Học Từ Thất Bại

2 Khiêm tốn: Tinh thần của Học hỏi



Đã bao giờ bạn để ý thấy một số người hồi phục rất nhanh sau khi gặp thất bại? Họ học hỏi từ những thất bại đó và thậm chí còn giỏi hơn chính mình trước kia. Cùng lúc đó thì lại có những người tưởng chừng như thất bại, gục ngã và không bao giờ gượng dậy được. Khi phải trải qua điều gì đó tiêu cực, bạn có thể thực sự thấy một sự đi xuống từ từ theo đường xoắn ốc. Cho dù có cố gắng thế nào thì bạn cũng không thể giúp được họ. Đơn giản là họ không rút ra bài học từ những sai lầm của mình.

Đâu là sự khác biệt giữa hai loại người này? Tôi tin rằng đó không phải là do thời gian, địa vị xã hội, mức độ của nghịch cảnh hay bất kỳ thứ gì khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Sự khác biệt nằm ở bên trong mỗi con người. Đó là tinh thần của mỗi cá nhân. Những người được hưởng lợi từ nghịch cảnh sở hữu một tinh thần khiêm tốn và vì lẽ đó, họ có xu hướng thực hiện những thay đổi cần thiết để học hỏi từ những sai lầm và thất bại của mình. Họ khác một trời một vực với những người đầy kiêu hãnh, không muốn để nghịch cảnh trở thành người thầy của mình và kết quả là không thể học hỏi được điều gì.

Kiêu hãnh đi trước thất bại

Ai cũng phải trải qua nghịch cảnh. Một số người trở nên khiêm nhường. Số khác lại trở nên khó tính. Và rồi họ mang theo tinh thần đó tới bất kỳ đâu. Với những người để bản thân trở nên khó tính thì mọi chuyện sẽ thành bi kịch bởi một người khó tính sẽ khó tiếp thu hơn rất nhiều.

 “Người kiêu hãnh quan tâm tới việc ai đúng. Người khiêm nhường quan tâm tới cái gì đúng.”

− Ezra Taft Benson   

Ezra Taft Benson(1) đã quan sát và thấy rằng: “Người kiêu hãnh quan tâm tới việc ai đúng. Người khiêm nhường quan tâm tới cái gì đúng.” Đó là một mô tả khá chính xác. Sự kiêu hãnh khiến người ta bào chữa cho bản thân ngay cả khi họ biết rằng họ không đúng. Mà đó mới chỉ là khởi đầu thôi! Hãy nhìn vào những tác động tiêu cực mà sự kiêu hãnh đem lại cho con người:

 

  • Đổ lỗi: Thay vì nhận trách nhiệm, những người kiêu hãnh lại đổ lỗi cho người khác. Họ tin rằng đó là lỗi của người khác bất kể khi nào có vấn đề xảy ra với họ.
  • Phủ nhận: Thay vì thể hiện sự khách quan và thực tế thì họ lại không dám đối diện thực tế. Người kiêu hãnh khi làm lãnh đạo của một doanh nghiệp sẽ chọn cách bỏ qua những việc mà người khác thấy là hiển nhiên. Những người kiêu hãnh nếu là thành viên của một gia đình không êm ấm sẽ thường có tư duy duy lý cho hành động của họ và người khác.
  • Đầu óc không cởi mở: Thay vì là một người cởi mở và chịu tiếp thu, những người kiêu hãnh thường ở thế phòng thủ và chống đối những ý tưởng mới. Họ nói: “Lúc nào tôi chẳng làm như thế” và họ chẳng mấy quan tâm tới sự đổi mới và tiến bộ.
  • Cứng nhắc: Thay vì linh hoạt, dễ thích nghi thì những người kiêu hãnh lại cứng nhắc. Họ nói: “Tôi sẽ làm theo cách của mình hoặc không thì tôi đi”. Những bóng ma của quá khứ, ngay cả những thành công trong quá khứ cũng ám ảnh họ và kéo họ lại phía sau.
  • Bất an: Những người kiêu hãnh thổi phồng giá trị của mình lên và hạ thấp giá trị của người khác bởi họ cảm thấy bất an. Họ nhận lấy thành công còn sai lầm thì là của người khác. Khi những người bất an ở các vị trí lãnh đạo, thay vì nuôi dưỡng tinh thần tập thể thì họ lại khiến chí khí của người khác tụt giảm và đẩy người tài ra xa mình.
  • Cách biệt: Thay vì tạo sự kết nối thì những người kiêu hãnh lại là những người nằm ngoài tầm với – tách biệt với chính bản thân họ, với gia đình, cộng đồng, khách hàng và đối tác. Niềm kiêu hãnh khiến người ta nghĩ rằng họ là trung tâm của mọi chuyện trong khi thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Bạn có thấy mô tả nào phía trên kia giống với mình không? Đáng tiếc rằng trong những năm đầu khi mới làm lãnh đạo, tôi không có được đức tính khiêm nhường cần thiết để có tinh thần học hỏi. Thực tế là tôi trái ngược hoàn toàn: Tôi là kẻ kiêu ngạo, tôi luôn cạnh tranh và hiếu thắng. Và khi đã thắng rồi thì tôi trở thành kẻ không ai chịu đựng nổi. Tôi mà đánh bại được ai là tôi phải nói cho họ biết rằng tôi đã chiến thắng. Tôi còn nói cho mọi người quen của anh ta biết là tôi đã thắng. Tôi khiến mọi người khó chịu. Nhưng thật tệ là tôi lại không nhận thức được điều đó. Tôi đã không nhận ra được rằng mình bất trị thế nào cho tới khi bạn bè tặng tôi một chiếc áo phông có dòng chữ “Thật khó mà khiêm tốn khi bạn tuyệt vời như tôi”. Ai cũng cười lúc họ tặng áo cho tôi nhưng trong thâm tâm tôi ngờ rằng họ đang cố nói lên sự thật trong con người tôi.

