Học Từ Thất Bại

8 Nghịch cảnh: Chất xúc tác của Học hỏi



Marshall Taylor sinh năm 1878 trong một gia đình khó khăn về tài chính ở Indianapolis, Indiana. Ông của Marshall từng là nô lệ. Khi Marshall chào đời cha cậu đứng về phe Liên minh trong cuộc nội chiến và sau đó làm người huấn luyện ngựa cho nhà Southards – một gia đình giàu có. Hồi nhỏ, Marshall thỉnh thoảng đi cùng cha tới nơi làm việc và tập với ngựa.

Nhà Southards quyết định chuyển tới Chicago khi Marshall 13 tuổi. Họ muốn đưa Marshall đi cùng, vì cậu là bạn thân của con trai họ. Thực tế, Marshall dành nhiều thời gian bên nhà Southards tới mức cậu được đối xử như thành viên của gia đình. Nhưng nhà Taylor không muốn di cư. Mẹ Marshall lại không chịu được việc con trai sẽ rời xa mình. Vậy nên Marshall ở lại, và sau một đêm cuộc sống của cậu từ thuận lợi trở thành nghịch cảnh. Về sau ông nhắc lại: “Tôi rơi từ cuộc sống hạnh phúc của một ‘cậu bé triệu phú’ xuống một chú bé chạy việc vặt bình thường, tất cả chỉ trong vài tuần.”

Đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ

Marshall ngay lập tức lao vào kiếm tiền. Nhà Southards để lại cho cậu chiếc xe đạp, nên cậu bắt đầu dùng nó để giao báo. Lúc nghỉ ngơi, cậu tự học một số thủ thuật với xe đạp. Khi người chủ của một cửa hàng xe đạp địa phương biết về khả năng này, họ đã thuê Marshall. Họ đưa cho cậu một bộ đồng phục phong cách nhà binh để cậu biểu diễn thủ thuật và một số trò nguy hiểm trước cửa hàng. Vì bộ đồng phục này mà dân địa phương gọi cậu là “thiếu tá”.

Lúc đó là đầu những năm 1890, xe đạp ở thời điểm đó đang là mốt thời thượng. Tại thời điểm chuyển giao thế kỷ, Hoa Kỳ có 75 triệu dân và 5.000 ô tô, nhưng có tới hơn 20 triệu xe đạp. Môn thể thao phổ biến nhất tại Hoa Kỳ và châu Âu là đua xe đạp. Người dân yêu các cuộc đua và có tới hàng chục nghìn người theo dõi, giống như việc mọi người xem bóng đá ngày nay vậy.

Có tất cả các loại hình đua xe đạp. Một số là đua nước rút trong khoảng một dặm. Một số khác đua đường dài. Có một số ít các cuộc đua dài ngày, các cua-rơ(1) chỉ ngủ khoảng một giờ cho mỗi tám giờ đạp xe. Những cuộc đua dài ngày khiến các cua-rơ mệt mỏi và thường dẫn đến chấn thương, đôi khi là cả cái chết. Hàng nghìn người theo dõi những cuộc đua này tại các thành phố lớn trên toàn Hoa Kỳ và châu Âu. Một vài cua-rơ kiếm được rất nhiều tiền – gấp bốn lần một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp.

Để quảng bá cửa hàng bán xe đạp trong một cuộc đua xe đạp phổ biến nhất, một trong số các chủ cửa hàng đã thuê Marshall tham gia một cuộc đua 10 dặm.

“Tôi biết cậu không thể đi hết chặng”, ông ta nói với Marshall lúc này đang hồi hộp, “chỉ cần đi được một đoạn thôi cũng khiến đám đông hài lòng rồi, và cậu có thể quay về ngay khi cảm thấy mệt.”

Ông ta không biết rằng Marshall đạp xe đi làm hàng ngày, với khoảng cách 25 dặm mỗi lượt. Cậu bé tăng tốc và trong sự choáng váng và thỏa mãn của người thuê cậu, không chỉ hoàn thành chặng đua, mà cậu còn chiến thắng! Mặc dù cuộc đua khiến cậu mệt gần chết, cậu đã đánh bại những tay đua trưởng thành giàu kinh nghiệm với khoảng cách sáu giây. Và lúc đó cậu mới 13 tuổi!

