Học Từ Thất Bại

4 Trách nhiệm: Bước đầu tiên của Học hỏi



 Trách nhiệm là khả năng quan trọng nhất mà một người có thể sở hữu.   

Chúng ta thường nghĩ rằng trách nhiệm là thứ được trao cho ta từ những người có vị trí cao hơn như cha mẹ hay cấp trên. Thực tế cũng thường như vậy. Nhưng trách nhiệm cũng đồng nghĩa là thứ gì đó mà ta sẵn sàng đón nhận. Sau hơn 40 năm làm công tác lãnh đạo và hướng dẫn, tôi rút ra kết luận rằng trách nhiệm là khả năng quan trọng nhất mà một người có thể sở hữu. Không gì có thể thúc đẩy tiềm năng của ta phát triển nếu ta không bước lên và nói: “Tôi là người có trách nhiệm”. Nếu không biết cách chịu trách nhiệm, bạn không thể kiểm soát cuộc sống của mình.

Một người bạn của tôi tên là Truett Cathy – người sáng lập chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Chick-fil-A thường nói rằng: “Nếu có chuyện gì đó xảy ra thì đều do tôi”. Đó là tư duy chính xác để có thể thành công. Thái độ biết chịu trách nhiệm đối với cuộc đời, với hành động, với những lỗi lầm và sự phát triển của bản thân sẽ giúp đưa bạn đến đúng nơi bạn luôn có thể học hỏi và thường xuyên thành công. Trong thể thao, việc đó được gọi là chơi đúng vị trí.

Khi được đặt ở đúng vị trí, các cầu thủ có thể chơi tốt và thành công. Nó không đảm bảo rằng họ sẽ khiến trận đấu cuốn hút hơn hay họ sẽ chiến thắng. Nhưng nếu chơi không đúng vị trí thì chiến thắng là bất khả thi. Đặt sai một vài vị trí, bạn sẽ thua cuộc.

Mỗi lần thất bại, chúng ta có thể chọn cách chấp nhận nỗi đau hoặc đưa ra lời biện hộ nhưng cũng có thể chọn cách chịu trách nhiệm để từ đó hành động phù hợp để thành công. Nếu có phản ứng phù hợp với thất bại – dám chịu trách nhiệm, ta sẽ nhìn thẳng vào thất bại và rút ra bài học. Kết quả là ta sẽ không có xu hướng lặp lại sai lầm đó nữa. Tuy nhiên nếu ta thoái thác trách nhiệm, ta sẽ không xem xét kỹ những thất bại của mình và không rút ra được bài học. Hậu quả là ta sẽ thường xuyên trải qua những thất bại và mất mát tương tự nhau hết lần này tới lần khác.

Giọng đọc vàng

Đó là câu chuyện về Ted Williams. Không, đây không phải cầu thủ bóng chày huyền thoại chơi cho đội Red Sox, đây là người mà hình ảnh video của ông tràn ngập trên vỉa hè các tuyến phố và cả trên YouTube. Có thể bạn đã từng xem chúng. Một người đàn ông vô gia cư đứng ở lối ra của đường cao tốc, tay cầm một tấm biển và hy vọng nhận tiền bố thí của người qua đường. Một lái xe cầm chiếc máy quay đã dừng lại và nói với ông: “Này, tôi sẽ giúp ông kiếm tiền bằng chính sức mình. Hãy nói câu gì đó bằng giọng nói tuyệt vời của ông đi.”

Khoác trên mình bộ quân phục đã bạc màu và mái tóc rối bời lâu không cắt, người đàn ông vô gia cư đó đã đọc một bài diễn văn được chuẩn bị kỹ càng với giọng nói vô cùng truyền cảm như trên đài phát thanh. Trên thực tế, Ted từng được gọi là “Radio” và ông luôn tâm niệm rằng giọng đọc vàng của mình là món quà của Thượng đế.

Ted trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm khi đoạn video về ông được tải lên YouTube được lan truyền chóng mặt. Ông xuất hiện trên các chương trình truyền hình Today Show, Entertainment Tonight và Dr. Phil. Đó là một câu chuyện có hậu – một người vô gia cư với tài năng đặc biệt đã được tưởng thưởng xứng đáng. Nhưng câu chuyện về Ted còn có ý nghĩa sâu xa hơn, đó là minh chứng cho sức mạnh của trách nhiệm trong vai trò là bước khởi đầu của quá trình học hỏi.

Từ Giấc mơ đến Ác mộng

Khi lên 10, Ted được mẹ mua cho chiếc đài radio Panasonic. Ông thường xuyên nghe đài. Thứ khiến ông say mê nhất chính là các DJ. Ông nghe nhạc của họ mỗi đêm, nghe những lời giới thiệu của họ, bắt chước cách lên xuống giọng của họ. Lên 12 tuổi, ông được tặng một chiếc máy ghi âm băng cát-xét và một chiếc micro nhân dịp Giáng Sinh. Mỗi ngày ông đều dành hàng giờ để ghi âm, tạo ra những đoạn phát thanh radio của riêng mình, đọc những bản tin ông viết ra, luyện tập những câu nói khó. Ông phát hiện ra điều ông mong muốn được làm nhất trong cuộc đời mình chính là xuất hiện trên sóng phát thanh.

Năm 17 tuổi, Ted đã bước một bước gần hơn đến giấc mơ của mình. Một sỹ quan tuyển dụng trong quân đội Hoa Kỳ nói với ông rằng ông có thể trở thành một chuyên gia truyền thông. Vậy là ông bỏ học và nhập ngũ. Tuy nhiên người sỹ quan kia lại không đề cập đến chuyện công việc đó yêu cầu kỹ năng đánh máy, mà Ted thì không có. Vậy là sau khi hoàn tất thời gian huấn luyện cơ bản, ông bị điều về đơn vị bảo dưỡng xe tải. Ông tự nhận xét mình lúc đấy là “một thợ cơ khí của đội tuần tra nhà xí ngoài trời ở Nam Hàn”. Khoảng thời gian đó, Ted bắt đầu uống rượu nhiều hơn, cộng thêm việc có những hành vi xấu khác, ông bị đuổi khỏi quân ngũ.

