Lựa Chọn Của Trái Tim
CHƯƠNG 18
Ngôi nhà họ xây là nơi Travis có thể hình dung mình sẽ ở suốt quãng đời còn lại. Dù mới, song nó đã mang hơi ấm của con người ngay từ khi họ dọn vào. Anh nghĩ điều này là do Gabby đã lao động vất vả để tạo ra một ngôi nhà khiến người ta cảm thấy dễ chịu ngay từ khi cửa mở.
Cô là người chăm lo các tiểu tiết khiến căn nhà trở nên sống động. Trong khi Travis hình dung ra kết cấu về mặt về mặt diện tích, vật liệu xây dựng có thể chống chọi với sự nhiễm mặn và những mùa hè ẩm ướt, Gabby đưa vào ngôi nhà những yếu tố tổng hợp từ nhiều nguồn mà anh chưa từng nghĩ tới. Một lần, khi đang trong quá trình thi công, họ lái xe qua một ngôi nhà trang trại đổ nát, bỏ hoang từ lâu, Gabby cứ khăng khăng đòi anh đỗ lại. Lúc đó, anh đã quen dần với những chuyến phiêu diêu thảng hoặc của trí tưởng tượng cô. Anh chiều cô, và chẳng mấy chốc họ đã đi qua nơi từng là ngưỡng cửa. Họ bước qua sàn nhà phủ bụi và cố phớt lờ đám dây leo chằng chịt xuyên qua những bức tường nứt, những cửa sổ toang hoang. Tuy nhiên, dọc theo bức tường đằng xa, là một cái lò sưởi, bồ hóng bám dày, Travis còn nhớ khi ấy anh nghĩ rằng bằng cách nào đó cô đã biết trước có nó ở đó. Cô ngồi xổm xuống bên lò sưởi, di tay dọc hai bên cạnh và dưới mặt lò. “Anh thấy không này? Em nghĩ nó bằng gạch ốp sơn thủ công,” cô nói. “Phải có đến hàng trăm viên ghép lại, có khi còn hơn. Anh có thể tưởng tượng nó đẹp đến thế nào khi còn mới không?” Cô nắm lấy tay anh. “Chúng ta phải làm gì đó giống thế này.”
Dần dần, căn nhà bắt đầu có những điểm nhấn mà trước đây anh chưa bao giờ tưởng tượng ra. Họ không chỉ sao chép phong cách của cái lò sưởi đó; Gabby đã tìm thấy chủ nhân, tới tận nhà và thuyết phục họ để cô mua lại toàn bộ lò sưởi với giá rẻ hơn tiền công lau chùi nó. Cô muốn phòng khách có những chiếc rầm lớn bằng gỗ sồi và trần kiểm vòm bằng gỗ thông dẻo, những chi tiết này có vẻ rất hợp với đường viên mái đầu hồi. Tường nhà xây bằng thạch cao, gạch, hoặc giấy dán nhiều họa tiết sặc sỡ, một số trông như phủ da, tất cả không hiểu sao đều giống như những tác phẩm nghệ thuật. Cô dành suốt những ngày nghỉ cuối tuần để sắm sửa đồ nội thất cổ và những đồ vật trang trí lặt vặt, và đôi khi dường như chính căn nhà cũng biết cô đang cố gắng hoàn thành điều gì. Khi cô tìm thấy một chỗ cọt kẹt trên sàn gỗ cứng, cô đi đi lại lại với nụ cười xếch đến mang tai trên khuôn mặt, để biết chắc rằng không phải mình vừa tưởng tượng ra. Cô yêu những tấm thảm, càng nhiều họa tiết sặc sỡ càng tốt, chúng nằm rải rác một cách tự do phóng khoáng khắp căn nhà.