Chỉ là sự khởi đầu

Đó là ngày bắt đầu sự nghiệp cua-rơ khác thường của Marshall Taylor. Đó cũng là sự khởi đầu của một cuộc đời nhiều nghịch cảnh hơn. Nhiều cua-rơ địa phương không muốn mình bị đánh bại bởi một người không phải da trắng. Kết quả là, họ gây rất nhiều khó khăn cho cậu. Cậu thường bị đe dọa. Một nhóm cua-rơ da trắng đảm bảo rằng cậu sẽ không được phép tham dự bất kỳ câu lạc bộ đua xe địa phương nào. Và cuối cùng họ thậm chí còn thành công trong việc ngăn cản cậu tham dự các cuộc đua địa phương.

Họ nghi ngờ rằng Marshall giỏi hơn họ. Cậu đã chứng minh điều này khi 17 tuổi. Một người bạn và người thầy đã giúp Marshall được chấp nhận tham gia vào một cuộc thi mang tính trình diễn vì không có kết quả nào của cậu được coi là chính thức. Marshall tham gia vào cuộc đua dài một dặm và vượt xa kỷ lục lúc đó hơn tám giây. Sau đó cậu hoàn thành một chặng đua năm dặm và phá vỡ kỷ lục thế giới.

Hiểu rằng mình sẽ không bao giờ được chấp nhận ở Indianapolis, Marshall chuyển tới Massachusetts vì ban tổ chức giải League of American Wheelmen là nơi duy nhất đồng thuận không cấm các thành viên da đen tham gia tại lần họp trước. Cậu đã đến được đó, nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận cậu. Cậu vẫn tiếp tục bị đe dọa. Các cua-rơ thường rủ nhau cô lập hoặc hãm hại cậu. Sau khi Marshall thắng một chặng đua, một cua-rơ khác đánh cậu và làm cậu ngạt thở tới gần chết. Và khi Marshall quyết định xuống phía Nam để tập luyện trong mùa đông nọ và chuẩn bị thi đấu tại Savannah, Georgia, cậu chưa kịp ở đó lâu thì đã nhận được bức thư sau:

Ngài Taylor thân mến,

Nếu ngài không rời khỏi đây trong 48 giờ, ngài sẽ thấy hối tiếc. Chúng tôi đã nói rõ ý rồi đó – cuốn gói khỏi đây nếu ngài còn thấy mạng mình quý giá.

Cuarơ – Da trắng

Một hộp sọ thô và hai khúc xương chéo được vẽ nguệch ngoạc ở cuối lá thư. Marshall quyết định trở lại miền Bắc.

Sự nghiệp của Marshall rất phi thường. Cơn Lốc Đen – biệt danh của ông – tham gia giải chuyên nghiệp khi còn ở tuổi thiếu niên. Trước khi 20 tuổi, ông đã đạt bảy kỷ lục thế giới, chiến thắng tại 29 trên 49 giải ông tham dự. Ông chiến thắng giải đua xe vô địch thế giới năm 1899. Năm 1910, ông nghỉ hưu ở tuổi 32.

Đáng tiếc, Marshall lại bị khánh kiệt do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Ông qua đời khi đang làm ăn mày năm 1932. Nhiều người đã quên câu chuyện dũng cảm vượt qua nghịch cảnh của ông, nhưng gia đình ông thì không. Cháu ông – Jan Brown – nói: “Phần hấp dẫn nhất trong cuộc đời ông là lúc ông đấu tranh với những hạn chế mà người khác áp đặt lên ông. Thực tế, bản thân việc ông vẫn giữ tập trung và tinh thần để xác định và theo đuổi mục tiêu của mình chính là một giải thưởng. Thực tế là ông đã thành công, và thực hiện theo cách rất kích động, giống như đổ đá xay lên bánh ngọt vậy.”

Nhân tố Nếu

Nhà văn kiêm giáo sư Robertson Davies từng nói: “Những người phi thường tồn tại trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và rồi vì nó mà trở nên phi thường hơn”. Điều này đặc biệt đúng với Marshall Taylor. Nỗi đau của nghịch cảnh luôn khiến ta thay đổi. Nó là chất xúc tác để thay đổi. Trong trường hợp của Marshall, ông không trở nên yếu đuối. Ông chỉ cố gắng mạnh mẽ hơn. Khi phát hiện các đối thủ muốn làm hại ông trong các cuộc đua, ông học cách vượt lên trước họ và đứng ở đó! Ông dùng nghịch cảnh để khiến mình thông minh và mạnh mẽ hơn.

 “Những người phi thường tồn tại trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và rồi vì nó mà trở nên phi thường hơn”.

