ đánh cắp luôn cả tương lai của ta. Đó là lí do vì sao mà tôi lại thích câu nói của Ralph Waldo Emerson: “Khi mỗi ngày kết thúc thì hãy để nó kết thúc thật sự… Bạn đã làm những gì bạn có thể; chắc chắn sẽ có một số sai lầm ngớ ngẩn và vô lý xảy ra; hãy quên chúng đi càng sớm càng tốt. Ngày mai là một ngày mới, bạn hãy bắt đầu một ngày mới thật tốt và thanh thản.”

Niềm hy vọng luôn có tương lai. Nó hướng về phía trước với sự kỳ vọng. Nó mong mỏi được lên kế hoạch cho ngày mai. Và nó mở ra cho chúng ta biết bao cơ hội lớn hơn. Có câu chuyện về một nhân viên bán hàng đến từ miền Đông nước Mỹ, đến làm việc tại một thị trấn sát biên giới miền Tây. Khi nhân viên bán hàng đang nói chuyện với người chủ cửa hàng tạp hóa thì ông chủ trại gia súc bước vào. Người chủ đi ra hỏi chuyện khách hàng.

Ông chủ trại đưa cho người bán hàng một danh sách những thứ ông cần nhưng lại nói rằng mình muốn mua chịu.

Người chủ cửa hàng hỏi: “Mùa xuân này ông có dựng hàng rào không?”

Ông chủ trại trả lời: “Có chứ, Will.”

“Thế ông dựng hàng rào để quây gia súc của ông hay để ngăn không cho gia súc nhà khác vào đất nhà mình?”

“Để quây gia súc của tôi. Tôi đang làm thêm hơn 145 hecta nữa sang bên kia sông.”

“Nghe vậy tôi rất mừng Josh ạ. Ông sẽ được mua chịu. Cứ nói với Harry những gì ông cần mua.”

Nhân viên bán hàng rất bối rối. Anh ta nói: “Tôi đã biết đủ hình thức mua chịu rồi, nhưng chưa thấy kiểu nào như kiểu này. Như vậy là sao?”

Người chủ cửa hàng trả lời: “Nếu một người quây rào để ngăn không cho gia súc nhà khác vào đất nhà mình, có nghĩa là anh ta đang ở thế phòng ngự, chỉ chăm chăm giữ những gì mình có. Còn nếu anh ta quây rào để giữ gia súc của mình bên trong thì có nghĩa là anh ta đang làm ăn phát triển và ngày càng lớn mạnh. Tôi lúc nào cũng cho những người như vậy mua chịu, bởi nó có nghĩa là anh ta có hy vọng.”

Bạn có hướng đến phía trước không? Bạn có hy vọng cho tương lai không? Nếu bạn đặt kỳ vọng cao cho ngày mai thì có thể bạn sẽ khát khao đạt được nó. Bạn làm vậy bằng cách nào? Bằng việc phát triển, học hỏi và cải thiện. Thiếu hy vọng dẫn đến sự thờ ơ cho tương lai. Hy vọng mang lại cho ta động lực.

4. Hy vọng là thứ đem lại sự khác biệt

Tôi vừa đọc xong cuốn tự truyện của Franklin và Eleanor Roosevelt trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, được viết bởi Doris Keanrns Goodwin – cuốn Không phải thời điểm bình thường (No Ordinary Times). Cuốn sách dành rất nhiều trang để viết về nước Anh và sự lãnh đạo của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong suốt những ngày đen tối chiến đấu với Đức quốc xã.

Churchill là vị lãnh tụ của niềm hy vọng đối với người dân nước ông. Khi quân Đức quốc xã quét qua Châu Âu và ném bom không thương tiếc nước Anh trong cuộc oanh kích Blitz, mục tiêu đánh bại Hitler và quân Đức quốc xã trở nên bất khả thi. Nhưng cho dù chiếm ưu thế thì quân đội Anh vẫn cứ vượt trội.

Vậy làm thế nào mà một quốc gia nhỏ bé, đứng đơn độc trong một thời gian dài có thể chống chọi lại sự tấn công dữ dội của Đức quốc xã? Khi Winston Churchill được hỏi về vũ khí tốt nhất mà người Anh dùng để đấu lại với quân Đức quốc xã, ông trả lời ngắn gọn: hy vọng.

