Học Từ Thất Bại

11 Thay đổi: Cái giá của Học hỏi



Nếu bạn lớn lên trong khoảng thời gian giữa những năm 1950 và 1990, chắc hẳn bạn sẽ nhớ tới chiếc máy ảnh hiệu Polaroid. Trong thời đại ảnh kỹ thuật số ngày nay, gần như không một ai cho rằng việc chụp ảnh lấy ngay là vấn đề khó khăn, nhưng ở thời điểm đó, đây là một cuộc cách mạng. Để tôi giải thích cho bạn rõ hơn về bối cảnh. Trong những ngày đầu của lịch sử nhiếp ảnh những năm 1800, chỉ những người có đầy đủ những chiếc máy ảnh đắt tiền, buồng tối, một kho hóa chất và một số kỹ năng kỹ thuật nhất định mới có thể tạo nên một bức ảnh.

Năm 1888, Kodak đưa ra các cải tiến về máy ảnh và phim chụp, kéo nhiếp ảnh lại gần tầm với của nhiều người. Khẩu hiệu của họ là “Bạn chỉ việc bấm nút, phần còn lại cứ để chúng tôi”. Tin tốt là bất cứ ai cũng có thể làm nhiếp ảnh gia; tin xấu là anh ta phải gửi máy ảnh và phim đã chụp tới một nhà máy để xử lý, và phải đợi vài ngày hoặc vài tuần mới nhận được ảnh chụp. Thậm chí ở thế kỷ XX, khi mà phim chụp được sản xuất để bất kỳ ai cũng có thể tự tháo lắp vào máy ảnh, việc xem được ảnh chụp vẫn là bài tập cho tính kiên nhẫn.

Đổi mới đến từ sự thay đổi

Edwin Land đã thay đổi tất cả. Sinh năm 1909, ông là con trai của một người buôn phế liệu, sắt vụn. Lúc còn nhỏ, ông bắt đầu đam mê vật lý ánh sáng sau khi đọc cuốn Quang học vật lý (Physical Optics) của Robert W. Wood, một trong số ít những cuốn sách có trong nhà. Ông được nhận vào Harvard và ở đó một thời gian ngắn trước khi bỏ ra ngoài làm thí nghiệm tại phòng thí nghiệm tự tạo của ông, trong một căn hộ ở thành phố New York.

Land được trao bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1929 khi phát triển được quy trình giúp phân cực có thể dùng trong thương mại. Nghiên cứu ban đầu đó dẫn lối cho việc hình thành các loại kính mát giảm chói, kính phi công trong quân đội, hệ thống lọc trong nhiếp ảnh và hệ thống xem phim 3-D đầu tiên. Nhờ sự giúp đỡ của một nhà đầu tư, Land mở công ty năm 1937. Tới năm 1940, công ty đổi tên thành Polaroid Corporation. Trong Thế chiến thứ II, công ty phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, Land được biết đến với khả năng “sáng chế theo yêu cầu”. Một vị tướng Không quân từng triệu tập Land để được tư vấn về một vấn đề của ống ngắm bắn. Một đồng nghiệp của Land nhớ lại: “Land trả lời rằng ông sẽ bay tới Washington ngày hôm sau để mô tả về giải pháp. ‘Hả, cậu có cách xử lý à?’ vị Tướng hỏi. Và Land trả lời: ‘Không, nhưng tới lúc đó sẽ có.’ Và đúng như vậy.”

Khả năng phát minh đó được cho là đã dẫn lối cho sự ra đời công nghệ chụp ảnh lấy ngay. Một ngày nọ năm 1943, trong kỳ nghỉ, Land đang chụp ảnh cho con gái và cô bé hỏi: “Tại sao con không xem được ảnh luôn?” Với thiên phú giải quyết vấn đề và sáng chế của Land, các bánh răng tinh thần bắt đầu chuyển động. Ông tìm ra cách để tạo ra một cái máy ảnh và phim chụp có thể tạo ra giấy ảnh ngay tại chỗ. Christopher Bonanos, tác giả cuốn Lấy ngay: Câu chuyện về Polaroid(Instant: The story of Polaroid), viết rằng: “Tất cả những điều cậu ấy học được trước đây – về bộ lọc, tạo ra những tinh thể cực nhỏ và lớp phim mỏng, về quang học, thậm chí là sản xuất và sản xuất theo đặt hàng – bắt đầu có tác dụng to lớn.” Về sau, Land nói rằng ông đã phác thảo ra các chi tiết của hệ thống này trong vài giờ, ông nói: “ngoại trừ những thứ phải mất từ năm 1943 cho tới 1972 mới giải quyết xong.”

Chiếc máy ảnh Land đầu tiên của hãng Polaroid được bán ra vào tháng 11 năm 1948. Nó tạo ra một bức ảnh tông màu nâu đỏ trong sáu mươi giây. Vào thời điểm đó, đây là một sự đổi mới công nghệ vượt trội. Vấn đề ở đây là ai sẽ mua nó? Các đồng nghiệp của Land cho rằng ông quá lạc quan với kỳ vọng 50.000 máy ảnh một năm. Nhưng Land đã đúng. Mọi người thích nó. Lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, toàn bộ số lượng máy ảnh bán hết trong vài giờ. Tới năm 1953, số lượng mà hãng Polaroid bán ra đã là 900.000 cái.

Trong hai thập kỷ sau, Polaroid tiếp tục thay đổi và cải tiến. Họ loại bỏ phim tông nâu đỏ và phát triển một loại phim đen trắng chất lượng cao, đây được coi là nhiệm vụ khó khăn nhất mà công ty từng đối mặt. Họ chiêu mộ nhiếp ảnh gia huyền thoại Ansel Adams làm tư vấn viên kiêm người dùng máy ảnh. Bất kỳ lúc nào gặp vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn khi ảnh bị mờ, họ sẽ khắc phục nó. Rồi họ tìm ra cách chụp ảnh màu lấy ngay. Họ học hỏi từ sai lầm và tiếp tục phát triển.