– Robertson Davies   

Tôi cho rằng một trong những thời điểm người ta thay đổi là lúc họ nhận đủ đau thương và thấy cần thay đổi. Nghịch cảnh tạo ra nỗi đau và là lời nhắc nhở cần thay đổi. Chúng ta gần như không thể chọn nghịch cảnh cho mình, nhưng luôn có thể chọn cách thức phản ứng với nó. Nếu chúng ta phản ứng tích cực với khó khăn, kết quả sẽ rất khả quan. Nếu chúng ta phản ứng tiêu cực, kết quả rất có thể sẽ tệ. Đó là lý do tôi gọi phản ứng của chúng ta là “nhân tố nếu”.

Có một câu chuyện về một phụ nữ trẻ than phiền với cha về cuộc đời mình và những điều khó khăn xảy đến với cô, nghịch cảnh cuộc đời áp đảo cô, và cô muốn từ bỏ.

Nghe xong, cha cô đổ đầy ba nồi nước và đem đun sôi trên bếp. Nồi đầu tiên ông bỏ cà rốt thái lát vào, nồi thứ hai ông cho vào vài quả trứng, và nồi thứ ba ông cho vài hạt cà phê. Ông đun nhỏ lửa trong vài phút rồi đặt cà rốt, trứng và hạt cà phê trong ba cái nồi đến trước mặt cô gái.

“Con nhìn thấy gì?”, ông hỏi.

“Cà rốt, trứng và cà phê ạ”, cô trả lời.

Ông yêu cầu cô sờ vào cà rốt. Cô cầm một mẩu lên và nó nát bét trong ngón tay cô. Sau đó ông yêu cầu cô kiểm tra mấy quả trứng. Cô nhặt một quả lên, bóc vỏ, và thấy lớp rắn chắc bên trong. Cuối cùng ông yêu cầu cô thử nhâm nhi cà phê. Cô mỉm cười, hương vị cà phê rất đậm đà.

“Nghĩa là sao ạ?”, cô hỏi.

“Mỗi nguyên liệu đều cùng chịu một thứ – nước sôi – nhưng mỗi cái lại phản ứng khác nhau. Cà rốt ban đầu cứng, nhưng sau đó chúng mềm nhũn trong nước sôi. Trứng mong manh với lớp vỏ mỏng bên ngoài và chất lỏng bên trong, nhưng rồi nó trở nên cứng hơn. Mấy hạt cà phê chỉ thay đổi một chút, nhưng chúng làm cho nước có hương vị tuyệt vời hơn.

“Con là cái nào”, ông hỏi. “Khi đối mặt nghịch cảnh, con phản ứng thế nào? Con là cà rốt, trứng hay cà phê?”

Cuộc sống đầy rẫy nghịch cảnh. Chúng ta có thể bị chúng đè bẹp. Chúng ta có thể để chúng giúp mình cứng cáp hơn. Hoặc chúng ta có thể làm tốt nhất, cải thiện tình hình. Như thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Tôi nhận được vô cùng nhiều lợi ích từ những lời chỉ trích trong suốt cuộc đời mình, và không lúc nào là tôi thiếu nó.” Vì bạn sẽ phải đối mặt với nghịch cảnh, tại sao lại không làm tốt nhất?

Ưu điểm của nghịch cảnh

Nghịch cảnh là chất xúc tác cho việc học tập. Nó có thể tạo ra lợi ích thực tế cho bạn nếubạn đối mặt nó với suy nghĩ đúng đắn. Tất cả tùy thuộc vào cách thức bạn phản ứng lại. Sau đây là điều tôi muốn nói:

1. Nghịch cảnh là cơ hội khám phá bản thân nếu chúng ta muốn hiểu thêm về chính mình

 Nghịch cảnh là cơ hội để khám phá bản thân.   

Nghịch cảnh luôn khiến ta chú ý, không thể bỏ qua nó. Nó khiến chúng ta dừng lại và xem xét tình hình. Nếu chúng ta can đảm, nghịch cảnh là cơ hội để khám phá bản thân. Như nhà lãnh đạo vĩ đại của Ai Cập Anwar el-Sadat từng nói: “Sự đau đớn tột cùng tạo nên một con người và giúp anh ta biết mình là ai.” Tôi tin điều này – nếu chúng ta đi theo hướng đó.

Thật không may, nhiều người lại lựa chọn trốn tránh khi gặp nghịch cảnh. Họ xây thành lũy, nhắm mắt, bỏ chạy, tự trấn an bản thân, hoặc làm bất kỳ điều gì phải làm để tránh đối mặt với tình huống thực tại. Họ giống như Sergeant Schulz trong trương trình hài Hogan’s Heroestrước đây trên ti vi. Bất kỳ khi nào có sự việc mà họ không muốn biết tới xảy ra, họ nói: “Tôi không biết gì. Tôi không thấy gì.” Nếu đó là phản ứng của bạn với nghịch cảnh, bạn sẽ không bao giờ hiểu thực tại hoặc bản thân bạn.