Sau đó tôi có đến gặp một trong những người tặng áo và hỏi có phải tôi thực sự là người như thế không.

Cô ấy trả lời: “Đúng, đó chính là anh. Nhưng chúng tôi quý mến anh và biết rằng anh có thể thay đổi”.

Câu nói đó thực sự khiến tôi mở mắt. Những lời nói tốt đẹp của cô ấy đã chạm đến tôi và thuyết phục được tôi. Tôi quyết định sẽ cố gắng thay đổi thái độ của mình, từ một chuyên gia xuống người thợ học việc.

Quyết định đó phải mất một thời gian dài mới thực hiện được – hai hoặc ba năm gì đó. Những người kiêu ngạo rất khó trở nên khiêm tốn ngay được. Nhưng đó lại là bước khởi đầu của sự thay đổi trong tôi, một niềm khao khát có được đức tính khiêm tốn giúp ích cho việc học hỏi. Tôi vẫn tự tin nhưng tôi cố gắng mỗi ngày để giữ cho sự tự tin đó không trở thành rào cản khả năng học hỏi của mình.

Có thể bạn là một người khiêm nhường, có tinh thần học hỏi. Nếu đúng như vậy thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu không phải thì tin tốt lành là bạn có thể thay đổi. Nếu bạn dám làm thì bạn sẽ làm được. Nếu bạn không chắc mình có thực sự khiêm nhường hay không, chẳng hạn bạn bè không tặng bạn chiếc áo phông như thế, thì có thể điều này sẽ giúp ích cho bạn. Kirk Hanson – Giáo sư đại học và cũng là Giám đốc cấp cao của Trung tâm Markkula về Đạo đức học ứng dụng của trường Đại học Santa Clara đã đưa ra một danh sách những tố chất của một người lãnh đạo không có tinh thần học hỏi. Ông nói rằng những tố chất đó thường được xem là gót chân Asin của những lãnh đạo đó. Tôi tin rằng điều đó cũng đúng với bất kỳ ai không có tinh thần học hỏi. Tôi thay đổi một chút các quan điểm của ông, diễn đạt lại theo dạng câu hỏi để từ đó, bạn có thể tự hỏi mình có tố chất nào như thế không.

 

  • Bạn có xu hướng nghĩ rằng mình biết hết mọi chuyện không?
  • Bạn có xu hướng nghĩ rằng mình cần phải tham gia không?
  • Bạn có đôi lúc tin rằng các quy định không phải dành cho mình không?
  • Bạn có tin rằng mình sẽ không bị thất bại không?
  • Bạn có xu hướng tin rằng tự mình làm được hết mọi việc không?
  • Bạn có tin rằng bạn tốt hơn những người khác, rằng họ là những người kém hơn hoặc vị trí thấp hơn bạn?
  • Bạn có nghĩ rằng bản thân mình quan trọng tương đương hoặc hơn tổ chức của mình?

Nếu đồng ý với nhiều câu hỏi trên đây thì có lẽ bạn không có tinh thần học hỏi. Nhưng đừng nản lòng. Vạn sự khởi đầu nan. Bạn có thể thay đổi. Hãy nhớ rằng, kết quả cuối cùng mới là điều quan trọng nhất trong đời, chứ không phải xuất phát điểm.

Người “tốt” trở thành “rất tốt” là nhờ đức tính khiêm nhường

Người có nhiều tài năng thường xử lý mọi việc ở cấp độ cao, nhưng những người tốt nhất lại đạt cấp độ hiệu quả cao nhất bởi họ sở hữu tinh thần học hỏi. Gần đây tôi nhớ lại điều này khi được nghe kể về câu chuyện thời niên thiếu của một trong những người hùng của tôi: John Wooden. Cựu huấn luyện viên bóng rổ đội UCLA này là một huyền thoại. Ông giành được mọi phần thưởng, huân huy chương trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Ông còn là người vinh dự được bầu vào hội đồng thành viên của Tòa nhà danh vọng tôn vinh những huyền thoại bóng rổ với tư cách vừa là cầu thủ vừa là huấn luyện viên.

