Học Từ Thất Bại

13 Không phải chiến thắng, Học hỏi mới là tất cả



Tôi nhớ từng đọc một mẩu truyện tranh Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan (For better or worse) kể về một cậu bé chơi cờ với ông mình. “Ôi, không! Lại thế rồi!”, cậu bé hét lên, “Ông nội, ông cứ thắng suốt!”

“Cháu muốn ta làm gì nào,” ông cậu bé hỏi, “cố tình thua? Cháu sẽ chẳng học được gì nếu ông làm thế.”

“Cháu không muốn học gì hết”, cậu bé phàn nàn, “Cháu chỉ muốn thắng!”

Cũng như bất kỳ điều gì tôi từng thấy, câu chuyện này nắm bắt chính xác cách mà hầu hết chúng ta cảm nhận. Chúng ta chỉ muốn thắng! Thực ra, không phải chiến thắng mà học hỏi mới là tất cả.

Kết luận về học hỏi

Nhà văn Doug Adams từng nói: “Bạn sống và học hỏi. Dù bạn giàu hay nghèo.” Bạn có thể chiến thắng mà không học hỏi. Tuy nhiên, đối với một người đặt chiến thắng lên trên học hỏi, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn.

Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là để giúp bạn biết cách học hỏi – từ thất bại, sai lầm, mất mát, thách thức và những trải nghiệm xấu. Tôi muốn bạn trở thành người luôn chiến thắng với tư cách là một người có thói quen học hỏi. Để giúp bạn, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ sau cùng về việc học hỏi để phần nào hướng dẫn bạn bước tiếp về phía trước.

1. Học hỏi thường giảm sút khi có nhiều chiến thắng

 “Thành công là một giáo viên tồi. Nó khiến người thông minh cho rằng họ không thể thất bại.”

− Bill Gates   

Trong bữa tối nhiều năm trước tại Odessa, Texas, tôi có dịp trò chuyện với Jim Collins, tác giả cuốn Từ tốt tới vĩ đại (From Good to Great). Jim là người có tư duy tốt và tôi thích thảo luận về tinh thần lãnh đạo với ông. Lúc đó, kinh tế rất nhộn nhịp và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức dưới 4%. Chúng tôi nói chuyện về mối nguy hại của sự tự mãn khi người ta đang chiến thắng. Họ bị cám dỗ để thư giãn và dừng lại khi mọi thứ đang trôi chảy. Và Jim đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta tiếp tục phát triển, tiến bộ và tốt hơn nữa, khi những gì chúng ta có đã khá tốt rồi?”

Sự tự mãn là mối nguy mà bất kỳ người thành công nào cũng gặp phải. Bill Gates, người sáng lập Microsoft, từng nhận định: “Thành công là một giáo viên tồi. Nó khiến người thông minh cho rằng họ không thể thất bại”. Nó cũng khiến họ nghĩ rằng họkhông cần học hỏi.

Tổn thất lớn nhất với thành công ngày mai chính là thành công của hôm nay. Ta có thể thấy rõ vấn đề này bằng nhiều cách. Dưới đây là một số cách mà tôi thấy phổ biến nhất:

 

