Học Từ Thất Bại

9 Vấn đề: Cơ hội của Học hỏi



Bất cứ khi nào cảm thấy các vấn đề sắp nhấn chìm bản thân và đang bên bờ vực chán nản, tôi đều dừng lại và đọc một câu chuyện tình cờ phát hiện nhiều năm trước. Đó là câu chuyện giải thích những gì sẽ xảy ra ngày nay nếu Noah cố đóng một con thuyền.

Chúa nói với Noah rằng: “Trong sáu tháng, ta sẽ đổ mưa cho đến khi toàn bộ mặt đất bao phủ toàn nước và tất cả những kẻ xấu đều bị hủy diệt. Nhưng ta muốn giữ lại một vài người tốt, và hai con vật của mỗi loài đang sống trên mặt đất. Ta ra lệnh cho con xây cho ta một con thuyền lớn.” Và trong nháy mắt ông nhận được bản thiết kế con thuyền.

“Vâng”, Noah nói, run rẩy trong sợ hãi và dò dẫm bản thiết kế.

“Sáu tháng và trời sẽ mưa.” Chúa bạo nộ: “Con cần hoàn thành con thuyền cho ta, hoặc con sẽ phải học cách bơi trong thời gian rất dài”.

Sáu tháng trôi qua. Mây đen tích tụ trên bầu trời và mưa bắt đầu rơi xuống. Chúa thấy Noah đang ngồi trước sân khóc lóc, không có con thuyền nào cả.

“Noah”, Chúa hét lên, “thuyền của ta đâu?” Một tia sét đánh vào mặt đất bên cạnh Noah.

“Thưa Chúa, xin hãy tha thứ cho con!”, Noah cầu xin. “Con đã cố hết sức, nhưng có nhiều vấn đề lớn. Đầu tiên con phải lấy giấy phép xây dựng cho dự án xây dựng thuyền và thiết kế của Người không phù hợp quy định. Do đó con phải thuê kỹ sư vẽ lại thiết kế. Sau đó con gặp phải tranh luận gay gắt xem con thuyền có cần hệ thống phòng cháy chữa cháy không. Hàng xóm của con bị ảnh hưởng, khiếu nại rằng con vi phạm quy hoạch khi đóng con thuyền lớn như vậy ở sân trước, nên con đã có xích mích với ủy ban quy hoạch thành phố.”

“Sau đó, con gặp phải vấn đề thu thập gỗ đóng thuyền, vì có lệnh cấm chặt cây để cứu loài cú mới được phát hiện. Con đã phải thuyết phục Hội Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ rằng con cần gỗ để cứu loài cú. Nhưng họ không để con bắt cú, nên không có cú.”

“Sau đó đám thợ mộc hình thành liên minh và đình công. Con phải đàm phán thỏa hiệp với Ban Quan hệ Lao động Quốc gia trước khi ai đó nổi loạn. Bây giờ con có 16 thợ mộc trên thuyền mà vẫn không có con cú nào.”

“Sau đó con bắt đầu thu thập động vật và bị kiện bởi một tổ chức bảo vệ động vật. Họ phản đối việc chỉ mang hai con của mỗi loài. Ngay khi vụ kiện vừa qua, EPA thông báo rằng con không thể hoàn thành cái thuyền mà không điền vào bản báo cáo tác động do cơn lũ mà con đề xuất. Họ không hiểu khái niệm rằng họ không có quyền hạn đối với hành động của một Tồn tại Siêu nhiên. Sau đó nhóm Kỹ sư Quân đội yêu cầu bản đồ của cơn lũ được đề xuất. Con gửi họ bản đồ thế giới.”

“Ngay bây giờ con vẫn đang cố xử lý khiếu nại từ Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng về việc con định thuê bao nhiêu người, IRS đã tịch thu tất cả tài sản của con và khiếu nại rằng con đang cố trốn thuế bằng cách rời khỏi đất nước, và con vừa nhận được thông báo về việc nợ một khoản thuế nào đó. Con thực sự không nghĩ con có thể hoàn thành thuyền trong ít nhất năm năm nữa!”

Bầu trời trở nên quang đãng. Mặt trời sáng trở lại. Cầu vồng xuất hiện dọc bầu trời. Noah nhìn lên và mỉm cười. “Vậy là Người sẽ không hủy diệt mặt đất nữa?”, ông hỏi tràn trề hy vọng.