Wooden vô cùng tài năng – tài năng đến nỗi ông có nguy cơ trở thành người kiêu ngạo và không chịu học hỏi. Khi lớn lên, ông luôn là cầu thủ giỏi nhất đội và trở thành thủ lĩnh của đội bóng trường trung học của mình, dẫn dắt đội giành ngôi vị quán quân giải vô địch các bang cả ba mùa liên tiếp. Nhưng ông lại là con người may mắn vì đã rút ra được bài học ngay từ thuở nhỏ, nó giúp ông phát triển tinh thần học hỏi của mình từ sớm. Ông giải thích rằng:

Tôi bỏ quên đồng phục ở nhà và không muốn chạy hàng dặm về nhà để lấy bộ quần áo trước khi trận đấu buổi chiều diễn ra. Hơn nữa tôi lại là cầu thủ giỏi nhất đội, thế là tôi chắc mẩm rằng huấn luyện viên sẽ không đời nào để tôi phải ngồi ghế dự bị. Nhưng tôi đã lầm.

Khi biết chắc là mình không được phép tham gia trận đấu mà không có đồng phục, tôi đã nhờ đồng đội mình về nhà để lấy áo cho tôi. Dù gì thì tôi cũng là ngôi sao, đúng không? Sao tôi lại không được phép nhờ một trong những cầu thủ dự bị chứ? Với cái thái độ đó, hiển nhiên là trận đấu diễn ra mà không có tôi. Khi tôi cố giải thích với huấn luyện viên, van nài ông cho tôi chơi vì rõ là chúng tôi đã bị lép vế về đội hình thi đấu, ông nói với tôi rất đơn giản là: “Johnny, có một số thứ còn quan trọng hơn cả chuyện thắng thua”.

Một số điều quan trọng hơn cả chuyện thắng thua ư? Không có nhiều huấn luyện viên có thể thuyết phục được một cậu nhóc 13 tuổi tin vào điều đó. Nhưng khi tôi ngồi một cách thảm hại trên ghế dự bị, chứng kiến cảnh đội mình càng ngày càng tụt lại phía sau, tôi bắt đầu nhận ra rằng có thể huấn luyện viên Warriner đã đúng. Khi tôi trưởng thành, cảm giác đó vẫn còn lại trong tôi và tôi thực sự biết ơn tầm quan trọng của nó. Bài học cuộc đời về trách nhiệm và sự khiêm nhường mà tôi cần học được công bố trong mục thua trận của hồ sơ xếp hạng của liên đoàn bóng đá cấp trung học. Đến đầu hiệp hai thì huấn luyện viên mới gọi tôi vào chơi.

Ở tuổi 13, Wooden có mọi tính cách mà Kirk Hanson nói về những lãnh đạo kiêu ngạo. Cậu nhóc nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác, rằng mình không cần phải tuân thủ mọi quy tắc như người khác, rằng cả đội chẳng thể nào thành công nếu thiếu cậu và rằng cậu là hạt nhân của đội. May mắn là cậu nhóc có người huấn luyện viên tin rằng có những thứ còn quan trọng hơn chuyện thắng thua, đó là sự học hỏi. Và may mắn cho Wooden nữa đó là ông đã sớm học được bài học cuộc đời này.

Tôi thì tin rằng đó là một trong những chìa khóa then chốt giúp ông trở thành người vĩ đại như vậy. Bài học về tính khiêm nhường đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp huấn luyện viên của ông, giúp ông trở thành người sẵn sàng học hỏi cả đời. Tinh thần ham học của ông cho phép ông đặt ra những câu hỏi mà không phải huấn luyện viên nào cũng dám hỏi. Nó thôi thúc ông nắm giữ những giá trị mà người khác dễ có ý định thỏa hiệp. Nó trao cho ông sức mạnh để đem sự độ lượng vào chiến thắng mà hiếm người làm được. Đó là lý do ông muốn được người khác nhớ đến, không phải vì những chiến thắng vẻ vang của mình, mà nhớ đến với tư cách là người đã làm hết sức mình để dạy cho các cầu thủ về những điều quan trọng trong cuộc sống.

Tinh thần đúng mực giúp bạn học hỏi bằng cách nào?

John Wooden hiểu rằng đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn học hỏi, nhưng nó chỉ xảy ra khi bạn có đức tính khiêm nhường. Tính khiêm nhường là nền tảng cho tất cả những ai học hỏi được từ thành công và thất bại của mình. Nó là chìa khóa cho thành công ở nấc thang cao nhất.

Bạn có thể nghĩ rằng: “Cái gì cơ? Tôi phản đối! Tôi có thể kể ra hàng tá người thành công mà chẳng khiêm nhường chút nào?”. Tôi cũng vậy. Nhưng họ sẽ còn thành công đến thế nào nếu họ có tinh thần học hỏi? Đáng lẽ họ còn có thể thành công hơn nữa. Tính khiêm nhường mở ra cánh cửa cho sự học hỏi và thậm chí là thành công ở những cấp độ cao hơn. Dưới đây là một số lý do:

1. Tính khiêm nhường giúp ta có cái nhìn chính xác hơn về bản thân và cuộc sống

Tác giả cũng là nhà tư vấn kinh doanh Ken Blanchard phát biểu rằng: “Khiêm tốn không phải là nghĩ bản thân mình kém hơn người khác mà là nghĩ đến bản thân mình ít hơn”. Khi tập trung quá nhiều vào bản thân, ta sẽ đánh mất tầm nhìn. Tính khiêm nhường cho phép ta vừa giữ được tầm nhìn mà vẫn thấy được bức tranh toàn cảnh. Nó giúp ta nhận ra rằng có thể ta đang đứng trong bức tranh đó chứ ta không phải là toàn bộ bức tranh.