Hy vọng là tài sản quý giá nhất và là vũ khí mạnh nhất mà ta có thể sử dụng trong cuộc chiến với những mất mát khi chúng đang có dấu hiệu leo thang. Nó đầy quyền lực và đó là lí do vì sao tôi lại gọi nó là thứ đem lại sự khác biệt. Vậy hy vọng mang lại cho chúng ta những gì?

 

  • Hy vọng tìm kiếm bài học khi thất bại thay vì bỏ rơi ta chìm trong cảm giác thất bại.
  • Hy vọng khám phá ra cái có thể làm thay vì cái không thểlàm.
  • Hy vọng xem các vấn đề, dù lớn hay nhỏ, là những cơ hội.
  • Hy vọng thắp lên ngọn nến thay vì nguyền rủa bóng đêm.
  • Hy vọng mở ra cánh cửa khi mà nỗi thất vọng đã đóng chúng lại.
  • Hy vọng có được sức mạnh từ điều có thể làm thay vì điều đã làm.
  • Hy vọng không nuôi ảo tưởng cũng như không đem lại hoài nghi.
  • Với hy vọng, thất bại chỉ là một hòn đá được ném thia lia trên mặt nước. Khi không còn hy vọng, thất bại sẽ là tấm bia đá.

Nếu bạn muốn tìm ra động lực để học hỏi từ sự mất mát, để tiếp tục làm việc vì một ngày mai tươi sáng hơn, để với tới được những tiềm năng trong mình và hoàn thành tốt nhất mục tiêu, hãy biết sử dụng thứ tạo ra sự khác biệt đó, hãy nắm chặt lấy hy vọng.

Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm hy vọng?

Bởi hy vọng là thứ đẹp đẽ đến vậy nên cần đặt ra câu hỏi là: “Ai cũng có thể có nó được không?”. Câu trả lời là có! Cho dù hoàn cảnh hiện tại, gia cảnh, tính cách, thời thơ ấu của bạn thế nào thì bạn cũng vẫn có thể là một người tràn đầy hy vọng. Hãy thực hiện ba bước dưới đây để có thêm hy vọng:

1. Nhận thức được rằng Hy vọng là một lựa chọn

Nhà truyền giáo người Anh G. Campbell Morgan đã từng kể câu chuyện về một người đàn ông bị cháy trụi cửa hàng trong trận hỏa hoạn khủng khiếp ở Chicago năm 1871. Ngày hôm sau ông đi đến đống đổ nát đó, mang theo một chiếc bàn. Ông đặt chiếc bàn ngay giữa đống gạch vụn, phía trên bàn đặt một tấm biển viết dòng chữ: “Mất tất cả trừ vợ, con và niềm hy vọng. Sáng mai cửa hàng vẫn làm việc như bình thường.”

Phản ứng của người đàn ông đó khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Với mất mát lớn lao như vậy, ông đã lấy hy vọng từ đâu? Từ hoàn cảnh của ông lúc đó? Chắc chắn là không. Từ việc chọn thời điểm đúng lúc? Không. Từ những nạn nhân khác của đám cháy? Không có bằng chứng nào thể hiện điều đó. Có bao nhiêu người dám đối mặt với tương lai mà lại có được thái độ cương quyết tích cực như vậy? Nếu người đàn ông đó nhìn thấy tương lai rạng ngời cho mình và gia đình, đó là bởi ông đã đưa ra lựa chọn là phải hy vọng.

Hy vọng nằm trong ADN của tất cả mọi người, đàn ông lẫn đàn bà – những người biết học hỏi từ mất mát của mình. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ lựa chọn hy vọng, hiểu rằng hy vọng sẽ thúc đẩy họ học hỏi và biến họ từ nạn nhân trở thành người chiến thắng.

Một vài người nói rằng trong cuộc sống, lựa chọn hy vọng khó như hái sao trên trời. Họ khẳng định rằng đó là điều phi thực tế. Tôi không đồng ý. Trong cuốn Chân giá trị của Sự khác biệt (The Dignity of Difference), Jonathan Sacks đã viết rằng: “Một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất mà tôi học được từ khóa nghiên cứu về lịch sử Do Thái đó là sự khác biệt giữa lạc quan và hy vọng. Lạc quan là niềm tin cho rằng tự mọi việc rồi sẽ tốt đẹp lên. Hy vọng là sự tin tưởng rằng cùng nhau ta có thể khiến mọi việc tốt đẹp lên. Lạc quan là đức tính mang tính thụ động, còn hy vọng lại mang tính chủ động. Có thể không cần tới lòng dũng cảm mà vẫn lạc quan được, nhưng để có hy vọng thì cần phải rất dũng cảm.”