Cô cũng rất thực tế. Căn bếp, các phòng tắm và phòng ngủ đều thoáng đãng, ngập sáng và lấp lánh hiện đại, với những khung cửa sổ lớn nhìn ra quang cảnh tuyệt vời. Phòng tắm chính có một chiếc bồn có chân và buồng tắm vòi sen rộng rãi có vách kính. Cô muốn một gara lớn có nhiều khoảng trống cho Travis. Đoán rằng họ sẽ dành nhiều thời gian trên hiên hè bao quanh nhà, cô nằng nặc đòi một cái võng và những chiếc ghế bập bênh đồng bộ, cùng một vỉ nướng ngoài trời và chỗ ngồi được bố trí sao cho ngay cả trong những cơn bão, họ vẫn có thể ngồi bên ngoài mà không bị ướt. Hiệu quả toàn diện là khi người ta không biết mình cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong nhà hay ngoài trời; kiểu nhà mà một người nào đó có thể bước vào với đôi giày lấm bùn mà không gặp rắc rối gì. Và đêm đầu tiên trong ngôi nhà mới, khi họ đang nằm trên chiếc giường có mái, Gabby đã lăn sang phía Travis với vẻ mặt hoàn toàn mãn nguyện, giọng cô gần như tiếng mèo rên: “Ngôi nhà này, với anh bên cạnh, là nơi em muốn sống trọn đời.”
Có nhiều vấn đề với bọn trẻ, dù anh không đề cập với Gabby về chúng.
Chẳng có gì ngạc nhiên, hẳn thế rồi, nhưng hầu như lúc nào Travis cũng luống cuống không biết làm sao. Christine đã hơn một lần hỏi anh mẹ nó sắp về nhà chưa, và mặc dù Travis luôn trấn an con rằng mẹ sẽ về, nhưng Christine có vẻ hoài nghi, có lẽ bởi vì Travis cũng không chắc bản thân mình tin vào điều đó. Trẻ con rất nhạy cảm, và ở tuổi lên tám, con bé đã đủ lớn để hiểu rằng thế giới không giản đơn như nó vẫn từng hình dung.
Nó là một đứa bé đáng yêu với đôi mắt sáng màu xanh, rất thích đeo những chiếc nơ trang nhã trên mái tóc. Nó muốn phòng nó lúc nào cũng phải gọn gàng và không muốn mặc quần áo không hợp màu. Nó không bao giờ gào khóc ăn vạ mỗi khi có vấn đề gì không ổn; thay vào đó, nó là kiểu trẻ con biết tự sắp xếp đồ chơi của mình và chọn lựa kỹ càng một đôi giày mới. Nhưng kể từ vụ tai nạn, nó rất dễ cáu, và giờ hay gào khóc như cơm bữa. Gia đình anh, bao gồm cả Stephanie, đã khuyên anh đi gặp chuyên gia tư vấn, cả Christine cùng Lisa đã tới đó hai lần mỗi tuần, nhưng những cơn cáu kỉnh dường như còn trở nên tệ hơn. Và tối hôm qua, khi Christine lên giường đi ngủ, phòng con bé hết sức lộn xộn.
Lisa, lúc nào cũng nhỏ hơn so với tuổi, có màu tóc giống Gabby và tính tình nói chung rất vui vẻ. Con bé có một cái chăn mà đi đâu cũng phải mang đi, hay lẽo đẽo theo sau Christine khắp nhà như một con cún con. Nó thích dán sticker lên tất cả các bìa vở, và khi về đến nhà vở bài tập ở trường của nó dán đầy những ngôi sao. Tuy nhiên, đã lâu rồi nó thường khóc cho tới lúc thiếp đi. Từ dưới cầu thang, Travis có thể nghe tiếng nó khóc qua monitor[1], và anh phải bóp sống mũi để khỏi khóc theo nó. Trong những tối ấy, anh thường phải leo lên cầu thang tới phòng các con – kể từ vụ tai nạn, một thay đổi khác là hai đứa muốn ngủ chung phòng – nằm xuống bên cạnh con, vuốt tóc nó khi nó thút thít “con nhớ mẹ” mãi không thôi, những lời buồn bã nhất mà Travis từng nghe thấy. Quá nghẹn ngào, anh chỉ nói, “Bố biết. Bố cũng vậy.”