  • Từng ở đó, từng làm điều này: Một vài người chạm được đến cột mốc quan trọng và họ biến nó thành hầm mộ. Họ thấy nhàm chán, mất đi sự tò mò và dừng lại. Đừng để điều đó xảy ra với bạn.
  • Tiệc ăn mừng: Khi bạn thành công, mọi người muốn nghe bạn kể chuyện. Tuy nhiên, điều thực sự đáng ngại ở đây là bạn có thể thay hành động bằng lời nói. Chuyên gia tư vấn Gail Cooper khuyên rằng: “Khi bạn giành được giải thưởng, hãy đặt nó ở hành lang và quay trở lại làm việc.”
  • Thành công đảm bảo thành công: Chỉ vì bạn có thể làm tốt việc gì đó không có nghĩa bạn có thể làm tốt mọi việc. Khi bạn chiến thắng, hãy duy trì quan điểm của mình.
  • Truyện thần thoại về “lấy đà”: Khuynh hướng tự nhiên của con người sau mỗi chiến thắng là nghỉ ngơi. Đây là ý tưởng tồi. Khi bạn chiến thắng, hãy lợi dụng bước đà này. Bạn sẽ làm được những điều tưởng như không thể.
  • Những kỳ quan “một lần”: Bạn đã bao giờ nghe kể về ai đó từng thành côngmột lần và vẫn đang bay bổng vì điều đó? Lấy nền tảng dựa trên ngày hôm qua là một ý tưởng tốt, nhưng sống trong hôm qua thì thật tồi tệ.
  • Tư tưởng quyền lực: Người được thừa hưởng thứ gì đó mà họ không thực sự đấu tranh giành lấy nó thì thường cho rằng họ đáng được nhiều hơn. Đó là lý do vì sao nhiều công việc kinh doanh được thừa kế thường lụn bại. Để tiếp tục chiến thắng, bạn cần duy trì niềm đam mê và tiếp tục học hỏi.
  • Chơi không phải để thua: Sau khi chiến thắng, người ta trở nên thận trọng và bảo thủ. Họ lo lắng khi đứng trên đỉnh cao. Do không muốn làm điều gì đó ngu ngốc, họ lại làm điều ngớ ngẩn; họ tập trung cho việc không bị thua thay vì để chiến thắng.
  • Bước tới đỉnh cao: Một vài người quá tập trung vào một mục tiêu cụ thể tới mức dừng lại khi đạt được nó, vì họ tin rằng họ đã làm được. Tư tưởng đó có sức mạnh khiến họ không thực hiện được.

Bất kỳ thái độ sai lầm nào ở trên đều có thể nhanh chóng biến người chiến thắng thành kẻ thất bại. Bạn có thể đã nghe câu “Nguyên tắc số một của chiến thắng là không tự đánh bại mình!” Có một số cách phổ biến mà người ta thường lạc bước khi đạt được thành công nhất định. Tiểu thuyết gia John Steinbeck đã đưa ra bình luận sâu sắc về lý do điều này xảy ra. Trong lá thư gửi Adlai Stevenson được xuất bản trên tờ Washington Post ngày 28 tháng 1 năm 1960, Steinbeck viết: “Chúng ta là giống loài kỳ lạ. Chúng ta có thể chịu được bất kỳ thứ gì Chúa và thiên nhiên ném cho chúng ta và chỉ lưu lại sự sung túc. Nếu tôi muốn hủy hoại một quốc gia, tôi sẽ cho nó thật nhiều và sẽ khiến nó phải quỳ gối: đau khổ, tham lam và bệnh tật.”

 Nguyên tắc số một của chiến thắng là không tự đánh bại mình!   

Nếu bạn muốn tiếp tục học hỏi và phát triển, bạn cần duy trì niềm đam mê. Tùy thuộc vào cá tính của bạn, chiến thắng có thể xóa sổ một số ham muốn chiến thắng thêm lần nữa của bạn. Vậy nên thay vào đó, hãy duy trì ham muốn học hỏi. Khi đó, dù bạn chiến thắng hay thất bại, bạn sẽ luôn trở nên tốt hơn.

2. Học hỏi chỉ khả thi khi tư duy của bạn thay đổi

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao những người trúng số thường mất hết tiền bạc? Nó vẫn luôn xảy ra. Một ngày nọ họ nắm trong tay tấm séc hàng triệu đôla và vài năm sau họ mất tất cả. Tại sao vậy? Lý do họ mất tiền là vì không chịu thay đổi tư duy. Họ có thể nhận khoản tiền mới nhưng vẫn giữ lối tư duy cũ. Những gì chúng ta có không quyết định thành công của chúng ta, mà là cách thức tư duy của chúng ta. Nếu họ từ bỏ tư duy của mình, họ có thể nắm giữ được của cải.