“Không.” Chúa buồn bã nói, “Chính phủ đã làm rồi.”

Cơn lũ vấn đề của tôi

Tôi thích câu chuyện trên đơn giản vì nó quá mãnh liệt. Không ai có thể đối mặt với những vấn đề như vậy trong cuộc sống, đúng không nào? Có lẽ, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trải nghiệm khi làm lãnh đạo của tôi khá giống với Noah khi tôi còn lãnh đạo nhà thờ tại La Mesa, California. Tôi tiếp nhận công việc vào năm 1981, nhưng rất nhanh sau đó nhận ra rằng chúng tôi có hai vấn đề lớn: Chúng tôi ở vị trí không đẹp và cơ sở vật chất thì khá là lạc hậu.

Tôi biết mình cần làm điều gì đó, nên tôi bắt đầu dịch chuyển mọi người theo hướng thay đổi. Mặc dù mọi người khá gắn bó với vị trí và cơ sở vật chất lúc đó, họ vẫn quyết định chuyển chỗ vào năm 1983. Tôi từng xây một số tòa nhà ở hai địa điểm trước và chuyển mọi người tới một trong số đó, nên tôi cho rằng mình đã biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Tôi đã nhầm. Hóa ra đây lại là thử thách lớn nhất của tôi khi làm lãnh đạo và là nguồn gốc của các vấn đề nối tiếp nhau.

Chúng tôi đã rất phấn khích khi mua được lô đất 130 mẫu Anh với giá 1,8 triệu đôla. Đó là một thách thức, nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được. Với sự hưởng ứng và hy vọng tràn trề, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch. Vấn đề đầu tiên phát sinh là vị trí đặt tòa nhà chính, ngay trên đỉnh đồi của khu đất. Đặt như vậy, tòa nhà sẽ có hướng nhìn tốt tới toàn khu vực và mọi người sẽ chú ý đến chúng tôi. Nhưng quan chức địa phương lại cho rằng như vậy là xâm phạm nghiêm trọng tới cộng đồng. Thật đáng thất vọng, nhưng chúng tôi không muốn xa lánh hàng xóm xung quanh, nên đã điều chỉnh.

Nếu muốn xây dựng tại California, bạn phải trả tiền cho các nghiên cứu về môi trường. Khu đất này cũng vậy. Và chúng tôi tuân thủ. Trong quá trình nghiên cứu, người ta phát hiện một đôi chim sẻ đuôi đen thỉnh thoảng sinh sống trong khu đất. Bạn vẫn thường thấy động vật sống trong các khu đất hoang nên đó có vẻ không phải là vấn đề lớn. Chỉ có một vấn đề: Loài chim đó có nguy cơ tuyệt chủng. Và kết quả là trong thời gian sáu tháng sinh sản của chúng, chúng tôi không được phép làm bất cứ điều gì gây phiền hà cho chúng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới thời gian xây dựng dự tính của chúng tôi.

Sau đó, họ phát hiện cây xô thơm ven biển mọc trên khu đất này. Bạn thử đoán xem? Lại một vấn đề khác. Chúng tôi không được phép xây dựng ở bất cứ khu nào có cây xô thơm mọc. Nên một lần nữa chúng tôi phải thay đổi thiết kế xây dựng.

Chúng tôi sửa xong bản vẽ thì biết rằng Đường Quốc lộ 94 sắp mở rộng. Đoán tiếp nhé? Chạy xuyên qua khu xây dựng mà chúng tôi đề xuất. Một lần nữa chúng tôi phải dịch chuyển.

Sau đó, một người nọ tìm thấy tảng đá đen trong khu đất. Chúng tôi không nghĩ có gì bất thường. Trước khi khu San Diego trở nên phát triển, mọi người thường cắm trại và lái những chiếc xe máy cũ ngang bờ đông của hạt. Nhưng có vấn đề: Một chuyên gia tin rằng tảng đá này là lò nấu ăn được sử dụng bởi cư dân vùng này khoảng 2000 năm trước. Chúng tôi phải trả 120.000 đôla cho một cuộc khai quật khảo cổ.

Vì chi phí xây dựng một tòa nhà sẽ rất lớn, chúng tôi quyết định bán một phần của mảnh đất ở phía trước đường quốc lộ để gây quỹ. Điều này sẽ giúp rất nhiều cho chi phí xây dựng. Nhưng lại có vấn đề. Hạt tuyên bố rằng phần đất sắp bán phải được coi là đất mở vì có một loài chim khác: Sơn ca Bắc Mỹ.