Ted chuyển đến sống ở Nam Carolina và cuối cùng cũng tìm được việc tại một đài phát thanh nhỏ, ở đó ông bắt đầu học làm kinh doanh và dần thành công. Sau thời gian từng vi phạm pháp luật và phải ngồi tù, ông chuyển đến Columbus, Ohio và làm đám cưới với một người ông quen ở trường trung học. Ông tìm được việc và thỉnh thoảng đi dẫn chương trình tại các buổi hòa nhạc hoặc câu lạc bộ ban đêm. Khi trong vùng có một đài phát thanh mới hoạt động, ông xin làm DJ ở đó. “Tôi làm việc rất chăm chỉ”, Ted nhớ lại, “Hàng ngày tôi đều đi làm từ sớm, ghi âm từng đoạn nhạc và trộn lại với nhau kèm theo các hiệu ứng âm thanh”. Chương trình của ông bắt đầu lúc bảy giờ tối và kết thúc lúc nửa đêm. Thời gian đó ông còn tham gia lồng tiếng cho các phim quảng cáo.

Con đường đen tối

Dần dần Ted trở thành DJ số một ở Columbus. Nhưng chưa bao giờ ông thực sự cai được rượu – ngay cả khi bị đuổi việc do nghiện rượu và những hành vi tồi tệ thường đi kèm với nó. Ngay cả khi ông buộc phải đổi việc. Hay khi cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Hay khi bị giáng chức. Ông vẫn uống rượu. Ông thậm chí còn hút cần sa. Rồi một ngày cuộc sống của ông trượt dốc thảm hại. Vài người bạn đến chơi nhà và họ cho ông hút thử ít cocain dạng vụn. Ngay lập tức ông bị nghiện.

Ông nói rằng: “Ban đầu tôi nghĩ Mình sẽ chỉ hút vào cuối tuần. Rồi Mình sẽ chỉ hút vào ban đêm và cuối tuần, mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Ông cứ tiếp tục tự dối mình và hút ngày càng nhiều hơn. Ted nhớ lại: “Sau hai tháng kể từ ngày đầu tiên hút cocain, tôi từ bỏ công việc mơ ước của mình – điều duy nhất tôi muốn làm trong cuộc đời.” Ông nghỉ việc chỉ để có thể hút cả ngày. Ông thực sự đã làm điều đó. “Sau ba tháng sử dụng ma túy, gần như tất cả những điều tôi tích lũy trong đời mình suốt năm năm đã biến mất.”

Ted chuyển từ tình trạng nghèo đói sang vô gia cư. Ông sống trên đường phố, ngủ trong rừng, trên ghế của người lạ và trong những căn nhà dành cho dân buôn bán và nghiện ma túy. Ông sống trong một vòng luẩn quẩn không điểm dừng của tất cả những tình trạng nghiện ngập, lạm dụng thuốc, lừa gạt, trộm cắp vặt, vô gia cư và đôi lúc lại bị tống vào tù. Suốt thời gian đó ông luôn tự dối lòng rằng mình vẫn ổn. Nhưng thực tế không phải vậy. Ông đang giết dần giết mòn bản thân. Ông nói rằng: “Tự dối mình là một thói quen rất khó từ bỏ. Nhưng sự thật là tôi chẳng có gì hào hứng với cuộc đời này cả. Làm sao vui cho nổi khi cứ mỗi năm lại có vài tháng ở tù. Làm sao sống tích cực được khi không bao giờ được tắm, hơi thở hôi hám, lục lọi thùng quyên tiền của tổ chức từ thiện Salvation Army trong bộ đồ sũng nước mưa cũng chỉ để có gì đó mặc cho tươm tất… Tôi chẳng là gì ngoài một gã khánh kiệt, chạy tới chạy lui hết nghịch cảnh này tới nghịch cảnh khác.” Thời gian đó kéo dài 20 năm!

Vào thời điểm Ted được người lái xe phát hiện ở góc phố với tấm biển trên tay, ông vẫn đang nỗ lực thay đổi đời mình nhưng lại cũng đang vật lộn để tìm được lối đi. Sự nổi tiếng nhất thời không giúp ích được nhiều. Ông vẫn chưa thực sự nhìn thẳng vào việc mình nghiện ngập và tự mình chịu trách nhiệm về việc đó. Ông đồng ý lời đề nghị của Tiến sỹ Phil trong chương trình Dr. Phil để được cai nghiện, nhưng ông không thực sự muốn đi. Ông bỏ dở chỉ sau vẻn vẹn 12 ngày. Nhiều tháng sau khi uống thêm khá nhiều rượu và dùng thuốc phiện, cuối cùng ông thấy đã quá đủ.

“Tôi quay lại gặp Tiến sỹ Phil, trên tay cầm mũ, với thái độ khiêm nhường và xin ông ấy cho mình thêm cơ hội”, Ted kể lại. Cơ hội thứ hai đó đã có tác dụng. “Lần đầu tiên trong đời kể từ lần cuối cùng tôi làm hỏng đời mình ở đài phát thanh năm 1996, tôi hoàn toàn hết bệnh. Tôi không phải chữa trị. Không có chứng nghiện nào cần phải chữa trị cả. Đó là lần đầu trong đời tôi có cảm giác tự do.” Và đó có thể là lần đầu tiên trong đời ông học được bài học. Vì sao? Bởi cuối cùng thì ông cũng tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời và những lựa chọn của mình, và đó chính là bước khởi đầu của quá trình học hỏi.