Tôi thấy có ba mô hình tư duy tích cực đặc thù của người luôn học hỏi. Hãy làm theo và bạn sẽ có khả năng luôn thay đổi lối tư duy theo cách liên tục học hỏi:

Đừng để điều bạn biết khiến bạn nghĩ rằng mình “biết tuốt”

Nhà văn kiêm triết học gia J. Krishnamurti từng nhận định: “Biết là để lãng quên. Không biết là khởi đầu của sự khôn ngoan”. Khi bạn chiến thắng, học hỏi và phát triển, bạn đối mặt với suy nghĩ thực sự nguy hiểm rằng bạn biết tất cả. Đừng để điều đó xảy ra! Bạn đơn giản là không thể học hỏi điều mà bạn cho rằng mình đã biết.

 “Biết là để lãng quên. Không biết là khởi đầu của sự khôn ngoan.”

− J. Krishnamurti   

Tôi phải rất cố gắng để bản thân không rơi vào cái bẫy này. Tôi bắt đầu đam mê nghiên cứu về lãnh đạo từ năm 1974. Trong gần bốn thập kỷ sau đó, tôi đọc hàng nghìn bài báo và cuốn sách viết về lãnh đạo, gặp hàng nghìn nhà lãnh đạo, tham dự hàng trăm sự kiện về lãnh đạo, liên tục xử lý các vấn đề về lãnh đạo, viết hàng trăm bài học về lãnh đạo, diễn thuyết trước hàng triệu người về chủ đề này và đã viết hơn bảy mươi cuốn sách. Tôi đã tới đích? Chưa! Tôi vẫn là một sinh viên học hỏi tinh thần lãnh đạo và vẫn chịu thách thức để trở thành nhà lãnh đạo tài giỏi hơn.

Một trong số những điều giúp tôi luôn thích thú học hỏi các suy nghĩ mới về lãnh đạo chính là đam mê của tôi về chủ đề này. Tôi vẫn đặt câu hỏi với các nhà lãnh đạo khác về việc lãnh đạo. Tôi vẫn tìm tòi. Tôi chưa tới mức biết mọi thứ về nó, và không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được như vậy. Tôi không muốn dừng bước. Bạn nên đam mê một điều gì đó bất kỳ như thể bạn được sinh ra trên trái đất này là để thực hiện điều đó. Nếu bạn có thể duy trì tư tưởng của một người mới bắt đầu cho đến phút cuối, tư duy của bạn sẽ luôn thay đổi và bạn sẽ luôn phát triển.

Duy trì thái độ tinh thần tích cực

Nhà văn kiêm nhà tư tưởng G. K. Chesterton từng nói: “Cách thức chúng ta tư duy khi thất bại quyết định chúng ta sẽ mất bao lâu để thành công.” Tôi cho rằng phần then chốt của lối tư duy đúng đắn tới từ việc duy trì sự tích cực. Bạn làm điều đó bằng cách nào? Bằng cách luôn trau dồi các suy nghĩ tích cực trong tâm trí cộng với việc đọc những cuốn sách tích cực, thu thập những lời trích dẫn tích cực và lắng nghe những thông điệp tích cực. Làm như vậy, bạn cung cấp nguyên liệu tích cực cho tư duy của mình, và bạn luôn tập trung tinh thần vào những điều khuyến khích bạn.

 Duy trì thái độ tích cực một cách nhất quán chính là đồng minh lớn nhất cho việc phát triển và học hỏi.   

Khi những ý kiến tiêu cực và suy nghĩ chán nản muốn nhảy vào và biến bạn thành kẻ tiêu cực, bạn đã có sẵn hàng rào ngăn cách chúng. Tư duy theo lối tích cực đủ lâu sẽ giúp những suy nghĩ tích cực mạnh mẽ hơn suy nghĩ tiêu cực cả về chất lượng lẫn số lượng.

Duy trì thái độ tích cực một cách nhất quán chính là đồng minh lớn nhất cho việc phát triển và học hỏi. Nếu bạn có thể duy trì tính tích cực, thậm chí khi mọi việc không ổn thỏa, bạn sẽ không phải đổ một giọt mồ hôi nào. Thái độ của bạn chính là: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với tôi hôm nay cũng có khả năng dẫn tới điều tốt đẹp nhất xảy ra ngày hôm nay.