Anh không thể bắt đầu thế chỗ của Gabby, mà anh cũng không thử làm vậy; tuy nhiên, điều đó để lại một cái hố nơi từng là chỗ của cô, một sự trống rỗng mà anh không biết phải làm sao để lấp đầy. Giống như hầu hết các cặp cha mẹ khác, trong chuyện chăm sóc con, mỗi người đều cắt ra những địa phận chuyên môn của riêng mình. Giờ anh mới hiểu, Gabby đã nhận phần trách nhiệm lớn hơn của anh rất nhiều, và giờ anh thấy hối tiếc. Có quá nhiều điều anh không biết phải làm thế nào, những điều khi Gabby làm tưởng như rất đơn giản. Những điều nhỏ nhặt. Anh có thể chải tóc cho các con, nhưng đến việc tết tóc, anh hiểu khái niệm nhưng làm được điều đó đối với anh lại không thể. Anh không biết khi Lisa nói “loại có hình quả chuối xanh da trời” là muốn nhắc tới loại sữa chua nào. Khi trời trở lạnh, anh đứng giữa lối đi của cửa hàng tạp hóa, xem xét các giá bày xi rô ho, tự hỏi nên mua vị nho hay vị anh đào. Christine không bao giờ mặc những bộ quần áo anh lấy ra. Anh không biết Lisa thích giày lóng lánh vào thứ Sáu. Anh nhận ra rằng trước vụ tai nạn, anh không biết tên thầy giáo của chúng, hay lớp chúng ở chính xác chỗ nào trong trường.
Giáng sinh là thời điểm tồi tệ nhất, vì đó luôn là ngày lễ yêu thích của Gabby. Cô yêu mọi việc liên quan tới kỳ nghỉ này: tỉa cây, trang trí, nướng bánh quy, và thậm chí là mua sắm. Travis thường ngạc nhiên không hiểu sao cô vẫn có thể giữ được tâm trạng vui tươi lúc chen qua những đám đông điên cuồng trong các cửa hàng bách hóa, nhưng đến đêm, khi các con đã lên giường và cô lôi ra những món quà với cảm giác háo hức đến hăm hở, anh sẽ cùng cô bọc lại những món quà đã mua. Lát sau, Travis sẽ giấu chúng trên gác mái.
Chẳng có gì vui vẻ trong mùa nghỉ lễ năm ngoái. Travis đã cố gắng hết sức, gượng ép niềm vui khi chẳng có gì biểu hiện. Anh cố làm mọi thứ Gabby đã làm, nhưng nỗ lực duy trì một bề ngoài hạnh phúc thật mệt mỏi, đặc biệt khi cả Christine lẫn Lisa đều không khiến cho tình hình dễ dàng hơn. Đó không phải lỗi của chúng, nhưng cả đời anh cũng không biết phải đáp lại thế nào khi điều đầu tiên trong danh sách điều ước trong ngày lễ của cả hai đứa là thỉnh cầu cho mẹ chúng được khỏe lại. Đâu phải một bộ trò chơi điện tử Leapster mới hay một ngôi nhà búp bê có thể thế được chỗ của cô.
Trong hai tuần qua, tình hình đã có vẻ tiến triển. Gần như vậy. Christine vẫn nổi cáu và Lisa vẫn khóc hàng đêm, nhưng cả hai đã thích nghi với cuộc sống trong căn nhà thiếu vắng mẹ. Khi đi học về bước vào nhà, chúng không còn gọi mẹ như thói quen của chúng; khi bị ngã trầy xước khuỷu tay, chúng sẽ tự động tới chỗ anh để tìm một miếng băng cá nhân. Trong bức tranh về gia đình mà Lisa vẽ ở trường, Travis chỉ nhìn thấy ba hình ảnh; anh đã như hụt hơi trước khi nhận ra rằng có một hình người khác nằm ngang ở góc bức tranh, một người có vẻ gần như được thêm vào sau khi nghĩ đi nghĩ lại. Chúng không còn hỏi nhiều về mẹ như trước, hiếm khi chúng tới thăm cô. Tới đó với chúng thật nặng nề, vì chúng không biết nói gì hay thậm chí phải hành xử ra sao. Travis hiểu điều đó và cố làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn. “Các con cứ nói chuyện với mẹ đi,” anh bảo chúng, và chúng sẽ cố, nhưng những lời của chúng cứ nhỏ dần rồi bặt hẳn khi chẳng có câu trả lời tiếp sau.
Thông thường, khi chúng tới thăm, Travis để chúng mang theo gì đó – những hòn đá xinh xắn chúng tìm thấy trong vườn, những chiếc lá chúng đã dát mỏng, những tấm thiếp tự làm được trang trí bằng nhũ. Nhưng ngay cả những món quà cũng đầy bất an. Lisa sẽ đặt quà của nó trên bụng Gabby rồi lùi ra xa; một lát sau, nó sẽ di món quà lại gần tay của Gabby hơn. Sau đó, con bé nhấc món quà tới mép bàn. Christine, trái lại, sẽ di chuyển không ngừng. Nó hết ngồi trên giường lại đứng bên cửa sổ, chăm chú nhìn gương mặt mẹ, trong suốt thời gian đó, nó sẽ chẳng nói lời nào.