Điều gì sẽ xảy ra khi ta không biết chịu trách nhiệm?

Câu chuyện về những người nghiện như Ted Williams thường buồn và luôn giống nhau đến bất ngờ. Khi Ted còn sống lang thang trên phố, ông đã nói dối, lừa đảo và ăn cắp chỉ để nuôi dưỡng cho thói quen của mình. Ông phản bội những người ông yêu quý. Ông van nài mẹ gửi tiền cho mình để có thể đến New York dự tang lễ của cha và khi bà gửi tiền thì ông lại tiêu hết vào ma túy. Ông phản bội vợ mình. Ông bỏ rơi con cái. Và ông chối bỏ trách nhiệm với tất thảy mọi thứ.

Câu chuyện về Ted là một ví dụ cực đoan nhưng cũng không hiếm người trốn tránh trách nhiệm như ông. Người ta làm vậy suốt, nhất là khi họ thất bại hoặc phạm sai lầm. Đơn giản là họ không muốn đối mặt với những chuyện đó. Nếu trốn tránh trong một thời gian dài sẽ xảy ra những vấn đề sau:

1. Hình thành tâm lý coi mình là nạn nhân

20 năm trước, Charles J. Sykes đã viết cuốn sách có nhan đề Quốc gia của những nạn nhân (A Nation of Victims) để mô tả về tâm lý coi mình là nạn nhân đang gia tăng của người Mỹ. Trong cuốn sách ông miêu tả một đặc vụ FBI đã biển thủ 2000 đôla và bị thua sạch do chơi bạc ở thành phố Atlantic. Anh ta đã bị sa thải nhưng rồi lại được phục chức sau khi thuyết phục được tòa án rằng xu hướng chơi bài bằng tiền của người khác là “điều khoản ưu tiên” và do đó được pháp luật Liên bang bảo vệ.

Sykes đã tả về một cậu thanh niên ăn cắp một chiếc xe trong bãi đậu xe, sau đó bị chết khi đang lái nó và gia đình cậu ta đã kiện người chủ bãi đỗ xe về tội không hành động để ngăn chặn những vụ trộm như thế.

Ông kể câu chuyện về một người đàn ông bị kết tội khoe “của quý” nơi công cộng đến hơn 30 lần và thừa nhận rằng đã tự “khoe mình” tới hơn 1000 lần. Khi không được chấp thuận công việc là người hướng dẫn trò chơi ở công viên do lí lịch đã từng bị bắt giữ, anh ta còn kiện lại nhà tuyển dụng với lí lẽ rằng anh ta chưa bao giờ làm việc đó ở công viên, mà chỉ là ở các thư viện và các hiệu giặt là tự động. Văn phòng lao động của Bang đã đồng ý và quyết định rằng anh ta có thể đã là nạn nhân của tình trạng phân biệt việc làm bất hợp pháp.

Nếu những chuyện đó xảy ra thì tâm lý coi mình là nạn nhân ở Mỹ đang ngày càng trầm trọng. Thay vì tự mình chịu trách nhiệm với cuộc sống, rất nhiều người lại đang cố tìm lối thoát dễ dàng hơn bằng cách tự coi mình là nạn nhân của xã hội, của nền kinh tế, một âm mưu hay một nạn phân biệt nào đó. Tâm lý coi mình là nạn nhân khiến họ tập trung vào thứ họ không thể làm thay vì thứ họ có thể. Đây chính là công thức cho những thất bại liên tiếp.

 Tâm lý coi mình là nạn nhân khiến họ tập trung vào thứ họ không thể làm thay vì thứ họ có thể. Đây chính là công thức cho những thất bại liên tiếp.   

Chỉ khi Ted Williams chín chắn hơn và bắt đầu biết chịu trách nhiệm đối với cuộc sống, ông mới nhận ra rằng vấn đề lớn nhất của ông đó là sự tự cho mình quyền. Nó là gốc rễ của vô số khó khăn trong đời ông, như ông từng gọi nó là “vấn đề của đời tôi”. Ông nói rằng: “Tôi hy vọng quân đội cho tôi vào đơn vị truyền thông ngay cả khi tôi không đủ năng lực. Tôi hy vọng các đài phát thanh phải yêu chiều tôi ngay cả khi tôi lợi dụng niềm tin của họ”. Chỉ tới khi ông có thái độ biết ơn với những gì ông có và biết chịu trách nhiệm thì cuộc đời ông mới có sự chuyển biến.

2. Có cái nhìn không thực tế về cuộc đời

Cuộc đời không như những gì ta mơ ước. Nếu ta được lựa chọn, cuộc đời sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Nó sẽ công bằng hơn. Có nhiều niềm vui hơn. Không còn nỗi đau và sự chịu đựng. Ta sẽ chỉ làm việc khi thấy thích. Và ta sẽ không bao giờ chết. Nhưng cuộc đời không như thế. Nó chẳng dễ dàng gì. Nó không hề công bằng. Ta phải chịu đựng nỗi đau. Ngay cả những nghề nghiệp tốt nhất thì vẫn có những công việc khó nhằn và những khoảng thời gian vất vả cực nhọc. Và ai trong chúng ta rồi cũng phải chết.

Nó có công bằng không? Không. Cuộc đời không công bằng. Johnny Carson đã từng nói: “Nếu cuộc đời công bằng thì Elvis vẫn còn sống và tất cả những kẻ mạo danh khác sẽ chết”. Trong cuộc đời, nhiều khi ta được nhiều hơn những gì ta xứng đáng nhưng cũng có khi ta không được tưởng thưởng xứng đáng như những gì đáng ra được nhận. Và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng cuối cùng kết quả sẽ cân bằng. Kinh Thánh nói rằng Chúa khiến mặt trời mọc lên để chiếu sáng cho kẻ gian ác lẫn người lương thiện và Ngài ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính. Có thể ta sẽ thắc mắc vì sao nhưng việc tìm kiếm câu trả lời không giúp ích được gì nhiều. Có thể ta sẽ không bao giờ hiểu được tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy. Nếu cứ tập trung vào câu hỏi tại sao, ta sẽ chẳng bao giờ có được bước tiến thực sự trong đời.