Nắm bắt sáng tạo trong mỗi tình huống

Có một câu đố kinh điển thử thách trí não cho thấy sức mạnh của suy nghĩ sáng tạo mà tôi đôi khi chia sẻ với mọi người trong khi giảng dạy. Đó là: hãy dùng bốn đường thẳng để nối chín điểm bên dưới mà không đi qua bất kỳ điểm nào hai lần hoặc không cần nhấc bút khỏi giấy lần nào.

Bạn đã thử chưa? Phần lớn mọi người đều gặp khó khăn khi lần đầu gặp câu đố này. Bí mật nằm ở việc bạn phải Suy nghĩ vượt khuôn khổ!(Nếu bạn vẫn không chắc làm thế nào để giải câu đố, lời giải nằm ở cuối chương này.)

Suy nghĩ vượt khuôn khổ là chìa khóa dẫn tới suy nghĩ sáng tạo, có thể giúp bạn duy trì sự phát triển và học hỏi. Vấn đề là phần lớn chúng ta cho rằng bản thân phải ở trong khuôn khổ, duy trì trong các giới hạn, và tiếp tục như vậy. Ai nói vậy? Không có giới hạn nào đối với cách thức ta tư duy hay cách thức ta tiếp cận và xử lý vấn đề.

Sáng tạo là khả năng giải phóng bản thân khỏi các rào chắn tưởng tượng để thấy được các mối liên hệ mới, khám phá thêm nhiều lựa chọn mới để có thể đạt được nhiều điều giá trị hơn. Thứ khiến con người không thể đạt được điều này chính là vì họ cho phép “rào chắn tưởng tượng” đó cầm tù suy nghĩ và hành động của mình. Thật tuyệt, các lựa chọn hiệu quả là phần thưởng cho việc trở nên sáng tạo hơn. Học hỏi tốt hơn xuất phát từ tư duy tốt hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi.

3. Học hỏi được định nghĩa là sự thay đổi hành vi

Danh hài Will Rogers từng nói: “Có ba loại người. Một loại học hỏi bằng cách đọc, một số khác học bằng cách quan sát, và còn lại là những người tè bậy lên hàng rào điện và tự cảm nhận.” Oái. Đau quá. Hãy đối mặt với điều này: Một số người chỉ học mọi thứ theo cách đau khổ.

Tôi từng nghe Ken Blanchard, tác giả kiêm chuyên gia tư vấn nói rằng: “Bạn chưa học hỏi bất kỳ điều gì cho tới khi bạn hành động và sử dụng nó”. Theo tôi, đó là quan điểm đúng đắn về học hỏi. Nó được cân đo bởi hành động cụ thể. Đó là lý do mà huấn luyện viên John Wooden thường nói với các cầu thủ của mình rằng: “Đừng nói với tôi các anh định làm gì, hãy cho tôi thấy các anh sẽ làm gì.”

Khoảng cách lớn nhất trong cuộc sống là giữa biết và thực hiện. Tôi không thể đếm được mình đã gặp bao nhiêu người biết họ cần phải làm gì nhưng vẫn không chịu hành động. Đôi khi là do sợ hãi. Số khác là do lười. Một số khác do rối loạn chức năng tình cảm. Vấn đề là biết phải làm gì nhưng không thực hiện sẽ chẳng tốt hơn so với không biết phải làm gì là mấy. Nó cho cùng một kết quả: sự đình trệ. Bạn không thực sự học hỏi điều gì đó cho tới khi bạn đem nó vào cuộc sống. Hoặc như nhà thơ Ralph Waldo Emerson từng nói: “Cuộc sống là một chuỗi các bài học nối tiếp nhau mà bạn phải đem vào cuộc sống mới hiểu được.”