Polaroid được thành lập để thay đổi. Họ dành khoản tài chính khổng lồ cho nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm và quy trình mới. Những chiếc máy ảnh đời đầu của họ có thiết kế thanh lịch, dưới sự sáng tạo của các nghệ sỹ công nghiệp. Họ liên tục đổi mới. Trong những năm 1970, giới nhiếp ảnh đã chụp một tỷ tấm ảnh bằng máy Polaroid mỗi năm.

Điểm kết của sự đổi mới

Tới giữa những năm 1970, Polaroid đã kiện Kodak – một công ty cho ra mắt máy ảnh chụp lấy ngay mà Land tin rằng đã vi phạm bằng sáng chế của Polaroid. Cuộc chiến kéo dài hơn mười bốn năm và tới năm 1990 mới được giải quyết. Nhưng vào lúc đó, Land đã nghỉ hưu (năm 1980), và Polaroid gặp rắc rối lớn. Khách hàng không còn mua sản phẩm của họ nữa. Bonanos viết:

Hãy hỏi người của Polaroid xem mọi việc bắt đầu đi sai hướng từ đâu? Từ những năm 1980? Trước đó? Sau đó? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Người thì đổ lỗi cho các kỹ sư kém linh hoạt, người thì nói do các bước đi tài chính sai lầm… Tuy nhiên, rõ ràng là không ai có thể nhận thấy sự xuống dốc bắt đầu từ lúc nào. Năm 1978, Polaroid có hơn 20.000 nhân viên… Tới năm 1991 là 5.000 nhân viên… Một thập kỷ sau, cho dù đã nhận được của trời cho rất tuyệt vời [gần một tỷ đôla từ vụ kiện Kodak], Polaroid phá sản.

Thực tế, từ năm 2001 tới 2009, Polaroid từng tuyên bố phá sản hai lần và được bán lại ba lần.

Chuyện gì đã xảy ra? Một công ty được thành lập trên sự đổi mới và phát đạt chính nhờ sự thay đổi đã ngừng đầu tư cho việc học hỏi. Một công ty nơi mà những bộ não tài giỏi nhất từng dành thời gian đưa ra những giải pháp mang tính cách tân cho các vấn đề và cho ra mắt các sản phẩm có tính cách mạng mà chính công chúng cũng không biết rằng họ muốn có nó, yêu thích nó, thì giờ đây lại chỉ tập trung sửa lại sản phẩm cũ với những cập nhật hoa lá nhỏ nhặt. Công ty dưới thời của Edwin Land từng dành nhiều tài nguyên nhất cho việc nghiên cứu và phát triển đồng thời vẫn sản xuất theo đặt hàng, nhưng về sau họ lại chuyển sang tập trung sản xuất và cắt giảm chi phí. Những tháng ngày của sự đổi mới và thay đổi đã qua, và bước vào thời kỳ mà nhiếp ảnh trải qua sự thay đổi chóng mặt nhất.

Trớ trêu thay, Polaroid lại có đóng góp trong việc ra mắt máy ảnh kỹ thuật số thời kỳ đầu. Theo ý tưởng lúc đó, người dẫn đầu trong lĩnh vực chụp ảnh lấy ngay sẽ là người người dẫn đầu về “tạo ảnh” ngay lập tức, nhưng rồi họ từ bỏ dự án này vì nó không hỗ trợ cho doanh thu định kỳ của việc bán phim cho máy ảnh cơ. Họ cũng là người tiên phong trong công nghệ in phun. Nhưng khi quản lý cấp cao quyết định rằng chất lượng của công nghệ này “sẽ không bao giờ như ảnh chụp”, họ đã hủy dự án.

Nếu Land vẫn còn lãnh đạo công ty, ông chắc hẳn sẽ tiếp tục đấu tranh cho giải pháp này, đầu tư để sáng chế ra cách tạo ảnh chất lượng đủ cao. Đó là điều mà trước đây ông vẫn luôn thực hiện. Tuy vậy, sau khi đổi lãnh đạo, Polaroid dần trượt về con số không. Đó là điều xảy ra khi người ta không đầu tư cho việc học hỏi bằng cách sẵn sàng thay đổi.

Tại sao con người chống lại sự thay đổi?

Hầu hết mọi người không chấp nhận sự thay đổi. Tôi từng cho rằng người làm lãnh đạo thích thay đổi và những người khác thì không. Sau vài chục năm đầu tư và giảng dạy cho các lãnh đạo, tôi bắt đầu nhận ra rằng giới lãnh đạo cũng chống lại sự thay đổi như những người theo họ – trừ phi sự thay đổi đó là ý kiến của họ! Sự thật là mọi người đều chống lại sự thay đổi. Vì sao? Là bởi…

Thay đổi mang lại cảm giác mất mát

George V. Denny Jr. – người dẫn chương trình radio đầu tiên – từng kể câu chuyện về một phóng viên của tờ New York City được gửi tới Maine để phỏng vấn một cụ già sắp tới sinh nhật thứ 100 của mình. Phóng viên nọ lịch sự tiến lại gần cụ già và nói: “Thưa ông, ông chắc hẳn đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn lao trong suốt một trăm năm qua.”

Người đàn ông chăm chú nhìn phóng viên. “Đúng,” ông trả lời, “và tôi chống lại tất cả những thay đổi đó!”

 “Một người không thể khám phá vùng đất mới nếu không chịu đi xa bờ một thời gian dài.”

– Andre Gide   

Tiểu thuyết gia Andre Gide nhận xét, “Một người không thể khám phá vùng đất mới nếu không chịu đi xa bờ một thời gian dài.” Mất mát đó có thể rất đáng sợ, và đôi khi giống như một mất mát cá nhân. Nó khiến bạn tự hỏi liệu ông cụ trong câu chuyện có cảm thấy những thay đổi mà ông liên tục trải qua giống như một sự sỉ nhục cá nhân! Sự thực là dù thay đổi cảm giác như của một cá thể, nhưng không phải như vậy. Thế giới luôn thay đổi và tác động tới mọi người, cho dù họ có thích nó hay không.