 “Nếu cuộc đời công bằng thì Elvis vẫn còn sống và tất cả những kẻ mạo danh khác sẽ chết.”

− Johnny Carson   

Một sai lầm nữa đó là so sánh bản thân với người khác. Nó sẽ dẫn đến sự vỡ mộng cũng như thất vọng tràn trề bởi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể tìm được người nào đó giỏi hơn mình. Tôi đọc được một câu chuyện hài về chủ đề này, tác giả nói rằng kiếp tới cô ấy muốn trở thành một con gấu. Cô viết rằng:

Nếu là một con gấu, bạn sẽ ngủ đông. Bạn không làm gì ngoài chuyện ngủ trong sáu tháng liền. Tôi làm được điều đó. Trước khi ngủ đông, bạn sẽ phải ăn như điên. Tôi cũng làm được điều đó. Nếu là một con gấu, bạn sinh con (cỡ chỉ bằng quả óc chó) lúc đang ngủ và khi thức dậy thì chúng đã trưởng thành một phần, trở thành những chú gấu con xinh xắn, đáng yêu. Chắc chắn là tôi làm được. Nếu bạn là gấu mẹ, ai cũng biết rằng bạn đầy quyền lực. Bạn có thể bạt tai bất cứ kẻ nào dám làm phiền các con bạn. Nếu con bạn không nghe lời, bạn cũng có thể tát chúng. Tôi làm được điều đó. Nếu là một con gấu, bạn tình sẽ mong đợi rằng bạn thức dậy với những tiếng càu nhàu. Anh ta mong đợi rằng chân bạn sẽ đầy lông và người thì đầy những mỡ. Quá tuyệt… Tôi sẽ làm một con gấu!

 “Thất bại là mẹ thành công.”

− Benjamin Franklin   

Benjamin Franklin đã viết: “Thất bại là mẹ thành công”. Đúng, nhưng chỉ khi bạn nỗ lực tìm hiểu cuộc đời diễn ra như thế nào và chấp nhận nó. Thay vì tập trung vào việc vì sao mọi chuyện diễn ra như thế, ta nên tìm hiểu xem mọi chuyện diễn ra như thế nào. Có rất nhiều bài học ta cần học và những bài học đó chuẩn bị hành trang cho ta đến những cuộc chiến trong tương lai.

3. Liên tục tìm lí do để đổ lỗi

Khi trốn tránh trách nhiệm, con người ta hay tìm lí do để đổ lỗi. Nó giống như một quy trình sáng tạo để tìm cho ra kẻ giơ đầu chịu báng phù hợp. Một lần tôi đã tư vấn cho một người đàn ông đầy những rắc rối cả trong cuộc sống lẫn các mối quan hệ. Khi bắt đầu nói đến các vấn đề của mình, ông ta nói rằng: “Có ba thứ sai lầm trong đời tôi, đó là vợ tôi, mẹ tôi và con trai tôi”. Đó chính là hình thức tìm lí do đổ lỗi.

Tôi biết các công ty bảo hiểm chính là địa chỉ nhận được rất nhiều những lời biện hộ sáng tạo của các lái xe, những người không muốn chịu trách nhiệm với hành động của mình. Tôi rất thích đọc chúng, và tôi hy vọng các bạn cũng sẽ thích. Dưới đây là một số những lời biện minh tôi tâm đắc:

“Lúc tôi đi đến đoạn đường giao nhau thì một cái hàng rào đột ngột xuất hiện, che khuất tầm nhìn của tôi.”

“Một cái xe vô hình từ đâu xuất hiện, đâm sầm vào xe tôi rồi biến mất.”

“Cái cột điện lao tới rất nhanh. Tôi cố bẻ tay lái để tránh nó thì nó đã đâm ngay vào mũi xe của tôi.”

“Nguyên nhân gián tiếp cho tai nạn này là một thằng nhóc ngồi trong một cái xe nhỏ có cái mồm rõ to.”

“Tôi đã lái xe được bốn năm rồi, thế rồi tôi buồn ngủ lúc đang cầm lái và bị tai nạn.”

“Tôi đang lái xe đến gặp bác sỹ trên chiếc xe bị hỏng phần đuôi thì đột nhiên cái khớp các-đăng bị gẫy, khiến tôi bị tai nạn.”

“Để không đâm vào thanh giảm chấn của chiếc xe đằng trước, tôi đã đâm vào người đi bộ.”

Tác giả kiêm biên tập viên Christopher Buckley đã kể lại một câu chuyện hấp dẫn về một sự cố xảy đến với nam diễn viên David Niven, người đầu tiên thủ vai bộ phim Điệp vụ báo hồng (Pink Panther). Ông viết rằng:

Trong gia đình mình, chúng tôi thường kể câu chuyện này với sự kính trọng, câu chuyện về sự lỡ lời. Nó xảy đến với David Niven – một người bạn của cha tôi. Ông ấy là người tuyệt nhất trên đời, không hề có một ý niệm xấu xa nào trong con người ông cả. Ông là một người ngọt ngào và tốt bụng. Một ngày, ông tham gia một bữa tiệc khiêu vũ sang trọng và nói chuyện với một người đàn ông khác. Họ đứng ở chân cầu thang chính, và khi đó có hai người phụ nữ xuất hiện phía trên cầu thang và đi xuống. David huých tay vào người kia và nói: “Tôi bảo này, đây chắc chắn là người phụ nữ xấu xí nhất tôi từng thấy trên đời”.