Anh bạn Dave Ramsey của tôi, một chuyên gia tài chính, từng viết sách, giảng dạy trong các buổi hội thảo, và dẫn một chương trình phát thanh của nghiệp đoàn, đánh giá rất cao việc hành động trong những bài giảng và tư vấn cho mọi người về tài chính và tiền bạc. Trong một lần phỏng vấn, anh nói rằng: “Tôi thấy rằng vấn đề tài chính cá nhân có tới 80% là do hành vi. Mọi người cố gắng khắc phục các vấn đề tài chính bằng toán học. Nhưng nó không phải là vấn đề về toán học hay nhận thức, mà là hành vi. Vấn đề đối với tiền của tôi chính là thằng ngốc cùng tôi cạo râu mỗi sáng. Nếu tôi không thể khiến anh chàng trong gương cư xử cho đúng đắn, anh ta có thể gầy nhom và giàu có. Chả có gì kỳ diệu.” Đúng vậy. Biến học hỏi thành thay đổi hành vi không cần tới phép màu. Nhưng bản thân nó là một phép màu. Nó có thể thay đổi cuộc đời bạn.

4. Liên tục thành công là kết quả của việc liên tục thất bại và học hỏi

 “Nếu bạn không thể mắc sai lầm, bạn chẳng thể làm được gì.”

− Marva Collins   

Marva Collins – giáo viên ở Chicago đã nói rằng: “Nếu bạn không thể mắc sai lầm, bạn chẳng thể làm được gì.” Quá đúng. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải sẵn sàng thất bại, và bạn phải có ý định học hỏi từ thất bại đó. Nếu bạn sẵn sàng lặp lại quá trình thất bại và học hỏi, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và tốt hơn trước.

Trong cuốn sách Những bài học lớn nhất của cuộcsống (Life’s Greatest Lessons), Hal Urban đã mô tả quá trình này. Ông gọi nó là “Mạnh mẽ ở những thời điểm suy sụp?”. Urban viết:

Gần cuối cuốn Giã từ vũ khí (A Farewell to Arms), Ernest Hemingway viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình về Thế chiến thứ nhất rằng: “Thế giới làm mọi người suy sụp và sau đó nhiều người trở nên mạnh mẽ tại những thời điểm có thể khiến người ta suy sụp”. Thế giới thực sự làm mọi người suy sụp, và không chỉ một lần. Giống như những mảnh xương gãy trở nên mạnh mẽ hơn sau khi hồi phục, chúng ta cũng vậy. Tất cả tùy thuộc vào thái độ và lựa chọn của chúng ta. Ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn tại những thời điểm suy sụp nếu lựa chọn học hỏi từ sai lầm, chỉnh lại hướng đi và cố gắng thêm lần nữa. Các thất bại trong đời mặc dù rất đau đớn nhưng có thể là những trải nghiệm học hỏi giá trị nhất và là suối nguồn lớn nhất để chúng ta làm mới sức mạnh của mình. Như tướng George S. Patton từng nói: “Thành công là cách mà bạn bật dậy sau khi bị đánh ngã”.

 “Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thất bại và học hỏi từ nó, nếu bạn sẵn sàng coi thất bại là ngụy trang của phước lành và biết bật dậy, bạn có thể làm chủ được một trong những lực lượng thành công mạnh mẽ nhất.”

− Joseph Sugarman   

Tôi hy vọng bạn sẽ bật dậy thật nhanh – và tiếp tục như vậy. Với mỗi lần bật dậy tiếp theo, bạn sẽ tiến bước cao hơn và xa hơn. Thành công trong cuộc sống chính là: khả năng học hỏi để tiếp tục bật dậy. Như tác giả kiêm nhà đầu tư Joseph Sugarman từng nói: “Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thất bại và học hỏi từ nó, nếu bạn sẵn sàng coi thất bại là ngụy trang của phước lành và biết bật dậy, bạn có thể làm chủ được một trong những lực lượng thành công mạnh mẽ nhất.”