Một trong số những cuốn sách yêu thích của tôi là Khi người ta tư duy (As a Man Thinketh) của James Allen. Cha tôi yêu cầu tôi đọc cuốn sách này hồi trung học. Một trong số những ý tưởng gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi khi còn trẻ là: “Cơ hội không tạo nên con người; nó hé mở để một người tìm đến bản thân mình.” Điều đó đúng, nhưng chỉ khi bạn cho phép như vậy.

Diễn giả Tony Robbins đối chiếu sự khác biệt giữa một người thắng giải xổ số và một người bị liệt từ cổ trở xuống trong một tai nạn. Ông nói ai là người hạnh phúc nhất sau ba năm? Người bị liệt. Tại sao? Người thắng xổ số hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi nhưng lại dựa vào cơ hội. Ngược lại, người bại liệt lại biết đến với bản thân mình qua nghịch cảnh. Người đó đi lên từ những thách thức mà bản thân không ngờ sẽ gặp phải. Và người đó trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc đời, bao gồm cả các mối quan hệ, bởi người đó chưa từng có những thứ đó trước kia.

“Cuối cùng”, Robbins nói, “khi ai đó nhìn vào cuộc đời và nghĩ xem điều gì khiến họ hạnh phúc, họ sẽ nghĩ đến người mình yêu, các thách thức họ gặp phải và vượt qua, khi định nghĩa sức mạnh bên trong họ. Những điều này là thứ mà họ tự hào và muốn ghi nhớ.”

Nghịch cảnh đưa tôi đến với bản thân nhiều lần trong đời. Nó giúp tôi mở rộng tầm mắt. Nó bơm thẳng vào sâu trong trái tim tôi. Nó kiểm tra sức mạnh của tôi và dạy tôi nhiều điều. Dưới đây là một số bài học mà tôi có được:

 

  • Khi mất phương hướng và dường như lạc lối, tôi hiểu rằng con đường tới thành công không phải lúc nào cũng là một con đường.
  • Khi tôi kiệt sức và nản lòng, tôi hiểu rằng đó là lúc phải tiếp tục cố gắng chứ không phải từ bỏ.
  • Khi thấy thoái chí với tiến bộ của mình, tôi hiểu rằng đừng để việc mình làm có được tôi trước khi tôi có được nó.
  • Khi thất bại, tôi hiểu rằng tôi sẽ không bị phán xét bởi số lần thất bại mà là số lần thành công.

 “Hoàn cảnh là kẻ cai trị những người yếu đuối, nhưng lại là công cụ của kẻ khôn ngoan.”

– Samuel Lover   

Nghịch cảnh cho tôi biết sự kiên trì, sáng tạo, tập trung và nhiều điều tích cực khác giúp tôi quý trọng bản thân hơn. Tiểu thuyết gia kiêm nhạc sĩ Samuel Lover từng khẳng định: “Hoàn cảnh là kẻ cai trị những người yếu đuối, nhưng lại là công cụ của kẻ khôn ngoan”’. Nếu tôi phản ứng tiêu cực với hoàn cảnh của mình, chúng sẽ biến tôi thành nô lệ. Nếu tôi phản ứng một cách khôn ngoan, hoàn cảnh sẽ phục vụ tôi.

2. Nghịch cảnh là người thầy tốt hơn cả thành công nếu chúng ta muốn học hỏi từ nghịch cảnh

Nghịch cảnh giống như một công cụ giáo dục. Bạn có thể đã từng nghe câu nói sau: “Khi học sinh sẵn sàng, giáo viên sẽ tới”. Điều đó không nhất thiết luôn đúng. Đối với nghịch cảnh, giáo viên sẽ tới cho dù học sinh có sẵn sàng hay không. Có nhiều người học hỏi từ giáo viên này, một số thì không.

Triết học gia, nhà văn Emmet Fox từng nói: “Nguyên tắc ở đây là nhiều khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, dù là vấn đề gì, bạn phải luôn chính xác là thứ bạn cần vào lúc đó, để giúp bạn tiếp bước về phía trước bằng cách vượt qua chúng. Điều không may duy nhất là, bi kịch thực sự chỉ xảy đến khi chúng ta chịu mất mát mà không rút ra được bài học.” Điều then chốt để tránh khỏi bi kịch đó là muốnhọc hỏi từ những khó khăn của cuộc sống.