Người kia đanh giọng: “Vợ tôi đấy”.

Như cố bám vào cọc, David nói: “Ý tôi là người phụ nữ kia cơ”.

Người kia lần nữa lại đanh giọng và nói: “Đó là con gái tôi!”

Và David trả lời: “Tôi không nói gì cả!”.

Buckley nhận xét tiếp rằng: “Trong nhà, chúng tôi gọi đó là ‘Bào chữa kiểu David Niven’. Kiểu bào chữa đó đến rất đúng lúc.”

Bất kỳ dạng thức tìm lí do đổ lỗi nào cũng đều xuất hiện đúng lúc vào một khoảnh khắc nào đó, nhưng nó sẽ không hiệu quả về mặt lâu dài. Bạn không thể trưởng thành và học hỏi nếu chỉ tập trung vào việc tìm ai đó để đổ lỗi thay vì nhìn thẳng vào những thiếu sót của mình.

4. Bỏ lỡ cơ hội kiểm soát cuộc đời của mình

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những điều xảy ra trong cuộc đời bạn? Bạn có nghĩ rằng mình nên chịu trách nhiệm về bản thân mình? Hay bạn cảm thấy như thể việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình và bạn hầu như không thể làm được gì?

Các nhà tâm lý học nói rằng một số người mang trong mình khả năng kiểm soát mang tính nội tại, hầu hết mọi thành công và thất bại của họ đều phụ thuộc vào nó. Còn một số người khác thì khả năng kiểm soát lại nằm ở bên ngoài, họ đổ lỗi cho người khác khi có chuyện không như ý xảy ra. Vậy nhóm nào sẽ thành công hơn? Chính là nhóm biết tự chịu trách nhiệm. Nhóm nào có cảm giác hài lòng nhiều hơn? Chính là nhóm biết tự chịu trách nhiệm. Nhóm nào rút ra bài học từ những sai lầm và liên tục phát triển và tự cải thiện? Chính là nhóm biết chịu trách nhiệm.

Chịu trách nhiệm với cuộc đời của bạn là một lựa chọn. Nó không có nghĩa rằng bạn tin là mình có thể kiểm soát mọi thứ xảy ra trong đời. Không ai làm được thế. Nhưng bạn có thể chịu trách nhiệm với bản thân mình và mọi lựa chọn mà bạn đưa ra. Tôi rất thích cách tác giả kiêm bác sỹ trị liệu cột sống Eric Plasker nhìn vào những lựa chọn của chúng ta theo danh sách có tên là “Tôi lựa chọn cuộc sống của mình”. Bạn có thể đọc lướt qua những dòng dưới đây, nhưng xin đừng làm vậy. Bạn có thể rút ra rất nhiều điều từ những lựa chọn mà Plasker xếp cặp với nhau dưới đây:

Tôi chọn cái chết.

Tôi chọn chán ghét.

Tôi chọn khép mình.

Tôi chọn khóc lóc.

Tôi chọn phủ nhận.

Tôi chọn phớt lờ.

Tôi chọn mình luôn đúng.

Tôi chọn sự phân tán.

Tôi chọn làm việc.

Tôi chọn giận dữ.

Tôi chọn tuyệt vọng.

Tôi chọn từ bỏ.

Tôi chọn chịu đựng.

Tôi chọn hủy hoại.

Tôi chọn thất bại.

Tôi chọn dập tắt.

Tôi chọn ăn may.

Tôi chọn theo sau.

Tôi chọn buông trôi vô định.

Tôi chọn các lựa chọn của mình.

Tôi chọn sự sống.

Tôi chọn yêu thương.

Tôi chọn cởi mở.

Tôi chọn cười vang.

Tôi chọn tin tưởng.

Tôi chọn lắng nghe.

Tôi chọn sự thấu hiểu.

Tôi chọn sự tập trung

Tôi chọn rong chơi.

Tôi chọn chấp thuận.

Tôi chọn hy vọng.

Tôi chọn bền bỉ.

Tôi chọn hàn gắn.

Tôi chọn tạo dựng.

Tôi chọn thành công.

Tôi chọn khơi mào.

Tôi chọn vượt trội.

Tôi chọn lãnh đạo.

Tôi chọn cam kết dài lâu.

Tôi chọn cuộc đời của tôi.

 “Chúa trời không hỏi xem con người có chấp nhận cuộc sống hay không. Đó không phải một sự lựa chọn. Bạn buộc phải nhận nó. Lựa chọn duy nhất đó là sống như thế nào.”

− Henry Ward Beecher   

Mục sư Henry Ward Beecher – một người theo chủ nghĩa bãi nô từng phát biểu rằng: “Chúa trời không hỏi xem con người có chấp nhận cuộc sống hay không. Đó không phải một sự lựa chọn. Bạn buộc phải nhận nó. Lựa chọn duy nhất đó là sống như thế nào.” Bạn sẽ tiếp cận cuộc sống của mình như thế nào? Bạn sẽ cứ mặc kệ mọi chuyện xảy đến với mình? Hay bạn sẽ nắm bắt các cơ hội do chính mình tạo ra một cách đầy hào hứng và có trách nhiệm?

5. Từ bỏ cơ hội phát triển để thành công

Khi không biết cách chịu trách nhiệm, ta không chỉ hình thành nên tâm lý coi mình là nạn nhân, có cái nhìn không thực tiễn về cuộc sống, tìm cách đổ lỗi và bỏ lỡ cơ hội kiểm soát cuộc đời mình mà bạn còn xóa bỏ mọi khả năng biến sự phát triển thành thành công. Và đó chính là bi kịch thực sự của việc không biết chịu trách nhiệm.