 Không có thay đổi thì không có phát triển.   

Nhà thơ kiêm triết học gia Ralph Waldo Emerson từng có trải nghiệm sâu sắc về điều này. Ông khẳng định: “Với mỗi thứ chúng ta đạt được, chúng ta lại mất một thứ.” Chúng ta thích lợi ích nhưng không muốn mất mát. Chúng ta muốn có cái này mà không muốn cái kia. Nhưng cuộc sống không như vậy. Khởi đầu của một việc luôn là kết thúc của việc khác. Mỗi kết thúc bắt đầu một điều mới. Chúng ta luôn thực hiện sự trao đổi trong cuộc đời. Thật không may, nếu bạn chống lại sự thay đổi, bạn đang trao đổi tiềm năng phát triển để lấy sự tiện nghi, thỏa mãn. Không có thay đổi thì không có phát triển.

Thay đổi tạo cảm giác không thoải mái

Thay đổi luôn tạo cảm giác khác lạ. Vì nó không quen thuộc, làm người ta cảm thấy không phù hợp. Để tôi cho bạn một ví dụ. Ngay bây giờ, hãy dành ít phút và nắm chặt hai bàn tay của bạn với các ngón đan chéo nhau. Bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái. Tại sao? Vì theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ đặt tay và các ngón tay theo một cách nhất định, ngón cái này chồng lên ngón cái kia. Bây giờ hãy nắm chặt tay một lần nữa theo hướng ngược lại bằng cách thay đổi vị trí hai ngón cái và dịch các ngón lên trên một ngón. Bạn cảm thấy thế nào? Chắc hẳn là không thoải mái rồi. Bạn chưa bao giờ nắm tay kiểu như vậy.

Nắm tay theo cách khác liệu có phải là sai? Không. Một cách nắm chặt tay hèn mọn? Không. Chỉ là nó khác thôi. Và cái khác đó cảm thấy không thoải mái. Nhưng bạn có thể quen với nó. Không tin à? Mỗi ngày trong hai tuần kế tiếp, hãy nắm chặt tay của bạn ngược lại cách mà bạn vẫn thực hiện. Sau đó, bạn sẽ thấy nó cũng thoải mái chả khác gì cách bạn vẫn dùng.

Tôi từng trải nghiệm sự không thoải mái này khi chơi golf vì tôi tự học cách chơi môn này. Do không có hướng dẫn, tôi sợ rằng mình có thể đã tạo ra nhiều thói quen xấu. Cuối cùng, tôi tìm tới một người đánh golf chuyên nghiệp để học hỏi, anh ta nói: “Anh chỉ có một vấn đề duy nhất.” Tôi thấy nhẹ nhõm được giây lát. Rồi anh ta nói tiếp: “Anh đứng quá gần quả bóng sau khi đánh nó!”.

Để trở nên tốt hơn nghĩa là tôi phải thay đổi mọi thứ: cách cầm, thế đứng, tư thế, cách đưa gậy. Mỗi thứ đều có cảm giác không thoải mái. Và điều thực sự nản lòng là tôi không thấy mình chơi tốt lên ngay lập tức. Có những lúc tôi thấy đè nén tới mức muốn quay lại cách đưa gậy cũ. Tôi biết như vậy là không đúng nhưng nó mang lại cảm giác an toàn. Tôi lại muốn cái không tốt thay vì cái tốt mà tôi chưa làm chủ được. Tôi phải vượt qua sự không thoải mái đó để cải thiện lối chơi, và sau nhiều năm cố gắng, tôi đã thành công.

Thay đổi đi ngược lại truyền thống

Khi nhận vị trí lãnh đạo đầu tiên ở một tổ chức, tôi không thể nhớ đã bao nhiêu lần nghe được câu “Chúng tôi chưa từng làm việc đó như vậy trước đây”. Nó giống như mỗi lần tôi muốn cải tổ, ai đó sẽ ca tụng những mặt tốt của việc không thay đổi. Không thể diễn tả tôi đã bực bội đến mức nào, đặc biệt là khi người nói điều đó lại không thể đưa ra lý do vì sao việc đó lại phải thực hiện theo cách cũ.

Một vị công tước xứ Cambrigde từng trích dẫn rằng: “Một thay đổi bất kỳ tại một thời điểm bất kỳ đều đáng bị lên án.” Tại sao ông ta lại tuyên bố như vậy? Có thể do ông quá trân trọng truyền thống. Truyền thống không có gì là không ổn, chỉ cần người ta không trở thành nô lệ của nó. Một người khăng khăng sử dụng cách thức của ngày hôm qua trong thế giới ngày nay sẽ không thể sống trong thế giới của ngày mai.

 Một người khăng khăng sử dụng cách thức của ngày hôm qua trong thế giới ngày nay sẽ không thể sống trong thế giới của ngày mai.   

Một số người tin rằng không nên làm bất cứ điều gì cho đến khi mọi người đều cho rằng nó cần được thực hiện. Vấn đề là sẽ mất rất nhiều thời gian để thuyết phục mọi người, và cho tới khi tất cả mọi người đều đồng ý thay đổi thì đã là lúc cần thực hiện cái tiếp theo khác rồi. Rất dễ hiểu vì sao một số người cho rằng tiến bộ nghĩa là dần trở nên lạc hậu. Họ biến cuộc sống thành một câu chuyện khó hiểu: Cần bao nhiêu người theo chủ nghĩa truyền thống để thay một cái bóng đèn? Câu trả lời: Bốn. Một người thay bóng và ba người còn lại để nói cho bạn biết cái bóng cũ đã tuyệt vời đến thế nào.

Cách mọi người phản ứng với thay đổi

Do mọi người không thích thay đổi nên hầu hết đều phản ứng không được tích cực cho lắm. Điều này khiến họ gặp thêm nhiều rắc rối. Dưới đây là một số lý do:

Phần lớn mọi người thay đổi vừa đủ để không gặp rắc rối, nhưng không đủ để xử lý chúng

 Phần lớn mọi người muốn thay đổi hoàn cảnh để cải thiện cuộc sống chứ không phải thay đổi bản thân để cải thiện hoàn cảnh..   