Khi chúng tôi nhận ra rằng địa hình của khu đất rất khó đậu xe, chúng tôi mua thêm 8 mẫu Anh với giá 250.000 đôla. Mặc dù khá đắt nhưng chúng tôi biết việc này sẽ cung cấp không gian cho 600 chỗ đỗ xe. Nhưng lại có vấn đề. Hạt quyết định rằng mảnh đất đó cần được sử dụng vào việc “kết nối có tính môi trường” cho động vật hoang dã. Một phần tư triệu đôla ra đi.

Lúc này, chúng tôi đã chi hàng triệu đôla và gần một thập kỷ để hoàn thành các thủ tục quan liêu và chúng tôi vẫn chưa được cấp phép xây dựng! Chúng tôi định phát triển 25 trên tổng số 138 mẫu Anh đã mua. Nhưng… đoán xem? Lại có vấn đề khác. Các quan chức quyết định rằng chúng tôi sẽ gây quá nhiều tổn hại tới môi trường nếu chúng tôi phát triển khu đất đó và chỉ để lại 113 mẫu Anh cho động vật hoang dã. Để giảm thiểu tổn hại, chúng tôi được yêu cầu mua 25 mẫu khác trên núi với giá 150.000 đôla và giao chứng từ khu đất đó để hoàn thành trách nhiệm môi trường.

Sau – và chỉ sau – 12 năm, chúng tôi mới nhận được giấy phép từ Ban giám sát Hạt. Cuối cùng chúng tôi có thể bắt đầu thi công. Vào lúc này, Jim Garlow – người kế nhiệm tôi – phụ trách dự án. Và bạn đoán tiếp đi? Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi rắc rối. Vẫn còn các vấn đề khác.

Chúng tôi luôn biết rằng có đá granite trong khu đất, và đã chuẩn bị chi 38.000 đôla để nổ mìn. Nhưng cho đến khi người ta dọn dẹp bụi bẩn để chuẩn bị, hóa ra đây lại là đá granite xanh, rắn chắc hơn bê tông gấp sáu lần; chi phí nổ mìn tăng gấp 10 lần dự kiến. Trong khi hai ống dẫn nước cần thiết đang được lắp đặt trên khu đất, các công nhân gặp phải nhiều đá granite xanh hơn dự kiến, và phải mất thêm 192.000 đôla vào chi phí và quá trình thi công phải kéo dài thêm hai năm rưỡi.

Trong quá trình xây dựng, đoạn đường chạy dọc theo khu đất được quyết định chuyển thành đường quốc lộ. Hạt San Diego đồng ý trả 1 triệu đô cho việc xây dựng và nhà thờ được ra lệnh phải trả 1,1 triệu đôla. Và do có thay đổi trong yêu cầu xây dựng liên quan đến an toàn động đất, phải bổ sung khối lượng thép và bê tông trong mỗi tòa nhà với chi phí 856.000 đôla.

Cuối cùng cũng xong, cơn lũ rắc rối tưởng chừng không bao giờ kết thúc. Nhưng cuối cùng thì vào cuối tuần ngày 15 – 16 tháng Tư năm 2000, theo lời mời của Jim, tôi bước vào khu cơ sở hạ tầng mới với hơn 5000 người khác và tất cả cùng ăn mừng. Mất tổng cộng 17 năm và chi thêm hàng triệu đôla, nhiệm vụ cuối cùng cũng thành công!

Bác sĩ tâm thần M. Scott Peck từng nói: “Cuộc sống là một chuỗi vấn đề. Chúng ta muốn kêu ca hay giải quyết chúng?”. Tôi đã cố giải quyết các vấn đề đó, nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi cũng đã kêu ca rất nhiều về chúng. Tôi thậm chí không biết liệu Noah có thể chịu đựng tất cả hay không! Nhưng tôi thấy biết ơn rằng chúng tôi cuối cùng cũng thành công.

Khi đối mặt với các vấn đề khó khăn, tôi thấy chúng ta giống như Charles Schultz – người từng phát biểu: “Đôi khi tôi thao thức trong đêm và tự hỏi, ‘Tôi sai từ đâu?’ Sau đó tôi nghe thấy giọng ai đó nói với tôi, ‘Sẽ phải mất hơn một đêm’.”