Thành công thực sự là một hành trình. Ta phải tiếp cận nó bằng một tư duy mang tính dài hạn. Ta phải bám chặt vào nó, luôn tập trung và hướng về phía trước. Mọi lời bào chữa như những lối thoát khỏi con đường thành công, khiến ta bị lạc lối. Tìm cách thoát thì dễ nhưng nó lại khiến ta bị chệch hướng. Không bao giờ có chuyện từ bào chữa lại đi được đến thành công. Vì vậy ta phải quay lại con đường đó, tiếp tục tiến lên phía trước. Nếu ta muốn làm điều gì đó và biết chịu trách nhiệm, ta sẽ tìm ra cách. Nếu không ta sẽ chỉ tìm thấy lời biện hộ. Biện hộ có thể giúp ta giảm bớt áp lực và khiến ta cảm giác thoải mái hơn trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì lại không thể giúp ta thành công.

Nhà văn người Mỹ Richard Bach đã từng nói: “Tranh cãi cho những nhược điểm của bạn cũng có nghĩa là bạn có những nhược điểm đó.” Tôi có thể không thích điều đó nhưng tôi chịu trách nhiệm với những gì tôi trở thành của ngày hôm nay. Hoàn cảnh hiện tại của tôi là kết quả trực tiếp của những lựa chọn trước kia của tôi. Tương lai của tôi sẽ là kết quả của những suy nghĩ và hành động trong hiện tại này. Tôi là người biết chịu trách nhiệm và bạn cũng vậy.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ta học được cách biết chịu trách nhiệm?

 Thất bại là điều không thể tránh khỏi nhưng có đưa ra lí do bào chữa hay không là do ta lựa chọn.    

Trong cuốn Bạn nên khiêu vũ tiếp (You Gotta Keep Dancin’), tác giả Tim Hansel đã viết rằng: “Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi nhưng nỗi bất hạnh là do ta lựa chọn”. Tương tự như vậy, ta cũng có thể hiểu về việc chịu trách nhiệm là: Thất bại là điều không thể tránh khỏi nhưng có đưa ra lí do bào chữa hay không là do ta lựa chọn. Khi ta biết cách chuyển biến từ lời bào chữa đến việc chịu trách nhiệm, cuộc đời ta bắt đầu thay đổi ngay lập tức. Dưới đây là những thay đổi:

1. Ta thực hiện bước đầu tiên của quá trình học hỏi

Khi bạn chịu trách nhiệm đối với bản thân mình thì cũng có nghĩa là bạn chịu trách nhiệm đối với việc học hỏi của mình. Bạn càng làm việc đó sớm bao nhiêu thì nó càng tạo ra kết quả tích cực bấy nhiêu. Giáo sư và cũng là nhà báo từng được trao giải Pulitzer – William Raspberry – có lời khuyên rất hữu ích về tầm quan trọng của việc nhận trách nhiệm và đưa ra những lựa chọn sáng suốt khi bạn còn trẻ. Ông nói rằng:

Nếu muốn được đánh giá là người trụ cột đáng tin cậy trong cộng đồng khi bạn ở tuổi 50 thì bạn không thể là một kẻ vô trách nhiệm, cẩu thả ở tuổi 25… Thời điểm để lo lắng về danh tiếng của bạn chính là trước khi bạn thực sự  nó. Bạn là người định đoạt cho danh tiếng của mình bằng cách đưa ra quyết định bạn sẽ là ai, là người như thế nào và luôn tâm niệm điều đó trong đầu, ngay cả khi bạn có được những thành công vang dội.

Nếu biết chịu trách nhiệm khi còn trẻ thì bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội để trở nên thông thái hơn khi về già. Đối với vài người trong chúng ta, quá trình này đòi hỏi một thời gian khá dài. Đôi khi tôi có cảm giác rằng chỉ khi bước sang tuổi 65 tôi mới bắt đầu hiểu được về cuộc đời. Giờ khi chính thức trở thành một công dân lớn tuổi, tôi có thể nói rằng tôi hiểu hai điều về cuộc đời mình. Thứ nhất là cuộc đời này chứa đầy những điều bất ngờ. Cuộc sống của tôi rốt cuộc không như những gì tôi tưởng. Một số điều trở nên tốt đẹp hơn tôi tưởng tượng nhưng một số thì lại tệ hơn. Cho dù có là ai thì bạn cũng không thể nào biết được cuộc sống của mình rồi sẽ ra sao.

Thứ hai là chỉ khi tôi chịu trách nhiệm với những việc mình có thể kiểm soát trong cuộc sống và cố gắng hết mình để học hỏi từ những điều đó thì tôi mới cảm thấy hài lòng. Nhưng không may là thách thức cá nhân của tôi lại đang kìm chân tôi, khiến tôi không thể kiểm soát những thứ nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của mình. Cứ mỗi lần tôi với quá xa và mọi chuyện trở nên tồi tệ, tôi lại cảm thấy mất phương hướng, phí hoài năng lượng và thất vọng. Đó là một bài học khó khăn cho tôi.

Nếu bạn có thể tìm ra được điểm cân bằng giữa việc chịu trách nhiệm đối với những thứ bạn có thể kiểm soát và bỏ qua những điều không thể thì bạn sẽ có thể đẩy nhanh quá trình học hỏi của mình. Nhưng ngay cả khi phải rất lâu sau bạn mới rút ra được bài học thì bạn vẫn được hưởng lợi từ nó. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Ted Williams. Khi bắt đầu thực hiện bước đầu tiên của quá trình học hỏi, ông đã ở tuổi 50. Và ông vẫn đang học hỏi, trưởng thành và cải thiện cuộc sống của mình.