Từng giảng dạy và tư vấn cho mọi người trong nhiều năm, tôi đúc kết được rằng con người giống cô bé Lucy trong bộ truyện tranh Đậu Phộng (Peanuts). Trong một trang truyện, Lucy nói: “Nhóc, chị thấy khó chịu quá.”

Linus – em trai của cô bé trả lời rằng: “Em có thể giúp chị. Chị ra ngồi chỗ em xem TV nhé, để em làm cho chị món ăn nhẹ thật ngon lành. Đôi khi tất cả những gì chúng ta cần là được nuông chiều một chút để cảm thấy tốt hơn”.

Linus quay lại cùng một chiếc sandwich, bánh quy vụn sô-cô-la và một cốc sữa. Cậu nói, “Rồi, em còn giúp được gì nữa không? Em còn quên cái gì không nhỉ?”

“Có, có một thứ em chưa nghĩ tới.” Lucy trả lời trong khi đỡ lấy cái khay. “Chị không muốn cảm thấy tốt hơn!”

Phần lớn mọi người muốn thay đổi hoàn cảnh để cải thiện cuộc sống chứ không phải thay đổi bản thân để cải thiện hoàn cảnh. Họ nỗ lực vừa đủ để giữ mình khỏi các rắc rối của bản thân mà không bao giờ cố gắng truy đuổi tới gốc rễ vấn đề, cái mà chỉ có thể tìm thấy trong chính bản thân họ. Vì họ không muốn thay đổi nguồn gốc các vấn đề của mình nên các vấn đề đó luôn quay lại với họ.

Thay đổi tích cực và sẵn sàng học hỏi là trách nhiệm mang tính cá nhân. Tôi đồng ý với ý kiến của bạn tôi, Julio Melara, rằng: “Nếu muốn cải thiện sự nghiệp, hôn nhân, nghề nghiệp và cuộc sống của bạn, bạn phải thay đổi. Bạn đang nhìn thấy vấn đề và giải pháp cho chính nó khi nhìn vào gương. Nó bắt đầu khi bạn đưa ra quyết định. Những người có tiềm lực, dù học vấn hoặc chuyên môn như thế nào đi chăng nữa, đều nghĩ về việc cải thiện.”

Phần lớn mọi người làm cùng một việc theo cùng một cách, nhưng kỳ vọng kết quả khác nhau

Một bức thư bị trả về bưu điện. Trên bì thư có ghi “Ông ta đã chết”. Sau khi xem xét, lá thư này lại được gửi tới địa chỉ đó. Nó lại bị trả về với ghi chú: “Ông ta vẫn chết”. Chúng ta thường giống nhân viên bưu điện, gửi lại lá thư đó nhưng kỳ vọng kết quả khác đi. Bất cứ khi nào chúng ta thử làm một việc và thất bại, tại sao chúng ta luôn cố thử lại theo cách giống hệt cách cũ nhưng vẫn kỳ vọng kết quả khác đi? Điều đó thật vô nghĩa. Chúng ta muốn thay đổi cái gì? May mắn? Các định luật vật lý? Làm sao cuộc sống có thể tốt hơn nếu chúng ta không thay đổi? Làm sao chúng ta có thể trở nên tốt hơn nếu chúng ta không đối diện với những cơ hội và những người có thể giúp chúng ta phát triển?

Cuộc sống giống như bạn lên kế hoạch cho chuyến đi tới một thành phố xa xôi. Chúng ta chỉ ra đích đến, vạch ra tuyến đường và khởi hành. Nhưng chúng ta cần biết rằng sẽ có đường vòng và trở ngại phía trước. Liệu chúng ta có bỏ qua và coi như chúng không tồn tại? Chúng ta sẽ thành công đến đâu nếu nghĩ rằng Những trở ngại và hoàn cảnh sẽ phải điều chỉnh theo tôi vì tôi sẽ không đời nào thay đổi đâu? Không khả thi lắm. Chúng ta cần sẵn sàng thực hiện điều chỉnh.

Những khám phá vĩ đại nhất trong đời được phát hiện khi chúng ta sẵn sàng rời bỏ đường cái, bằng cách thử những điều bản thân chưa từng làm. Trong cuốn sách nói Tâm lý học thành tựu (The Psychology of Achievement) của mình, Brian Tracy kể câu chuyện về bốn người đàn ông cực kỳ thành công ở tuổi 35. Tính trung bình, mỗi người đã tham gia vào mười bảy vụ đầu tư trước khi tìm ra một thương vụ tạo nên thành công. Nếu họ bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên và nói rằng: “Cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ không từ bỏ công việc này”, họ sẽ mắc kẹt. Kiên trì là phẩm chất tuyệt vời. Nhưng kiên trì mà không sẵn sàng thay đổi và thực hiện các điều chỉnh cần thiết sẽ trở thành giáo điều và đi vào ngõ cụt.

 “Để phát triển, bạn phải sẵn lòng để cho hiện tại và tương lai khác hoàn toàn với quá khứ. Quá khứ không phải định mệnh của bạn.”

− Alan Cohen   

Nhà đầu tư Alan Cohen từng nói: “Để phát triển, bạn phải sẵn lòng để cho hiện tại và tương lai khác hoàn toàn với quá khứ. Quá khứ không phải định mệnh của bạn.” Tư tưởng đó cho thấy sự linh hoạt trong tâm và sự sẵn sàng thay đổi, đây chính là cái giá của sự học hỏi.

Phần lớn mọi người coi thay đổi như một sự cần thiết đầy đau đớn chứ không phải cơ hội có ích

Hãy đối mặt với thực tế: Thay đổi luôn lộn xộn. Chuyên gia quản lý Peter Drucker nhận định: “Mỗi giám đốc điều hành đều biết rằng không có cái mới nào dễ dàng. Nó luôn có rắc rối.” Khó khăn và cảm giác rắc rối đó khiến mọi người không muốn thay đổi. Nhưng cuộc sống là đổi thay. Sinh nở luôn đi kèm nỗi đau. Học ăn luôn vung vãi. Học đi luôn khó khăn và đau đớn. Những điều bạn cần học để tồn tại trong cuộc sống thực ra đều khó khăn. Nhưng lúc đó bạn không biết gì khác, bạn chỉ làm điều bạn cần để học hỏi và phát triển. Khi trưởng thành, bạn có lựa chọn. Bạn muốn né tránh nỗi đau đầy tiềm năng hay chịu đựng nó và theo đuổi cơ hội?