Tôi có may mắn được gặp Billy Graham(2). Những thành tựu ông đạt được với tư cách là thủ lĩnh tôn giáo như một huyền thoại. Chúng có thể khiến cho con người đánh mất tầm nhìn, nhưng ông dường như không bị ảnh hưởng. Với tôi thứ còn đáng giá hơn cả những thành tựu của ông chính là đức tính khiêm nhường. Ví dụ tiêu biểu cho tinh thần đó chính là một cuộc gặp tình cờ trong thang máy. Một người nhận ra ông và hỏi: “Ông có phải là Billy Graham không?”

Graham đáp: “Đúng rồi”.

Người đàn ông kia đáp lời: “Ôi, ông thực sự là một người vĩ đại”.

Graham trả lời: “Không, tôi không phải là người vĩ đại. Chỉ là tôi có thông điệp vĩ đại thôi”.

Khi ta sở hữu tính kiêu ngạo chứ không phải khiêm nhường, nó sẽ phủ mây mù lên những quan điểm của ta và thế giới quanh ta. Nhà tâm lý học hàng đầu Carl Jung đã từng nói: “Thông qua sự kiêu ngạo, ta luôn tự lừa dối mình. Nhưng sâu thẳm dưới bề mặt của một lương tâm ở mức trung bình vẫn có một giọng nói đều và nhỏ vang lên: ‘Có gì đó lạc nhịp’.”

Khi việc thiếu tính khiêm nhường khiến ta “lạc nhịp” với chính mình, thế giới này sẽ thành mờ ảo, không rõ nét. Ta đánh mất tầm nhìn và sẽ khó khăn trong việc học hỏi. Làm sao ta có thể phát hiện ra những thiếu hụt của mình hay những điều ta cần học khi ta không thể thấy chúng?

 “Hãy chỉ cho tôi một gã sợ bị trông xấu xí, tôi sẽ chỉ cho bạn một gã mà bạn có thể đốn ngã bất kể lúc nào.”

− Lou Brock   

Tính khiêm nhường giúp ta hiểu biết và mở rộng tầm nhìn. Bởi ta không tập trung vào việc biện minh cho chính mình hoặc làm sao để trông tốt đẹp hơn, ta sẽ phán đoán tốt hơn. Cầu thủ bóng chày vĩ đại Lou Brock đã nói: “Hãy chỉ cho tôi một gã sợ bị trông xấu xí, tôi sẽ chỉ cho bạn một gã mà bạn có thể đốn ngã bất kể lúc nào”. Tại sao? Vì mắt mũi anh ta chỉ dán vào những thứ quanh mình.

Để có được cái nhìn chính xác về bản thân mình đã khó, giữ được nó còn khó hơn. Nhưng tính khiêm nhường lại giúp bạn làm được điều đó. John Wooden hiểu điều đó và ông làm việc để giúp các cầu thủ của mình có được cách nhìn khiêm tốn. Ông không muốn họ bị sao nhãng bởi những lời chỉ trích hay cả những lời tán dương. Ông biết rằng dù có xứng đáng hay không thì họ cũng vẫn luôn ghét bị chỉ trích và thích được tán dương hơn.

Wooden thường nói với các cầu thủ rằng: “Sức mạnh của các bạn với tư cách là một cá nhân phụ thuộc vào cách các bạn phản ứng lại với cả những lời chỉ trích lẫn tán dương. Nếu các bạn để một trong hai thứ đó có bất kỳ tác động đặc biệt nào lên mình, nó sẽ khiến các bạn bị tổn thương… Bạn rất khó có thể kiểm soát những lời chỉ trích hay tán dương mà người khác dành cho bạn. Đừng tin tuyệt đối vào điều đó. Hãy cứ để đối thủ bị mắc kẹt trong những ý kiến đánh giá của người khác. Còn các bạn đừng như vậy.”

Tính khiêm nhường giúp ta có được lộ trình để nhìn nhận sự việc như nó vốn có, khả năng học hỏi và niềm ước ao được tiến bộ. Trong khi sự kiêu ngạo khiến đầu óc không cởi mở và luôn tìm cách biện minh cho bản thân thì tính khiêm nhường lại giúp ta có đầu óc cởi mở và khao khát tiến bộ. Tính khiêm nhường khiến mọi thứ được nhìn nhận một cách hợp lý, và nếu ta cho phép, nó còn có thể giúp ta bổ sung thêm tính hài hước.

 Thành công không nằm ở chỗ xóa bỏ những vấn đề và sai lầm mà ở chỗ vượt qua và sống chung với nó.   