Điều quan trọng cần ghi nhớ là mỗi người đều có vấn đề cho dù địa vị của họ trong xã hội ra sao. Đôi khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của người khác và nếu thấy họ đều rất thành công, ta lại cho rằng họ không gặp phải vấn đề gì cả. Hoặc chúng ta tin rằng vấn đề của những người đó dễ xử lý hơn của chúng ta. Đó là một niềm tin sai lầm. Ví dụ như Jeff Immelt, CEO của General Electric, ông có vị trí mà hầu hết các lãnh đạo trên thế giới đều nể phục. Và họ có thể nghĩ rằng vị trí cao ngất của Immelt sẽ bảo vệ ông khỏi các vấn đề. Nhưng Immelt từng phát biểu như thế này sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9: “Ngày làm việc thứ hai với cương vị chủ tịch của tôi, một máy bay mà tôi cho thuê, bay với động cơ mà tôi chế tạo, đâm vào tòa nhà mà tôi ký hợp đồng bảo hiểm và nó nằm trong mạng lưới mà tôi quản lý.” Đó là một ngày có rất nhiều vấn đề.

Đừng làm…

Điều then chốt để vượt qua các vấn đề và học hỏi từ chúng là tiếp cận chúng theo cách đúng đắn. Qua nhiều năm, tôi học được rằng vấn đề trở nên tốt hơn hoặc xấu đi tùy thuộc vào điều bạn làm hoặc không làm khi đối mặt với chúng. Trước tiên, để tôi chia sẻ những điều không nên làm:

1. Đừng đánh giá thấp vấn đề

Đây chắc chắn là bài học mà tôi rất vất vả mới học được từ chính trải nghiệm của mình. Sai lầm lớn nhất của tôi khi cố gắng xây cơ sở hạ tầng tại San Diego hiển nhiên là đánh giá thấp vấn đề. Tôi đã ngây thơ và đánh giá cao quá mức kinh nghiệm xây dựng trước đó của mình. Xây dựng một tòa nhà nhỏ ở vùng nông thôn Indiana hoặc thị trấn nhỏ ở Ohio không hề giống với việc lèo lái qua sự quan liêu của Nam California! Giống như một cầu thủ bóng rổ trung học được yêu cầu quản lý một đội chơi ở giải Thế giới vậy.

Rất nhiều vấn đề không được giải quyết hoặc quản lý không hiệu quả do chúng ta không nghiêm túc xử lý chúng. Nhiều năm trước tôi từng đọc cuốn sách rất hay của Rober H. Schuller có tựa đề Thời gian khó khăn không kéo dài nhưng người mạnh mẽ thì có(Tough Times Don’t Last But Tough People Do). Đoạn văn sau từng giúp tôi – lúc còn là lãnh đạo trẻ – tìm thấy một góc nhìn thực tế hơn về bản thân và các vấn đề của mình:

Không bao giờ đánh giá thấp một vấn đề hoặc sức mạnh của bạn để đối phó với nó. Nhận ra rằng vấn đề bạn đang đối mặt đã được xử lý bởi hàng triệu người khác. Bạn có tiềm năng chưa được khai thác để giải quyết một vấn đề nếu bạn nghiêm túc xử lý vấn đề và sức mạnh chưa được phát triển, đào sâu của bạn. Phản ứng của bạn với một vấn đề sẽ quyết định kết quả. Tôi từng thấy nhiều người đối mặt những vấn đề nghiêm trọng nhất với thái độ tinh thần tích cực, biến vấn đề của họ thành trải nghiệm sáng tạo. Họ khiến những vết sẹo biết tỏa sáng!

Ngay lần đầu đọc đoạn đó, tôi đã trở nên phấn khích. Nó khiến tôi tin rằng chuẩn mực của một người quan trọng hơn mức độ của vấn đề.

Quan điểm của chúng ta đối với vấn đề cũng quan trọng. Shug Jordan, cựu huấn luyện viên bóng rổ và bóng bầu dục tại Đại học Auburn, từng giải thích với một trong những huấn luyện viên mới về cách chiêu mộ tuyển thủ mới về đội như sau: “Chúng ta có muốn một tuyển thủ mà khi bị đánh ngã nhưng không thể đứng dậy hay không?”

“Không”, huấn luyện viên mới nói, “chúng ta không muốn anh ta.”