Tôi tin rằng ai cũng có thể lựa chọn hy vọng. Có cần lòng dũng cảm không? Có. Bởi hy vọng có thể khiến ta thất vọng. Nhưng tôi luôn tin rằng lòng dũng cảm lựa chọn hy vọng sẽ luôn được tưởng thưởng xứng đáng.

2. Thay đổi tư duy của bạn

 “Rắc rối chính của sự tuyệt vọng là nó có khả năng trở thành hiện thực nếu ta cứ nghĩ đến nó.”

− Norman Cousins   

Thông thường ta sẽ có những gì ta mong đợi trong cuộc sống. Tôi không biết lý do vì sao nhưng sự thực là thế. Norman Cousins(2) đã nói rằng: “Rắc rối chính của sự tuyệt vọng là nó có khả năng trở thành hiện thực nếu ta cứ nghĩ đến nó. Những người hay sợ hãi nhất lại thường có xu hướng dễ bị thất vọng. Những người bước đi không dám ngẩng đầu lên sẽ chẳng thể nào nhìn được những điều mới lạ phía chân trời. Những người cạn kiệt năng lượng sẽ chẳng thể nào đứng dậy khi bị thất bại. Và cuối cùng, tình trạng dựa dẫm sẽ dẫn đến sự tuyệt vọng.” Nếu những kỳ vọng vào cuộc đời của bạn mang tính tiêu cực, rồi bạn sẽ phải trải nghiệm rất nhiều chuyện tiêu cực. Và những tình huống tiêu cực đó sẽ kết hợp lại với nhau và trở nên vô cùng đau đớn, bởi những kỳ vọng tiêu cực sẽ khiến người đó không thể học hỏi từ mất mát của mình. Chúng ta sẽ trở thành người tiêu cực như thế này: “Nếu tôi có thể chết đi được thì tôi sẽ là kẻ hạnh phúc nhất trên cõi đời này!”

Ta đã hiểu thêm được chút ít nhưng tư duy tiêu cực thực sự không phải là vấn đề vui vẻ gì. Tin tốt đó là bạn không phải sống chung với nó. Bạn có thể thay đổi tư duy tiêu cực – cảm giác tuyệt vọng, không học hỏi từ những mất mát, dễ bỏ cuộc, sang tư duy tích cực – tin tưởng rằng mọi việc sẽ tốt đẹp lên, bạn học hỏi từ những sai lầm của mình và không bao giờ từ bỏ.

Tôi vừa gặp tác giả Bob Wosczyk vào lúc nghỉ giữa giờ của một trong những buổi hội thảo của tôi. Ông ấy đưa cho tôi cuốn sách do ông viết có tên Ai nói bà béo sẽ phải hát?(Who Says the Fat Lady Has to Sing). Hình ảnh này muốn nói tới người phụ nữ mập mạp trong buổi trình diễn opera, màn kết thúc của buổi opera thông thường sẽ do một giọng soprano thể hiện và người này thường có thân hình mập mạp. Khi cô ấy hát đoạn solo cuối đầy quyến rũ thì bạn biết rằng buổi opera đã kết thúc. Nhưng ngày nay hình ảnh đó lại được liên hệ trong mọi tình huống. Người ta nói “Chuyện còn chưa đi đến hồi kết đâu chừng nào bà béo còn chưa hát” để nói rằng vẫn còn thời gian để thay đổi kết quả. Bob phản đối việc chúng ta từ bỏ, nhất là từ bỏ giấc mơ của mình. Ông viết:

Chúng ta có lẽ đã nghe đến câu nói: “Chuyện còn chưa đi đến hồi kết đâu chừng nào bà béo còn chưa hát”. Nó hàm ý rằng khi bà béo hát thì cuộc chơi kết thúc và ý chí chiến đấu bị mất đi. Chúng ta chọn cách ngồi đó nhìn bức tranh cuộc đời, sợ hãi không dám đứng dậy và chơi thêm hiệp nữa bởi ta đã quá mỏi mệt, bị đánh gục đến nỗi không thể tiếp nhận một cú đánh nào nữa. Ta thà từ bỏ giấc mơ chứ không chịu đấu tranh trong sự đau đớn, không bao giờ biết điều gì đáng lẽ đã xảy ra.