“Hôm nay ở trường có chuyện gì không con?” Travis hỏi nó trong lần gần đây nhất nó đến thăm. “Bố chắc chắn mẹ muốn nghe tất cả chuyện đó.”
Thay vì trả lời, Christine đã quay về phía anh. “Tại sao ạ?” nó hỏi, giọng nó chứa đựng sự phản đối buồn bã. “Bố biết thừa mẹ không thể nghe thấy con.”
Có một quán ăn tự phục vụ ở tầng trệt bệnh viện, hầu như ngày nào Travis cũng tới đó, chủ yếu để nghe những giọng nói khác ngoài giọng nói của chính mình. Thông thường, anh tới đó vào khoảng giờ ăn trưa, và suốt vài tuần qua, anh đã lui tới nhiều đến mức nhận mặt được hết khách quen của quán. Hầu hết đều là nhân viên bệnh viện, nhưng có một người phụ nữ luống tuổi dường như có mặt trong tất cả những lần anh tới. Dù chưa bao giờ nói chuyện với bà, song anh được biết qua Gretchen rằng khi Gabby nhập viện thì chồng người phụ nữ đó đã nằm trong khu chăm sóc đặc biệt rồi. Gì đó liên quan tới những biến chứng của bệnh đái tháo đường, và cứ hễ nhìn thấy người phụ nữ ăn xúp ở đó, anh lại nghĩ tới chồng bà ở tầng trên. Dễ dàng tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất: một bệnh nhân gắn tển người hàng tá máy móc, những ca phẫu thuật liên miên, có thể đã bị cắt bỏ vài bộ phận cơ thể, một người đàn ông hầu như không còn bấu víu được sự sống. Đó không phải chuyện của anh để mà hỏi thăm, thậm chí anh còn không chắc mình muốn biết sự thật chỉ vì cảm giác dường như anh không thể tập trung nổi sự quan tâm mà anh biết mình cần phải bày tỏ. Khả năng thông cảm, với anh, dường như đã mất.
Dẫu vậy, anh vẫn quan sát bà, tò mò về những gì mình có thể học được từ bà. Trong khi những cơn co thắt dạ dày dường như không bao giờ lắng xuống đủ để anh có thể nuốt thêm gì ngoài vài ba miếng, thì bà không chỉ ăn hết bữa của mình mà xem ra còn rất ngon miệng. Trong khi anh cảm thấy không thể tập trung lâu vào điều gì khác ngoài những nhu cầu cá nhân và sự tồn tại hàng ngày của các cô con gái, thì bà đọc tiểu thuyết suốt bữa trưa, và hơn một lần, anh trông thấy bà khẽ bật cười trước đoạn văn đã làm bà thích thú. Không giống anh, bà vẫn giữ được khả năng tươi cười, nụ cười bà sẵn sàng trao cho ai đó ngang qua bàn của mình.
Đôi khi, trong nụ cười ấy, anh nghĩ mình có thể nhận ra dấu vết của sự cô đơn, cùng lúc đó anh lại quở trách bản thân vì đã tưởng tượng ra một điều gì đó có khi còn không tồn tại. Anh không thể không thắc mắc về cuộc hôn nhân của bà. Vì ở tuổi bà, anh cho rằng họ đã kỷ niệm đám cưới bạc, thậm chí là vàng. Hầu như chắc chắn họ có những đứa con, dù anh chưa bao giờ nhìn thấy. Nhưng ngoài vậy ra, anh không thể trực cảm điều gì khác. Anh tự hỏi không biết họ có hạnh phúc, vì dường như bà đã đối diện với căn bệnh của chồng mình một cách bình thản, trong khi anh bước đi trên hành lang của bệnh viện mà cảm thấy như chỉ sảy chân một bước cũng sẽ khiến anh ngã vật xuống nền nhà.