“Chúng ta có muốn tuyển thủ mà khi bị đánh ngã, đứng dậy, bị đánh ngã, đứng dậy, bị đánh ngã, rồi lại đứng dậy?”

“Có”, huấn luyện viên mới nói, “chúng ta muốn anh ta!”

“Không, chúng ta không muốn”, Jordan nói, “Chúng ta muốn một anh chàng luôn đánh ngã những kẻ khác!”. Con người càng vĩ đại, vấn đề càng nhỏ.

2. Đừng đánh giá quá cao vấn đề

Một vài người trải nghiệm một vấn đề đôi ba lần hoặc nhiều hơn. Họ trải nghiệm vấn đề lần đầu tiên khi cảm thấy lo lắng về nó. Họ trải nghiệm nó lần thứ hai khi nó thực sự xảy ra. Và họ trải nghiệm thêm một lần nữa khi họ thực hiện đi thực hiện lại nó! Tôi đã làm thế. Bạn thì sao? Khi đối mặt với một vấn đề, bản năng đầu tiên của tôi thường là phóng đại tác động của nó. Làm như thế và bạn có thể bị tiêu diệt trước khi vấn đề thực sự xảy ra!

Cy Young là một trong số những vận động viên phát bóng vĩ đại nhất trong giải Major League Baseball. Khi kết thúc sự nghiệp, ông nhận xét về xu hướng đẩy những cầu thủ mới ra ngoài sân của các quản lý mà không đưa ra gợi ý nhỏ nhất để xử lý vấn đề. Ông nhận định: “Thời của tôi, khi một cầu thủ phát bóng gặp vấn đề trong trận đấu, thay vì đuổi anh ta, quản lý sẽ để anh ta lại và chỉ cho anh ta cách vượt qua vấn đề.” Đôi khi vấn đề không lớn như chúng ta dự đoán và bằng việc giải quyết nó, ta đã thu nhỏ nó lại.

Trong một lần phỏng vấn, chuyên gia kiêm tác giả về tinh thần lãnh đạo John Kotter từng nói rằng một trong những học viên đưa cho ông một lá thư gồm hai trang mà CEO của cậu ta gửi tới. Phần Một ghi rằng: “Chúng tôi gặp rắc rối. Không thể chối bỏ điều này. Dưới đây là một số thống kê về điều đó.”

Phần Hai ghi rằng: “Nhìn lại quá khứ đúng là có ích. 30 năm trước, công ty này còn gặp rắc rối tồi tệ hơn. Nhìn lại chúng tôi ở thì hiện tại. Chúng tôi lớn hơn gấp 10 lần. Kinh tế Mỹ suy thoái mạnh sau mỗi 20 năm trong thế kỷ XIX. Và chúng ta ở đây – quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.”

Phần Ba ghi rằng: “Chúng ta phải nắm tay nhau cùng xử lý vấn đề này, bắt đầu từ tôi. Tôi sẽ cố ‘hết sức bình sinh’ để tìm hiểu (1) vì sao việc này không làm hại chúng ta và (2) chúng ta có thể tìm thấy cơ hội gì trong lần này. Bởi cơ hội luôn có ở đó.”

Phần cuối ghi rằng: “Đây là những gì tôi sắp làm và đây là những gì tôi cần các anh giúp.” Đoạn cuối cùng đó đầy niềm hy vọng nhưng không ngây thơ.

Đối với tôi, vị CEO này đang làm hết sức để không đánh giá quá thấp hay quá cao vấn đề mà công ty gặp phải, mà là nhìn nó một cách thực tế và giải quyết nó.

3. Đừng chờ đợi vấn đề tự giải quyết

Đây là bài học thứ hai tôi học từ các vấn đề. Bạn không thể đợi chúng tự giải quyết. Kiên nhẫn là đức tính tốt để giải quyết vấn đề nếu bạn đang làm tất cả những gì có thể để cải thiện tình hình. Nhưng nó không phải là đức tính tốt nếu bạn đang chờ đợi, hy vọng rằng vấn đề sẽ tự giải quyết hoặc biến mất.

Vấn đề đòi hỏi chúng ta phải chú ý tới. Vì sao? Vì mặc kệ sẽ khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Nina DiSesa – người đứng đầu công ty quảng cáo McCann Erickson những năm 1990 – nhận định rằng: “Khi rơi vào tình huống nghịch cảnh, bạn có thể chắc chắn giả định bốn điều sau: tinh thần xuống thấp, sợ hãi dâng cao, người tốt gần như rời đi và những kẻ lười biếng đang trốn tránh”. Những điều này sẽ không tự cải thiện. Chúng yêu cầu một tinh thần lãnh đạo chủ động và tích cực giải quyết vấn đề.