 “Ai đã lựa chọn việc từ bỏ?”

− Bob Wosczyk   

Nếu cuối cùng ta để cho “bà béo hát”, ta sẽ mãi bị ám ảnh bởi bóng ma “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu…?” – “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bỏ cuộc quá sớm?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi đang đi đúng hướng nhưng rồi lại từ bỏ quá sớm?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hành động tiếp theo đây của tôi thôi đáng lẽ đã là hành động bước ngoặt xoay chuyển tình thế rồi?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi sống cuộc sống mình hằng mong muốn chứ không phải cuộc sống mình tạm chấp thuận?”

Câu hỏi mà tôi đặt ra trong cuốn sách này đó là: Sao chuyện đó lại phải kết thúc…? Chuyện ta chấp nhận bỏ cuộc, nằm xuống, lăn lộn rồi cố ngủ để quên đi những vấn đề đang có, mất đi năng lượng và lòng nhiệt tình với cuộc đời là từ khi nào? Ai đã lựa chọn việc từ bỏ? Ai nói bà béo phải hát?

Cái ta không hiểu đó là hầu hết mọi người bỏ cuộc khi họ chỉ còn cách đích trong gang tấc. Họ không bao giờ nhận ra rằng thực sự mình đã gần đạt được giấc mơ như thế nào.

Vì sao mọi người lại bỏ cuộc như những gì Bob mô tả? Bởi họ mất hy vọng. Họ tư duy tiêu cực, đặt kỳ vọng ở mức thấp và không biết phải thoát ra khỏi những vấn đề đó như thế nào. Câu trả lời có thể không dễ dàng nhưng lại đơn giản. Họ phải thay đổi cách họ nghĩ về mình và những mất mát họ trải qua. Trong cuộc sống, ta sẽ gặp những điều mà ta chuẩn bị tâm lý sẵn. Đó là kết quả của cách ta tư duy. Cái ta thấy là cái ta có. Và nó quyết định kết quả trong rất nhiều việc ta làm.

Cầu thủ đánh bóng chày yêu thích của tôi là Tony Gwynn, chơi cho đội Padres khi tôi vẫn còn sống ở San Diego. Trong nhiều năm liền anh luôn là cầu thủ đánh bóng tốt nhất. Trong một lần tôi đến xem trận đấu với một người bạn của Tony, khi chúng tôi ngồi xem, đến lượt Tony đánh bóng, tôi đã nói với bạn của anh: “Tôi rất thích xem anh ấy đánh bóng. Anh nghĩ vì sao anh ấy thành công như vậy?”

Người bạn trả lời: “Cậu ấy nghĩ rằng mình sẽ đánh trúng bóng mỗi lần đánh.”

Vậy có phải Tony lúc nào cũng đánh trúng không? Dĩ nhiên là không. Đó là điều không thể. Những cầu thủ đánh bóng xuất sắc nhất mọi thời đại cũng đánh hỏng sáu trên mười lượt đánh. Nhưng những cú đánh bóng hỏng đó không ảnh hưởng tới kỳ vọng của anh ấy. Anh ấy luôn tin tưởng vào bản thân và khả năng đánh trúng bóng của mình. Chúng ta nên học tập anh, bởi những giới hạn của ta lại thường xuất phát từ chính những kỳ vọng của ta.

Trong cuốn sách Nhân tố tạo nên thành công (The Making of Achiever), Allan Cox đã viết:

Người thành công sẽ nhìn xung quanh dự đoán xem có thêm những điều tốt đẹp nào đang chờ đợi anh ta không. Anh ta tin rằng tất cả những việc mình cần làm là thể hiện chút quyết tâm phải đến được đó. Anh ta bác bỏ ý niệm về sự “không thể”. Và kết quả là anh ta có thể mở ra nhiều cánh cửa hơn những người khác, xử lý tình huống tốt hơn, thu hút nhiều người làm việc cùng với anh ta hơn – những người tràn đầy năng lượng và tháo vát. Anh ta đặt ra tiêu chuẩn cao hơn và yêu cầu người khác giúp mình đạt được những tiêu chuẩn đó. Anh ta có được sự tự tin và khiến người khác cũng tràn đầy sức sống. Anh ta kỳ vọng sẽ thành công. Khi được kết hợp với niềm mong mỏi thì kỳ vọng sẽ tạo ra hy vọng. Và hy vọng sẽ khiến mọi chuyện trở nên khả thi. Sống và có kỳ vọng là một hành động khôn ngoan.