Chuyên gia về lãnh đạo Max De Pree thường sử dụng cụm từ “món quà của sự thay đổi”. Một cách nhìn vĩ đại. Thật không may, hầu hết mọi người không coi thay đổi là quà. Nhưng nó lại chính là quà. Mỗi lần bạn chấp nhận thay đổi là một lần bạn có cơ hội để đi theo hướng tích cực, cải thiện bản thân, từ bỏ thói quen xấu và cách thức suy nghĩ lạc hậu. Thay đổi cho phép bạn kiểm tra các giả định của mình, tư duy lại chiến lược và xây dựng các mối quan hệ. Không có thay đổi sẽ không có đổi mới, sáng tạo hoặc cải thiện. Nếu bạn sẵn sàng thay đổi, bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để quản lý thay đổi – điều mà không ai có thể tránh khỏi trong đời.

Phần lớn mọi người không phải trả giá ngay lập tức để thay đổi nhưng cuối cùng lại phải trả cái giá cao nhất do không thay đổi

Cha tôi thường nói như sau mỗi lần tôi phải đưa ra một quyết định cần có tính kỷ luật: “John, hãy trả giá ngay bây giờ để sau này con được chơi thoải mái”. Bài học đó lànội dung xuyên suốt trong cuộc sống khi tôi trưởng thành. Tại sao? Vì tôi luôn muốn được chơi! Đó là bản chất của tôi. Nhưng cha luôn bảo: “Con có thể chơi lúc này hay lúc khác, hoặc con có thể trả lúc này hay lúc khác. Nhưng nên nhớ: con vẫn sẽ phải trả. Và con đợi càng lâu, con sẽ càng phải trả nhiều, vì trả chậm luôn đi kèm lãi suất”.

Thay đổi luôn yêu cầu chúng ta một điều gì đó. Chúng ta phải trả một cái giá cho nó. Việc liên tục thay đổi và cải thiện, trong thực tế, sẽ khiến chúng ta liên tục phải thanh toán. Nhưng quá trình này bắt đầu bằng lần thanh toán đầu tiên. Lần thanh toán đó khởi đầu cho quá trình phát triển. Nếu khoản đầu tiên đó chưa được trả, sẽ không có phát triển hay học hỏi. Và cuối cùng bạn phải trả giá những gì? Bạn mất đi tiềm lực và nhận được sự hối hận.

Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng phần lớn sự hối hận không phải là kết quả của những gì chúng ta làm. Nó xuất hiện do những gì chúng ta có thể và nên làm nhưng đã không thực hiện. Cái giá cuối cùng chúng ta phải trả được gọi là cơ hội bị bỏ lỡ, và đó là một cái giá lớn.

Phần lớn mọi người chỉ thay đổi khi bị thúc đẩy bởi một trong ba điều

Cuối cùng, vì con người chống đối nó quá nhiều, thay đổi chỉ xảy ra dưới một số điều kiện nhất định. Theo kinh nghiệm của tôi, người ta sẽ thay đổi khi:

Họ thấy đau đớn đủ để cảm thấy phải thay đổi

Họ học hỏi đủ để muốn thay đổi

Họ nhận đủ để có khả năng thay đổi

Nếu một trong ba điều trên chưa xảy ra thì người ta chưa chịu thay đổi. Đôi khi có người đòi hỏi cả ba phải xảy ra trước khi họ sẵn lòng thay đổi.

Nhiều năm trước, nhà xuất bản từng đề nghị tôi bắt đầu sử dụng mạng xã hội để kết nối với mọi người. Tôi không có khiếu về kỹ thuật nên không để tâm lắm tới ý tưởng. Nhưng họ vẫn kiên trì và cuối cùng tôi bắt đầu đề cập vấn đề này với nhóm làm việc. Nhưng nói thật, tôi vẫn không hiểu nó lắm.

Rồi một tối nọ, tôi ăn tối với anh bạn Norwood Davis, hiện đang là CFO của công ty tôi, và tôi có nhắc đến Twitter với anh ta và rằng tôi không thể hiểu dùng nó để làm gì.

“Để tôi cho anh xem”, Norwood vừa nói vừa lôi điện thoại ra. Khi tôi đang ăn phần bít tết của mình, Norwood đã đăng tin nhắn rằng anh ta đang ăn tối với tôi. Trong vài phút, Norwood nhận được hàng tá lời bình luận và tin nhắn từ những người khuyến khích hoặc nhờ anh ta chuyển tin nhắn cho tôi. Và cuối cùng tôi đã hiểu ra. Twitter là cách kết nối với mọi người và giao tiếp với họ gần như ngay lập tức.

Cuối cùng tôi học hỏi đủ để muốn thay đổi. Nhưng vì tôi không biết kỹ thuật, tôi vẫn cần nhận đủ để có khả năng thay đổi. Tôi nhận được điều đó nhờ sự giúp đỡ của Stephanie Wetzel. Cô ấy lập tài khoản Twitter cho tôi, đưa tôi lên Facebook và lập trang blog của tôi. Bây giờ tôi có thể bổ sung giá trị cho hơn nửa triệu người bất kỳ lúc nào, bất kỳ ngày nào trong tuần. Và thử nghĩ xem: Tôi hơn sáu mươi lăm tuổi và mù kỹ thuật, và tôi vẫn tham gia được vào kỷ nguyên truyền thông điện tử. Đó là bằng chứng cho việcbất kỳ ai cũng có thể thay đổi nếu họ muốn làm như vậy.