Winston Churchill – một trong những vị thủ tướng vĩ đại nhất của nước Anh khi được hỏi: “Ông có cảm thấy phấn khích khi biết rằng cứ mỗi lần mình phát biểu thì hộitrường lại đầy ắp người không?”.

Ông trả lời: “Nghe cũng mát lòng mát dạ đấy. Nhưng cứ mỗi lần cảm thấy như thế, tôi lại luôn nhớ rằng nếu không vì phải thuyết trình những vấn đề chính trị mà tôi cần tập trung thì số lượng khán giả còn đông gấp đôi”.

2. Tính khiêm nhường giúp ta học hỏi và phát triển dù có thất bại

Khi có đức tính khiêm nhường, người ta sẽ có cái nhìn rõ ràng và thực tế về chính mình, tầm nhìn của họ cũng sẽ luôn rõ ràng và thực tế khi họ phải đối mặt với những lỗi lầm, thất bại của mình cũng như của người khác. Khả năng nhìn nhận mọi việc rõ ràng giúp họ luôn sẵn lòng học hỏi và phát triển. Thành công không nằm ở chỗ xóa bỏ những vấn đề và sai lầm mà ở chỗ vượt qua và sống chung với nó.

Elbert Hubbard(3) đã mô tả về thất bại như sau: “Thất bại là khi một người vấp ngã nhưng lại không biết cách tận dụng trải nghiệm đó”.

 Những người khiêm nhường và thông minh không bao giờ e ngại phải thừa nhận rằng mình đã sai. Khi làm được điều đó, họ đang nói rằng hôm nay mình khôn ngoan hơn hôm qua.    

Một người khiêm nhường sẽ học hỏi từ sai lầm như thế nào? Bằng việc dừng lại và chiêm nghiệm, tôi dám chắc rằng kinh nghiệm không phải người thầy tốt nhất mà phải là kinh nghiệm đã qua đánh giá. Tôi học được bài học này từ đoạn viết trong cuốn Sách Giảng viên(4): “Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng. Ngày bị rủi ro, hãy ngẫm mà xem.” Người ta tin rằng Vua Solomon chính là người viết cuốn sách này, ông được coi là người thông thái nhất. Khi một người với sự thông thái như vậy phát biểu, tất cả chúng ta đều tập trung lắng nghe.

Những người khiêm nhường và thông minh không bao giờ e ngại phải thừa nhận rằng mình đã sai. Khi làm được điều đó, họ đang nói rằng hôm nay mình khôn ngoan hơn hôm qua. Và tất nhiên là vẫn có những tác dụng bên lề khác. Như nhà văn Mỹ vĩ đại Mark Twain châm biếm: “Phải luôn công nhận lỗi lầm một cách chân thành. Nó sẽ khiến những kẻ có quyền hành lơ là và cho bạn cơ hội cam kết nhiều hơn”.

Sai lầm có thể là người thầy tốt nhất của ta. Nếu sẵn sàng thừa nhận những sai lầm và học hỏi từ chúng, ta sẽ hiểu biết và khôn ngoan. Ta có thể như vậy nếu dành chút thời gian để chiêm nghiệm và đặt câu hỏi:

Cái gì không đúng?

Không đúng từ lúc nào?

Không đúng từ đâu?

Vì sao lại không đúng?

Tôi đã khiến chuyện này sai ở đâu?

Tôi rút ra được bài học gì từ trải nghiệm này?

Tôi sẽ áp dụng những gì vừa học được vào tương lai như thế nào?

Quá trình đặt câu hỏi có thể khá chậm chạp và không thoải mái, nhất là đối với những người có thiên hướng hành động. Nhưng nó luôn có phần thưởng. Tính khiêm nhường chứa đầy những sai lầm. Tính khiêm nhường cho phép ta học hỏi từ những sai lầm đó.

3. Tính khiêm nhường cho phép ta bỏ qua sự cầu toàn mà liên tục nỗ lực

Cháu nội tôi – John, con trai của Joel con trai tôi và Liz con dâu tôi – là một cậu nhóc tuyệt vời. (Tôi vẫn nói vậy ngay cả khi nó không phải cháu tôi!) Thằng bé rất thông minh, nhưng nó cũng đôi lúc có xu hướng hơi nghiêm túc và cầu toàn. Để giúp thằng bé, cha mẹ nó đã mua tặng một cuốn sách có tên Những sai lầm có ích (Mistakes That Worked) của Charlotte Foltz Jones. Họ cùng đọc và cuốn sách này đã giúp thằng bé hiểu rằng nó không cần phải trở thành người hoàn hảo thì mới thành công được.

Trong cuốn sách, Jones viết:

Cứ gọi chúng là sự vô tình. Gọi là sai lầm. Thậm chí là vận may.

Nếu sự thật vỡ lở ra, ta có thể vô cùng ngạc nhiên bởi có rất nhiều các phát minh và khám phá vĩ đại đến từ sự tình cờ, bất ngờ và không định trước.