Như tôi đã nói, điều đó đơn giản nhưng không dễ dàng. Nếu bạn từng là một người hay suy nghĩ tiêu cực, trong động lực của bạn hiếm khi có bóng dáng của niềm hy vọng thì bạn cần phải đưa ra quyết định mỗi ngày – đó là cố gắng tái sinh niềm hy vọng, thay đổi lối tư duy cho phù hợp hơn và tin tưởng rằng những điều tốt lành có thể và sẽ đến với bạn. Thực hiện được những điều đó sẽ đem lại sự thay đổi cho cuộc đời bạn.

3. Giành các thắng lợi nhỏ

Nếu bạn có thể chạm tới niềm hy vọng của mình và suy nghĩ tích cực hơn, đó sẽ là một khởi đầu tuyệt vời. Nhưng thế thôi chưa đủ. Tư duy tích cực cần được tiếp bước bởi hành động tích cực. Nếu bạn muốn thành công lớn thì hãy bắt đầu thử với một thắng lợi nhỏ. Không gì có thể khuyến khích niềm hy vọng bằng thành công.

Nếu bạn giành được những thắng lợi nhỏ, nó sẽ khích lệ bạn. Nó giúp bạn tăng nhuệ khí. Khi đã trải qua cảm giác chiến thắng một lần, bạn sẽ bắt đầu hiểu được nó có tác dụng thế nào. Bạn thành thạo hơn trong việc thành công và sau khi giành được một số thắng lợi, bạn sẽ cảm nhận được rằng những thắng lợi lớn hơn đang nằm gần đây thôi, trong tầm với của bạn.

 Tư duy tích cực cần được tiếp bước bởi hành động tích cực.   

Tạo ra một môi trường tích cực với những trải nghiệm tích cực sẽ có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích bạn luôn hy vọng, cố gắng và học hỏi. Hãy cùng theo dõi sự khác biệt về những điều sẽ xảy ra khi một người cảm nhận được chiến thắng và một người cảm nhận được sự thất bại:

NGƯỜI CẢM NHẬN CHIẾN THẮNG

Họ hy sinh để thành công.

Họ tìm kiếm cách thức để thành công.

Họ trở nên tràn đầy năng lượng.

Họ làm theo kế hoạch của cuộc chơi.

Họ giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm.

NGƯỜI CẢM NHẬN THẤT BẠI

Họ cho đi ít nhất có thể.

Họ tìm kiếm lời bào chữa.

Họ trở nên mệt mỏi.

Họ bỏ kế hoạch của cuộc chơi.

Họ làm tổn thương người khác.

Giành được những thắng lợi nhỏ có thể thay đổi toàn bộ nhân sinh quan của bạn. Neil Clark Warren – người sáng lập ra trang web hẹn hò trực tuyến eHarmony – khi mới lập nghiệp là người chuyên tư vấn cho các cặp đã kết hôn. Trong suốt thời gian đó, ông nhận ra rằng mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp tư vấn của ông là giúp các cặp vợ chồng cải thiện tình hình lên từng nấc nhỏ một, ngay cả với những cặp đang trải qua những rắc rối lớn nhất. Khi các đôi nhận thấy sự cải thiện dù nhỏ bé, có khi chỉ được 10 phần trăm, họ vẫn có thêm hy vọng. Và hy vọng là thứ vũ khí quyền lực có thể thúc đẩy sự thay đổi và tinh thần học hỏi.

Sức mạnh của Hy vọng

Một trong những thời khắc tràn đầy hy vọng nhất trong đời người là khi người ta chờ đón sự ra đời của một đứa trẻ. Thế giới của biết bao khả năng có thể xảy ra với đứa trẻ đó dường như vô tận, nhất là khi đứa trẻ được sinh ra ở một quốc gia tự do, như nước Mỹ, nơi đem lại cho chúng bao cơ hội. Cha mẹ của Jim Abbott tràn đầy niềm hy vọng, thậm chí họ còn lóng ngóng ngượng nghịu khi cậu bé Jim chào đời. Nhưng sự lạc quan của họ về Jim bị kích động mạnh khi họ phát hiện rằng đứa bé bẩm sinh bị thiếu mất bàn tay phải.