Một trong những điều tôi thích nhất trong những chuyến đi nghỉ với gia đình là khoảng thời gian mọi người nói chuyện với nhau. Qua nhiều năm, Margaret và tôi đã tham gia nhiều chuyến đi với anh trai Larry và chị dâu Anita. Chúng tôi ăn cùng nhau, cùng đến thăm các nơi. Chúng tôi chia sẻ tiếng cười và đôi khi cả nước mắt. Có nhiều kỷ niệm từ nhiều nơi trên thế giới cùng những người mà ta yêu mến thật tuyệt vời.

Trước đây không lâu, chúng tôi nghỉ một tuần ở thành phố Viên, Áo. Một thành phố tuyệt vời, đầy ắp lịch sử và âm nhạc. Buổi tối, chúng tôi ngồi ở một quán cà phê, ở đó tôi chia sẻ với Larry và Anita rằng tôi đang viết cuốn sách này và nhờ họ cho ý kiến. Sau khi nghe giới thiệu về cuốn sách, Larry ngay lập tức trích dẫn bài thơ sau đây của Robert Browning Hamilton mà anh học khi còn nhỏ:

Tôi đi một dặm với niềm vui;

Nàng nói suốt cả chặng đường,

Nhưng để lại không gì ngoài thông thái,

Với tất cả những gì cần nói.

Tôi đi một dặm với nỗi buồn;

Và nàng không thốt ra một từ,

Than ôi những điều tôi học được,

Khi nỗi buồn đi cùng tôi.

 “Biến nỗi đau thành sự thông thái.”

– Oprah Winfrey   

Lời khuyên của Oprah Winfrey(2) “biến nỗi đau thành sự thông thái” có thể trở thành sự thật chỉ nếu chúng ta muốn học hỏi từ những nỗi đau. Điều này cần có suy nghĩ đúng đắn và ý chí kiên định tìm kiếm bài học trong mất mát. Nếu chúng ta không nắm chặt những thứ đó, cuối cùng tất cả những gì còn lại chỉ là những vết sẹo.

3. Nghịch cảnh mở ra cánh cửa tới những cơ hội mới nếu chúng ta muốn học hỏi

Một trong những bài học lớn nhất mà tôi có được trong vai trò lãnh đạo cho thấy nghịch cảnh thường là cánh cửa dẫn tới cơ hội. Những nhà đầu tư giỏi biết điều này theo bản năng, nhưng phần lớn con người lại được đào tạo để nhìn nhận nghịch cảnh theo hướng sai lệch. Là một diễn giả kiêm đồng sáng lập Rich Dad Company, Kim Kiyosaki nhận định: “Phần lớn chúng ta được dạy bảo, bắt đầu từ thời ở nhà trẻ, rằng sai lầm là không tốt. Bạn chắc vẫn nghe câu ‘Đừng mắc sai lầm!’. Trong thực tế, chúng ta học hỏi bằng cách mắc sai lầm. Một sai lầm đơn giản cho thấy những điều bạn chưa biết. Bạn mắc sai lầm một lần, rồi bạn biết nó. Hãy nghĩ về lần đầu tiên bạn chạm vào bếp lò nóng (sai lầm). Từ việc tạo ra sai lầm, bạn biết được rằng bạn sẽ bị bỏng nếu chạm vào bếp lò nóng. Phạm sai lầm không phải là xấu, mà là để dạy bạn một điều gì đó”.

Khi đối mặt với nghịch cảnh, nhiều người để nó hạ gục mình. Thay vì như vậy, họ cần tìm kiếm lợi ích hoặc cơ hội. Một trong số các ví dụ ưa thích của tôi về điều này từng xảy ra với công ty Proctor and Gamble trong những năm 1870. Một ngày nọ tại nhà máy, một nhân viên đi ăn trưa và quên không tắt máy trộn xà phòng. Khi anh ta quay lại, xà phòng đã nở thành khối vì không khí bị cuốn vào đó. Thật là một sai sót! Anh ta nên làm gì? Anh ta không muốn vứt nó đi, nên đã đổ nó vào các khuôn. Xà phòng được cắt, đóng gói và chuyển đi, mặc dù anh ta đã làm hỏng nó.