4. Đừng làm vấn đề trầm trọng thêm

Vấn đề không chỉ không tự giải quyết, mà chúng ta còn có thể khiến chúng tồi tệ hơn bằng cách chúng ta phản ứng. Một trong số những điều mà tôi vẫn nói với nhân viên trong nhiều năm là vấn đề giống như ngọn lửa và mỗi người đều có hai cái xô. Một xô nước và một xô xăng. Khi gặp phải vấn đề, bạn có thể dùng xô nước để dập lửa. Hoặc bạn có thể đổ xăng để nó nổ tung. Cùng một vấn đề nhưng hai kết quả khác nhau.

Xử lý một tình huống có khả năng biến động và làm nó tồi tệ hơn chỉ là một cách để làm trầm trọng một vấn đề. Chúng ta cũng có thể khiến vấn đề tồi tệ hơn khi phản ứng với chúng một cách không phù hợp. Một trong số những cách dẫn đến điều này bao gồm:

 

  • Mất quan điểm
  • Từ bỏ những giá trị và ưu tiên quan trọng
  • Đánh mất tính hài hước
  • Cảm thấy có lỗi về bản thân
  • Đổ lỗi cho người khác

 “Suy nghĩ tích cực là cách bạn nghĩ về một vấn đề. Hăng hái là cách bạn cảm nhận về một vấn đề. Hai điều này gộp lại quyết định điều mà bạn làm đối với một vấn đề.”

− Norman Vincent Peale   

Thay vào đó, chúng ta cần duy trì sự tích cực. Tác giả Norman Vincent Peale từng khẳng định: “Suy nghĩ tích cực là cách bạn nghĩ về một vấn đề. Hăng hái là cách bạn cảm nhận về một vấn đề. Hai điều này gộp lại quyết định điều mà bạn làm đối với một vấn đề.”

Hãy làm…

Nếu bạn muốn vượt qua vấn đề và biến chúng thành cơ hội học hỏi, tôi khuyên bạn thực hiện những điều sau:

1. Hãy lường trước vấn đề

Người ta thường nói rằng cú đấm hạ gục bạn không nhất thiết là cú đấm mạnh nhất, mà là cú đấm mà bạn không lường trước. Tôi từng đọc về một tù nhân tại Sydney, Australia, người đã vượt ngục thành công. Anh ta trốn vào một trong những ống trụ của xe tải chở đồ vừa đỗ lại một lúc ở gian nhà kho của nhà tù. Anh ta bám trụ một cách tuyệt vọng khi xe tải rời khỏi nhà tù. Một lúc sau, khi xe tải dừng lại, anh ta tụt xuống đất và lăn ra ngoài hướng về tự do. Thật không may, anh ta phát hiện ra rằng mình đang ở trong sân của một nhà tù khác cách đó năm dặm. Anh ta chắc hẳn không lường trước được điều này.

Tất nhiên, việc lường trước vấn đề không có nghĩa là luôn lo lắng về mọi vấn đề có thể xảy ra. Tôi thích câu chuyện và một người đàn ông bị vợ đánh thức. Bà vợ cho rằng đã nghe thấy tiếng tên trộm dưới nhà. Ông ta từ từ ra khỏi giường, gắt gỏng đi xuống cầu thang và thấy một kẻ đang cầm súng. Tên trộm yêu cầu ông giao tất cả đồ có giá trị rồi rời đi. Người chồng cản hắn lại. “Trước khi anh đi”, ông ta nói, “tôi muốn anh lên lầu và gặp vợ tôi. Bà ấy đã chờ anh từng đêm trong suốt hơn 30 năm nay rồi.”

2. Hãy truyền tải vấn đề

 “Đừng kể vấn đề của bạn với người khác! Vì 80% không quan tâm và 20% còn lại vui mừng vì bạn có vấn đề.”