Những nhà phát minh được đề cập trong cuốn sách này không chỉ là những người thông minh mà còn vô cùng tỉnh táo. Việc thất bại rồi dẫn đến bỏ dở toàn bộ ý tưởng rất dễ xảy ra. Nhưng thất bại mà vẫn nhận ra chức năng khác cho thất bại đó mới là khó.

Các nhà phát minh được đề cập trong cuốn sách này đã dạy cho tất cả chúng ta bài học được minh họa rõ ràng nhất trong câu nói của Bertolt Brecht năm 1930: “Trí thông minh không phải là để không phạm sai lầm, mà là để nhanh chóng nhìn ra cách khiến chúng tốt đẹp lên”.

Một trong những câu chuyện ưa thích của John trong cuốn sách này là về dược sĩ John Pemberton ở Atlanta, bang Georgia. Năm 1886, vị dược sĩ này muốn điều chế một loại thuốc để giải tỏa những mệt mỏi, hỗ trợ cho hệ thần kinh và làm dịu những cơn đau.

Pemberton vô cùng hài lòng với sản phẩm mới của mình, một loại nước mà ông trộn với nước để uống lạnh. Nhưng rồi một sự tình cờ thú vị đã xảy ra. Trợ lý của Pemberton đã vô tình trộn thứ nước pha chế đó với nước soda. Thứ nước này đã biến đổi tính chất. Pemberton chẳng mấy tự hào để thừa nhận rằng thứ nước nguyên bản đầu tiên ông chế ra lại không bằng sản phẩm của anh chàng trợ lý và kết quả là ông quyết định không bán thứ nước đó với danh nghĩa là dược phẩm mà chuyển sang là nước giải khát. Ông gọi nó là Coca-Cola. Ngày nay Coca-Cola trở thành thứ nước giải khát được ưa chuộng hàng đầu thế giới.

4. Tính khiêm nhường cho phép ta tận dụng tối đa những sai lầm của mình

Lý do cuối cùng đó là tính khiêm nhường, ham học hỏi giúp ta biết cách tận dụng tối đa những sai lầm và thất bại của mình. Nhà văn Mark Twain có một lần đã được yêu cầu kể tên nhà phát minh vĩ đại nhất trong số những nhà phát minh. Ông trả lời là “Sự tình cờ”. Câu trả lời của ông vô cùng thông minh nhưng cũng cho ta thấy một sự thật hiển nhiên. Khi chúng ta khiêm nhường, đầu óc ta cởi mở hơn để có thể coi những sai lầm của mình là những triển vọng cho sự tiến bộ và phát triển.

 Nhà văn Mark Twain có một lần đã được yêu cầu kể tên nhà phát minh vĩ đại nhất trong số những nhà phát minh. Ông trả lời là “Sự tình cờ”.    

Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trường hợp các phát minh lúc đầu chỉ là sự nhầm lẫn nhưng sau đó hóa ra chúng là các phát minh vĩ đại. Năm 1839, Charles Goodyear đang tiến hành các thí nghiệm với cao su. Chất này lấy từ nhựa cây và đã được biết đến từ nhiều thế kỷ. Người ta đã tìm mọi cách để đưa nó vào sử dụng nhưng khi bị làm nóng nó sẽ chảy ra, còn khi gặp lạnh thì lại bị vỡ vụn. Goodyear thử trộn chất này với nhiều chất khác nhưng nó vẫn chưa thành chất có thể sử dụng được. Rồi một ngày ông vô tình làm rơi vài giọt cao su được trộn lẫn với lưu huỳnh vào bếp lò. Hơi nóng đã khiến cho cao su trở nên cứng mà lại dẻo. Ngay cả khí lạnh cũng không làm cho nó bị giòn. Vậy là sự tình cờ đã giúp Goodyear chuyển hóa cao su thành một chất được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm và ngành nghề như hiện nay.

Giấy bóng kính cũng là một sản phẩm ra đời từ sự vô tình. Kỹ sư dệt người Thụy Sỹ, Jacques Brandenberger muốn tạo ra một loại vải chống thấm nước sau khi thấy chai rượu bị đổ vào chiếc khăn trải bàn. Lớp màng bọc ông tạo ra lại quá cứng và giòn, không thể sử dụng được. Nhưng Brandenberger lại phát hiện ra lớp phim trong suốt được tách ra khỏi bề mặt vải theo cả tấm lớn. Đến năm 1908, ông đã phát minh ra chiếc máy dùng để sản xuất ra những tấm phim đó.

Penicillin cũng là kết quả của sự nhầm lẫn. Năm 1928, khi nhà nghiên cứu Alexander Fleming vô tình đưa một loại mốc vào một chiếc đĩa nuôi cấy vi khuẩn cúm, vi khuẩn yếu đi và chết. Sau lần vô tình đó, ông nghiên cứu kỹ lưỡng kết quả thí nghiệm. Ông tách rồi xác định loại mốc, từ đó dẫn đến sự hình thành của một loại vắc-xin có khả năng cứu sống vô vàn sinh mạng con người.