Thay đổi hiếm khi xảy ra ngay lập tức

Khi viết chương này, tôi đang ở thành phố Johannesburg, Nam Phi. Chỉ vài phút trước, anh bạn Collin Sewell của tôi – người sở hữu một số mảng kinh doanh của Ford tại Texas, nhắn cho tôi câu sau, trích dẫn từ câu nói của Mark Batterson: “Chỉ cần thiếu một quyết định đúng đắn, bạn và tôi sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác.” Tôi tin rằng quyết định đúng đắn đó là tinh thần sẵn sàng học hỏi.

 “Chỉ cần thiếu một quyết định đúng đắn, bạn và tôi sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác.”

− Mark Batterson   

Quyết định thay đổi – và tiếp tục thay đổi – không chỉ đơn thuần là hành động của ý chí. Nó là một quá trình, là thứ cần được khởi động và quản lý. Quá trình và sự tiến bộ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, chúng có một số điểm tương đồng và thường tuân theo mô hình như sau:

 

  • Thông tin mới được chấp nhận. Nhìn chung, quá trình này sẽ không bắt đầu cho đến khi một loại thông tin nào đó được đưa ra và chấp nhận. Nó làm thay đổi quan điểm của con người đến nỗi họ sẽ có cách nhìn mới về sự việc.
  • Một thái độ mới được lựa chọn. Khi quan điểm của một người phải chịu thử thách và rồi bị thay đổi, nó gần như sẽ kéo theo những phản ứng tâm lý. Đây là thời điểm quan trọng. Nếu thái độ đó là tích cực, người đó sẽ bước thêm một bước. Nếu không, họ có thể sẽ phải vật lộn để vượt qua thời điểm khó khăn đó.
  • Thói quen mới được tập luyện. Khi người ta tin vào điều gì đó và cảm thấy thoải mái với nó, họ bắt đầu cư xử khác đi. Họ đưa ra các lựa chọn các nhau, hành động và phát triển những thói quen mới.
  • Lời thuyết phục tác động được tới người khác. Khi người ta thay đổi, họ tạo ra những lời thuyết phục mới. Khi cá nhân thay đổi đó giữ vị trí lãnh đạo, họ tác động tới những người khác thông qua sự đầu tư và quyền sở hữu với tầm nhìn mới của mình.

Là một lãnh đạo, tôi thấy bước cuối cùng trong quá trình trên là thú vị nhất. Nó có thể là khởi điểm cho những điều tuyệt vời trong một nhóm hoặc một tổ chức. Nó có thể thiết lập hướng đi mới, thay đổi nền văn hóa và tạo dựng động lực. Nếu bạn là người lãnh đạo thì có thể bạn cũng sẽ thích nó. Nhưng điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều làm chủ được sự thay đổi tới một mức độ mà họ sẵn sàng và có khả năng là người truyền tải và mang đến tầm nhìn. Nhưng khi họ càng cố gắng thực hiện bao nhiêu thì sự thay đổi sẽ xảy ra sớm hơn và ổn định hơn bấy nhiêu.

Tạo ra thay đổi có giá trị

Nếu bạn muốn tối đa hóa khả năng trả giá cho việc học hỏi của mình và thiết lập bản thân để thay đổi, cải thiện và phát triển, bạn cần thực hiện năm điều sau:

1. Thay đổi bản thân

Trở lại thời điểm làm tư vấn cho các cặp hôn nhân, tôi từng phát hiện rằng phần lớn mọi người đều có xu hướng chú ý vào sự thay đổi của người khác. Tôi tin rằng đây là một phần của bản tính con người: tìm kiếm sai lầm của người khác mà thu nhỏ hết cỡ sai lầm của mình. Nhưng đó không phải là cách để bạn cải thiện mối quan hệ.

Anh bạn Tony Evans của tôi viết rằng:

Nếu bạn muốn thế giới tốt đẹp hơn,

Gồm những quốc gia hùng mạnh hơn,

Nơi đó có những bang tốt hơn,

Và với những quận hạt tốt hơn,

Tạo nên bởi những thành phố xinh đẹp hơn,

Có những người hàng xóm đáng mến hơn,

Được khai sáng bởi những nhà thờ tốt hơn,

Có những gia đình hạnh phúc hơn,

Thì bạn phải bắt đầu trở thành

Một con người hoàn thiện hơn.

Nếu bạn muốn thấy thay đổi tích cực trong hôn nhân, hãy ngừng tìm kiếm người tốt hơn mà hãy trở thành người tốt hơn. Nếu bạn muốn thấy thay đổi tích cực trong sự nghiệp, hãy ngừng tìm kiếm ông chủ tốt hơn mà hãy trở thành nhân viên tốt hơn. Trong cuộc sống, nếu bạn muốn điều gì, bạn phải trở thành điều đó.

Nếu thay đổi bản thân có vẻ quá sức, hãy bắt đầu từng bước nhỏ một. Howard Markman, chuyên gia tâm lý tại Đại học Denver nói rằng: “Phần lớn các cặp đôi đang có vấn đề đều cho rằng để cải thiện mọi việc thì cần thực hiện những thay đổi cực kỳ to lớn, nếu không sẽ phải có một phép màu thì mới thành công.” Điều đó không đúng. Markman nói: “Sự đột phá xảy đến khi chúng ta nhận ra rằng bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ với bản thân, ta có thể tác động lên những thay đổi tích cực và to lớn.” Nguyên tắc đó cũng đúng với các cá nhân mong muốn thay đổi. Vì vậy nếu bạn muốn thực hiện những thay đổi to lớn, hãy bắt đầu với những thay đổi nhỏ.

2. Thay đổi thái độ

Nhiều năm trước, tôi từng đọc một lời phát biểu của học giả kiêm nhà thơ Samuel Johnson, từ đó hình thành nên nền tảng cho thái độ và sự phát triển của tôi, có đoạn là: “Anh, người có rất ít hiểu biết về bản chất con người, khi muốn kiếm tìm niềm vui bằng cách thay đổi mọi thứ ngoại trừ tâm tính của bản thân, sẽ lãng phí cuộc đời trong những nỗ lực vô ích, và làm sinh sôi những nỗi sầu khổ mà anh muốn loại bỏ.”