− Lou Holtz   

Cựu huấn luyện viên trưởng bóng bầu dục Lou Holtz châm biếm: “Đừng kể vấn đề của bạn với người khác! Vì 80% không quan tâm và 20% còn lại vui mừng vì bạn có vấn đề.” Tôi thường cười mỗi khi nghĩ đến câu này, vì phần lớn trong đó là sự thật. Nói cách khác, nếu làm việc với người khác, chúng ta phải truyền tải vấn đề của chúng ta với người cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta nợ họ điều đó. Ngoài ra, giải pháp thường nằm ở việc nhận giúp đỡ từ những người có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề.

Việc không truyền tải hoặc giao tiếp kém không chỉ cản trở chúng ta giải quyết vấn đề, chúng cũng có thể tự tạo ra vấn đề. Bernd Pischetsrieder – cựu chủ tịch Volkswagen – từng nói: “Tôi biết rằng các mâu thuẫn chính mà tôi từng trải qua luôn có một nguyên nhân đơn giản: truyền tải sai. Không chỉ tôi không hiểu điều mà người khác muốn nói, họ cũng không hiểu điều tôi muốn nói. Sở dĩ có những mâu thuẫn này là do thiếu giao tiếp và không chỉ đơn thuần là hiểu lầm lời nói của ai đó, mà còn hiểu lầm ý định của họ và nền tảng mà người đó hình thành quan điểm.”

Bất cứ khi nào chuẩn bị truyền tải một vấn đề, tôi luôn cố gắng thu thập thông tin và tìm hiểu về kinh nghiệm và quan điểm của mọi người trước tiên. Quá trình đó giúp tôi hiểu rõ hơn chuyện gì đang diễn ra và xuất phát điểm của mọi người từ hướng nào. Trước kia tôi thấy rằng vấn đề chúng ta có không phải là thứ mà tôi nghĩ. Thỉnh thoảng, tôi khám phá ra rằng vấn đề mà tôi vẫn lo lắng thực ra không tồn tại. Hoặc mọi người trong nhóm đã xử lý vấn đề đó. Nhưng dù sao đi nữa, dù đó là gia đình, bạn bè, nhân viên hay đồng đội, khi bạn đối mặt với vấn đề, điều cốt yếu là tất cả cùng đồng lòng và xử lý vấn đề cùng nhau.

3. Hãy đánh giá vấn đề

Đừng bao giờ mở một lon đựng giun trừ phi bạn chuẩn bị đi câu cá. Tôi thì lại thường xuyên nhanh nhẹn mở cái lon đó mà không suy nghĩ trước tình hình. Lẽ ra tôi nên cố gắng đánh giá tình hình trước.

 Đừng bao giờ mở một lon đựng giun trừ phi bạn chuẩn bị đi câu cá.   

Bạn làm như thế nào? Trước tiên, bạn cần tự hỏi bản thân: Vấn đề ở đây là gì? Nếu ai đó nói Mặt Trăng cách Trái Đất hàng trăm dặm, không vấn đề gì. Kệ nó. Trừ phi bạn là nhà khoa học, không thì chẳng sao cả. Nếu ai đó sắp ăn chỗ thức ăn bị nhiễm độc, cần xử lý nó ngay lập tức. Bạn phải điều chỉnh mức độ của vấn đề. Đôi khi rất khó thực hiện điều này, đặc biệt là với những người luôn muốn nhảy xổ vào những thứ nhỏ nhất. Để nhắc mình không làm như vậy, trong nhiều năm tôi dán một mẩu giấy trên bàn làm việc ghi rằng: “Liệu nó có THỰC SỰ QUAN TRỌNG?”. Nó giúp tôi giữ quan điểm đối với một vấn đề được thảo luận.

Câu hỏi thứ hai bạn cần hỏi là: Ai là người có liên quan? Thông thường vấn đề sẽ là vấn đề vì những người ở trong đó. Một số lại giống như Charlie Brown trong chương trình truyền hình kinh điển Đậu phộng (Peanuts), tập A Charlie Brown Christmas. Khi không thể có được tinh thần ngày lễ Giáng Sinh, Linus nói với anh ta: “Cậu là người duy nhất mà tớ biết có thể biến một mùa tuyệt vời như Giáng sinh thành một vấn đề”. Khi bạn đánh giá vấn đề, cố gắng duy trì quan điểm và luôn giữ mục đích trong đầu. Một số điều tôi từng thấy hồi còn ở miền Nam Indiana miêu tả chính xác điều này. Đó là một ký hiệu trên hàng rào nông trại nói rằng: “Nếu băng qua cánh đồng này tốt nhất bạn nên đi trong 9,8 giây, bởi con bò tót có thể chạy trong 10 giây”.