Sức mạnh của chiếc lò vi sóng được một kỹ sư phát hiện ra khi ông vô tình làm chảy thanh sô-cô-la trong túi khi sử dụng lò. Teflon được phát hiện khi một nhà nghiên cứu sử dụng tủ lạnh để làm việc vô tình bỏ quên mẫu qua một đêm trong đó. Giấy nhớ được phát minh nhờ sự vô tình phát triển được một loại keo dán mới.

 “Nếu mọi chuyện không như ý thì danh tiếng luôn có thể được đảm bảo bằng một lỗi lầm khủng khiếp.”

– John Kenneth Galbraith   

Nếu có tinh thần tích tực trong công việc, bạn có thể xoay chuyển một sai lầm thành cơ hội. Thành công và danh vọng không phải lúc nào cũng đến với những người tài giỏi nhất. Đôi khi chúng đến với những người biết cách biến nghịch cảnh thành một lợi thế. Hoặc như John Kenneth Galbraith từng nói: “Nếu mọi chuyện không như ý thì danh tiếng luôn có thể được đảm bảo bằng một lỗi lầm khủng khiếp”.

Một tấm gương khiêm nhường

Tôi rất thích câu chuyện về tính khiêm nhường trong cuộc đời của một con người được người ta gọi là Người đàn ông Phục hưng của nước Mỹ. Mối tình đầu của anh chính là nghệ thuật và khi trưởng thành, anh muốn trở thành một họa sĩ. Tuy vậy anh lại có tư tưởng của người ham học và bản tính khiêm nhường, nó nuôi dưỡng trí tò mò của anh và khiến anh quan tâm tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở trường Yale, anh được học các môn triết học tôn giáo, toán học và khoa học; anh tốt nghiệp năm 19 tuổi. Sau khi chính thức hoàn thành việc học tập tại trường, cha mẹ nài ép anh trở thành thợ học việc cho một người bán sách. Nhưng đam mê cháy bỏng nhất của anh là trở thành họa sĩ. Anh cố gắng thuyết phục cha mẹ cho phép anh ra nước ngoài để được đào tạo trở thành một nghệ sĩ. Sau một năm, cuối cùng cha mẹ cũng mủi lòng mà gửi anh sang Anh để học vẽ. Anh đặc biệt nổi trội. Bức tượng thạch cao anh khắc được trao huy chương vàng tại giải thưởng Adelphi Society về Nghệ thuật, ngoài ra bức tranh lớn vẽ trên vải của anh cũng nhận được sự ủng hộ tích cực của Học viện Hoàng gia Anh.

Khi trở về Mỹ, anh mở một xưởng vẽ tại Boston và trở thành họa sĩ được mến mộ, anh đi khắp các làng, thị trấn để tìm người thuê vẽ chân dung. Thời gian ở Concord, New Hampshire, anh đã gặp một cô gái, và anh đã kể về cô trong bức thư gửi cho cha mẹ ngày 20 tháng 8 năm 1816:

Cha mẹ kính mến,

Con viết vài dòng để báo là con vẫn khỏe và đang rất bận, ngày kia con sẽ được nhận 100 đôla, mà con nghĩ thế là khá đủ cho ba tuần; có thể con sẽ ở đây trong vòng nửa tháng bắt đầu từ ngày hôm qua; ở nơi này con còn có nhiều mối quan tâm khác chứ không phải chỉ có tiền bạc; cha mẹ có biết nhà Walker ở đây không, Chas. Walker – con trai của Judge W. – có hai con gái, cô cả vô cùng xinh đẹp, dễ thương và tính tình cũng rất tuyệt vời… Có thể con đang tự huyễn hoặc mình nhưng con nghĩ là mình sẽ là theo đuổi được cô ấy; có thể cha mẹ cho rằng con là kẻ liều lĩnh, luôn phải lòng theo cách đó nhưng con lo sợ mình là một gã độc thân già và giờ con 25 tuổi; vẫn không cần phải vội vàng, cô gái đó mới 16.

Anh yêu điên cuồng. Chưa đến một tháng sau, anh viết tiếp một lá thư cho cha mẹ và kể thêm chuyện:

Mọi chuyện dường như vượt xa cả những kỳ vọng lạc quan nhất của con. Càng hiểu cô ấy, con càng thấy cô ấy đáng yêu hơn, cô ấy vô cùng xinh đẹp mà lại không hề đỏng đảnh, cô ấy thùy mị khiêm nhường, ngay thẳng và tốt bụng. Mỗi lần hỏi thăm cô ấy, con lại luôn được chiêm ngưỡng tính cách đó: vô cùng đáng yêu, nết na và ngọt ngào. Khi hiểu rõ, con nghĩ cha mẹ sẽ không trách con vì đã vội vã hành động, con đã liều thổ lộ lòng mình với cô ấy và thay vì nhận được những câu trả lời mơ hồ và khó hiểu, cô ấy đã nói với con một cách thẳng thắn nhưng đầy khiêm nhường và cũng rụt rè, rằng cô cũng dành tình cảm cho con, tình cảm đó đủ để nói rằng chúng con đã đính hôn với nhau;… chưa có ai được ban ơn như con, nhưng con cũng lại là một kẻ khốn khổ vô ơn bạc nghĩa; xin hãy cầu chúc cho con để con có một trái tim đầy biết ơn những nghịch cảnh con gặp phải nhưng chúng lại luôn luôn mang may mắn đến với con.