Vài tuần sau, công ty đó bắt đầu nhận được thư từ khách hàng đặt hàng thêm loại xà phòng nổi được. Vì sao? Xà phòng được sử dụng trong các nhà máy. Sau khi kết thúc ca làm việc, công nhân phải lau rửa ở các thùng nước đã cáu bẩn. Các thanh xà phòng nổi sẽ dễ tìm hơn khi chúng rơi xuống nước. Từ một lỗi sản xuất thành một cơ hội, xà phòng Ivory được tạo ra, mà ngày nay vẫn được bán, từ hơn 100 năm trước.

 “Bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong kinh doanh đều là cơ hội cho một vụ kinh doanh mới.”

– Muriel “Mickie” Siebert   

Bạn không cần phải là một doanh nhân hoặc nhà đầu tư để tận dụng cơ hội do nghịch cảnh mang tới. Ví dụ như những tuần sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, Rudy Guiliani và những người dân New York khác đã nhắc nhở mọi người rằng New York vẫn mở cửa buôn bán, vì có rất ít người tới thành phố này. Margaret và tôi thấy đây là cơ hội và chúng tôi tới New York trong khoảng một tuần. Bạn thử tưởng tượng thật tuyệt làm sao khi chúng tôi dễ dàng mua vé tham dự tất cả các vở kịch lớn nhất trên sân khấu Broadway và ăn tại bất kỳ nhà hàng nào chúng tôi muốn. Đó là chuyến đi chỉ có một lần trong đời!

Khi tôi viết cuốn sách này, kinh tế của Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới đang bất ổn. Tuy vậy, nhiều cơ hội lại mở ra trong thời điểm kinh tế rơi tự do này. Lịch sử của giới kinh doanh luôn đầy ắp những ví dụ về sản phẩm và dịch vụ ra đời trong những thời điểm suy thoái kinh tế:

 

  • Máy bay Boeing’s 707 (1957)
  • Dịch vụ giao nhận FedEx (1973)
  • Hệ điều hành MS-DOS của Microsoft (1981)
  • Máy nghe nhạc iPod của Apple ( 2001)

Như Muriel “Mickie” Siebert – Người phụ nữ Tài chính đầu tiên – từng nói: “Bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong kinh doanh đều là cơ hội cho một vụ kinh doanh mới”.

Bạn có thấy cơ hội không? Bạn có đang tìm cách để tận dụng chúng? Giá cả bất động sản đang giảm: Đó là cơ hội. Tỷ lệ lãi suất giảm: Điều đó mang tới cơ hội. Kinh doanh đang thay đổi: Chúng mang đến vô số cơ hội. Nghịch cảnh mỗi ngày đều mang lại lợi thế. Bạn đang cố tận dụng nó tối đa? Hay bạn đang để nghịch cảnh đánh bại bạn?

4. Nghịch cảnh có thể là dấu hiệu của sự chuyển đổi tích cực nếu bạn phản ứng đúng đắn với nó.

Năm 1915, cuộc sống của người dân ở Coffee City, Alabama bị phá hủy khi cây bông bị phá hoại do mọt quả bông. Toàn bộ nền kinh tế tại đây đều dựa vào vải cotton. Họ sẽ làm gì? Nhà khoa học Geogre Washington Carver đã đề nghị nông dân ở đó trồng lạc.

Khi cây trồng này xuất hiện, Carver cho thấy lạc có thể sử dụng để làm ra các hóa chất cần thiết cho sản xuất xà phòng, mực, nhựa và mỹ phẩm. Nó mở ra nền kinh tế mới với các loại cây trồng và ý tưởng mới, cùng với một tương lai xán lạn. Mọi người thật may mắn vì Carver đã nhìn thấy cơ hội chuyển đổi mà nghịch cảnh đem lại.

Năm 1996, tôi thành lập EQUIP – một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo các nhà lãnh đạo quốc tế. Đến nay, chúng tôi đã đào tạo hơn 5 triệu nhà lãnh đạo tại 173 nước. Nhưng EQUIP cũng hoạt động để hỗ trợ các lãnh đạo này trong thời gian khủng hoảng. Tại sao? Vì chúng tôi tin rằng khủng hoảng thường đem lại cơ hội học hỏi cho các lãnh đạo, tạo ra thay đổi và chuyển đổi tích cực để giúp đỡ người dân của họ. Ví dụ như khi các lãnh đạo của Ba Lan bị giết trong tai nạn máy bay nhiều năm trước, các lãnh đạo từ EQUIP đã tới Ba Lan, vì chúng tôi biết rằng phản ứng của các lãnh đạo trong thời gian chuyển đổi tiêu cực quyết định phản ứng của người dân.