Cha mẹ của Jim – Mike và Kathy – luôn tìm kiếm câu trả lời về tình trạng khuyết tật bẩm sinh đó. Các bác sĩ cũng nỗ lực tìm kiếm. Nhưng họ chưa bao giờ tìm ra một câu trả lời cụ thể nào. Đó là một trong những trường hợp rất hiếm gặp và cặp cha mẹ trẻ tuổi đó phải tìm cách đối mặt.

Jim vẫn chơi đùa như một đứa trẻ bình thường và không hề có vẻ gì cảm thấy buồn phiền do thiếu một bàn tay. Nhưng khi lên năm, các chuyên gia đã khuyên Mike và Kathy đưa con trai tới bệnh viện hồi phục chức năng có tên Mary Free Bed Rehabilitation ở thành phố Grand Rapids, cách nhà họ tại thành phố Flint, Michigan hơn 150km, để tại đó họ có thể lắp cho cậu bé chiếc tay giả và dạy cậu cách sử dụng nó. Vào thời điểm đó thì bàn tay giả có nghĩa là một cái móc.

Cha mẹ của Jim đã làm theo lời khuyên và người ta đưa cho Jim chiếc móc để cậu học cách sử dụng nó. Cậu bé cùng học với những đứa trẻ bị khuyết tật nặng khác, như một bé gái đang học cách dùng chân để đánh răng bởi cô bé không có tay. Nhưng vào một khoảnh khắc ở trong bệnh viện, họ đã nhận ra rằng thực sự Jim không thuộc về nơi này. Niềm hy vọng lớn nhất của họ đó là đối xử với cậu bé như một đứa trẻ bình thường. Họ quyết định đưa cậu ra khỏi bệnh viện và trở về nhà.

Trên quãng đường về nhà, Mike nói với Kathy: “Chúng ta không có vấn đề gì cả. Chỉ là một vạch nhiễu trên màn hình thôi. Ta có thể xử lý được. Ta có thể biến nó thành vấn đề nếu ta muốn nó trở thành vấn đề. Nhưng, giờ thì nó không còn là vấn đề nữa.” Sau này Jim đã viết lại rằng: “Trên quãng đường dài hai tiếng về Flint [từ bệnh viện trở về nhà], chúng tôi đã lấy lại được sức mạnh. Cha mẹ tôi lần đầu tiên cảm nhận được niềm hy vọng, thậm chí là sự lạc quan, họ bắt đầu tập trung vào những thứ tôi có chứ không phải thứ tôi thiếu.”

Hai trong số những điều mà Jim có đó chính là tình yêu dành cho thể thao và khả năng là một vận động viên giỏi. Khi Jim sáu tuổi, cha đã mua cho Jim một chiếc găng tay bóng chày. Cậu bé rất thích nó. Cậu dành hàng giờ ném quả bóng cao su nảy vào bức tường gạch, cố gắng cải thiện mục tiêu và sức mạnh của cánh tay, tìm cách đưa chiếc găng từ tay phải sang tay trái để có thể ném trả lại bóng vào sân khi nó nảy ngược trở lại. Khi đã tìm ra được cách, cậu bé liên tục cải thiện tốc độ và khả năng di chuyển của mình. Khi đã chơi giỏi hơn, cậu đứng gần bức tường hơn với mục đích phải di chuyển nhanh hơn để có thể bắt bóng.

Bóng chày không phải tình yêu duy nhất của Jim. Cậu chơi tất cả các môn thể thao. Cậu đi chơi với các cậu bé hàng xóm khác và là một phần của mọi trò chơi chọn thành viên nhóm. Ban đầu không ai chọn cậu. Có nhiều khi cậu bé trở về nhà đầy thất vọng và muốn bỏ cuộc. Nhưng cha cậu không cho phép làm vậy. Mike thường đưa cậu bé trở lại sân chơi để cậu tiếp tục cố gắng. Ông hy vọng vào Jim và muốn cậu bé học cách bền chí và vượt qua được những trắc trở. Ông đang giúp Jim chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước.