Tập trung và mạo hiểm khi bạn chiến thắng thất bại, và học hỏi

Khi bạn bước tiếp trong cuộc đời và lao động để đạt được thành công, hãy nhớ rằng quá trình này đi kèm rủi ro, dẫn tới thất bại, và đem lại nhiều cơ hội học hỏi. Bất kỳ lúc nào bạn thử điều gì đó mới mẻ, bạn phải mạo hiểm. Đó là một phần của học hỏi. Nhưng có một thứ nghệ thuật kiểm soát được rủi ro đó, và nó xuất phát từ việc kết hợp thành công hai vùng sau đây để có được thành công trong cuộc sống: vùng sức mạnh – nơi mà bạn làm việc tốt nhất; và vùng thoải mái – nơi bạn cảm thấy an toàn.

Để tối đa hóa thành công, bạn phải tạo nên nhiều thành công và thất bại nhất. Để làm vậy, bạn cần bước vào vùng sức mạnh nhưng ra khỏi vùng thoải mái. Dưới đây là cách mà nó hoạt động:

VÙNG SỨC MẠNH

Ngoài vùng Sức mạnh của bạn

Ngoài vùng Sức mạnh của bạn

Trong vùng Sức mạnh của bạn

Trong vùng Sức mạnh của bạn

VÙNG THOẢI MÁI

Ngoài vùng thoải mái của bạn

Trong vùng thoải mái của bạn

Trong vùng thoải mái của bạn

Ngoài vùng thoải mái của bạn

KẾT QUẢ

Hiệu suất thấp – Không thể chiến thắng

Hiệu suất Trung bình – Không thể chiến thắng

Hiệu suất tốt – Có thể chiến thắng

Hiệu suất tuyệt vời – Luôn chiến thắng

Nói thật nhé, sự khôn ngoan và tập trung vào giáo dục truyền thống là để vực dậy điểm yếu của bạn. Nhưng không phải là nơi bạn làm việc tốt nhất. Người ta không thành công nếu họ tập trung thời gian và sức lực ở ngoài vùng sức mạnh. Bạn phải có được phần lớn sức mạnh của mình. Đó là nơi cư trú cho năng suất của bạn. Nghiên cứu gần đây của tổ chức Gallup đã chỉ ra điều này và được thảo luận rộng rãi trong các cuốn sách Công cụ kiếm tìm thế mạnh (Strengths Finder) và các công cụ kiểm nghiệm mà họ phát hành.

Khi mà thành công lớn nhất của bạn nằm trong vùng sức mạnh, thất bại lớn nhất của bạn cũng xảy ra ở đó. Tại sao tôi nói vậy? Vì bạn sẽ hồi phục nhanh nhất và học hỏi nhiều nhất ở nơi mà tài năng và kỹ năng của bạn mạnh mẽ nhất. Giả sử tôi thử một điều mới khi lên bục diễn thuyết cho khán giả, và nó thất bại thảm hại. Tôi chắc chắn rất nhanh sẽ tìm ra chỗ sai ở đâu. Tôi thậm chí có thể chẩn đoán được vấn đề và thực hiện các điều chỉnh cần thiết khi vẫn đang diễn thuyết. Và vì tôi làm việc trong vùng sức mạnh của mình, tôi hiểu được vấn đề và sẽ không lặp lại lỗi đã mắc.

Ngược lại, giả sử tôi có vấn đề với cái ô tô của mình. Tôi đang lái trên đường và nó ngừng hoạt động. Điều duy nhất tôi biết phải làm là kiểm tra bình xăng. Nếu đó không phải là vấn đề, tôi chắc chắn không biết phải làm thế nào để xử lý nó. Điều duy nhất tôi có thể làm trong tình huống đó là gọi thợ sửa. Và thậm chí nếu anh ta có giải thích chính xác lỗi ở đâu, tôi sẽ vẫn không thể làm gì nếu vấn đề này lại xảy ra trong tương lai. Tại sao? Vì nó hoàn toàn nằm ngoài vùng sức mạnh của tôi.