2. Ta nhìn mọi việc dưới góc nhìn phù hợp

Chịu trách nhiệm đối với chính mình không có nghĩa là bạn quá nghiêm khắc đối với bản thân. Nếu làm vậy bạn sẽ nhìn những khía cạnh khác của cuộc đời dưới góc nhìn tiêu cực. Như Henri Frederic Amiel đã nói: “Chúng ta chưa bao giờ bất mãn với người khác như khi chúng ta bất mãn về chính mình.” Chịu trách nhiệm không có nghĩa là nuôi dưỡng thái độ tiêu cực. Nó có nghĩa là sẵn sàng đón nhận mọi việc dưới cái nhìn tích cực hơn.

 “Chúng ta chưa bao giờ bất mãn với người khác như khi chúng ta bất mãn về chính mình.”

− Henri Frederic Amiel    

Tôi đã gặp những con người để cho thất bại đánh gục họ. Họ nói những câu như: “Rắc rối đó làm hỏng cả đời tôi” hay “Người ấy khiến tôi phát điên”. Sự thật là chẳng cái gì có thể làm hỏng đời bạn hay khiến bạn phát điên mà không có sự cho phép của bạn! Nếu bạn thấy mình giống với những mô tả trên đây thì hãy ngừng lại ngay lập tức. Bạn có quyền thay đổi cách suy nghĩ và bạn sẽ học được cách làm được điều đó bằng cách nhìn mọi việc dưới một góc nhìn phù hợp.

Năm 2009, khi Tom Watson – vận động viên chơi golf – 50 tuổi, ông tham gia giải Vô địch mở rộng Anh trong một trận đấu vô cùng khó khăn. Ông chưa từng được nhận một giải thưởng lớn nào trong suốt 25 năm. Giờ thì ông đã tiến đến vòng đánh lỗ cuối của trận đấu. Nếu vượt qua được lỗ cuối với bốn lượt đánh, ông sẽ thắng. Nhưng tới lượt đánh thứ hai, ông phát bóng quá mạnh và bóng lăn ra ngoài khu vực lỗ cờ. Kết quả là ông đánh quá một lượt so với bốn lượt quy định và phải chơi vòng đấu loại play-off với Stewart Cink và cầu thủ này đã giành giải nhất.

Một trận thua đầy thất vọng. Các phóng viên im lặng khi họ đi vào phòng họp báo sau trận thua của Watson. Phản ứng của cựu vận động viên này thế nào? Ông đùa tếu rằng: “Đây có phải tang lễ đâu, đúng không?” Ông có thể tự cười chuyện đó bởi ông nhìn mọi thứ dưới góc độ thích hợp. Với ông, đây không phải tận cùng thế giới.

Những học viên ưu tú nhất là những người không xem thất bại là mãi mãi. Họ xem chúng là kết quả tạm thời. Như luật sư Patricia Sellers từng nói: “Những người thành công nhất trong việc phục hồi lại sau thất bại là những người không coi thất bại như căn bệnh ung thư mà xem nó như giai đoạn tuổi dậy thì: khó xử và bất tiện, nhưng lại là giai đoạn chuyển biến sang giai đoạn trưởng thành hơn.”

3. Ta không lặp lại những sai lầm của mình

Đâu là sự khác biệt giữa những người thành công và người không thành công? Đó không phải là sự thất bại. Cả hai nhóm đều thất bại. Tuy nhiên những người biết chịu trách nhiệm với bản thân sẽ học hỏi được từ thất bại của họ và không lặp lại những thất bại đó.

Bạn hãy thử nghĩ lại xem khi còn là một đứa trẻ bạn đã tập đi như thế nào? Bạn thử đi theo một cách nhưng không thành công và bạn bị ngã. Rồi bạn lại thử đi theo kiểu khác mà vẫn không thành công, và lại ngã. Có thể bạn đã thử tới hàng trăm cách, thậm chí hàng nghìn, tất cả các cách đó đều không giúp bạn đi được. Và rồi cuối cùng bạn thử lại một cách khác và lần này bạn thành công.

Đó chính là cách mà bạn học đi, học ăn, học lái xe đạp, ném bóng và tất cả các hoạt động cơ bản khác trong cuộc sống. Sao bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ học hỏi được mọi điều mà không phạm phải sai lầm và thất bại? Nếu muốn học hỏi được nhiều hơn, bạn phải hành động nhiều hơn. Tuy nhiên bạn cần chú ý đến những thứ không hiệu quả và từ đó có những điều chỉnh hợp lý.

Trong cuốn sách nói có tựa đề Tâm lý học Thành công (The Psychology of Achievement), Brian Tracy đã viết về bốn người đàn ông trở thành triệu phú ở tuổi 35. Ông nói rằng trung bình mỗi người đều từng làm 17 ngành nghề khác nhau trước khi tìm ra nghề thực sự phù hợp với mình. Thông điệp ở đây là gì? Để thành công, bạn không thể chỉ cứ thử đi thử lại mỗi một việc. Bạn phải dừng lại, chịu trách nhiệm đối với những lựa chọn của mình, đánh giá xem cái nào đúng, cái nào sai, đưa ra các điều chỉnh và thử lại lần nữa. Đó mới chính là cách để thành công.

 “Tất cả những người thành công mà tôi biết đều đạt được mục tiêu bởi họ có khả năng phân tích thất bại và được hưởng lợi từ việc đó vào lần thực hiện tiếp theo.”

− William Moulton Marston   

William Moulton Marston – cha đẻ của nhân vật Wonder Woman(1) đã nhận xét rằng: “Tất cả những người thành công mà tôi biết đều đạt được mục tiêu bởi họ có khả năng phân tích thất bại và được hưởng lợi từ việc đó vào lần thực hiện tiếp theo”. Thất bại không phải người thầy tốt nhất. Kinh nghiệm cũng không phải. Chỉ có những trải nghiệm đã qua đánh giá mới có thể dạy cho chúng ta. Đó là nơi mà lợi ích ẩn chứa trong bất kỳ kinh nghiệm nào chúng ta có.