Jim nói rằng: “Có một điều để nói về khuyết tật đó là nó không bao giờ kết thúc”. Nó không bỏ đi, vì vậy bạn phải học cách xử lý nó. Jim đã làm cách nào? Cậu bé chơi mọi môn thể thao và làm mọi thứ có thể để cải thiện chính bản thân mình. Và cậu bắt đầu được ghi nhận dần bởi cậu đã chơi tốt, thực tế thì chơi tốt đến nỗi cậu mơ một ngày nào đó mình chơi được bóng chày ở đẳng cấp cao nhất. Đó là nguyện vọng của Jim khi 12 tuổi, anh chia sẻ vào lần đầu tiên ra mắt công chúng. Jim giải thích: “Có vẻ có rất nhiều điều để hy vọng, nhưng tôi hy vọng rất nhiều điều và nhận được rất nhiều sự trợ giúp.”

Hy vọng mang lại thành công

Jim nói rằng: “Tôi không phải người phi thường. Tôi bị loại khỏi đội bóng chày cho sinh viên năm nhất của trường trung học Trung tâm Flint. Tôi lập ra đội bóng nhưng lại không ghi được điểm nào trong cả mùa giải. Đó là cả một thời gian dài trước khi tôi tự tách mình khỏi những cậu bạn cùng tuổi trên sân bóng.” Nhưng anh đã thực sự tách biệt bản thân. Ở năm thứ hai đại học, anh chơi bóng chày cho đội đại diện trường đi thi đấu. Năm thứ ba đại học, huấn luyện viên nói rằng anh là cầu thủ xuất sắc nhất. Số điểm đập bóng trong năm đó của Jim là 367 và anh đã giúp đội mình giành nhiều chức vô địch của thành phố.

Năm đó huấn luyện viên cũng đã gọi anh vào đội tuyển bóng bầu dục cho vị trí tiền vệ dự bị. Lúc đó anh còn lần lữa nhưng vị huấn luyện viên vẫn kiên trì gọi. Cuối cùng Jim cũng đã chơi trong trận play-off quyết định và gần như đưa cả đội tới chiếc cúp của bang.

Năm cuối cấp đại học, Jim chơi trận đầu tiên, ném bóng (thắng 10 trận với số điểm ERA là 0.76) và đập bóng thành công (điểm trung bình 427 điểm). Đội của anh đã giành giải nhất của giải hiệp hội và đội Toronto Blue Jays của Canada đã gọi anh vào đội. Nhưng Jim chỉ muốn được chơi cho đội của Trường đại học Michigan, nơi anh đã chơi trong ba năm. Anh được chọn là thành viên của đội All-American(3), giành hai giải vô địch Big Ten. Và anh cũng chơi cho đội bóng chày dự thi Olympics. Vào kỳ Olympics Mùa hè 1988 ở Seoul, Hàn Quốc, anh chơi ở vị trí ném bóng và đội của anh đã giành được huy chương vàng.

Giấc mơ của Jim đã thành hiện thực khi một lần nữa anh lại được chọn vào đội tuyển, và lần này là đội California Angels. Anh là người thứ tám được chọn cho đợt tuyển chọn năm 1988. Anh dự định sẽ chơi lâu dài trong giải nhà nghề Minor League Baseball, rồi tiến bộ dần lên. Nhưng anh đã vô cùng kinh ngạc khi trong bảng phân công vị trí, anh đã được chơi trong giải Major League Baseball vào ngày đầu tiên của mùa giải trong năm đầu tiên anh chơi ở vị trí cầu thủ ném bóng đầu tiên.

Hy vọng tưởng thưởng xứng đáng

Jim chơi cho giải Major League Baseball trong 10 năm. Trong đó có vài mùa giải anh chơi đặc biệt xuất sắc, một vài mùa giải khác thì phải vật lộn với nó. Điểm ấn tượng nhất trong sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của anh đó là kỷ lục ném bóng mà đội bạn không đỡ được quả nào tại Sân vận động Yankee năm 1993. Cũng có rất nhiều điều khi chơi cho giải Major League Baseball mà anh đã đánh giá lầm hoặc không lường trước được. Nhưng có một điều khiến anh ngạc nhiên nhất đó chính là anh được lũ trẻ chú ý – những đứa trẻ bị khuyết tật cũng giống như anh.