Cố gắng thay đổi người khác là một hành động vô ích. Không ai có thể thay đổi người khác. Tôi từng không hiểu điều này. Trong nhiều năm, cuộc đời tôi đầy những thất vọng vì sự không sẵn sàng phát triển của người khác. Trong nhiều năm, tôi đã chờ đợi họ, hy vọng họ tiến bộ. Đã rất nhiều lần tôi hy vọng tình hình sẽ thay đổi, để rồi bị thất vọng. Nếu bạn muốn thay đổi bất kỳ điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát, bạn sẽ thất vọng. Tệ hơn nữa là tôi phát hiện ra rằng khi cố gắng thay đổi những điều ngoài tầm kiểm soát, tôi bắt đầu mất kiểm soát chính những điều đó, những thứ ở trong tầm tay mà tôi có thể thay đổi, bởi tôi đã tập trung sai chỗ. Đó là cái bẫy cần tránh.

Giải pháp là gì? Thay đổi thái độ. Điều đó hoàn toàn nằm trong kiểm soát của tôi, và mặt tốt của nó là sự thay đổi này có thể là tác nhân chính trong việc thay đổi cuộc đời tôi theo hướng tích cực. Khi kiểm soát thái độ của chính mình và lựa chọn suy nghĩ đúng đắn, tôi có thể giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của những người có thái độ xấu xung quanh. Tôi có thể thấy những cơ hội ở những nơi tôi từng coi là vật cản. Và điều tuyệt nhất ở đây là, như tác giả kiêm diễn giả Wayne Dyer nói: “Khi bạn thay đổi cách nhìn nhận mọi thứ, mọi thứ bạn thấy sẽ bắt đầu thay đổi”.

3. Thay đổi những người bạn không phát triển

Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn yêu thương mọi người và trân trọng các mối quan hệ. Nhưng từ lâu tôi đã nhận ra rằng phần lớn bạn bè mình không đi chung con đường mà tôi chọn. Sau khi phát hiện tác động của sự phát triển cá nhân lên cuộc sống của một người, tôi bắt đầu chú trọng vào sự phát triển. Những người bạn của tôi lại không như vậy. Khi thấy được điều này, tôi nhận ra rằng mình phải lựa chọn giữa tương lai và bạn bè. Đó là một lựa chọn khó khăn, nhưng tôi chọn tương lai.

Mẹ tôi thường nhắc nhở rằng “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Bà hay nói như vậy vì bà muốn tôi nhận thức được bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào trong cuộc sống khi tôi còn nhỏ. Nhưng những ảnh hưởng tích cực cũng có tầm quan trọng không kém. Nếu bạn muốn làm một người trưởng thành, bạn cần dành thời gian với những người trưởng thành. Nếu bạn muốn trở thành ai đó nắm bắt được sự thay đổi tích cực, bạn cần gặp gỡ với những người học hỏi tích cực.

Có câu thành ngữ thế này: “Chiếc gương phản chiếu khuôn mặt con người, nhưng kiểu bạn bè mà họ chọn mới thể hiện con người của họ.” Bạn bè sẽ kéo dài tầm nhìn của bạn hoặc bóp nghẹt giấc mơ của bạn. Một số sẽ khơi nguồn để bạn lên tầm cao hơn. Một số khác sẽ muốn bạn gia nhập với họ trên chiếc trường kỷ của cuộc đời, nơi mà họ cố gắng ít nhất. Bạn có muốn để những người đang không trưởng thành kéo bạn xuống? Hay bạn muốn tiếp tục tiến bước? Đây có thể là một lựa chọn đau đớn và khó khăn, nhưng nó có thể làm cuộc sống của bạn thay đổi theo hướng tốt hơn.

Tôi phải thừa nhận mình rất tâm huyết với điều này, vì tôi biết nó quan trọng với thành công của một người như thế nào. Hãy nghĩ về tác động tiêu cực có thể xảy ra khi bạn dành thời gian với những người không phù hợp:

 

  • Bạn nhận được loại hình tư vấn nào khi tìm kiếm nó từ những người làm việc không hiệu quả?
  • Điều gì xảy ra khi bạn trao đổi về khó khăn với ai đó không thể đóng góp chút giải pháp?
  • Điều gì xảy ra khi bạn đi theo một người chẳng đi tới đâu cả?
  • Bạn sẽ đi tới đâu nếu hỏi đường từ một người lạc đường?

 Mỗi phút bạn dành cho những người không phù hợp sẽ làm giảm thời gian bạn có thể dành cho những người phù hợp.   

Có rất nhiều con đường trong đời dẫn tới ngõ cụt. Và có nhiều người sẽ mời bạn đi theo họ tới đó. Người khôn ngoan củng cố cuộc đời bằng những mối quan hệ bạn bè đúng đắn. Mỗi phút bạn dành cho những người không phù hợp sẽ làm giảm thời gian bạn có thể dành cho những người phù hợp. Hãy thay đổi cho hợp lý.

4. Quyết định sống khác với người bình thường

 Một trong số những câu hỏi quan trọng trong đời là “Tôi là ai?” Nhưng nó không quan trọng bằng “Tôi đang trở thành ai?”.   

Một trong số những câu hỏi quan trọng trong đời là “Tôi là ai?”.Nhưng nó không quan trọng bằng “Tôi đang trở thành ai?”. Để trả lời câu hỏi đó một cách hài lòng, chúng ta cần sử dụng một mắt xem mình đang ở đâu và mắt còn lại xem mình sẽ ở đâu. Hầu hết mọi người không làm như vậy. Họ để một mắt xem mình từng ở đâu và một mắt khác xem họ đang ở đâu. Điều đó cho họ biết họ là ai. (Một số thậm chí còn không kiểm tra bản thân nhiều như vậy). Tuy nhiên, để biết mình sẽ đi tới đâu, bạn không chỉ phải biết mình đang ở đâu mà còn phải biết bạn sẽ đi đâu và cần thay đổi như thế nào để tới được đó.