Cô ấy đã đợi anh trong hai năm và vào ngày 29 tháng 9 năm 1818, họ làm đám cưới. Gần một năm sau, con gái đầu lòng của họ ra đời.

Gia đình phát triển và sự nghiệp họa sĩ của anh cũng thành công. Anh đã vẽ chân dung cho nhiều người nổi tiếng như nhà phát minh Eli Whitney, Hiệu trưởng trường Yale ông Jeremiah Day, nhà văn và nhà từ điển học Noah Webster, Hầu tước La Fayayette và Tổng thống Hoa Kỳ James Monroe. Cùng thời gian đó anh vẫn dành tình yêu của mình cho phát minh và cải tiến. Anh và em trai đã chế ra chiếc máy bơm nước cho xe cứu hỏa, họ đã đăng ký bản quyền sáng chế nhưng không kiếm lợi từ nó. Anh còn phát minh ra máy cắt đá cẩm thạch, dùng để tạc tượng nhưng không lấy được bằng sáng chế cho chiếc máy này.

Dường như anh đã đi đúng hướng. Sau đó vào năm 1825, lúc đang vẽ tranh tại New York, anh nhận được thư từ cha nói rằng vợ anh đang ốm nặng. Anh vội vã trở về nhà, nhưng khi về đến nơi thì người vợ đã qua đời. Lòng anh tan nát bởi sự ra đi của cô. Tệ hơn nữa là khi anh về đến nhà thì người vợ vừa được chôn cất. Anh còn không có cả cơ hội tham gia đám tang vợ mình.

 “Cuộc đời mỗi con người là một cuốn nhật ký mà họ dự định dựng lên một câu chuyện nhưng lại viết ra một câu chuyện khác, và thời điểm họ khiêm nhường nhất chính là lúc so sánh phần mà họ đã viết ra với phần họ từng thề là sẽ thực hiện.”

– J. M. Barrie   

Người đàn ông đó tên là Samuel F. B. Morse. Ông đã bình phục dần từ nỗi tang thương nhưng nỗi thất vọng về sự chậm chạp của công nghệ thông tin vẫn ám ảnh trong ông. Rồi ông bắt đầu học về điện và điện từ. Năm 1832, ông thai nghén việc chế tạo một thiết bị có khả năng gửi lời nhắn qua dây điện đến những khoảng cách xa. Ông cũng bắt đầu soạn ra bộ ký hiệu gồm các chấm và gạch được sử dụng để liên lạc truyền tín hiệu.

Đầu những năm 1800 là thời điểm phát triển nhanh chóng của các thí nghiệm và thành tựu về lĩnh vực điện. Morse đã học hỏi những thành tựu của người khác và nghiên cứu các phát minh của họ. Ông sửa đổi các thiết kế của mình vài lần. Đến năm 1838, ông cho giới thiệu một thiết bị liên lạc mới với tên gọi là máy điện báo. Morse đã nổi tiếng từ việc phát minh chiếc máy đó và bộ ký hiệu mang tên ông. Phát minh đã đưa cả thế giới vào kỷ nguyên truyền thông. Trước kia phải mất vài ngày, hàng tuần hay hàng tháng để liên lạc với người thân ở xa, thì nay nhờ có Morse, việc liên lạc chỉ mất có vài phút. Công nghệ đã làm thay đổi cả thế giới.

Morse nhận được rất nhiều phần thưởng danh dự cho phát minh máy điện báo nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn về thành tựu đó. Ông từng nói: “Tôi tạo ra một ứng dụng có giá trị về điện không phải vì tôi giỏi hơn người khác mà là nhờ Chúa, người muốn ban phước cho con người, người phải tiết lộ điều đó cho một người và Chúa đã tiết lộ cho tôi.” Với thái độ đó, không có gì ngạc nhiên khi ông vượt qua được những thất vọng và mất mát, học hỏi và phát triển. Ông sở hữu một tinh thần ham học. Và chúng ta cũng nên cố gắng để có được điều đó.

Nhà văn chuyên viết tiểu thuyết J. M. Barrie đã quan sát thấy rằng: “Cuộc đời mỗi con người là một cuốn nhật ký mà họ dự định dựng lên một câu chuyện nhưng lại viết ra một câu chuyện khác, và thời điểm họ khiêm nhường nhất chính là lúc so sánh phần mà họ đã viết ra với phần họ từng thề là sẽ thực hiện”. Điều này cũng đúng với tôi. Theo nhiều cách khác nhau, tôi vẫn có thiếu sót về những thứ tôi muốn làm và muốn trở thành. Tuy nhiên, vào thời điểm khi chúng ta so sánh cái mình muốn làm với cái mình đã thực sự làm, nếu biết khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi những điều mà cuộc sống đã dạy, ta sẽ có thêm nhiều cơ hội thành công. Và với việc biết được rằng mình đã cố gắng hết sức, có thể chúng ta sẽ hài lòng với việc đáng lẽ ta đã có thể làm và thành công.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.