Jim nhớ lại niềm vui sướng tột độ của mình trước kia khi được gặp một cầu thủ chuyên nghiệp chơi cho giải Major League Baseball, vì vậy với anh việc lũ trẻ muốn được nói chuyện với anh hay có chữ ký của anh không bất ngờ mấy. Nhưng điều khiến anh ngạc nhiên lại chính là việc cha mẹ đưa những đứa trẻ không may mắn về thể chất đó tìm đến anh. Jim viết rằng:

Tôi không biết là bạn trẻ đến, không biết số lượng người. Tôi không kỳ vọng những câu chuyện mà chúng kể hay khoảng cách mà chúng vượt qua để kể câu chuyện của mình, hay nỗi tuyệt vọng mà chúng thể hiện.

Những đứa trẻ đó nhút nhát và xinh đẹp, chúng ồn ào và vui vẻ, và cũng như tôi, chúng có chút gì đó không lành lặn. Giống như tôi, chúng có bố mẹ gần bên, những người sẵn lòng tin tưởng rằng hoàn cảnh trớ trêu không phải là bản án chung thân và tinh thần ẩn trong những cơ thể nhỏ bé đó vĩ đại gấp nhiều lần tổng số tay chân của chúng cộng lại.

Jim đọc và trả lời mọi lá thư do những đứa trẻ đó hay cha mẹ chúng viết. Cho dù đang làm gì trong nhà tập anh đều dừng lại mỗi khi Tim Mead – sau này là quản lý PR cho câu lạc bộ Angels (và giờ là Phó chủ tịch thông tin của câu lạc bộ) ngoắc đầu và nói: “Này Jim, xin vài phút nhé?” thì anh luôn ra ngoài để gặp lũ trẻ và dành ra vài phút nói chuyện với chúng. Anh giúp xác định vị trí chơi của chúng, hỏi thăm xem chúng đánh bóng thế nào và yêu cầu chúng chỉ cho anh cách chúng xoay xở với chiếc găng bắt bóng. Rồi Jim ra nói chuyện với cha mẹ chúng:

Tôi thường kể cho họ về cha mẹ tôi. Họ luôn khiến tôi cảm thấy mình đặc biệt vì là chính mình và họ vẫn luôn đối xử với tôi như thể tôi giống mọi đứa trẻ hàng xóm khác. Tôi kể cho cha mẹ về sự tức giận, thất vọng của tôi và họ nói rằng: “Đó là thứ ta phải trải qua”. Tôi muốn các bậc cha mẹ đó thấy rằng những điều đó, và cả những điều khác nữa, đều có thể xảy ra, những điều tốt đẹp sẽ tới. Cha mẹ đã làm những điều đó cho tôi và họ cũng có thể làm điều tương tự với con trai của họ.”

Jim nói rằng mình chưa bao giờ làm một đứa trẻ phải thất vọng, ngay cả khi anh đang vô cùng mệt mỏi, chán nản hoặc bận rộn. Vì sao? Bởi anh muốn mang hy vọng đến cho chúng! Anh muốn chúng hiểu rằng chúng có thể làm được rất nhiều điều. Jim nói: “Tôi hiểu lũ trẻ này và tôi biết một cậu nhóc hay một cô nhóc có thể tiến xa cỡ nào chỉ với một lời cam đoan dài 50 từ.”

Jim nghỉ chơi bóng năm 1999. Trong sự nghiệp của mình, anh đã ném bóng trong tổng số 1.674 lượt đấu, loại 888 cầu thủ tấn công và thắng trong 87 trận đấu. Anh đã sống với giấc mơ của mình, giấc mơ mà rất ít người nghĩ rằng nó sẽ thành hiện thực. Anh trao đời mình cho bóng chày, và đổi lại bóng chày cũng đem lại cho anh rất nhiều điều. Jim đã tổng kết rằng: “Có thể món quà lớn nhất [mà bóng chày mang lại] đó là nó giúp tôi tìm lại cảm giác bình yên với gánh nặng của sự khác biệt mang lại”. Nhưng anh cũng chỉ ra: “Và nó cũng là bài học cần rút ra từ sự mất mát và nỗi đau.”

Jim Abbott đã học được từ những mất mát của mình bằng cách nào? Bởi anh có hy vọng. Anh luôn tin tưởng và nỗ lực. Niềm hy vọng mang lại cho anh động lực học hỏi. Và anh đã dùng động lực đó để học hỏi nhiều hơn và tiến xa hơn nhiều người tưởng tượng. Đó chính là sức mạnh của sự hy vọng.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.