Tôi chắc chắn rằng quá trình này cũng tương tự đối với bạn. Nếu bạn nằm ngoài vùng sức mạnh, vấn đề là một điều bí ẩn. Nếu bạn trong vùng sức mạnh, vấn đề là một thách thức, một trải nghiệm học hỏi và một lối đi để tiến bộ. Đó là lý do bạn cần ra khỏi vùng thoải mái bằng cách thực hiện mạo hiểm trong khi vẫn hoạt động trong vùng sức mạnh. Khi bạn chấp nhận mạo hiểm, bạn học hỏi mọi thứ nhanh hơn người khác. Bạn trải nghiệm. Bạn học hỏi được điều gì có hiệu quả và điều gì không. Bạn vượt qua chướng ngại nhanh hơn người chơi an toàn và có thể phát triển từ những trải nghiệm đó.

Nhà lý luận chính trị Benjamin Barber từng nói: “Tôi chia thế giới thành những người học hỏi và những người không học hỏi. Có những người học hỏi, mở cửa với những điều xảy ra quanh họ, lắng nghe, tiếp nhận bài học. Khi họ làm điều ngu ngốc, họ sẽ không lặp lại điều đó. Và khi họ làm được điều gì có chút hiệu quả, họ thậm chí sẽ làm tốt hơn và chăm chỉ hơn trong lần tiếp theo. Câu hỏi đặt ra không phải là bạn đang thành công hay thất bại, mà là bạn có đang học hỏi hay không.”

Tiếp tục leo cao

Nền giáo dục vĩ đại nhất bạn từng nhận được sẽ tới từ những mạo hiểm trong vùng sức mạnh của bạn. Mạo hiểm mà không có kỹ năng sẽ khiến bạn nản lòng hơn và liên tục thất bại. Mạo hiểm có kỹ năng sẽ dẫn bạn tới việc tăng cường học hỏi và thành công.

Tôi không biết đỉnh Everest trong cá nhân bạn là cái gì – bạn được sinh ra để làm gì. Mỗi người đều khác nhau. Nhưng tôi biết điều này: thành công hay thất bại, bạn cần cố gắng lên tới đỉnh. Nếu không, bạn sẽ luôn hối hận vì điều này. Khi già hơn, bạn sẽ thấy bản thân càng thất vọng hơn về những việc bạn không làm chứ không phải những việc bạn đã cố gắng nhưng thất bại. Sau đây là tin tốt nhất. Mỗi bước leo tới đỉnh đều có điều để học hỏi. Bạn đang theo học toàn thời gian tại một trường học không chính thức có tên là cuộc sống. Ở đó, không có sai lầm nào, chỉ có bài học. Trưởng thành là một quá trình của thử nghiệm và thất bại, trải nghiệm và tiến bộ. Những trải nghiệm thất bại cũng nhiều như những trải nghiệm thành công trong quá trình đó.

Những bài học bạn có cơ hội học hỏi được ban tặng dưới nhiều hình dạng khác nhau. Thất bại trong việc học hỏi và bạn sẽ bế tắc, không thể bước tiếp. Học hỏi bài học và tiến về phía trước, đi tới bài học tiếp theo. Và nếu bạn thực hiện đúng, quá trình này sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc đời không lúc nào không có bài học. Nếu bạn vẫn tồn tại, nghĩa là bạn vẫn có cơ hội tiến lên phía trước để học hỏi. Bạn chỉ cần sẵn sàng giải quyết chúng. Bạn có tất cả các công cụ và nguồn lực cần thiết. Lựa chọn là do bạn. Những người khác sẽ tư vấn cho bạn. Một số có thể có ích cho bạn, nhưng bạn phải kiểm nghiệm trước. Đôi khi bạn sẽ chiến thắng. Đôi khi bạn thất bại. Nhưng mỗi lần như vậy, bạn sẽ có cơ hội tự hỏi mình: “Tôi đã làm gì?”. Nếu bạn luôn có câu trả lời cho câu hỏi này, bạn có thể tiến xa. Và bạn sẽ yêu thích chuyến đi này.

Lời giải cho câu đố trang 243:

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.