4. Ta mạnh mẽ hơn

Chính trị gia người Mỹ Eleanor Roosevelt đã quan sát thấy rằng: “Bạn sẽ có được sức mạnh, lòng dũng cảm và sự tự tin từ mỗi trải nghiệm mà lúc đầu bạn thực sự lo sợ. Có thể bạn sẽ tự nhủ: ‘Mình đã sống sót qua tình cảnh khủng khiếp này. Mình sẽ xử lý được tình huống sắp tới.’ Bạn phải làm những việc mà bạn nghĩ là sẽ không thể.”

Mỗi lần bạn dám chịu trách nhiệm, đối mặt với sự sợ hãi, tiến lên phía trước cho dù có phải trải qua những thất bại, mất mát, sai lầm và thất vọng, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn. Và nếu bạn chịu khó làm đi làm lại những việc mình buộc phải làm, rồi sẽ có ngày bạn được làm những việc mình muốn làm.

Khả năng đó chỉ xảy ra khi bạn chịu trách nhiệm với việc trở thành người mà Chúa đã ban tặng cho bạn, chứ không phải trở thành người khác. Trong cuốn sách mang tênTự tin: Làm thế nào để thành công khi là chính mình (Confidence: How to Succeed at Being Yourself), tác giả Alan McGinnis đã viết:

Zuscha – một giáo sĩ của phong trào Hasid Do Thái, khi sắp từ trần và được hỏi ông nghĩ vương quốc của Chúa như thế nào, ông đã trả lời rằng: “Tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết rất rõ. Khi tới đó, tôi sẽ không bị hỏi những câu đại loại như: ‘Sao ông không là Nhà tiên tri Moses? Sao ông không phải vua David?’, mà sẽ được hỏi là: ‘Sao ông không là Zuscha? Sao ông không là chính mình?’.”

Ta cần phải tự hỏi mình câu hỏi tương tự như vậy: Ta có đang là chính mình không? Ta có đang chịu trách nhiệm hoàn toàn cho công việc đó không? Nếu câu trả lời là có thì nó sẽ giúp ta mạnh mẽ lên từng ngày.

5. Ta dùng hành động để chứng minh cho lời nói

Bước cuối trong quá trình chịu trách nhiệm đó là đảm bảo rằng lời nói của mình đi đôi với hành động. Jeff O’Leary, tác giả cuốn Những nguyên tắc chỉ huy của một vị tướng (The Centurion Principles) khuyên rằng: “Vào cuối mỗi ngày, hãy ký tên mình vào công việc bạn đã làm. Nếu không thể làm được việc đó, hãy đi tìm một công việc mới”. Nếu bạn sẵn lòng ký tên mình vào tất cả những việc bạn làm, điều đó thể hiện được tính chính trực. Tạo thách thức cho đời mình lại thể hiện sự chính trực ở cấp độ cao hơn.

Đó là những gì mà tác giả kiêm tư vấn gia Frances Cole Jones mô tả trong cuốn sáchNhân tố kỳ thú (The Wow Factor) của mình. Bà viết rằng:

 “Hãy ký tên vào công việc vào cuối mỗi ngày. Nếu không thể làm được việc đó, hãy đi tìm một công việc mới.”

− Jeff O’Leary   

Trong các binh chủng lính thủy đánh bộ, “người gấp dù” – những người làm nhiệm vụ gấp dù (ráp dù lại sau khi sử dụng) cho các binh lính khác sẽ phải thực hiện ít nhất một lần nhảy trong một tháng. Ai là người đã gấp những chiếc dù đó của họ? Chính họ. Một trong những chiếc dù mà họ đã gấp cho người khác sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên, và họ sẽ phải nhảy bằng chính chiếc dù đó. Phương pháp này giúp đảm bảo rằng không người nào làm việc cẩu thả, bởi suy cho cùng thì “Chiếc dù bạn nhảy có thể chính là chiếc dù bạn đã gấp”.

Quân đội La Mã cũng từng sử dụng phương pháp tương tự để đảm bảo độ an toàn của những cây cầu và các ống dẫn nước: Người thiết kế nhịp cầu vòm sẽ phải đứng dưới mỗi nhịp khi các giàn giáo làm vòm được dỡ ra.

Nếu bạn muốn công ty mình tồn tại lâu như những chiếc cầu La Mã thì hãy tự hỏi xem liệu mỗi nhân viên trong công ty có thực sự chịu trách nhiệm đối với kết quả làm việc theo những phương pháp như trên không và tự hỏi cả bản thân mình nữa. Bạn có làm mọi việc với sự tập trung và cam kết như thể đang có một mạng sống phụ thuộc vào việc bạn làm không?

Nghe có vẻ như Jones đang cường điệu hóa khi đòi hỏi bạn phải chịu trách nhiệm với mỗi nhiệm vụ mà bạn thực hiện như thể cuộc đời bạn phụ thuộc vào nó, nhưng không đến nỗi cực đoan như vậy. Vì sao? Bởi cuộc đời ta thực sự phụ thuộc vào những gì ta làm. Ted Williams đã phải mất đến hơn 50 năm cuộc đời để rút ra được bài học. Nhưng phần thưởng ta nhận được lại rất lớn. Cuộc đời ta đang sống là cuộc đời duy nhất ta có và nó không phải buổi thử quần áo. Mỗi phút ta phí phạm sẽ đều trôi đi mãi mãi. Ta có thể lựa chọn một là nhận lấy trách nhiệm cho hành động của mình, hai là tìm lý do bào chữa.

Hy vọng rằng bạn cũng như tôi, lựa chọn cách đối diện với thực tế và dám chịu trách nhiệm. Nếu làm được thế, bạn sẽ sẵn sàng đào sâu học hỏi và tập trung vào việc cải thiện bản thân. Đây sẽ là chủ đề của chương tiếp theo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.