Cuộc đời của một người thành công bao gồm từng chuyển đổi nối tiếp nhau. Đứng yên không phải là lựa chọn trong cuộc sống. Thời gian luôn trôi đi. Chúng ta không thể dừng nó hay cản trở tác động của nó. Chúng ta cần thay đổi và nghịch cảnh thường là chất xúc tác. Tác giả James Allen từng viết: “Hãy cứ để một người vui mừng khi phải đối mặt với trở ngại, vì nó có nghĩa rằng anh ta đã đạt đến ngưỡng nhất định của sự thờ ơ hoặc điên rồ, và giờ được kêu gọi để triệu tập tất cả năng lượng và sức mạnh đang kêu gào bên trong anh ta để tìm kiếm tự do lớn hơn, rèn luyện và với phạm vi lớn hơn.”

5. Nghịch cảnh mang lại lợi ích cũng như nỗi đau nếu ta kỳ vọng nó và lên kế hoạch cho nó

Trong phim Diều hâu gãy cánh (Black Hawk Down), một chiếc xe chở đầy lính Mỹ bị thương chòng chành đi tới chỗ đỗ ở giữa con phố mà đạn Somali đang bay tứ phía. Chỉ huy phụ trách ra lệnh một người lính lên xe và lái.

“Tôi không thể”, người lính nói. “Tôi bị bắn mất.”

“Tất cả chúng ta đều bị bắn”, chỉ huy nói. “Leo lên và lái đi!”

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta nên lường trước nỗi đau. Đó là một phần của cuộc sống. Một phần của mất mát. Câu hỏi ở đây là, liệu bạn có để nó ngăn cản điều mà bạn muốn và cần làm?

Không ai nói là “Phải giành huy chương bạc”. Các vận động viên, huấn luyện viên và người hâm mộ luôn gào thét “Phải giành huy chương vàng!” Tại sao? Vì huy chương vàng nghĩa là giỏi nhất. Nếu bạn phải chịu đựng nỗi đau để cạnh tranh, tại sao không cạnh tranh để giành chiến thắng?

 “Bạn không thể vô địch mà không phải chịu đau.”

– Bob Richards   

Người thành công kỳ vọng trải nghiệm nỗi đau khi họ đối mặt với nghịch cảnh. Họ lên kế hoạch cho nó. Và với việc lên kế hoạch cho nó, họ đặt mình vào lợi ích mà nó mang đến. Fred Smith từng nói: “Tôi từng nghe Bob Richards, huy chương vàng Olympic, phỏng vấn các vận động viên trẻ hơn đoạt huy chương vàng. Ông hỏi họ: ‘Bạn làm gì khi bắt đầu thấy đau?’” Fred cho thấy rằng không một nhà vô địch Olympic nào ngạc nhiên với câu hỏi này. Họ kỳ vọng nỗi đau, và họ có chiến lược để đối mặt với nó. Như Bob Richards tổng kết, ‘Bạn không thể vô địch mà không phải chịu đau’.”

Một bài báo của Amy Wilkinson trên tờ USA Today mô tả tinh thần đầu tư của Hoa Kỳ, từng trở về xuất phát điểm và sau đó đơm hoa kết trái trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Wilkison viết:

Số ít các cá nhân – những người thành lập ra Hoa Kỳ đều không xa lạ với rủi ro và sự đổi mới. George Washington đã xây dựng một trong số những nhà máy chưng cất rượu lớn nhất tại quốc gia mới này. Benjamin Franklin là một nhà phát minh – và Thomas Jefferson là một kiến trúc sư.

Nhưng các nhà đầu tư này đã thực hiện vụ đầu tư rủi ro nhất của mình [trong năm 1776] khi họ đặt nền móng cho một quốc gia dân chủ có tỷ lệ khác màu da vượt trội. Để thực hiện điều này, họ đặt ra tiền lệ cho sự táo bạo và trí tưởng tượng mà về sau định nghĩa cho Giấc mơ Mỹ.

Những con người lập quốc đó biết rằng họ sẽ phải đối mặt nghịch cảnh khi họ nổi dậy chống lại Anh. Họ biết sẽ phải chịu đau đớn. Nhưng vì họ đã chuẩn bị cho điều này, họ cũng gặt hái được lợi ích từ nó. Những người dân Hoa Kỳ tiếp tục gặt hái lợi ích đó. Wilkinson tổng kết bài học bằng cách trích dẫn lời của Peter Thiel – đồng sáng lập PayPal: “Bài học rút ra, vấn đề là khó khăn, nhưng nếu bạn thật sự làm việc với nó, bạn có thể khiến nó có tác dụng.” Đây là bài học mà tất cả những người thành công đều học và đưa vào thực tiễn.