Anh thắc mắc, ví dụ như, không biết đã bao giờ chồng bà trồng cho bà những khóm hoa hồng, một điều Travis đã làm cho Gabby khi cô lần đầu tiên mang thai Christine. Travis còn nhớ dáng vẻ của cô khi cô ngồi trên hiên, một tay đặt trên bụng, lên tiếng rằng sân sau cần phải có hoa. Đắm đuối nhìn khi cô nói vậy, Travis biết từ chối yêu cầu của cô cũng khó khăn như thở dưới nước vậy, dù cho khi trồng xong những khóm cây, hai bàn tay anh sây sát cùng những đầu ngón tay rướm máu, hoa hồng đã nở rộ vào ngày Christine ra đời. Anh đã mang một bó hoa vào viện.
Anh tự hỏi liệu chồng bà có nhìn bà từ khóe mắt như cách Travis nhìn Gabby trong lúc bọn trẻ nô đùa trên những xích đu ở công viên. Anh yêu khuôn mặt của Gabby khi nó bừng lên niềm kiêu hãnh. Thường thường, anh sẽ nắm lấy bàn tay cô, cảm giác vĩnh viễn không buông rời.
Anh tự hỏi có phải điều đầu tiên chồng bà thấy vào buổi sáng là vẻ đẹp của bà với mái tóc bù xù, điều mà Travis luôn cảm thấy khi anh trông thấy Gabby. Đôi khi, bất chấp những bộn bề đã định trước luôn song hành cùng buổi sáng, họ vẫn cố nằm vậy trong vòng tay nhau thêm vài phút, như để tập trung sức mạnh đối mặt với một ngày sắp đến.
Travis không biết liệu có phải hôn nhân của anh đã may mắn một cách đặc biệt, hay tất cả các cuộc hôn nhân khác đều như vậy. Tất cả những gì anh biết là thiếu Gabby anh sẽ hoàn toàn lạc lối, trong khi những người khác, bao gồm cả người phụ nữ trong quán ăn tự phục vụ kia, bằng cách nào đó đã tìm thấy sức mạnh để bước tiếp. Anh không biết mình nên ngưỡng mộ người phụ nữ đó hay cảm thấy tiếc cho bà. Anh luôn quay đi trước khi bị bà bắt gặp đang nhìn. Đằng sau anh, một gia đình thong thả bước vào, vui vẻ chuyện trò, mang theo những quả bóng bay; ở quầy thu ngân, anh trông thấy một chàng trai đang lục ví tìm tiền lẻ. Travis đẩy khay đồ ăn của mình sang bên, cảm thấy khó ở. Chiếc bánh kẹp của anh mới hết được phân nửa. Anh suy nghĩ có nên mang nó lên phòng nhưng nhận ra nếu có mang lên anh cũng ăn không hết. Anh quay về phía cửa sổ.
Quán ăn tự chọn nhìn xuống một khu cây xanh nhỏ, và anh quan sát vạn vật đang thay đổi ngoài đó. Chẳng mấy chốc mùa xuân sẽ tới nơi này, anh hình dung ra những chồi non đang hé nhú lên trên những cây sơn thù du. Trong vòng ba tháng qua, chính tại đây anh đã chứng kiến đủ mọi kiểu thời tiết. Anh đã ngắm mưa, ngắm nắng, trông thấy những ngọn gió có vận tốc trên năm mươi dặm một giờ làm oằn những cây thông ở đằng xa đến độ gần như gãy hẳn. Ba tuần trước, anh đã thấy mưa đá rơi xuống từ bầu trời, theo sau chỉ vài phút là một chiếc cầu vồng ngoạn mục dường như đóng khung hình ảnh những bụi đỗ quyên. Những sắc màu, rực rỡ đến độ gần như sống động, khiến anh nghĩ rằng thiên nhiên đôi khi gửi cho chúng ta những thông điệp, rằng điều quan trọng phải nhớ đó là niềm hạnh phúc luôn có thể theo sau nỗi tuyệt vọng. Nhưng chỉ một lát sau, khi cầu vồng tan biến và mưa đá quay trở lại, anh nhận ra hạnh phúc đôi khi chỉ là ảo ảnh mà thôi.
Chú thích
[1] Baby monitor: một loại thiết bị thu âm hoặc hình ảnh trực tiếp giúp cha mẹ biết con họ đang làm gì hi họ không có bên cạnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.