Nếu bạn quyết định thay đổi và sống một cuộc sống cao hơn mức trung bình, bạn cần làm mọi việc một cách khác biệt khi bạn nhìn về phía trước. Bạn phải…

Tư duy khác biệt

Người thành công luôn thực tế về các vấn đề của họ và tìm những cách tích cực để tiếp cận thời gian. Họ biết rằng hy vọng không phải là một chiến lược.

Xử lý cảm xúc một cách khác biệt

Những người thành công không cho phép cảm xúc quyết định hành vi. Họ xử lý cảm xúc theo cách của họ với mục đích phát triển và tiếp tục tiến lên phía trước.

Hành động khác biệt

Người thành công làm hai điều mà nhiều người khác không làm: họ bắt đầu hành động và họ hoàn thành những gì họ bắt đầu. Kết quả là họ tạo thành thói quen làm mọi việc mà những người chưa thành công không làm được.

Bạn chắc hẳn đã nghe câu nói “Nếu bạn muốn điều gì đó mà bạn chưa từng có, bạn phải làm điều gì đó bản thân chưa từng làm”. Điều đó cũng đúng với trường hợp nếu bạn muốn trở thành ai đó bạn chưa trở thành, bạn phải làm những việc mà bạn chưa từng làm. Điều đó nghĩa là thay đổi những việc bạn làm hàng ngày. Bí mật của thành công có thể tìm thấy trong những việc bạn thường làm mỗi ngày. Những người bình thường không làm việc thêm mỗi ngày để tiếp tục trưởng thành và thay đổi.

5. Gạt bỏ những gì bạn biết để học những điều bạn chưa biết

Cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp Satchel Paige từng nói: “Không phải những gì bạn không biết làm bạn tổn thương mà là những gì bạn biết mới không làm bạn tổn thương.” Điều đó rất đúng. Có rất nhiều điều mà mỗi chúng ta học được lại không phù hợp, và chúng ta phải học cách từ bỏ chúng nếu muốn tốt hơn. Gạt bỏ những điều này có thể rất khó, nhưng đó là một cái giá khác mà chúng ta phải trả nếu muốn trưởng thành.

Gần đây, tôi đọc một bài báo của chuyên gia huấn luyện lãnh đạo Lance Secretan mà trong đó mô tả quá trình ông làm việc với các vận động viên trượt tuyết cấp độ trung, và vào một ngày ông dạy cho họ kỹ thuật trượt nâng cao trên các ụ tuyết và các cung đườngkim cương đen đúp (kỹ thuật chỉ dành cho dân chuyên nghiệp). Ông nói rằng thực hiện được các kỹ thuật một cách nhanh chóng như vậy có thể khiến nhiều tay trượt chuyên nghiệp bối rối. Nhưng Secretan nói rằng bí mật không nằm ở việc giúp người trượt học kỹ thuật mới mà là ở việc giúp họ gạt bỏ đi một số thứ mà họ đang có. Ông viết:

Khi sợ hãi, bạn “vôi hóa” thái độ và niềm tin của mình – bạn dựa vào những điều quen thuộc và khép kín tâm trí. Học thêm cái mới là không thể và tính hiệu quả bị suy yếu. Một vận động viên trượt tuyết cấp độ trung, đối mặt với đoạn dốc 60 độ, sẽ tìm tới thói quen cũ – kỹ thuật snowplow (ván trượt được tạo thành hình chữ V để giảm tốc độ) hoặc side slipping (ván trược được đặt 90 độ so với độ nghiêng của dốc). Chừng nào họ chưa gạt được các thói quen cũ sang một bên, họ chưa thể tiến bộ.

Việc gạt bỏ là điều kiện tiên quyết để trưởng thành. Gạt bỏ giống như nhìn thế giới bằng con mắt mới. Để gạt bỏ, bạn phải: 1) thừa nhận rằng một thực tế, niềm tin hoặc thái độ cũ không thể xử lý vấn đề hiện tại và việc tiếp tục sử dụng sẽ không dẫn tới kết quả mong muốn; 2) khai mở tâm trí – nhường đường cho quan điểm rằng có những cách thay thế khác đối với cách thức bạn luôn thực hiện cho đến tận lúc này; 3) chuyển đổi từ việc cố gắng hợp lý hóa việc sử dụng các biện pháp ưa thích sang đặt các câu hỏi làm thế nào để thay đổi, học hỏi và trưởng thành, 4) cam kết hủy bỏ cách cũ mãi mãi; và 5) luyện tập và hoàn thiện cách mới.

 “Đừng bao giờ từ bỏ quyền phạm sai lầm, vì khi đó bạn sẽ mất khả năng học hỏi điều mới và tiến lên phía trước trong cuộc đời”.

− David Burns   

Gạt bỏ những cách làm lạc hậu hoặc sai lầm có thể rất khó khăn. Chúng ta có xu hướng ỷ lại vào những gì mình biết, thậm chí cho dù nó không phải là tốt nhất cho chúng ta. Đây là bí mật cho phép bạn mắc sai lầm và sẵn sàng thay đổi để tốt hơn. Nhà tâm lý học David Burns nói như thế này: “Đừng bao giờ từ bỏ quyền phạm sai lầm, vì khi đó bạn sẽ mất khả năng học hỏi điều mới và tiến lên phía trước trong cuộc đời.”

Thay đổi luôn khó khăn với tất cả chúng ta nhưng nó là yếu tố thiết yếu nếu chúng ta muốn biến mất mát thành lợi ích. Đó là cái giá bạn phải trả để học hỏi. Và đừng để bất kỳ ai bảo bạn là “Tre già khó uốn” hay “Bạn không thể dạy trò mới cho con chó già”. Nhiều người huấn luyện chó đã chứng minh câu nói này sai. Ngoài ra, các quan điểm trong chương này không dành để nói về những con chó già và cũng chẳng có trò nào cả. Chúng dành cho những người như tôi và bạn, những người muốn thay đổi, học hỏi và trưởng thành. Và chúng ta làm được – nếu sẵn sàng trả giá.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.