6. Nghịch cảnh tạo nên cuộc đời ta và nếu ta phản ứng đúng đắn, cuộc đời sẽ tươi đẹp

Một vài người coi nghịch cảnh như bàn đạp, một số khác lại coi như hầm mộ. Sự khác biệt trong cách họ tiếp cận nó tùy thuộc vào cách họ nhìn nhận nó. Nhà tâm lý học hiệu suất Jim Loehr nói: “Các nhà vô địch dạy chúng ta cách tiếp nhận một trải nghiệm và về cơ bản viết lại câu chuyện về tác động của nó. Nếu bạn thấy sai lầm là một cơ hội để học hỏi và tiến lên, nó sẽ theo ý bạn. Nếu bạn coi nó là một cú đấm chết người, nó sẽ là như vậy. Theo cách đó, sức mạnh của câu chuyện còn quan trọng hơn bản thân trải nghiệm đó.”

Đánh golf – một trò chơi của sự lên xuống không ngừng – là những ví dụ điển hình về điều này. Một số vận động viên đánh golf đứng dậy từ nghịch cảnh và hành động của họ mang đến một câu chuyện vĩ đại. Những người khác thì sụp đổ. Ví dụ năm 1982, lúc 46 tuổi, Jack Nicklaus thua ở giải Mỹ Mở rộng sau khi Tom Watson lốp bóng và dẫn đầu. Phần lớn mọi người nghĩ rằng sự nghiệp của Nicklaus đã kết thúc. Nhưng ông đã thắng giải Masters bốn năm sau. Đối lập với Tony Jacklin, người từng thua giải Anh mở rộng năm 1972 ở vị trí thứ ba, đặt trong cự ly gần sau cú hớt bóng của Lee Trevino. Jacklin sau đó nói: “Tôi thấy tim mình rụng rời. Tôi sẽ không bao giờ được như trước.”

Nếu phản hồi đúng đắn với nghịch cảnh, bạn thấy nó có thể giúp bạn trở nên tốt hơn trước đây. Tôi từng đọc một bài thơ của James Casey nhiều năm trước tên là Lên dốc(Climb the Steep). Đoạn thứ nhất nói:

Với mỗi ngọn đồi tôi phải leo

Với mỗi hòn đá vấp phải chân

Với tất cả máu, mồ hôi và bụi bẩn

Với những cơn bão mờ mắt và nắng cháy đầu

Trái tim tôi hát không gì ngoài bài ca biết ơn

Đây là những thứ khiến trái tim tôi mạnh mẽ.

 Nghịch cảnh là của chung, nhưng câu chuyện bạn viết ra là của riêng bạn.   

Nghịch cảnh sẽ viết câu chuyện gì trong cuộc đời bạn? Sẽ giống Nicklaus hay Jacklin? Tôi hy vọng câu chuyện của bạn sẽ tích cực. Nghịch cảnh không có chiến thắng không phải là niềm cảm hứng mà là sự đè nén. Câu chuyện tiềm năng lớn trong nghịch cảnh đó là hy vọng và thành công. Nghịch cảnh là của chung, nhưng câu chuyện bạn viết ra là của riêng bạn. Ai cũng đều có cơ hội làm người hùng trong một câu chuyện vĩ đại. Một số đến được vị trí đó và một số thì không. Lựa chọn là do bạn.

Khi bạn xem xét có cho phép nghịch cảnh trở thành chất kích thích cho việc học hỏi trong cuộc đời, hãy xem xét lời cầu kinh của các thầy tu dòng Phran-xít:

Xin Chúa ban phước cho bạn sự khó chịu với những câu trả lời dễ dãi, hời hợt và mối quan hệ nửa vời, để bạn có thể sống sâu trong tim mình.

Xin Chúa ban phước cho bạn sự tức giận trước bất công, áp bức, và bóc lột con người, để bạn phục vụ công lý, tự do và hòa bình.

Xin Chúa ban phước cho bạn nước mắt để rơi lệ với những người chịu đau đớn, ruồng bỏ, đói kém và chiến tranh, để bạn có thể đưa tay an ủi họ và biến nỗi đau thành niềm vui.

Và xin Chúa ban phước cho bạn với đầy đủ sự ngu ngốc để tin rằng bạn có thể tạo nên sự khác biệt trên thế giới này, để bạn có thể làm điều mà người khác cho là không thể.

Đó là lời cầu nguyện tôi dành cho bản thân và nó cũng là hy vọng của tôi dành cho bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.