4. Hãy trân trọng vấn đề

Trân trọng một vấn đề có thể là điều bị mọi người phản đối. Phần lớn mọi người coi vấn đề là sự phiền toái và muốn tránh nó. Tuy nhiên, nếu có thái độ đúng đắn và trân trọng một vấn đề, chúng ta sẽ không chỉ làm việc chăm chỉ hơn để xử lý nó mà còn học hỏi và trưởng thành từ nó. Vấn đề luôn mang tới cơ hội, và cơ hội luôn mang theo vấn đề. Chúng luôn đồng hành. Nếu có thể học cách trân trọng sự thật này, chúng ta sẽ có lợi thế thực sự trong cuộc sống. Một ví dụ tuyệt vời về lợi ích của nghịch cảnh có thể thấy trong cách mà đại bàng đối mặt với thách thức từ gió xoáy.

 

  • Gió xoáy khiến đại bàng bay cao hơn. Lớp khí nóng phía trên gió xoáy có sức nâng cực lớn. Tầng trên này khiến đại bàng đạt được độ cao khi nó bay liệng với chúng.
  • Gió xoáy khiến đại bàng có tầm nhìn lớn hơn. Đại bàng bay càng cao, tầm nhìn với mặt đất phía dưới càng rộng lớn. Từ vị trí cao hơn, đôi mắt sắc bén của đại bàng có thể thấy được nhiều hơn.
  • Gió xoáy giúp đại bàng tránh các rắc rối. Ở độ cao thấp, đại bàng thường bị quấy rối bởi những con quạ đáng ngờ, những con diều hâu bất mãn và một số loài chim nhỏ khác. Khi đại bàng bay cao hơn, nó để lại phía sau mọi rắc rối này.
  • Gió xoáy cho phép đại bàng tốn ít sức hơn. Cánh của đại bàng được thiết kế để lướt trong gió. Cấu trúc lông giúp tránh chao đảo, giảm độ xoáy và tạo ra đường bay tương đối trơn tru và tốn ít sức nhất – thậm chí trong gió mạnh.
  • Gió xoáy cho phép đại bàng bay lâu hơn. Đại bàng dùng gió để sải cánh và lượn trong khoảng thời gian dài. Trong gió, đại bàng trước tiên lướt nhẹ thành những vòng tròn nông dài xuống phía dưới và sau đó bay vút lên với lực đẩy khí mạnh.
  • Gió xoáy cho phép đại bàng bay nhanh hơn. Thông thường, đại bàng bay với tốc độ khoảng 50 dặm một giờ. Tuy nhiên, khi lượn trong gió xoáy, tốc độ vượt quá 100 dặm mỗi giờ không phải là hiếm.

Vấn đề không thực sự là một vấn đề trừ phi bạn cho phép nó là một vấn đề. Một vấn đề thực tế là một cơ hội. Nếu bạn có thể nhìn nhận theo cách này, mỗi lần đối mặt với vấn đề, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đang thực sự đối mặt với cơ hội. Ít nhất, nó là cơ hội để học hỏi. Thậm chí còn có thể là nhiều hơn nếu bạn theo đuổi việc xử lý nó với một thái độ đúng đắn.

Năm 1960, khi John F. Kenedy còn là thượng nghị sỹ tranh cử ghế tổng thống, ông đã có một bài diễn thuyết thành công tại Alamo ở San Antonio, Texas, nơi từng diễn ra trận chiến lịch sử khi một nhóm nhỏ người hùng nước Mỹ bị tiêu diệt bởi quân đội Mexico. Khi Kennedy phát biểu xong, ông muốn nhanh chóng rời khỏi đó nên đã nói với Maury Mathers – một nhà chính trị địa phương: “Maury, rời khỏi đây thôi. Cửa sau ở đâu?”

“Thượng nghị sĩ này”, Maury trả lời, “nếu có cửa sau tới Alamo, sẽ không có anh hùng nào cả.”

Nếu bạn và tôi muốn có đầy đủ lợi ích từ mỗi vấn đề, thách thức và mất mát, chúng ta cần dừng việc tìm kiếm cửa sau lại và đối mặt với khó khăn bằng quyết tâm đạt được đều gì đó từ chúng. Làm như vậy, bạn có thể trở thành người hùng trong cuộc sống của chính mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.